Thế giới cho đến ngày hôm qua là một cuốn sách của Jared Diamond, với nội dung tổng kết lại một số bài học quý báu nhất mà con người có thể học được từ những xã hội và nền văn minh trong quá khứ - khi nhân loại vẫn còn sống nhờ vào săn bắt và hái lượm, bao gồm phương pháp giải quyết xung đột, phương pháp nuôi dạy con cái, hay phương pháp sống khỏe mạnh và trường thọ, v.v.
Khoảng 11.000 năm trước, tổ tiên của con người đã bắt đầu chuyển từ cuộc sống săn bắt và hái lượm nguyên thủy sang xã hội canh tác nông nghiệp. Sự thay đổi này đã giúp con người tiếp cận được với nguồn lương thực dồi dào hơn, đồng thời cũng cho phép con người phát triển nhiều công nghệ khác. Đó chính là tiền đề cho sự bùng nổ dân số thời kỳ cổ đại.
Dần dần, con người bắt đầu tụ cư với nhau, hình thành nên các làng xã cùng đô thị. Và, sự hình thành của các đô thị đã đặt ra yêu cầu phải có những thể chế chính quyền phù hợp nhằm quản lý lượng dân cư đông đúc, cùng nhiều sự thay đổi mang tính hệ thống khác nữa mà vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay.
Cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn, nhưng song song với đó là sự xuất hiện của nhiều vấn đề khác mà xã hội phải đối mặt. Ngày nay, mỗi khi xảy ra những vấn đề cần giải quyết trong xã hội, thì con người lại thường có xu hướng tìm kiếm đáp án từ các ý tưởng và công nghệ mới.
Thế nhưng, theo tác giả Jared Diamond, thì vì sao chúng ta không tìm kiếm lời giải cho những vấn đề đó từ quá khứ? Bởi dù sao thì, nhiều vấn đề trong số đó cũng đã từng xuất hiện trong các xã hội truyền thống, dù theo hình thức có đôi phần khác biệt, và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ những giải pháp đã được tổ tiên con người thành công vận dụng trong quá khứ.
Do vậy, đừng bất ngờ khi bạn cảm thấy kinh ngạc với nội dung của cuốn sách Thế giới cho đến ngày hôm qua: Chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống? viết bởi tác giả Jared Diamond. Qua cuốn sách này, bạn sẽ nhận được nhiều bài học quý báu được truyền lại từ những xã hội truyền thống về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, từ nuôi dạy con cái đến giải quyết xung đột.
Nếu muốn biết các xã hội truyền thống đã vận hành thế nào trong quá khứ, thì hãy nhìn vào ngay những xã hội truyền thống vẫn còn đang tồn tại
Khi nhắc đến xã hội săn bắt và hái lượm, thì nhiều người sẽ lầm tưởng rằng đây là một khái niệm đã bị nhân loại hoàn toàn bỏ lại trong quá khứ. Nhưng, thực tế trên thế giới vẫn đang tồn tại nhiều xã hội truyền thống, nơi mà con người vẫn sống theo cách mà tổ tiên họ đã làm từ 11.000 năm trước.
Nếu phải liệt kê ra, thì có thể kể đến những bộ lạc thổ dân Siriano Indian sống tại khu vực Nam Mỹ, hay người Andaman Islander trên một số hòn đảo nhỏ ngoài khơi Vịnh Bengal (Ấn Độ). Nhìn chung, phần lớn những xã hội truyền thống còn tồn tại đến ngày nay đều chỉ bao gồm khoảng không quá 100 người, và vận hành theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ. Họ không cần đến sự tồn tại của một hệ thống lãnh đạo chính thức nào cả, bởi tất cả mọi người trong các xã hội truyền thống đó đều quen biết lẫn nhau, và khi cần thiết thì họ sẽ đưa ra những quyết định chung thông qua thảo luận trực tiếp giữa các thành viên trong xã hội.
Tuy nhiên, cũng có một số xã hội truyền thống còn tồn tại đến ngày nay với dân cư đông đúc hơn – từ vài trăm hoặc vài nghìn cho tới hàng trăm nghìn người, ví dụ như bộ lạc người Inupiat sống tại Alaska (Hoa Kỳ), hay bộ lạc thổ dân Chumash Indian sống tại khu vực Bắc Mỹ. Một số xã hội truyền thống trong số đó cũng biết vận dụng các phương pháp canh tác và chăn nuôi nông nghiệp, nhưng chủ yếu chỉ với quy mô nhỏ và đơn giản. Thậm chí, một số xã hội truyền thống cũng tồn tại tầng lớp lãnh đạo tập quyền sơ khai – tù trưởng hay hội đồng tù trưởng, nắm trong tay quyền lực chi phối tuyệt đối với mọi thành viên khác trong những xã hội truyền thống đó.
Những khác biệt giữa các xã hội truyền thống còn tồn tại đến ngày nay không phải là một điều bất thường, mà nó cho thấy sự phát triển mang tính tiếp nối xuyên suốt lịch sử loài người, bắt đầu từ xã hội săn bắt – hái lượm nguyên thuỷ tiến lên xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống.
Và, lý do tác giả Jared Diamond lựa chọn tập trung vào nghiên cứu những xã hội săn bắt – hái lượm nguyên thuỷ là bởi chúng sở hữu nhiều khác biệt rõ nét nhất so với xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, vì thế chúng ta cũng sẽ học hỏi được nhiều nhất từ những xã hội truyền thống này!
Khi nghiên cứu cách mà các xã hội truyền thống vận hành, chúng ta sẽ tìm được nhiều bài học quý báu có thể áp dụng cho cuộc sống hiện đại
Khi phát sinh những tranh chấp trong các xã hội truyền thống, thì người ta thường chú trọng nhiều hơn đến vấn đề gây dựng lại mối quan hệ hữu hảo giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Bởi chỉ như thế, thì mới có thể tiếp tục duy trì được sự gắn kết khăng khít giữa các thành viên trong xã hội, và cho phép xã hội tiếp tục vận hành một cách ổn định. Để làm được điều trên, thì bên phạm lỗi trong tranh chấp cần phải thể hiện được một cách chân thành sự hối lỗi của bản thân về điều mà mình đã gây nên, đồng thời cần phải đưa ra những đền bù thỏa đáng nhằm chứng minh cho sự hối lỗi chân thành đó.
Ngược lại, trong xã hội hiện đại, nếu không thể tự giải quyết những tranh chấp thông qua đối thoại giữa hai bên, thì người ta thường sẽ nhờ đến sự phân định của pháp luật. Và khi nhìn vào cách vận hành của hệ thống tòa án và luật pháp, bạn có thể thấy rõ ràng mục tiêu cuối cùng của chúng không phải là nhằm gây dựng lại mối quan hệ hữu hảo giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Thậm chí, trong phần lớn trường hợp, sự phân định của pháp luật chỉ khiến cho mối quan hệ giữa hai bên trở nên gay gắt hơn!
Bởi vậy, một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ các xã hội truyền thống chính là hệ thống tòa án và pháp luật cần chú trọng hơn đến việc hòa giải tranh chấp giữa hai bên, mà không phải chỉ đơn thuần là xác định đúng – sai.
Một khía cạnh quan trọng khác mà tác giả Jared Diamond cho rằng chúng ta có thể học hỏi từ các xã hội truyền thống là phương pháp nuôi dạy con cái. Theo tác giả Jared Diamond, bên cạnh cha mẹ, thì trẻ em trong các xã hội truyền thống thường nhận được sự quan tâm chăm sóc từ nhiều thành viên khác như cô chú, ông bà, anh chị em, họ hàng, hay thậm chí là những đứa trẻ lớn tuổi hơn. Sự ảnh hưởng từ những nhóm đối tượng đa dạng đó sẽ giúp đứa trẻ hình thành nên các kỹ năng xã hội hoàn thiện và toàn diện hơn.
Trẻ em trong các xã hội truyền thống cũng thường được giao cho đảm nhiệm một số vai trò của người lớn từ khá sớm. Ví dụ, trẻ em thuộc bộ lạc thổ dân Siriono Indian sống tại Bolivia thường được học bắn cung từ ba tuổi, và có thể bắt đầu theo cha đi săn khi lên tám. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này khi trưởng thành đều sẽ hạnh phúc và tháo vát hơn.
Lối sống hiện đại chính là căn nguyên cho nhiều vấn đề về sức khoẻ của con người
Không thể phủ nhận rằng những tiến bộ công nghệ hiện đại đã giúp con người giải quyết được nhiều loại bệnh tật mà trước đây được cho là “vô phương cứu chữa”, đồng thời cho phép con người có thể sống lâu và sống khỏe hơn. Nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể học được gì từ các xã hội truyền thống liên quan đến khía cạnh này.
Ngày nay, con người đang phải đối mặt với nhiều chứng bệnh không truyền nhiễm – những thứ gần như không tồn tại trong các xã hội truyền thống, ví dụ như các chứng bệnh về thận, bệnh tiểu đường, các chứng bệnh về tim mạch, hay ung thư, v.v. Theo thống kê, thì các chứng bệnh không truyền nhiễm được xác định là nguyên nhân dẫn tới tử vong tự nhiên cho khoảng 90% dân số tại các quốc gia phát triển.
Và, căn nguyên chính dẫn tới các chứng bệnh không truyền nhiễm trên của con người chính là lối sống hiện đại. Cụ thể hơn, những tiện nghi hiện đại cho phép chúng ta trở nên ít vận động hơn, hoàn toàn trái ngược với lối sống trong các xã hội truyền thống yêu cầu con người phải luôn tham gia vào các hoạt động săn bắt, hái lượm, v.v. Đồng thời, phần lớn chúng ta đều dành nhiều thời gian trong ngày để nhìn vào một loại màn hình nào đó, ví dụ như màn hình TV hay màn hình máy tính.
Ngoài ra, chế độ ăn của phần lớn chúng ta hiện nay đều rất thiếu lành mạnh. Trái ngược với chế độ ăn trong các xã hội săn bắt – hái lượm chứa nhiều chất xơ và protein, chế độ ăn hiện đại thường bao gồm nhiều chất béo, tinh bột, và đường. Mức tiêu thụ đường hàng ngày của người dân các quốc gia phương Tây đã tăng đến 40 lần chỉ trong vòng 300 năm, mà hậu quả nhãn tiền ngày nay chúng ta có thể thấy nhan nhản ngoài đường những người mà chỉ trăm năm trước có thể được coi là “quái nhân” béo nhất thế giới trong các gánh xiếc.
Tương tự, mức tiêu thụ muối hàng ngày của con người hiện đại cũng cao hơn khoảng 3 – 4 lần so với trong các xã hội săn bắt – hái lượm, mà nguồn gốc chủ yếu là từ những loại thực phẩm chế biến sẵn, khiến chúng ta phải đối mặt với nguy cơ cao hơn liên quan đến sức khỏe tim mạch.
Y học hiện đại đã đạt được nhiều thành tựu trong điều trị những căn bệnh truyền nhiễm. Giờ đây, chúng ta chỉ cần học tập từ các xã hội truyền thống và bắt đầu hạn chế tiêu thụ đường, muối, và đồ uống có cồn trong thực đơn hàng ngày nhằm hạn chế những chứng bệnh không truyền nhiễm hiện đại. Như vậy, về mặt sức khỏe, chúng ta sẽ có thể được “lợi cả đôi đường”.