Hiện nay, tình hình trên diện rộng cũng như trong khu vực đang tồn tại nhiều sự biến động mạnh mẽ, phức tạp. Từ đây, nó đặt ra cho hầu hết các quốc gia trên thế giới vấn đề về việc chuẩn bị, đề phòng trước những tình thế tiêu cực. Đặc biệt, trước thời đại hội nhập - một kỷ nguyên của vô số cơn bão lốc thông tin, chúng ta càng phải thận trọng đối với những sự chống phá của các thế lực thù địch (cả trong và ngoài nước). Bởi các thế lực chống phá, phản động thường lợi dụng tốc độ phát tán thông tin mạnh mẽ từ Internet để gây chia rẽ nội bộ ta bằng các thủ đoạn xuyên tạc chế độ chính trị - xã hội với những luận điệu sai trái, kích động và thù địch.
Đứng trước thực trạng này, ta nhận thấy tính cấp thiết của việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước của quần chúng là hết sức quan trọng, nhất là trong hiện tại. Do đó, tác phẩm Nói dối sẽ thất bại (Góp phần phản bác các luận điệu thù địch, sai trái) đã ra đời với mục đích là phổ biến những quan điểm đúng đắn nhằm ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, sai lệch trong nội bộ cũng như làm thất bại âm mưu chia rẽ, gây mất đoàn kết của kẻ thù. Tác phẩm là tập hợp hai mươi bài viết của nhiều tác giả đã đăng trên chuyên mục Bình luận - Phê phán trên báo Nhân dân.
Những bài viết trong tác phẩm chủ yếu được nhìn nhận theo ba phương diện tương đương với các đặc điểm của các luận điệu sai trái, phản động như sau:
Thứ nhất, xuyên tạc, công kích bằng cách đưa ra các thông tin, luận điểm sai lệch, phiến diện;
Thứ hai, khởi phát những đòi hỏi vô lý khi vô/cố tình tiếp nhận các tư tưởng sai trái, đi ngược lại với quan điểm, định hướng và lợi ích của Đảng, quần chúng nhân dân;
Thứ ba, sự “lộng hành” của một số tư duy phản động và tiến tới ngăn chặn, xóa bỏ sự ảnh hưởng của các luận điệu sai trái: công kích, vu khống,... Những nhận định hồ đồ; Ai là kẻ thù của hòa giải, hòa hợp dân tộc; Người nói dối nhất định sẽ thất bại.
Giờ đây, chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới mở - nơi mọi người ở khắp nơi đều có thể kết nối với nhau thông qua Internet. Bên cạnh những lợi ích vô tận mà chúng đem lại thì chúng ta cũng cần bàn đến một số khía cạnh tiêu cực. Chẳng hạn như sự công kích, xuyên tạc từ các thế lực thù địch với âm mưu chống phá, vu khống nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội hay thậm chí là xâm nhập vào nội bộ ta. Bằng những cách thức tinh vi, chúng lợi dụng sự lan truyền “chóng mặt” của Internet cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác để thực hiện những âm mưu xấu xa của mình.
Trong bài viết với tựa đề Một góc nhìn chủ quan và phiến diện của Minh Triết, tác giả đã chỉ ra những luận điểm thiếu khách quan trong một bài báo của một tác giả người Mỹ. Một mặt, ông dành những lời khen về tốc độ phát triển và sự ổn định về chính trị - xã hội ở nước ta trong những năm gần đây. Mặt khác, ông đã đưa nhận định rằng: “điều thần kỳ Việt Nam nêu trên có vẻ đã cáo chung. Đồng thời, tác giả ấy cũng phác họa bức tranh u ám về năm 2012 và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, với gánh nặng nợ xấu, đồng nội tệ yếu, lạm phát, tình trạng quan liêu và lợi ích nhóm hoành hành đang mất dần lợi thế cạnh tranh giá thấp. Geoffrey Cain cũng cảnh báo Việt Nam còn lúng túng trong quản lý nền kinh tế và phải thực hiện một số cải cách kinh tế cơ bản để duy trì khả năng cạnh tranh, cũng như không nên dùng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để biện hộ cho chính sách tiếp tục như cũ…”.
Tuy nhiên, đó chỉ là góc nhìn chủ quan của nhà báo ấy bởi ông đã gạt qua tất cả những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện, phát triển toàn diện đất nước. Đặc biệt, ông còn không liệt kê những thành tích mà nước ta đã đạt được: xuất siêu trong giai đoạn giữa năm 2012; tỷ lệ GDP tăng trưởng; kiểm soát, giảm tình trạng lạm phát và nợ xấu… Quan trọng hơn, ông nhận định tình hình một quốc gia dựa trên sự hiện tồn độc lập chứ không hề đặt đất nước ấy trong sự vận động của toàn thế giới. Cụ thể là năm 2012, đây là một giai đoạn khó khăn đỉnh cao về kinh tế diễn ra trên hầu hết các nước trên thế giới. Vì thế, nhận định trên của ông ấy không hề có cơ sở và hoàn toàn phiến diện, chủ quan.
Bên cạnh đó, tình hình xuyên tạc sự thật hay cố tình “dẫn dắt” dư luận bằng những dữ kiện lịch sử sai lệch cũng diễn ra ở mức hết sức đáng lo ngại. Với bài viết Về một bài viết bóp méo sự thật lịch sử, nhà báo Thiên Phương đã nêu rõ thực trạng đáng lên án ấy bằng dẫn chứng cụ thể là “website của đài RFI tiếng Việt đã đăng bài viết của Thụy Khuê có nhan đề: “Ai viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923? Trong bài Thụy Khuê đưa ra một số “nghi vấn” về “trình độ học vấn” của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, rồi lấy đó làm cơ sở để trả lời theo hướng tiêu cực bất chấp sự thật lịch sử”.
Tác giả Thiên Phương đã chỉ ra một số “lỗ hổng” trong bài viết của nhà báo kia bằng những nguồn tài liệu có căn cứ và đã được chứng thực để khẳng định chắc chắn về tài năng lãnh đạo cũng như sự thông tuệ thiên phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, sự thành công của Người không chỉ dừng lại ở việc “Thông minh vốn sẵn tính trời” mà đó còn là thành quả của biết bao tháng ngày học tập, trau dồi không ngừng nghỉ. Vì thế, ta có thể kết luận rằng những gì Thụy Khuê “nghiên cứu” chỉ là một công trình phiến diện, sai sự thật và không có giá trị tham khảo.
Bên cạnh những hành động cố tình đả kích công khai trên, chúng ta cũng cần kể đến một bộ phận đông đảo công chúng bị “đầu độc” bằng những thông tin sai lệch hay thậm chí đã vô tình hoặc cố tình chịu sự mua chuộc, lôi kéo từ các thế lực thù địch để thực hiện các hành động đi ngược lại chân lý. Vấn đề này đã được nêu ra cụ thể trong các bài viết: Những luận điệu cũ rích và đòi hỏi phi lý, Không ai được lợi dụng lòng yêu nước, “Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?,...
Như đã nhắc đến trên đây, chúng ta đã và đang sống, làm việc trong một môi trường vừa phong nhiêu, vừa phức tạp. Bởi càng ngày số lượng kẻ thù âm mưu bóp méo sự thật bằng cách đưa ra các thông tin sai lệch, khủng bố ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không gạn lọc một cách kỹ càng thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào “bẫy” thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc ấy. Từ cơ sở đó, chúng lợi dụng lòng yêu nước của một bộ phận công chúng để biến họ thành những “trợ thủ đắc lực”.
Trong bài viết Không ai được lợi dụng lòng yêu nước, TS. Nguyễn Minh Phong đã ngợi ca truyền thống yêu nước tự ngàn đời nay của dân tộc ta: “đối với chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại, nhưng không phải là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đề cao bá quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ, bất chấp đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn và phi pháp lãnh thổ của người khác”. Tuy nhiên, nếu sức mạnh của lòng yêu nước không được kiến tạo từ những sự hiểu biết và niềm tin vững chắc về chế độ chính trị của Đảng, Nhà nước thì nó sẽ trở thành một thứ vũ khí tai hại đối với nước nhà. Tác giả đã chỉ ra những sự biểu hiện lệch chuẩn của lòng yêu nước đến từ sự nhẹ dạ, hám danh của những người “biểu tình yêu nước” mà thực chất là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để gây rối trật tự, cổ vũ cho hành động chống phá chính quyền.
Có thể nói rằng việc không ít người dân trở thành “trợ thủ” cho những kẻ công kích, chống phá nội bộ ta là vì sự hấp dẫn đến từ chế độ vinh danh, trao thưởng của chúng. Điển hình là trong bài viết với nhan đề “Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?, tác giả đã thẳng thắn lên án sự “biệt đãi” trắng trợn của kẻ thù: “Thật ra, đây không phải là lần đầu các đối tượng có “thâm niên” trong việc chống đối Nhà nước Việt Nam được trao tặng các “giải thưởng nhân quyền”. Tính sơ sơ cũng đã có gần chục loại “giải thưởng nhân quyền” được trao cho các đối tượng chống đối ở Việt Nam, nhưng để gây tiếng vang, người ta còn đề cử vài ba người để xét nhận giải thưởng Nobel hòa bình, Nobel văn chương!”. Thực tế việc họ được vinh danh ấy cũng chỉ tựa như hành động vuốt ve một con mèo hàng xóm mà mải lo nó quay lại cào xé. Do đó, để tránh việc những “quân bài” phản bội, chúng đã không ngừng “vuốt ve” họ bằng việc trao tặng những danh hiệu hết mực “cao quý” ấy.
Song song đó, chúng còn cung cấp những luận điệu vu cáo, bịa đặt về tình hình chính trị - xã hội ở nước ta. Không dừng lại ở những hành động trên, chúng còn tiếp tục thực hiện một số thủ đoạn khác như: lôi kéo đồng bọn, thiết lập hội nhóm, bè phái nhằm hạ bệ danh dự, uy tín nước ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, những kẻ âm mưu chống phá đất nước còn lợi dụng những thời điểm nhạy cảm như trước và sau khi Việt Nam ta đạt được một thành tích hay một vị trí nào đó. Tại bài viết Những nhận định hồ đồ, tác giả Vũ Hợp Lân đã đưa ra một số luận điểm phản pháo thủ đoạn “chiến thắng không cần chiến tranh” của chúng.
Cụ thể là việc Việt Nam trước và sau khi trở thành thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) mà tác giả đã nhắc đến trong bài viết. Bằng cách lợi dụng triệt để các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng khuếch tán những thông tin sai sự thật về nước ta trên nhiều kênh báo đài: VOA, BBC, RFA, RFI. Dẫu vậy,“nỗ lực” của bọn chúng chẳng mang lại một kết quả khả quan nào khi nước ta vẫn trở thành thành viên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vì có đến 184/192 quốc gia bỏ phiếu tán thành. Điều đó đồng nghĩa với việc vấn đề nhân quyền ở nước ta không hề yếu kém như lời một quan chức cấp cao nào đó chỉ mới đến Việt Nam 4 ngày tuyên bố. Không lâu sau đó, đại diện của nước ta cũng đã lên tiếng về những thông tin tiêu cực đó: “Điều đáng nói ở đây là những việc làm của họ đi ngược lại với lợi ích của nhân dân Việt Nam và những nỗ lực thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”.
Không chỉ thế, chúng còn lấy danh nghĩa của một cộng đồng hay một xã hội để phục vụ cho chính âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh đất nước ta. Điển hình là trang tin RFA tiếng Việt mà trong bài viết Ai là kẻ thù của hòa giải, hòa hợp dân tộc của tác giả Võ Khánh Linh. Đây là nơi tập hợp những bài báo chuyên bóp méo sự thật bằng cách truyền tải thông tin chủ quan, lệch lạc để khiến người dân trong nước lung lay niềm tin ở chính quyền, còn người xa xứ (chỉ các kiều bào) hoài nghi về tình hình đất nước. Từ đó dẫn tới việc “một số bà con người Việt sống xa quê hương, không có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt thông tin về đất nước lại vẫn bỏ những đồng tiền có được từ lao động vất vả để đóng góp các loại tổ chức ma giáo như tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Nhưng tệ hơn, đó là sự biến tướng về dáng hình của lòng yêu nước mà nhân dân ta gây dựng tự ngàn đời. Chính điều ấy đã biến những kẻ bán nước, buôn dân thành “anh hùng, liệt nữ”...
Cuối cùng, tác giả Hồ Ngọc Thắng với bài viết Người nói dối nhất định sẽ thất bại đã đúc kết lại sự thắng thế của ta trong việc giữ vững và phát triển mối quan hệ với bạn bè quốc tế. Đồng thời, khẳng định sự thất bại thảm hại của những kẻ âm mưu gây rối, phá hoại nền hòa bình của nước bạn. Đúng như câu nói của người Đức, đó là Lũgen haben kurze Beine (tạm dịch là người nói dối là người có chân ngắn, bởi người chân ngắn thì không thể đi xa, cũng tức là người nói dối nhất định sẽ thất bại). Vì vậy, trên con đường kiến tạo và phát triển đất nước chúng ta phải không ngừng đấu tranh, vạch trần, lên án những hành động xấu xa của kẻ thù. Thông qua đó, các cơ quan, Nhà nước cần tuyên truyền cho quần chúng nhân dân những hiểu biết đúng đắn, kịp thời về chiến lược Diễn biến hòa bình và củng cố niềm tin trong nhân dân về chế độ chính trị mà cụ thể là quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội bởi “Đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của Đảng, thể hiện mục tiêu, khát vọng của dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.