Tác giả: John Warrillow
Dịch giả: Nguyễn Mai Khanh - Alphabooks - 2020
“Đừng bao giờ sợ hãi khi lựa chọn từ chối một dự án nào đó. Hãy chứng minh quyết tâm trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định của bản thân thông qua từ chối những công việc nằm ngoài lĩnh vực đó. Càng từ chối nhiều người, thì bạn càng có nhiều cơ hội nhận được lời giới thiệu tới những người thực sự cần đến sản phẩm hay dịch vụ mà bản thân cung cấp.”
- John Warrillow
John Warrillow là một nhà khởi nghiệp và chuyên gia tư vấn người Mỹ, đồng thời cũng là tác giả của bộ ba cuốn sách nổi tiếng về xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp: Đừng bán khi chưa được giá, Kinh doanh dựa trên thành viên, và Nghệ thuật chuyển nhượng doanh nghiệp. Kênh radio Đừng bán khi chưa được giá của John Warrillow được Forbes đánh giá là một trong mười chương trình podcast hay nhất dành cho các chủ doanh nghiệp.
Đúc kết lại kinh nghiệm bốn lần khởi nghiệp và bốn lần chuyển nhượng thành công của chính bản thân John Warrillow, Đừng bán khi chưa được giá là cuốn cẩm nang hướng dẫn độc giả trong việc xây dựng một công ty mà bạn có thể dễ dàng chuyển nhượng lại được sau khi đã đạt được những thành công nhất định. Từ đó, người làm chủ có thể thu về khoản lợi nhuận lớn cho phép bạn hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính, để thảnh thơi nghỉ ngơi cả đời, hoặc tiếp tục theo đuổi các ý tưởng thú vị khác.
Dưới đây là ba bài học quan trọng mà độc giả có thể rút ra sau khi đọc cuốn sách Đừng bán khi chưa được giá:
Bài học thứ nhất: Để gia tăng khả năng thành công, hãy tập trung vào phát triển một mảng dịch vụ nhất định
Theo John Warrillow, nguồn lực của bạn luôn có hạn. Bởi vậy, nếu lựa chọn phát triển quá mức dàn trải theo những hướng khác nhau, thì đến cuối cùng kết quả của tất cả cũng chỉ dừng ở mức tầm thường mà thôi. Ngược lại, nếu lựa chọn tập trung vào duy nhất một mảng nhất định và trở thành người dẫn đầu, thì bạn sẽ thu lại được lợi ích lớn hơn nhiều.
Nguyên nhân là bởi, khi tập trung vào duy nhất một mảng nhất định, bạn sẽ dễ dàng phát triển doanh nghiệp của mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó, và trở nên vượt trội hơn hẳn so với những đối thủ cạnh tranh khác. Nhờ vậy, bạn sẽ dần thu hút được nhiều khách hàng hơn, đồng thời cũng dễ dàng đàm phán mức giá cao hơn cho dịch vụ mà bản thân đem lại - bao gồm cả việc chuyển nhượng doanh nghiệp khi bạn cảm thấy phù hợp.
Bên cạnh đó, một khía cạnh khác được John Warrillow đề cập đến, chính là tầm quan trọng của nhân sự chất lượng cao. Vào giai đoạn khởi nghiệp ban đầu, bạn chưa sở hữu đủ nguồn vốn và danh tiếng để tuyển dụng hàng loạt nhân sự chất lượng cao, vì vậy việc tập trung vào duy nhất một lĩnh vực cụ thể sẽ cho phép bạn dễ dàng tìm kiếm được nhân sự phù hợp hơn. Đây chính là một yếu tố quan trọng giúp bạn gia tăng cơ hội thành công của chính bản thân!
Bài học thứ hai: Khi bắt đầu xây dựng một công ty, hãy lên kế hoạch để nó có thể tiếp tục vận hành hiệu quả ngay cả khi không có bạn
Nếu bạn có kế hoạch chuyển nhượng lại doanh nghiệp khởi nghiệp của bản thân trong tương lai, ngay tại thời điểm bắt đầu, hãy đảm bảo rằng chính mình không trở thành nhân tố then chốt trong việc vận hành của công ty.
Điều này nói dễ hơn làm. Bởi vào giai đoạn khởi đầu, hầu hết mọi người đều muốn theo sát mọi việc, và tham gia vào mọi quyết định dù lớn hay nhỏ của doanh nghiệp mà bản thân sáng lập. Dù sao thì, sau khi đã đầu tư cả tiền bạc và tâm huyết của mình vào công ty, bạn hẳn nhiên sẽ mong muốn nó tạo ra được những sản phẩm tốt nhân và đem lại lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, một khi đã tham gia quá sâu vào hoạt động thường ngày của công ty, thì bạn sẽ rất khó thoát ra được. Một khi khách hàng đã quen thuộc làm việc với bạn, thì việc thay đổi đầu mối liên hệ khác sẽ dễ dàng khiến họ cảm thấy không thoải mái, và thậm chí là thiếu niềm tin và thiếu tôn trọng. Nếu nhân viên của bạn đã quen thuộc với việc kiểm tra mọi quyết sách dù lớn hay nhỏ với bạn, họ sẽ dễ dàng trở nên thiếu tự chủ và không dám đứng ra xử lý trong những tình huống khẩn cấp.
Đến cuối cùng, chính bạn sẽ trở thành rào cản ngăn cản sự phát triển của công ty. Vì bạn sẽ chẳng còn thời gian để tiếp xúc với những khách hàng tiềm năng, hay khám phá những cơ hội mới.
Đồng thời, khi đó bạn cũng sẽ chẳng còn thời gian rảnh rỗi để dành cho bản thân hay gia đình nữa. Do một khi bạn vắng mặt thì mọi hoạt động của công ty cũng sẽ trở nên ngưng trệ.
Bài học thứ ba: Đừng để bản thân phụ thuộc vào một khách hàng lớn duy nhất. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp của bạn trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt những nhà đầu tư
Để thuyết phục thành công những nhà đầu tư chấp nhận chuyển nhượng với mức giá kỳ vọng, bạn cần phải thuyết phục được họ rằng, doanh nghiệp của mình vẫn đang tiếp tục phát triển, và lợi nhuận mà nó thu về vẫn trên đà gia tăng. Bởi vậy, rất tự nhiên khi bạn cố gắng theo đuổi các khách hàng lớn, do đây chính là cách tốt nhất để thu được những đơn hàng với giá trị cao và lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, John Warrillow khuyên bạn hãy chú ý đừng quá mức phụ thuộc vào nhóm khách hàng này.
Nguyên nhân thứ nhất được John Warrillow đưa ra là, việc phụ thuộc vào một khách hàng lớn sẽ tạo thành mối nguy cơ đối với khả năng quay vòng vốn của bạn. Hãy tưởng tượng mà xem, trong trường hợp một khách hàng chiếm 40% doanh thu của bản thân bỗng nhiên chậm thanh toán. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng bạn trả lương nhân viên đúng hạn?
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào một khách hàng lớn cũng sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng mới. Mỗi khi đưa ra đề nghị mức giá cao hơn hay thời gian hoàn thành dự án dài hơn, bạn đều sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất nguồn doanh thu chủ chốt của công ty.
Đồng thời, khi buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu từ phía khách hàng quan trọng đó, thì không chỉ bạn mà toàn bộ đội ngũ nhân sự của công ty cũng sẽ buộc phải chịu nhiều áp lực hơn - bao gồm phải làm thêm giờ, hay phải làm việc cuối tuần. Tuy nhiên, môi trường làm việc quá áp lực thường sẽ khiến bạn khó giữ chân những nhân tài thực sự, và điều này hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng tới khả năng phát triển của công ty trong dài hạn.
Trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng, tất cả những yếu tố nêu trên đều là điểm trừ khiến doanh nghiệp của bạn trở nên kém hấp dẫn hơn. Bởi vậy, ngay khi có thể, hãy lập tức đa dạng hóa nguồn thu của bản thân thông qua những lời khuyên hữu ích trong cuốn Đừng Bán Khi Chưa Được Giá nhé!