Tác giả: Rando Kim
Người dịch: Kim Ngân
Trưởng thành là một quá trình khó khăn, những người chao đảo nhiều nhất chính là những người đang chuẩn bị bước chân ra ngoài xã hội. “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” gồm 4 phần, được Rando Kim viết cho những ai đang ở bên ngưỡng cửa trưởng thành, như một lời chào mừng bạn đến với cuộc đời thực và mong bạn hãy chiến đấu hết mình.
Phần 1. Amor Fati, hãy yêu lấy vận mệnh của bạn
Bạn chán nản nơi làm việc của mình và muốn rời khỏi đó? Đây là nỗi trăn trở phổ biến không chỉ của riêng bạn. Về bản chất, cá nhân và tổ chức vẫn luôn xung đột, dường như tổ chức sinh ra không phải để mang lại hạnh phúc. Trước khi đổi việc hãy suy nghĩ xem ngoài bất mãn, bạn có thể học hỏi gì thêm? Chừng nào còn học hỏi được thì ta vẫn có thể cầm cự. Còn nếu mình không thể tiến bộ thêm, thì dù đãi ngộ tốt cách mấy cũng hãy dũng cảm từ bỏ.
Nếu bạn làm mãi một việc trong thời gian dài mà vẫn chưa thành công, như thi đại học, xin việc,.. dù thất vọng nhưng xin bạn đừng từ bỏ mà hãy thay đổi cách hành động của mình. Cơ hội chính là sự chuẩn bị, thời điểm cơ hội chưa đến là lúc tốt nhất để chuẩn bị. Cũng đừng ôm mãi suy nghĩ trước đây mình đã rất thành công. Nếu buông bỏ các lợi ích tầm thường, đi theo quyết tâm, bạn có thể khởi động lại cuộc đời. Cái bạn cần chính là lòng can đảm.
Bạn đã trưởng thành chưa? Trưởng thành là quá trình hiểu nội tâm mình ẩn chứa những gì, và mình muốn cất thêm điều gì vào đó. Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu thì mới có thể trưởng thành.
Sẽ không ít lần bạn thấy áp lực, đau khổ cùng cực, mất phương hướng, áp lực chồng chất…mà không cách nào kết thúc nổi. Những điều bạn có cố mấy cũng không thay đổi được, đó là số phận. Hãy chấp nhận số phận, đương đầu với nó, làm bạn với nó. Hãy yêu lấy vận mệnh của bạn: Amor Fati. Kiên cường sống qua từng ngày, rồi tất cả sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Với người trưởng thành, họ thường phải quyết định giữa 3 lựa chọn: công việc, gia đình, và bản thân. Người ta gọi đây là trilemma của người trưởng thành. Điều quan trọng không phải giữ 1 thứ mà bỏ mặc 2 thứ còn lại, mà là tung hứng, phân bố hợp lý để giữ thế cân bằng. Và khi quay cuồng với những thứ đó, đừng quên rằng bạn là một người quan trọng, dù khốn cùng hay tay trắng, bạn vẫn có giá trị, bởi bạn có những người bạn yêu thương cũng như những người yêu thương bạn; bạn vẫn có thể khiến thế giới tốt đẹp hơn và bạn đang dần đổi mới.
Phần 2. Tuổi trẻ bước vào đời
Đôi khi sự kém may mắn làm ta thất vọng, nhưng cuối cùng nó lại trở thành vận may lớn. Đừng quá thất vọng, bởi khủng hoảng càng sâu sắc thì đảo ngược càng ngoạn mục, cuộc đời mỗi người luôn có đáp án phù hợp riêng. Đừng bỏ cuộc, bộ phim lật ngược tình thế của cuộc đời bạn vẫn chưa kết thúc đâu.
Nếu đi làm mà trong lòng luôn ôm sẵn một lá đơn nghỉ việc thì ai cũng như Hamlet, trăn trở giữa những lựa chọn. Bạn hãy suy nghĩ đơn giản như vậy: Thứ không yêu thì hãy từ bỏ, thứ không định từ bỏ thì hãy yêu lấy nó.
Thực tế, chúng ta thất bại rất nhiều nên đã quen với nó, còn thành công chẳng có mấy lần nên ta chưa có cơ hội chuẩn bị. Bởi vì khi thành công rồi, nếu cuộc sống lại không có ước mơ thì sẽ buồn thảm biết bao. Khi thành công hãy nhìn lại lúc ban đầu, vì điều gì mà khiến bạn sẵn lòng theo đuổi? Có như thế mới bảo vệ mình trước thành công. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thành công hay thất bại chúng ta đều phải đứng vững.
Vào đời và đi làm, tháng lương đầu tiên là thứ ta không thể nào quên được. Đó là cái giá của mồ hôi công sức ta đổ ra mỗi ngày, làm việc suốt một tháng trời tại nơi mà lần đầu ta thuộc về. Đây là thời điểm chuyển đổi giữa quãng đời phụ thuộc người khác, và quãng đời tự sống bằng sức lực của mình. Chúng ta đi làm là để kiếm tiền. Nếu kiếm tiền để gánh vác trách nhiệm của bản thân, gia đình thì bạn sẽ có động lực để làm việc tốt hơn, nhưng nếu bị giam hãm trong suy nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền thì chúng ta đã trở thành tù nhân của công việc.
Một con đường đẹp đẽ thì không hề là một đường thẳng. Cuộc đời bạn cũng vậy. Có quanh co khúc khuỷu cũng không sao. Có thành tựu thì cũng có lúc thất bại, không hoàn hảo, không nhanh chóng cũng chẳng sao. Những gập ghềnh này chính là báu vật của cuộc sống.
Phần 3. Hãy gặp gỡ, hãy yêu và hãy sống
Đối với hôn nhân, chúng ta đều biết kết hôn là một lựa chọn rất cá nhân và chủ quan, nhưng cũng có những băn khoăn chung mà ai ai cũng gặp phải.
Sự lựa chọn thành công bước đầu chưa chắc đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc lâu dài về sau, bởi hôn nhân là một hành trình dài cần bền bỉ bồi đắp.
Đối với bạn bè, điều quan trọng nhất không phải là chúng ta đã quen biết bao lâu, mà là ở mục đích gặp nhau. Nếu chúng ta không trông mong lợi ích gì từ nhau, chỉ cần gặp nhau, nói chuyện, chia sẻ, thì đó chính là quan hệ có thể trở thành bạn bè.
Đối với tình dục, nó phải là dòng chảy cảm xúc đẹp đẽ và hạnh phúc nhất, đồng hành cùng tình yêu. Nếu chỉ là sự giải tỏa ham muốn, buông thả trong khoái cảm, hay trở thành sợi dây duy nhất để kéo dài mối quan hệ thì tình dục thật đáng buồn.
Đối với cuộc sống, chúng ta phải linh hoạt với câu hỏi “Tôi là ai?”. Đừng quá ám ảnh với quan niệm tôi phải thế này hay thế kia, mà cần có một cái tôi khách quan để có thể quan sát sự trưởng thành của ta trong màn kịch hỗn loạn của cuộc đời.
Đối với gia đình, khi trở thành người lớn, ta sẽ hiểu được bố mẹ mình theo cách hoàn toàn khác với trước đây. Với người vợ, người mẹ làm công việc nội trợ toàn thời gian, gia đình nên tạo điều kiện cho họ có không gian riêng, thời gian riêng và tài khoản lương. Có như thế người làm nội trợ mới cảm thấy hạnh phúc hơn. Còn những người mẹ vừa đi làm, vừa trông con và quán xuyến gia đình, hãy cởi bỏ gánh nặng trong lòng, bao dung bản thân hơn, nói ra những khó khăn của mình cho chồng, con để được chia sẻ. Gia đình chính là tòa tháp được vun đắp bằng những lời bình dị, nên hãy luôn ân cần với những người gần gũi nhất bên chúng ta.
Phần 4. Gửi bạn, người đang tiến tới điểm quay đầu của cuộc đời
Nếu bạn đang nghĩ rằng, sao chỉ mình tôi khổ thế này? - xin đừng quên có rất nhiều người đang có cùng suy nghĩ với bạn. Đời là bể khổ, câu này dành cho tất cả chúng ta.
Một trong những cái khổ của tuổi trẻ hiện đại là chuyện tiêu dùng. Tiêu dùng đúng đắn là một trong những bằng chứng cho thấy bạn đã trưởng thành. Bạn tiêu tiền như thế nào, hay bạn dùng cuộc đời bạn ra sao? Bí quyết là hãy đặt 3 câu hỏi sau trước khi bạn mua một món gì: Đây có đúng là thứ mình thật sự cần không? Thứ này giá cả có hợp lý không? Sau 1 tháng nữa, liệu mình có còn khao khát mua nó như bây giờ?
Trong đời sống thường ngày, chúng ta nghĩ người khác đang nhìn mình, nhưng thực ra không phải người khác mà là bản thân chúng ta đang nhìn chính mình. Người khác ít quan tâm ta hơn ta tưởng, nên đừng lấy “mắt người đời” làm tiêu chuẩn hạnh phúc của bản thân. Trở thành người lớn, đó là phải tạo ra triết lý sống và chủ kiến vững vàng của riêng mình. Hãy khám phá cái tôi đích thực của mình, những thú vui, sở thích có thể đưa bản thân đến với những cảm xúc và trải nghiệm mới. Thú tiêu khiển tốt chính là người bạn của cuộc đời.
Dù bạn bao nhiêu tuổi hay ước mơ của bạn là gì, chỉ cần còn sống là có thể bắt tay vào một khởi đầu mới. Để cảm thấy mạnh mẽ hơn, hãy vứt bỏ chiếc đồng hồ thời gian, đừng sống quá chuyên nghiệp mà hãy “a-ma-tơ” hơn, tức là thừa nhận rằng, không cần thiết phải thành dân chuyên trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Rando Kim hiểu nỗi lòng của người trẻ trước bấp bênh cuộc đời, và biết phải nói với họ những gì để làm dịu đi vất vả của họ. Trở thành người lớn không hề dễ dàng, và những chông gai trong quá trình đó là những bài học khiến chúng ta thêm hiểu, thêm yêu cuộc đời hơn. Ông cũng đang nói với chính bạn, những người đang tranh đấu ngàn lần để trưởng thành, rằng hãy dũng cảm chiến đấu hết mình, rồi tương lai tươi đẹp sẽ là của bạn.