Năm tháng khói lửa, đạn bom đã lùi sau chúng ta từ lâu, dẫu vậy những kí ức về đoạn thời gian ấy vẫn luôn sống mãi trong tâm khảm bao thế hệ Việt Nam. Từ trong “mưa bom bão đạn” ngày nào, làm sao ta có thể đếm xuể những “huyền thoại” đã bước ra từ chiến tranh và nhập vào “hồn thiêng sông núi”. Trong số những huyền thoại đó, chắc hẳn chúng ta vẫn mang một niềm thương nhớ da diết, lòng cảm phục nồng nàn về huyền thoại “Tàu không số”. Đó là những con tàu bé nhỏ đêm ngày vượt trùng dương để thực hiện nhiệm vụ chi viện vũ khí, vật lực và nhân lực vào chiến trường miền Nam.
Nhạy bén trước tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở ra con đường mang tính chiến lược trên Biển Đông. Sau này, con đường ấy được gọi là “đường Hồ Chí Minh trên biển” và biết bao con người quả cảm trên những chuyến tàu bão táp, phong ba đó được nhân dân khắc tạc công lao với danh xưng những anh hùng “mở đường trên sóng”. Từ đây, chúng ta có thể nhận định đó quả là một lối đi đúng đắn, hiệu quả và mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước nói chung, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nói riêng.
Trong hơn 10 năm (từ năm 1961-1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã “chào đón” hàng trăm con tàu không số đến từ Đoàn 759 (Đoàn 125 sau này). Nhờ lòng can đảm, ý chí sắt thép và khát vọng lớn lao thống nhất nước nhà mà những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ấy đã vượt qua mọi thách thức, gian nguy từ sự khắc bạc của tự nhiên và sự nham hiểm của kẻ thù để góp vào thắng lợi chung của của dân tộc. Với những đóng góp to lớn ấy, đơn vị này đã hai lần nhận được danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quyển sách Huyền thoại “Tàu không số” với nhiều câu chuyện được kể thông qua nhân vật trên chính những chuyến “tàu không số” được ra đời nhân chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn 759 (tức Đoàn 125) trong giai đoạn (1961-2011) do nhà văn Đình Kính nhọc tâm sưu tầm và dụng ngữ biên soạn đã bày tỏ phần nào lòng cảm phục đối với sự kiên trung, anh dũng của những cán bộ, chiến sĩ trên con tàu không số ngày ấy. Đến với tác phẩm này, bạn đọc sẽ lần giở những dấu tích ngỡ cũ mà tưởng như mới đây bởi các câu chuyện chân thực, đầy xúc cảm về người thật, việc thật được xây dựng theo lối lời kể của các nhân chứng. Đặc biệt, tác phẩm này còn nhận được Giải thưởng văn học hằng năm được trao bởi Hội Nhà văn vào năm 2011.
Mở đầu tác phẩm, tại bài viết Chút duyên nhỏ của người viết nhà văn Đình Kính đã bày tỏ nỗi trăn trở, băn khoăn của bản thân sau khi nhận lời viết nên quyển sách Huyền thoại “Tàu không số”: “Bởi chiến tranh đã qua gần 40 năm, đồng đội của chúng ta ai còn, ai mất? Nếu còn, các anh sống ở đâu? Và đã mất, các anh yên nghỉ chốn nào? Năm mươi năm là quãng thời gian chẳng phải ngắn, đủ để thiên nhiên và con người ít ý thức mài mòn, biến dạng những gì nguyên sơ. Đi tìm lại dấu tích về con đường vận tải chiến lược huyền thoại trên biển là công việc chẳng mấy dễ dàng… Và cũng hiểu rằng, bốn mươi năm mới tiến hành công việc mà chúng ta dư điều kiện để làm sớm hơn là quá muộn màng tệ bạc…”.
Do đó, tác giả xuôi dòng lịch sử về huyền thoại những con tàu ấy bằng cách phiêu du theo cuốn Lịch sử Lữ đoàn 125 và ghé thăm con sông Gianh - nơi con tàu đầu tiên khai mở một cung đường mới, một phương thức vận chuyển mới để tìm về cội nguồn những chiến tích, mất mát xưa cũ… Sau đó, Đình Kính đến vùng đất Đà Nẵng và tìm gặp vị nhân chứng cuối cùng của chuyến đi đầu tiên trong đêm 30 Tết năm Canh Tý (1960) - anh Huỳnh Ba .
Đầu năm 1961, Bộ Chính trị chỉ định: “... tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên phạm vi ngày càng rộng lớn… Tạo điều kiện và mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm”. Vì vậy, Trung ương Đảng đã đưa ra chỉ thị về việc chuẩn bị bến bãi và thuyền nhằm thăm dò, mở đường và báo cáo tình hình. Trong thời gian đó, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu,... đã gấp rút chuẩn bị để vượt biển, tiến về miền Bắc. Cũng từ đây những “huyền thoại” về những con người can trường đã ra đời…
Sau chuyến vượt biển đầu tiên với nhiệm vụ đưa vũ khí vào Khu 5 không thành, trong bài viết Anh Mười Tiến và chiếc tàu thứ hai của Bến Tre đi ra miền Bắc, tác giả đã ghi lại cuộc trò chuyện với anh Huỳnh Văn Tiến (hay còn gọi là Mười Tiến). Trong thời gian làm nhiệm vụ, anh Mười Tiến đã có không ít kỷ niệm lắm niềm vui nhưng cũng nhiều nỗi buồn.
Đầu năm 1961, đơn vị anh nhận được nhiệm vụ chuẩn bị vượt sóng ra Bắc để xin vũ khí. Thế là đơn vị của anh Mười Tiến bắt đầu chặng hành trình rẽ biển, lướt gió để hướng về miền Bắc. Đến Hà Tĩnh, do một vài sự hiểu lầm mà cả tàu đã bị bắt. May mắn thay, sau đó mọi chuyện được giải quyết êm đẹp và tất cả đội tàu đã đến nơi cần đến.
Khi tất cả đội tàu tụ hội đầy đủ, họ được Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh thông báo một tin tức mà cả đời các anh không sao quên được, đó là Bác Hồ sẽ đến ghé thăm. Lúc được hỏi về lần làm nhiệm vụ nào đáng nhớ nhất, anh Mười Tiến đã kể về lần anh tham gia chở vũ khí vào Nam (1962).
Còn nhớ thời tiết lúc đó hết sức khắc bạc, anh em trên tàu lại có nhiều người say sóng đến nôn ra mật xanh, mật vàng, trong đó có cả anh Mười Tiến. Lần đó có 4 chuyến gồm: Phương Đông 1, Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 và anh Tiến lúc ấy ở trên chuyến tàu cuối cùng. Có đâu ai ngờ trên con “tàu không số” đó chứa hơn 30 tấn vũ khí vào vùng đất tận cùng Tổ quốc - Cà Mau.
Cách đó một năm, vào năm 1963 anh Tiến nhận được lệnh chở vũ khí về Bến Tre trên đội tàu số 5. Lúc ấy, anh Trần Phong làm thuyền trưởng, anh Lê Văn Thêm cùng anh Lê Quốc Thân làm thuyền phó. Còn anh Mười Tiến đảm nhiệm vị trí thủy thủ. Sau mấy đêm ngày lênh đênh trên biển, đội tàu số 5 đã chuyển giao thành công 66 tấn vũ khí vào kho Bến Tre… Sau đó ít lâu, Quân ủy Miền đã ra quyết định thành lập Đoàn 962 để xây dựng bến bãi cũng như tiếp nhận vũ khí được chuyển từ Bắc vào (bến Bến Tre cũng thuộc bộ phận Đoàn 962).
Tại Chuyện những người đi trên tàu gỗ mang tên Phương Đông, nhà văn lần giở các câu chuyện thời quá vãng trong buổi thời lênh đênh giữa biển trời của các “huyền thoại”. Lần nọ, nhà văn đến Nha Trang tìm gặp anh Phan Nhạn - máy trưởng tàu Phương Đông 2 để được nghe tận tai những câu chuyện ngày giông bão ấy. Được biết, anh Phan Nhạn đã có rất nhiều lần thực hiện nhiệm vụ đưa vũ khí vào miền Nam trên những chuyến tàu đặc biệt.
Trong vô số lần vượt biển nguy nan, anh mang một nỗi nhớ sâu đậm về chuyến đi tàu 41 vào Bến Tre. Chuyện là khi ấy đang đi ngang Hoàng Sa thì tàu bị mắc vào bãi đá ngầm (hay được gọi là Hạm Trưởng). Các anh em trên tàu thực hiện đủ mọi phương cách và may mắn thoát khỏi cái bẫy của tự nhiên đó bằng cách đồng lòng, hợp sức. Thế là kết thúc 24 giờ hiểm nguy bị mắc cạn!
Tạm chia tay Nha Trang, tác giả trở về Thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ anh Trần Phấn - một trong những người trên tàu mở bến vào Khu 5. Trước khi trở thành phó tàu 401 ở Hải Phòng, anh từng công tác tại sông Gianh. Anh Trần Phấn là người chỉ vài ba con tính là đã có thể xác định bất kỳ vị trí nào trên hải đồ. Do đó, anh hay được anh em gọi đùa là “đại ca” hay “cá kình của biển” bởi cái tài hàng hải không đùa được của anh.
Ghé vùng đất Quy Nhơn, nhà văn Đình Kính tìm gặp anh Hồ Đắc Thịnh - nguyên thuyền trưởng tàu 41 cùng câu chuyện ba lần thành công đưa vũ khí vào Vũng Rô hơn 30 năm về trước. Vào thời điểm gần cuối năm 1964, tàu 41 nhận được chỉ thị “Đưa tàu đến Đồ Sơ nhận nhiệm vụ mới”.
Theo đó, anh em tàu 41 mang một nhiệm vụ mới hết sức nan nguy, đó là mở đường đột phá vào Vũng Rô - Phú Yên. Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 16/11/1964 tàu 41 rời bến. Chuyến đi đó, tàu 41 gặp phải tàu địch nhưng nhờ sự phối hợp ăn ý giữa các anh em nên ta đã thành công “che mắt” kẻ thù và tiến vào bờ thành công với 80 tấn vũ khí.
Dẫu vậy, những chuyến chở vũ khí chi viện như thế không phải lúc nào cũng suôn sẻ đến được bờ bởi có thời gian địch đã phát hiện tàu 143 tại Vũng Rô. Trong bài viết Vỏ quýt dày, móng tay nhọn, nhà văn đã nhắc về những mưu đồ phía thù địch: “Vụ Vũng Rô trở thành cái cớ để Mỹ xúc tiến việc thực hiện kế hoạch “Desoto” sớm hơn. Sau “sự kiện Vũng Rô” hai ngày, ngày 21 tháng 02 năm 1965, Tư lệnh chỉ huy viện trợ Mỹ ở miền Nam Việt Nam yêu cầu Tư lệnh Thái Bình Dương gửi đại diện đến Sài Gòn để vạch kế hoạch tuần tiễu, phối hợp giữa lực lượng hải quân Mỹ và hải quân Ngụy”. Do đó, rất nhanh chóng “lực lượng hải quân Mỹ đã tăng lên gấp nhiều lần. Máy bay, ra đa và các lực lượng quan sát khác hoạt động ngày đêm…”.
Trong Chuyện của Chính ủy đoàn, tác giả nhắc về hai người chỉ huy trên đoàn “tàu không số” là Đoàn trưởng Đoàn Hồng Phước và Chính ủy Võ Huy Phúc. Có thể nói rằng, trong suốt 10 năm đồng hành cả hai đã chứng kiến và ghi tạc biết bao kỉ niệm từ “chiếc tàu gỗ đầu tiên rời bến Đồ Sơn chở 30 tấn vũ khí mở đường vào Cà Mau năm 1962 đến lúc con tàu sắt cuối cùng nổ hủy ở biển Tây Nam năm 1972”.
Khi trò chuyện cùng ông Võ Huy Phúc, nhà văn được nghe kể về “sự kiện Vũng Rô” năm cũ. Đầu tiên, chúng ta cần nhìn thẳng thực tế rằng việc tàu 143 bị lộ tại Vũng Rô là một trong những tổn thất lớn lao, nhất là nó đã khiến yếu tố bí mật không còn và làm biến chuyển tình thế.
Đi tìm nguyên cớ cho vụ việc đáng tiếc đó, ông Võ Huy Phúc cho rằng nó xuất phát từ hai nhân tố khách quan lẫn chủ quan. Một là, do số lượng vũ khí tăng đột biến trong chiến trường ta khó tránh khỏi “tai mắt” kẻ thù. Hai là, trải qua nhiều chuyến thành công dù ít hay nhiều ta cũng rơi vào tâm thế chủ quan, lơ là. Do đó, một vài kẽ hở trong khâu vận chuyển vũ khí đã lộ ra trước mắt kẻ thù và dẫn đến “sự kiện Vũng Rô”.
Nhằm thích ứng với tình hình cũng như đối đầu với các chính sách, kế hoạch của kẻ thù ta đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động vận tải trên biển để tập trung kiếm tìm phương cách hữu hiệu, an toàn hơn bởi một lẽ “Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn”. Thế là tám tháng sau, vào tháng 9/1965 tàu 42 đã ra khơi với 60 tấn vũ khí và sau hơn mười ngày đêm ròng rã tàu đã cập bến an toàn.
Sau khi tàu 42 rời bờ, tàu 69 nối gót theo sau đến địa điểm Bạc Liêu. Trên chuyến tàu ấy hội đủ rất nhiều bậc lão thành về hàng hải như: thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước, chính trị viên Tăng Văn Huyễn cùng các thuyền phó, thủy thủ dày dạn kinh nghiệm. Vì thế, khi rơi vào “tầm ngắm” của một máy bay trinh sát Mỹ họ đã quan sát và xử lý tình huống hết sức bình tĩnh, linh hoạt. Tại Tàu 69 - Bản anh hùng ca trên biển, tác giả đã kể về câu chuyện của những con người “vượt trên sóng dữ”. Trong số đó, có các anh như: thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước, anh Khưu Ngọc Bẩy, anh Nguyễn Tiến Hai - thuyền phó tàu 69,...
Mấy mươi năm kể từ khi con tàu 69 cập bến Cà Mau, nhà văn Đình Kính gặp người thuyền phó tàu 69 năm nào tại vùng đất Quảng Ngãi, gần sông Trà Khúc. Tại đây, anh Tiến Hai đã thuật lại chuyến đi “bão táp” ấy. Lần nọ, tàu 69 đang trong đà tiến vào bờ thì không bắt được tín hiệu là cây đèn biển trên đảo Hòn Khoai. Thế là anh em trên tàu hết sức lo lắng, hoang mang bởi địa hình phía đông Cà Mau rất dễ khiến tàu bị mắc cạn. Thật thế, tờ mờ sáng hôm sau đoàn tàu bị mắc cạn nhưng may mắn sao anh Tiến Hai đã thành công kéo tàu nhích dần lên.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tác giả gặp lại anh Phan Hải Hồ - một trong những người đã chiến đấu vô cùng can trường và quả cảm trên con tàu 69. Còn nhớ trong lần đó, anh Hải Hồ bị một mảnh đạn găm vào chân, dù đau đớn là thế nhưng anh vẫn lê đôi chân đẫm máu ôm súng chống trả kẻ thù. Lát sau, anh đã nhờ thuyền phó Nguyễn Hấn chặt chiếc chân ấy đi để thuận tiện cho việc chiến đấu. Khi tàu gần đến bờ, cũng là lúc anh Hải Hồ được chính trị viên Tăng Văn Huyễn tuyên bố: “Nhân danh Bí thư chi đội, tôi tuyên bố, từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng”.
Giờ đây, anh trở lại công việc đồng áng tại quê nhà nhưng thẳm sâu trong kí ức chưa bao giờ anh nguôi nỗi tiếc thương những anh em đã hy sinh trên biển dữ. Đọng trong lòng anh Hồ là nỗi buồn mênh mang khi chứng kiến những tấm mộ “vô danh” của các đồng đội trên tàu 69: “Sao lại vô danh chứ? Khi chúng tôi chôn cất, có bia mộ bằng cây rừng, có sơ đồ mộ chí cơ mà…”. Nhưng biết làm sao cho được, thời gian đã làm xói mòn, biến thiên nhiều thứ, trong đó có cả những mất mát đến nghẹn lòng về vô số mộ “vô danh”.
Tại bài viết Tàu 69B và thuyền trưởng Phan Văn Xã đã ra đi như thế nào, tác giả có dịp gặp gỡ và tâm sự với anh Phùng Công Phát - chiến sĩ ra đa trên tàu 69B trong một lần ghé Cần Thơ. Vào năm 1971, tàu 69B được giao nhiệm vụ chở 60 tấn vũ khí vào Cà Mau. Chuyến đi đó, các anh đã bị 5 tàu tuần duyên của địch tấn công như xả đạn. Mặc dù đã ra sức chống trả quyết liệt nhưng không thể tránh khỏi trường hợp các anh em bị thương và khoang lái bị ngập.
Nhớ lại buổi sáng lúc ấy, địch vừa ra sức rà soát, vừa rải chất độc hóa học xuống biển. Anh Phùng Công Phát cùng một số đồng đội may mắn bơi được vào bờ và được du kích ta đưa về khu hậu cần Quân khu 9. Thế nhưng thuyền trưởng Phan Văn Xã đi sau lại bị địch phát hiện và bắn trúng khi vào gần đến bờ. Sau đó, các anh em trên tàu 69B tìm thấy xác anh ở mãi Hầm Hố và chôn cất ở nghĩa trang Lồng Chim. Trong chuyến đi ấy, đã có không ít người nằm lại dưới lòng biển sâu mà chẳng quay lại nữa…
Có thể nói, quyển sách nhỏ này đã chở những dòng xúc cảm dạt dào, chân thực thông qua các câu chuyện của mỗi chuyến đi trên con “tàu không số” đến bờ độc giả một cách đầy thành công và trọn vẹn. Xuyên suốt quá trình thực hiện Huyền thoại “Tàu không số”, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ từ các anh em trong Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển và Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 125. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, những hồi ức về một thời khuấy động biển trời vẫn còn hằn in trong tâm trí bao thế hệ. Đặc biệt, đối với những chiến sĩ trong Lữ đoàn 125 đó còn là một nốt son chói đỏ, một niềm tự hào về truyền thống hùng anh của Lữ đoàn mình.
Nhìn lại chặng hành trình đã qua, chúng ta không khỏi bất ngờ, cảm kích trước những đóng góp lớn lao mà lặng lẽ của biết bao con người quả cảm. Có lẽ chúng ta sẽ phải lặng người đôi phút trước những con số biết nói như: “tàu không số” đã vận chuyển thành công hơn 150 tấn vũ khí, 80 ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam và phải vượt qua hơn 20 cơn bão, đối đầu với kẻ địch khoảng 1200 lần,...
Suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyển giao vũ khí, hàng hóa, nhân lực cho miền Nam ruột thịt, những cán bộ, chiến sĩ trên “tàu không số” đã cùng lúc mang theo nghĩa tình, niềm tin đến bờ Nam thân yêu. Do đó, những con tàu đã làm nên huyền thoại ấy sẽ mãi đậm sâu trong tâm khảm dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây còn là một tấm gương chói ngời trong công cuộc kiến tạo và bảo vệ quốc gia cho thế hệ trẻ ngày nay về một huyền thoại gần như “vô tiền khoáng hậu”: đường không dấu, tàu không số!