Kết thúc tập hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những dòng suy ngẫm về cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Nhận xét về cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước. Khẳng định vị trí, tư tưởng và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đồng thời ông cũng một lần nữa khẳng định lại nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước đã hình thành cả mấy nghìn năm trên mảnh đất Việt Nam thân thương. Chính nhờ sức mạnh khôn lường của nền văn hóa ấy mà trong suốt hơn nghìn năm dựng nước và giữ nước, trải qua biết bao cuộc chiến tranh xâm lược ác liệt nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn quật cường bảo vệ được mảnh đất quê hương thân yêu.
Đại tướng cũng nhìn lại về nguyên nhân mà một dân tộc anh hùng như Việt Nam phải sống hơn 100 năm dưới ách thống trị của thực dân đế quốc phương Tây. Trong đó phải kể đến các sai lầm trong chính sách của triều đình nhà Nguyễn, nhưng suy cho cùng, nguyên nhân chủ yếu là sự khủng hoảng về đường lối vào thời điểm mà nước ta vẫn còn đang ở phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu. Dù các phong trào yêu nước lúc bấy giờ liên tục nổ ra, nhưng do chưa tìm được kế sách cứu nước nên cuối cùng đều bị đàn áp dã man.
Cho đến khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Người đi khắp bốn biển năm châu với chí lớn giải phóng những “người cùng khổ”, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Lênin và Quốc tế thứ ba, tìm ra con đường cứu nước:con đường cách mạng vô sản. Với mục tiêu cách mạng mới, cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành cuộc chiến tranh toàn dân, “vì dân” và “do dân”, nó mang một sức mạnh to lớn có thể quật ngã mọi kẻ thù.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ ra những sai lầm trong trong khi tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khiến chúng ta phải trả giá đắt bằng xương máu. Tuy nhiên, đó là những bài học đắt giá để chúng ta đúc kết kinh nghiệm và tôi luyện ý chí cho chiến thắng sau này.
Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng.
Từ sau khi nước nhà giành được độc lập và thống nhất hoàn toàn, có hai nhiệm vụ mới được đưa ra đó là: xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sau một thời gian mắc phải sai lầm chủ quan, rập khuôn, duy ý chí, Đảng ta đã sớm trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối đổi mới đúng đắn và sáng tạo. Đảng ta đã đi đến một kết luận lịch sử: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định, khi bước vào thế kỷ XXI, Đảng ta, giai cấp công nhân và toàn dân ta đang đứng trước những vận hội lớn, đồng thời phải đối mặt với những thách thức mới chưa từng có. Trước tình hình đó, Đảng đã có những quyết sách chiến lược “đổi mới” và sáng tạo phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn giữ tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kết thúc cuốn sách, Đại tướng bày tỏ niềm tin vào một tương lai tươi sáng của Việt Nam. Dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng và của Bác Hồ vĩ đại, với hoài bão lớn, kiên định trong mọi tình huống, với nghị lực sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới, nhân dân ta đoàn kết, sẽ đưa đất nước đi lên con đường đổi mới, hiện đại, từng bước sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.