Tác giả: Carol Dweck
Dịch giả: Hồ Hạnh Hảo - Alphabooks - 2019
“Tài năng không phải bắt nguồn từ di truyền, mà nó có căn nguyên từ chính cách bạn tư duy.”
- Carol Dweck
Carol Dweck là một chuyên gia tâm lý học người Mỹ, từng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới như Đại học Stanford, Đại học Columbia, Đại học Harvard, và Đại học Illinois. Đồng thời, bà cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ cùng Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Lĩnh vực nghiên cứu chính của Carol Dweck bao gồm động lực làm việc, tính cách và tâm lý con người, cũng như phương pháp phát triển bản thân.
Tâm lý học thành công là một cuốn sách mang tính đột phá của Carol Dweck, với nội dung giải thích cho độc giả thấy sự khác biệt giữa hai trạng thái tư duy của con người, cũng như ảnh hưởng của chúng tới khả năng thành công của mỗi cá nhân. Cụ thể, theo Carol Dweck thì trong mỗi con người đều tồn tại hai phương thức tư duy đối lập, đó là tư duy cố định và tư duy tăng trưởng.
Những người sở hữu tư duy cố định thường tin rằng tài năng chính là tất cả. Nếu một cá nhân không được sinh ra với bất kỳ tài năng thiên bẩm nào, thì người đó định sẵn là sẽ thất bại trong cuộc sống. Nói cách khác, mọi kỹ năng mà một cá nhân sở hữu đều là “sản phẩm” đã được lập trình sẵn qua bộ gen di truyền giống như vẻ bề ngoài vậy. Bởi thế, việc cố gắng phát triển mình trong lĩnh vực sở đoản của bản thân chỉ là hành động vô ích mà thôi!
Trái ngược, những người sở hữu tư duy tăng trưởng cho rằng một người có thể đạt được mọi mục tiêu mà bản thân mong muốn, miễn sao họ sẵn sàng phấn đấu, luyện tập, và làm việc hết mình vì mục tiêu đó. Nói cách khác, trong mỗi con người đều sở hữu tiềm năng vô hạn, mà hoàn toàn không bị giới hạn bởi yếu tố di truyền.
Trên cơ sở đó, Carol Dweck đã tiến hành phân tích nhằm giúp độc giả nhận ra sự ưu việt của tư duy tăng trưởng khi so sánh với tư duy cố định, cũng như cách áp dụng tư duy tăng trưởng vào cuộc sống, nhằm giúp bạn cải thiện kết quả công việc, khả năng lãnh đạo, các mối quan hệ cá nhân, cũng như hiệu quả nuôi dạy con cái. Từ đó đạt được thành công mà bạn mong muốn trong cuộc sống.
Xã hội hiện đại khiến chúng ta sa vào lối tư duy cố định một cách mù quáng
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thường lựa chọn tuyển dụng những ứng viên mới ra trường với thành tích nổi bật nhất, và kỳ vọng rằng họ sẽ lập tức có thể hoàn thành mọi công việc một cách hoàn hảo. Thay vì được đào tạo để thích nghi dần với công việc, những nhân viên mới thường phải “tự bơi” dưới ánh mắt giám sát chặt chẽ của cấp trên,nhằm đảm bảo rằng họ sẽ không mắc phải sai lầm, dù là nhỏ nhất.
Trong môi trường đó, những cá nhân không thể lập tức thích nghi với công việc sẽ bị đào thải không thương tiếc, và chính điều này đã thúc đẩy sự định hình của tư duy cố định. Giữa thế giới của tư duy cố định, thì tài năng là quan trọng nhất. Bởi vậy, nên mọi người luôn cố gắng tỏ ra rằng bản thân sở hữu tài năng thiên bẩm, mọi lúc mọi nơi.
Hậu quả là, thay vì làm việc một cách hiệu quả, thì mọi người thường quan tâm nhiều hơn đến việc không mắc phải sai lầm và khiến bản thân trở thành kẻ ngu ngốc trong mắt cấp trên, cũng như đồng nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội tuyển dụng được những ứng viên thực sự phù hợp, đồng thời đội ngũ nhân sự mà doanh nghiệp tuyển dụng cũng thường mất đi khả năng tự chủ và thiếu không gian để phát triển bản thân.
Tư duy tăng trưởng thường bắt nguồn từ mong muốn học hỏi chân thành và mạnh mẽ
Nếu bạn đưa cho một đứa trẻ những bài toán khó, thì chúng sẽ cảm giác được sự thử thách và thậm chí còn chủ động tìm hiểu thêm những vấn đề toán học mới - đây chính là cốt lõi cơ bản của tư duy tăng trưởng. Mong muốn được đối mặt với những bài toán hóc búa hơn của một đứa trẻ nhiều khi không hoàn toàn đến từ mục tiêu đạt được điểm cao hơn trên lớp, mà đơn giản chỉ vì đứa trẻ sẽ cảm thấy thỏa mãn khi đã vượt qua được giới hạn của bản thân.
Nói cách khác, đứa trẻ đã chủ động áp dụng nguyên tắc hoàn thiện bản thân thông qua việc không ngừng luyện tập.
Bên cạnh đó, Carol Dweck cũng chỉ ra ảnh hưởng của việc lựa chọn tư duy tăng trưởng hay tư duy cố định lên thành công trong cuộc sống, với ví dụ thực tế về Lee Iacocca - cựu giám đốc điều hành của hãng xe hơi Chrysler, và Lou Gerstner - cựu giám đốc điều hành của hãng máy tính IBM. Điểm chung giữa hai người là họ đều đã thành công việc vực dậy công ty của mình khi chúng đang bên bờ vực phá sản, tuy nhiên những gì xảy ra sau đó lại hoàn toàn đối lập.
Lee Iacocca trở nên tự mãn và nhận hết công lao về cho bản thân, lựa chọn đội ngũ nhân sự điều hành thân tín, đồng thời quan tâm tới hình ảnh của chính mình hơn là hình ảnh của công ty. Chính bởi vậy, sau đó Lee Iacocca đã đưa ra hàng loạt những quyết định sai lầm chỉ để chứng tỏ bản thân với người khác, bao gồm cả việc sa thải đội ngũ thiết kế sáng tạo và bỏ qua sự sụt giảm doanh thu liên tục. Hậu quả là, 30 năm sau hãng xe hơi Chrysler phá sản.
Ngược lại, Lou Gerstner nhận ra rằng tranh chấp nội bộ sẽ không thể giúp cải thiện hoạt động của công ty cũng như dịch vụ khách hàng. Do đó, ông đã quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống nhân sự trước kia, thậm chí còn đặt chính bản thân vào vị trí ngang hàng với nhân viên nhằm cải thiện hiệu quả giao tiếp. Thông qua tập trung vào tinh thần tập thể và học tập từ những sai lầm trong quá khứ, Lou Gerstner đã thể hiện tư duy tăng trưởng thực sự, và chính điều này đã giúp ông đưa hãng máy tính IBM tới hàng loạt thành công liên tiếp.
Tương tự, một tay golf thủ với tư duy cố định sẽ thường tỏ ra tức giận và thậm chí còn ném giày vào đám đông khi gặp phải thất bại liên tục. Thế nhưng ông hoàng bóng rổ huyền thoại Michael Jordan lại không bao giờ để bất kỳ thất bại nào cản trở bước tiến của bản thân.
“Tôi đã ném trượt tới hơn 9.000 lần trong suốt sự nghiệp của mình. Tôi đã từng thua gần 300 trận đấu - bao gồm cả 26 lần mà tôi đã phạm phải sai lầm khi tưởng chừng nắm chắc được chiến thắng. Trong cuộc đời mình, tôi đã từng thất bại vô số lần. Và đó chính là nguyên nhân khiến tôi có thể đạt được thành công”.
Hay nói một cách đơn giản - tránh né những tình huống khó khăn là đặc trưng của tư duy cố định, còn đối mặt với nghịch cảnh để khiến bản thân trở nên tốt hơn và vươn tới thành công chính là đặc trưng của tư duy tăng trưởng.
Mỗi người sinh ra đều sở hữu tư duy tăng trưởng
Theo Carol Dweck, thì mỗi người sinh ra đều sở hữu tư duy tăng trưởng. Thực vậy, những đứa trẻ hoàn toàn không đặt ra cho bản thân bất kỳ giới hạn nào, chúng muốn và sẵn sàng học hỏi mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn từ một tới ba tuổi, thì lối tư duy của mỗi đứa trẻ đã bắt đầu xuất hiện sự thay đổi. Những đứa trẻ thiên về tư duy cố định thường cảm thấy khó chịu khi nghe thấy tiếng khóc của những đứa trẻ khác, còn những đứa trẻ thiên về tư duy tăng trưởng thường cố gắng tìm cách giúp đỡ những đứa trẻ đang khóc khác.
Tiếp đó, trong quá trình trưởng thành, phương thức tư duy của mỗi đứa trẻ lại tiếp tục được định hình bởi môi trường gia đình và nhà trường. Khi một đứa trẻ đạt điểm kém trong bài kiểm tra, cha mẹ cùng thầy cô có thể lựa chọn trách móc và nói rằng đứa trẻ sẽ không thể thành công trong tương lai, hoặc lựa chọn khích lệ đứa trẻ học tập chăm chỉ hơn nhằm thu được thành tích tốt hơn trong bài kiểm tra tiếp theo. Tích luỹ lại, lựa chọn này sẽ tạo thành hiệu quả định hình mạnh mẽ, khiến đứa trẻ khi trưởng thành thiên về tư duy cố định hay tư duy tăng trưởng.
Dù vậy, không bao giờ là quá trễ để bạn quyết định tự thay đổi phương thức tư duy của chính bản thân. Ví dụ, lần sau khi trót làm đổ cà-phê, đừng tự trách “Mình thật là hậu đậu!”, mà thay vào đó hãy xem nó như là động lực để khiến bản thân trở nên tốt hơn “Mình không thể thay đổi quá khứ. Hãy bình tĩnh dọn dẹp lại đống bừa bộn này, và cẩn trọng hơn trong tương lai!”.
Bằng cách đó, bạn sẽ có thể dành ra nhiều thời gian hơn để hiện thực hóa các mục tiêu và ước mơ của bản thân, thay vì chỉ luôn lo lắng về những thiếu sót mà mình phạm phải.
Cuốn sách này chứa đựng rất nhiều lời khuyên hữu ích dành riêng cho các bậc phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên,… cũng như những ai đang muốn tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Và nếu bạn luôn tìm cách thay đổi cuộc đời hoặc biến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn mà chưa có câu trả lời phù hợp, thì Tâm Lý Học Thành Công chính là dành cho bạn!