Chạy xe trên đường, cứ qua một quãng nhất định bạn cần phải ghé vào cây xăng để nạp thêm nhiên liệu cho xe, nếu không ô tô sẽ hết xăng và không thể đi tiếp. Trên đường đời, chúng ta cũng thường xuyên phải dừng lại “đổ xăng” như vậy mới đủ “nhiên liệu” để tiếp tục tiến tới đích mà mình mong muốn.
Vậy trạm xăng cuộc đời của chúng ta được đặt ở nơi đâu? Nếu biết thân cận các vị minh sư1 và các bậc thiện tri thức2 thì họ chính là nguồn động lực to lớn cổ vũ, góp ý, khích lệ và dẫn dắt bạn. Vậy thì ở đây, các vị minh sư và thiện tri thức này chính là “trạm xăng cuộc đời” của bạn.
1 Minh sư: Là bậc tu tập chân chính, là người thầy sáng suốt mẫu mực, dẫn dắt và giúp chúng ta thăng tiến trên con đường giác ngộ, giải thoát.
2 Thiện tri thức: Là những vị thầy lành, bạn tốt giúp ta nâng cao phúc đức, trí tuệ. Đồng thời nâng đỡ và tạo những trợ duyên cho chúng ta đi nhanh và xa hơn trên con đường giác ngộ, giải thoát.
Nếu chúng ta nhận thấy kiến thức chuyên môn của bản thân còn nhiều hạn chế và thiếu sót, thì nên bổ túc thêm các khóa bồi dưỡng, tham gia một số hội thảo ngành nghề, thậm chí phải tạm nghỉ việc để đi học chuyên tu hay học lên cao. Đương nhiên, những khóa bồi dưỡng, hội thảo, lớp chuyên tu, trường đại học này đều là “trạm xăng cuộc đời” của chúng ta.
Có người, ngày ngày đóng đô tại thư viện, hay thường ngồi lỳ trong tàng kinh các1 của chùa. Khi đó, những cuốn kinh điển nơi tàng kinh các, những quyển sách hay trong thư viện đó đều là thiện tri thức của chúng ta, và đồng thời cũng đóng vai trò là “trạm xăng cuộc đời” chúng ta.
1 Tàng kinh các: Là lầu gác chứa kinh sách trong các chùa.
Thêm vào đó, xây thêm một ngôi chùa, dựng thêm một điện thờ Phật cũng giống như đã tạo ra thêm một “trạm xăng cuộc đời” vậy. Trên chặng đường đời dài dằng dặc, có lúc cảm thấy quá mỏi chân, đôi khi thấy kiệt sức, có khi phải chịu ấm ức khó lòng chịu đựng nổi. Vậy thì khi ấy, bạn hãy trở về chùa, chầm chậm bước vào chính điện quỳ gối đỉnh lễ dưới chân Đức Phật. Sau khi được Phật Tổ gia trì, Phật lực tăng trưởng, trái tim bạn sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng giống như chiếc xe ô tô được nạp thêm xăng. Nhờ vậy, chiếc xe cuộc đời bạn sau khi được tiếp thêm “nhiên liệu” lại dồi dào sức lực tự nhiên sẽ có thể bon bon tiến về phía trước trên con đường đời và mở ra một tương lai rộng lớn.
Trong củi gỗ có lửa, nhưng nếu bạn không biết cách dùi cây lấy lửa thì chắc chắn không bao giờ tìm được lửa trong đó. Trong tim bạn tự có năng lượng Phật tính, nhưng nếu không có Phật Tổ giúp bạn nhen nhóm ngọn lửa trong tim, thì sao bạn có thể thắp sáng được nơi “phòng tối ngàn năm”1 kia?
1 Trích từ câu: “Thiên niên ám thất, nhất đăng tất minh” (Trích Thiền môn ngữ lục), dịch nghĩa là: Phòng tối nghìn năm, chỉ một ngọn đèn thắp lên là sẽ sáng.
Phương tiện giao thông không thể thiếu được những trạm xăng, cũng giống như cuộc đời không thể thiếu đi những bậc thiện tri thức. Sự nghiệp học hành nghiên cứu không thể thiếu thư viện, tàng kinh các, cũng như cuộc đời không thể thiếu được trạm xăng vậy.
Những vị như: Lã Mông Chính1, Tô Đông Pha2, Tạ Linh Vận3, Vương Duy4, Vương Dương Minh5, v.v. ở Trung Quốc xưa nếu không được tiếp thêm nhiên liệu từ tín ngưỡng, nếu không có chốn cửa Thiền làm trạm xăng cuộc đời, thử hỏi họ có thể nào trở thành danh sĩ một thời hay không?
1 Lã Mông Chính: Còn được phiên âm là Lữ Mông Chính, là vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có xuất thân từ tầng lớp bình dân. Ông làm tể tướng suốt ba đời vua, nổi tiếng khoan dung độ lượng, nhân hậu nhưng cương trực.
2 Tô Đông Pha: Là nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong “Bát đại gia Đường Tống”.
3 Tạ Linh Vận: Nhà thơ làm thơ tả cảnh trứ danh đời Tấn, Tống (Lục triều). Ông giỏi dùng từ ngữ tinh tế, kỳ diễm tả cảnh ngao du sơn thuỷ, đa phần là cảnh sắc tươi sáng.
4 Vương Duy: Tức Ma Cật cư sĩ, là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà viết thư pháp và là một chính khách nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông là người tinh thông về Phật học và hướng theo Thiền tông.
5 Vương Dương Minh: Còn gọi Vương Thủ Nhân, là một nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh.
Những Mã Nhất Phù1, Phong Tử Khải2, Hạ Diễn Tôn3, Lương Thấu Minh4, v.v. của Trung Quốc thời nay nếu không có chốn cửa chùa làm trạm xăng tiếp cho nhiên liệu cho người tá túc an trú mấy năm, thì liệu họ có thể trở thành học giả một thời như vậy không?
1 Mã Nhất Phù: Học giả tuy có giải thích Phật học một cách khiên cưỡng, nhưng vẫn được gọi là “Nho - Thích - Triết nhất đại tông sư”.
2 Phong Tử Khải: Là họa sĩ, nhà văn, dịch giả và nhà lý luận giáo dục âm nhạc nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc.
3 Hạ Diễn Tôn: Nhà văn, nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc.
4 Lương Thấu Minh: Nhà tư tưởng đại diện của phái Tân Nho giáo, được coi là nhà Nho lớn cuối cùng của Trung Quốc.
Lục Tổ Huệ Năng vì nhận được sự cổ vũ của Lưu Chí Lược và sự giúp sức của An Đạo Thành, cũng chính là Ngài đã được hai người này tiếp thêm nhiên liệu, tự nhiên như rồng về với biển, một bước sang trang mới. Chu Nguyên Chương1 thời Minh, sau khi được tiểu thư Mã gia giúp của, khác nào lúc xe cạn xăng lại được đổ đầy bình, cuộc đời sau đó liền một bước lên mây. Đại sư Thái Hư2 thời Dân Quốc nhờ có khoản quyên góp 3.000 USD từ Tưởng Giới Thạch mà có lộ phí đi khắp nơi hoằng pháp. Do nhận được khoản tiền công đức này của Tưởng Giới Thạch, mà Đại sư Thái Hư trở thành đại sư quốc tế.
1 Chu Nguyên Chương: Tức Minh Thái Tổ. Hoàng hậu Mã thị là người vợ tào khang của vua, bà vốn là con nuôi của Quách Tử Hưng. Quách Tử Hưng vì mục đích muốn thu phục Chu Nguyên Chương nên mới gả Mã thị cho vua. Mã thị luôn đồng hành cùng vua trong suốt quá trình vua dựng nghiệp, khuyên can và giúp sức cho vua. Cho nên, sau này dù cho vua có rất nhiều phi tần nhưng đặc biệt coi trọng và chỉ lập Mã thị làm hoàng hậu.
2 Tương truyền rằng Tưởng Giới Thạch về quê, tới chùa Tuyết Đậu nghe sư giảng pháp hơn mười ngày và rất lấy làm tâm đắc. Từ đó, Tưởng Giới Thạch càng đem lòng kính mộ Đại sư. Về sau nghe tin Đại sư Thái Hư muốn đi Âu Mỹ hoằng pháp, Tưởng Giới Thạch liền cúng dường Đại sư 3.000 USD.
Đường đời trải dài xa tắp, nếu không kịp thời tiếp thêm nhiên liệu thì làm sao chúng ta đủ nhân duyên thuận lợi để hoàn thành cuộc hành trình còn đang dang dở. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta ai lại có thể thiếu đi những “trạm xăng cuộc đời”.