Từ ngàn đời nay, cung cách ứng xử hằng ngày bao giờ cũng được ông cha ta ưu tiên răn dạy trước nhất bởi đó chính là biểu hiện đầu tiên của một con người biết đối nhân xử thế và hiểu những đạo lý căn nguyên về đạo làm người. Do đó, cho đến ngày nay chúng ta rất dễ tìm được những lời khuyên răn ấy trong kho tàng ca dao - tục ngữ nước nhà:
“Tu thân rồi mới tề gia
Lòng ngay nói thật, gian tà mặc ai”
Hay:
“Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”
Và:
“Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”
Rõ ràng, phong cách ứng xử của một cá nhân/tập thể có sức ảnh hưởng đối với việc hình thành văn hóa ứng xử chung của một quốc gia, một dân tộc. Quan trọng hơn, chính nếp sống của người dân một đất nước sẽ có sự ảnh hưởng trực tiếp đến những bạn bè quốc tế mỗi dịp ghé thăm vùng đất ấy. Đó dường như là điều kiện tiên quyết khiến du khách có muốn quay lại đất nước ấy nữa hay không.
Thật may mắn, Việt Nam ta từ xưa đến nay đều trứ danh bởi “đặc sản” chính là sự hào sảng, lòng hiếu khách. Những người dân Việt vốn quen với công việc lúa nước tự ngàn đời nên lối tư duy của chúng ta thường rất trực cảm, ta xem trọng các yếu tố thiên về tinh thần, tâm linh hơn là những yếu tố vật chất. Dù rằng đôi lúc chính những điều ấy khiến chúng ta rơi vào sự nhập nhằng hay thiếu chuẩn xác trong một số trường hợp giao tiếp nhưng tựu trung tất thảy điều ấy đã tạo thành văn hóa ứng xử của biết bao thế hệ người Việt.
Để có thể hiểu hơn về những nét đẹp trong thói quen ứng xử, giao tiếp của người Việt nam, chúng ta có thể tìm đọc quyển sách có nhan đề là Văn hóa ứng xử của người Việt cùng với tác giả Phạm Minh Thảo. Tác phẩm gồm ba phần:
Phần 1: Truyền thống ứng xử của người Việt
Phần 2: Các bình diện ứng xử của người Việt
Phần 3: Ứng xử truyền thống và hiện đại
Trong phần đầu tiên, tác giả đã đặt ra vấn đề về sự gìn giữ những nét đặc trưng trong lối sống, trong các phong tục, tập quán của dân tộc Việt khi dù trải bao biến thiên của thời cuộc (ngoại xâm, thiên tai,... ). Tác giả đã đưa ra mấu chốt khiến nhân dân ta luôn duy trì được những nét đẹp văn hóa ấy, đó là đời sống cộng đồng mà cụ thể hơn là sự kết nối, gắn bó giữa những con người trong các làng, các xã. Bởi “Xưa, làng là đơn vị cơ sở, con người ra đời trong làng ấy, lớn lên rồi chết đi cũng ở làng ấy. Có người đi đây đi đó, lập nghiệp hoặc đạt được sự giàu sang phú quý song vẫn phải gắn bó với làng. Chính làng làm nảy sinh và phát triển mọi năng lực của các thành viên công xã. Nó cung cấp cho thành viên những tri thức đầu tiên, định hướng cho các thành viên, định ra những quy tắc trong cuộc sống cộng đồng, giúp các thành viên luôn nâng cao tâm hồn và giải tỏa được tình cảm”.
Có lẽ vì vậy nên các cá nhân luôn gắn chặt với cộng đồng bản thân họ sinh ra và lớn lên như một sự nối kết từ sợi dây rốn của đứa trẻ với người mẹ trong lúc hoài thai. Ngược lại, cộng đồng đó cũng dành một tình yêu lớn lao không kém cho các cá nhân, nhất là trong cơn mất mát. Do đó, cộng đồng dân tộc thường là nơi nảy sinh các hình tượng anh hùng (Đăm Săn - dân tộc Ê đê, Đinh Núp - dân tộc Ba na,... ). Họ chính là hiện thân của những khát vọng về những giá trị đẹp đẽ và cao quý mà nhân dân trong cộng đồng ấy hướng đến. Do đó, từ những nhân vật anh hùng từng có công lao bảo vệ làng, xóm sẽ thường được nâng lên thành các thánh được người dân thờ phụng. Có một điểm rất đặc biệt, đó là mỗi làng thường thờ một thánh; tuy điều này cũng tồn tại một số mặt tiêu cực về sau nhưng tựu trung đây là một nét đặc trưng trong văn hóa làng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, thái độ mà người Việt tiếp nhận những luồng văn hóa ngoại bang cũng rất thú vị, rõ ràng. Nghĩa là khi “mở cửa” chào đón bất kỳ thứ gì từ nước khác, chúng ta vẫn luôn giữ tâm thế tiếp biến cho phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc ta. Cụ thể là trong quá trình giao lưu văn hóa, nước ta đã tiếp nhận một số luồng tư tưởng từ Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo,... Dĩ nhiên, ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng nhất định của những tôn giáo ấy đối với từng thời kỳ của nước ta. Tuy nhiên, chúng ta đã đón nhận những gì tốt đẹp, phù hợp với đất nước mình nhất và cũng có những “cải biên” rất hóm hỉnh như: một số vị Phật từ nước ngoài vào nước ta liền bị đổi giới tính (bởi Việt Nam là nước chuộng tín ngưỡng thờ Mẫu) hay dù chịu sự đô hộ nghìn năm Bắc thuộc, nước ta vẫn không hề chấp nhận tục bó chân của người Trung Hoa (Việt Nam là nước nông nghiệp nên chúng ta hiểu rõ vị thế của người phụ nữ).
Từ các nhận thức trong cộng động ấy, người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào những quan niệm phúc, đức hay “gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Có thể nói, nhân dân ta luôn có một niềm tin sâu sắc vào sự linh thiêng của Trời đất. Vì thế, họ thường rỉ tai nhau câu nói “Gần đất xa trời”, bởi Trời là đấng tối cao nên tất cả mọi điều con người làm dưới mặt đất đều bị đôi mắt của Trời trông thấy. Do đó, mọi sự thưởng, phạt đều hết sức công bằng đối với tất cả mọi người:
“Hóa nhi thăm thẳm nghìn trùng
Nhắc cân phúc tội, rút vòng cần xoay
Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay
Xem cơ báo ứng biết tay trời già
Tuần hoàn nhẽ ấy chẳng xa
Chớ đem nông nổi mà ngờ cao xanh
Trời nào phụ kẻ trung trinh
Dù vương nạn ấy, ắt giành phúc kia”
Thêm nữa, dù luôn hướng tới một đời sống tốt đẹp, vĩnh cửu (theo quan niệm “kiếp sau” trong Phật giáo) nhưng người Việt không quan niệm đời sống như một chốn để người ta sống trái với bản tính tự nhiên vốn có như việc cấm dục, kiêng mọi thú vui đích đáng của cuộc đời như một số quan niệm cũ kỹ khác. Trái lại, với bản tính phóng khoáng, hào sảng, người Việt chú trọng tới việc kiến tạo bản thân thành một người có ích cho cộng đồng và từ cái “nhân” thiện lành ấy họ sẽ có được một đời sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Cố nhiên một khi tồn tại trong tập thể ấy, cái tôi cá nhân sẽ bị gạt bỏ bởi cộng đồng đó không chấp nhận việc một người chỉ sống vì những giá trị riêng. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này trong một số tác phẩm thơ văn thời trung đại ở Việt Nam - nơi cái tôi cá nhân chìm lấp vào cái ta chung và từ đây xuất hiện khái niệm “vô thức tập thể”.
Tựu trung, lối sống của người dân ta vẫn thường chuộng cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo. Do đó, quan niệm về chữ “Nhẫn” của ta được hiểu theo cách rất linh động. Dẫn chứng cụ thể là việc áp dụng sự nhẫn trong suốt biết bao năm tháng dân tộc ta phải sống dưới ách đô hộ của giặc Tây, giặc Tàu.
Về Các bình diện ứng xử của người Việt, tác giả đã chia thành một số mặt chính yếu như sau: thứ nhất, ứng xử cá nhân; thứ hai, ứng xử gia đình; thứ ba, ứng xử cộng đồng; thứ tư, ứng xử ngoại giao.
Khi nói về cung cách ứng xử cá nhân, chúng ta có thể thấy rõ rằng dù trong bất kỳ thời đại nào một cá nhân vẫn luôn gắn chặt với cộng đồng, xã hội mà bản thân tồn tại. Từ đó dẫn đến vấn đề hết sức quan trọng, đó là việc mỗi người tu dưỡng, rèn luyện không chỉ trong tâm hồn, phẩm cách mà còn phải chăm lo cho vẻ bề ngoài. Không phải ngẫu nhiên ông bà ta có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong” mà bởi xuất phát từ quan niệm sống của người Việt, con người phải biết trau chuốt cho bản thân một thân thể sạch sẽ, một bộ quần áo tươm tất và nhất là phải đúng hoàn cảnh xuất hiện.
Song, bề ngoài không phải là yếu tố được coi trọng hơn cả vì một tâm hồn đẹp bao giờ cũng là điều mà chúng ta hướng tới. Đâu phải ngẫu nhiên mà chúng ta có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Dễ thấy, nhân dân ta luôn quý trọng những giá trị mang tính bền vững hơn là những thứ yếu chỉ có giá trị tức thời. Từ đó, đặt ra những chuẩn mực cho cả nam và nữ, chẳng hạn đàn ông phải là người có chí lớn, phải có khát khao “tề gia trị quốc, bình thiên hạ”; còn phụ nữ phải tuân theo lời giáo huấn “tam tòng, tứ đức”.
Trong việc ứng xử gia đình, người Việt rất chú trọng đến vấn đề hôn nhân của con cái. Do đó, họ hình thành một số quan niệm cố hữu như: “môn đăng hộ đối” hay “áo mặc sao qua khỏi đầu”,... Khi lập gia đình, vị thế của người đàn ông bao giờ cũng cao hơn người phụ nữ bởi trong quan niệm của người Việt xưa, người chồng chính là trụ cột, là ông vua trị vì việc lớn trong gia đình. Ngược lại, người vợ có trách nhiệm vun vén việc bếp núc và sinh con đẻ cái. Song song đó, kiểu mẫu đại gia đình cũng là một nét đặc trưng không thể bỏ qua trong văn hóa ứng xử của người Việt. Thậm chí, vào thời trước gia đình nào có người già còn được ban thưởng.
Về ứng xử cộng đồng, từ lâu chúng ta đã hết sức chú trọng đến nhu cầu kết nối, gắn bó với cộng đồng, nhất là trong phạm vi làng xã. Điều này thể hiện qua việc dạy dỗ các thành viên trong làng, xã trong lối cư xử với nhau và vấn đề tôn kính thần linh, cụ thể là Thành hoàng. “Phương châm ứng xử thế này thể hiện rất rõ nét qua phong tục, tập quán của làng. Vào ngày giỗ tổ họ, trong mâm cơm cúng bao giờ cũng có bát cháo và nắm cơm. Ý nghĩa của nó là nhằm giáo dục con cháu sống phải có nghĩa, có tình, giàu sang phải nhớ lúc hàn vi, phải cưu mang lẫn nhau dù chỉ có rau có cháo”.
Vì thế, làng xã cũng hình thành nên bộ luật của riêng mình (được gọi là Hương ước) bắt buộc mọi người phải tuân theo đó mà cư xử, hành động. Từ chỗ ấy mới có câu “phép vua thua lệ làng” bởi một khi có bộ luật riêng thì làng, xã ấy đã trở thành một cộng đồng tự trị.
Cuối cùng, trong bình diện ứng xử ngoại giao nhân dân ta luôn chú trọng, đề cao tính linh hoạt, uyển chuyển đối với các mối quan hệ đối với những quốc gia bè bạn. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cung cách ứng xử của ta đối với sự “đồng hóa”, mua chuộc của kẻ thù suốt chiều dài lịch sử. Dù trong trường hợp nào, chúng ta vẫn thể hiện tư thế hiên ngang của một quốc gia tự cường, tự lực trước quân giặc mà không hề làm kẻ thù tự ái để có cơ hội gây khích. Cụ thể là sau chiến thắng quân Nguyên đến ba lần, ta vẫn đưa vật sang cống như một kẻ “thần phục” nhằm giữ được sự bình yên cho đất nước, nhân dân. Từ đó có thể thấy, “Nhún nhường khi cần thiết để giữ hoà khí, đó cũng là một đặc điểm trong ứng xử ngoại giao của người Việt”.
Ở phần cuối cùng, tác giả chủ yếu bàn về hai khía cạnh, đó là sự hình thành các quan niệm, triết lý sống của người Việt cũng như sự giao lưu, tiếp biến các luồng văn hóa lân cận. Có thể thấy, do vị trí địa lý vô cùng “đắc địa” nên đất nước ta có được cơ hội “giao tiếp văn hóa” với nhiều quốc gia, cả về phương Đông lẫn phương Tây. Tuy nhiên, dù ta hết sức nhạy bén với cái mới nhưng cũng rất đề phòng trước những yếu tố tiêu cực, trái khuấy với dân tộc ta. Cụ thể là những quan niệm trong các thuyết nhân quả trong đạo Phật và đạo Nho, chúng ta không hề tiếp nhận một cách cứng nhắc mà “cải biến” nó thành tư tưởng hòa hợp với văn hóa ứng xử của ta từ muôn đời nay chứ không làm ngược lại.
Có thể thấy rằng những quan niệm ấy đã có tác động không hề nhỏ đến đời sống sinh hoạt, việc buôn bán, giáo dục lẫn vấn đề hình thành đô thị, giai cấp, hình thái ý thức ở nước ta.
Khi nhắc tới phạm trù ứng xử, tác giả đã chia chúng thành hai khía cạnh, đó là: tự phát và tự giác. Đầu tiên, chúng ta có thể thấy rằng nề nếp sinh hoạt của bất kì cá nhân/tập thể nào cũng đều bắt nguồn từ việc tự phát. Điều này có nghĩa là chúng ta đã và đang chịu sự tác động biện chứng giữa cá nhân và cộng đồng, tất thảy phong tục, tập quán của nhân dân ta đều đã trải qua sự lặp đi lặp lại hàng chục, hàng trăm năm và thông qua quá trình gạn lọc tự nhiên (không có chủ đích), những thói quen ấy tiếp tục được duy trì, phát triển và được bảo tồn.
Một điều tất yếu rằng chúng ta không thể là một cộng đồng tự trị vững bền nếu chỉ duy trì cách ứng xử tự phát như thế từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Chắc chắn, chúng ta phải hình thành những cơ sở có tính trụ cột như luật pháp, giáo dục,... Từ đó, một lần nữa chúng ta quay lại trách nhiệm chủ chốt của gia đình, xã hội trong vấn đề “ươm mầm” nên một con người có ích cho cộng đồng. Khi nhìn về những bước chuyển của thời đại, ta chợt nhìn nhận rõ ràng hơn về sự “nâng cấp” không ngừng trong lề lối ứng xử của người Việt.