Nhằm đối phó với chiến lược chiến tranh mới của Mỹ, quân đội Việt Nam đã đẩy nhanh việc phát triển các lực lượng chủ lực, đặc biệt là lượng lực đặc công. Trên cơ sở đó, Đoàn Đặc công hải quân 126 ra đời, đóng góp nhiều chiến công quan trọng cũng như các tấm gương anh hùng cho cách mạng.
Sáng mãi tên anh
Tạ Văn Thiều (sinh năm 1930, quê Hải Phòng), bí danh Mai Năng là một trong những người đã đặt nền móng xây dựng lực lượng đặc công nước nói chung và Đặc công hải quân 126 nói riêng. Cha mẹ mất sớm, cuộc sống mưu sinh của đứa trẻ mồ côi chứng kiến hành động tàn ác của quân thù với nhân dân, đến tuổi thanh niên, Tạ Văn Thiều trở thành lính quân báo hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các vùng lân cận.
Năm 20 tuổi, ông chính thức tham gia lực lượng chính quy, làm nhiệm vụ thông tin rồi hoạt động hậu cứ. Ông là một trong số chiến sĩ tham gia trận đánh sân bay Cát Bi năm 1954 lừng lẫy được Bác Hồ khen ngợi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mai Năng được cử đi học văn hóa ở Lạng Sơn, rồi được chọn đi đào tạo ở Liên Xô nhưng do tình hình chính trị nước bạn nên việc học không thành. Ông chuyển sang hải quân, làm chính trị viên trên tàu săn ngầm. Sau một lần bí mật gây ra sự cố để cảnh báo công tác canh phòng chểnh mảng của ta, tiếng tăm của ông lên đến tận Bộ Tư lệnh, sau đó được điều về Ban Quân báo làm nhiệm vụ nghiên cứu, lập đề án tổ chức, xây dựng, trang bị cho lực lượng đặc công hải quân.
Năm 1963, Đội 1 - Đặc công hải quân (tiền thân của đặc công hải quân nhân dân Việt Nam) được thành lập do Mai Năng làm Đội trưởng. Sau này phần lớn những chiến sĩ do ông huấn luyện được đưa vào miền Nam chiến đấu, số còn lại vẫn do Mai Năng phụ trách, hoạt động ở cửa sông ở phía Nam Quân khu 3 và 4. Đặc công hải quân liên tục gặt hái nhiều thành công.
Năm 1966, Đoàn huấn luyện trinh sát đặc công hải quân 126 - đơn vị đặc công chính thức đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, Mai Năng vẫn giữ cương vị đội trưởng Đội 1. Sau đó Đội 1 được đưa vào chiến trường Quảng Trị, vừa xây dựng cơ sở, trực tiếp chiến đấu, vừa có nhiệm vụ đúc rút kinh nghiệm thực tiễn để phục vụ hoạt động chiến đấu lâu dài của đơn vị và xây dựng chương trình đào tạo tiếp theo. Mai Năng làm công tác tham mưu trong Ban Chỉ huy tiền phương của Đoàn, sau đó lại được chuyển về làm Đội trưởng, trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Trận đầu ra quân chưa được như ý song chiến trường đã đem lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho Mai Năng, giúp ông trở thành Tư lệnh binh chủng Đặc công dày dạn. Sau hàng loạt những chiến thắng vang dội trên chiến trường Quảng Trị từ đầu năm 1967 đến cuối năm 1968, tiếng tăm của Đặc công hải quân 126 càng trở nên lừng lẫy. Mai Năng được cử làm phó Đoàn 1A, rồi thay thế Đoàn trưởng khi ông qua đời vào giai đoạn ác liệt năm 1972, rồi rút về miền Bắc để củng cố.
Trận đánh chìm tàu vận tải của Mỹ trên khúc sông Cửa Việt được dư luận thế giới cho là ngoài sức tưởng tượng. Đây là trận đánh đền ơn Bác sau khi Người qua đời năm 1969.
Năm 1975, ông nhận lệnh chỉ huy 200 quân làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Tuy ban đầu gặp khó khăn vì phải theo lối đánh lạ và chiến sĩ bị say sóng nhưng cuối cùng nhiệm vụ vẫn thành công vang dội. Sau khi đất nước thống nhất, ông được cử đi đào tạo ở Liên Xô, về nước với hàm thượng tá rồi làm nhiệm vụ bên Campuchia, giữ chức lữ đoàn trưởng.
Kết thúc nhiệm vụ quốc tế, ông được rút về bồi dưỡng tại Học viện Quân sự cao cấp và phong quân hàm đại tá, rồi được điều sang xây dựng binh chủng đặc công với cương vị Phó Tư lệnh. Năm 1991, Mai Năng trở thành Tư lệnh Binh chủng Đặc công và phong quân hàm thiếu tướng, đến năm 1998 thì nghỉ hưu. Ông vẫn tiếp tục hoạt động tại Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho đến tận năm 2007. Gần 20 năm hoạt động, ông là người đưa kinh nghiệm chiến đấu của đặc công nước vào xây dựng các phương án tác chiến trên cạn, đó là cách đánh trực tiếp vào sở chỉ huy của địch.
Một đời với biển
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình sinh năm 1945, quê Nam Định. Con đường binh nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1965 với Đội 1 của Mai Năng. Song mong ước vào Nam chiến đấu của ông phải dừng lại, do yêu cầu của nhiệm vụ mới, ông cùng các thành viên Đội 1 trở thành các giáo viên và tiểu giáo viên của Đoàn 126 huấn luyện đặc công nước sau khi đơn vị thành lập.
Từ năm 1967 đến năm 1969, Nguyễn Văn Tình làm nhiệm vụ đánh tàu địch ở cảng Cửa Việt - Quảng Trị. Là ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc, chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt. Không chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, ta còn nhiệm vụ bám dân, xây dựng cơ sở trong lòng dân để đánh địch. Vì vậy, tất cả những trận Đội 1 của ông tham gia thường là các trận quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Ví dụ như trận mở màn, đánh để nghiên cứu rút kinh nghiệm cho các đơn vị sau. Hay như các trận đầu tiên khi dịch sử dụng phương pháp phòng thủ mới, hoặc khi ta đưa vào chiến trường những phương pháp chiến đấu mới, những loại vũ khí mới. Dù là Đặc công hải quân từng trái trong huấn luyện chuyên môn, nhưng khi thực hiện công tác dân vận, ông cũng không khỏi có những bỡ ngỡ. Song tình cảm và sự mưu trí của bà con nơi đây nhiều lần giúp bộ đội thoát hiểm nguy, khiến ông vô cùng cảm động.
Nguyễn Văn Tình mưu trí, táo bạo, nhiều lần ra vào bến cảng điều tra, nghiên cứu tình hình, lập phương án chiến đấu, đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng, đặc biệt tại khu vực cảng Cửa Việt, cảng Đông Hà. Ông là người có khả năng nghiên cứu, phân tích rút ra kinh nghiệm trong chiến đấu và đào tạo. Mỗi trận đánh ông lại chọn một chiến sĩ khác đi cùng để kèm cặp cho anh em dày dạn hơn.
Năm 1968, địch càn quét gắt gao, Quảng Trị trở thành đầu mối quan trọng tiêu diệt sinh lực địch. Chiến thuật cũng thay đổi đòi hỏi tính toán cao hơn, vũ khí mới - thủy lôi HAT-2 được đưa vào sử dụng. Trận đánh thủy lôi đầu tiên đã để lại nhiều bài học cho Nguyễn Văn Tình, thắng lợi đó đã trở thành nguồn động viên cho các chiến sĩ khác trong đoàn. Song địch tăng cường càn quét, gây cho ta nhiều khó khăn và thương vong. Bộ đội đáp trả bằng chiến thắng ở Cửa Việt, tạo điều kiện cho quân dân ta tấn công Khe Sanh. Nguyễn Văn Tình với những kinh nghiệm dày dặn và khả năng chiến đấu mưu trí được giao nhiệm vụ trinh sát, lập phương an và chỉ huy đánh trận khai thông tình thể này và đã giành thắng lợi quan trọng.
Năm 1969, Nguyễn Văn Tình ở lại miền Bắc để làm công tác đào tạo, huấn luyện, viết tài liệu tổng kết các trận đánh, kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng cơ sở trong lòng địch và tham mưu, chỉ đạo huấn luyện cho các đơn vị chuyện huấn luyện đặc công nước của hải quân. Năm 1979, ông được cử sang đào tạo tại Học viện Quân chính Lenin. Về nước, ông giữ chức Đoàn trưởng đoàn 861 Đặc công hải quân (sau đổi tên lại thành đoàn 126), phối hợp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát các đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa để xây dựng kế hoạch phòng thủ trên biển. Năm 1989, ông lại lên đường tham dự lớp đào tạo cán bộ quân sự cao cấp, rồi làm ở Bộ Tư lệnh đặc công 10 năm và lại trở về với hải quân, giữ chức cao nhất là Phó Đô đốc. Người lính già đáng kính ấy đã một đời gắn bó với biển, cống hiến hơn 50 năm cho đất nước.
Anh hùng Hoàng Kim Nông
Quê ở Thanh Hóa, năm 1963, Hoàng Kim Nông đã khai gian thêm một tuổi để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, anh trở thành thủy thủ tàu 187. Anh là người vinh dự được tham gia chiến đấu và góp công vào chiến thắng quan trọng ngay trong ngày đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó là trận đánh ác liệt khiến nhiều chiến sĩ hi sinh. Sau hơn ba năm tôi luyện trên Tàu 187, năm 1969, Hoàng Kim Nông nhận nhiệm vụ tại Đoàn 126 Đặc công hải quân.
Trong ba năm tham gia huấn luyện và chiến đấu tại Trung đoàn 126 Hải quân, từ tháng 7 năm 1967 đến tháng 7 năm 1970, Hoàng Kim Nông đã tham gia nhiều trận đánh, góp phần cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tàu dịch tại cảng Cửa Việt. Trong đó có 2 trận đánh đã đi vào lịch sử của Bộ đội đặc công Hải quân nhân dân Việt Nam.
Trận thứ nhất diễn ra vào đúng giao thừa năm Kỷ Dậu Năm ấy. Hoàng Kim Nông mang quân hàm thượng sĩ, là Tổ trưởng Tổ chiến đấu thuộc Đội 1, Đoàn 126 Đặc công hải quân. Suốt một năm trời ta không tổ chức được trận đánh nào vào cảng. Do vậy trận đánh này mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng: Tìm ra cách đánh mới, phá vỡ hệ thống bố phòng của địch. Trận thứ hai chỉ 22 ngày sau đó, Hoàng Kim Nông và đồng đội đã đánh chìm chiếc tàu 8.000 tấn chở đầy vũ khí của địch.
Năm 1970, ông được chọn đi đào tạo sĩ quan chính trị tại Học viện Chính trị, rồi trở lại chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Năm 1975, Hoàng Kim Nông mang quân hàm Đại úy, tiếp tục đi học trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, trước khi sang Liên Xô học trường Quân chính Lênin. Năm 1983, ông về nước với quân hàm Thiếu tá, giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 126 Đặc công hải quân. Từ năm 1986 đến năm 2001, ông lần lượt được phong quân hàm Trung tá, Thượng tá, Đại tá, được bổ nhiệm làm tới chức Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171 Hải quân, rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Người anh hùng nơi góc phố bình yên
Đại tá Lê Văn Ức sinh năm 1950, quê Thanh Hóa. Năm 1968, ông trở thành lính đặc công nước Đoàn 126, vào chiến trường Quảng Trị làm trinh sát, tìm đường. Để chuẩn bị cho một trận đánh, trinh sát đặc công nước phải đi đến bốn lần mới tìm được đường và quy luật hoạt động của địch, lần nào cũng phải đối phó với vô vàn hiểm nguy. Do vậy, ông thuộc số những người phải nằm cơ sở nhiều nhất. Suốt nhiều năm làm trinh sát, ông đều dẫn bộ đội đến đích, chưa bao giờ lạc, nếu có chậm thì do gặp địch phải náu lại, hoặc vòng đường khác xa hơn. Năm 1973, ông cùng đơn vị tập trung huấn luyện cho kế hoạch giải phóng Trường Sa. Những chiến công cứ thế nối dài, ông được nhà nước trao tặng nhiều huân chương.
Sau thống nhất, Lê Văn Ức lần lượt đảm trách rất nhiều nhiệm vụ mới, trở thành Trưởng phòng Binh chủng của Quân chủng Hải quân. Đến lúc nghỉ hưu ông mới có điều kiện chăm lo cho cuộc sống gia đình, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều.
Ai đã gặp người anh hùng ấy
Lê Xuân Sênh (1941) sinh trưởng nơi làng quê Kinh Môn nghèo đói, tuổi thơ gói trọn trong bom rơi đạn lạc. Năm 1965, khi chỉ vừa học xong cấp 2, Sênh gia nhập lực lượng công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Năm 1967, anh chuyển sang lực lượng đặc công nước 126, bổ sung vào chiến trường Quảng Trị. Anh đã cùng đồng đội mày mò hoàn thiện cách đánh thô sơ để đạt hiệu suất chiến đấu cao hơn. Cách đánh mưu trí, sáng tạo, vừa kiên nhẫn, ráo riết giúp anh tiêu diệt lực lượng địch, rút lên làm chỉ huy, được phong tặng nhiều huân chương.
Sau đó, anh lần lượt theo học các trường Văn hóa Hải quân, trường Đảng Hải quân để trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi làm Trợ lý Phòng Cán bộ Hải quân, làm công tác theo dõi, quản lý các hồ sơ phục vụ công tác hậu phương quân đội.
Từ năm 1983 ông lần lượt được phong quân hàm thiếu tá, rồi trung tá, giữ chức Phó Trưởng phòng Doanh trại, Cục Hậu cần. Sau khi về hưu ông sống bình dị, chan hòa, được đồng bào, đồng chí hết sức tín nhiệm.
Sáng mãi chiến công Cửa Việt
Đỗ Viết Cường sinh năm 1950, quê Quảng Ninh. Từ năm 1970 đến 1972, anh làm nhiệm vụ đánh địch ở Cửa Việt, được tặng thưởng nhiều huân chương.
Từ thời niên thiếu, Đỗ Viết Cường đã mang trong mình tinh thần dũng cảm, anh từng không ngại mưa bom của địch lái thuyền đến cứu thương binh. Vào bộ đội, Cường trở thành đội viên xuất sắc. “Trong bốn năm chiến đấu đánh tàu Mỹ ngụy ở Cửa Việt, Đỗ Viết Cường đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ. từ trinh sát, tổ trưởng chiến đấu dưới nước, chỉ huy phân đội đột nhập vào hậu cứ địch, đánh tàu, đánh căn cứ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”
Một trận đánh quan trọng nhằm thử nghiệm cách đánh mới được giao cho Cường đã thành công mỹ mãn: sử dụng một loại mìn mới, neo chìm dưới nước, buộc vào dây phao. Mỹ càng tăng cường phòng thủ. Anh cùng đồng đội tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ trong trận đánh “Con số 5.” Cường còn là một trinh sát rất tháo vát, nhãn quang tốt, vào tận sào huyệt kẻ thù thám thính bị phát hiện mà vẫn an toàn rút lui, tìm được điểm yếu của địch.
Sự hy sinh giản dị
Đại tá Nguyễn Đình Thi, Tham mưu phó Binh chủng Đặc công, Lữ đoàn Đặc công hải quân 126 nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Khi ấy ông mới chỉ lấy vợ được một tháng, sau 10 năm chiến tranh chia cắt vợ chồng ông mới sinh con đầu lòng. Sau khi nhập ngũ ông được đưa về đơn vị pháo bờ biển của Quân chủng Hải quân và là khẩu đội trưởng rồi về Đội 1 do Mai Năng làm đội trưởng. Trong những năm đóng quân ở Quảng Trị, ông đã sáu lần trực tiếp tham gia đánh chìm tàu dịch, còn lại là công việc đi trinh sát năm thông tin tàu địch để đồng đội đi làm nhiệm vụ đánh tàu. Công việc đi trinh sát cũng vô cùng nguy hiểm và vất vả. Một đêm, ông và đồng đội phải đi hết gần 30 cây số. Và ông cũng nhớ biết bao câu chuyện cảm động về tình quân dân của đồng bào Cam Lộ dành cho chiến sĩ đặc công hải quân. Đã nhiều lần ông được bà con cứu thoát.
Năm 1973, Nguyễn Đình Thi được điều ra Bắc và trải qua nhiều chức vụ như: Tiểu đoàn trưởng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng đặc công. Có thời gian ông được cử sang Cuba làm chuyên gia đặc công nước. Trong suốt 35 năm quân ngũ, ông nhiều lần được trao bằng khen, song chiến tích ông chẳng nhớ được bao nhiêu, với ông cuộc đời cứ giản dị quê nhà là đủ.
Những anh hùng đã ngã xuống
Anh hùng Tống Duy Kiên sinh năm 1942, quê ở Thanh Hóa. Khi hy sinh, đồng chí là đảng viên, trung úy, đội trưởng Đội 1 Đặc công, Lữ đoàn 126 Bộ Tư lệnh hải quân.
Anh hùng Nguyễn Hùng Lễ sinh năm 1942, quê ở Thanh Hóa. Khi hy sinh đồng chí là đảng viên, thiếu ủy, phân đội trưởng phân đội 1 Đặc công đoàn 126. Anh tham gia nhiều trận bắn máy bay Mỹ ở Lạch Trường, Cửa Hội, sông Gianh và đánh tàu địch trên sông Cửa Việt. Anh là người đầu tiên trong đơn vị dùng kỹ thuật bơi nhái đánh chìm tàu địch, rút được kinh nghiệm cho đoàn chỉ đạo chung. Đêm 5/2/1968, Nguyễn Hùng Lễ chỉ huy tổ đánh cầu Đông Hà, vào cách cầu 30 mét thì bị lộ, địch bắn dữ dội, anh bị thương nặng. Trước tình hình khó khăn, phức tạp đó, Nguyễn Hùng Lễ cho anh em lùi ra xa, còn mình cố hết sức kéo khối thuốc nổ vào sát chân cầu, đánh sập cầu, anh dũng hy sinh.
Người anh hùng giải phóng đảo Song Tử Tây
Nhìn mẹ qua đời vì bom đạn kẻ thù, Nguyễn Ngọc Quế quyết tâm nhập ngũ dù chưa đủ tuổi. Ông vào đơn vị huấn luyện nhảy dù rồi được cắt về Đoàn 126 Đặc công nước. Khi chính quyền Mỹ - Ngụy sụp đổ, nhiều nước mưu toan xâm chiếm Trường Sa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh đánh chiếm các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm đóng. Song Tử Tây là trận đầu tiên làm bàn đạp do trung úy đặc công Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Ba chiếc tàu cải trang thành tàu đánh cá dần tiến ra Trường Sa trinh sát đảo rồi lùi ra xác định hướng đổ bộ. Màn đêm gây bất lợi cho ta song cuối cùng cũng đã đổ bộ lên đảo. Sau thời gian đấu súng, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ tình hình, giải phóng hòn đảo.
Sau khi giải phóng Song Tử Tây, ông quyết định tranh thủ lấy vợ. Được giới thiệu, ông ngỏ lời với cô học chuyên ngành Lý mới được tuyển vào nhà máy bia Thanh Hóa. Sau nhiều lần hoãn binh suy nghĩ, bà đồng ý về làm vợ ông bởi thương tính tình chất phác thật thà của ông.
Lão nông với ký ức trận đánh lịch sử
Chất phác, vui vẻ là ấn tượng đầu tiên của cánh nhà báo khi đến phỏng vấn ông Trần Quang Khải. Xuất thân từ gia đình thuần nông, ông nhập ngũ khi vừa học hết lớp 9, được chọn huấn luyện trở thành đặc công nước do bơi giỏi rồi cùng đồng đội vào mặt trận Cửa Việt - Quảng Trị. Nhiều lần đi trinh sát lạc vào lô cốt địch bị phát hiện, ông thoát chết chỉ trong gang tấc.
Trong lần làm nhiệm vụ đánh chìm một con tàu được canh giữ nghiêm ngặt của địch, ông bị thương vào đùi do địch phát hiện, bắn đạn truy lùng, mãi sau mới gặp lại hai đồng đội, song nhiệm vụ giành được thắng lợi khiến Mỹ - ngụy khiếp sợ. Hơn 70 tờ báo các nước đã đưa tin. Đây là trận đánh tàu trên biển bằng kỹ thuật đặc công đầu tiên của Đoàn 126 và là trận đánh tàu địch trên biển đầu tiên của các đơn vị đặc công trong toàn quân.
Với ông, cống hiến không bao giờ đòi hỏi được đền đáp, được sống sót trở về, gầy dựng gia đình hạnh phúc đã là niềm hạnh phúc lớn lao.
Năm 1971, ông được cử sang Liên Xô học nghiệp vụ hải quân song phải về nước giữa chừng. Ông tiếp tục học tại trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn, đại học Kỹ thuật quân sự rồi về Quân đoàn 1 đóng ở Tam Điệp sau khi tốt nghiệp. Năm 38 tuổi, ông xin nghỉ hưu khi đang mang hàm thiếu tá để trở về với ruộng nương do lương bộ đội lúc đó thấp, không đủ săn sóc mẹ già và vợ con. Dẫu tuổi đã già, ông vẫn tận hưởng niềm vui với việc ruộng đồng.
Sóng Cửa Việt
Năm 1968, Trần Xuân Hỗ nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 127, sau chuyển về Đoàn Đặc công hải quân 126. Anh đâu ngờ mình lại phải luyện tập đánh giặc trên mặt nước, huấn luyện vô cùng gian khổ. Sau thời gian huấn luyện cơ bản, mỗi chiến sĩ phải bơi được 10km, lặn sâu 30m. Hết thời gian huấn luyện, đơn vị anh hành quân vào Vĩnh Linh, nơi được mệnh danh là đất lửa bởi lửa đạn và thời tiết khắc nghiệt. Trong một nhiệm vụ ở đây, anh bị địch phát hiện, liên tục truy quét. Con tàu nhổ neo di chuyển tạo ra áp lực nước lớn khiến ngòi nổ dự bị nổ ngoài ý muốn. Anh ngất đi vì sức ép, đến lúc tỉnh dậy cố bơi vào bờ trú ẩn, chiều tối mới tìm đường về đơn vị. May mà gặp được hai đồng đội trên đường. Ông là một trong hai đồng chí trực tiếp tiêu diệt tàu chở dầu địch, mở ra một phương thức tác chiến mới: đánh tàu ở ngoài khơi xa.
Sau gần 20 năm hoạt động, Trần Xuân Hỗ ra quân, trở về Quảng Ninh lập nghiệp, trở thành công nhân lái xe gạt. Vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Ở nhịp sống đô thị bình lặng nơi đây, nếu không có người giới thiệu, không ai có thể biết anh từng đánh chìm chiếc tàu chở dầu 15000 tấn của Mỹ. Năm 2015, Trần Xuân Hỗ được Chủ tịch phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng ngày chiến tranh gian khổ đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những lo toan thường nhật. Những con người tưởng như bình thường ấy đã làm nên những điều phi thường, để rồi lại trở về với nhịp sống bình yên lặng lẽ. Phẩm chất anh hùng ấy đã làm nên những kỳ tích trong Lữ đoàn 126 anh hùng nói riêng, cũng như trong suốt cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân ta nói chung.