Cuộc chính biến tháng 8/1991 ở Liên Xô đặt dấu chấm hết cho Liên bang Soviet đã để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp đủ sức thuyết phục. Là những thành viên của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, trực tiếp tham gia vào sự kiện tháng 8, đồng thời lại là những người bị kết tội phản bội, V. Pavlov - nguyên Thủ tướng cuối cùng của Liên Xô, với “Gorbachev - bạo loạn, sự kiện tháng tám nhìn từ bên trong", A. Lukianov - nguyên Chủ tịch Soviet tối cao Liên Xô với “Cuộc đảo chính tưởng tượng hay có thật", và V. Kryuchkov- nguyên Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) với “Vị đại sứ của nỗi bất hạnh” đã cung cấp cho chúng ta các tư liệu quý giá xoay quanh sự kiện này.
Gorbachev - bạo loạn, sự kiện tháng tám nhìn từ bên trong (Valentin Pavlov)
1. Gorbachev đã không thể nói ra điều gì và tại sao
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với báo chí sau khi trở về từ Phorox, Gorbachev đề phòng nói với họ rằng ông ta sẽ không nói gì với họ cả, cả về vụ án Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Điều mà Gorbachev không hé môi là vai trò của mình như người cổ vũ tư tưởng, hoạt động, người tổ chức chủ yếu và thực hiện sự kiện ngày 19-21/8/1991. Như một quy luật, khi đạt tới chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, cuộc đấu tranh giành quyền lực khốc liệt của Gorbachev mới bắt đầu, được ngụy trang bằng các động cơ tiến bộ, vì nhân dân. Những tư tưởng đúng đắn, cải tạo cấp thiết cho đất nước biến thành trò hề và tai họa, còn cái “tư duy mới” và “cải tổ” của Gorbachev lại đem lại giá trị cho phương Tây.
Hai bộ mặt của một con người: kẻ phản bội nhân dân mình và người anh hùng đối với thế giới bên ngoài, trước hết là đối với Mỹ, Đức, Israel. Tất cả phụ thuộc vào việc ai là người trả tiền. Chính bởi vậy mà Gorbachev đã vội vã giao nộp tất cả - nhà nước, đảng và cả nhân dân. Đó là cái vốn mà người ta đã trả cho ông ta và sẽ còn trả thêm hàng triệu đồng. Để làm điều đó một cách êm đẹp ông ta tuyên bố tất cả những nhân vật giữ trọng trách cao nhất của nhà nước và của đảng là những tội phạm quốc gia trước khi kết thúc cuộc điều tra một cách chính thức về các hành động của họ.
2. Con đường dẫn đến sự kiện tháng 8//1991
Con đường công danh của Gorbachev rất điển hình. Đi lên từ một chức vụ vô ích nhất trong đảng. Ông ta là kiểu người gió chiều nào che chiều ấy, do dự trong công việc, dễ bị ảnh hưởng và áp lực bởi người khác. Trong thời gian ông giữ chức Bí thư thứ nhất Khu ủy Staropon, nông nghiệp đình trệ, lực lượng sản xuất ngầm gia tăng. Việc ông giữ nhiệm vụ này đã gây ngạc nhiên bởi có nhiều cán bộ phù hợp hơn. Sự thiếu hiểu biết của ông thể hiện ở việc thay vì nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng các công tác lâu dài, cải cách nền kinh tế quốc dân, cung ứng vật chất - kỹ thuật, ông đã quyết định tăng giá thu mua. Việc này dẫn đến tăng tiền lương và giá thành sản phẩm. Xét ở khía cạnh phân bố lực lượng, công trạng và ảnh hưởng, việc Gorbachev cầm quyền là vấn đề đang được bàn cãi. Cuối cùng ông ta đã thắng bởi nhận được sự ủng hộ của Andrei Gromyko.
Sự kiện tháng 8/1991 có logic của nó. Khá lâu trước đó, Gorbachev đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều lần ông ta cho gọi người đồng chí của Pavlov về việc ông này có thể giữ chức Thủ tướng Liên Xô. Gorbachev phải loại bỏ mối nguy cơ cản trở kế hoạch của mình, chỉ ra những kẻ có tội về sự đổ vỡ của nền kinh tế và đất nước.
3. Những tiền đề khách quan và những yêu cầu của cải tổ, và điều gì đã xảy ra
Chiến tranh lạnh đã làm nảy sinh cuộc chạy đua vũ trang. Các vấn đề xã hội bị chậm lại, nhường chỗ cho các chương trình quân sự. Cách biệt về vị trí xuất phát giữa Mỹ và Liên Xô dẫn tới sự cách biệt về mức sống của dân cư và với tương quan chất lượng, tiềm năng khoa học - kỹ thuật. Một đất nước phải chi phí quân sự nặng nề thì không thể có điều kiện kinh tế - xã hội khác được. Đó là một khách quan tất yếu chứ không phải do ý chí, nguyện vọng của một cá nhân nào. Song để giải quyết vấn đề đúng là cần những thiên tài.
Gorbachev không phải là một nhà lãnh đạo như vậy. Thay vì là một nhà yêu nước kiên định, ông lại là người có quyền lực vô hạn trong nước nhưng không biết sử dụng quyền lực ấy để đem đến lợi ích cho dân tộc mình mà chỉ khao khát hướng tới quyền lực.
Trên toàn quốc diễn ra sự thay thế các cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước như một cuộc thanh trừng qua hai làn sóng. Dưới khẩu hiệu cải tổ, Gorbachev thay thế ban lãnh đạo các cơ quan trung ương, các bộ và tổng cục và buộc tội quan liêu, xa rời dân đối với ban lãnh đạo hiện nay. Ông ta vẽ ra cho nhân dân con đường đơn giản để tiến đến cuộc sống tốt đẹp, không phải bằng sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật mà bằng cách đập tan bộ máy đảng, thay thế chính quyền. Gorbachev thẳng thừng thanh trừng Ligachyov - người nắm nhiều quyền hành hơn mình thời điểm ấy. Như vậy, việc cải tổ bộ máy Ban chấp hành Trung ương đảng đã hoàn thành.
4. Những nhân vật mới trong sự kiện tháng 8 tương lai
Tham gia vào sự kiện này gồm có Enxin. Theo đơn đặt hàng triệt phá cán bộ của Gorbachev, Enxin đổi lại nhận được chức Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban xây dựng nhà nước Liên Xô. Xoay quanh vấn đề cải cách kinh tế, có thể thấy rằng những bất đồng giữa Enxin và Gorbachev là mâu thuẫn trong quá trình tranh giành quyền lực chứ không phải bất đồng về quan điểm và nguyên tắc. Do hai chiến dịch thanh trừng tàn bạo, ở các nước cộng hòa và địa phương đã xuất hiện quan niệm cho rằng trung ương không còn là chỗ dựa mà biến thành mối nguy cho họ. Chủ nghĩa phân lập trỗi dậy, điều này hợp với ý muốn chia để trị của Gorbachev.
5. “Đội quân thứ năm” trong hành động
Không khó để hiểu những hành vi của Gorbachev khi đặt trong tiến trình logic các sự việc. Sau khi Soviet tối cao Liên bang Nga tuyên bố ưu tiên luật của các nước cộng hòa so với luật liên bang, phong trào bãi công thợ mỏ do Enxin khởi xướng buộc nội các Liên Xô phải lo cứu cánh nền kinh tế thay cho công cuộc cải tổ. Gorbachev giúp đỡ Enxin cũng vì chính lợi ích của ông ta. Cùng lúc, Gorbachev có nhiệm vụ quan trọng là giành sự kiểm soát đối với quân đội và an ninh. Nhưng ở Liên Xô, đại đa số sĩ quan có chung đặc điểm là tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc chứ không phụ thuộc vào quan hệ cá nhân. Điều đó đã góp phần kìm hãm mưu đồ chính trị tháng 8/1991. Đến tháng 8, quân đội bị bắn trúng đích dẫn đến sự phân chia, rút quân khỏi các nước thuộc khối Vacsava. Điều ấy đã gây nên nhiều tổn thất và xáo trộn trong xã hội Liên Xô.
6. Gorbachev ngồi ở Phorox: bị cách ly hay tự cách ly
Câu trả lời cho vấn đề này là câu giải đáp chủ chốt cho âm mưu cướp chính quyền được dựng nên theo đơn đặt hàng của Gorbachev và Enxin.
Ngày 17/8/1991, tại nhà khách của cơ quan tình báo chính trị ở Matxcova, toàn bộ ban lãnh đạo Liên Xô đã họp bàn vấn đề ai sẽ đến thuyết phục Gorbachev ban bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền lại cho phó tổng thống G. Yanaev. Những người đi gặp Gorbachev chỉ có một quyết định là nếu ông ta không tán thành phương án nào thì họ sẽ trở về để bàn bạc thêm. Không hề có lời nào về việc cách ly hay gạt bỏ Tổng thống khỏi chính quyền, không một ai thảo văn kiện gì.
7. Đội bảo vệ của Gorbachev làm việc như thế nào
Toàn bộ đội bảo vệ Tổng thống làm việc theo chế độ bình thường. Các tài liệu thu thập qua cuộc điều tra không có một bằng cớ nào về việc cách ly tại nhà nghỉ của Tổng thống ở Phorox. Đội trưởng đội bảo vệ đã trả lời tại cuộc thẩm vấn, ông không hề nhận được lệnh của bất cứ ai cách ly Tổng thống Liên Xô, mà ngược lại phải tăng cường bảo vệ thống cùng với gia đình. Không một ai nói đến việc hạ bệ hay áp lực ông ta và đội bảo vệ luôn sẵn sàng thực thi mệnh lệnh của Tổng thống. Bản thân Gorbachev cũng nắm rất rõ và trực tiếp kiểm tra tình hình của đội bảo vệ. Ông ta có khả năng rời nơi nghỉ bất cứ lúc nào, bằng bất cứ con đường nào. Gorbachev đã tiếp đón những “người nổi loạn” đến gặp ông trong một không khí hòa nhã và cái bắt tay tạm biệt. Không đơn vị nào nhận được lệnh về việc phong tỏa, các tàu chiến vẫn bình thường. Thậm chí ông bác sĩ đến thăm khám Gorbachev được ra vào khu vực nghỉ tự do không hề bị kiểm soát.
Việc cắt liên lạc không hề xảy ra. Không có khả năng cắt mọi loại liên lạc ở khu vực Daria trong một thời gian ngắn. Và cho dù việc ấy khả thi thì tổng thống Liên Xô vẫn có khả năng nối được liên lạc với khu vực “Daria” trong điều kiện cụ thể từ ngày 18 đến ngày 21/8/1991. Các ô tô trong gara không bị phong tỏa, và có thể bắt liên lạc tới bất cứ đâu bằng ô tô. Các phân tích về vấn đề liên lạc được Pavlov mô tả rất chi tiết. Ông kết luận từ nghiên cứu những lời khai và các tài liệu liên quan đến vấn đề liên lạc: Các kênh liên lạc của chính phủ và liên lạc tuyệt mật cũng như liên lạc tác chiến với Matxcova và các thành phố khác không hề bị cắt, ngoại trừ liên lạc qua vệ tinh. Và như vậy, chỉ có một câu trả lời logic: Gorbachev đã diễn một vai kịch được dự tính từ trước.
8. Những âm mưu của kẻ thắng và người thua
Nhiều ý kiến đã đưa ra về nguyên nhân thất bại của ý đồ của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Ngay từ đầu cuộc bạo loạn cướp chính quyền đó là cạm bẫy do Gorbachev và Enxin ngụy trang. Đa số các thành viên của Ủy ban có những quan niệm khác nhau về mục tiêu và phương pháp cải cách nền kinh tế, các vấn đề chính trị đổi ngoại và kinh tế đối ngoại và nhiều vấn đề khác. Do đó không thể tổ chức bất cứ một âm mưu nào vì việc đó đòi hỏi phải có sự thống nhất trong việc nhận thức những vấn đề cơ bản. Các hành động của Ủy ban dù là nhỏ nhất cũng đều phù hợp với pháp luật. Việc phó tổng thống thực hiện nghĩa vụ của tổng thống đã chính thức được đưa vào dự thảo hiến pháp. Tại sân bay, Gorbachev cũng đã nói rõ ràng với Yanaev: “Anh hãy ở lại thu xếp mọi công việc.”
Pavlov nhiều lần lý luận Ủy ban không hề có ý định thực hiện một cuộc đảo chính và cũng không có động cơ nào để làm như vậy. Các thành viên Ủy ban thực chất đã bị cả hai bên là Gorbachev và Enxin lợi dụng trong cuộc tranh đấu quyền lực của họ.
9. Khúc dạo đầu tháng 8
Đến tháng 8/1991, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống đã lâm vào khủng hoảng. Nhân dân coi cuộc đấu tranh vì quyền lực của Gorbachev và Enxin là giữa những người cải cách và bảo thủ. Chủ nghĩa phân ly nhắm vào việc phá vỡ nhà nước liên bang thống nhất và thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho hạ tầng cơ sở kinh tế đổ nát. Còn Gorbachev thì làm ngơ với những khủng hoảng của đất nước.
10. Những sự việc xảy ra trong tháng 8
Khủng hoảng liên tục leo thang, nhất là vào mùa đông. Nhưng bầu không khí chính trị lúc đó không giúp giải quyết các vấn đề. Thực chất của cuộc khủng hoảng biểu hiện ở hai sự kiện. Thứ nhất là cuộc họp của Soviet tối cao Liên Xô, nơi bản báo cáo về tình hình đất nước của Pavlov bị xuyên tạc thành một âm mưu đảo chính. Rõ ràng bản báo cáo được thảo luận công khai, gồm 5 điểm: quyền đưa ra dự án luật, quyền thông qua các giải pháp nhằm ổn định kinh tế và tiến hành cải cách, tổ chức cơ quan thuế vụ khôi phục sự thống nhất của hệ thống ngân hàng - tín dụng, lập ra tổ chức đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Ngoài những ý đồ ngăn chặn thực tế sự phá sản và sự đánh cắp của cải của đất nước thì không có gì khác, nhưng lại có rùm beng về nguy cơ cuộc đảo chính. Các kịch bản dần trở nên hoàn hảo, rõ ràng phụ thuộc vào vai diễn của Gorbachev. Gorbachev phủ định tất cả để tròn vai diễn “sự giam hãm ở Phorox.” Càng buồn cười hơn nữa, Gorbachev được chính các quan chức Mỹ cảnh báo về cuộc đảo chính lật đổ ông ta trong nước.
Từ những năm 1990, Liên Xô đã rơi vào khủng hoảng, song Gorbachev phản ứng rất chậm. Phải đến tháng 5/1991, ông mới ký sắc lệnh về các biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của nền kinh tế. Khi ấy sản xuất đã suy giảm đáng kể. Ông ta ý thức được quyết định sẽ không thành công, nhưng vẫn đưa ra.
Mục đích ly khai, đập vỡ nhà nước liên bang của phái đối lập được thể hiện công khai sau khi nội các Liên Xô thông qua nghị quyết về biện pháp kinh tế. Liên bang Nga công khai chống lại chế độ nhà nước liên bang, chính sách tài chính thống nhất. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 17/3/1991 hoàn toàn bị coi thường. Đụng phải lập trường cứng rắn của nội các Liên Xô, ban lãnh đạo Nga gửi khiếu nại đến Gorbachev và ông ta thực chất ủng hộ lập trường của các nước cộng hòa. Bản dự thảo hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền mà Gorbachev đệ trình Soviet tối cao Liên Xô không khác gì bản dự thảo thủ tiêu nhà nước liên bang Soviet thống nhất.
11. Những sự kiện tháng 8
Tháng 8 bắt đầu bằng cuộc họp ngày mùng 3, trong đó Pavlov đọc báo cáo về chương trình chống khủng hoảng. Gorbachev hiểu rất rõ hậu quả của sự xung đột và lối thoát duy nhất song ông đã cố ý hành động nhằm phá tan Liên Xô: giữ bí mật bản dự thảo hiệp ước, gạt bỏ đoàn đại biểu liên bang khỏi công tác soạn thảo và ký kết. Theo lời khai của Enxin, Gorbachev đã bí mật vi phạm hiến pháp Liên Xô: thủ tiêu cơ quan lập hiến của Liên Xô, nội các Liên Xô, các bộ, các tổng cục và các nhân vật có trọng trách. Việc đó rõ ràng đến mức Pavlov phải gửi đến ông ta và đồng thời thành viên đoàn chủ tịch nội các Liên Xô một văn bản đề nghị và ý kiến của nội các về bản dự thảo. Ý kiến trao đổi tại hội nghị chỉ ra rằng một loạt các điều khoản nêu trong hiệp ước đòi hỏi phải có sự nghiên cứu bổ sung và chính xác hóa. Đoàn chủ tịch nội các giao cho Vụ Pháp lý chuẩn bị các kiến nghị cụ thể để đưa vào văn bản hiệp ước những bổ sung, sửa đổi, dứt khoát không chấp nhận hiệp ước theo kiểu Gorbachev.
Các chuyên viên nghiên cứu dự thảo cũng nghi ngờ tính chất hợp pháo của hiệp ước bởi nhiều mâu thuẫn và không mang tính thừa kế pháp luật, cả về mặt tài chính lẫn nhân quyền, và không chính thống đối với cộng đồng thế giới, không căn cứ vào luật pháp quốc tế. Dự thảo còn giữ nguyên một vấn đề chưa giải quyết là việc các nước cộng hòa tách khỏi liên bang.
12. Cơ sở ABS
Cuộc gặp gỡ tại cơ sở “ABS" của Ủy ban An ninh quốc gia ngày 17/8/1991 giữa Pavlov và các đồng chí đã bị buộc tội tổ chức một cuộc mưu phản, soạn thảo kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, phân công vai trò và lực lượng để thực hiện. Nhưng rồi việc điều tra cũng không thể làm cho lời buộc tội được cụ thể hơn, cũng như chẳng đưa ra được một bằng chứng nào cả. Mọi mưu toan làm rối trí các bị cáo và đa số các nhân chứng, buộc họ phải vu cáo lẫn nhau, đều đã bị thất bại.
Ngày 5/12/1991, Pavlov bị kết tội mưu phản cướp chính quyền, vạch ra kế hoạch cướp chính quyền trong nước; cách ly Tổng thống Liên Xô, cắt liên lạc với thế giới bên ngoài, sau khi đã gửi một tối hậu thư hoặc thi hành ngay tình trạng giới nghiêm trong nước, hoặc là từ chức. Ông đã bác bỏ toàn bộ những lời cáo buộc trên trong quá trình điều tra sơ bộ. Quá trình điều tra cũng không có chứng cứ nào được đưa ra, không tiến hành thẩm cứu. Theo Pavlov, việc điều tra đã vi phạm luật tố tụng hình sự và sai quy định tố tụng, xâm phạm quyền được bảo vệ của ông, khiến người bị buộc tội phải chứng minh tính chất vô tội của mình. Tội mưu phản được quy cho Ủy ban hoàn toàn không đủ chứng cứ để khẳng định theo như bộ luật hình sự Xô Viết.
Qua lời khai của các nhân chứng có mặt trong cuộc gặp gỡ đó, gồm Egorov Alexei Georgievich, Vladislav Achalov, Viktor Grushko Fedorovych, Valery Boldin, Valentin Varennikov, Oleg Baklanov, Vladimir Kryuchkov, Dmitry Yazov, không có một lời nào nói về việc bãi chức, cách ly hay từ chức ngày 17/8/1991 tại cơ sở ABS của KGB Liên Xô. Cả chuyện nói về cách ly tổng thống, lẫn về hủy bỏ quyền lực của tổng thống đều không có. Cũng không có ý kiến nào phát biểu về việc đưa quân vào, không nói đến hội nghị nào và cũng không có chuyện phối hợp hành động với các sĩ quan của KGB.
Cuộc nói chuyện đề cập đến tình hình kinh tế khó khăn trong nước và sự cấp thiết phải thi hành tình trạng khẩn cấp. Cuộc gặp không hề có chuyện nói đến cướp chính quyền, ngược lại, nói đến việc củng cố chính quyền hiện hành và ổn định tình hình. Vấn đề chính là cần phải bay đến chỗ Gorbachev để cho ông ta biết tình hình bi đát trong nước và thúc giục ông áp dụng những biện pháp kiên quyết, tức đề nghị thi hành tình trạng khẩn cấp trong nước. Và nếu ý định này không được ủng hộ, thì giục ông tạm thời trao lại toàn quyền của mình cho phó tổng thống vì lý do bệnh tình. Sau khi tình hình mới đã ổn định, ông sẽ phải tiếp tục hoạt động của mình. Trong trường hợp Gorbachev không đồng ý, thì họ phải trở về bàn bạc lại.
Cơ quan thẩm cứu định đã gán cho nhân chứng những sự bịa đặt buộc tội và những tài liệu không có thật, sắp đặt cho người bị hỏi câu trả lời theo ý mình, ký kết văn bản kết tội mà chính thẩm cứu cũng thừa nhận là không có luận cứ. Trong ba lần bị hỏi cung Egorov Alexei vẫn một mực không dao động tuyên bố rằng không hề trò chuyện cả về việc cách ly lẫn việc từ chức của Tổng thống Liên Xô vào chiều ngày 17/8/1991, cũng không hề có việc thảo ra kế hoạch cướp chính quyền nào. Sau cùng, thậm chí tên gọi Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp lúc đó cũng không có. Chuyện này chỉ được bàn đến vào ngày 18/8/1991 sau khi các thành viên trong nhóm từ chỗ Tổng thống Liên Xô trở về và đã được Gorbachev đồng ý. Ngày 7/9/1992, lời buộc tội phản bội Tổ quốc được tuyên bố hủy bỏ bởi không thu được chứng cứ gì.
13. Xe tăng trong thành phố
Việc xe thiết giáp xuất hiện trên đường phố Matxcova được phía điều tra khẳng định đã được thảo luận và quyết định ngày 18/8 tại ABS. Song Pavlov cho biết điều này là không đúng. Xe tăng được điều đến là do điều động của chính Enxin để hỗ trợ bảo vệ người dân và những cơ sở giữ gìn báu vật, sản phẩm trong tình hình tội phạm phức tạp. Hơn nữa, xe tăng được đưa đến gần Matxcova, tại quảng trường để diễu binh, tạm trú chứ không phải đưa quân vào thành phố. Việc canh giữ Nhà trắng do Pavlov phụ trách được ông cẩn trọng báo cáo với Gorbachev. Và điều này không có gì bất thường hay liên quan đến việc thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Ngay cả với nhiều thành viên của Ủy ban, sự xuất hiện binh chủng xe thiết giáp trong thành phố ngày 19/8/1991 là một điều bất ngờ khó chịu.
Sau khi đến điện Kremlin, Pavlov không thể tham gia họp báo vì ông còn bận hai cuộc họp khác và không thể ủy quyền hay dời lại được. Một đêm thức trắng cùng những căng thẳng trong thời gian gần đây khiến ông phải gọi bác sĩ hỗ trợ, song ông không hề mắc chứng nghiện rượu đến mức không đủ khả năng tham gia cuộc họp báo như dự thẩm viên đã viết, trong khi giấy chứng nhận chính thức của bệnh viện về tình trạng sức khỏe của ông vẫn còn lưu trong hồ sơ.
Sau khi kết thúc cuộc họp với nội các Liên Xô, ông đã chắc chắn về sự phản bội có tính toán từ trước của Gorbachev. Lệnh của ông về việc cho Pavlov thôi chức ngày 22/8 là bất hợp pháp, vì phải đến 25/8/1991 Viện Kiểm sát mới đưa ra vụ án hình sự về tội tham gia mưu phản chống lại hiến pháp.
Những gì Pavlov biết và viết trong cuốn sách này chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện về cuộc đời và hoạt động bí mật của Gorbachev, sẽ còn những nhân vật chính trực khác có nhiều điều hơn để nói. Và tòa án sẽ phải quyết định, cái gì là tội phản bội Tổ quốc, Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã thực hiện chính sách phản dân hay ý định thay đổi chính sách phản dân đó.
Cuộc đảo chính tưởng tượng hay có thật (Anatoly Lukyanov)
Lukyanov đã giữ im lặng trong quá trình điều tra, từ chối mọi cuộc tiếp xúc với Viện Kiểm sát, song có lẽ ông không thể im lặng. Bức thư từ một nữ cựu chiến binh gửi cho Anatoly Lukyanov khi ông đang trong tù đã thôi thúc ông cầm bút trả lời những câu hỏi nhức nhối liên quan đến sự kiện tháng 8 - sự kiện đã đảo ngược cả đất nước, đẩy nhân dân vào cảnh mất mát nghèo đói. Cuốn sách là tổng hợp câu trả lời cho những câu hỏi từ các cuộc phỏng vấn và thư tư trao đổi với độc giả.
Nguyên nhân chính của sự sụp đổ Liên bang Soviet
Nhà nước Liên bang Soviet sụp đổ là hành động có phối hợp của các lực lượng phá hoại. Đó là các lực lượng theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, khoác những chiếc áo dân tộc, cùng với tinh thần phân lập và chủ nghĩa tập trung quá mức trong quản lý, sự thờ ơ của các cơ quan liên quan đối với lợi ích kinh tế - xã hội - văn hóa của các nước cộng hòa. Cơ chế tổ chức đảng thu hẹp đáng kể đại biểu của các dân tộc ở địa phương. Bên cạnh đó là tranh giành lợi ích cá nhân của tầng lớp lãnh đạo. Tất cả đã khiến mâu thuẫn dâng cao, mặt trận theo khuynh hướng chống cộng hình thành, và Liên bang Soviet đã không kịp đối phó thích hợp với thách thức này. Đầu tiên là Nga, sau đó là hàng loạt các nước cộng hòa khác tuyên bố ưu tiên các luật của nước cộng hòa trên luật của liên bang đã bắt đầu quá trình sụp đổ của Liên Xô.
Sự đối đầu cá nhân giữa Tổng thống Liên Xô và Tổng thống Liên bang Nga cùng lãnh tụ các nước cộng hòa khác về bản chất là một cuộc đấu tranh vì quyền lực, mà lợi ích thực sự của nhân dân bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Luật của Nga việc về lập ngân sách năm 1991 quy định ngân sách sẽ được hình thành trên cơ sở hệ thống thuế một kênh, như vậy là Liên bang Soviet bị tước mất nguồn riêng để tồn tại.
Tuy bị chống đối kịch liệt và bị cấm ở nhiều nơi, song cuộc trưng cầu dân ý đã chỉ ra nhân dân muốn duy trì sự thống nhất của một Liên bang Soviet mới. Các nhà lãnh đạo của một loạt nước cộng hòa công khai kêu gọi không thừa nhận các kết quả trưng cầu dân ý. Ngày ngày 27/1/1991, các lực lượng đối lập thông qua quyết định giải thể Liên bang Soviet và thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia có chủ quyền, công bố dự thảo hiệp ước liên bang của mình. Các lãnh đạo Nga, Ukraine, và Kazakhstan đã bí mật quyết định việc thành lập “cộng đồng” mà thực chất là xóa bỏ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Soviet.
Dự thảo hiệp ước liên bang mới củng cố hay làm suy yếu các cơ sở của Liên bang Soviet?
Hiệp ước này có thể trở thành một phần hữu cơ của hiến pháp mới của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Soviet. Vì thế cho nên từ giữa năm 1990, dưới sự bảo trợ của Soviet tối cao Liên Xô, đã tiến hành các cuộc họp soạn thảo các dự thảo quy định rõ ràng các quyền hạn đặc biệt của liên bang, ưu tiên các luật liên bang, giải quyết các vấn đề tài sản liên bang, về sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, quốc tịch thống nhất. Quan điểm cơ bản của các văn kiện này đã được ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân tán thành không thay đổi tính chất xã hội chủ nghĩa, hình thức Soviet và cấu trúc liên bang của nhà nước. Song điều này vấp phải phản ứng từ các nước cộng hòa. Điều này khiến Gorbachev tiến hành gặp gỡ các lãnh đạo ở 9 nước cộng hòa để đề nghị ký tuyên bố chung nhằm ổn định đất nước và khắc phục khủng hoảng. Vấn đề đóng thuế trực tiếp ngân sách của Liên bang đặc biệt khó khăn. Càng ngày, dự thảo trong quá trình gặp gỡ này càng xa rời bản dự thảo trước cuộc trưng cầu dân ý, xa rời ý chí nhân dân. Bản dự thảo này đã khuyến khích xu hướng ly tâm, dẫn đến việc hủy diệt Nhà nước Liên bang Soviet. Phương án cuối cùng của hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền đã không thể giải quyết vấn đề sở hữu và tài chính của liên bang và liên bang sẽ không thể duy trì. Gorbachev biết rõ bản dự thảo sẽ không thể được thông qua ở Soviet tối cao Liên Xô vào tháng 9-10 nên đã đề nghị ký kết vào 3 tuần sau - ngày 20/8/1991. Giữa Gorbachev và Enxin đã diễn ra những thỏa thuận ngầm nhằm duy trì quyền lực cá nhân. Một mặt, hiệp ước dường như đã duy trì được chức vụ của tổng thống liên bang, còn mặt khác, nó thực tế đã hủy bỏ Nhà nước liên bang - Liên bang các nước cộng hòa Soviet.
Ai đã kết thúc “ván bài” phá vỡ Liên bang Soviet?
“Những người bạo động” không có lỗi trong việc này. Đây là kết quả của chủ nghĩa cấp tiến chia rẽ dân tộc. Enxin có những chỉ thị chính trị rõ ràng, ưu tiên, đó là phá vỡ liên bang cùng một lúc cả về chính trị và kinh tế, phá hủy tất cả các cơ quan phối hợp kinh tế nếu có thể được, bao gồm các lĩnh vực tài chính, tín dụng và tiền tệ. Sau đó tách hoàn toàn nước Nga ra khỏi các nước cộng hòa. Gorbachev đồng thời phá vỡ cấu trúc nhà nước hợp hiến bằng con đường đảo chính đã được dự định từ lâu. Nó sụp là do cuộc đấu tranh quyết liệt giành quyền lực của các chính khách.
Thỏa thuận Minsk
Từ tháng 11/1991, lãnh đạo của Nga, Ukraine, Belarus đã ký hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập, tuyên bố sự chấm dứt của Liên bang Soviet. Theo quan điểm pháp lý nó không đứng vững được trước sự phê phán. Tổng thống Nga đã vượt quá những thẩm quyền của mình theo hiến pháp Nga. Thỏa thuận mang tính chất một cuộc đảo chính nhà nước - xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, khả năng phòng thủ của Liên bang Soviet và dự định phá vỡ tất cả các cơ cấu chính quyền liên bang, kể cả cơ cấu tổng thống, và hoàn toàn coi thường ý chỉ của nhân dân trong nước đã được bày tỏ tại cuộc trưng cầu ý dân.
Về việc giải thể Soviet tối cao Liên Xô
Sau thỏa thuận Minsk, Soviet tối cao Liên Xô là thành trì cuối cùng có khả năng dù ở một mức độ nào đó bảo vệ những lợi ích chung của nhân dân Soviet, đoàn kết các dân tộc. Chi những người đã bầu ra các đại biểu liên bang mới có thể bãi miễn họ chứ không phải là các cơ quan tối cao của chính quyền các nước cộng hòa. Theo quan điểm luật pháp phù hợp với nghị quyết của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ năm ngày 5/12/1991, các thẩm quyền của đại biểu Soviet được duy trì đến hết nhiệm kỳ của họ. Sớm hay muộn đóng góp của các đại biểu nhân dân Liên Xô, kinh nghiệm mà họ tích lũy sẽ trở thành kiến thức cần thiết cho các nước SNG để có thể đi xa.
Có thể khôi phục Liên bang hay không?
Tất nhiên không thể xây dựng lại Liên bang Soviet ở dạng nó từng tồn tại. Song Lukyanov rất lạc quan về khả năng khôi phục lại Liên bang. Ông nhấn mạnh điều này cần dựa trên cơ sở tự nguyện dân tộc, các xu hướng liên kết kinh tế hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật và một lực lượng chính trị mạnh mẽ cùng một chiến lược ngăn chặn xung đột dân tộc. Có những điều kiện khách quan của nền kinh tế và truyền thống để xây dựng lại một liên bang đổi mới.
Triển vọng phát triển của SNG và nước Nga
Nhiều vấn đề quan trọng về quan hệ giữa các dân tộc, kinh tế, quân sự đang bị xu hướng tiêu cực chiếm ưu thế. SNG đang đi ngược lại quá trình liên kết chung, nhưng Lukyanov không hề ảm đạm về khả năng liên kết, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia này.
Nước Nga có thể bị sụp đổ như liên bang khi các nước cộng hòa trong lãnh thổ nước Nga thường xuyên phát sinh nguy cơ từ bỏ liên bang nếu các yêu cầu không được thỏa mãn. Nhưng liên kết kinh tế ở nước Nga mạnh hơn nhiều so với các nước SNG và việc phối hợp đồng bộ các ngành kinh tế, các khu vực, trao đổi thành tựu, văn hóa có thể củng cố một liên bang Nga vững mạnh.
Vị đại sứ của nỗi bất hạnh (Vladimir Kryuchkov)
Kryuchkov nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), thành viên của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô trong những ngày tháng 8/1991. Trong thời gian một năm rưỡi ngồi tù chờ ra tòa, ông đã hoàn thành cuốn hồi ký của mình. Dưới đây là một số đoạn trích từ cuốn hồi ký. Trong đó cựu Chủ tịch KGB khẳng định A.N. Iakovlev - “kiến trúc sư của cải tổ", nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - là người của cơ quan tình báo Mỹ.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Kryuchkov và Iakovlev lúc bấy giờ đang là Đại sứ Liên Xô ở Canada năm 1983, Iakovlev hiện ra là một người gian xảo, bản chất thiếu thiện ý, khả năng nhanh chóng thay đổi quan điểm, nói một đằng làm một nẻo. Iakovlev không có chút cảm tình dành cho đất nước hay chế độ mà ông ta đang tham gia vào, phủ nhận Cách mạng tháng 10, Lenin và con đường xã hội chủ nghĩa. Chẳng bao lâu sau, Iakovlev và Gorbachev trở nên thân thiết, cùng bắt đầu sự nghiệp cải tổ.
Bắt đầu từ năm 1989, Ủy ban An ninh quốc gia nhận được những tin tức đáng lo ngại giữa Iakovlev và cơ quan tình báo Mỹ. Kryuchkov đã báo cáo trực tiếp điều này với Gorbachev, và sau một lúc tâm trạng hết sức nặng nề, Gorbachev chỉ khuyên ông nói chuyện với Iakovlev hai lần, bênh vực Iakovlev và sau cùng là im lặng. Không có một quyết định gì đối với Iakovlev, thậm chí ông ta còn được bổ nhiệm làm chủ tịch nhóm cố vấn trực thuộc tổng thống. Trong vụ Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, hàng nghìn nhân chứng bị tra hỏi, duy chỉ có Iakovlev là không bao giờ bị gọi đến Viện kiểm sát.
Qua ba tác phẩm của Pavlov, Lukyanov và Kryuchkov - những nhân vật trực tiếp tham gia vào sự kiện tháng 8, những bí ẩn xoay quanh cuộc đảo chính và sự sụp đổ của Liên bang Soviet phần nào được sáng tỏ. Ta thấy rằng bên cạnh yếu tố khách quan, cuộc tranh giành quyền lực chính trị của các lãnh đạo chóp bu đã góp phần không nhỏ vào việc tàn phá đất nước.