Tác giả: Mark Freestone.
Trước tiên có một câu hỏi như sau: một tên giang hồ đòi nợ thường ra tay không thương tiếc với con nợ, một doanh nhân miệng lưỡi lưu loát có khuynh hướng lừa đảo, một cậu bé chuyên bám váy mẹ không có khả năng tự chăm sóc bản thân; điểm chung giữa ba nhân vật trên là gì?
Có vẻ như ba người đó khó mà có điểm gì giống nhau. Nhưng câu trả lời, thật bất ngờ: tất cả họ đều là đối tượng dễ mắc chứng thái nhân cách.
Như vậy, khác với những gì thường thấy trên truyền thông, những người mắc chứng thái nhân cách không phải luôn giống nhau. Trái lại, họ là những cá thể phức tạp với những kinh nghiệm, niềm tin và động lực riêng của mình.
Cuốn sách Giải Mã Hành Vi Người Mắc Chứng Thái Nhân Cách của tác giả Mark Freestone lý giải nguyên nhân bài kiểm tra chứng thái nhân cách hay bị sai sót, chỉ ra những yếu tố góp phần gây bệnh và giải đáp việc liệu bệnh nhân có phục hồi được không. Với mục đích làm sáng tỏ những hiểu lầm lâu nay về chứng rối loạn này, tác giả mong bạn đọc sẽ có cái nhìn cảm thông hơn với những bệnh nhân không may.
Người mắc chứng thái nhân cách rất dễ có hành vi bạo lực
Chúng ta hãy xem xét câu chuyện của Ben.
Ben cùng vài đồng phạm bị bắt khi đột kích một xe tải chở tiền – kế hoạch khá viển vông do cha dượng của Ben lập ra và rõ ràng đã thất bại.
Sau khoảng thời gian thụ án, Ben được thả. Nhưng vừa tự do được hai tuần, anh liền lập mưu trả thù cha dượng vì tin rằng ông ta gài bẫy mình. Ben đến nhà cha dượng, cùng một chiếc túi to đựng đầy những dụng cụ sắt nhọn như búa, cưa và dao.
Nhưng người cha dượng đó chưa tới số, vì Ben tình cờ gặp bạn cũ trên đường và cả hai đi uống rượu cùng nhau. Ben kể bạn nghe về kế hoạch ghê gớm kia và người bạn này đã thuyết phục anh xem xét lại. Hai người uống rượu đến khuya, lúc ra về, người bạn lỡ miệng trêu chọc Ben là đồ chết nhát vì không dám giết người. Cơn giận bột phát, Ben rút búa ra đánh bạn đến chết.
Rõ ràng, Ben đã mắc chứng thái nhân cách với đầy đủ các dấu hiệu: ít khi hối hận, không chịu trách nhiệm cho hành động sai trái của mình; ra tay tàn nhẫn chỉ vì bị tự ái; tự thấy mình là đúng và bản thân có quyền trả đũa những người đối xử không phải với anh ta.
Với những câu chuyện như vậy, người ta thường tự hỏi: Sao có kẻ nhẫn tâm đến thế?
Nguyên nhân nằm ở chỗ, những người thái nhân cách hoàn toàn thiếu khả năng cảm nhận rằng bất cứ ai cũng có giá trị riêng. Từ đó, ta có thể lý giải tất cả những đặc điểm điển hình của người mắc chứng thái nhân cách, từ việc không có lòng cảm thông đến khuynh hướng thích làm tổn thương và thao túng người khác.
Ngoài ra, còn phải “mổ xẻ” yếu tố tâm lý đặc biệt, như Ben có “cái tôi” siêu mong manh và dễ bùng nổ cơn bốc đồng.
Gen di truyền cùng với những tổn thương đầu đời góp phần hình thành nên chứng thái nhân cách
Khi tiến hành chụp MRI não những người thái nhân cách, dữ liệu cho thấy có hai vùng não có khả năng kích hoạt thấp hơn đáng kể so với người thường. Đầu tiên là vỏ não trước trán chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định đúng đắn và dự đoán phản ứng của người khác với hành động của ta. Thứ hai là hạch hạnh nhân, liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc.
Chính vì vậy, người thái nhân cách không thể nhận biết những cảm xúc trên khuôn mặt, như sợ hãi, ghê tởm và buồn bã. Vì không hiểu biểu cảm của người khác, nên họ không biết cách biểu lộ sự cảm thông hay hồi đáp sao cho phù hợp.
Có vẻ như ta đã xác định được gốc rễ vấn đề ở phương diện thần kinh. Thế nhưng không phải ai có não trạng như trên cũng là tội phạm nguy hiểm. Trường hợp của tiến sĩ James Fallon đã chứng minh điều đó. Ông là một học giả đáng kính và là giáo sư tâm lý học thần kinh. Một hôm, khi xem qua các bức ảnh chụp não trong một dự án nghiên cứu của mình, ông bắt gặp một bức ảnh đặc biệt khác thường, cả vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân đều biểu thị khả năng kích hoạt thấp nghiêm trọng.
Ý nghĩ đầu tiên của tiến sĩ Fallon là “ồ, đây là một người bị tâm thần” nhưng khi xem hồ sơ thì ông nhận ra đó là hình ảnh chụp não của… chính ông.
Xét nghiệm ADN, còn cho thấy tiến sĩ Fallon có phiên bản hiếm của gen MAOA, thường thấy ở những tên sát thủ hàng loạt, mà thực tế ông còn có vài người họ hàng xa cũng từng phạm tội giết người.
Thế nhưng những phát hiện trên không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của ông, trái lại còn giúp ông lấn sân sang lĩnh vực viết sách báo. Qua đó, ta thấy rằng, gen di truyền không quyết định tất cả. Thật vậy, những trải nghiệm đầu đời cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Hiếm có tội phạm tâm thần nào được hưởng một tuổi thơ yên bình hạnh phúc. Hầu hết những người thái nhân cách có hành vi bạo lực, đều lớn lên trong hoàn cảnh phức tạp, bị bỏ bê hoặc lạm dụng.
Tóm lại, để trả lời câu hỏi điều gì gây nên chứng thái nhân cách, thì phải xét đến sự tương tác phức tạp giữa gen và trải nghiệm đầu đời – hai yếu tố góp phần hình thành bộ não ở người trưởng thành.
Nhà tù khiến người thái nhân cách ma mãnh hơn và khó kiểm soát hơn
Khi ở trong tù, người thái nhân cách sẽ tìm đủ mọi cách để thoát ra. Khi đó, họ sẽ càng thêm tinh vi. Để hiểu rõ hơn, cùng xem câu chuyện của Paul.
Paul sinh trưởng trong gia đình giang hồ có máu mặt, từ nhỏ đã bước chân vào thế giới băng đảng tội phạm, làm nhiều việc: đòi nợ cho những kẻ cho vay nặng lãi, tra tấn để con nợ phải nhả tiền; buôn bán ma túy, lợi dụng thao túng con nghiện bắt họ nghe lời. Paul thực sự giỏi thao túng, biết sử dụng người khác như phương tiện trục lợi cho bản thân. Bên cạnh đó, anh ta đẹp trai, hoạt bát và giỏi tỏ vẻ quan tâm. Nếu không biết gì về quá khứ của anh ta, bạn thậm chí còn thấy Paul thật thu hút. Anh ta đã quyến rũ được Louise, một trong những sĩ quan cấp cao nhất trong nhà tù.
Ban đầu chỉ là những lời khen vu vơ, rồi Paul thuyết phục cô mang tạp chí từ nhà đến cho anh. Dần dần là những món quà lớn hơn như đĩa CD, thuốc lá, phim khiêu dâm. Nhà tù đầy camera an ninh mà họ vẫn có thể làm tình trong phòng giặt ủi. Louise còn đều đặn cung cấp một số mặt hàng để Paul bán trong tù. Khi sự việc vỡ lở, sự nghiệp của Louise tiêu tan.
Qua Paul, ta có thể thấy người thái nhân cách có khả năng đặc biệt trong việc phá vỡ các tiêu chuẩn đạo đức ở nơi giam giữ họ. Bất kỳ ai, dù có kinh nghiệm đến đâu, khi tiếp cận người thái nhân cách, cũng có nguy cơ bị tổn hại.
Bài kiểm tra thái nhân cách có thể đưa đến kết quả thiếu chính xác
Có những người không cố tình gây tội ác, mà hành vi chống đối xã hội của họ chẳng qua là kết quả của đời sống cực kỳ đen đủi. Đó là trường hợp của Danny.
Danny là trẻ mồ côi, lúc nhỏ thường xuyên bị luân chuyển từ gia đình này sang gia đình khác. Bị hắt hủi liên tục, anh gặp vấn đề tâm lý và có hành vi kém. Ở tuổi thiếu niên, Danny bắt đầu tự làm hại bản thân bằng cách rạch nát mặt và cơ thể, để lại những vết sẹo mà ai nhìn cũng thấy sợ.
Đến tuổi đôi mươi, Danny nhận án tù vì tội dùng dao tấn công cha xứ. Nhà tù càng khiến Danny tự làm hại bản thân nhiều hơn nữa. Anh bị biệt giam trong một căn phòng trống không, để tránh việc anh biến những vật dụng thông thường thành vũ khí hại chính mình.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào ngày người ta phát hiện Danny nằm khỏa thân một mình trên giường trong phòng cách ly. Anh dùng máu từ vết thương trên chân để vẽ đầy lên bốn bức tường các biểu tượng ngoại giáo có hình như ngôi sao năm cánh.
Danny được chẩn đoán là mắc chứng thái nhân cách. Nhưng các triệu chứng của anh ta – không biết rõ danh tính của mình, cảm xúc không ổn định, bốc đồng – giống rối loạn nhân cách ranh giới hơn là thái nhân cách. Triệu chứng và chẩn đoán không khớp với nhau, sao một người gặp tình trạng cảm xúc bất ổn lại mắc chứng bệnh liên quan đến việc thiếu cảm xúc đến mức nhẫn tâm?
Chẩn đoán trên đến từ kết quả bài kiểm tra thái nhân cách, vốn được sử dụng bởi các nhà tâm lý học trên khắp thế giới. Bài kiểm tra không chỉ xoay quanh tâm lý của bệnh nhân, mà rất nhiều câu hỏi liên quan đến tiền sử tội phạm và hành vi chống đối xã hội của bệnh nhân. Những người có hành vi chống đối như Danny có thể đạt điểm đủ cao trong bài kiểm tra, để dẫn đến kết quả chẩn đoán mắc chứng thái nhân cách, cho dù họ không có những đặc điểm tâm lý điển hình.
Vì lý do này, cần xem xét thật cẩn thận trước khi kết luận một người có mắc chứng thái nhân cách hay không.
Thái nhân cách ở nữ giới có biểu hiện khác với nam giới
Trong khi thái nhân cách ở nam giới biểu hiện qua việc gây tội ác, thì ở nữ giới tập trung vào việc kiểm soát và thao túng các mối quan hệ. Vì bài kiểm tra thái nhân cách thiên về hành vi tội phạm, nên ít phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này.
Tuy nhiên câu chuyện của Angela Simpson lại đặc biệt, vì cô có những đặc điểm thái nhân cách điển hình ở nam giới. Cô quen Terry Neely, một cựu tù nhân 46 tuổi ngồi xe lăn. Một hôm, Neely buột miệng tiết lộ anh từng chỉ điểm cho cảnh sát và mách lẻo về bạn tù. Anh thật sai lầm khi kể Angela nghe vì đó là hai việc cô hết sức khinh bỉ.
Vài ngày sau, Angela rủ Neely qua nhà cô chơi và vờ như cả hai sẽ ân ái. Khi anh đến, cô thuyết phục anh để xe lăn ở ngoài. Ngay khi Neely bước vào nhà, Angela trói anh vào một chiếc ghế đặt đối diện tấm gương. Cô tra tấn anh suốt hai ngày, cuối cùng đốt thi thể bầm dập của anh rồi ném vào một thùng rác.
Ngoài tính chất dã man, vụ việc của Angela còn đáng chú ý ở chỗ, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình khi đang diễn ra xét xử, cô đều nhận tội và còn đùa giỡn với cánh báo chí, thậm chí tỏ ra thích thú ánh đèn sân khấu.
Mặc dù tỷ lệ phục hồi thấp nhưng trị liệu tâm lý có thể giúp cải thiện chứng thái nhân cách
Bên cạnh những kẻ thái nhân cách không thể tha thứ như Angela, thì cũng có những trường hợp phạm lỗi chỉ vì đã không được giáo dục đầy đủ và chúng ta nên tạo cơ hội cho họ. Ví dụ như Eddie. Anh sống ở khu phố nghèo phía đông London, cuộc sống gia đình bấp bênh, thường xuyên bị cha dượng bạo hành. Kết quả là anh có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả tính khí bạo lực.
Một đêm say rượu, Eddie hãm hiếp một phụ nữ trên phố. Sau đó anh trai của cô gái kia đi tìm Eddie “tính sổ”. Trong trận ẩu đả, Eddie đâm chết người kia và bị kết tội ngộ sát, ngồi tù 16 năm.
Trong tù, Eddie bắt đầu tham gia các buổi trị liệu hàng tuần của một nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng. Dần dần anh học được cách làm chủ cơn giận. Khi có nguy cơ xung đột, anh sẽ bỏ đi. Anh không để bản thân mất kiểm soát nữa và cuối cùng đã có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện Eddie 50 tuổi, sống trong một ngôi nhà ở phía bắc London. Anh có công ăn việc làm và nuôi hai chú cún con. Từ khi ra tù, anh quyết tâm làm lại cuộc đời.
Có thể không phải ai cũng may mắn như Eddie, nhưng sự hồi phục của anh thắp lên những tia hy vọng cho người thái nhân cách. Nếu được hỗ trợ đúng cách, họ sẽ có thể nói lời tạm biệt với chứng rối loạn này.
Người mắc chứng thái nhân cách thường gây đau khổ cho những người xung quanh. Thông qua cuốn sách, tác giả đã phần nào gửi gắm thông điệp: thay vì chỉ trích thì hãy rộng lòng cho họ một cơ hội. Bởi lẽ, đa phần người thái nhân cách bị lạm dụng hoặc bỏ rơi, không nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc mà lẽ ra ai cũng xứng đáng được nhận.