Tôi nằm dài trên một cánh đồng hoa dại, trên cao là bầu trời xanh thẳm không một gợn mây.
Tôi nghĩ về cảm giác kỳ lạ khi được ở trong lớp da của chính mình, và điều kỳ diệu là chính tôi ở trong đó chứ không phải ai khác. Tôi nghĩ về sự vô tận của bầu trời, mà thực ra nó chẳng có gì, chỉ là sân sau của loài người. Và trong khi mọi giác quan của tôi đang hòa quyện vào những suy nghĩ mông lung thì tôi nghe, gì nhỉ, tiếng gầm rú của chiếc Boeing 747 xé tan thinh không. Tôi giật mình hét to, vừa hoảng hốt vừa thích thú. Rồi tôi nghe thấy một giọng nói:
- Này ông?
Đúng là từ ông, cái từ ông làm bạn cảm thấy như bị tát vào mặt vậy. Tôi ngồi dậy thấy hai viên cảnh sát đang nhìn mình chằm chặp. Cả hai đều mặc cảnh phục, đều trẻ, nhưng một người trông bình thường, người còn lại có vẻ rất đáng ghét. Mình phải đề phòng gã này.
Họ đậu xe cạnh xe tôi. Sát sạt, ngay thanh giảm chấn trước mui xe. Mặc dù tiếng còi trên xe họ đã im lặng, nhưng đèn xanh vẫn xoay chầm chậm. Tên cảnh sát khó ưa chỉ vào cái lỗ trên hàng rào thép gai.
- Ông tạo ra cái lỗ này à, thưa ông? – Gã hỏi.
Tôi đứng dậy, phủi những cánh hoa dại. Những cánh hoa có màu tím trắng.
- Không. Có sẵn ở đó rồi. Tôi chỉ chui qua thôi.
Gã chìa tay ra, ngón tay ngúc ngoắc hối thúc ra hiệu.
- Cho chúng tôi xem giấy tờ tùy thân.
Tôi đưa cho gã. Gã cầm lấy, nhìn chằm chằm vào mặt tôi rồi phì cười. Rồi gã đưa cho đồng đội xem.
- Sao anh không nói? - Gã khó ưa cười cười, gấp tấm thẻ cảnh sát London của tôi lại.
Tôi cầm ví đút vào túi sau quần jeans. Tôi không nói lời nào. Chúng tôi đi đến chỗ cái lỗ trên hàng rào. Kẻ khó ưa kéo sợi dây thép ra để tôi bò qua.
- Bảo vệ đang đến đấy anh bạn. - Gã đổi cách xưng hô một cách dễ dàng từ tiếng ông mỉa mai, đe dọa sang anh bạn thân thiện bất đắc dĩ. Mình muốn được gọi là ông hơn. Bạn bè gì chứ. - Lũ mọi đang vào đó.
Tôi vừa kịp hiểu lời gã. Phía xa bên kia đường có một đám người đứng lố nhố. Xe ngựa, lều bạt, biểu ngữ. Một cái ghi MÁY BAY ĐIÊN. Cái khác đề MÁY BAY KHÙNG. MÁY BAY THẦN KINH. Và MÁY BAY NGU NGỐC. KHÔNG MÁY BAY.
- Một đường băng mới. - Gã khó ưa bảo. - Họ không thích điều đó. Họ muốn thay đổi cả thế giới, nhưng lại không thể tự thay quần.
- Anh ổn chứ? - Anh chàng dễ mến lên tiếng. - Trông anh buồn cười quá.
Tôi mỉm cười với anh chàng. Tôi hiểu ý cậu ấy. Trong người tôi đầy Cyclosporine, Prednisolone và Azathioprine nên hễ tôi muốn nói là nói, không cần suy nghĩ, đâm ra cứ lẩm bẩm suốt. Nhưng không chỉ có thế. Cậu ấy đúng. Trông tôi rất buồn cười. Sao mà không buồn cười được chứ? Tôi đâu còn là chính tôi.
Phía xa bên kia hàng rào là đoàn lữ hành gồm phụ nữ, trẻ em và chó, đàn ông tóc thắt bím theo kiểu người da đen đang dựng mấy buồng vệ sinh di động, những phụ nữ để đầu trọc đang đóng cọc căng lều. Trông như họ sắp mở màn một thời khắc quan trọng, như gì nhỉ, như sắp làm nên lịch sử vậy.- Chắc họ bơi xuồng đi du lịch. - Viên cảnh sát dễ mến nói và cả hai phá lên cười.
Ruby ngồi trước máy tính, khuôn mặt nghiêm nghị của nó phản chiếu ánh sáng hắt ra từ màn hình. Tôi ngồi cạnh con bé, cả hai chen nhau ngồi một chiếc ghế, nhưng tôi chiếm gần hết chỗ. Chúng tôi im lặng và trước mặt hiện ra hình ảnh của ngày tận thế.
Cá chết nổi lềnh bềnh trên những dòng sông nước đã chuyển thành màu nâu. Nhà máy phun ra những đám khói đen che khuất mặt trời. Và một đường cao tốc mười làn xe kẹt cứng. Lara hiện ra trước cửa.
- Mì ống sốt ớt arabiatta đây. Ruby nhìn nàng cau mày.
- Mì ống sốt ớt arabiatta á?
- Ừ. Con có thể cứu thế giới sau bữa tối.
Lara nhìn tôi như để kêu gọi đồng minh. Nhưng tôi thấy đúng là không thể đặt bữa tối lên trên vận mệnh hành tinh được. Lara khoanh tay trước ngực, tựa vào đố cửa.
- Hồi xưa, hai bố con họ đều đã chạy ào đến món mì ống sốt ớt arabiatta của mình. Những ngày xưa đó đâu rồi nhỉ? - Nàng nói bâng quơ.
Rồi nàng vỗ tay. Đốm lửa nhỏ của tôi.
- Cái này quan trọng mà mẹ. - Ruby nhấn mạnh, hàm nghĩa đó là khúc dạo đầu cho cảnh hét toáng lên và đập cửa rầm rầm. - Mẹ không hiểu à? Mẹ chưa hiểu sao?
Lara nhìn hai bố con đăm đăm, không nói một lời. Nàng không cần nói. Tôi biết đích xác nàng đang nghĩ gì. Nàng đang muốn siết sợi dây con chuột máy tính quanh cổ chúng tôi rồi nghe chúng tôi van xin nàng rủ lòng thương; trong lúc đó, nàng kể lể rằng nàng đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để nấu bữa tối để bây giờ nó nguội lạnh và khô cứng trên bàn ăn ở dưới lầu. Nhưng trước khi bỏ đi ăn tối một mình, nàng chỉ buông một câu:
- Anh phải cắt tóc đi, George à.
Tôi nhìn nàng rồi quay lại màn hình. Ngày cuối cùng của thế giới tiếp tục hiện ra trước mặt chúng tôi.
- Anh định để dài mà. - Tôi đáp.
Tôi đang ngồi ở bàn làm việc ăn bánh mì kẹp thì Keith đến. Tránh ánh nhìn của tôi. Những ngón tay ranh mãnh của cậu ta gõ nhịp trên chồng hồ sơ trước mặt. Cậu ta ho vài tiếng, lấy điếu thuốc chưa đốt gắn bên vành tai ra rồi đặt trở lại. Tôi đặt cuốn tiểu thuyết xuống bàn.
- Anh đọc gì đấy? - Cậu ta bẽn lẽn hỏi.
Chúng tôi cùng nhìn bìa sách. Mui một chiếc xe hơi đuôi cá thập niên năm mươi chúc xuống con đường cao tốc vắng vẻ trên sa mạc, hướng về dãy núi xa xa.
- Trên đường. - Cậu ta đọc cẩn thận từng chữ như phải dịch từ tiếng Hindi vậy. - Có gì hay không?
- Tuyệt cú mèo. Chuyện về hai người bạn Dean Moriarty và Sal Paradise đồng hành trong chuyến ngao du xuyên nước Mỹ xuống tận Mexico. – Tôi đáp.
- Ừm. - Keith nói ra vẻ quan tâm. - Rồi sao nữa? Tôi nhìn anh ta một thoáng.
- Chỉ vậy thôi. Chuyện chỉ có thế. - Keith trông có vẻ ngờ vực. - Cậu nên đọc thử. Ai cũng nên đọc. Tôi sẽ mua tặng cậu một cuốn. Hay tôi cho cậu mượn cuốn này cũng được.
- Ừ. - Keith gật. - Ừ, được rồi.
- Ừ. Vậy đi.
Rồi Keith lảng đi, và trước khi quay lại với miếng sandwich và ông nhà văn Kerouac của mình, tôi dặn cậu ta:
- Nhớ đọc nhé.
Keith không quay lại mà chỉ giơ bàn tay to lớn ra hiệu biết rồi, hay tạm biệt.
- Đến bản tin thời sự rồi. - Ruby bảo.
Chúng tôi nhanh chóng dọn sạch bàn ăn và ba chân bốn cẳng lao lên phòng khách. Nhưng không có tin khẩn. Tin bạo động ở Trung Đông và một chính trị gia bị bắt vì tội tham nhũng, sau đó đến bản tin mới nhất từ sân bay.
Không có gì mới. Người chống đối bị ngăn lại bởi những hàng rào cảnh sát mang dáng vẻ thư nhàn. Cảnh những chiếc máy bay trườn trên đường băng phía xa xa. Mọi việc còn trong tầm kiểm soát.
Lara vào phòng, đặt trước mặt chúng tôi hai tách sô-cô-la nóng. Tôi cười cảm ơn, còn Ruby thì nói, thật tuyệt, mẹ à, và rạng rỡ cười với mẹ. Rồi con bé quay lại ti-vi gầm gừ, ước gì con có thể tới đây. Nó lẩm bẩm, biết trước câu trả lời.
Lara vịn lên tay ghế sofa hôn lên đầu con.
- Con còn bé quá, thiên thần của mẹ.
- Việc này không thể chờ được đâu. - Ruby nói, vẫn cái giọng mà cách đây không lâu nó từng nài nỉ chúng tôi cho phép nó nuôi một con ngựa. - Cần phải làm ngay.
- Mẹ biết con quan tâm, và quan tâm như thế rất tốt. - Lara gật gù. - Nhưng còn nhiều thứ cần làm trong năm tới, năm tới nữa và mấy năm nữa kia. Lại đây nào con.
Lara dang rộng vòng tay khi Ruby sà vào lòng mẹ. Có lúc, hai mẹ con thật hòa thuận. Vợ và con gái tôi ấy. Có lúc, cả hai dường như nhớ lại tình cảm ngày xưa và nhận ra rằng nó vẫn còn đây, vẫn không thay đổi và vẫn sâu đậm như vậy. Và có lúc họ quên bẵng đi. Giờ đây, hai mẹ con đang cùng nhau xem thời sự, cùng uống sô-cô-la nóng và ôm nhau.
Rufus vào phòng ngồi trên tay ghế sofa bên kia. Tôi biết mình không còn được phép ôm con trai như Lara ôm Ruby. Đối với mấy ông bố thì phải khác.
Khi bọn trẻ còn bé xíu, bạn có thể vui chơi thỏa thích với chúng, hôn lên má thật mạnh, say sưa với mùi hương và làn da mượt như nhung của chúng. Khi con bạn còn bé xíu, bạn có thể ôm ấp, vỗ về chúng. Nhưng rồi tất cả sẽ thay đổi khi chúng lớn lên. Một ngày kia, bạn chợt nhận ra rằng bạn phải thôi ôm chúng trong vòng tay mình.
Tôi nhìn gương mặt con trai khi nó xem thời sự và nhận ra một điều: lúc các con bước vào tuổi dậy thì, bạn có thể để năm tháng trôi đi mà không hề chạm vào chúng. Tất cả cử chỉ cơ thể biểu lộ tình yêu thương như ôm hôn, vuốt tóc đều đã biến mất. Giờ đây, Rufus và tôi ngượng ngùng gặp nhau với những cái ôm vội vã, những nụ hôn lúng túng, những cử chỉ thuộc về thói quen hơn là cảm xúc. Giống như bị điện giật từ nút bấm thang máy và chúng ta ngay lập tức rụt tay cảnh giác. Nó thấy tôi đang nhìn nó.
- Sao vậy bố? - Thằng bé nói rồi bỏ đi, còn tôi lắc đầu tiếp tục xem ti-vi. Suốt những năm tháng con bạn còn bé bỏng, bạn đã quen chạm vào chúng.
Rufus chuẩn bị ra ngoài, nó mặc một cái áo khoác da nhiều túi, kiểu áo của các tay đua xe. Trên tay áo có hình lá cờ Vương quốc Anh và một dây đai thắt sau lưng có tấm thẻ kim loại in chữ Belstaff. Giống kiểu áo khoác mà bạn mặc khi lái mô-tô vào thập niên 40. Tôi ngửi thấy mùi của nó bên trong chiếc áo khoác ấy, mùi đặc trưng của nó hồi nó bé.
Giờ thì mùi sữa, mùi đường, mùi những thứ nó trớ ra đã được thay bằng mùi thuốc cạo râu rẻ tiền, mùi nước hoa hăng hắc và mùi của những đêm vùi đầu trong những câu lạc bộ nhỏ say sưa túy lúy. Đó là một mùi hương khác trong một cuộc sống khác.
Nhưng nó vẫn là nó, tôi vẫn là tôi, và năm tháng vẫn trôi đi.
Có một bà cụ trên bản tin. Già như bà ngoại. Cụ đang kể về thời thơ ấu trong một làng nhỏ tên Heath Row, ngôi làng bị san bằng vào cuối Thế chiến II để làm sân bay cho không lực Hoàng gia Anh.
- Chưa nghe bao giờ. Có ai biết không vậy, cái làng nhỏ Heath Row ấy?
Nhưng cả nhà không ai nghe thấy câu hỏi của tôi. Họ đang nghe bà cụ kể về cuộc đời bà cách hàng rào sân bay chừng vài trăm mét. Bà lớn lên, lấy chồng và chăm lo gia đình mình trong một làng nhỏ tên Sipson. Nhưng bà không muốn mình nhắm mắt ở đó. Ngôi nhà của bà, bệnh viện nơi con bà được sinh ra, nhà thờ của bà, ngôi làng nhỏ gồm bảy trăm ngôi nhà, tất cả sẽ bị san phẳng nếu người ta xây thêm một đường băng, thêm một ga đến.
- Tôi không biết sẽ đi về đâu. - Bà cụ nói. - Tôi không muốn vào viện dưỡng lão. Tôi đã viết thư cho Nữ hoàng.
Con gái tôi nhìn sang mẹ khi cảnh quay chuyển sang những chiếc xe ủi đất. Lara xoa lưng con bé mỉm cười. Chẳng có gì để bàn cả. Tôi nhìn gương mặt con gái đang chết lặng trước sự bất công của thế giới này.
- Bố sẽ dẫn con đi. - Tôi nói.
Khi chúng tôi đã nằm trên giường, mặt đối mặt, Lara thì thầm:
- Em đâu muốn trở thành bà mẹ chỉ biết nói không, bảo đừng. - Giọng nàng thoảng nhẹ và mặt chúng tôi gần như chạm nhau. - Dù bố hay mẹ đều không nên ở vào vị trí đó. Làm kẻ xấu. Kẻ luôn cấm đoán mọi thứ. Người đưa ra những lý do chết tiệt. Anh hiểu ý em chứ, George?
Tôi vuốt lên mặt nàng. Đó vẫn là gương mặt của cô vũ công ngày ấy, đi chơi cùng ai đó phong độ, bảnh trai hơn tôi nhiều. Gương mặt đó vẫn không đổi thay bởi năm tháng, hôn nhân, con cái và tất thảy mọi thứ. Gương mặt của người phụ nữ đã chọn tôi. Cảm ơn nàng như thế nào đây?
- Anh phải nghiêm túc đó. Em biết con bé là một đứa trẻ tuyệt vời. Một đứa trẻ thông minh. - Nàng xoay người nằm ngửa lại và thở dài với cái trần nhà. - Chỉ là chúng thường làm những điều ngớ ngẩn khi còn nhỏ dại.
Mình biết mà, tôi nhủ thầm. Mình muốn có một hình xăm.
Hàng rào đổ ập xuống khiến tôi chúi về trước, những cơ thể đằng sau ào đến khi tôi có cơ hội nhận ra điều đó. Tiếng reo hò rộn lên cho đến lúc bị át đi bởi tiếng máy bay sắp hạ cánh vang lên giữa bầu trời.
Giống như tôi đang ở trên ngọn những con sóng người và tất cả chúng tôi đang tràn về phía trước. Cảnh sát bị đẩy lùi và những đồng sự của họ ở hàng đầu đang lồm cồm bò ra khỏi hàng rào đã đổ sụp khi chúng tôi xô đẩy rồi ngã nhào lên nó.
Tôi quay lại và nhìn thấy khuôn mặt của Ruby, con bé hét gì đó với tôi, nhưng tôi không nghe rõ. Tiếng ồn của máy bay lẫn đoàn người đang đẩy tôi ngày càng xa nó.
Chỉ một phần hàng rào bị đổ và cảnh sát tập trung quanh chỗ thủng ở vành đai sân bay, tôi bị đẩy di dọc theo bức tường vải thô ráp màu xanh, hơi thở nén lại và nỗi sợ hãi cái chết bỗng nhiên trở về. Những thân người ép chặt vào nhau. Mùi mồ hôi và kem cạo râu. Vết sẹo của tôi phập phồng áp vào ngực của một viên cảnh sát trẻ.
Chiếc mũ bảo hiểm rơi sượt qua mặt, cây dùi cui lóa lên trong nắng, rồi có một khoảng trống và tôi xuyên qua đó, vượt qua hàng rào cảnh sát và chạy nước rút băng qua bãi cỏ lởm chởm, không biết đang ở đâu, nhìn qua trái rồi phải và bỗng nhận ra chỉ có mỗi mình mình. Xung quanh bằng phẳng như cánh đồng trong mơ của tôi. Tôi thấy chiếc 747 phía xa đang chạy đến chỗ đậu. Tôi lao đến đó.
Đột nhiên, tôi bị thúc một cú vào mạn sườn, quỵ xuống và bị một tay cảnh sát khóa chặt hai bên hông - chắc hẳn gã phải chơi bóng bầu dục khi còn trẻ. Nhưng đó là một phút trước, vì khi chúng tôi lăn kềnh ra đất, gã rên rỉ đau đớn cáu tiết vỗ lên đầu gối như cố khạc ra lửa. Tôi chống gối đứng dậy, tên cớm chộp lấy vạt áo khoác Belstaff của Rufus, quyết không buông. Thế là tôi cởi luôn chiếc áo – đành cho gã vậy, tôi sẽ mua đền Rufus cái mới – và chạy tiếp đến đường băng, một tay ôm lấy cạnh sườn đau điếng.
Lúc này, tôi thấy khá yên bình. Thanh âm của đám đông biểu tình phản đối văng vẳng xa tít đằng sau, tiếng chói tai của không khí và kim loại trên sân bay vẫn còn cách một khoảng, mặc dù từ chỗ này, chiếc 747 trông đã khổng lồ như một chiếc du thuyền đang trôi trên mặt trăng.
Tôi chạy đều nhịp và điềm tĩnh. Tôi thấy những khuôn mặt tí hon qua ô cửa kính máy bay và tôi giơ một tay lên vẫy chào. Bây giờ tôi đang ở trên đường nhựa, và chợt có tiếng chân thình thịch đằng sau, tiến gần hơn, và ai đó đấm mạnh sau gáy tôi làm tôi ngã dúi xuống đất. Sau đó, tôi làm đúng những gì được bảo, rất nhanh lẹ.
Tôi bị nhốt trong buồng giam vài giờ trước khi Keith xuất hiện. Cậu ta thả thân hình đồ sộ xuống cạnh giường tôi và buông một tiếng thở dài.
- Ai mới là thằng nhóc hư đốn đây hả?