Bộ sách Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng là tổng hợp những ghi chép về chiến tranh. Với tư cách là chứng nhân, là người tham gia vào cuộc chiến, hơn thế với tư cách là một nhà khoa học, nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà đã phác thảo nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến 30 năm giành độc lập, thống nhất đất nước. Cuộc chiến được mô tả dưới góc nhìn từ hai phía: địch – ta, chính nghĩa – phi nghĩa, qua đó phán đoán, phân tích kỹ về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và cả việc nhận định, đánh giá, lý giải nguyên nhân thành công, thất bại ở từng trận đánh cụ thể. Qua đó rút ra những bài học quý giá về khoa học và nghệ thuật trong chỉ đạo chiến tranh của quân đội ta.
PHẦN I: RA ĐI HAI BÀN TAY TRẮNG...
Thượng tướng Trần Văn Trà sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân nghèo. Quê ông tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Được sinh ra trong một gia đình coi trọng việc học hành và sinh sống tại một địa phương có phong trào cách mạng mạnh mẽ, ông đã sớm có tư tưởng đi theo cách mạng. Với lòng nhiệt thành của một chàng thanh niên yêu nước, Thượng tướng Trần Văn Trà lúc bấy giờ đã tích cực hoạt động trong công tác tuyên truyền tư tưởng và đường lối cách mạng. Bởi vậy, ông từng nhiều lần bị Pháp bắt giam và trải qua tù đày.
Ngày 23/9/1945, Pháp đánh ta, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, đây cũng là ngày mà Thượng tướng Trần Văn Trà chính thức bước chân vào con đường binh nghiệp, với trận đánh đầu tiên đánh giữ mặt trận Cầu Bông. Ít lâu sau đó, mặt trận Sài Gòn vỡ, tình hình trở nên vô cùng rối ren, phức tạp. Dưới tình huống đó, yêu cầu cần phải nhanh chóng thành lập quân đội, nắm giữ lực lượng vũ trang mới bảo vệ được chính quyền cách mạng.
Thời điểm ấy, tình hình miền Nam đang trong lúc rất khó khăn, bộ máy lãnh đạo cách mạng tản mát khắp nơi, khiến cách mạng nhiều nơi tan rã. Nhận thấy tình hình đó, Thượng tướng Trần Văn Trà cùng đồng chí Ung Văn Khiêm đứng ra thay mặt cho nhóm Giải Phóng và Tiền Phong triệu tập nên Xứ ủy Đảng lâm thời. Sau đó, Xứ ủy xây dựng lại Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Đây là một việc làm quan trọng, củng cố được bộ máy lãnh đạo toàn Nam Bộ cả về Đảng và chính quyền, đem lại tin tưởng cho nhân dân trong tình thế gay go của những ngày đầu kháng chiến lúc bấy giờ.
Sau này, Thượng tướng Trần Văn Trà đã cùng quân và dân Nam Bộ tham gia vào nhiều trận đánh, tạo nên được những thắng lợi có tiếng vang và được phân công làm Phó Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1949, khi chuẩn bị “Tổng phản công”, ông được điều về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy khu Sài Gòn – Gia Định. Sau Hiệp định Giơnevơ tháng 9/1954, Thượng tướng Trần Văn Trà chỉ huy lực lượng tập kết ra Bắc và làm Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1963, Thượng tướng Trần Văn Trà được vào trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng đồng bào Nam Bộ, trực tiếp Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Những năm tháng kháng chiến gian khổ, Thượng tướng Trần Văn Trà đã tham gia chỉ huy và lên kế hoạch cho không biết bao nhiêu trận chiến ác liệt trên chiến trường miền Nam, có thể kể đến như chiến dịch Bình Giã, đánh sân bay Biên Hòa, tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Phước Long, ... Cuối cùng là trận Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc chiến tranh với chiến dịch Hồ Chí Minh.
PHẦN II: NHÌN VỀ CUỘC CHIẾN
Với tư cách là một người lính, hơn thế nữa là một chỉ huy đã gắn bó, lăn lộn với chiến trường Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, “Nhìn về cuộc chiến” là những trang nhật ký, những hồi ức, đúc kết khoa học với những phân tích, lý giải biện chứng và khoa học của Thượng tướng Trần Văn Trà về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam trong suốt 30 năm cho độc lập, tự do và thống nhất nước nhà.
Nam Bộ Kháng Chiến Chống Pháp
Có thể nói, tình hình miền Nam trước năm 1945 diễn ra rất phức tạp. Thực dân Pháp có phát xít Nhật phụ họa ra sức khủng bố, dìm phong trào cách mạng trong biển máu. Điều đó đã tạo nên những tổn thất nặng nề. Đến cuối năm 1941 hầu hết các cấp ủy Đảng Cộng sản đều tan vỡ và sa vào lưới kẻ thù. Đường dây liên lạc với Trung ương bị cắt đứt. Đầu năm 1942, một số căn cứ cách mạng ở Miền Nam đã liên lạc được với Trung ương. Cách mạng miền Nam dần phát triển theo đường lối chung của Đảng. Phong trào phát triển từ thấp lên cao, phát triển nhanh chóng trong nhiều địa phương, tầng lớp.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Chúng thẳng tay bóc lột, vơ vét, chiếm giữ của cải, bắt lính, mở nhiều công trường quân sự, xưởng đóng tàu, sân bay phục vụ cho chiến tranh. Trước tình hình mới, Ban Cán sự lâm thời Đảng bộ Nam Bộ họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho) nhận thấy cần chuyển thành Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và cần gấp rút hợp nhất hai Xứ ủy Giải Phóng và Tiền Phong. Các xứ ủy, tỉnh ủy lúc bấy giờ thuộc hai hệ thống đảng khác nhau, có lúc nhận định một vấn đề khác nhau, đề ra chủ trương, hành động cũng khác nhau nên cần phải đoàn kết lại, tập hợp về một mối.
Ngày 24/8/1945, công nhân Sài Gòn họp Đại hội để thống nhất lực lượng và bầu Ban chấp hành, sẵn sàng cùng mọi tầng lớp nhân dân hành động trong ngày 25/8, mà khởi đầu là cuộc mít-tinh dự kiến sẽ huy động hơn một triệu người ở Sài Gòn và sáu tỉnh lân cận tham gia.
Rạng sáng ngày 25/8, thêm nhiều tổ tự vệ chiến đấu, công đoàn xung phong, Thanh niên Tiền phong bố trí sẵn ở các nơi xung yếu trong nội ô. Cờ đỏ sao vàng được treo công khai, biểu ngữ xuất hiện ở khắp nơi. Người người như sóng cuộn từ các hướng đổ về nơi diễn ra mít-tinh. Khắp nơi tràn ngập không khí hân hoan vui vẻ. Từ trên lễ đài, Ủy ban lâm thời hành chính Nam Bộ ra mắt quốc dân đồng bào. Trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Nam Bộ, Chủ tịch Trần Văn Giàu đọc Lời tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Từ quảng trường, rừng người lại cuồn cuộn kéo đến Phủ Khâm sai (nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), đòi Nguyễn Văn Sâm “thoái vị”.
Ngày 02/9/1945 từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sài Gòn và các tỉnh đều tổ chức mít-tinh trọng thể để lắng nghe tiếng nói của vị cha già dân tộc.
Đồng bào miền Nam bắt tay vào xây dựng và củng cố chính quyền dưới hoàn cảnh cực kỳ hỗn loạn và khó khăn. Thù trong và giặc ngoài đều đang rập rình ngay trước mặt, vì vậy xây dựng lực lượng vũ trang trở thành nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Ở tất cả các địa phương, nơi nào cũng đều có những người hăng hái đứng ra thành lập các “bộ đội”. Các đội vũ trang của công nhân cũng được tạo ra, sau này sẽ đóng vai trò nòng cốt cho các lực lượng chiến đấu trong nội thành.
Quân Pháp và quân Anh nhanh chóng cấu kết với nhau để quay trở lại xâm lược đất nước ta thêm lần nữa, chúng phủ nhận chính phủ mới mà chúng ta vừa thành lập và âm mưu lập nên một chính phủ bù nhìn. Rạng sáng ngày 23/9/1945, cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp chính thức khởi đầu.
Ngay sáng 23/9, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ xúc tiến gấp cuộc họp tại một căn nhà trên đường Cây Mai tỉnh Chợ Lớn. Nội dung chính nhằm đi đến hành động có tính chất sống còn trước diễn biến nghiêm trọng của tình hình: Chiến hay hòa? Ba tiếng đồng hồ sau, bản Tuyên cáo quốc dân được ban hành rộng rãi. Đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã triệt để làm theo lời tuyên cáo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, bao vây địch về tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế.
Điều này đã gây ra những khó khăn lớn cho địch, Quân Pháp tính đến ngày 27/9 chỉ mới kiểm soát được một vùng rất hẹp từ đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), đường Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), chợ Bến Thành ngược lên đến Tân Định.
Ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, trong đó Người không quên nói đến tấm lòng ruột thịt tha thiết của đồng bào toàn quốc đối với Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam Bộ. Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời quyết định cử những đoàn quân Nam tiến, nhanh chóng chi viện cho Sài Gòn.
Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam Bộ mở hội nghị đại biểu các tỉnh, thành gần chợ Thiên Hộ. Hội nghị quyết định phải gấp rút xây dựng lực lượng quân sự, chính trị rộng khắp lấy du kích chiến là chính, làm vườn không nhà trống, đẩy mạnh công tác trừ gian, xây dựng cơ sở bí mật trong các thành phố, thị xã bị địch chiếm, khôi phục chính quyền ở những nơi bị tan vỡ.
Ngày 25/11/1945, bản chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng được mang vào Nam Bộ. Bản chỉ thị nêu: “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong toả những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự... Phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác ở các thành thị quân địch làm chủ và thi hành “nhà không đồng vắng” nếu quân Pháp tràn về quê”.
Cuối tháng 9, Trung ương Đảng cũng có Chỉ thị Kháng chiến và kiến quốc, đề ra những nhiệm vụ có tính chất toàn diện cho Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ. Vì vậy, Nam Bộ không chỉ tập trung đánh giặc mà còn tranh thủ làm nhiều việc khác, nhất là ở những vùng chiến sự lan tới sau.
Có lẽ chính vì vậy mà ngay trong một lá thư gửi đồng bào Nam Bộ trong tháng 02/1946, Hồ Chủ tịch thay mặt đồng bào cả nước tặng quân và dân Nam Bộ danh hiệu “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”. Ngay từ lúc địch mới khởi hấn gây chiến, quân và dân Nam Bộ đã tỏ ra xứng đáng với danh hiệu vẻ vang đó và làm đúng lời Người căn dặn: “Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu”.
Quân Giải Phóng Miền Nam
Năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ, ngừng bắn tập kết về nơi quy định trước khi xuống tàu ra Bắc. Người được phân công ở lại miền Nam, trở lại đời thường chuẩn bị đấu tranh trong điều kiện hòa bình, không có súng trong tay trước một kẻ thù vô cùng giảo hoạt, được Mỹ trang bị mọi vũ khí tối tân.
Lợi dụng mâu thuẫn giữa bọn tay sai đế quốc Pháp và Mỹ, ta vận động phối hợp đồng thời đưa người của ta vào các lực lượng vũ trang giáo phái, giác ngộ lòng yêu nước của chiến sĩ và số chỉ huy cấp dưới, hoặc tổ chức thành đơn vị vũ trang mang danh giáo phái chống lại Mỹ - Diệm. Ở miền Đông Nam Bộ, các đơn vị vũ trang cũng lần lượt được hình thành. Khi lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai Diệm ra rừng, ta đã đưa nhiều cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích cũ bí mật vào các đơn vị này.
Tại các tỉnh miền Nam, sau hiệp định Giơnevơ, tuy lực lượng vũ trang tập kết của ta đi hết, nhưng vẫn còn nhiều cán bộ đảng viên vẫn ở lại với đồng bào, làm công tác quần chúng. Nhờ đó mà nhiều lực lượng vũ trang trong quần chúng nhân dân một lần nữa được hình thành, tuy nhiên vẫn tổ chức rải rác, chưa có chỉ thị của Đảng nên chủ yếu là để tự vệ và tiến hành trừ khử những tên ác ôn nguy hiểm nhất.
Song song với việc xây dựng các đội vũ trang, ở Nam Bộ cũng như Khu 5 và Tây Nguyên đều có tổ chức các tổ quân y, mở trường huấn luyện tân binh, cán bộ tiểu đội, các tổ sửa chữa vũ khí và chế tạo vũ khí thô sơ, sản xuất lựu đạn, làm súng “ngựa trời”...
Sau khi hất cẳng xong thực dân Pháp khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ ráo riết tăng cường nhân viên quân sự Mỹ làm cố vấn với danh nghĩa phái bộ viện trợ quân sự Mỹ M.A.A.G. Từ ý nghĩ phải giáng đòn phủ đầu vào bọn xâm lược mới, các chiến sĩ biệt động Biên Hòa đã chú ý đến một trụ sở của cơ quan quân sự M.A.A.G đóng tại trại của Biên Hòa. Chiều ngày 25/10/1958, chúng ta tiến hành kế hoạch đánh bom vào nhà ăn của trụ sở địch. Trận đánh diễn ra nhanh, địch không đối phó kịp, hầu hết bọn Mỹ trong nhà ăn bị chết, bị thương. Đây là trận diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam và ở cả Việt Nam của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm.
Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị đánh giá tình hình cách mạng miền Nam và ra nghị quyết xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân..., lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Ngày 15/02/1961, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có cuộc họp bàn về nâng đấu tranh vũ trang lên một bước ngang hàng với đấu tranh chính trị. Cuối cùng, Hội nghị quyết định lấy ngày 15/02 là ngày thành lập giải phóng quân thống nhất trên toàn miền Nam. Ngày “15 tháng 2” đánh dấu sự ra đời, hình thành quân giải phóng miền Nam Việt Nam thống nhất, đồng thời cũng đánh dấu sự thất bại thảm hại của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, sự thất bại của “cuộc chiến tranh không tuyên bố” của Mỹ - ngụy đối với nhân dân miền Nam (từ 1954 - 1960) buộc đế quốc Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, tiến hành một loại chiến tranh khác, “Chiến tranh đặc biệt”.
Sau Đồng Xoài, quân Mỹ đã nhảy hẳn vào miền Nam. Vì Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài đánh cho ngụy quân không còn đứng vững, đã đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Một lần nữa Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đã bắt đầu với cường độ ác liệt chưa từng có.
Mỹ nhảy vào miền Nam, toàn miền Nam dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ. Có thêm quân Mỹ, cộng với quân ngụy, chúng cũng không bình định được miền Nam, chỉ có mức độ chiến tranh là gia tăng. Và chiến tranh càng khốc liệt, càng bất phân thắng bại thì Mỹ càng cay cú càng leo thang, chúng ráo riết triển khai chiến lược tìm và diệt.
Ý nghĩa cơ bản của chiến lược tìm và diệt là muốn đưa chiến tranh đến tận xứ sở của kẻ địch và diệt địch ở đó. Tuy nhiên, ý đồ chiến lược đó không thành, quân giải phóng lại phá chiến lược tìm và diệt của Mỹ bằng cách đưa chiến tranh đến tận hang ổ của Mỹ - ngụy, ở các thị xã, thị trấn và ngay cả Sài Gòn. Đó là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968. Cuộc Tổng tấn công đã gây một bất ngờ to lớn cho Mỹ - ngụy, trở thành trận đánh vang dội trong lịch sử có một không hai của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước Việt Nam. Nó là cái mốc tạo ra bước ngoặt chiến lược lớn nhất của cuộc chiến tranh: Đánh cho Mỹ cút, để rồi nhất định ngụy sẽ bị nhào.
Tuy nhiên đường đi đến thắng lợi còn lắm chông gai. Tổng thống Mỹ Nixon vừa nhậm chức, tháng 4/1969 đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với tham vọng vừa rút được quân Mỹ về nước, vừa tăng cường quân ngụy để thắng cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Kế hoạch bình định nông thôn, chiến tranh tâm lý được đẩy lên mức độ ác liệt và tinh vi.
Được hơn một năm giành ưu thế trên chiến trường gây thiệt hại và vô vàn khó khăn cho đối phương, Mỹ - ngụy cho đây là thời cơ giành thắng lợi trọn vẹn. Chúng âm mưu bao vây triệt để bằng cách mở rộng chiến tranh Việt Nam thành chiến tranh Đông Dương. Chúng đã đánh lên Campuchia cũng như đánh lên Đường 9 - Nam Lào để cắt Trường Sơn, cắt đứt miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc. Tuy vậy, chúng ta đã phối hợp với các nước bạn để phá tan kế hoạch này của Mỹ, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của mình.
Bước vào năm 1972, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng có tiếng vang trên thế giới. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (vừa mới thành lập) được củng cố vững mạnh. Tiếng nói chính thức của đại diện Chính phủ trên bàn hội nghị về Việt Nam ở Paris ngày càng thêm trọng lượng. Nhằm buộc kẻ thù phải đi đến ký kết Hiệp định hòa bình ở Việt Nam, toàn miền Nam sôi nổi tham gia cuộc tiến công và nổi dậy mới.
Những chiến thắng vang dội của đồng bào chiến sĩ miền Nam đã phối hợp nhịp nhàng với những chiến công oanh liệt của quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi hàng loạt máy bay chiến lược B-52 ở Hà Nội buộc quân địch không còn con đường nào khác phải chịu cầm bút ký vào bản Hiệp định Paris về Việt Nam.
Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là niềm vui lớn cho chiến sĩ đồng bào miền Nam. Nhưng bọn đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền cố tình ra sức phá hoại Hiệp định. Ngày 15/10/1973, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đã công khai ra lệnh cho toàn quân trên Đài Phát thanh giải phóng: “kiên quyết đánh trả họ (ngụy quân ngụy quyền) vi phạm Hiệp định ở bất cứ đâu, bằng hình thức và lực lượng thích đáng, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam”. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếng súng phản công và tấn công trừng trị địch vi phạm Hiệp định nổ ra đều khắp, nổi bật là ở miền Tây Nam Bộ.
Năm 1975, tổng tiến công và nổi dậy không chỉ trên thế chủ động vững vàng, lực lượng áp đảo mà còn bằng cả mưu lược tài tình. Cả nước dốc sức chi viện cho miền Nam trong trận quyết chiến chiến lược này.11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc bay cao giữa nóc Dinh Tổng thống ngụy quyền và ngay bên cạnh đó đã có lá cờ nửa xanh nửa đỏ, ngôi sao vàng phấp phới.
21 năm chiến đấu dưới lá cờ Tổ quốc, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm tròn sứ mạng lịch sử của mình. Giờ đây, mùa Xuân năm 1975 vĩ đại đã tạo được một VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT HẠNH PHÚC DÀI LÂU.
Hòa Bình Hay Chiến Tranh
Ngày 21/7/1954, Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam và hai nước Campuchia và Lào. Thế là sau ngót chín năm chiến tranh, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sắp sửa hưởng một nền hòa bình chân chính. Thế nhưng sự thật việc đời thường rất phức tạp, chưa bao giờ lại chỉ diễn biến đơn giản theo một chiều suôn sẻ. Trong lúc đó đế quốc Mỹ đang gấp rút chuẩn bị một dòng nước ngược tàn phá, độc ác, chống lại hạnh phúc tự do của người dân Việt, chống lại hòa bình ở Đông Dương và trên thế giới.
Đi đôi với những công tác phá hoại, hoạt động bán quân sự, chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc Việt Nam, chống lại “Việt cộng” có nghĩa là chống lại khối nhân dân yêu nước đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ còn ra sức xây dựng ngụy quyền Ngô Đình Diệm mạnh đủ sức làm tay sai đắc lực cho Mỹ. Ngoài ra, Mỹ luôn âm mưu lôi kéo nhiều nước khác cùng với Mỹ xâm lược Đông Dương.
Chỉ sau một năm từ khi ký Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã nắm trọn miền Nam Việt Nam. Đến giữa năm 1956, phe Ngô Đình Diệm được Mỹ che chở và chỉ đạo hất cẳng Pháp, truất phế Bảo Đại, gạt bỏ phe nhóm đối lập, thanh trừng các đảng phái và diệt trừ xong về cơ bản các lực lượng vũ trang giáo phái cát cứ nhiều nơi, nắm trọn vẹn quyền hành và thi hành một chính sách cai trị ngày càng độc tài, gia đình trị dựa vào vũ khí và đồng đôla của Mỹ.
Theo các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ thì tháng 7/1955 hai miền ở Việt Nam phải bắt đầu hiệp thương để bàn việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Diệm vẫn một mực làm ngơ, cố giả câm giả điếc vì đã có lệnh của Mỹ không hiệp thương cũng không tổng tuyển cử. Chính quyền Ngô Đình Diệm và Mỹ liên tiếp triển khai các hoạt động phá hoại hiệp định Giơnevơ, đàn áp cách mạng, leo thang chiến tranh, điều đó buộc chúng ta phải đứng lên cầm súng chiến đấu.
Phong trào Đồng khởi năm 1960 trên toàn miền Nam của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là ở nông thôn đã lật đổ trong nhiều vùng rộng lớn ngụy quyền cơ sở, lập nên chính quyền cách mạng tự quản của nhân dân, là một bước ngoặt quan trọng của cuộc cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Đó là bước ngoặt từ thế thủ để bảo tồn lực lượng, đấu tranh chính trị hòa bình, chuyển qua tiến công liên tục ngày càng mạnh bằng cả bạo lực chính trị và vũ trang. Đó là bước ngoặt từ chỗ cách mạng chưa có chính quyền, không có lực lượng vũ trang đi đến chỗ có tất cả, chính quyền tự quản, quân đội giải phóng và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông hội, trí thức, văn nghệ giải phóng...
Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu các tầng lớp xã hội, các tổ chức quần chúng cách mạng, các thân sĩ yêu nước đã mở ra ở vùng giải phóng bắc Tây Ninh đã diễn ra. Đại hội đã nhất trí và tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Mặt trận gây được tiếng vang lớn ở các nước trên thế giới. Mặt trận ra đời mang lại cho phong trào cách mạng một danh nghĩa công khai, khẳng định tính chất chính nghĩa của phong trào. Có thể nói trong suốt 15 năm khói lửa chiến tranh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã đóng một vai trò quan trọng và hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của một thời kỳ trọng đại của đất nước.
Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm
Một dân tộc đã biết đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc chiến tranh một mất một còn để tự giải phóng cho mình khỏi ách nô lệ thì dân tộc đó cũng biết phải kết thúc cuộc chiến tranh thế nào cho có lợi nhất. Nhân dân ta rất cần hòa bình nhưng là hòa bình thực sự gắn liền với tự do, độc lập dân tộc và phù hợp với lương tri loài người. Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân ta và nhân dân thế giới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra nghị quyết hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước và đi đến thống nhất nước nhà trong hai năm 1975-1976.
Chấp hành nghị quyết ấy, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm cụ thể: đánh Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên, tạo ra thời cơ thuận lợi cho giai đoạn cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài 30 năm. Trước tình hình chung toàn miền Nam diễn biến hết sức nhanh chóng, tạo những điều kiện rất thuận lợi để các chiến trường giành thắng lợi lớn nhất. Giải phóng được Tây Nguyên, ta nhanh chóng triển khai kế hoạch đánh về Sài Gòn, nơi đầu não của địch, thế đánh như trẻ tre. Trước tình hình ấy, Mỹ ráo riết ra lệnh cho cán bộ, nhân viên ngoại giao, quân sự còn ở Sài Gòn di tản và gần như chấp nhận kết quả Nam Việt Nam sẽ nhanh chóng thất thủ. Mỹ và ngụy đều đã thấy tình hình là tuyệt vọng. Chính quyền tay sai rối loạn, ngày 21/4 Thiệu từ chức.
Giờ “G” ngày “N đã điểm. Đó là 24 giờ 00 ngày 29/4/1975, giờ quy định hợp đồng cho tất cả các cánh quân ta từ năm hướng nổ súng đồng loạt tấn công vào nội thành Sài Gòn. Đó là giờ quy định cho tất cả các tổ biệt động các đơn vị đặc công, từ nơi ém quân, đứng dậy cho nổ tung địch từ bên trong, chiếm lĩnh các mục tiêu được giao và bắt liên lạc với các cánh quân từ ngoài vào. Đó cũng là giờ quy định cho cán bộ Đảng, cán bộ chính trị, từ trong lòng nhân dân, vùng lên dẫn đầu đồng bào yêu nước nổi dậy diệt ác ôn, phá rã ngụy quyền, vận động ngụy quân đầu hàng, giành chính quyền vào tay nhân dân, làm cuộc đổi đời long trời dậy đất, xóa sạch kìm kẹp áp bức, bất công, nô dịch.
Hai chiếc xe tăng T54 hiệu 843 và Type 59 hiệu 390 đi đầu húc vô cửa sắt Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 10 phút ngày 30/4/1975. Một tổ chiến sĩ xe tăng do đồng chí Bùi Quang Thận dẫn đầu, 1 tổ chiến sĩ đặc công có 2 đồng chí Phạm Duy Đô và Phạm Huy Nghệ, cùng cầm cờ chạy lên ban công cao phía trước Dinh Tổng thống ngụy quyền, đứng phất cờ hồi lâu, rồi cờ được kéo lên cột cờ chính trước ban công. Đúng 11 giờ 30 phút. Tiếng nói của Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh xin đầu hàng vô điều kiện và lệnh cho quân ngụy hạ súng đầu hàng. Vậy là chiến tranh đã chấm dứt hoàn toàn. Một cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt mà biết bao nhiêu đồng chí, đồng bào đã phải hy sinh mới có được.
Khắp phố phường, cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh, xen kẽ với cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Cả thành phố đổ ra đường, hạ cờ ngụy, kêu gọi binh sĩ ngụy buông súng đầu hàng, giải tán ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng. Hầu như ở tất cả các nhà máy, từ những nhà máy dệt, nhà máy thực phẩm đến các nhà máy cơ khí..., công nhân đều tham gia bảo vệ nhà máy, giữ an toàn máy móc, phương tiện cho đến khi có ban quân quản chính thức đến quản lý. Ở tất cả các công sở của trung ương cũng như của thành phố, nhân viên, công chức đều giữ nguyên hồ sơ, tài liệu, phương tiện làm việc để sẵn sàng giao nộp Chính quyền cách mạng. Thật là một cuộc chuyển tiếp vô cùng đẹp đẽ từ một chế độ này qua một chế độ khác. Không một đổ vỡ, không một cuộc trả thù hèn mọn, rối loạn nào. Chỉ có cách mạng chân chính, chiến tranh nhân dân thực sự, toàn dân phục tùng nghĩa lớn của Đảng ta thì mới được như vậy. Lực lượng vũ trang nhân dân ta, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng xứng đáng được khen ngợi vì chiến công rực rỡ.
Thế là toàn bộ chiến trường B2 đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Quân và dân B2 đã tin tưởng và theo sát sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững truyền thống đấu tranh cách mạng hai chân, ba mũi, tấn công và nổi dậy, từ rừng núi đến đồng bằng, hải đảo, từ nông thôn đến thành thị, ngay cả tại Sài Gòn, thủ đô của ngụy. Quân và dân B2 luôn giữ vẹn nghĩa tình chung thủy, đi trước về sau, luôn đáng tự hào là Thành đồng Tổ quốc.
Những Trang Bản Thảo Dở Dang
Lúc Thượng tướng Trần Văn Trà còn sống, khi thực hiện viết hồi ký về chiến trường B2, lúc đầu theo kế hoạch sẽ gồm 5 tập, và đã công bố được 2 tập, đó là: Tập 5: “KẾT THÚC CUỘC CHIẾN TRANH 30 NĂM”, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 1982. Tập 1: “HÒA BÌNH HAY CHIẾN TRANH”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 1992. Đông đảo cán bộ, nhân dân, bạn đọc đã viết thư, điện và trực tiếp gặp Thượng tướng mong mỏi được đọc tiếp 3 tập còn lại. Tâm tư, nguyện vọng của Thượng tướng ngày đêm mong muốn là hoàn thành hồi ký để ghi lại đầy đủ những sự kiện lịch sử, những bước thăng trầm của chiến trường, sự chỉ đạo của Trung ương cùng sự nỗ lực của quân và dân ta, những tấm gương chiến đấu hào hùng, hy sinh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân B2. Đặc biệt, 3 tập còn lại ghi lại giai đoạn từ năm 1965 là lúc Thượng tướng trực tiếp chỉ huy chiến trường, cùng sống, chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân B2 từ muôn vàn khó khăn cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Tuy nhiên, lúc đó ở cương vị Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tướng không thể dứt ra khỏi công việc của Hội. Đến đầu năm 1996, được sự nhất trí của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thượng tướng mới có thời gian tập trung triển khai 3 tập còn lại. Tháng 4/1996, những buổi làm việc với bộ phận giúp việc càng thêm khẩn trương. Không may, khi công việc đang trên đà tiến triển, Thượng tướng đã vĩnh viễn ra đi, để lại phác thảo còn bỏ dở. Những phác thảo dở dang là đoạn băng ghi âm các buổi làm việc, những trang viết tay dạng đề cương, những trang đánh máy... chủ yếu tập trung ở Tập 2.
(Còn tiếp)