Tôi bấu chặt tay vào lớp da giả cũ sờn trên chiếc ghế cạnh tay lái của chiếc Ford Capri, chân phải vô tình đạp lên cần phanh không hề tồn tại ở đó, người ướt đẫm mồ hôi dù đang giữa mùa đông giá buốt.
Mẹ rướn tới từ ghế sau và tôi nghe thấy bà hít một hơi thật sâu khi bố dừng ở bùng binh vắng. Bố chờ một phút, nghiêng ngó xung quanh, chờ thêm chút nữa, rồi lầm bầm gì đó không biết có liên quan đến việc lái xe hay không, rồi chiếc xe chầm chậm lảo đảo lăn bánh ngay khi một chiếc xe tải ầm ầm lao đến. Chúng tôi thoáng thấy khuôn mặt tài xế xe tải, nhăn nhó sửng sốt xen lẫn bực bội khi vượt qua chúng tôi, tay tì lên một thứ trông giống như còi tàu.
- Ngồi cho vững nhé, anh bạn. - Bố bảo.
Bố vòng qua bùng binh mà không bật tín hiệu xin đường, băng qua hai làn xe và lướt qua sát sạt một bà cụ tóc bạc phơ lái chiếc Nissan. Bà giơ ngón tay về phía bố ông, chửi "Đồ điên!".
Hồi xưa, lâu lắm rồi, bố là một tay lái lụa. Bố có một quan niệm cổ hủ trong việc lái xe; đối với ông, một gã thắt dây an toàn chỉ khá hơn một gã mặc váy chút đỉnh, và khi mẹ càm ràm rằng ông luôn lái xe bạt mạng, bất chấp giới hạn tốc độ cho phép, ông lại viện dẫn cái bằng lái vẫn sạch sẽ của mình. Khi còn nhỏ, mỗi lần nghĩ về bố, tôi vẫn hình dung ông đằng sau tay lái. Dù ở nhà hay đi làm, bố luôn tìm thấy niềm vui trong việc lái xe, và ông làm điều đó rất tốt, ít nhất là với sự thành thạo đầy kinh nghiệm. Tôi không thể tưởng tượng rằng có lúc bố sẽ không thể lái xe được nữa. Và lúc này đây, thời điểm đó đã đến.
Chúng tôi đang chuyển những thứ lặt vặt cuối cùng của tôi về nhà. Không có gì nhiều, chỉ là vài thùng giấy quẳng sau cốp xe Capri, đầy quần áo, CD và mấy cuốn sách từng là thứ có vẻ quan trọng. Nhưng mười dặm đường từ ngoại ô vào thành phố đã xác nhận lời mẹ nói. Những ngày ung dung sau tay lái của bố đã qua rồi.
- Bố con chạy thẳng thì không sao. - Mẹ nói với tôi trong khi bố đang dỡ đồ từ cốp xe. – Chỉ có những khúc cua mới đánh bại ông ấy. Bà quay lại vừa lúc bố cúi xuống nâng một thùng giấy. - Con nói với bố đi.
Thế là tôi nhờ bố pha trà. Ông chậm chạp loanh quanh trong bếp, không quên bất cứ thứ gì, nhưng dường như công đoạn đun nước, chế sữa, nhúng trà, lấy đường và tìm tách phức tạp như chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng vậy.
- Bố, cảm ơn bố đã đưa con về. – Tôi nói. Ông gật đầu. Bố không quen nói "Không có chi" theo kiểu lịch thiệp khách sáo của người Mỹ, và tôi chắc bố sẽ không bao giờ quen được. - Bố ơi, chiếc Capri đó đã già cỗi rồi.
- Y như bố! - Mặt ông sáng lên.
Ông đong đường cẩn thận như nhà vật lý hạt nhân chia hạt plutonium.
- Nó từng là một chiếc xe tuyệt vời, nhưng đã hết thời, bố à.
Tôi trân mình chuẩn bị tiếp đón cơn phản bác giận dữ, hay chí ít là một trận cãi vã kịch liệt, nhưng ông chỉ với lấy hộp sữa, vẻ mặt đăm chiêu.
- Đúng là không còn chạy được nữa. – Bố đồng tình.
Ông ngẩng lên nhìn mẹ khi bà vào bếp định tách chúng tôi ra. Mẹ nhìn chúng tôi dè chừng rồi mở tủ tìm bánh quy.
- Con vừa nói chuyện với bố về chiếc xe. - Tôi nói. Ông nhăn nhó nhìn bà.
- Nó suýt vượt qua kỳ kiểm tra kỹ thuật định kỳ vừa rồi mà.
Mẹ gật đầu. Bà trút hộp bánh ra đĩa.
- Nó từng là một chiếc ô tô bé nhỏ xinh xắn. - Mẹ nói.
Bố cầm một chiếc bánh, nhìn như thể ông chưa thấy nó bao giờ.
- Gỉ sét hết rồi, em nhỉ? Dù máy móc vẫn còn chạy được, nhưng gỉ sét cũng làm hỏng hết thôi. Bảo dưỡng tốt thì chạy bền. Nhưng với gỉ sét thì chẳng làm gì được.
Mẹ nắm lấy tay bố.
- Đừng lo, anh ạ.
Mẹ thật sự yêu bố. Cho dù xảy ra điều gì, mẹ vẫn sẽ luôn yêu bố.
- Cái gì cũng có thời của nó. - Giọng bố bình thản, cũng không hề nhắc đến một chiếc ô tô mới.
- Vâng. - Mẹ nói. - Và đó là một thời đáng yêu.
Một tuần sau đó, chúng tôi đem chiếc xe đi bán, nhưng người buôn xe bảo rằng giá của nó không đủ trả tiền bãi đậu. Phải mất một giây sau tôi mới hiểu rằng chiếc xe không đáng một xu. Người buôn xe cố tỏ ra tốt bụng, ông ta khuyên chúng tôi nên đăng quảng cáo, biết đâu những người sưu tầm sẽ thích, cho dù trong thâm tâm ông ta cũng không chắc chắn về điều đó. Các nhà sưu tầm chỉ muốn những thứ vẫn giữ nguyên được tình trạng ban đầu, còn chiếc Capri này đã gỉ gần hết. Ông ta còn cho chúng tôi một địa chỉ ở bên kia sông.
Thế là bố mẹ ngồi nắm tay nhau ở băng sau, trong khi tôi lái chiếc Ford Capri tới một nơi gọi là bãi phế liệu. Nói cho đúng thì đó là một cánh đồng chết chóc, một bãi tha ma. Bạn có thể nhìn thấy nó đối diện bình nguyên Kent cách đó hàng dặm. Từ xa, trông nó như một dãy núi làm từ những chiếc xe hỏng. Khi tôi lái xe qua cổng, lũ chó nhe răng gầm gừ, ô tô chất cao quá đầu, trải dài tít tắp. Những rặng đồi sắt vụn hư hại do tai nạn hoặc thời gian.
Tôi không cần vội làm thủ tục vì có cả một dãy xe đang chờ bị nghiền nát. Những chiếc mòn cũ mang biển số nước ngoài, những chiếc hỏng do tai nạn, vết máu vẫn còn dính trên kính chắn gió vỡ vụn, những chiếc không được đánh thuế, không bảo hiểm và cả những chiếc đã lỗi thời. Một vài chiếc từng có thời huy hoàng.
Chúng tôi được phép đứng xem từ một khoảng cách an toàn. Một chiếc xe tải nhẹ nhàng nâng chiếc Capri lên khỏi mặt đất và đưa nó đến chiếc xe nâng khổng lồ đang chờ sẵn. Chiếc xe nâng cẩn thận chuyển chiếc Capri đến chỗ cần cẩu. Khi xe nâng rút lui, cần cẩu quay đầu đung đưa năm cái càng thép đồ sộ phía trên mui xe. Những cái càng mở ra rồi hạ xuống với một tiếng rít rùng rợn của kim loại. Chúng ngoạm chiếc Capri, nhấc bổng lên khỏi mặt đất và ném mạnh nó xuống. Bốn bánh xe long ra. Cảnh tượng như một tình tiết bạo lực trên sân khấu. Nó làm tôi nhớ đến cuộc đấu vật giữa những người đeo mặt nạ mặc đồ bó sát. Một cảnh đấu tàn bạo được dàn dựng sống động.
Những cái càng kim loại vẫn siết chặt chiếc Capri, nâng nó cao hơn, vung vẩy nó quanh cỗ máy giống như máy nướng bánh mì của gã khổng lồ đặt bên dưới quả đồi sắt vụn. Cần cẩu khéo léo đưa chiếc Capri vào trong chiếc máy nướng đó. Khi máy đóng sầm lại, những ô cửa nổ tung, tan tành trong một cơn bão thủy tinh.
Chiếc máy nướng bánh mì của gã khổng lồ tiếp tục mở ra đóng lại cho đến khi chiếc Capri không còn hình thù một chiếc ô tô nữa. Cần cẩu quay lại, nhấc nó ra khỏi máy nướng, xé toạc nó ra từng mảnh, giống như con kền kền đang xâu xé xác chết vậy. Mẹ quay nhìn chỗ khác. Rồi nó bị nhấc bổng và ném lên đỉnh đồi sắt vụn.
Mẹ luồn tay vào cánh tay bố, cử chỉ có từ những ngày họ còn là những cô bé cậu bé và chưa bao giờ chấm dứt. Bà tựa đầu lên vai ông. Mắt mẹ ngân ngấn nước, nhưng bố vẫn bình thản.
Khi tiếng ồn lắng xuống, ông nháy mắt và huých vào cạnh sườn của tôi, hất cằm về phía ngọn núi ô tô chết và ngoác miệng cười.
- Bố không kêu ca gì đâu. Bố thấy vậy cũng đã đáng đồng tiền bát gạo rồi.
Ông ngước nhìn lên cái từng là chiếc xe của mình, nhưng lại đang nghĩ về một điều khác.
Tôi nấp ở phía cuối khán phòng nhung đỏ, dựa lưng vào dãy ghế cuối cùng của sân khấu, và không bị ai làm phiền.
Lúc này vắng người. Một nữ trợ lý đạo diễn nhìn tôi tò mò khi ra ngoài lấy cà phê, nhưng cô ta không nói gì. Chắc vì tôi ăn mặc như một quản gia.
Tôi nhìn người phụ nữ gầy gò hống hách, nữ biên đạo múa, đi qua đi lại trên sân khấu, giữa hơn một chục gã được gọi là những chàng trai, và cho dù hầu hết đều ở tuổi đôi mươi, nhưng vẫn có vài người đã sang phía bên kia của tuổi ba mươi, nói theo cách nhẹ nhàng nhất, không còn là những chàng trai nữa.
Bà ta chọn người theo tên, màu sắc hoặc chi tiết trang phục. Bà ta biết vài cái tên, cũng có thể là rất nhiều cái tên, nhưng không biết hết. Lúc nào cũng có người mới xuất hiện và người cũ bị loại ra. Nhưng ngay khi bà ta chỉ định ai đó qua màu sắc trang phục, thì không hiểu sao họ đều biết bà ta đang nói đến ai. Họ chỉ không biết liệu họ có được chọn hay không.
Liệu có phải là người thích hợp hay không.
- Diego… chàng trai đeo băng thấm mồ hôi… quần lính… Johnny…. áo thun chim cánh cụt và áo thun đỏ.
Tôi quan sát vẻ mặt của họ từ phút căng thẳng khi chưa biết mình được giữ lại hay bị đuổi ra ngoài, cho đến phút tiếp theo khi đã biết mình được chọn hay bị từ chối.
- Ở lại trên sân khấu. Những người còn lại… xin cảm ơn. - Bà ta vỗ tay hai lần, ngay lập tức tiếng xì xầm vui mừng xen lẫn thất vọng dịu đi. - Nhóm tiếp theo.
Tôi thấy Lara đang đợi ở cánh gà.
Ở vòng này, nam nữ múa riêng, và những người còn lại đứng ở mép sân khấu dõi theo những bước nhảy, đánh giá cuộc thi, xoa bóp để xua những cơn đau nhức, mệt mỏi rã rời.
Lara đang nắn nắn bắp chân phải. Cơn đau vẫn đeo bám nàng vào từng giấc ngủ. Trên cả hai gân khoeo. Trên hông phải. Và nhiều nhất là ở dây chằng, và người vũ công cảm thấy rệu rã. Nàng đứng trong nhóm nữ.
- Mở lại từ ‘Ai là chàng thám tử?’. - Biên đạo múa yêu cầu, và nhạc trỗi lên.
Ai là chàng thám tử đi cùng viên cộng sự lạnh lùng? Thật giản đơn, thật giản đơn.
- Động tác mạnh lên cho tôi. - Bà ta nói, và đám người di chuyển như một đàn chim, một đàn cá. Lúc này, động tác của họ đã nhịp nhàng và họ múa gần như là vô thức. Tôi quan sát Lara. Tôi dõi theo một mình nàng.
Một sợi tóc vương hay một vệt máu thẫm, Và chàng sẽ tìm ra bằng bộ óc thiên tài.
Vâng, chàng hơi kì quặc nhưng họ không phàn nàn, Vì thật giản đơn.
- Bước, đẩy, bước, bước, chạm, đá… mạnh tay!
– Biên đạo múa quát rồi đi quanh như giám thị trong phòng thi, vỗ tay, liếc nhìn, giữ họ theo nhịp.
– Bảy, tám… bầy chó săn địa ngục… bước, xoay, bước, chạm… đúng rồi, đúng rồi.
Từ phố Baker đến bầy chó săn địa ngục,
Ai là vị thám tử bậc thầy? Sự thật tàn nhẫn
Phải chăng cũng giản đơn thôi.
Màn trình diễn kết thúc, Lara đứng đó, tay đặt lên vùng hông đau nhức, hít một hơi thật sâu, đếm đến bốn rồi từ từ thở ra. Nàng chớp mắt, vị mồ hôi mặn chát làm mắt nàng cay xè. Trong lúc đó, bà biên đạo múa gầy nhom vẫn đi qua đi lại, mắt không rời vị đạo diễn như người bán đấu giá dán mắt vào quý ông giàu có nhất phòng. Đưa ra kết quả.
- Được rồi, được rồi. Cô gái áo đỏ… Megan… cô gái áo trắng… quần soóc hồng… Debbie… Coco… ở lại sân khấu. Những người còn lại… cảm ơn rất nhiều.
Lara là cô gái áo trắng. Và cô gái áo trắng vẫn ở đó.
Tôi không nghĩ nàng trông thấy tôi lấp ló ở cuối dãy ghế dành cho khán giả, nhưng khi rời sân khấu, nàng đã mỉm cười giơ ngón cái lên trước những chiếc ghế trống bọc nhung đỏ và bóng tối phía dưới.
- Có thể sẽ ổn cả thôi. - Lara vừa nói, vừa giữ chiếc mũ cưới rộng vành để cơn gió thu khỏi cuốn phăng nó đi. – Có lẽ vậy.
Nàng cố trấn an tôi. Chúng tôi đang ở trên bậc tam cấp của phòng đăng ký, đợi một đám cưới đi ra trước khi bước vào. Một đôi trung niên rạng rỡ bước ra, bạn bè và người thân tung vào người họ những chùm hoa giấy. Lara, Ruby, ngoại và tôi lùi lại, nhưng gió vẫn thổi đám hoa giấy bay lên rồi đáp xuống mặt chúng tôi. Và chúng tôi bước vào phòng, khắp người phủ kín những mảnh giấy màu li ti. Lara siết chặt tay tôi và tôi gật đầu để nàng biết rằng tôi rất cảm kích sự cố gắng của nàng. Nhưng tôi thật sự cảm thấy thế nào? Lễ cưới con trai chưa diễn ra mà khắp người chúng tôi đã dính đầy hoa giấy. Không phải phép. Thật không phải phép mà.
Ruby đọc những dòng chữ mạ vàng trên cửa.
- Khai sinh, đăng ký kết hôn và khai tử. Chúng ta cần cái nào?
Cả ba, tôi nghĩ.
- Đàng hoàng chút con. - Lara nhắc.
Một vài gương mặt quen thuộc đã chờ sẵn bên trong. Bố trong bộ vest cũ, còn mẹ đội chiếc mũ mới làm tôi giật cả mình. Mẹ đã đi làm tóc, lạnh lùng kiểu Margaret Thatcher, trông như cái mũ sắt thời trung cổ.
Keith đã ở đó. Ruby vẫn còn gọi là chú Keith, nhưng Rufus đã bỏ chữ chú, làm cậu ấy nom trẻ ra. Những khuôn mặt từ chỗ làm của Rufus. Những anh chàng bảo vệ. Cô gái người Hồi giáo bé nhỏ. Nhưng những người bạn thời đi học đã trôi dạt về đâu, và những người bạn diễn hài chưa kịp làm quen. Rufus đã đầu tư cả cuộc đời vào người phụ nữ tầm thường này. Và điều đó tựa như nhìn người mình yêu thương ném cuộc đời họ xuống bồn cầu và giật nước xả trôi đi.
Bên nhà Nancy ăn mặc trịnh trọng hơn. Rất nhiều khuyên tai. Nhất là cánh đàn ông. Trông họ như đang trên đường đến trường đua ngựa. Có vẻ không được tự nhiên lắm. Những tay anh chị mặc bộ vest chật chội để đầu đinh hoặc cạo trọc. Những phụ nữ diêm dúa độn ngực và đeo lắc chân vàng. Và đó mới là mấy người bà của cô ta.
Lara kéo tôi vào giữa đám đông và cố gắng giới thiệu. Mẹ Nancy, một bà năm mươi tóc vàng dữ tợn có cặp chân dài và hình xăm câu lạc bộ West Ham United, và bố Nancy, một ông bạn sẽ không hề muốn gặp ngay cả trên lối đi sáng đèn, đang đứng cùng với hai người bạn đời mới. Thế là có một cuộc gặp thông gia với bốn người bên phía họ. Tôi cười yếu ớt. Điều đó quá sức tôi. Quá sức chịu đựng.
Và rồi họ xuất hiện. Chú rể và cô dâu và món quà lưu niệm của cô dâu với cuộc tình trước đó. Nó mặc bộ vest với nơ cài trước cổ, hệt như khỉ làm xiếc. Nếu nó không bị mẹ giữ chặt cổ tay, tôi thề là nó đã làm trò nhào lộn hay tung hứng ở đây rồi. Chúng tôi đứng xếp hàng trong văn phòng làm thủ tục.
- Đừng thở dài nữa anh. - Tiếng vợ rít bên tai tôi.
Nhưng chúng tôi tập hợp ở đó mà thiếu sự chứng giám của Chúa. Không có cô dâu trong bộ váy trắng tinh khôi, không phải là ngày trọng đại nhất của cuộc đời, không một tương lai xán lạn. Chỉ có con trai tôi đang thề nguyện kết hôn cùng người phụ nữ già hơn nó với cái bụng bầu vượt mặt và đứa bé hỗn xược của ai đó bên cạnh đang ngoáy mũi và kiểm định những gì vừa moi ra được. Tôi mong việc này chóng kết thúc. Tôi chỉ muốn về nhà.
Hộ tịch viên tiếp tục lải nhải. Đó là một ông già béo núc, vẻ mặt tươi tỉnh, và bạn có thể tin rằng chúng tôi không phải là ca thứ mười trong ngày của ông. Hy vọng bề trên có thể dẹp cái mục này ra khỏi chương trình. Rồi cô dâu lên tiếng. Lời thề nguyện truyền thống của người Ái Nhĩ Lan; ông lão hộ tịch viên cười toe toét. Tôi không biết gia đình cô ta là người Ái Nhĩ Lan.
- Như ánh sáng dẫn đường, như bánh mì trong cơn đói, như niềm vui cho trái tim, tôi hiện diện nơi đây. - Cô ta nói. – Đây tay em nắm lấy tay anh, kết nối chúng ta trong cuộc đời và cùng sống bên nhau đến lúc răng long đầu bạc.
Giờ tôi mới để ý đến bộ váy vàng nhạt trông có vẻ hợp với lễ cưới lần hai của cô ta.
Cái tôi chú tâm lúc này không phải việc cô ta mang thai, rõ quá rồi, mà là gương mặt dịu dàng ấy. Đó dường như là một ngày cô ta trút hết mọi đắng cay.
Và không hiểu sao nó làm tôi bớt hoài nghi cay đắng, giống như một vết thương đang được rửa trôi bớt chất độc vậy.
Rồi Rufus quay sang cô. Không ai có thể mảy may nghi ngờ tình yêu của nó dành cho người phụ nữ ấy, và đó là một ngày hạnh phúc nhất đời nó, và cho dù những năm tháng sắp tới có thế nào thì nó vẫn đứng đúng chỗ mà nó muốn đứng ngày hôm nay.
Vậy thì tôi là ai mà lại cản trở chúng? Tại sao tôi lại cho rằng con trai mình đang vứt bỏ cuộc đời nó? Có lẽ những nỗi lo sợ sâu thẳm của tôi rồi cũng sẽ qua, nhưng hôm nay không thể không buộc tội chúng, nhất là khi tôi nhìn thấy cái nằm trong tay thằng nhóc – Alfie, tên nó là Alfie – không phải chiếc khăn chùi mũi. Nắm chặt trong bàn tay nhỏ bé đó là một cặp nhẫn, và bây giờ nó đưa cho hộ tịch viên, trong khi mẹ nó và con trai tôi nhìn xuống mỉm cười với cái chỏm đầu tròn vo màu cà rốt ấy.
Thôi thì cầu mong mọi chuyện sẽ ổn, tôi nhủ thầm.
Lara biết mình có thể làm được, ngay lúc này. Vào ngày diễn tập cuối cùng, cơn đau bắt đầu hành hạ, trong dây chằng và bên eo phải, nơi hông tiếp giáp khung sườn của nàng. Nhưng nàng biết mình có thể làm được, và khi nàng nói điều đó, mắt nàng rực sáng niềm tin. Công bằng mà nói, nàng giỏi hơn tất thảy, những nam nữ sinh mới tốt nghiệp hoặc đang theo học trường cao đẳng kịch nghệ.
Tiếng nhạc vang lên. Họ nhảy múa. Đó là bản nhạc về chàng thám tử tư với ông bạn đồng sự lạnh lùng.
Rồi khi nhạc ngưng, bà-que-củi liếc nhìn ông ngồi dưới hàng ghế khán giả.
- Cô áo trắng… cảm ơn nhiều. - Bà nói.
Lara đứng đó, để mặc sự thất bại thành hình. Biên đạo múa bước đến chạm cánh tay nàng. Một hành động hiếm hoi của lòng trắc ẩn hay là cử chỉ thúc giục? Làm cho cô gái áo trắng hiểu và rời khỏi sân khấu.
Tôi không nghe thấy, không ai nghe thấy, nhưng tôi có thể đọc khẩu hình. Bà ta nói xin lỗi cô, quá già.
Lara ngồi bên cạnh giường, xoa bóp hông, và tôi muốn nói với nàng rằng lời từ chối của họ là vô nghĩa, rằng nàng là người giỏi nhất trong nhóm, rằng tôi rất tự hào về nàng, và tất cả những điều đó.
Nhưng lúc này đây tôi không thể nói bất cứ điều gì đại loại như vậy bởi cơn đau đã trầm trọng, không thể phớt lờ. Tôi không thể tiếp tục xem nhẹ nó hơn những yêu cầu mà nàng đặt lên cơ thể nàng. Tôi không thể bỏ qua cơn đau được nữa. Nó bóp méo mọi thứ.
- Em phải đi bác sĩ. Em biết mà, phải không? Không ổn chút nào.
Nàng nhìn tôi. Chỗ nào cũng đau. Nàng không cần phải nói với tôi điều đó. Tôi biết hết.
- Vâng. - Giọng nàng mệt mỏi. – Em sẽ đi.
Tôi đợi. Nàng cởi quần áo để đi ngủ. Quần dài và áo thun trút xuống và tôi vẫn đợi. Nàng mỉm cười.
- Em hứa đấy, được chưa? Tôi vẫn đứng đó.
- Khi nào? Khi nào em sẽ đến bác sĩ? Việc này không thể đợi được, Lara à. Em phải đi ngay bây giờ.
Nàng cười tươi hơn.
- Em có thể làm một việc trước khi đi không? Nhưng tôi không cười. Tôi giận dữ và sợ hãi.
- Sao em không thể đi ngay hả? Nàng cười phá lên, lắc lắc đầu.
- Ôi, George. Anh trưởng thành thật rồi.
Đêm ấy, nàng ngủ rất say. Tôi không sao lý giải nổi.
Hơi thở nàng không còn đứt đoạn vì những cơn đau lan đến tận những cơn mộng mị. Không còn nữa. Đó là một đêm lạnh giá, dạo này đêm nào trời cũng lạnh, nhưng hai cơ thể nép vào nhau đã làm cho chiếc giường trở nên ấm áp, và có lúc đang thiếp ngủ, nàng đột ngột xoay người nằm sấp.
Tấm lưng trần nghiêng về phía tôi. Làn da ấy tôi còn biết rõ hơn của chính mình.
Và tôi không tài nào chợp mắt. Tôi thao thức gần như suốt đêm. Tôi nghĩ nếu không ngủ, ít nhất tôi cũng có thể cầu nguyện. Nhưng lời cầu nguyện cũng xa vời như giấc ngủ.
Thế là tôi cứ nhìn chằm chằm vào tấm lưng của vợ, và giữa những vết bớt, nốt ruồi, tàn nhang quen thuộc, tôi dõi tìm một chòm sao.