Tác giả: Alain de Botton
Người dịch: Ngô Thu Hương
Sự an ủi của triết học là quyển sách bàn về nhiều khía cạnh của cuộc sống, với tư tưởng của 6 triết gia vĩ đại qua 6 chương lớn. Đó là những lời an ủi nếu bạn không được nhiều người ưa thích, thiếu thốn, nghèo khó, thất tình, gặp hoàn cảnh khó khăn hay thất vọng.
NIỀM AN ỦI KHI KHÔNG ĐƯỢC YÊU THÍCH
Socrates là triết gia vĩ đại nhưng lại không được dân thành Athen yêu thích, thậm chí họ đã dồn ông vào đường cùng vì những lý lẽ của ông đi ngược lại ý kiến số đông.
Trong cuộc sống, chúng ta thường trầm trọng hóa những lời chỉ trích vì nhiều lý do, trong đó việc bị chế giễu khiến ta thấy mình đang lạc lối. Socrates thừa nhận rằng bản thân chúng ta sẽ có lúc sai lầm và cần phải xem xét lại quan điểm của mình, tuy nhiên việc bị người khác phản đối không chứng minh rằng ta đang sai lầm.
Điều nên khiến chúng ta lo lắng không phải bao nhiêu người phản đối ta mà là những lập luận của họ đưa ra khi phản đối ta chặt chẽ đến mức nào. Đừng quan tâm đến việc ta không được ưa thích, mà cần xem xét vì sao họ đưa ra kết luận như vậy. Nếu phương pháp suy luận của những người ghét ta là đúng, thì ta cần để ý đến sự phản đối của họ. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại làm ngược lại: nghe theo tất cả mọi người, buồn bực về những nhận xét không tử tế của họ mà không hề nghĩ xem những lời chỉ trích ấy dựa trên cơ sở gì.
Đằng sau những lời chỉ trích có thể là những động cơ lệch lạc. Họ có thể kết luận mù quáng do ảnh hưởng nhất thời của tâm trạng, hoặc do thành kiến, bốc đồng, hoặc sự chỉ trích làm họ cảm thấy có địa vị hơn.
Sự ấm ức, khó chịu của ta khi bị chỉ trích sẽ không thấm vào đâu so với hậu quả mà Socrates phải chịu khi dân thành Athens không ưa ông, đó là án tử hình. Ông đã ra đi với tâm thế thoải mái và vẫn tự tin với quan điểm của mình: “Sự đúng đắn của một quan điểm hay hành động không được xác định bởi việc nó được nhiều người tin theo hay phỉ báng mà bởi vì nó tuân theo những quy luật logic. Không phải vì một lập luận bị số đông phản đối mà nó sai, còn đối với những người theo chủ nghĩa bất tuân anh hùng, cũng không phải vì thế mà nó đúng.”
NIỀM AN ỦI KHI KHÔNG CÓ ĐỦ TIỀN
Trong suy nghĩ của nhiều người, không có nhiều tiền đồng nghĩa với việc không cảm thấy hạnh phúc. Vậy danh sách những thứ cần có để hạnh phúc là gì? Một căn nhà kiến trúc tân cổ điển, một máy bay riêng, một căn penthouse, một thư viện có cửa sổ nhìn ra vườn, hay có đủ tiền để sống với những điều mà ta quan tâm?
Các nhà triết học thường căm ghét lạc thú, nhưng Epicurus thì ngược lại. Điểm nổi bật làm nên sự khác biệt trong triết lý của Epicurus là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của lạc thú. Ông cho rằng “lạc thú là điểm khởi đầu và là mục tiêu của một cuộc sống hạnh phúc”, khẳng định điều mà nhiều người đã suy nghĩ từ lâu nhưng triết học hiếm khi chấp nhận.
Đối với Epicurus, nhiệm vụ của triết học là giúp chúng ta thoát khỏi những mô thức sai lầm về hạnh phúc. Điều gì sẽ làm ta hạnh phúc? Theo ông, những điều tự nhiên và cần thiết nhất cho hạnh phúc là thức ăn, chỗ ở, quần áo, bạn bè, tự do và suy nghĩ. Những điều tự nhiên mang đến hạnh phúc nhưng không mấy cần thiết là một ngôi nhà lớn, các phòng tắm riêng, yến tiệc, người hầu, thức ăn ngon. Còn những điều không mang đến cũng không cần thiết cho hạnh phúc là danh tiếng và quyền lực.
Những phiền muộn, lo lắng trong đời sống xuất phát từ việc không nhận thức được giới hạn của vật chất và không hiểu thế nào là sự hài lòng đích thực. “Khi đánh giá bằng mục đích tự nhiên của cuộc đời thì sự nghèo khó là tài sản lớn; còn giàu có vô biên là sự nghèo khó lớn lao.”
NIỀM AN ỦI CHO NỖI THẤT VỌNG
Seneca là một nhà triết học đã trải qua rất nhiều mất mát và chứng kiến những thảm kịch khủng khiếp quanh mình. Trong thời đại của ông, động đất san phẳng Pompeii, thành Rome bị thiêu rụi, dân chúng sống dưới ách thống trị tàn ác của bạo chúa Nero. Bản thân Seneca cũng bị bệnh lao kéo dài khi mới 20 tuổi, bị lưu đày và bị học trò của mình, hoàng đế Nero ban cho cái chết.
Seneca xem nghiên cứu triết học là nghĩa vụ nhỏ bé nhất mà ông cần thực hiện, nhờ suy nghĩ đó mà ông có thể chống lại mọi lo âu. Triết học giúp chúng ta thích nghi với những khía cạnh thực tế, giúp tránh những nỗi thất vọng hoặc những cảm xúc độc hại mà nỗi thất vọng mang lại.
Ý tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Seneca là: tốt hơn hết chúng ta nên chịu đựng những nỗi thất vọng mà ta đã chuẩn bị đối mặt và hiểu rõ. Những điều ta không hiểu được hay ít trông đợi nhất sẽ làm ta tổn thương nhiều nhất. Thật ngây thơ khi kỳ vọng vào một tương lai được xây trên nền tảng của xác suất. “Sự thông thái nằm ở chỗ phân biệt được chính xác khi nào ta có thể thay đổi thực tế theo mong muốn của mình và khi nào thì phải chấp nhận điều không thể thay đổi với tâm thế bình thản”.
NIỀM AN ỦI CHO SỰ THIẾU THỐN
Dù sở hữu một ngàn cuốn sách và được hưởng lợi từ nền giáo dục kinh điển, nhưng Montaigne không giống với hầu hết các học giả sống đời khổ hạnh. Ông đã khái quát một trường phái triết học mới, thừa nhận rằng chúng ta phần lớn là những linh hồn điên rồ và cuồng loạn, thô thiển và luôn bị kích động. Cuộc sống của chúng ta được tạo nên một phần bởi sự điên rồ, một phần nhờ sự thông thái.
Montaigne chỉ trích những biểu tượng truyền thống, vì chúng bỏ qua quá nhiều điều về con người. Ông viết về chính bản thân mình, điều mà các học giả ít khi làm, bắt đầu bằng việc mô tả hoạt động của trí óc và cơ thể của chính mình. “Tôi là con người, không gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi.”
Montaigne có cái nhìn rất thú vị, đầy hài hước về sự thiếu thốn, đặc biệt là thiếu hụt về văn hóa và trí tuệ. Về văn hóa, chúng ta có thể vượt qua các ranh giới trong đầu mình khi biết rằng cái được coi là bất bình thường ở một nhóm người tại một thời điểm, có thể là điều bình thường ở một nhóm người khác. Ta cần chấp nhận sự đa dạng, và không ngừng học hỏi. Nếu thiếu hụt trí tuệ, ta nên nhớ rằng “Chúng ta cần tìm ra không phải người hiểu nhiều nhất mà là người hiểu đúng nhất”.
Mỗi người trong số chúng ta đều giàu có hơn mình nghĩ. Một cuộc đời kín đáo bình thường cũng có thể mang trong nó toàn bộ triết lý đạo đức giống như một cuộc đời giàu có hơn. Một cuộc sống bình thường, tử tế, nỗ lực đạt tới sự thông thái nhưng không bao giờ quá xa sự điên rồ, đã đủ để được coi là một thành tựu.
NIỀM AN ỦI CHO TRÁI TIM TAN VỠ
Theo truyền thống, các nhà triết học thường không để tâm đến sự sầu não của tình yêu, bởi họ cho rằng việc đó dành cho các nhà thơ hay những kẻ điên cuồng. Schopenhauer là một nhà triết học đặc biệt quan tâm đến khía cạnh yêu đương. Ông cho rằng bên trong mỗi con người có một sức mạnh cao hơn cả lý trí, đủ lớn để làm biến dạng mọi kế hoạch của lý trí, đó chính là “ước vọng tồn tại”, là nghị lực bên trong mỗi người để sống và tái sinh sản.
“Chúng ta không được tự do yêu tất cả mọi người vì chúng ta không thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh với tất cả mọi người.”
Như thế, ta cũng dễ dàng tha thứ cho những người đã từ chối mình. Khi ai đó giải thích rằng, họ cần thêm không gian, thời gian, hoặc chưa sẵn sàng gắn bó lâu dài, thì họ đang dùng lý trí để biểu đạt những chỉ thị mà “ước vọng tồn tại” của họ đưa ra. “Điều mà người ta tìm kiếm ở hôn nhân không phải là sự thỏa mãn về trí tuệ mà là việc tạo ra những đứa trẻ.”
Những điều này của Schopenhauer không làm chúng ta bi quan, mà thực ra là đang giải thoát chúng ta khỏi những sự cay đắng có thể xảy ra trong tương lai. Chúng ta sẽ không bao giờ trở nên thất vọng nếu bước vào tình yêu với kỳ vọng đúng đắn.
NIỀM AN ỦI CHO KHÓ KHĂN
Ít có nhà triết học nào từng đánh giá cao cảm giác khốn khổ. Nhưng Friedrich Nietzsche nhận ra rằng những người nào tìm kiếm sự thỏa mãn trong cuộc sống thì phải chào đón mọi khó khăn: “Sự mãn nguyện không thể có được bằng cách né tránh nỗi đau mà phải thừa nhận vai trò của nó như là bước đi tự nhiên, không tránh khỏi trên con đường đạt được bất kỳ điều gì tốt đẹp.”
Những công trình vĩ đại nhất của con người, ở một mức độ nào đó, dường như không tách rời khỏi sự đau khổ. Nếu loại bỏ hết những điều tiêu cực, ta cũng bóp nghẹt những điều tích cực có thể nảy sinh. “Chúng ta không nên xấu hổ vì những khó khăn của mình mà chỉ nên xấu hổ vì trên đó ta không thể trồng được cái gì đẹp đẽ.” Càng chịu nhiều đau khổ thì ta càng hưởng được nhiều niềm vui sau đó, giống như những vất vả của việc leo núi được tưởng thưởng bằng cảm giác đắc thắng khi phóng tầm mắt từ đỉnh núi ra xung quanh. “Không phải mọi thứ làm chúng ta cảm thấy tốt hơn đều tốt cho ta. Không phải mọi thứ làm ta đau đều xấu.”
Những triết lý của các triết gia vĩ đại trong “Sự an ủi của triết học” có thể giúp chúng ta nhìn thấu rõ nguồn cơn của những nỗi sầu muộn. Họ dùng ngôn ngữ uyên bác để viết ra những vấn đề mà chúng ta nghĩ đến, trải qua, nhưng không biết phải diễn đạt thế nào. “Tinh túy của nghệ thuật là một trường hợp của nó được áp dụng cho hàng ngàn trường hợp khác.” Và “rồi chúng ta lại được an ủi khi nhận ra rằng trường hợp của mình chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp”.