Hơn nửa thế kỷ sau ngày thành lập (08/8/1967), đến nay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) đã xây dựng thành công khối đoàn kết bao gồm 10 quốc gia trong khu vực trên nền tảng là hợp tác để phát triển toàn vẹn, bền vững với cơ sở chính yếu là sự tôn trọng, hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau. Được biết, trước đó ASEAN có hai tiền thân là ASA và MAPHILINDO.
Tôn chỉ mà các quốc gia thành viên trong ASEAN là hướng tới sự hợp tác bình quyền để cùng phát triển. Do đó, khẩu hiệu chung của họ là “Một Tầm nhìn, một Bản sắc, một Cộng đồng”.Tổ chức này gồm ba trụ cột chính, đó là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thách thức những ngày đầu thành lập, giờ đây ASEAN được bạn bè và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức quốc tế khu vực thành công nhất thế giới. Bởi sau hơn mấy mươi năm hoạt động, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã gặt hái được vô vàn thành tựu cũng như để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn bè quốc tế. Nhờ đó mà uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và không ngừng phát triển.
Tìm hiểu về ASEAN là một cuốn sách ghi lại dấu ấn từ những ngày đầu thành lập của tác giả Hồng Phong, nội dung sách sẽ bàn đến 5 khía cạnh chính tương đương với 5 chương như sau:
Chương 1. Lịch sử hình thành ASEAN
Chương 2. Các văn kiện quan trọng của ASEAN
Chương 3. Các khuôn khổ hợp tác chính và các tổ chức của ASEAN
Chương 4. Vài nét về vai trò của ASEAN, cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN
Chương 5. Các nước thành viên ASEAN
Ở chương đầu tiên, tác giả đã trình bày về lịch sử hình thành của tổ chức ASEAN, cụ thể là chỉ các đặc trưng tương đồng giữa các quốc gia trong khu vực. Từ đó dẫn đến sự hình thành và phát triển Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Đầu tiên, Đông Nam Á là một khu vực đông dân có các đặc điểm tự nhiên thuận lợi nằm ở Đông Nam lục địa Á - Âu. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực có cùng thủy tổ, đó là người Mongoloid phương Nam và cùng sở hữu hệ ngôn ngữ tương đồng (ngữ hệ Hán Tạng; ngữ hệ Thái; ngữ hệ Nam Á hay còn gọi là Á - Ôxtrâylia; ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo hay còn gọi là ngữ hệ Nam Đảo). Về kinh tế, hầu hết các quốc gia đều có kinh tế chủ lực là nông nghiệp. Do đó, những người dân khu vực này chuộng lối tư duy trực cảm, cởi mở. Họ luôn đề cao sự tự do trong các hoạt động tín ngưỡng (thờ nhiều vị thần, trong đó có cả tín ngưỡng phồn thực).
Nhờ những nét tương đồng ngay trong đời sống sinh hoạt, văn hóa mà các quốc gia Đông Nam Á rất dễ chung sống hòa bình, hợp tác. Sau này, xuất phát từ những thúc bách của thời đại cũng như nhu cầu tập hợp tiềm lực của các quốc gia còn “non kém” do mới giành lại độc lập, họ đã cùng nhau lập nên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Sự ra đời của “ASEAN ra đời đánh dấu bước phát triển mới của một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội bao gồm các nước Đông Nam Á trong việc xây dựng một tổ chức hợp tác khu vực. So với các tổ chức đã từng tồn tại trước đây trong khu vực, nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức của ASEAN chặt chẽ hơn, nhằm dung hòa lợi ích của các nước thành viên”.
Có thể nói kể từ khi mới thành lập đến nay (tức từ năm 1967 đến năm 2018), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn nhưng cũng đầy thành tựu. Đặc biệt, kể từ khi Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực, ASEAN đã có cho mình những bước tiến thật vững chắc khi tạo lập được nhiều mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia khác. Tiếp đó, họ đã thực sự tìm được hướng đi đúng đắn khi luôn tôn trọng quyền tự quyết ở mỗi nước thành viên và đề cao cách thức giải quyết hòa bình trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Nhờ nền tảng của sự tôn trọng, trách nhiệm và nguyên tắc, không chỉ trong hiện tại mà chắc hẳn ở tương lai xa, ASEAN vẫn là một cái tên hứa hẹn trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác cùng phát triển đúng như khẩu hiệu chung mà họ đã đề ra: “Một Tầm nhìn, một Bản sắc, một Cộng đồng”.
Trong số các văn kiện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, có thể nói tuyên bố Băng Cốc hay còn được gọi là Tuyên bố ASEAN là văn kiện pháp lý quan trọng nhất. Bởi đó chính là văn kiện đầu tiên khai sinh ra ASEAN (ngày 08/8/1967, tại Thái Lan). Ngay từ khi thành lập, ASEAN đã là một tổ chức luôn ủng hộ tinh thần hợp tác đầy thiện chí giữa các thành viên, nghĩa là mọi quốc gia đều hành động trên cơ sở dung hòa và không làm phương hại đến lợi ích lẫn nhau. Dĩ nhiên, đó không phải là một nguyên tắc cốt tủy được nêu ra trên giấy tờ pháp lý. Trái lại, đó là sự tự ý thức, trách nhiệm của bất kỳ thành viên nào trong ASEAN.
Trong Tuyên bố Băng Cốc, chúng ta có thể liệt kê một số tôn chỉ như sau:
- Thúc đẩy sự phát triển trong các phương diện: kinh tế, văn hóa,... trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị;
- Tôn trọng sự luật pháp của các nước thành viên cũng như tuân thủ những điều luật tại Hiến chương Liên hợp quốc;
- Duy trì việc hợp tác và tạo điều kiện để tất cả các nước thành viên phát triển đồng loạt, toàn diện.
Trên nền tảng trong Tuyên bố Băng Cốc, những mục đích - nguyên tắc hành động cũng được hình thành, bao gồm 15 mục tiêu sau:
- Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực.
- Nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.
- Duy trì Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
- Đảm bảo rằng nhân dân và các quốc gia thành viên ASEAN được sống hòa bình với toàn thế giới nói chung trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp.
- Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.
- Tăng cường dân chủ, thúc đẩy quản trị tốt và pháp quyền, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, với sự tôn trọng thích đáng các quyền và trách nhiệm của các quốc gia thành viên ASEAN.
- Đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa,các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức
v.v
Và một số nguyên tắc hành động như sau:
- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên.
- Cùng cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
- Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay các hành động khác dưới bất kỳ hình thức nào trái với luật pháp quốc tế.
- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN.
- Tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp, lật đổ và áp đặt từ bên ngoài.
- Tăng cường tham vấn về các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của ASEAN.
- Tuân thủ pháp quyền, quản trị tốt, các nguyên tắc của nền dân chủ và chính phủ hợp hiến.
v.v
Song song đó, mọi quy trình kết nạp thành viên mới, quyền và nghĩa vụ của một nước thành viên, phương thức hoạt động hay vấn đề giải quyết tranh chấp,... đều được nêu ra một cách cụ thể, chi tiết trong các văn kiện văn kiện quan trọng.
Trong chương tiếp theo, tác giả trình bày một số khuôn khổ hợp tác chính của ASEAN, bao gồm: hợp tác khu vực, hợp tác liên khu vực và hợp tác tiểu khu vực.
Về hợp tác khu vực: chúng ta có ARF (ASEAN Regional Forum - Diễn đàn Khu vực ASEAN, đây là một diễn đàn an ninh thường niên với 27 nước thành viên (tính cả 10 nước trong ASEAN) tại Châu Á - Thái Bình Dương do ASEAN chủ trì. Thứ hai, đó là ASEAN+1, đây là một trong những khuôn khổ ngoại khối được thành lập từ những năm 70. Thứ ba, ASEAN+3, nó được ra đời nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1997 xảy ra trong khu vực…
Về hợp tác liên khu vực: có thể liệt kê các diễn đàn sau: ASEM (Asia-Europe Meeting - Diễn đàn hợp tác Á - Âu), đây là một diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức được thành lập vào năm 1996 giữa những người đại diện các nước thành viên ASEM; APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation -Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), nó được coi như một tổ chức thúc đẩy phát triển, liên kết về kinh tế cũng như bảo đảm, duy trì an ninh trong quá trình hợp tác.
Về hợp tác tiểu khu vực: ACMECS (Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong Economic Cooperation Strategy - Chiến lược hợp tác kinh tế giữa ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công, đây là nơi hợp tác giữa năm thành viên: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục đích chính là thu hẹp khoảng cách phát triển, phát huy lợi thế và tăng sức cạnh tranh giữa các thành viên. Thứ hai, đó là GMS (Greater Mekong Sub-region - Khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng) được khởi xướng năm 1992 - đây là nơi để các quốc gia thành viên cùng hợp tác để thúc đẩy kinh tế trong tiểu vùng.
Như đã phân tích trên đây, ASEAN được dựng nên bởi ba trụ cột chính, đó là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Trong đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh bao gồm: Ủy ban Liên chính phủ
ASEAN về nhân quyền; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN; Diễn đàn Khu vực ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia. Cộng đồng Kinh tế bao gồm một số tổ chức như: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN; Khu vực Thương mại tự do ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN; Ủy ban Khoa học Công nghệ ASEAN… Ngoài ra còn có các tổ chức thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội: Hội nghị Bộ trưởng phụ trách
Văn hóa và Nghệ thuật các nước ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Thể thao các nước ASEAN; Ủy ban ASEAN về Quản lý thảm họa; Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN…
Thực tế đã chứng minh rằng vị thế, vai trò của ASEAN ngày càng trở nên quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn trên trường quốc tế. Chúng ta có thể lí giải vấn đề này qua một số nguyên nhân:
Thứ nhất, ASEAN là nhân tố góp phần củng cố nền hòa bình, sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á lẫn thế giới bởi các nguyên tắc và chính sách ủng hộ hòa bình, an ninh khu vực. Điển hình là việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trên biển Đông vừa qua.
Thứ hai, tham gia vào công cuộc ổn định, thúc đẩy kinh tế khu vực và trên toàn thế giới bằng cách đẩy mạnh, mở rộng một số ngành kinh tế cũng như không ngừng giao lưu, hợp tác để rút ngắn sự chênh lệch phát triển.
Thứ ba, trong quá trình mở rộng các mối quan hệ hợp tác, ASEAN cũng không ngừng tổ chức các hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… nhằm cải thiện đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, khi đứng trước những biến chuyển trong thời đại mới ASEAN đồng thời phải đối mặt với nhiều thời cơ và thách thức. Vì thế, chúng ta phải không ngừng đổi mới để có thể hòa nhập và giữ vững vị thế như hiện tại.
Khi nhắc về sự tham gia của Việt Nam trong tổ chức ASEAN, chúng ta có thể tự hào nhận định nước ta đã có những đóng góp quan trọng và mang những giá trị bền vững. Chúng ta có thể liệt kê một số thành tích đáng ghi nhận như sau: tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ sáu tại Hà Nội (tháng 12-1998); hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF; tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM - 34); triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, bao gồm cả các Kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 2 (2009-2015)...
Chương cuối cùng là nơi tập hợp những bức chân dung cụ thể về các quốc gia thành viên trong tổ chức ASEAN. Ở mỗi nước, tác giả đều liệt kê đầy đủ hoàn cảnh lịch sử, các đặc điểm địa lý, tôn giáo, tuổi thọ trung bình, quá trình tham gia ASEAN… Có thể đúc kết lại rằng, kể từ ngày thành lập đến hơn 50 năm hoạt động, ASEAN quả thật đã trở thành người đối tác tín cẩn đối với các bạn bè quốc tế với những đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, giữ vững sự ổn định, an ninh khu vực và thế giới. Từ 5 nước thành viên ban đầu, ASEAN giờ đã hội tụ 10 thành viên tiềm năng trong khu vực để tiến tới mục tiêu chung là tăng cường sức mạnh kinh tế cũng như thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước thành viên.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dành danh xưng “mái nhà chung” cho ASEAN bởi từ khi có một cộng đồng như thế, các nước đã có cơ hội cùng hợp tác, cùng phát triển trên nguyên tắc tôn trọng, giúp đỡ và bình đẳng với nhau. Nhờ đó, mà mỗi quốc gia trong khu vực nhận thức được những hạn chế trong cung cách vận hành, phát triển của đất nước mình và tiến tới hòa nhập sâu rộng trong thời đại mở.
Có thể nói, Việt Nam ta từ ngày gia nhập ASEAN đến nay đã khẳng định được vai trò quan trọng cũng như gặt hái được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Quan trọng hơn, ta đã có cơ hội đem đến gần hơn với cộng đồng những giá trị ý nghĩa và chung tay dựng xây một Việt Nam hội nhập tích cực. Tựu trung, chúng ta có thể hoàn toàn kỳ vọng vào một viễn cảnh xán lạn của ASEAN nói chung hay Việt Nam nói riêng trong thời gian sắp tới.