Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Dịch giả: Lê Vũ Kỳ Nam - NXB Công Thương - 2020
Nassim Nicholas Taleb sinh năm 1960 tại Liban, là một nhà viết tiểu luận, học giả, nhà thống kê ưu tú kiêm nhà kinh tế học ưu tú. Ông cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao và là tác giả của hàng loạt bài viết trên các tạp chí nổi tiếng.
Dưới đây là ba bài học quan trọng mà độc giả có thể rút ra sau khi đọc cuốn sách Trò đùa của sự ngẫu nhiên, từ đó xác định được những lối tư duy sai sót trong nhận thức của bản thân và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên cuộc sống cũng như công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư.
Bài học thứ nhất: Cuộc sống là không công bằng, và càng cố gắng nhiều thì bạn sẽ nhận phần thưởng càng lớn theo cấp số mũ
Rất nhiều quá trình trong cuộc sống của chúng ta xảy ra theo mô hình tuyến tính - mỗi ngày làm việc sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới việc tăng chức, mỗi bài kiểm tra sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới ngày tốt nghiệp, mỗi đồng bạn tiết kiệm được sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu tích lũy của bản thân, vân vân. Bởi vậy, không bất ngờ khi nhiều người sẽ nghĩ rằng mọi điều trong cuộc sống đều xảy ra theo mô hình tuyến tính như vậy.
Nhưng, đó là một suy nghĩ sai lầm!
Theo Nassim Nicholas Taleb, rất nhiều kết quả trong cuộc sống được quyết định bởi sự phân nhánh trong lựa chọn, mà không phải nhờ quá trình tích lũy dần dần. Nói cách khác, chúng là đích đến của những ngã rẽ hoàn toàn tách biệt.
Ví dụ, ban đầu hệ điều hành Windows chỉ được sử dụng trong vài văn phòng nhất định, nhưng nhờ tính tiện dụng của nó mà số lượng văn phòng sử dụng hệ điều hành Windows ngày càng tăng lên cho đến một “điểm tới hạn”. Sau điểm này, sự phổ biến của hệ điều hành Windows khiến nó trở thành sản phẩm “mặc định” trên thị trường, tạo áp lực khiến những văn phòng khác cũng phải chuyển sang sử dụng hệ điều hành Windows.
Tuy nhiên, chúng ta thường không thể nhìn thấy trước những “điểm tới hạn” này, từ đó dẫn tới sự lầm tưởng rằng mọi kết quả đều được quyết định bởi quá trình tích luỹ tuyến tính. Tuy nhiên, giả sử hệ điều hành Windows không thể chạm tới số lượng người dùng “tới hạn” kia, thì liệu nó có thể trở nên phổ biến như hiện nay - dù cho tính năng của nó không hề khác biệt?
Bởi vậy, Nassim Nicholas Taleb khuyên bạn hãy tiếp tục cố gắng và đừng nên bỏ cuộc quá sớm. Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại có thể chỉ đơn giản là thêm một đơn hàng, hoặc một thí nghiệm, hoặc một cuộc điện thoại nữa thôi!
Bài học thứ hai: Cảm xúc phi lý trí là thứ giúp chúng ta đưa ra quyết định
Nếu mọi quyết định của chúng ta chỉ được đưa ra dựa trên suy nghĩ lý tính, thì chúng ta sẽ không thể tồn tại. Bởi luôn có những lựa chọn không hề đem lại sự khác biệt, và tình trạng của bạn sẽ không hề tốt lên hay xấu đi dù bản thân có lựa chọn điều gì đi chăng nữa.
Hãy nghĩ về câu chuyện ngụ ngôn Con lừa của Buridan - một con lừa vừa đói vừa khát, được đặt ngay giữa một đống cỏ và một xô nước. Suy nghĩ lý tính cho rằng con lừa đó sẽ trước tiên lựa chọn tiến đến mục tiêu gần nhất với nó. Tuy nhiên, do cả đống cỏ và xô nước đều nằm cách con lừa một khoảng như nhau, nên cuối cùng con lừa đó sẽ chết bởi nó không thể quyết định được nên tới đống cỏ trước, hay tới xô nước trước.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải đối mặt với những lựa chọn như Con lừa của Buridan, và khi đó chính cảm xúc phi lý tính hay sự ngẫu nhiên sẽ giúp chúng ta ngừng tiếp tục cân nhắc một cách vô ích, để đưa ra quyết định cần thiết. Trong một số trường hợp, sự lựa chọn tưởng chừng phi lý trí nhưng kịp thời này lại đóng vai trò chìa khóa dẫn tới thành công của bạn.
Hẳn nhiên, cũng đừng nên để cảm xúc phi lý tính chi phối quyết định của bạn trong những trường hợp cần thiết phải sử dụng logic và lý trí.
Bài học thứ ba: Hãy biết đối mặt với sự ngẫu nhiên và may rủi mà không phàn nàn hay chán nản, dù nó đem lại bất lợi cho bản thân
Mặc dù phần lớn nội dung của cuốn sách Trò đùa của sự ngẫu nhiên là những lời khuyên của Nassim Nicholas Taleb để giúp chúng ta tránh được những sự may rủi ngẫu nhiên trong cuộc sống. Thế nhưng, hãy biết cách chấp nhận sự may rủi ngẫu nhiên này nếu chúng là vô hại đối với bạn.
Hãy tưởng tượng mà xem, nếu không tồn tại những sự ngẫu nhiên thì âm nhạc, hội hoạ hay thơ ca còn có gì là tính thẩm mỹ hay niềm vui thú? Giống như câu tục ngữ của người Yiddish: “Nếu bạn buộc phải ăn thịt lợn, thì đó phải là loại thịt lợn tốt nhất”. Chúng ta có thể bị sự ngẫu nhiên trêu đùa, nhưng chỉ khi đó là sự ngẫu nhiên phù hợp.
Một nhà thơ có phần kỳ quặc hầu như sẽ chẳng đem lại tác hại gì, thế nhưng một nhà khoa học phi lý trí lại thường vô cùng nguy hiểm!
Đồng thời, nếu không thể tránh khỏi những sự ngẫu nhiên tiêu cực, thì Nassim Nicholas Taleb khuyên bạn nên giữ một thái độ bình thản. Đừng cảm thấy tủi thân, đừng đổ lỗi cho người khác, đừng phàn nàn, và hãy biết nhận trách nhiệm.
Thứ duy nhất mà mỗi chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát mà không bao giờ phải phó mặc cho sự ngẫu nhiên, đó chính là thái độ của bản thân!
Nếu bạn là người luôn tin rằng thành công chắc chắn phải đến từ tài năng và trí tuệ vượt bậc, thì Trò Đùa Của Sự Ngẫu Nhiên sẽ cho bạn thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về con đường đi tới thành công. Có thể, thành công xuất hiện qua sự may mắn, thuật toán ngẫu nhiên hoặc nhiều yếu tố khác mà bạn không bao giờ nghĩ tới. Hãy cùng khám phá qua cuốn sách đặc biệt này nhé!