Tôi đứng trước gương trong phòng ngủ, cổ áo để mở, nhìn chằm chằm vào vết sẹo trên ngực. Đó là vết sẹo dài, đỏ tím, như thể ai đó đã cố cưa tôi ra làm đôi. Tôi sờ sờ vết sẹo và nhớ lúc chạm vào vết sẹo trên bụng vợ sau khi nàng sinh Rufus. Thế giới đã khắc lên tôi cũng như khắc lên nàng dấu vết kết thúc một sự sống và khởi tạo một mầm sống. Tôi cài nút áo, đúng lúc Lara xuất hiện ở cửa.
- Taxi đến rồi hả em?
- Mình không đi taxi. - Nàng cười bí hiểm.
Hai chiếc xe đạp dựa vào tường chờ sẵn trước sảnh. Chiếc xe đạp đường trường màu hồng của Ruby phủ đầy lớp bùn, trong khi chiếc xe màu đen của Rufus vẫn sáng bóng như mới mua về dù đã dùng được ba năm. Đôi khi, bạn tặng quà cho bọn trẻ và chưa kịp mở ra thì chúng đã lớn từ bao giờ.
Tôi nhìn hai chiếc xe đạp rồi nhìn vợ.
- Em không đùa đấy chứ?
Nàng níu nhẹ cánh tay tôi, nháy mắt.
- Tốt cho anh mà. Đến lúc rồi. Hiểu ý em chứ, chàng trai to xác?
- Chỉ vì anh có thể… không có nghĩa là anh có thể...
- Anh lấy chiếc màu hồng nhé. Dễ đi hơn.
- Anh không biết.
Nhìn Lara dắt chiếc xe đạp cao màu đen ra khỏi cửa, tôi lắc đầu, thất thểu dắt chiếc màu hồng theo sau. Nàng đội mũ bảo hiểm cho tôi.
- Anh sẽ thấy dễ chịu ngay thôi mà.
Hôm ấy là một ngày nắng đẹp, cả thành phố ngập trong ánh mặt trời. Chúng tôi nối đuôi nhau ra đồi Primrose, băng qua những ngôi nhà lớn ở St. John’s Wood. Không, Lara đạp xe, còn tôi loạng choạng theo sau. Chốc chốc, nàng lại ngoái đầu xem tôi thế nào. Nhưng tôi đang run lẩy bẩy. Tôi sợ. Sợ chết. Sợ phải nói lời giã biệt. Sợ ngã nhào.
Khi chúng tôi đến cổng công viên Regent, tôi xuống dắt xe. Lara cũng xuống dắt bộ cạnh tôi. Hẳn nàng nghe thấy tôi thở - tiếng thở gấp gáp, mệt nhọc do phải cố trấn tĩnh hơn là vận động quá sức. Tôi cố kiểm soát từng hơi thở. Và tôi gần như nhảy dựng lên khi nàng chạm vào cánh tay tôi.
- Anh George?
- Gì hả?
Nàng ngước nhìn mỉm cười.
- Đẹp quá, phải không anh? Công viên. Mấy ngôi nhà kia nữa.
Nàng chỉ công trình kiến trúc của Nash bao quanh công viên Regent tựa như một dãy núi trên thiên đường. Tôi lầm bầm, ý muốn bảo ờ thì đẹp thật, nhưng lúc này anh đang nghĩ đến chuyện khác.
- Sao em bảo Rufus phá hỏng bao thuốc lá của anh? - Tôi hỏi.
- Vì em yêu anh. Hay chúng ta dừng lại mua cho anh vài gói? Rồi để anh tiếp tục tự giết mình?
- Không, em đúng. - Tôi nói và rầu rĩ đẩy chiếc xe đạp của cô con gái bé nhỏ.
- Sẽ không có chuyện gì xấu đâu. - Chúng tôi dừng lại. Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nói tiếp. - Vì em sẽ không để điều đó xảy ra. Em hứa đấy.
Bỗng nhiên, trạng thái cân bằng, hay sự tự tin, hay cả hai dường như chợt quay về. Tôi ngồi lên yên chiếc xe màu hồng bé nhỏ, nhưng bị trượt ngay tức thì. Xe ngả nghiêng. Tôi dang một chân ra để khỏi ngã theo, gót ấn mạnh xuống bàn đạp. "Anh không thể…".
Nàng nâng mặt tôi lên, không nói một lời, đôi mắt rực sáng. Tôi hít một hơi, nén cơn đau, trèo lên con ngựa hoang đang chực phóng đi. Tôi bắt đầu đạp, còn nàng một tay giữ tay lái, tay kia giữ yên.
Lúc đầu, chiếc xe không ngừng chao đảo và tôi có thể nói rằng Lara phải cố lắm mới giữ được tôi khỏi ngã, nhưng sau đó mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn, và tôi có thể cảm thấy rằng chút phép màu của thăng bằng đã tới, và vì tôi cảm thấy an toàn – Lara đã làm cho tôi thấy an toàn – và nó giống như khi tôi đang chơi với các con trong chính công viên này vào ngày chúng tháo hai bánh thăng bằng sau xe ra. Chúng tôi không đi nhanh. Đúng ra thì không đi nhanh hơn một con sên ốm yếu. Rồi đột nhiên, tôi thấy nàng chạy tung tăng bên cạnh trong khi tôi vẫn tiếp tục đạp xe.
- Em bắt kịp anh rồi! - Nàng nói, cùng lúc đó chân tôi ấn xuống thật mạnh, hồ hởi chạy vượt qua Lara với sự uyển chuyển, dễ dàng, linh động mà tôi nghĩ mình đã mượn từ ai đó.
Tôi cười phá lên, tiếng cười sảng khoái đầu tiên sau chuỗi ngày dài. Tôi chạy băng băng, gió thốc vào mặt khi tôi rẽ khỏi công viên, lao lên bãi cỏ ra phố Albany, rồi phanh két ngay trước một chiếc xe hơi toàn lũ nhóc, cửa kéo xuống, tiếng nhạc vọng ra chát chúa. Chiếc xe lách qua tránh và tôi thoáng thấy những khuôn mặt giận dữ qua ô cửa để mở. Một đứa trong bọn ném ly cà phê giấy vào đầu tôi. Hụt rồi. Tôi cười khoái chí.
- Ta thích điệu nhạc đó! - Tôi hét lên với chúng rồi buông tay lái, hai tay thõng xuống hai bên, vui như thằng nhóc bán báo mười hai tuổi vào cuối ngày thứ Bảy. Rồi tôi nghe tiếng hét bảo cẩn thận khi tôi vượt đèn đỏ để băng qua đại lộ Marylebone không một bóng người, tiến vào West End. Tôi giật cùi chỏ ra sau, nâng bốc đầu chiếc xe đạp lên. Một tiếng nói gắng sức cất lên đằng sau.
- Em bắt kịp anh rồi.
- Ừm… Tôi thích Cyclosporine với Prednisolone, nhưng tôi sẽ thử dùng Azathioprine xem sao. - Bác sĩ chuyên khoa tim Carver, vừa nghiên cứu bệnh án của tôi, vừa nói như thể đang xem danh mục các loại rượu và ông đắn đo không biết gọi loại gì để dùng với món vịt.
Từ ghế chờ trước chiếc bàn làm việc to tướng, trống không của vị bác sĩ tim, Lara lên tiếng:
- Lại thuốc nữa. Cứ thêm thuốc mãi. Loại đó có tác dụng phụ không, thưa bác sĩ? - Vợ tôi không sợ đối đầu với ông ta, thậm chí còn ném trả cái nhìn lạnh lùng khi ông đảo mắt nhìn nàng qua cặp kính đọc sách hình bán nguyệt.
- Thật sự thì… - ông ta đứng dậy và nói, - phản ứng phụ của tất cả những loại thuốc này, hay gọi chính xác là các món phụ trong thực đơn ức chế miễn dịch, là để duy trì mạng sống cho chồng cô.
Tôi đứng dậy, cởi áo, để mặc suy nghĩ trôi vẩn vơ. Trôi xuống phố Harley ngập tiếng gầm gừ của những chiếc taxi đen. Trôi ngược lên hướng bắc đến công viên Regent trải dài một màu xanh bất tận. Tôi nín thở khi những ngón tay lạnh cóng, thuôn dài chạm vào ngực.
- Anh có một trái tim ra trò đấy nhé. - Ông ta vừa nói, vừa nhìn săm soi vào vết thương. - Mạnh mẽ. Khỏe khoắn. Trái tim của một chàng trai trẻ.
- Tôi muốn cảm ơn họ, ý tôi là gia đình người đã hiến tim cho tôi. Tôi đã đọc nhiều câu chuyện trên Internet. Người ta viết lời cảm tạ cho gia đình ân nhân của họ. Có những trường hợp họ viết cả đời. Và thậm chí còn gặp mặt.
- Thật sự, điều đó rất ý nghĩa. Trao tặng và đón nhận món quà cuộc sống. – Mấy ngón tay xương xẩu của ông phủi những hạt bụi vốn không tồn tại trên chiếc bàn trống. - Nhưng gia đình ân nhân của anh đã yêu cầu được giấu tên. Điều đó cũng từng xảy ra rồi. Vậy nên anh chỉ việc nhận món quà mình được tặng thôi.
- Tôi muốn cảm ơn.
- Tất nhiên rồi. - Ông ta nói. - Lẽ tự nhiên thôi. Nhưng mà gia đình người hiến tặng có quyền giấu tên. Tôi chỉ có thể nói ân nhân của anh là một cậu bé mười chín tuổi đã chết trong một bệnh viện ở London. Cậu ấy đã đăng ký vào danh sách những người hiến tạng và tôi có thể cho anh biết rằng cậu ấy cũng hiến tặng phổi, lá lách, ruột non, máu, tế bào và tủy xương.
Tôi tự hỏi làm sao một thanh niên có trái tim căng tràn sức sống lại đột tử?
Và bằng cách nào đó tôi biết, là tai nạn.
- Nhiều lúc tôi thấy lạ lắm.
- Giống một người khác. - Carver mỉm cười. Tôi gật.
- Cứ như thể… tôi không biết nói sao… cứ như thể tôi đang sống một cuộc đời khác vậy.
- Thay đổi là tự nhiên thôi. Đoán trước được mà. Nhiều bệnh nhân thay đổi tâm lý do tác dụng phụ của steroid(7) liều cao sau phẫu thuật. Ai cũng thay đổi. Một bệnh nhân béo phì giờ là vận động viên chạy đường dài. Một người từng nghiện thuốc lá giờ leo núi Everest. - Ông ta ném về tôi nụ cười phố Harley(8). Bình tĩnh, vỗ về, thông thái; 450 bảng một giờ. - Việc cận kề cái chết khiến con người ta thay đổi.
- Còn hơn vậy nữa. Một phụ nữ mắc chứng sợ độ cao sau khi được cấy ghép bắt đầu leo núi. Một cô bé gặp những cơn ác mộng sau khi được ghép tim của một cậu bé bị sát hại. Một phụ nữ vốn mê những tạp chí lá cải về các ngôi sao thì sau đó lại thích những tiểu thuyết của Dostoevsky và Jane Austen. Và…
Ông giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại.
- Anh đang nói về hiện tượng ký ức tế bào. - Giọng Carver ngọt như đường phèn pha thêm chút điềm tĩnh chuyên nghiệp. - Người nhận các bộ phận cấy ghép thừa hưởng một số đặc tính của người hiến.
- Internet đầy những tin này.
- Internet cũng đầy những tin người ta bị người ngoài hành tinh bắt đi. Cộng đồng y khoa và khoa học chỉ phát hiện ra một trường hợp thay đổi không thể lý giải được về cô bé người Úc mười lăm tuổi được ghép gan.
- Cô bé ấy làm sao? - Lara hỏi.
Carver nhìn vợ tôi rồi ngả lưng ra sau nhìn chỗ khác nói:
- Đổi nhóm máu.
Cả ba lặng thinh. Vị bác sĩ tim cười xòa tiếp lời:
- Nghe này, một số vẫn là bệnh nhân cấy ghép suốt đời. Họ không bao giờ chấp nhận món quà được tặng. Còn một số hướng về phía trước. Họ biết mình lại được sống, một cuộc sống mới. Tôi đặc biệt khuyên anh hãy tin vào ơn phước của mình và cố gắng hồi phục sức khỏe. Trái tim đó bây giờ là của anh. - Đôi tay ông như hai con nhện trắng khổng lồ nằm trên chiếc bàn trống. - Anh đã nhận được thứ mà bao người mơ ước hàng thế kỷ qua, đó là cơ hội sống một lần nữa.
Tôi thấy rằng ông ghen tị với tôi. Ông bị tôi mê hoặc. Ông cũng muốn biết cảm giác khi có cơ hội sống lần thứ hai. Nhưng tôi thật sự chẳng để tâm đến lời ông nói. Tâm trí tôi đang ở ngoài kia, lang thang giữa một ngày nắng đẹp.
Và khi tôi thực sự trở lại với nó, với chiếc xe đạp của mình, tôi chạy như thể cả buổi sáng huy hoàng này là của tôi, chạy với nắng gió chan hòa trên mặt, chạy như một kẻ điên biết chắc rằng mình không bao giờ chết.
Chúa đã ném vào đống lửa của tôi thêm một que củi. Và chạy càng nhanh, tôi cảm thấy ngọn lửa ấy càng cháy bùng lên.
Tôi nghĩ chắc là hộp đêm. Không rõ lắm. Bàn ghế, ánh sáng nhờ nhờ và những cô phục vụ thức uống. Có lẽ là sàn nhảy. Nhưng đây chỉ là một quán rượu ở khu phố Đông, mọi thứ đều nhuốm một màu nâu úa từ chất nicotin xưa cũ, đầy vết rượu bia, một sân khấu nhỏ có cây cột của lính cứu hỏa đặt chính giữa dành cho màn múa cột tối thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần, chứ không phải để diễn tấu hài.
Đó là một đêm nhạc sống, quán chật cứng người. Tôi lấy làm lạ. Đâu có ngôi sao. Tôi có thể nói chưa một ai ở đây từng lên ti-vi, dù bây giờ bất cứ thằng ngốc nào cũng có thể lên được.
Quán đầy thanh niên, cả nam lẫn nữ, bia cầm trong tay, cười ngả ngớn và ngà ngà say. Chúng háo hức ngước nhìn lên sân khấu và nghi lễ hiến tế trên ấy.
Gã dẫn chương trình có đôi mắt láo liên đứng ngay rìa sân khấu. Gã có nước da ngăm đen, mang đậm nét Trung Đông, mặc áo thun trắng in dòng chữ Đừng có khích - Tôi đạo Sikh(9) đằng trước và Đừng lo đứng lo ngồi - Tôi không phải đạo Hồi sau lưng. Khi đám đông bắt đầu hò la điên cuồng, gã chuyền micro cho người khác.
Một thằng nhóc béo núc ních mặc bộ vest ánh kim, bóng loáng ra thế chỗ. Nó nhoẻn miệng cười rồi cố nhại giọng Geordie đọc rap, mồ hôi nhễ nhại:
- Luân Đôn chết tiệt. Ta ghét mi kịch liệt. Thô lỗ chết được. Gọi 999, tổng đài nói ‘phiền quá đi, xì’.
Ai đó quăng khúc bánh mì kẹp thịt vào mặt nó.
Gã dẫn chương trình tắt micro. Thằng nhóc lui vào trong vẻ tủi nhục, nhưng vẫn ngoác miệng cười, vài lát khoai tây và rau diếp treo toòng teng trên ve áo làm từ da cá mập.
Thế rồi tim tôi như ngừng đập bởi Rufus đã bước lên trên sân khấu với nụ cười lạnh băng mà tôi từng thấy trên khuôn mặt nó từ rất lâu rồi - vào ngày đầu tiên đến trường và khi nó là đứa cuối cùng đến dự bữa tiệc sinh nhật đứa bạn, khi nó cố nén để không bật khóc. Nụ cười ẩn chứa nỗi khiếp sợ.
Tôi vỗ tay, tiếng độp độp lạc lõng. Vài lời chế nhạo râm ran - thế gian này có quá nhiều điều châm biếm - chúng ở đâu ra vậy chứ? Và đôi ba tiếng hú miễn cưỡng. Cạnh tôi, mẹ thằng bé bồn chồn, căng thẳng. Tôi siết chặt tay nàng.
Rufus oang oang:
- Ngày nay, mọi thứ đều trở nên thuận tiện, mọi thứ đều trở nên dễ dàng.
Giọng nó quá lớn và micro đặt quá gần. Một tràng hú hồi đáp vang lên trong quán rượu nhỏ màu nâu. Tiếng ai đó cười hô hố, cho dù không phải vì Rufus, cũng không có vẻ mỉa mai, nhưng vẫn chính là nó - cố tình hạ nhục và hạ thấp mọi thứ, đầy ác ý, làm cho người ta không thể ngoi đầu lên được. Có lẽ con trai tôi đang nấp sau nụ cười và nghĩ như vậy là đủ để nó chống chọi với cái thế giới tàn nhẫn này.
- Quay số nhanh là gì vậy nhỉ? - Rufus nói. - Chúng ta đâu có thời gian gọi điện thoại chứ.
- Ah, xuống đi! - Ai đó gào lên trong cơn giận dữ phi lý, và đột nhiên những tiếng hò reo đồng tình vang lên khắp quán rượu.
- Chán chết! - Kẻ khác gắt gỏng.
Một cảm giác thật kinh khủng về cái đám đông tệ hại này. Khán giả cứ tưởng mình là ban giám khảo xét duyệt buổi hát thử giọng. Tôi chỉ muốn giết hết bọn chúng.
Nhưng Rufus vẫn tươi cười như vui lắm và tiếp tục huyên thuyên. Lòng tôi chợt dâng trào tình yêu thương khi cơn mưa bia phun qua hai chân nó.
Những lời chế nhạo to hơn. Xung quanh, những khuôn mặt trắng bệch nghếch lên như thể ngửi thấy mùi tanh tưởi, như thể vừa đánh hơi thấy con mồi.
- Tôi có… tôi có hai số đường dây nóng, của Hội Bác Ái dành cho những người muốn tự tử và của cửa hàng pizza Dominos… - Rufus lắp bắp. - Không biết bao nhiêu lần tôi gọi vào đường dây nóng cho người muốn tự tử, thổ lộ rằng tôi tính treo cổ(10) chỉ để nghe cô gái Ba Lan nào đó nói ‘Anh có muốn thức uống hay món tráng miệng gì đi kèm không?’.
Tôi cười, quay sang nhìn Lara, nhưng mặt nàng không biểu lộ cảm xúc, mắt không rời thằng bé.
Rufus vẫn không dám dừng lại vì sợ bị sỉ nhục.
- Không biết bao nhiêu lần tôi gọi cho đường dây nóng cho người muốn tự tử và nói: ‘Tôi thất vọng lắm đấy, anh đã quên món gà của tôi’.
Rồi một cơn sóng thần bia đổ ập lên sân khấu và lên con trai tôi. Giọng Rufus trong micro đột nhiên im bặt. Nhìn thằng bé đứng đó vẫn nở nụ cười làm-ơn-thích-tôi-đi-thế-giới-độc-ác. Cổ họng tôi nghẹn đắng. Gã đàn ông thô kệch đứng cạnh tôi cười như điên dại, tay cầm một chai bia rỗng, vừa lúc tôi xoay qua hắn thì Lara kéo tay tôi lại.
- Đi thôi. - Nàng giục khi Rufus lủi vào trong.
Chúng tôi chen qua đám đông vào sau cánh gà, mặc dù từ đó hơi quá sang so với những gì nấp sau tấm màn tồi tàn bên hông sân khấu. Một hành lang hẹp ngổn ngang những thùng bia bàng bạc, méo mó, và một nhóm cô cậu thanh niên đứng chen chúc tự trấn an, hồi hộp tập dợt lại chuỗi ngày bi đát.
Rufus đang ở trong căn phòng bé tẹo. Trên tường đầy hình vẽ kiểu Graffiti, thiếu cửa sổ, thiếu cả không khí. Mùi mồ hôi và cảm giác sợ hãi gần như làm tôi nghẹt thở. Nó ngước nhìn khi chúng tôi bước vào. Tóc nó ướt sũng, bết lại. Lara vuốt bia trên tóc con, thốt lên:
- Trời ạ, nhìn con nè!
Khi tôi ôm thằng bé, nó không đẩy ra.
- Bố rất tự hào về con. - Tôi thì thào.
- Cảm ơn bố.
Tôi muốn chúng tôi cùng về nhà. Tôi muốn chúng tôi cùng đi uống bia – có thể Rufus sẽ uống một chai nước suối. Tôi chỉ muốn hai bố con bên nhau, ở đâu cũng được. Nhưng một cô gái mảnh mai mặc quần jeans loang lổ cứ thập thò ngoài cửa nhìn Rufus, tôi hiểu thằng bé đã có kế hoạch khác.
Nó không giới thiệu chúng tôi với cô gái, nhưng cảm ơn vì bố mẹ đã đến, và tôi biết sự hiện diện của chúng tôi thật sự mang một ý nghĩa nào đó. Tôi ôm nó chặt đến nỗi nó kêu toáng lên. Cả hai chúng tôi bật cười và nó ngại ngùng vỗ vỗ vào lưng tôi.
Chúng tôi để nó lại và ra về. Tôi và Lara không nói câu nào đến lúc ngồi vào xe. Nàng kiểm tra xem khóa trung tâm đã mở chưa.
- Em không biết mình có nên khích lệ con hay không nữa. – Lara nói.
Tôi thở dài, tiếng thở dài bất thường, hàm ý rằng nàng luôn luôn phá hỏng niềm vui của tôi.
- Thôi nào em. Lúc bằng tuổi nó, em đã hóa trang thành một con mèo và nhảy múa trên sân khấu rồi.
- Nhưng em đã thành thục. Trước khi mặc bộ phục trang mèo đó, em đã nhảy trong nhiều năm. Luyện tập và học hỏi không ngừng. Mẹ và bà dẫn em đến lớp tập và diễn. Ba-lê, tap, jazz. Mỗi vũ điệu phải mất nhiều năm. Hai mươi năm ròng chỉ để tập động tác xoạc chân. - Giờ đến phiên nàng thở dài.
- Em không định chọn khiêu vũ làm… Em không biết nữa. Đưa em ra khỏi đây đi.
Tôi rầu rĩ nhìn những dãy phố tối mịt. Tháp Canary Wharf trước mặt mờ ảo hiện ra trên bầu trời đêm. Tôi muốn nàng hiểu. Tôi cần nàng hiểu.
- Thằng bé đang ở cái tuổi hoài bão nhiều điều vĩ đại, mơ mộng và khát khao. Một cách cảm nhận thú vị, Lara à. - Tôi nhìn nàng mỉm cười, mong nàng đứng về phía mình. - Một cách nhìn cuộc sống tuyệt vời đó chứ. Để tin tưởng, để biết rằng thế giới này, cuộc sống này là của em.
Nàng cười tôi.
- Nhưng không thực tế chút nào. Anh không thể sở hữu cả thế giới được. Mà thế giới cũng không như thế, phải vậy không?
- Ừ, thế giới không như vậy thật. - Tôi cay đắng thừa nhận. - Nhưng thằng bé sẽ sớm nhận ra điều đó thôi, em ạ. Em sẽ không ấm ức lâu đâu. Khi em hai mươi, em nghĩ mình có thể làm mọi thứ, nhưng em biết rằng em phải chờ một thời gian nữa. Rồi khi em ba mươi, em dần nhận ra rằng thế giới vẫn vận hành khá ổn dù không có em. Và thời điểm đó, em có thể đã vướng vào cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân, nợ nần và những đứa trẻ.
- Ừ, xin lỗi vì điều đó, anh George. Xin lỗi vì đã làm vướng chân anh.
Tôi lắc đầu.
- Anh không nói về mình.
- Nghe giống như vậy mà.
- Ý anh là có một thời điểm em biết mình sẽ không bao giờ trở thành người mà em hằng mong muốn… rồi em đi kiểm tra sức khỏe lần đầu tiên, vẫn tốt. Rồi lần thứ hai, có vấn đề. Và ít lâu sau, một, mười, hay hai mươi năm sau, em chết. Điều gì xảy ra vậy? Là gì vậy? Đó là cuộc sống của em, em yêu à. Đó cũng là cuộc sống của anh. Anh có được quay lại không? Anh có được than phiền với ai không? Anh có thể sống một lần nữa không? Xin lỗi em, không quay lại, không có thư góp ý, không có cơ hội thứ hai đâu. - Tôi đấm nhẹ vào tay lái. - Và đó là lý do tại sao anh không bao giờ lấy đi ước mơ của thằng bé. Vì thế giới sẽ làm điều đó thay anh, sớm thôi. – Tôi có thể ngửi thấy mùi bia trên cơ thể chúng tôi. Tôi nhìn vợ rồi liếc ra cửa kính xe. - Nó phải theo đuổi ước mơ của nó.
- Kể cả khi ước mơ đó sẽ đẩy nó xuống vực sao?
Tôi không buồn trả lời, chỉ lặng lẽ nhìn dòng xe cộ đông đúc trên đại lộ.
Chúng tôi thấy ánh đèn quen thuộc của thị trấn quê nhà Kentish khi vết sẹo trên ngực tôi giật giật liên hồi như một gã mất trí. Tôi chào đón cơn đau như một người bạn cũ. Nó làm tôi xao lãng khỏi mọi thứ, miễn cưỡng nhìn bọn trẻ cười giòn trên đỉnh khung leo, lo âu về tiền nong ngày càng vơi cạn, mơ hồ tưởng đến sự chết dần chết mòn của xác thịt, về cái máy nước nóng bị hỏng - những chuyện vặt vãnh thường ngày của cuộc sống, và về cách mà nó vắt kiệt máu trong cơ thể bạn một ngày nào đó.
Tôi cựa mình giữa ánh bình minh, những tia sáng mượt mà luồn qua màn cửa, và trước khi thật sự tỉnh giấc, tôi đã nhận ra cảm giác đó, cảm giác hưng phấn của gã đàn ông đang kỳ sung sức.
Tôi rên rỉ trở qua một bên, hít hà hương tóc Lara, mùi dầu gội tươi mát trước khi ngủ, gột rửa hết những gì thuộc về cái quán rượu đó khỏi người nàng, và tôi áp chặt vào thân thể nàng, rên rỉ nhiều hơn, làn da tôi chạm vào bộ đồ ngủ mềm mại bằng vải bông, tay tôi lần trên những đường cong của nàng, thở hổn hển với cảm giác đó - cảm giác vui thích hơn là chịu đựng.
Một phụ nữ. Một phụ nữ tuyệt vời.
Nàng đẩy tôi ra bằng giọng nói bực tức phát ra từ sâu thẳm bên trong, âm thanh trộn lẫn tiếng cục cục và tiếng tặc lưỡi, đi cùng với sự phản đối giận dữ.
- Anh không nghĩ đến điều gì khác sao? - Nàng hỏi, và trước khi quay lưng về phía tôi, nàng ném cho tôi một cái nhìn.
Như thể không còn nhận ra tôi nữa. Và tôi biết Lara đã đúng.
Tôi khó mà nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Đúng thế thật. Lúc này còn nghĩ được gì khác chứ?