“Nói một cách đơn giản, rau củ quả không hề muốn bị chúng ta ăn, bởi đây chính là quy luật của tự nhiên. Bất kỳ sinh vật sống nào đều sở hữu bản năng cố gắng tồn tại để sản sinh đời sau và duy trì giống loài của mình.”
- Steven Gundry
Steven Gundry là một bác sĩ tim mạch và chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, được biết đến như một trong những người tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật ghép tim và cấp cứu bệnh nhân đau tim. Nhờ vào kinh nghiệm tích lũy được trong suốt sự nghiệp hành nghề y hơn 30 năm của mình, Bác sĩ Steven Gundry đã nhận ra nghịch lý rằng, mặc dù càng nhiều người lựa chọn chuyển sang những chế độ dinh dưỡng được cho là tốt cho sức khỏe, thế nhưng tần suất của các căn bệnh béo phì và viêm nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo Bác sĩ Steven Gundry thì nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do nhiều loại rau củ quả mà chúng ta nghĩ rằng tốt cho sức khoẻ, thực tế lại gây hại cho cơ thể, dẫn tới những căn bệnh tim mạch và ung thư, cũng như khiến cho chúng ta khó giảm cân hơn. Bởi vậy, việc tránh tiêu thụ những loại rau củ quả này sẽ khiến chúng ta khoẻ mạnh và năng động hơn, cải thiện sức khoẻ đường tiêu hoá, giảm các chứng viêm nhiễm, đồng thời giúp duy trì thể trọng tối ưu của cơ thể. Tất cả những phân tích này của Bác sĩ Steven Gundry đã được tổng kết trong nội dung cuốn sách Nghịch lý rau củ quả.
Bài học thứ nhất: Nhiều loại rau củ quả sử dụng cơ chế tự vệ bằng protein, có thể khiến giảm khả năng suy nghĩ và kiểm soát cân nặng của chúng ta
Không chỉ những loài động vật, mà ngay cả các loài thực vật cũng tiến hoá nhiều cơ chế tự vệ đa dạng, nhằm tự bảo vệ bản thân tránh trở thành thức ăn cho những kẻ săn mồi. Và một trong những cơ chế tự bảo vệ bản thân đó, chính là thông qua việc sản sinh ra protein nhóm lectin.
Lectin là một nhóm protein liên kết carbohydrate tồn tại trong phần hạt, lá, và vỏ của phần lớn các loài thực vật. Bởi vậy, khi bị các loài động vật - bao gồm cả con người tiêu thụ, loại protein này sẽ liên kết với những phân tử đường tồn tại trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của nhiều cơ quan. Đặc biệt, lectin còn có thể ảnh hưởng tới các tế bào thần kinh, từ đó gây suy giảm khả năng suy nghĩ, khả năng tập trung, và khả năng ghi nhớ.
Đồng thời, tính chất liên kết carbohydrate của lectin còn thúc đẩy các phân tử đường tiến vào những tế bào mỡ trong cơ thể, tạo điều kiện cho chúng chuyển hóa thành chất béo và khiến chúng ta tăng cân. Một ví dụ cho điều này chính là lúa mỳ - loại lương thực chứa nhiều thành phần lectin, từ xa xưa đã được tổ tiên con người lựa chọn làm thực phẩm quan trọng nhờ khả năng “vỗ béo” của nó, bởi việc tích trữ mỡ trong cơ thể sẽ giúp con người sống sót tốt hơn qua những tháng mùa đông giá lạnh.
Thế nhưng, đối với con người hiện đại thì “tác dụng phụ” này của lúa mỳ lại chẳng tốt chút nào!
Bài học thứ hai: Lectin có thể khiến cho hệ miễn dịch quay sang tấn công chính cơ thể của chúng ta
Như nhiều người đã biết, trong đường tiêu hoá của mỗi chúng ta, đều tồn tại một hệ vi khuẩn đóng vai trò hỗ trợ cơ thể chuyển hoá thực phẩm thành năng lượng. Nếu không có những lợi khuẩn đường ruột này, con người thậm chí sẽ chết đói!
Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ cho phép lợi khuẩn tồn tại bên trong đường ruột, và sẽ lập tức tấn công chúng giống như mọi đối tượng ngoại lai khác nếu những lợi khuẩn này thoát khỏi đường ruột. Điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch quay sang tấn công chính cơ thể của chúng ta!
Một tác hại khác của lectin, chính là làm tăng tính cho phép thấm qua của thành đường ruột, từ đó tạo thành sự “rò rỉ” của hệ lợi khuẩn đầy quý giá đối với cơ thể. Xưa kia, hiện tượng này không thường xuất hiện do chúng ta lựa chọn loại bỏ cám khỏi những loại hạt ngũ cốc trước khi tiêu thụ, nhờ vậy giảm thiểu được đáng kể lượng lectin mà chúng ta vô tình đưa vào trong cơ thể.
Tuy nhiên, ngày nay thì càng nhiều người lựa chọn tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt và nguyên cám, bởi họ tin rằng chế độ ăn này sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Hậu quả là, chúng ta cũng vô tình tăng lượng lectin tiến vào trong cơ thể, từ đó làm gia tăng khả năng mắc nhiều căn bệnh tự miễn như tiểu đường hay viêm ruột mãn tính.
Bài học thứ ba: Hãy biết tránh xa những loại rau củ quả có hại cho cơ thể
Giống như nhiều cuốn sách về dinh dưỡng khác, sau khi đưa ra những giải thích đầy thuyết phục, Bác sĩ Steven Gundry sẽ đem đến cho độc giả danh sách các loại thực phẩm mà chúng ta cần tránh xa để bảo vệ sức khoẻ của bản thân.
Cụ thể, với mục tiêu giảm thiểu lượng lectin đưa vào cơ thể, Bác sĩ Steven Gundry khuyên chúng ta nên tránh tiêu thụ tất cả các loại đậu, bao gồm đậu lăng, đậu Hà Lan, cũng như các loại đậu hạt. Bởi chúng thường chứa thành phần lectin rất cao. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh tiêu thụ khoai tây, các sản phẩm từ lúa mỳ, dưa chuột, cà chua, và toàn bộ các loại hoa quả trái mùa.
Tuy nhiên, Bác sĩ Steven Gundry cũng cảnh báo rằng việc hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm này, có thể khiến cơ thể chúng ta bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Bởi vậy, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn cũng nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất thông qua thực phẩm chức năng. Trong đó, quan trọng nhất chính là vitamin B12 và vitamin D.
Một lượng nhỏ rau củ quả sẽ tốt cho sức khỏe nhưng lượng lớn lại không hề tốt như chúng ta thường nghĩ. Dù rằng chúng có thể duy trì sự sống của con người, song vẫn luôn ẩn chứa những chất gây hại khác mà ít ai biết rõ. Để biết thêm về nghịch lý này và cách để có lối sống khỏe mạnh, hãy cùng dành thời gian nghiên cứu trọn vẹn cuốn sách Nghịch Lý Rau Củ Quả nhé!