Phần III: Thế hệ chúng tôi đi theo Bác Hồ
Đã có một thế hệ những người con miền Nam, với lòng yêu nước, chuộng nghĩa khí, trước cảnh “nước mất nhà tan”, đã không cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang và bọn tay sai, họ đã chọn lựa con đường dấn thân cùng dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và với họ, Hồ Chí Minh là biểu tượng của ý chí, của khát vọng dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dù phải hy sinh, gian khổ đến đâu, dù phải chịu cảnh chia cắt, ly tán, tù đày khắc nghiệt đến mấy, quân và dân hai miền vẫn quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, bảo vệ sự trọn vẹn và thống nhất Tổ quốc thiêng liêng.
Sống dưới chế độ thuộc địa tàn bạo, dân Việt Nam không còn chút quyền làm người. Từ khi còn nhỏ, thượng tướng Trần Văn Trà đã chứng kiến sự tàn bạo của thực dân Pháp. Ông lớn lên với những câu truyện kể về những anh hùng vì nước quên thân ở địa phương, đồng thời cũng được nghe về chí hướng của các nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Đây quả là một quá trình lên men cách mạng. Mãi đến sau này, cái tên một nhà yêu nước đã làm rung động tận đáy lòng thượng tướng Trần Văn Trà, nhà yêu nước này đã đi khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu để tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã kết luận phải làm cách mạng theo kiểu Lênin. Nhà yêu nước này chính là Nguyễn Ái Quốc. Câu chuyện thân tình và cái tên Nguyễn Ái Quốc đã lôi cuốn và ảnh hưởng quyết định đến phương hướng cuộc đời của chàng thanh niên trẻ Trần Văn Trà từ ấy.
Thời ấy, dưới sự cai trị tàn khốc của thực dân, con người bản xứ biến thành nô lệ, yêu nước là một tội, làm cách mạng là một tội lớn. Thượng tướng Trần Văn Trà cùng bạn bè phải thoát ly gia đình, đi vận động giác ngộ quần chúng về quyền tự do của con người, giành độc lập cho Tổ quốc. Muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nhiều khi chịu đói khát, trốn chạy bọn mật thám, quan làng. Có lúc tưởng như nản chí bỏ cuộc. Nhưng thường những lúc như vậy, hình ảnh tưởng tượng về một con người mà hào quang sáng chói, cụ Nguyễn Ái Quốc, lại hiện ra vẫy gọi.
Năm 1945, đồng bào cả nước đứng dậy làm Cách mạng Tháng Tám, đổi đời nô lệ thành người tự do. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Nhưng chưa đầy một tháng độc lập thì thực dân Pháp được quân Anh giúp sức, đánh chiếm trở lại, bắt đầu từ Sài Gòn. Khi ấy, nhiều người còn chưa biết Hồ Chí Minh là ai. Tuy nhiên, vấn đề này rất nhanh đã được giải đáp. Khi biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, tức thì cả rừng tầm vông vạt nhọn tủa lên khắp Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ theo lời kêu gọi của cụ Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 9 năm ấy, thượng tướng Trần Văn Trà bắt đầu cuộc đời người lính mặc dù chưa hề biết bắn súng nói gì đến hiểu biết sơ đẳng nhất về chiến tranh và quân đội. Từ một người dân bị áp bức trở thành người cách mạng, từ một người chính trị trở thành người quân sự không đơn giản chút nào. Vậy nhưng thượng tướng Trần Văn Trà và bạn bè đã quyết định dứt khoát cho sự chuyển hướng của cuộc đời mình chỉ vì tin vào Bác mà bước đi, nghe lời Bác mà hành động.
Vì lòng tin vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào chính nghĩa, giương cao ngọn cờ của Bác, nhân dân đã một lòng hợp lực cùng cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh, từ tay không gây dựng thành cơ đồ. Từ cuối năm 1946 qua đầu năm 1947, hệ thống tổ chức lãnh đạo từ cơ sở đến tỉnh, khu và toàn Nam Bộ đã được khôi phục, củng cố, các đơn vị chiến đấu được từng bước trưởng thành. Đây là sức mạnh của lòng tin yêu lãnh tụ, sức mạnh của nhân dân một khi đã thức tỉnh.
Suốt những năm chiến tranh, Bác Hồ như có mặt khắp chiến trường, có sẵn trong trái tim mỗi chiến sĩ để củng cố quyết tâm chiến đấu, nâng đỡ, dìu dắt những khi yếu đuối, khắc phục mọi trở ngại khi gặp gian nan. Nghe theo lời Bác, lực lượng vũ trang cũng như nhân dân miền Nam yên tâm, quyết chí, không ngại hy sinh, anh dũng và sáng tạo trong chiến đấu, kiên quyết giành thắng lợi bằng niềm tin tuyệt đối vào Bác Hồ.
Trải qua hai thời kỳ đấu tranh, đối diện với hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tư tưởng của Bác luôn rõ ràng: Đoàn kết toàn dân là sức mạnh. Phải hiểu địch, hiểu ta, phải biết cách đánh và biết thắng. Việt Nam phải độc lập và thống nhất.
Mỗi lời của Bác là một lời non sông Tổ quốc vọng lại, hình ảnh thân thương của Bác trong mỗi trái tim chiến sĩ, an ủi lúc khó khăn, khuyến khích khi thắng lợi. Tấm lòng bao la của Bác lo cả đất nước, miền Bắc cũng như miền Nam, lại còn lo cho những vấn đề cụ thể, từng vấn đề chiến lược, từng đơn vị vũ trang.
Ở Bác luôn biểu hiện lòng nhân ái, thương yêu nhân dân, bộ đội, chiến sĩ. Bác là biểu tượng của tình đoàn kết với nhân dân và bạn bè quốc tế, của một con người yêu chuộng hòa bình.
Trong việc giải phóng nước nhà, trong chiến tranh cũng như trong việc xây dựng lại đất nước sau hòa bình, Bác luôn dạy dỗ và thực hiện: “Nước lấy dân làm gốc”. Ngay từ lúc còn trong những ngày chiến đấu gay go, Bác đã lo đến tương lai đất nước, vận mệnh của dân tộc. Vậy nên trong Di chúc, Bác dặn rất kỹ về công việc hàn gắn vết thương nghiêm trọng của chiến tranh, việc lo cho con người, lo cho các tầng lớp nhân dân, miễn thuế cho nông dân đỡ khổ,... Đến khi ra đi Bác vẫn để lại một bản di chúc hết sức quan trọng, được viết kỹ lưỡng và đầy trách nhiệm trong suốt 5 năm ròng. Tiếc rằng ngày toàn thắng, không còn có Bác để quân và dân Việt Nam ta được báo cáo với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc rằng nước nhà đã độc lập. Vậy nhưng tư tưởng, trí tuệ và lòng nhân ái của Bác vẫn luôn được thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo.
Những người cùng thế hệ với thượng tướng Trần Văn Trà, đại tướng Võ Nguyên Giáp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ hay nữ tướng Nguyễn Thị Định,… đã đi theo Bác, làm theo Bác, nên đã đóng góp một phần vào lịch sử oanh liệt của dân ta, giải phóng nước ta. Ngày nay, chấp hành nghiêm chỉnh Di chúc của Bác, toàn dân ta ra sức xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng theo đường lối đổi mới do Đảng đề xướng là đi đúng theo con đường mà Bác Hồ đã vạch ra lúc sinh thời. Bác sẽ sống mãi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta, là tấm gương và cũng là một biểu tượng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của lòng yêu nước và sự kiên trì bền bỉ của con người Việt Nam.
Phần IV: Hạnh phúc một đời người
Với Thượng tướng Trần Văn Trà, trải qua hơn 30 năm trong chiến tranh và là người trực tiếp cầm quân, sau ngày hòa bình lập lại, niềm vui lớn của một người lính là được nhìn thấy quê hương thôi tiếng súng, được cùng đồng bào của mình sống những ngày bình an và chung sức chung lòng góp phần xây dựng lại quê hương, đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ.
Phần IV của tập sách - Hạnh phúc một đời người là tập hợp những suy nghĩ, nhận định cá nhân của Thượng tướng Trần Văn Trà về cuộc đời cách mạng của ông. Là một cựu chiến binh, hơn thế, một lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, tranh thủ thời gian quý báu còn lại của một đời người, tận dụng thế mạnh và uy tín cá nhân, bằng khả năng của mình, ngoài công trình đồ sộ “Tổng kết cuộc chiến tranh 30 năm”, ông còn tham gia viết giáo trình giảng dạy, viết các bài nhận định, đánh giá về các trận đánh, tham gia góp ý kiến về các hoạt động của Trung ương, thành phố, địa phương nơi ông cư trú, trả lời các cuộc phỏng vấn, viết lời tựa cho các công trình sách của đồng chí, đồng đội...
Từ một cậu bé miền Trung sớm ý thức được nỗi đau của quê hương dưới gót giày đinh nô lệ, Trần Văn Trà đã giác ngộ hoạt động cách mạng, trở thành một vị tướng được nhân dân, đồng đội tin yêu, bạn bè nể trọng. Cuộc đời và tên tuổi Thượng tướng Trần Văn Trà gắn liền với chiến trường B2 máu lửa trong hai cuộc kháng chiến. Tuổi thanh xuân đi qua trong đạn bom. Đến tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn tiếp tục cống hiến trong nhiều lĩnh vực, với dáng đi và mái tóc bạc phơ cùng đôi mắt sáng quắc, hình ảnh của vị Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hùng dũng năm nào vẫn tiếp tục hiện diện.
Với cương vị là một người lính đã từng trực tiếp xông pha trên chiến trường, thượng tướng Trần Văn Trà luôn mong muốn thế hệ sau ghi nhận và tiếp nối truyền thống của người bộ đội cụ Hồ. Trong quá trình viết giáo trình giảng dạy về lịch sử, thượng tướng Trần Văn Trà đã thể hiện và truyền tải cho thế hệ sau về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Đây là một bộ phận của tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, xuất phát từ quyền lợi con người, cốt giải phóng con người để thoát khỏi mọi ràng buộc, áp bức của thiên nhiên và của con người. Nó hàm chứa tinh túy của triết học phương Đông, văn hóa phương Tây, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam và khoa học hiện đại của thế giới. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã đóng góp cho các dân tộc bị áp bức ở thế kỷ XX kinh nghiệm đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và bước đầu đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, đứng lên tự giải phóng. Nó cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam hiện đại, ưu việt cả về lý luận và thực tiễn. Trở thành căn bản cho học thuyết và bí quyết giữ nước từ nay và mãi mãi về sau cho dân tộc Việt Nam cũng như cho các dân tộc muốn giữ vững bờ cõi đất nước và tự do con người chống mọi thế lực ngoại xâm.
Thượng tướng Trần Văn Trà cũng nhiều lần viết các bài đánh giá, nhận định về những trận đánh lịch sử quan trọng của dân tộc, có thể kể đến như trận Ấp Bắc, chiến thắng Ba Gia, nghệ thuật quân sự trong trận Junction City, cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, trận Xuân Lộc, cuộc tấn công và nổi dậy Xuân 1975, … Dưới góc nhìn của vị lão tướng, các cuộc chiến được mô tả một cách khách quan từ cả hai phía, giữa phe địch và phe ta, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Bên cạnh đó, ông cũng phân tích kỹ càng về chiến lược, chiến thuật, đưa ra những ví dụ, minh chứng cụ thể, qua đó nhận định, đánh giá, lý giải nguyên nhân thành công, thất bại của từng trận đánh. Những bài viết này không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến thuật quân sự mà còn có giá trị cả về mặt lịch sử. Có thể nói, những bài nhận định, đánh giá này của thượng tướng Trần Văn Trà là những bài học vô cùng quý giá trong chỉ đạo chiến tranh của quân đội Việt Nam, góp phần đưa những cuộc đấu sức và đấu trí có tính thời đại của chiến tranh Việt Nam tiếp tục lưu giữ trong trí nhớ của mọi người và giữ nguyên giá trị thực tế lâu dài. Đối với ông, nghiên cứu về thắng lợi trong chiến tranh, rút ra những bài học là để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ tự do và độc lập, bảo vệ chân lý cho ngày nay và cả mai sau. Mỗi thời đại có thể sẽ khác nhau về kỹ thuật, về vũ khí, về cách tiến hành chiến tranh, … Nhưng thời đại nào thì nhân dân vẫn giữ vai trò quyết định và kinh nghiệm quý báu của nhân dân vẫn căn bản có giá trị xuyên suốt các thời kỳ. Thượng tướng Trần Văn Trà không quên nhắc lại và khẳng định cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay là dựa trên sự hy sinh cao cả của biết bao đồng bào, đồng chí, nhân dân Việt Nam. Chúng ta cần phải biết ơn và hết mực giữ gìn nó, bởi người nào không có ký ức của quá khứ, không có kinh nghiệm lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác thì sẽ nằm ngoài lịch sử vĩnh viễn và chỉ có khả năng sống bằng ngày hôm nay mà thôi.
Tiến vào thời bình, thượng tướng Trần Văn Trà vẫn tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong những lần tham dự Đại hội Đảng, ông đã không ít lần phát biểu, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội với những nội dung thực tiễn như: đánh giá thực trạng tình hình đất nước và những mặt tồn tại trong bối cảnh của tình hình quốc tế, nhìn nhận về chiến lược kinh tế - xã hội và mối quan hệ của nó với chiến lược chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, các vấn đề về đời sống, xã hội, văn hóa,… Ngoài ra ông còn nêu lên cả những vấn đề liên quan đến chỉnh đốn Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Ông luôn cho rằng phải “tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước”. Đây là khẩu hiệu của từng người Việt Nam, tự trọng yêu nước, từng đảng viên, từng cán bộ trong mọi ngành, từng gia đình, từng địa phương cho đến cả nước. Là cán bộ thì phải gương mẫu, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu nhiều, gương mẫu là yếu tố giáo dục vận động tốt nhất phong trào quần chúng. Với niềm tin vững chắc vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, với truyền thống bất khuất, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, với niềm tin vào thế hệ tương lai của dân tộc cùng bản lĩnh và kinh nghiệm của Đảng, thượng tướng Trần Văn Trà vẫn luôn vững tinh rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Khi tuổi đã cao, thượng tướng Trần Văn Trà vẫn xông pha, đi về như con thoi để lo toan việc chăm lo và nghĩa tình với đồng đội... Thượng tướng luôn tin tưởng rằng quân đội nhân dân chúng ta được Cụ Hồ dạy bảo, chỉ đạo, chỉ huy đã từ tay không mà trưởng thành, đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy mà được dân tin, dân yêu và thưởng cho danh hiệu quý vô cùng là “bộ đội Cụ Hồ”. Mà những người giữ được phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ đó, có lẽ có những chiến sĩ đã suốt đời mình phục vụ trong quân ngũ và về già, sức yếu đã nghỉ hưu về với hàng ngũ nhân dân. Ông cho rằng, muốn giữ được phẩm giá đó mãi mãi và dùng phẩm giá đó ảnh hưởng đến người cán bộ, chiến sĩ trẻ ngày nay không gì bằng có một đoàn thể, để sinh hoạt giúp đỡ nhau, đó chính là “Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Đối với thượng tướng Trần Văn Trà, không ai có thể hơn họ - những người lính già luôn sẵn sàng lại đem nắm xương tàn ra bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ và phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Hội Cựu chiến binh ra đời là nơi để những người lính già vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho dân, cho nước, để tập hợp một hội quần chúng, không còn súng trong tay nhưng có tấm lòng kiên cường và kiến thức tích lũy được. Bởi vậy, khi trở về đời thường, thượng tướng Trần Văn Trà vẫn luôn nỗ lực góp một phần sức lực quan trọng trong việc tổ chức xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông được cử làm Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố cho đến lúc qua đời. Ông luôn tích cực tham gia vào nhiều buổi họp mặt, hoạt động cựu chiến binh của trung ương, thành phố, địa phương.
Thượng tướng Trần Văn Trà cũng dành sự quan tâm của mình cho những người trẻ tuổi, là thế hệ tương lai của đất nước, của dân tộc. Ông cho rằng tuổi trẻ sống phải biết kiên trì và kiên định ý chí thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua hết. Ông luôn muốn thế hệ thanh niên, nhất là những thanh niên sinh ra sau này, chưa từng trải qua chiến tranh, phải nên biết rằng: Để có được ngày hôm nay, ông cha chúng ta đã từng đổ biết bao mồ hôi xương máu. Từ đó, những người trẻ cần phải biết tạo chí hướng cho bản thân, góp phần đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo tụt hậu, vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới. Thanh niên ngày nay thoát được sự áp bức của nước ngoài, có điều kiện học tập, nâng cao tri thức, nâng cao hiểu biết, do đó cần hiểu biết lịch sử của cha ông ta, thấm nhuần những truyền thống của dân tộc ta thì mới có thể xây dựng nên tất cả. Nếu ông cha ta ngày trước đã từng hy sinh để giữ vững độc lập - tự do, thì thanh niên ngày nay cần phải tiếp tục xây dựng: Nước mạnh, dân giàu và một xã hội công bằng, văn minh. Ông tin vào lực lượng thanh niên vừa có kiến thức rộng, vừa có truyền thống của ông cha ta thì chắc chắn sẽ làm nên lịch sử. Mỗi thanh niên Việt Nam cần có chí hướng đúng đắn, kiên định để không phụ lòng người đi trước.
Khi trả lời các cuộc phỏng vấn ở cả trong và ngoài nước, thượng tướng Trần Văn Trà luôn thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của một “bộ đội Cụ Hồ” cởi mở, giản dị, rất “lính” mà cũng rất tri thức, của người làm theo và tiếp nối những tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời ông cũng luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp và lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, khẳng định bản lĩnh vững vàng và sự kiên định về ý chí của một vị tướng lão luyện đã trải qua những năm tháng bom đạn đầy hiểm nguy. Những cuộc chiến qua lời kể của ông luôn hiện lên vô cùng sống động, đẫm máu nhưng cũng oanh liệt.
Ngoài ra, trong những năm tháng cuối đời, ông cũng tham gia vào việc viết lời tựa cho nhiều cuốn sách về đồng chí đồng đội, về lịch sử hào hùng của dân tộc, góp ý trong việc soạn thảo các tài liệu lịch sử,… Những cuốn sách như Lịch sử Chiến khu Đ, Gởi người đang sống, Hồi ký của đồng chí Huỳnh Công Thân, Trại giam tù binh Phú Quốc, Trung đoàn 96, Những năm tháng không thể nào quên, Pháo binh miền Đông Nam Bộ,… đều có sự đóng góp viết lời giới thiệu của thượng Tướng Nguyễn Văn Trà. Đồng thời, ông còn dành mọi tâm huyết để hoàn thành cuốn hồi ký Những chặng đường lịch sử của B2 Thành đồng.
Cả một đời vào sinh ra tử, nhìn lại về cuộc đời, thượng tướng Trần Văn Trà không cảm thấy hối tiếc về bất cứ điều gì. Ông thỏa mãn về cuộc đời mình vì đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Cuộc đời con người ai cũng đến lúc nghỉ ngơi, nhưng với ông, nghỉ thế nào, lúc nào cho trọn vẹn, cho thanh thản mới là điều quan trọng. Những ngày cuối đời của một vị danh tướng, ông lựa chọn sống cuộc sống giản dị với gia đình, ông chăm chỉ tham gia các hoạt động của Hội cựu chiến binh, trả lời các cuộc phỏng vấn, rảnh rỗi thì đọc sách báo và học ngoại ngữ, luyện tập thể thao. Ông tiếp tục nghiên cứu và viết, dường như ông luôn luôn không đủ thời giờ để làm những việc này. Đối với Thượng tướng Trần Văn Trà, một con người đã trải qua những năm tháng khó khăn cũng như hùng tráng nhất của thời kỳ cách mạng, thì đến khi tuổi già tất cả những thứ này đã mang đến cho ông những cảm xúc được tận hưởng “hạnh phúc của một đời người”.
Phần phụ lục: Dư âm…
Tháng 4/1996 ngay sau ngày trái tim thượng tướng Trần Văn Trà ngừng đập, đã có rất nhiều người trong cả nước bày tỏ cảm xúc tiếc thương, ngưỡng vọng đến ông... Dư âm là tập hợp những những tình cảm yêu mến chân thành, niềm kính trọng, nhắc nhở về những kỷ niệm quý giá giữa thượng tướng Trần Văn Trà với những đồng chí đồng đội của mình.
Đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, vị danh tướng Trần Văn Trà vẫn dành trọn vẹn tình cảm và tâm huyết của mình để cống hiến cho tổ quốc, cho đồng chí, đồng đội. Thượng tướng Trần Văn Trà vỗn dĩ được bố trí để đi Xingapo chữa bệnh nhồi máu cơ tim trong một tuần. Ở Xingapo, tại Bệnh viện Elizabeth, ông được các bác sĩ nổi tiếng tập trung điều trị. Sau ba ngày, ông đã bình phục hoàn toàn. Các bác sĩ điều trị đã đồng ý cho ông xuất viện, vợ ông khuyên ông trở về nước ngay để nghỉ ngơi, tuy nhiên với tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa với đồng đội, ông nói còn việc phải làm ở Xingapo. Trong những ngày ở đất khách, thượng tướng Trần Văn Trà đã cật lực liên hệ với nhiều tập đoàn để tìm cho được một đơn vị bàn chuyện liên kết với Hội Cựu chiến binh Thành phố xây dựng một bệnh viện hiện đại như bệnh viện mà ông đã điều trị. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã liên hệ được với hai tập đoàn, dù vừa điều trị bệnh nhưng ông không để chút thời gian rảnh rỗi nào cho bản thân, ông ngồi suốt trong phòng họp để bàn với hai đối tác. Cơ bản cả hai tập đoàn đã có những thỏa thuận ban đầu: Một đồng ý xây dựng một bệnh viện; một đồng ý góp 500.000USD. Đến sáng ngày 20/4/1996, ông còn họp phiên cuối cùng với một tập đoàn trước khi ra sân bay về nước. Xong cuộc họp, ông trở về khách sạn và cùng gia đình vội vã ra sân bay. Vậy nhưng cơ thể của vị tướng già với căn bệnh nhồi máu cơ tim quái ác đã không chống đỡ nổi sau những ngày làm việc liên tục. Khi chiếc thang máy của khách sạn dừng lại, ông bước ra và chỉ kịp nói “chóng mặt” rồi ngất đi trong vòng tay của người thân. Các bác sĩ ở Bệnh viện Elizabeth đã điều trị cho ông trước đó, tức khắc đã có mặt. Tất cả đã dùng những phương tiện tốt nhất để cấp cứu ròng rã hai tiếng đồng hồ, tuy nhiên vị danh tướng dành cả đời để cống hiến cho cách mạng, cho đất nước đã ra đi mãi mãi.
Sự ra đi đột ngột của thượng tướng Trần Văn Trà đã để lại niềm tiếc thương to lớn đối với nhiều người dân, đồng đội và bạn bè của ông. Trong sổ tang tưởng nhớ Thượng tướng Trần Văn Trà còn lưu lại bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại những cảm nghĩ về người đồng chí, đồng đội của mình: Đồng chí Trần Văn Trà đã trọn đời chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Ông là một tướng lĩnh có đức độ và tài năng, luôn hoàn thành mọi trọng trách được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao cho, là người đã gắn bó với chiến trường Nam Bộ gần trọn 30 năm chiến tranh giải phóng. Ông cũng là một cán bộ chỉ huy dũng cảm, mưu trí, tính cương trực, chân tình, sâu sát thực tế và từ thực tế tình hình địa phương mình, mạnh dạn đề đạt với Trung ương những kiến nghị có tầm chiến lược. Là một cán bộ quân sự nhưng ông quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hòa mình với quần chúng, gương mẫu, thương yêu, đoàn kết, tôn trọng cán bộ, chiến sĩ, được đồng đội và nhân dân quý mến. Thượng tướng Trần Văn Trà là một người cộng sản kiên trung lúc gặp khó khăn càng tỏ rõ bản lĩnh vững vàng trung thành với Đảng, là một tướng lĩnh tài ba của Quân đội ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng và chiến đấu của đồng chí là một tấm gương cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Cả cuộc đời đi theo cách mạng, khi đến hơi thở cuối cùng, thượng tướng Trần Văn Trà vẫn không quên lo nghĩ cho đồng chí, đồng đội của mình. Khi còn sinh thời, thượng tướng Trần Văn Trà từng tâm sự trên mặt báo Xưa và Nay rằng: Ngẫm lại suốt đời theo con đường của Bác Hồ, của Đảng, tôi sung sướng và tự hào đã cống hiến sức lực và tài năng, tuy hạn chế, cho nước cho dân. Đời binh nghiệp của tôi bắt đầu giống như bất cứ thanh niên nào cùng thời có lòng yêu nước: Khi nước nhà bị xâm lược mọi người Việt đều đứng lên cầm vũ khí đuổi thù. Tôi đã đi trọn 30 năm chống xâm lược Pháp - Mỹ, trong đó 21 năm lăn lộn ở chiến trường. Quả thực bom đạn đã tránh mình để cho kẻ chinh chiến lại chiến thắng trở về đúng nơi mình đã ra đi 30 năm về trước. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người lính.
Dẫu rằng, có một điều khi thượng tướng Trần Văn Trà ra đi chưa thật toại nguyện, đó là bộ sách viết về B2, chiến trường máu thịt của ông, cũng là chiến trường đầy vinh quang và xương máu của dân tộc, chưa ra mắt bạn đọc trọn bộ 5 tập như ông hằng mong ước. Vậy nhưng, với cả cuộc đời làm trọn nhiệm vụ của một người “lính Cụ Hồ”, ông đã sống khỏe về thể chất và thư thái về tâm hồn, gác ra ngoài mọi điều quyến rũ và danh lợi. Đó chính là niềm hạnh phúc của một đời người, sự mãn nguyện của một vị danh tướng dân tộc.
Sinh ra ở núi Ấn sông Trà của miền Trung Trung Bộ, nhưng cuộc đời thượng tướng Trần Văn Trà gắn bó gần hết cuộc đời với Nam Bộ Thành đồng. Giờ đây đất Nam Bộ, đất thành phố mang tên Bác Hồ ôm ấp ông vào lòng. Sớm chiều ngọn gió mát từ sông Sài Gòn thổi đến nghĩa trang ru giấc ngàn thu của ông... ông ra đi, nhưng những gì ông để lại cho đời còn mãi. Rồi thời gian sẽ trôi qua, người ra đi đi mãi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh vị tướng tài danh sẽ mãi còn đọng mãi trong lòng đồng chí, đồng đội và đông đảo đồng bào. Lịch sử không quên ông. Nhân dân còn hoài nhắc về ông, một người đảng viên kiên trung, một nhà cầm quân sáng suốt và dũng cảm, một người bạn chiến đấu thủy chung, trung thực.
“Ra đi, hai bàn tay trắng
Trở về, một dải giang san.
“Trăng xưa, hạc cũ”, dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng”.
(Thơ của Thượng tướng Trần Văn Trà)