Sự cạnh tranh không khoan nhượng trong xã hội hiện đại luôn đặt lên vai mỗi người áp lực cần phải thành công. Và, trong mắt nhiều người, để có thể vượt lên phía trước trong cuộc cạnh tranh đó, một cá nhân cần phải khởi đầu cũng như lựa chọn tập trung vào phát triển một mảng chuyên biệt càng sớm càng tốt. Nếu bạn muốn trở thành Tiger Woods tiếp theo, thì hãy bắt đầu luyện tập đánh golf ngay khi lên 4 - bởi dù sao thì đây cũng là cách đã giúp cho Tiger Woods đạt được thành công.
Nhưng, nếu xét trên bình diện chung của toàn xã hội, thì bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra rằng hiểu biết rộng mới là con đường có thể dẫn một người đến những thành công lớn, mà không phải là tập trung phát triển cho một chuyên môn cụ thể.
Hẳn nhiên, lựa chọn đi trên con đường này, bạn thường sẽ cần nhiều thời gian hơn để tìm thấy được mục đích chân chính của bản thân trong cuộc sống. Thế nhưng, đổi lại thì việc hiểu biết rộng cũng sẽ giúp bạn sở hữu vốn kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhờ vậy bạn sẽ trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn. Điều này sẽ được tác giả David Epstein chứng minh trong cuốn sách Hiểu sâu, Biết rộng, Kiểu gì cũng thắng thông qua ví dụ thực tế của nhiều người thành đạt.
Khi còn trẻ, việc thử nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ đem lại hiệu quả ngang với chỉ tập trung vào một lĩnh vực cố định
Trái ngược với Tiger Woods - người đạt được thành công nhờ tiếp xúc với bộ môn golf ngay từ nhỏ, thì con đường đi đến thành công của ông hoàng tennis Roger Ferderer lại hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, khi còn là một đứa trẻ, Roger Ferderer đã tham gia nhiều môn thể thao khác nhau như trượt tuyết, bóng rổ, tennis, trượt ván, cầu lông, v.v. và chỉ thực sự tập trung vào tennis khi đã bước sang độ tuổi thiếu niên. Theo chính Roger Ferderer, thì việc tham gia nhiều môn thể thao khác nhau đã giúp anh phát triển được khả năng phản xạ tốt cùng điều kiện thể chất vượt trội. Đó là những yếu tố quan trọng giúp Roger Ferderer thành công trong bộ môn tennis.
Phương thức “thử nghiệm” này cũng đã giúp nhiều người khác tìm thấy thành công trong những lĩnh vực đa dạng của đời sống. Khi còn trẻ, bậc thầy cello Mã Hữu Hữu đã từng học chơi piano và violin, trước khi tìm thấy tình yêu với cello. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Anh Quốc, nhà tâm lý học âm nhạc John Sloboda đã phát hiện ra rằng những người bắt đầu luyện tập chuyên sâu một nhạc cụ nhất định từ nhỏ thường chỉ sở hữu trình độ “ngang mức một nghệ sĩ bình thường”, trong khi những nghệ sĩ với tài năng nổi bật từng thể nghiệm qua đối với từ ba nhạc cụ trở lên. Tương tự, nhà hoạ sĩ nổi tiếng Van Gogh đã từng làm nhiều công việc khác nhau khi còn trẻ, từ nhân viên cửa hàng bán sách, nhân viên kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, và thậm chí là nhà truyền giáo, trước khi tìm thấy được “định mệnh” của bản thân.
Qua nhiều ví dụ mang tính trực quan như vậy, tác giả David Epstein cho độc giả thấy được rằng nếu bạn chưa nhận ra được mục đích chân chính của bản thân trong cuộc sống là gì, thì cũng đừng lo lắng mà hãy cứ chậm rãi thể nghiệm với nhiều lĩnh vực khác nhau, cho tới khi tìm thấy được điều phù hợp nhất dành cho chính bạn.
Sở hữu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực đa dạng sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội thành công hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào
Khi đánh giá những yếu tố làm nên sự thành công của những hoạ sĩ truyện tranh nổi tiếng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng không phải cứ càng phát hành được nhiều cuốn truyện tranh thì khả năng thành công của hoạ sĩ sẽ càng cao. Ngược lại, những hoạ sĩ thành công nhất thường có các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, phản ánh vốn sống và kinh nghiệm đa dạng của chính bản thân hoạ sĩ.
Thậm chí, nếu phân tích và so sánh sự nghiệp của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới, bạn sẽ nhận ra tỷ lệ những nhà khoa học từng đạt giải Nobel tham gia vào các hoạt động khác ngoài lĩnh vực chính của bản thân như diễn xuất nghiệp dư, vận động viên nghiệp dư, v.v. cao gấp đến 22 lần so với những nhà khoa học chưa từng đạt giải Nobel. Điều này chứng minh được rằng việc sở hữu vốn kiến thức và kinh nghiệm đa dạng sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo và thành công hơn trong cuộc sống.
Trên cơ sở phân tích này, tác giả David Epstein khuyến nghị các nhà tuyển dụng nên tránh liệt kê những mô tả và yêu cầu công việc quá mức cụ thể - bởi công ty của bạn luôn cần đến những cá nhân không quá nổi trội trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng lại có thể đem đến đóng góp vô giá cho công ty nhờ vốn kiến thức trong vài lĩnh vực khác mà bạn không ngờ tới.
Những “nhà chuyên gia” thường không thể đưa ra dự đoán chính xác, ngay cả đối với các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn của bản thân
Sau khi đã chỉ ra những ưu điểm của việc sở hữu vốn kiến thức đa dạng, tác giả David Epstein quay trở lại phân tích điểm yếu lớn nhất của những người chỉ tập trung vào phát triển một chuyên môn cụ thể.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chuyên gia dự đoán Philip Tetlock đã thu thập, tổng hợp, và phân tích những dự đoán của 284 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết luận được Philip Tetlock đưa ra là phần lớn các nhà chuyên gia thường không có khả năng dự đoán chính xác bất kỳ điều gì, bao gồm cả những nhà chuyên gia với thâm niên trong lĩnh vực mà họ làm việc, hay những người có khả năng tiếp xúc với thông tin tuyệt mật từ chính phủ.
Khi một chuyên gia khẳng định rằng điều gì đó là hoàn toàn không có khả năng xảy ra, thì thực tế có đến 15% trường hợp điều đó vẫn sẽ xảy ra!
Và khi một chuyên gia khẳng định rằng điều gì đó là chắc chắn sẽ xảy ra, thì thực tế có đến 25% trường hợp điều đó sẽ không hề xảy ra!
Thậm chí, Philip Tetlock còn phát hiện ra rằng khi một chuyên gia càng nổi tiếng và xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, thì những dự đoán mà người đó đưa ra thường sẽ càng thiếu chính xác. Và, theo tác giả David Epstein, thì nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là bởi các nhà chuyên gia sở hữu chuyên môn quá sâu vào duy nhất một lĩnh vực.
Cụ thể, khi các nhà chuyên gia dành ra hàng năm trời – hoặc thậm chí là toàn bộ sự nghiệp của bản thân – vào duy nhất một lĩnh vực, thì họ thường sẽ tự xây dựng cho mình một hệ thống các giả thuyết về cách thức mà mọi thứ vận hành, và đặt trọn niềm tin vào hệ thống các giả thuyết đó. Bởi vậy, tại thời điểm đối diện với nhiều bằng chứng khác nhau liên quan đến một vấn đề, thì nhà chuyên gia đó sẽ thường khuynh hướng lựa chọn “có chọn lọc” những bằng chứng xác nhận cho hệ thống các giả thuyết của bản thân, từ đó hình thành nên nhận định sai lầm.
Vì sao những người hiểu biết rộng lại thường thành công hơn những người chỉ tập trung vào một chuyên môn nhất định? Chỉ khi sở hữu vốn kiến thức đa dạng, thì một người mới có tầm nhìn rộng mở và sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến và bằng chứng trái ngược với niềm tin của bản thân!
Có thể thấy rằng, bằng những phân tích sắc sảo của mình, thông qua cuốn sách Hiểu sâu, biết rộng, kiểu gì cũng thắng, tác giả David Epstein chỉ ra cho bạn thấy rằng việc sở hữu và hoàn thiện nhiều kỹ năng cùng sở thích đa dạng vẫn tốt hơn so với việc chỉ tập trung vào duy nhất một mảng chuyên biệt nào đó. Dù bạn là ai, các bậc cha mẹ, giáo viên, quản trị nhân sự, chủ doanh nghiệp, hay các bạn trẻ đang băn khoăn về hướng phát triển của sự nghiệp và cuộc đời thì cũng nên tìm đọc cuốn sách này!