Trong suốt 4 thập kỷ qua, thông tin về sự tham gia trực tiếp của phi công Liên Xô trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên (1950-1953) vẫn được giữ bí mật. Chính điều này giúp giải thích việc tại sao lực lượng Không quân Trung Quốc và Triều Tiên non trẻ thời điểm đó có thể hạ gục những phi công dày dạn kinh nghiệm (Ace) của Mỹ từ Thế chiến 2.
Anh hùng Liên Xô trên bầu trời Triều Tiên
Cuối tuần qua, Nga đã tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến sĩ tình nguyện quốc tế, ngày lễ đặc biệt dành cho hàng ngàn chiến sĩ Xô Viết đã tham gia các cuộc chiến chống lại đế quốc, thực dân trên khắp thế giới trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Trong dịp này, thông tin về Thiếu tướng không quân đã nghỉ hưu Sergey Kramarenko từng tham gia và trở thành phi công Ace tại Triều Tiên đã được giải mật. Phi công Sergey Kramarenko từng lập nhiều chiến công trong Thế chiến 2 và đã được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những đóng góp trong chiến tranh Triều Tiên. Người cựu chiến binh 97 tuổi là một trong những nhân chứng cuối cùng về sự tham chiến của phi công Liên Xô trên bầu trời Triều Tiên chống lại Mỹ và đồng minh.
Phi công Sergey Kramarenko tham gia cuộc chiến bí mật trên bầu trời Triều Tiên.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Sergey Kramarenko vẫn nhớ rõ chính những kinh nghiệm chiến đấu thời Thế chiến 2 đã giúp ông tự tin đối mặt lực lượng không quân hùng hậu của Mỹ tại Triều Tiên. Trong giai đoạn 1943-1945, lái chiếc LaGG-3 và La-5, phi công Sergey Kramarenko đã bắn hạ 3 máy bay của Luftwaffe (Không quân phát xít Đức) và hỗ trợ đồng đội tiêu diệt 13 máy bay khác. Chính những trận đụng độ ác liệt với các phi công phát xít dày dạn kinh nghiệm đã giúp phi công Sergey Kramarenko hoàn thiện kỹ năng chiến đấu. Tới cuối Thế chiến 2, trình độ của phi công Liên Xô đã vượt qua phát xít Đức. Đây chính là yếu tố giúp phi công Liên Xô tạo ra cơn ác mộng đối với phi công Mỹ trên bầu trời Triều Tiên.
“Phi công Mỹ có vẻ không được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt như chúng tôi và phát xít Đức. Nếu như người Đức sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử, thì phi công Mỹ lại chọn cách né tránh. Trên bầu trời Triều Tiên, chúng tôi đã chứng minh cho họ thấy phi công Xô Viết không hề thua kém về khả năng chiến đấu và kỹ năng điều khiển máy bay, thậm chí còn vượt xa họ”, Thiếu tướng Sergey Kramarenko chia sẻ.
Nói về những chiếc máy bay phản lực của Liên Xô, ông Sergey Kramarenko cho rằng, máy bay Mig-15 dễ điều khiển và mang lại cảm xúc cho phi công nhiều hơn các loại máy bay thời Thế chiến 2. Với khả năng đạt tới vận tốc 1.000km/giờ và leo cao lên 15km điều này giúp bù đắp và tạo lợi thế cho Mig-15 trước khả năng cơ động trên mặt phẳng ngang của máy bay Mỹ F-86 Sabre. Leo cao và bổ nhào tấn công chính là lợi thế của máy bay Liên Xô.
Thiếu tướng Sergey Kramarenko. Ảnh: RIAN.
Tháng 11-1950, khi hơn 1 triệu quân Trung Quốc vượt sông Áp Lục tham chiến tại Triều Tiên, ông Sergey Kramarenko và 31 phi công kỳ cựu của Trung đoàn không quân cận vệ số 176 âm thầm tới vùng Viễn Đông để huấn luyện phi công Trung Quốc và Triều Tiên. Do yêu cầu bí mật của nhiệm vụ, cả đoàn công tác của Thiếu tướng Sergey Kramarenko đều phải giữ bí mật thông tin, kể cả đối với người thân trong gia đình. Tại Trung Quốc, các mảnh vỡ của máy bay F-86 Sabre đã được thu thập để đánh giá về khả năng chiến đấu. Các phi công Liên Xô đã phát hiện ra máy bay Mỹ có khả năng cơ động tốt hơn Mig-15, nhưng lại kém về khả năng leo cao và trần bay.
Dội cơn mưa lửa lên đối thủ
Bắt đầu từ mùa xuân năm 1951, các phi công Liên Xô bắt đầu tham gia có giới hạn vào các nhiệm vụ chiến đấu trên bầu trời Triều Tiên. Trận đụng độ đầu tiên với không quân Mỹ diễn ra vào ngày 1-4 cùng năm.
Phi đội của phi công Sergey Kramarenko đánh chặn một máy bay trinh sát của Mỹ được hộ tống bởi 2 phi đoàn F-86 (8 máy bay). Khi tuần tra dọc sông Áp Lục, ở độ cao 7.000m, phi đội Liên Xô phát hiện mục tiêu. Phi đội trưởng Sergey Kramarenko ra lệnh chặn kích. Phi công Ivan Lazutin trong phi đội tăng tốc tiếp cận chiếc máy bay trinh sát từ phía dưới và cố bắn hạ nó. Những chiếc F-86 ngay lập tức cố gắng ngăn chặn máy bay Mig-15 của Liên Xô. Với các khẩu lệnh phối hợp chiến đấu hợp lý, phi đội của ông Sergey Kramarenko đã bắn hạ 2 chiếc F-86 và buộc nhóm máy bay Mỹ phải bỏ chạy.
Máy bay ném bom B-29 tỏ ra yếu thế trong thời đại máy bay chiến đấu phản lực.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khác của phi công Sergey Kramarenko chính là trận kịch chiến ngày 12-4-1951 hay được phi công Mỹ gọi với tên khác là “Thứ 5 đen tối”. 30 máy bay Mig-15 do phi công Liên Xô điều khiển đã tấn công đội hình quy mô lớn của Không quân Mỹ, gồm hàng chục máy bay ném bom B-29 và 100 máy bay hộ tống F-80, F-86. Kết quả của cuộc không chiến là hàng chục máy bay B-29 bị bắn rơi, mà không một chiếc Mig-15 nào bị hạ. Trước thất bại đau đớn trên, Bộ chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Triều Tiên đã phải tạm dừng các hoạt động ném bom trong vòng 3 tháng và hủy các chuyến bay tuần tra ban ngày.
“Trong trận không chiến ác liệt đó, chúng tôi đã bắn hạ 25 trên tổng số 48 chiếc B-29 đang cố gắng ném bom 1 cây cầu trên sông Áp Lục nối Trung Quốc với Triều Tiên. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh các máy bay Mỹ bay theo đội hình đẹp như đi duyệt binh. Chúng tôi lấy độ cao và bổ nhào xuống nổ súng vào đầu chúng. Tôi khai hỏa vào một chiếc máy bay ném bom và nó bốc khói trắng. Loạt đạn của tôi đã bắn trúng bình xăng, các đồng chí trong phi đội đã kết liễu nó bằng các loạt đạn sau đó. Chúng tôi đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình là hạ gục máy bay Mỹ. Điều này khiến Không quân Mỹ phải dừng hoạt động ném bom trong thời gian dài”, ông Sergey Kramarenko kể lại.
Đụng độ với phi công Ace của Mỹ
Trong quá trình chiến đấu tại Triều Tiên, phi công Sergey Kramarenko đã từng đụng độ với phi công Ace của Mỹ là Glenn Eagleston, Chỉ huy Phi đội 334. Phi công này cũng từng tham giam Thế chiến 2.
Phi công Glenn Eagleston bay theo đội hình 3 máy bay. Theo thường lệ, ông Sergey Kramarenko leo cao và bổ nhào tấn công. Phi công Ace của Mỹ đã hạ độ cao thoát ly thành công. Hai máy bay lao vào cuộc chiến quần vòng cách nhau khoảng 100m. Cuộc đuổi bắt giữa hai phi công Ace kéo dài khá lâu. Dù cả hai máy bay đều trúng đạn, nhưng không trúng chỗ hiểm. Cả hai máy bay sau đó rơi vào trận địa phòng không của Triều Tiên với khoảng cách 800m. Phát hiện những viên đạn phòng không phát nổ xung quanh, phi công Sergey Kramarenko quyết định tăng tốc bay xuyên qua và may mắn là không bị trúng đạn. Trong khi đó, chiếc F-86 của Glenn Eagleston không được may mắn như vậy. Nó đã trúng đạn và hạ cánh trong tình trạng hư hỏng nặng. Phi công Glenn Eagleston bị thương, phải quay về Mỹ điều trị và không bao giờ quay trở lại tham chiến ở Triều Tiên.
Máy bay chiến đấu F-86 Sabre của Mỹ tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên.
Tới tận ngày 17-1-1952, chiếc Mig-15 của phi công Sergey Kramarenko mới bị trúng đạn. Chiếc dù của ông Sergey Kramarenko bị máy bay Mỹ tấn công. May mắn là chiếc dù được mây mù che phủ, nên ông Sergey Kramarenko mới tiếp đất thành công và được dân quân Triều Tiên cứu thoát.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Trung đoàn không quân cận vệ số 176 đã mất 8 phi công và 12 máy bay. Để bù lại, đơn vị không quân Liên Xô bắn hạ ít nhất 50 máy bay ném bom và nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh. Chỉ tính riêng phi công Sergey Kramarenko đã hạ 21 máy bay, trong đó có 8 chiếc rơi xuống biển. Ông Sergey Kramarenko cho rằng chính sự có mặt của phi công Liên Xô tại Triều Tiên đã khiến Mỹ hủy kế hoạch ném bom nguyên tử Liên Xô để đẩy thế giới vào Thế chiến 3. Theo lời ông Sergey Kramarenko, Quân đội Mỹ đình ném 300 quả bom nguyên tử xuống Liên Xô, nhưng kết quả của cuộc không chiến tại Triều Tiên đã khiến Washington hiểu rằng tốt nhất là không nên tấn công Liên Xô.
Phi công Sergey Kramarenko tiếp tục phục vụ Quân đội Xô Viết cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1982. Ông Sergey Kramarenko đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước Xô Viết; được thăng quân hàm Thiếu tướng và giữ chức Phó tham mưu trưởng Tập đoàn không quân số 23.
TUẤN SƠN (theo RIAN, Sputnik)