Catherine Shanahan là một bác sĩ, tiến sĩ chuyên ngành y sinh, và chuyên gia dinh dưỡng học hàng đầu thế giới với cách tiếp cận mang tính cách mạng liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Đặc biệt, trong cuốn sách Dinh dưỡng chuyên sâu, Bác sĩ Catherine Shanahan đã chỉ ra những nguy hiểm của nhiều chế độ ăn uống hiện đại và cách mà chúng tạo thành ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể của chúng ta. Đồng thời, Bác sĩ Catherine Shanahan cũng đề xuất nhiều chế độ ăn truyền thống tưởng chừng đã lỗi thời và phản khoa học, nhưng thực ra lại có thể giúp chúng ta cải thiện nhiều vấn đề về sức khoẻ, sống thọ hơn, và thậm chí là giúp cải thiện bộ gen của thế hệ tiếp theo.
Cuốn sách Dinh dưỡng chuyên sâu cung cấp cho độc giả ba lời khuyên cơ bản và quan trọng liên quan đến chế độ ăn uống, bao gồm:
Lời khuyên thứ nhất: Thuốc và thực phẩm chức năng đang ngày càng tốt hơn, nhưng chúng không thể giúp loại bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực của chế độ dinh dưỡng thiếu phù hợp lên sức khoẻ con người
Con người đang ngày càng sống thọ hơn nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y sinh, mà đáng chú ý nhất chính là vắc-xin và thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại cũng đặt ra một vấn đề mới, khiến tuổi thọ trung bình của con người rất khó để tiếp tục gia tăng - đó là việc những căn bệnh “tuổi già” đang ngày càng trẻ hoá.
Cụ thể, nhiều căn bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường, hay viêm khớp, đang ngày càng trở nên phổ biến ở những người trong độ tuổi 40 - 50, mặc dù trước kia thì chúng chỉ thường được gặp trong nhóm đối tượng người cao tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này, chính là do chế độ ăn uống và sinh hoạt hiện đại của con người hoàn toàn không phù hợp với cách mà cơ thể chúng ta được thiết kế vận hành bởi tự nhiên.
Đặc biệt, nhiều tư duy sai lầm trong lĩnh vực dinh dưỡng đã khiến chúng ta “sợ” chất béo bão hòa và cholesterol, dẫn tới nhiều loại thực phẩm tự nhiên như mỡ động vật, kem hay trứng đã bị chúng ta thay thế bởi những loại thực phẩm kém dinh dưỡng hơn nhưng được tin rằng “tốt hơn cho sức khỏe”. Một ví dụ tiêu biểu nhất trong việc này là chúng ta đã thay thế mỡ động vật bằng bơ thực vật, mặc dù trong bơ thực vật chứa rất nhiều thành phần chất béo chuyển hóa transfats - yếu tố đóng góp quan trọng dẫn tới chứng xơ vữa động mạch.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng thường được khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm chức năng, nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, mặc dù nhiều thành phần dinh dưỡng thay thế có trong thực phẩm chức năng không được cơ thể dễ dàng hấp thụ như các thành phần dinh dưỡng tự nhiên tương đương.
Lời khuyên thứ hai: Hãy tránh xa dầu thực vật và những thực phẩm có bổ sung thêm đường, bởi chúng là thủ phạm chính gây tổn hại cơ thể của bạn
Theo Bác sĩ Catherine Shanahan thì trái ngược với niềm tin của nhiều người, dầu thực vật là một loại thực phẩm có hại mà chúng ta nên tránh sử dụng. Như đã đề cập, phần lớn các loại dầu thực vật thông thường đều chứa nhiều thành phần chất béo chuyển hóa transfats, và việc tiêu thụ chúng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống chống oxy hóa của cơ thể.
Khi cơ chế chống oxy hóa hoạt động kém hiệu quả, thì quá trình oxy hoá sẽ tạo thành nhiều gốc tự do có hại hơn, và chúng chính là nguyên nhân gây tổn hại cấu trúc tế bào của cơ thể, đặc biệt là bộ não, nơi vốn đã chứa nhiều thành phần chất béo không bão hoà và dễ bị oxy hoá.
Một loại thực phẩm khác mà bạn cần tránh xa là đường và những sản phẩm chứa nhiều đường. Bởi việc tiêu thụ đường thiếu hợp lý sẽ gây tổn hại tới phần lớn mọi bộ phận trong cơ thể con người. Thậm chí, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính gây nghiện của đường còn cao hơn cả vài loại ma tuý.
Đặc biệt, đường có thể ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều loại dây thần kinh trong não bộ con người, kiểm soát sự hình thành của các cấu trúc dẫn truyền thần kinh, dẫn tới nhiều chứng bệnh liên quan đến thần kinh như loạn trí tuổi già. Ngoài ra, việc tiêu thụ đường thiếu hợp lý cũng đã được xác định là yếu tố tiêu cực, gây ra căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, hay ung thư.
Lời khuyên thứ ba: Hãy tập trung vào bốn nhóm thực phẩm quan trọng là rau củ tươi, nội tạng động vật, thực phẩm lên men hoặc nảy mầm, và thịt còn xương
Bên cạnh những thứ thực phẩm nên tránh, thì Bác sĩ Catherine Shanahan cũng đưa ra bốn nhóm thực phẩm quan trọng, được coi là trụ cột của “Chế độ ăn uống của loài người”, đó là thực phẩm tươi sống, nội tạng động vật, thực phẩm lên men hoặc nảy mầm, và thịt còn xương.
Cụ thể, thịt còn xương không chỉ ăn ngon miệng hơn, mà trong quá trình chế biến thì phần xương cũng sẽ giải phóng một lượng nhất định khoáng chất vào trong thịt, khiến cho thịt trở nên dinh dưỡng hơn. Tương tự, nội tạng động vật khoẻ mạnh cũng chứa thành phần dinh dưỡng cao hơn cả hoa quả và rau củ, đặc biệt là phần gan. Đồng thời thành phần dinh dưỡng có trong mỗi loại nội tạng đều có tác dụng nuôi dưỡng những bộ phận tương ứng trong cơ thể con người. Hay như cách nói dân gian Việt Nam, chính là “ăn gì bổ nấy”!
Thực vật nảy mầm là một nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng khác, do quá trình nảy mầm đã giúp giải phóng các thành phần dinh dưỡng có trong hạt, giúp cơ thể con người dễ hấp thụ hơn mà không cần trải qua chế biến sâu. Tương tự, hoạt động của vi sinh vật là yếu tố giúp thực phẩm lên men dễ dàng được cơ thể chúng ta tiêu hoá hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là rau củ tươi, bởi đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều thành phần chất chống oxy hoá quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là khi còn tươi và được ăn sống. Một số loại rau củ mà bạn nên lựa chọn là ớt, bông cải xanh, cần tây, và tỏi.
Nếu bạn muốn xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và cải thiện sức khỏe không chỉ cho bản thân bạn mà còn cho thế hệ sau trong tương lai, hãy dành 2 tiếng mỗi ngày để nghiên cứu những giá trị thiết thực trong cuốn sách Dinh dưỡng chuyên sâu nhé!