Tác giả: Paul Kalanithi
Người dịch: Trần Thanh Hương
Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua, Paul Kalanithi đã nghiên cứu vô số bản chụp CT cắt lớp, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: Ảnh chụp của chính anh. Chẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thuỳ gan bị phá sạch.
Khoảng sáu tháng trước, anh bắt đầu bị sụt cân và đau lưng trầm trọng. Khi thay đồ buổi sáng, thắt lưng phải thắt lại một nấc, sau đó là hai nấc. Paul đến gặp bác sĩ chính của mình, một người bạn cùng lớp cũ từ Stanford.
Lúc này đây hành trình từ một sinh viên y khoa vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh đã đến hồi kết: sau mười năm tu luyện miệt mài, Paul quyết tâm kiên trì nốt mười lăm tháng tới đến khi chương trình nội trú kết thúc.
Ở tuổi 36 anh đã leo gần đến đỉnh núi; anh có thể nhìn thấy Vùng Đất Hứa, từ Gilead, Jericho cho tới Địa Trung Hải. Anh có thể thấy trên biển đó chiếc tàu hai thân xinh đẹp mà Lucy, những đứa con giả định và anh vẫn đi nghỉ cuối tuần trên đó. Anh có thể thấy sức ép trên lưng nới ra khi lịch làm việc giãn dần và cuộc sống trở nên dễ kiểm soát hơn.
Paul nhận được chiếc vòng tay nhựa mà mọi bệnh nhân đều đeo, mặc bộ đồ bệnh viện màu xanh dương nhạt quen thuộc, đi qua những vị y tá anh biết và đăng ký nhập phòng - “đúng căn phòng nơi tôi đã từng gặp hàng trăm bệnh nhân trong suốt những năm qua. Trong căn phòng này, tôi đã từng ngồi với bệnh nhân và giải thích cho họ kết quả chẩn đoán cuối cùng cũng như các phẫu thuật phức tạp; trong căn phòng này tôi chúc mừng bệnh nhân vì được chữa khỏi và chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi được trở về với cuộc sống; cũng trong căn phòng này, tôi tuyên bố những bệnh nhân tử vong. Tôi đã ngồi trên những chiếc ghế, rửa tay trong bồn, nguệch ngoạc các chỉ dẫn trên bảng thông báo, thay đổi lịch công tác. Trong những giây phút kiệt sức, mệt mỏi, tôi thậm chí đã khao khát được nằm trên chiếc giường này và ngủ. Mà giờ tôi nằm đây, hoàn toàn tỉnh táo.”
Phần 1: Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo
Vào năm cuối đại học, trong một trong những buổi học cuối cùng về Khoa học thần kinh và Đạo đức, Paul đã đến thăm viện chăm sóc những người bị tổn thương não nặng nề. Bước vào đại sảnh tiếp tân, chào đón anh là những tiếng rên rỉ thê lương. Người hướng dẫn là một phụ nữ thân thiện trạc ba mươi tuổi đang tự giới thiệu với nhóm, nhưng ánh mắt anh vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn cơn của tiếng động đó.
Người hướng dẫn cho biết ban đầu người nhà sẽ tới thăm thường xuyên, hằng ngày hoặc thậm chí hai lần một ngày. Sau đó có lẽ là hai ngày một lần. Rồi chỉ vào cuối tuần. Sau vài tháng hoặc vài năm, những cuộc thăm viếng dần biến mất cho đến khi chỉ còn rút lại vào các dịp sinh nhật và Giáng sinh. Cuối cùng, đa số gia đình đều chuyển nhà đi, càng xa càng tốt.
“Chỉ đến sau này tôi mới nhận ra chuyến đi đó đã bổ sung một phương chiều mới cho hiểu biết của tôi về thực tế rằng não bộ đưa đến cho chúng ta khả năng tạo dựng các mối quan hệ và khiến cuộc sống có ý nghĩa. Đôi khi, chúng cũng phá vỡ nó.”
Trong lớp giải phẫu, anh và mọi người chọn cách vật thể hoá người chết, nói theo nghĩa đen là quy họ thành những bộ phận cơ thể, mô, dây thần kinh, và cơ. Vào ngày đầu tiên, bạn hoàn toàn không thể phủ nhận những đặc tính con người của một cái xác. Nhưng tại thời điểm khi bạn lột các chi, lạng qua từng thớ thịt phiền phức, kéo ra những lá phổi, cắt mở trái tim và loại bỏ đi một thuỳ gan, thì thật khó để còn có thể nhận ra đống mô đó là con người. Đến cuối cùng, những giờ thực hành giải phẫu không còn là sự xâm phạm vào tính thiêng liêng mà trở thành một cái gì đó xen lẫn giữa những giờ hạnh phúc. Việc nhận ra điều này khiến người ta thật bối rối. “Trong những phút giây hiếm hoi bối rối hồi nhìn lại, tất cả chúng tôi đều im lặng tạ lỗi với những thi thể, không phải chúng tôi cảm nhận được sự xâm phạm đầy tội lỗi, mà bởi vì chúng tôi đã không hề cảm nhận thấy điều đó.”
Dù vậy, đó không phải là một tội ác thuần tuý. Toàn bộ lĩnh vực y học, không chỉ việc mổ xẻ tử thi, đều xâm lấn vào phạm vi thánh thần. Bác sĩ xâm phạm cơ thể người bằng mọi cách chúng ta có thể tưởng tượng ra. Họ bắt gặp con người trong tình trạng mong manh nhất, hoang mang nhất, và riêng tư nhất. Họ hộ tống bệnh nhân đến với thế giới, sau đó rút lui. Nhìn nhận cơ thể dưới dạng vật chất và các cơ chế là một cách khác để làm dịu nhẹ những đau đớn tột bậc của con người.
Phần 2: Không dừng cho tới chết
Nằm cạnh Lucy trên giường bệnh, anh và vợ cùng khóc, hình chụp CT vẫn sáng trên màn hình máy tính. Nhân diện của anh - nhân diện của một bác sĩ - đã không còn ý nghĩa gì nữa. Ung thư xâm chiếm nhiều hệ cơ quan, chẩn đoán đã rõ ràng. Căn phòng lặng lẽ. “Lucy nói nàng yêu tôi. “Anh không muốn chết.” Tôi nói. Tôi khuyên nàng nên tái hôn, rằng tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ nàng sẽ cô đơn một mình. Tôi nói về việc chúng tôi bắt đầu gọi điện cho người thân.”
Một chương trong cuộc đời tôi dường như đã kết thúc, mà có lẽ là cả cuốn sách đã khép lại. Thay vì trong vai một mục sư trợ giúp con người bước qua những biến đổi của cuộc đời, tôi thấy mình chỉ như chú cừu con, lạc lối, ngơ ngác. Căn bệnh nguy hiểm không chỉ có tính chất thay đổi cuộc đời mà còn phá tan nó. Chẳng giống như một lễ hiển linh - luồng sáng dữ dội soi rọi Những - Gì - Có - Nghĩa mà gần như ai đó đã dội bom trên con đường phía trước.
Cuộc sống của anh đã dành để xây dựng tiềm năng, thứ tiềm năng này trở thành bất khả. Anh đã lên kế hoạch thật nhiều và gần như đạt được mọi thứ. Thân thể suy nhược, thứ tương lai mà anh đã tưởng tượng cùng nhân diện cá nhân sụp đổ, và tôi phải đối mặt với cùng một tình thế khó khăn về sự tồn tại, giống như những bệnh nhân của mình. Chẩn đoán ung thư phổi là chắc chắn. Một tương lai được lên kế hoạch tỉ mỉ và khó khăn lắm mới đạt được này đã không còn tồn tại nữa. Cái chết, vốn rất quen thuộc với anh trong công việc, nay lại ghé thăm riêng anh. Ta ở đây, mặt đối mặt, vậy mà dường như không thể nhận ra điều gì về nó. Tại một ngã tư đường nơi lẽ ra tôi có thể nhìn và theo dõi dấu chân của vô số bệnh nhân tôi từng chữa trị, thay vào đó tôi chỉ thấy một sa mạc trắng lập lòe đầy trống rỗng khắc nghiệt, như thể một cơn bão đã xoá bỏ mọi dấu vết quen thân.
Khoảng thời gian khá hơn của tuần đó Paul nằm lì trên giường, và vì căn bệnh ung thư tiến triển, anh yếu đi trông thấy. Cơ thể anh và cả nhân diện gắn liền với nó đã thay đổi lớn. Những chuyến di chuyển từ giường tới phòng tắm và ngược lại không còn là một chương trình vận động tự động mà đòi hỏi nỗ lực và kế hoạch.
Trước khi căn bệnh ung thư được phát hiện, tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, tôi chỉ không biết là bao giờ. Sau chẩn đoán, tôi vẫn biết rằng một ngày tôi sẽ chết và cũng vẫn không biết là bao giờ.
Khi trở về nhà từ ngân hàng tinh trùng, Paul nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng mình quả thật có trong người dạng đột biến chữa được (EGFR). Hoá trị bị huỷ bỏ, thật may mắn, và Tarceva, loại thuốc viên trắng nhỏ trở thành liệu pháp chữa trị cho anh. Paul nhanh chóng thấy khỏe hơn. Dù không còn rõ đó là cái gì, nhưng tôi cảm nhận được nó: một giọt hy vọng.
Khi được chẩn đoán mang bệnh nan y trong người, Paul bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính; anh bắt đầu nhìn cái chết trong cả hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân.
Phần lớn thời gian trong tuần của anh không dành cho liệu pháp nhận thức - hành vi mà là vật lý trị liệu.
Tôi thức giấc trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày mới nữa. Ngoài bữa sáng, không có kế hoạch nào có vẻ khả thi. Tôi đã nghĩ mình không thể tiếp tục rồi ngay lập tức, tiếng hồi đáp vang lên trong câu niệm thần chú của Samuel Beckett mà tôi đã từng học thời đại học: Tôi sẽ tiếp tục.
Sáng hôm đó, tôi đưa ra một quyết định: Sẽ ép buộc bản thân mình quay lại phòng mổ. Tại sao? Bởi vì tôi có thể.
Và sáu tuần sau đó, Paul đã điều chỉnh chương trình vật lý trị liệu để nâng cao sức khoẻ cho việc phẫu thuật. Những nỗ lực của Paul không chỉ dừng ở đó, và may mắn có thực sự đến với Paul? Bạn hãy tìm câu trả lời của mình thông qua cuốn sách này nhé!