Có thể thấy, xuyên suốt những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng hình ảnh các vị anh hùng (về chính trị, quân sự và cả văn hóa):
“Tuy mạnh, yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
Giữa cơn biến loạn, nhiễu nhương những bậc anh tài ấy đã xuất hiện trên nền trời đất Việt vào đúng thời điểm đất nước “khao khát” một anh hùng, liệt nữ. Tuy nhiên, số phận của biết bao con người kiệt xuất ấy hệt như những vệt sao băng sáng chói rực rỡ rồi lụi tàn một cách vô cùng chóng vánh. Mặc dù thế, họ vẫn là những cá nhân góp phần làm rạng ngời hai tiếng Việt Nam để mãi đến sau này họ vẫn là niềm tự hào của nhiều thế hệ.
Dẫu họ là những người hùng đã được vinh danh hay là những anh hùng “Không ai nhớ mặt đặt tên” thì điều cốt yếu là họ đã trở thành một nốt son chói đỏ in hằn trong tâm khảm dân tộc Việt. Khi ta ngoái nhìn lại hàng trăm, hàng nghìn vết trầm tích trong lịch sử nước nhà chắc hẳn ta sẽ phải thốt lên câu nói Việt Nam là nước “ra ngõ gặp anh hùng”!
Để thể hiện lòng tri ân sâu sắc và góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về họ, tác giả Nguyễn Phương Bảo An đã dụng công sưu tầm và biên soạn nên tác phẩm Kể chuyện danh nhân văn hóa. Trong đó, tác giả đã giới thiệu đến độc giả 17 chân dung con người kiệt xuất trong suốt những năm từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
Chúng ta có thể nhận định rằng giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX là một trong những năm tháng đầy sự biến thiên với hàng loạt sự kiện lớn như: Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước; Lý Công Uẩn dời đô ra Đại La,... Hay các cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, cuộc kháng chiến chống Tống, chống quân Nguyên - Mông, chống Xiêm Thanh,...
Đặc biệt, giữa những cột mốc quan trọng này, sự chuyển mình trong văn hóa, tư tưởng cũng hết sức mạnh mẽ. Từ trong những năm tháng máu lửa ấy đã sản sinh ra vô số con người tài hoa, ưu việt. Chẳng hạn, chúng ta có thể tìm hiểu về những bậc tài kiệt như: Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Đào Sư Tích, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Quý Đức, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương,...
Lý Công Uẩn (974 - 1028)
Từ trước đến nay, những cứ liệu về thân thế của ông vẫn còn khá mơ hồ. Người ta chỉ biết được quê hương ông thuộc châu Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, xoay quanh cuộc đời của vị anh hùng này thường có không ít các giả thuyết.
Trong đó, có một câu chuyện mang sắc màu của sự linh dị như sau: Một lần đến làm thuê ở chùa Tiên Sơn, cha của Lý Công Uẩn đã nảy sinh ái tình với ni cô trong chùa ấy và làm nàng có mang. Khi trụ trì biết tin liền đuổi họ đi, chẳng may trên đường cha của ông sảy chân xuống giếng mà chết. Thế là mẹ ông mang ông để trước cửa chùa Ứng Tâm. Tương truyền lúc vừa chào đời, dưới bàn chân ông có chữ “đế vương” đỏ rực và khung cảnh xung quanh chợt tựa phép màu.
Sau này, Lý Công Uẩn được nuôi dạy bởi sư Vạn Hạnh và trở thành vua rồi lập ra nhà Lý. Suốt thời gian trị vì, Lý Công Uẩn đã chứng tỏ mình là bậc minh quân tài trí và có tầm nhìn hơn người khi đã dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, lập ra kinh đô Thăng Long bởi “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa… đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (chưa rõ năm sinh - 1300)
Được biết, không chỉ là một nhà chính trị, quân sự tài ba mà Trần Hưng Đạo (sau được phong là Hưng Đạo Đại vương) còn là một văn nhân tài hoa đời Trần. Ông sinh ra ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc Nam Định). Là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu và là cháu của vua Trần Thái Tông, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng lực phi phàm của mình khi thạo đủ cả văn lẫn võ.
Sau này, ông lãnh đạo và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông (lần thứ hai và ba) và nổi danh là tướng lĩnh tài kiệt từ đó.
Bên cạnh đó, ông còn là một con người trượng nghĩa khi dẹp bỏ mối hằn riêng mà hướng trọn chí hướng về vận mệnh đất nước, nhân dân. Có thể nói, ông là một trong những vị tướng lĩnh đầu tiên hiểu rõ sức mạnh của quần chúng yêu nước: “phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Đào Sư Tích (chưa rõ năm sinh, năm mất)
Ông được cho là người làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Thuở nhỏ, ông vô cùng say mê những câu chuyện cổ và sớm nổi danh với sự thông minh, hiếu học của mình. Sau khi đỗ Trạng Nguyên vào năm 1374, Đào Sư Tích giữ chức Nhập nội hành khiển, sau được phong Mậu quốc công. Thế nhưng trong chốn quan trường chất chứa nhiều điều hỗn tạp, nhiễu nhương nên không lâu sau ông đã cáo quan về quê dạy học.
Vốn là một bậc hùng anh với trái tim luôn thổn thức vì nước nhà, dân tộc nên dẫu đã cáo quan nhưng khi vua Trần cho gọi đi sứ sang nhà Minh (1394), ông vẫn tuân theo và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai năm sau, trong thời gian đi sứ ông đã ra đi hết sức đột ngột và để lại vô vàn nỗi tiếc thương, lòng cảm phục trong dân chúng. Do đó, nhân dân đã lập đền thờ ông và phong ông là phúc thần.
Nguyễn Trãi (1380 - 1442)
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai quê tại làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Phi Khanh tài - một vị quan tài trí, mẹ là Trần Thị Thái - con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông được là một nhà chính trị, quân sự mang tầm vóc vĩ đại trong dân tộc Việt. Hơn nữa, ông còn được biết đến là một tài thơ xuất chúng với vô số tập thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đặc biệt, ông còn được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa Thế giới. Đáng tiếc thay, sau thảm án Lệ Chi viên, những tác phẩm của ông đã bị thiêu hủy, thất lạc không ít.
Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh và làm quan dưới triều nhà Hồ. Tuy nhiên chỉ mấy năm sau đó, nhà Minh đem quân sang quấy nhiễu khiến nước ta rơi vào cảnh khốn đốn, điêu linh. Trước lúc Nguyễn Phi Khanh bị quân giặc bắt đi, ông đã dặn dò Nguyễn Trãi rằng: “Con phải nghe cha, trở về trả thù nhà, đền nợ nước. Đuổi sạch giặc Minh ra khỏi nước ta, đó cũng là cách trả thù cho cha vậy”.
Nghe theo lời cha răn, về sau ông đã góp sức cùng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong thời gian ấy, ông được Lê Lợi hết sức tin cẩn và giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng như: viết thư chiêu dụ tướng giặc Minh và chắp nên “áng thiên cổ hùng văn’ - Bình Ngô đại cáo.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)
Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên húy là Văn Đạt, tự Hanh Phủ (hay còn được gọi là Trạng Trình hay Bạch Vân cư sĩ). Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn, cha là Nguyễn Văn Định - một người có tài văn, còn mẹ là con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lang vốn rất thông tuệ tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Mặc dù từ tấm bé, ông đã thể hiện được sự tài trí hơn người song vì thời cuộc éo le nên mãi đến khi qua tuổi tứ tuần ông mới thi và đỗ Trạng nguyên (năm 1535). Sau đó, ông phụng sự cho triều Mạc nhưng cũng chẳng được bao lâu ông chứng kiến cảnh lộng thần, tham quan quấy nhiễu, thế là ông dâng sớ xin chém những kẻ náo loạn ấy nhưng lại không được chấp thuận. Do đó, ông cáo bệnh và lui về chốn điền viên. Tuy nhiên, sau đó ông cũng trở lại tham chính và được giữ những chức quan như: Tả thị lang Bộ lại, Thượng thư Bộ lại, Trình tuyền hầu,... Sau này, ông chính thức từ quan vào năm 70 tuổi và mở trường dạy học tại quê nhà.
Tựu trung, ông là một bậc trí tài rất mực với tấm lòng sắt son luôn hướng về đời sống dân chúng và vận mệnh giang sơn:
“Bao giờ được thấy lại cảnh thịnh trị
Trời đất như xưa một vẻ thái bình”
Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748)
Đoàn Thị Điểm hiệu là Hồng Hà nữ sĩ (hay Trạng Giữa), bà xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống học vấn. Do đó, bà đã được học chữ từ thuở nhỏ và sớm bộc lộ vốn thông minh, sự sắc sảo thiên phú của mình. Nhắc đến vị tài nữ phương Nam này, chúng ta thường nhớ ngay đến bản dịch của một áng văn tuyệt diệu - “Chinh phụ ngâm”.
Sinh thời, bà được nhân gian ca tụng là một phụ nữ tài sắc với một phẩm cách trong sáng, thanh cao. Bằng chứng là dẫu nhiều lần rơi vào cảnh khó khăn nhưng Đoàn Thị Điểm chưa bao giờ cúi mình trước phú quý, vinh hoa. Do đó, bà không ngần ngại điều tiếng mà sẵn sàng từ hôn rất nhiều người có tiếng tăm lừng lẫy để đổi lấy một cuộc đời tự do, phóng túng.
Mãi đến sau này, khi gia đình và bằng hữu khuyên răn nhiều lẽ nên bà mới bước vào đường hôn nhân với tài thơ Nguyễn Kiều. Thế nhưng chẳng mặn nồng được bao lâu thì đường âm dương đã chia cắt hai người khi Đoàn Thị Điểm ra đi năm 44 tuổi. Sự ra đi quá sớm của bà đã để lại nỗi tiếc thương trong lòng nhiều người mến mộ tài văn thơ của nữ sĩ và nhất là “người đầu ấp tay gối” - Nguyễn Kiều niềm sầu nhớ mênh mang:
“Ô hô! Hỡi nàng
Huệ tốt, lan thơm
Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang
Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỡ ngàng
Giáo mác, ấy bàn luận,
Gấm vóc, ấy văn chương
Nữ trung, rất hiếm có như nàng…”
Lê Quý Đôn (1726 - 1784)
Lê Quý Đôn tên tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người làng Diên Hà, tỉnh Thái Bình. Từ tấm bé, ông đã nổi danh khắp vùng vì sự thông minh thiên bẩm, trí nhớ phi phàm cùng tài ứng đối xuất chúng. Khi chớm ngõ con đường thi cử, ông đã liên tiếp đỗ cao trong cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình và ra làm quan phụng sự đất nước.
Đã có lần Phan Huy Chú ngợi ca sự uyên bác của vị học giả này: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người… Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.
Thật vậy, Lê Quý Đôn quả đúng là bậc kỳ tài hiếm có của dân tộc ta bởi sự cống hiến mang tầm vóc kỳ vĩ với hàng loạt tác phẩm khảo cứu về các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn hóa như Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Thư kinh diễn nghĩa,... Đặc biệt là tác phẩm được xem như bách khoa thư thời phong kiến - Vân đài loại ngữ. Bên cạnh đó, Lê Quý Đôn còn được người đời ngưỡng mộ vì công lao kinh bang tế thế trong sự nghiệp làm quan cũng như những lần đi sứ.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)
Ông tên tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai (hay còn gọi là ông Hy Văn), ông là người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời, ông là một người rất đỗi tài hoa lại ưa lối sống phóng túng, ngông nghênh. Do đó, ông thường tỏ rõ nỗi chán ghét sự giam hãm trong chốn quan trường trong các thi phẩm của mình. Chẳng hạn trong Bài ca ngất ngưởng, ông đã thốt lên rằng: “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”.
Song song với tài thơ xuất chúng, ông còn nổi tiếng là một kẻ đa tình với lòng yêu chuộng sắc vóc, tài nghệ của nữ nhân và niềm say sưa dành cho các thú vui tao nhã như: cầm, kỳ, thi, tửu. Không chỉ thế, Nguyễn Công Trứ còn là người có công rất lớn trong việc khai khẩn, di dân lập ấp cũng như việc mở đường và phổ biến thể hát nói trong dân chúng.
Dẫu vậy, con đường công danh của ông không mấy suôn sẻ khi nhiều phen ông bị giáng chức, thậm chí có lần ông bị hạ xuống làm lính thú. Nguyên cớ là bởi tính tình quá mức cương trực và khảng khái khiến ông luôn thẳng thắn thể hiện sự chống đối trước những bè phái nịnh thần, tham quan. Kết lại, ta có thể nhận định rằng ông là kẻ sĩ với phong cách phong nhã, khoáng đạt và là bậc trung quân đáng để người đời trọng vọng.
Hồ Xuân Hương (khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX)
Trên thực tế, cuộc đời của bà đến nay vẫn là một nỗi niềm mang tên “nghi vấn” trong công chúng. Theo một vài thông tin, bà được cho là người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sở dĩ bà luôn lên tiếng bênh vực người phụ nữ với một giọng điệu bẽ bàng, sâu cay là bởi cuộc đời bà đã trải lắm điều chát chúa. Sinh ra trong thời buổi khắt khe, Hồ Xuân Hương hiểu rõ sự nhỏ nhoi, tầm thường của thân phận làm vợ lẽ bởi mẹ bà cũng từng là một người làm lẽ. Đến tuổi thành gia lập thất, bà lại rơi vào số kiếp làm lẽ người ta và chịu bao điều đắng cay, tủi cực.
Có thể nói, bà chính là tiếng sấm rền vang mang đầy bí ẩn trên nền văn chương trung đại. Trước hết là bởi tài năng thi ca xuất chúng với vô vàn áng thơ Nôm giàu sức gợi hình, gợi tả: Vịnh cái quạt, Bánh trôi nước, Đánh đu,... Thêm nữa, bà là hiện thân cho hàng nghìn, hàng vạn tiếng kêu khóc và sức phản kháng của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc. Đặc biệt, lối sống và khí phách của bà xứng đáng đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam ta.
Ngoái trông lại nghìn năm sử sách ở nước Việt ta, quả thực đã có không ít bậc kỳ tài lừng lẫy. Họ không chỉ là những con người cao khiết, tài hoa mà còn là người có khả năng thấu thị “nhân tình thế thái”. Nhìn lại biết bao thành quả mà họ để lại cho hậu thế, ta càng xiết bao tôn kính và tự hào về những con người khuấy đảo thời đại ấy. Theo những bước chạy vụt của thời gian, họ càng chứng minh được phẩm cách và tài nghệ xuất chúng của mình. Bằng chứng là chúng ta đã dành cho họ sự kính cẩn, ngưỡng mộ sâu sắc với danh xưng cao quý, đó là danh nhân văn hóa.
Với tâm huyết cùng tình yêu lịch sử nước nhà, tác giả Nguyễn Phương Bảo An đã đem đến cho bạn đọc những con chữ đầy chân thực, thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của 17 danh nhân văn hóa Việt Nam. Quyển sách Kể chuyện danh nhân văn hóa này hi vọng sẽ là người đồng hành thân thiết của các bạn độc giả khi tìm hiểu về chân dung về những con người tài kiệt: Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương,...