Cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” đã ghi lại một số mẩu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác vào khoảng từ năm 1923 đến trước ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công do Người kể lại trên đường ra mặt trận Chiến dịch Biên giới năm 1950. Phần cuối của cuốn sách ghi lại một số hoạt động của Người trong những năm nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với lối kể giản dị, dễ hiểu và cách kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, tác giả đã tạo cho người đọc cảm giác như đang được tự trải nghiệm những câu chuyện của Bác. Cuốn sách cho ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng oanh liệt đầy gian khổ hy sinh, có muôn vàn khó khăn phức tạp nhưng vô cùng cao thượng. Người đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng trong sáng và đẹp đẽ, thể hiện ý chí cao cả quyết tâm cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Câu chuyện của Bác Hồ bắt đầu từ khi Bác còn hoạt động bí mật ở Pháp. Thuở đó, Bác đã tham gia Đảng Cộng sản Pháp, vừa làm việc kiếm tiền vừa hoạt động cách mạng. Chính phủ Pháp rất gắt gao với Đảng Cộng sản và những người “âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương”, vì thế chúng cử mật thám ngày đêm theo dõi Bác. Thậm chí, quan thượng thư thuộc địa đã có lần mời Bác đến gặp. Buổi nói chuyện diễn ra căng thẳng giữa hai con người thuộc hai tầng lớp khác nhau, thượng thư thuộc địa với quyền thế hoàn toàn áp đảo vừa dụ dỗ vừa đe dọa Bác, còn Bác vẫn giữ thái độ ung dung, quả quyết nói với ông ta rằng: “Cám ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”
Từ khi Cách mạng Tháng Mười thành công, mang trong mình khao khát giải phóng cho dân tộc, Bác đã mong muốn được đi Nga để tìm hiểu về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đi Nga lúc bấy giờ là một việc rất khó khăn vì nước Nga đang bị các nước đế quốc bao vây, Bác thì vẫn còn công việc hoạt động cách mạng ở Pháp. May thay, Đảng Cộng sản Pháp đã cử Bác đi dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa. Vậy là mong muốn đi Nga của Bác đã trở thành hiện thực, chuyến đi của Bác thuận lợi thành công.
Ở Nga, Bác đã được chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây, tuy khó khăn, nghèo khổ nhưng mọi người đều hăng say lao động để xây dựng đất nước. Bầu không khí ấy đã làm Bác thay đổi, Bác nói: “Từ bé đến lớn chưa bao giờ thấy mình trong tự do, khoan khoái và sung sướng như lbây giờ.” Bác mong Đại hội Quốc tế họp sớm để sau Đại hội thì được đi hoạt động. Tháng Sáu năm 1924, Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản họp ở Matxcơva. Trong Đại hội, Bác đã phát biểu ý kiến, trình bày tình hình chung của các nước thuộc địa và tình hình riêng của Đông Dương rồi đề ra yêu cầu đối với Đảng Cộng sản Pháp. Sau Đại hội của Quốc tế Cộng sản, Bác còn dự các cuộc Đại hội Quốc tế Công hội Đỏ, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Phụ nữ,... Ở đó, Bác được học hỏi và gặp gỡ những người quan trọng.
Sau đó, Bác đã bí mật đi sang Trung Quốc. Ở Quảng Châu, Bác cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh… tổ chức hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” chuẩn bị nền tảng cho việc tổ chức Đảng Cộng sản sau này. Hội đã đưa một số thanh niên trong nước đến Quảng Châu để học lớp huấn luyện chính trị và ra tờ báo Thanh niên để gửi về nước tuyên truyền. Vào đầu năm 1927, phe Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng, Đảng Cộng sản và các đoàn thể quần chúng đều phải đi vào bí mật. Hội Việt Nam Cách mạng đồng chí cũng vậy. Bác rời Quảng Châu đến Hương Cảng, Thượng Hải, vì để qua mắt mật thám, Bác phải ăn mặc thật sang và ở khách sạn rất tốn kém.
Biết là không thể ở lâu, vậy nên Bác quyết định quay lại Liên Xô, làm việc một thời gian ở Matxcova rồi trở về Pari. Tại Pháp, Đảng Cộng sản đã phái Bác đi dự Hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc” ở thủ đô nước Bỉ. Sau Hội nghị ít lâu, Bác tới Thụy Sĩ, sang Ý để dần tìm đường về nước. Ở Ý, Bác thấy đời sống nhân dân khổ cực, mật thám ở trên mọi nẻo đường. Rồi Bác đáp tàu đi sang Xiêm giúp kiều bào ta chỉnh đốn những đoàn thể yêu nước và tổ chức thêm trường học dạy trẻ em. Kiều bào nơi đây rất đoàn kết và yêu thương lẫn nhau, ai cũng nhớ thương Tổ quốc, không những thế người dân Xiêm còn đối xử rất tử tế với kiều bào Việt Nam. Ở Xiêm được một năm thì Bác nghe tin hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí chia rẽ. Vậy là Bác lại trở về Trung Quốc và mời đại biểu của ba phái tới Hương Cảng họp hội nghị. Đến ngày 3 tháng Hai năm 1930, cả ba phái đều đồng ý thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, giai cấp công nhân đã có một chính đảng tiên phong và Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc . Tin mừng về việc thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Sau đó Bác sang Xiêm và Mã Lai, trở lại Hương Cảng được ít lâu thì bị đế quốc Anh bắt giam.
Ngày 6 tháng Sáu năm 1931, Bác bị bắt ở nhà số 186, phố Tam Lung (Cửu Long). Nghe tin Bác bị bắt, thực dân Pháp ở Việt Nam vui mừng, phái mật thám sang trực chờ ở Cảng. Chúng vận động Chính phủ, tòa án và cảnh sát Anh giao Bác cho chúng và khi đã bắt được Bác rồi, chúng sẽ đưa Bác về Việt Nam ngay. Tuy nhiên, âm mưu ấy của thực dân Pháp lại không thành công. Vợ chồng luật sư Lôdơbi đã giúp đỡ Bác rất nhiều về đời sống trong tù và cãi hộ Bác trong vụ án kiện. Cuối cùng Bác đã thoát khỏi vòng lao lý, buộc Chính phủ và công tố viên phải nhận lỗi. Sau đó, nhờ bà Lôdơbi, Bác đã tới Hạ Môn trong vai một thân sĩ Trung Quốc, thoát khỏi âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp và đánh lạc hướng chúng. Thắng lợi này chủ yếu là nhờ sự hết lòng giúp đỡ của ông bà Lôdơbi.
Tức tối vì không bắt được Bác và giận dữ với người Anh, các báo thực dân Pháp đã bịa đặt rằng: Bác mắc bệnh trong nhà lao Anh và đã chết rồi. Các báo Anh liền phản bác rằng: “Các anh là những người hèn hạ, ngậm máu phun người. Các anh run sợ trước một người cách mạng Việt Nam nhưng không làm gì được. Người cách mạng đó đã được tòa án Anh tha rồi và đã xa chạy cao bay. Vì các anh muốn bôi nhọ công lý và danh dự của người Anh, mà bịa đặt rằng người cách mạng đó chết là vì bị người Anh giam giữ. Sự thật là người Việt Nam ấy vẫn còn sống. Mà sự hy vọng vô lý của các người thì chết rồi.”
Nói về đời sống ngục tù của Bác thì chỉ có một từ để diễn tả, đó là "khổ sở". Bác bị giảm trong ngục Victoria ở Hương Cảng, buồng giam chật chội, khép kín. Bác hình dung cái nhà giam ấy như một cái giếng cao ngất nghểu, kín mít, âm u vậy. Cơm ngày hai bữa gồm gạo xay với thóc, thực đơn chỉ vẻn vẹn ba món là rau muống, mắm thối và cá ươn thay đổi luân phiên. Ở trong tù sống cuộc sống khổ cực như vậy nhưng điều duy nhất Bác quan tâm là công việc của Đảng. Bác lo rằng sẽ không có người hướng dẫn cho đảng viên, chiến sĩ mới, Đảng Cộng sản vừa mới ra đời vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lãnh đạo quần chúng,... Vậy nên Bác cố gắng giữ cho đầu óc của mình tỉnh táo và suy nghĩ lạc quan bằng cách vạch kế hoạch, tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng.
Sau khi ở Hạ Môn được ít lâu, Bác đi tàu thủy tới Thượng Hải. Ở Thượng Hải, Bác bắt được liên lạc với đồng chí Vayăng Cutuyrie, nhờ đó biết được một số tin tức về tình hình trong nước. Sau phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp cực kỳ hoảng sợ và thẳng tay khủng bố hết sức dã man. Nhiều làng mạc bị san phẳng, nhiều đồng chí bị hy sinh, nhiều tổ chức bị giải tán… Tháng Ba năm 1931, trong lúc Trung ương Đảng bí mật họp hội nghị ở Sài Gòn, Ngô Đức Trì bị bắt và phản bội. Vì hắn khai mà đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác bị bắt. Sau sáu tháng bị tra tấn dã man, tháng Chín năm ấy đồng chí Trần Phú đã chết trong nhà tù. Biết được những tin tức ấy, Bác vừa mừng lại vừa thương xót. Bác mừng là bởi qua lần này, uy tín của Đảng trong quần chúng đã tăng cao hơn, Đảng ta đã đủ trưởng thành để lãnh đạo phong trào yêu nước và đang khôi phục lực lượng. Đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa đang đi lên. Thương xót là vì trong thời gian này đã có rất nhiều người con ưu tú của Đảng đã hi sinh, trong đó có đồng chí Trần Phú - tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Tháng Bảy năm 1935, Quốc tế Cộng sản họp Đại hội lần thứ bảy. Đảng ta có đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức đến dự, Bác dự Đại hội với danh nghĩa đại biểu tư vấn. Đại hội phân tích sâu sắc tình hình thế giới lúc bấy giờ: Bọn phát xít ngày càng điên cuồng. Nguy cơ chiến tranh cận kề. Để lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh thắng lợi, nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải lập một mặt trận thống nhất nhân dân thật rộng rãi, bao gồm các đảng phái, các đoàn thể, các phần tử có xu hướng yêu hoà bình, chống chiến tranh, chống phát xít. Đồng thời, Đại hội kêu gọi nhân dân các nước ra sức giúp đỡ những dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập tự do.
Năm 1935, Bác trở lại Liên Xô, lúc này tình hình đã khác hẳn. Đời sống về mọi mặt đã tiến bộ hơn rất nhiều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsơvích, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành vượt mức, kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã bắt đầu. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã trở nên một nước hùng mạnh có công nghiệp tiên tiến và nông nghiệp tập thể.
Mùa Đông năm 1938, Bác trở lại Trung Quốc sau 13 năm. Lần trước Bác tới Quảng Đông trong thời điểm nhân dân Trung Quốc đang đánh quân phiệt Nhật còn bây giờ Bác đi Thiểm Bắc khi phát xít Nhật đang hoành hành muôn nơi. Tuy vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây đã rất mạnh và có nhiều kinh nghiệm, nhân dân Trung Quốc cũng hướng về Đảng, nghe theo sự lãnh đạo của Đảng. Ở đây tuy đời sống còn khó khăn và thiếu thốn nhưng mọi người đều hăng hái làm việc, lao động.
Lửa chiến tranh đã lan ra toàn thế giới, các nước đế quốc ráo riết chạy đua vũ trang, phát xít thì hung hăng xâm lược khắp nơi, trong tình thế đó, các nước thuộc địa như Việt Nam ta chịu nhiều thiệt thòi nhất. Từ năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế và lên nắm chính quyền. Do đó, ở Việt Nam ta xiềng xích thực dân cũng được nới lỏng đôi chút. Một số đồng chí bị tù đày đã được thả về và tiếp tục hoạt động. Cơ sở Đảng được dần dần khôi phục. Phong trào quần chúng dần dần lên cao. Cuối năm 1939, vì tình hình chiến tranh, lại vì Đảng xã hội Pháp ươn hèn, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp thất bại và bọn phản động lên cầm quyền. Thực dân Pháp ở Việt Nam lại tung hoành như cũ, một chút tự do mà nhân dân ta đã giành được trong mấy năm qua đều bị chúng xoá sạch. Thực dân Pháp lại đàn áp, bóc lột nhân dân ta như trước, thậm chí còn tàn nhẫn hơn. Đảng ta từ hoạt động nửa bí mật nửa công khai phải đi vào hoạt động bí mật.
Tháng Sáu năm 1940, Pháp đầu hàng Đức, tiếp đến thực dân Pháp ở Đông Dương cũng đầu hàng Nhật. Giặc Nhật kéo vào Việt Nam, từ đó đồng bào ta bị một cổ hai tròng! Con giun xéo lắm cũng quằn, đồng bào ta liên tiếp khởi nghĩa ở Bắc Sơn (tháng Chín năm 1940), ở Nam Kỳ (tháng Mười Một năm 1940) và ở Đô Lương, Nghệ An. Những tin tức sôi nổi ấy làm cho Bác càng nóng ruột. Vì không chắp được liên lạc ở biên giới Quảng Tây nên các đồng chí Trung Quốc giúp cho Bác đi Vân Nam. May mắn thay đến Côn Minh thì gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan và mấy đồng chí nữa.
Trên đường đi Bác gặp một nhóm thanh niên đang tìm người lãnh đạo Cách mạng. Bác đã giải thích cho họ rõ bước đường cách mạng hiện nay, bàn với họ mở Ban huấn luyện, v.v.. Anh em thanh niên rất hoan nghênh. Tối hôm đó, họ rời khỏi Tĩnh Tây. Đồng chí Lê Quảng Ba dẫn Bác và nhóm thanh niên đi cả đêm đến một làng Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, mượn nhà người quen rồi mở Ban huấn luyện do Bác phụ trách. Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu mọi người dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến Bác và các thanh niên theo học. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”.
Vào khoảng tháng Hai năm 1941, Tết âm lịch đến thì cũng là lúc khóa huấn luyện kết thúc. Tối mồng một Tết, được tin chuyên viên Quốc dân đảng sắp đến kiểm tra vùng này. Bác sợ bị lộ nên sáng mồng hai, Bác cùng tất cả anh em thanh niên thu dọn đồ đạc rời đi mặc dù bà con trong làng khẩn khoản mời ở lại ăn Tết đến ngày hạ nêu. Hôm đó, sương mù dày đặc, ngồi giáp mặt cũng không thấy rõ nhau. Mọi người cho rằng khí hậu như thế là tốt, dễ giữ bí mật. Đi cách làng một thôi quá xa, ai cũng mỏi chân và đói bụng. Bác bảo: “Nơi đây kín đáo, chúng ta ngồi nghỉ một chốc...”. Thế nhưng nghỉ chưa đầy hai phút thì trời sáng, sương tan, hoá ra cả nhóm đang ngồi nghỉ giữa cánh đồng ruộng. Sợ bị lộ, mọi người lại vội vàng lên đường, rảo bước hướng về phía Tổ quốc.
Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về Pác Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm, hôm nay Bác mới được về Tổ quốc non sông gấm vóc. Khi bước qua bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, hang Pác Bó trở nên “đại bản doanh” của quân ta ta. Hội nghị lần thứ tám của Trung ương cũng được tổ chức tại đây. Đồng thời đây cũng là nơi tổ chức những ban huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ, mở lớp dạy chiến thuật du kích, phát triển tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng, đặt kế hoạch vũ trang chống Pháp, chống Nhật, v.v..
Sau đó, Bác lại kể chuyện về cuộc kháng chiến của Trung Quốc và Chiến tranh thế giới thứ II. Phát xít Nhật và Đức vô cùng hiếu chiến, đặc biệt là phát xít Đức. Phát xít Đức đã tự cho rằng mình nắm chắc phần thắng, đánh thẳng vào Liên Xô. Bác và Đảng thì vẫn tin rằng Liên Xô sẽ đánh bại Đức. Đến năm 1941, Bác bị Quốc dân đảng bắt vào tù, ở trong tù, điều Bác quan tâm nhất là tình hình chiến sự ở Liên Xô. Tháng Hai năm 1943, Bác xem thấy tin: Sau hơn sáu tháng chiến đấu vô cùng anh dũng, Hồng quân đã đại thắng ở Stalingờrát, bắt sống 33 vạn quân Hítle... Bác mừng nhảy lên, suýt đụng đầu vào kèo phòng giam. Bác tự bảo nhất định phải ăn mừng cuộc thắng lợi này. Trong túi chỉ còn vẻn vẹn 1 đồng bạc, Bác đưa tuốt cả số tiền đó nhờ người lính gác mua dùm cho ít kẹo và “dàu chá quẩy” (mua 1 đồng chỉ được 5 hào, đó là quy chế của nhà giam) để làm một bữa tiệc. Sau khi phấn khởi hô khe khẽ mấy khẩu hiệu: Đảng Bônsơvích muôn năm! Hồng quân muôn năm! Liên Xô thắng lợi muôn năm! Bác ngồi xuống nhâm nhi một mình rất đàng hoàng vui vẻ. Từ đó về sau, mỗi tin tức Liên Xô thắng lợi là một món quà tinh thần từ phương xa đến để an ủi Bác. Và đúng như Bác dự đoán, Liên Xô đã chiến thắng quân phát xít Đức và Nhật, góp một phần vào kháng chiến chống đế quốc của nhân dân các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng.
Qua những câu chuyện Bác kể, ta lại càng vững tin hơn về tương lai tươi sáng của cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn đang tiếp diễn. Bởi lẽ chỉ cần quân dân đồng lòng chung sức, tin tưởng vào trường kỳ kháng chiến thì quân địch có mạnh tới đâu cũng phải chịu thua.