Thời gian gần đây bạn có vô tình lắng nghe hoặc tham gia vào một cuộc tranh luận trên mạng xã hội có tựa đề “Sau 35 tuổi, thậm chí 30 tuổi phải vác CV đi xin việc là một thất bại” không? Quan điểm này xuất phát từ một bài chia sẻ của một thạc sĩ Đại học Hawaii, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh nghiên cứu thị trường. Ngay sau bài chia sẻ đó, rất nhiều tranh cãi nảy lửa đã diễn ra. Và trong số đó có một bài viết khiến tôi rất ấn tượng mang tựa đề “Nếu được nhắn gửi mình của những năm mười tám, đôi mươi; bạn sẽ nói điều gì? Bạn biết không rất nhiều người đã thốt lên rằng “Giá mà hồi đó”, “Ước gì được quay trở lại”,... dĩ nhiên, không có ai trong số chúng ta có thể thay đổi quá khứ do đó việc sống lại tuổi thanh xuân là điều không thể. Vậy nên ở mỗi thời khắc, mỗi giai đoạn mong rằng chúng ta hãy cháy hết mình cho những mục tiêu, lý tưởng mình đang theo đuổi để nhiều năm sau nhìn lại bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mỉm cười kể về những năm tháng đầy nhiệt huyết ấy.
Bạn thân mến, hôm nay ở chuyên mục Sách tóm tắt WAKA mời các bạn cùng đến với cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn. Đây được coi là cuốn sách của sự trải nghiệm, ngọn hải đăng soi đường giữa mông lung tuổi trẻ. Nếu thực sự bạn đang vướng vào những năm tháng khó khăn, bế tắc, chưa thấy đâu là niềm tin và động lực, có lẽ đây là cuốn sách xứng đáng để bạn nên có trong giai đoạn này.
Nếu bạn muốn có một kết quả khác, hãy thử hành động khác đi!
Cuốn sách "Tuổi trẻ Đáng giá bao nhiêu?"là một hành trình trải nghiệm đầy mộng mơ nhưng cũng ngập tràn tình yêu và nhựa sống của tác giả Rosie Nguyễn. Trước khi ra đời tác phẩm này, Rosie Nguyễn từng được đông đảo bạn đọc biết tới qua cuốn sách “Ta ba lô trên đất Á” - kể về quãng thời gian khám phá thế giới dưới con mắt của một người du lịch bụi. Bằng trải nghiệm sống của chính mình, có thăng có trầm, có thành công và cũng từng có đôi phần hối tiếc, Rosie Nguyễn đã lan tỏa và sẻ chia những câu chuyện không của riêng ai qua từng trang sách. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh, suy nghĩ, sự băn khoăn của bản thân mình trong những dòng chia sẻ của Rosie về học tập, công việc, kiếm tiền. Và bạn cũng sẽ thấy như đang được thôi thúc mãnh liệt phải đứng dậy hành động ngay thôi khi đọc những câu chuyện về ước mơ và hành trình trải nghiệm của tác giả trẻ. Với triết lý sống "đừng để thanh xuân trôi qua không ý nghĩa", Rosie Nguyễn đã quyết tâm tận hưởng từng khoảnh khắc thanh xuân rực cháy. Và "Tuổi trẻ - Đáng giá bao nhiêu?" chính là cách cô tôn vinh những giá trị tuyệt vời mà tuổi trẻ mang lại, cũng như lời khuyên chân thành nhất gửi đến tất cả các bạn trẻ: hãy sống mỗi ngày một cách trọn vẹn, đam mê và không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để trải nghiệm cuộc sống tận hưởng từng khoảnh khắc tốt đẹp nhất.
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - câu chuyện của những người đã sống hết mình cho tuổi trẻ, lời khuyên cho việc làm thế nào để sử dụng tốt nhất cho quãng đời quý giá này. Học gì, làm gì, đi ra sao để cân bằng giữa trải nghiệm và công việc, để chuẩn bị hiệu quả cho cuộc sống tương lai, và có những năm tháng thanh xuân tuyệt vời và rực rỡ. Sách được kết cấu thành 5 phần. 3 phần đầu tiên là những chia sẻ về việc phát triển bản thân thông qua 3 việc: học, làm, đi. Từ đó đến với phần 4 là khai phá đam mê và sự tỏa sáng. Cuối cùng là một số nhắn nhủ, kinh nghiệm và nguồn tham khảo giúp ích trong quá trình phát triển bản thân.
Nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá.
Trong cuốn sách này bạn sẽ bắt gặp bài viết “ Nếu tôi còn 20” được Rosie Nguyễn đặt ở trang đầu tiên, đây không hẳn là sự hối tiếc chỉ đơn giản là đợi chờ sự nối tiếp, cô muốn sự bỏ lỡ của bản thân sẽ là lựa chọn đúng đắn của những bạn trẻ sau này. Mong rằng những ngày ở tuổi 20 bạn sẽ đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe, cho việc học, cho những trải nghiệm và cho bản thân sống với màu sắc của chính mình. Chương đầu của sách Rosie Nguyễn đã đề cao việc đọc sách khi chúng ta còn trẻ, hãy làm nó như một thói quen, bởi dần theo năm tháng bạn sẽ nhặt nhạnh được không biết bao nhiêu kiến thức thông qua từng con chữ. Đối với tác giả đọc sách không đơn giản chỉ là đọc mà còn tìm thấy trong sách những giá trị mà cuộc đời khó có thể cho bạn hiểu một cách rõ ràng. “Tôi luôn mường tượng rằng thiên đường cũng tựa như một thư viện vậy” (Jorge Luis Borges), bởi vậy khi bạn đọc sách cũng giống như một cách, một bước gần hơn trên những bậc thang hướng đến những điều tuyệt vời và đẹp đẽ. Hay tiếp theo là cái chán nản và mệt mỏi của chính tác giả khi bị nhồi nhét một đống kiến thức, khi không còn hứng thú với đam mê. Cô đã từng chia sẻ “Đừng dựa vào trường học” Hiểu rằng giáo dục luôn được đặt hàng đầu cho việc đánh giá năng lực của một cá nhân nào đó nhưng cách mà nhà trường giáo dục thay vì khuyến khích trẻ tự do bứt phá thì dường như đang giới hạn đi khả năng sáng tạo của một đứa trẻ. Xác định trình độ bằng điểm số thay vì những kỹ năng thông qua những trải nghiệm đã phần nào đó gây ra sự bất mãn và cảm thấy mệt mỏi với cách giáo dục của nước nhà. Đừng học vì trào lưu, hãy học vì ham thích. Theo đuổi lý trí đích thực, khám phá đam mê bản thân. Những ngày trẻ làm sao có thể tránh đi những khó khăn vất vả, những thử thách đã trở thành một phần của tuổi trẻ, để khi đã bước qua ta mới thấu “Giá trị của nghịch cảnh” sự lợi hại của khó khăn ở những năm tháng đôi mươi. Vậy nên, bạn thân mến đừng chờ mong cuộc sống dễ dàng, hãy mong bản thân có đủ sức mạnh để vượt qua hết tất cả, hoặc ít nhất mỗi lần vấp ngã bạn có thể đứng dậy vươn vai và tiếp tục bước về phía trước.
“ Học đi đôi với hành” là điều mà tác giả đề cập đến ở chương II của cuốn sách. Và người ta vẫn nói giá trị cốt lõi của việc học ngoài bồi đắp tri thức cho bản thân thì còn phải được áp dụng vào những hành trình của cuộc đời. Việc học phải khiến ta ở thế chủ động, chủ động đối đầu, chủ động xử lý mọi rắc rối. Vì vậy chúng ta phải học một thực tế, không máy móc, không đâm đầu vào học mà chưa định hướng rõ ràng. Theo bạn, thành công bắt từ đâu? Đó phải chăng là từ những đam mê cháy bỏng thuở niên thiếu. Ngày còn trẻ ta nghĩ đam mê là tất cả, ta đã có đam mê thì sẽ chẳng có thể lạc lối, ta cứ sống theo đam mê, theo khát khao của đời mình thì một ngày đó đỉnh vinh quang sẽ in dấu bước chân ta. Quả đúng là như vậy, khi các bạn trẻ sớm nhận ra thế mạnh, màu sắc riêng và ước mơ thì đã bước được 50% quãng đường. Nhưng những ước mơ không thể nuôi sống bạn. 50% còn lại chính là sự kiên trì và nỗ lực. Đam mê là sự khởi đầu, cố gắng là sự nối tiếp và cuối cùng là thành công, sự cố gắng không phải là chất xúc tác mà nó là chất đồng hành cùng đam mê, nếu không đam mê thì cố gắng cũng chỉ tốn công sức bởi đi mãi mà chẳng thấy đích đến, nếu không có sự cố gắng đam mê chỉ mãi nằm trong lời nói và suy nghĩ. Đam mê là sự giao thoa giữa sở thích và tiềm năng, không đơn giản là thích mà còn phải có thể phát triển từ sở thích của chính mình. Nếu chúng ta dành thời gian để mộng mơ cho việc mài dũa, cọ xát, học tập trau dồi, tìm cơ hội làm việc thực hành, thì đến một lúc nào đó đam mê sẽ trở thành tương lai, sẽ kiến tạo cho cuộc đời bạn những bàn thắng tuyệt vời. Nhưng đam mê cũng chỉ là một nửa câu chuyện, bạn phải chấp nhận rằng chúng ta có thể làm trái ngành, lệch hướng với đam mê chỉ vì đó là sự phù hợp, Có bao người tuổi đôi mươi được làm công việc yêu nhưng trong có bao người sẽ đồng hành cùng nó đến hết cuộc đời. Bởi vậy cần có sự lịch hoạt và không cố chấp với những thứ vốn đã đến lúc phải kết thúc.“ Em không tự cứu thì ai cứu em” Có những ngày cô đơn đến lạc lối, tuyệt vọng đến cùng cực. Ta chỉ mong có một bàn tay vươn ra và nắm lấy mình như cái cách mà mẹ vẫn ôm ta ngày ấy. Nhưng sẽ chẳng ai có thể yêu ta đủ nhiều như cha, vì vậy phải học cách trưởng thành, Tôi không nói ngoài kia sẽ chẳng có người tốt sẵn sàng vì ta mà hi sinh đủ đường nhưng trước khi gặp được họ ta phải tự “ cứu chính mình” Chỉ có ta mới có thể giúp bản thân vượt qua những ngày đau đớn, chỉ có ta mới có thể đứng dậy mỉm cười, cũng giống như việc chẳng xuống nước thì làm sao biết bơi, nếu không thử thì làm sao biết mình tài giỏi tới mức nào. Và hãy rằng điều tốt đẹp chỉ tới khi bạn chủ động tìm kiếm nó.
Ở chương III của cuốn sách Rosie đã nói thế này: “ Hãy sống một cuộc đời mà em muốn “ Khi xã hội có quá nhiều định kiến có bao giờ bạn chợt tỉnh và nhận ra “ Sao mình khác qua, đây có phải là những điều mình đã từng muốn” Dường như mỗi ngày lớp mặt nạ của ta lại dày thêm, ta cố sống để người khác vui lòng liệu có bao giờ bạn tự hỏi lòng mình có vui hay không. Là một người con gái, ta không được béo, không được mang váy ngắn, không được mang áo 2 dây, càng không được nhuộm tóc. Người ta vẫn định nghĩa rằng: Người vợ phải là hậu phương của chồng, là đứa con dâu thảo, là người mẹ hiền, nhưng họ cũng là đứa con gái bé bỏng với những khát khao, những ước mơ chưa thể. Vậy nên, nhân lúc còn trẻ hãy biến mình trở thành một phiên bản tài giỏi để được sống một cuộc đời mà bạn mong muốn. Khi bạn trở nên tỏa sáng thì chẳng còn quyền phán xét, và bạn cũng đủ mạnh mẽ để sống theo cá tính và màu sắc riêng của chính mình. Chỉ cần sống theo cách bạn muốn thôi cũng đã là một nỗ lực phi thường.
“Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác - đó là thành tựu lớn nhất trong đời “
(Ralph Waldo Emerson)
Hãy nhớ rằng “ bạn là ngôi sao đang chờ ngày tỏa sáng” bạn sẽ là nhân vật chính trong cuộc đời của chính bạn, nếu thành công chỉ đến thì chẳng có gì phải sợ bởi có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị kỹ lưỡng, để được trải nghiệm thử thành, bởi tuổi trẻ gói gọn trong 2 từ “gian nan”. Hãy cứ nuôi dưỡng bên trong, sống đúng, sống đẹp và sống yêu thương cũng là một dạng thành công. Kết thúc với “Sách cho em tuổi 20” lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, tác giả đã liệt ra một danh sách dài về những cuốn sách đã giúp cô trong quá trình tự học, rèn luyện và phát triển bản thân, hãy tìm đến Rosie Nguyễn nếu muốn có một động lực để đọc sách và hoàn thiện bản thân hơn. Nếu bạn thấy những gì mà cuốn sách đề cập còn quá xa vời khi ta chỉ mới ở độ tuổi 14, 15 thì hãy nhớ rằng thành công luôn đến với những người có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước.
Đi đường nào rồi cũng tới rạng đông
Bạn thân mến, có thể bạn đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ với đôi ba phần nuối tiếc. Hãy cứ nhìn lại, hãy cứ ôm ấp những kỷ niệm và hãy cho bản thân được quyền nói giá như để từ đó biết trân trọng hơn những gì đã diễn ra ở hiện tại, lấy điều đó là điểm tựa để phấn đấu cho tương lai. Hoặc giả như bạn đang ở những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, đang sống trong những ngày thanh xuân tuổi trẻ, hy vọng những chia sẻ của tác giả Rosie Nguyễn sẽ truyền cảm hứng cho bạn trên hành trình chinh phục những ước mơ. “Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa. Hãy bơi đi.”
Tổng kết:
Bạn thân mến, bạn vừa nghe file Tóm tắt sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” được viết bởi tác giả Rosie Nguyễn. Hẹn gặp lại bạn trong chuyên mục tóm tắt, giới thiệu các cuốn sách hay của WAKA. Để thường xuyên nhận được thông tin về các sản phẩm mới, bạn nhớ ấn SUBSCRIBER kênh và truy cập Fanpage, spotify của WAKA sách tóm tắt nhé.