Đầu năm 1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Không quân nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng để đánh máy bay ném bom chiến lược B52. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt mới mẻ và khó khăn. Tôi và một số đồng chí được điều về phi đội bay đêm thuộc Đoàn không quân C21 để chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đánh B52.
Từ một phi công đang bay ngày chuyển sang bay đêm đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Nếu như bay ngày có thể quan sát bằng mắt thường thì bay đêm phải dựa vào các thiết bị trong buồng lái, do đó đòi hỏi phi công phải rất chuẩn xác, mọi động tác phải thành thạo, nếu chỉ bay lệch đường bay một chút hoặc trong khi bay giữ độ cao không chuẩn là có thể bị thất bại. Mặt khác, địa hình Quân khu 4 dài và hẹp, phía đông là biển, phía tây nhiều núi cao nên hoạt động của không quân ta gặp nhiều khó khăn. Nếu bay cao, máy bay chỉ cần tăng tốc đã vượt ra biển xa, ra-đa trên hạm tàu địch dễ dàng phát hiện và lập tức phóng tên lửa, nếu bay thấp thì lại mất an toàn.
Trong quá trình chuẩn bị đánh B52, chúng tôi phải ngày đêm chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ các phương án. Hằng ngày cứ 5 giờ chiều, phi công lại tập cất cánh từ sân bay H, bay thấp và thật thấp vào bí mật hạ cánh “ém” sẵn ở sân bay V hoặc sân bay A, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.
Quân chủng triển khai sở chỉ huy tiền phương trên chiến trường Khu 4, các trạm ra-đa thuộc các đoàn H90, H91, H92 và H93 của Binh chủng ra-đa nằm vùng trên các trận địa tiền phương, trên các điểm cao giáp biên giới, bí mật mở máy trinh sát, phát hiện, theo dõi địch liên tục ngày đêm và cùng các vọng quan sát xa bổ trợ cho việc nghiên cứu nắm địch. Nhiều sân bay dã chiến được bộ đội công binh sửa chữa kịp thời. Tuy vậy, vẫn còn hàng loạt khó khăn mà chúng tôi chưa lường trước được, bởi ở chiến trường khu 4, Hạm đội 7 của Mỹ ngày đêm hoạt động. Hằng ngày địch dùng máy bay đánh phá vào các mục tiêu của ta như dùng tên lửa Sơ-rai khống chế các trạm, đài ra-đa, dùng các loại pháo trên các hạm tàu bắn vào các sân bay mà chúng cho là có máy bay MiG của ta trực chiến. Vì vậy, muốn bảo đảm bí mật, an toàn, bộ đội công binh phải có phương pháp ngụy trang nghi binh, sửa đến đâu ngụy trang đến đấy, nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra.
Để chuẩn bị đánh B52, các đồng chí cán bộ chỉ huy, tham mưu và những phi công đánh đêm như chúng tôi gồm các đồng chí: Phạm Tuân, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Nguyễn Văn Quang và tôi đã phải vượt qua bao khó khăn, bí mật đi ô tô vào tận Vĩnh Linh, Quảng Bình gần vĩ tuyến 17 lên các đài ra-đa, các trạm quan sát để nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay chiến lược B52, từ phương pháp bay, đội hình, độ cao đến các loại nhiễu giả đội hình B52 và phương thức, biện pháp bay bảo vệ của các tốp tiêm kích địch.
Qua nhiều lần nghiên cứu và trực tiếp nhìn tận mắt các tốp máy bay B52 đánh phá các mục tiêu trên đèo Mụ Giạ, các chân hàng, những điểm chúng cho là lực lượng quân ta tập kết, chúng tôi đã nắm chắc quy luật hoạt động của máy bay chiến lược B52. Từ đó, các cơ quan nghiên cứu của ta đã cùng các phi công đề ra những phương án chiến đấu tối ưu, làm sao có thể tiếp cận được B52. Chúng tôi tiến hành huấn luyện bay theo phương án chiến đấu sát với thực tế của chiến trường, đồng thời bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ tiếp cận địch.
Giữa năm 1970, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị Binh chủng không quân cho chúng tôi cơ động từ sân bay Nội Bài vào “ém” sẵn ở các sân bay theo phương án, bí mật phục kích đánh “Pháo đài bay”. Nhiều lần biên đội của chúng tôi bay lên song đều chưa thành công. Sau một thời gian luyện tập, đúc rút kinh nghiệm, các phi công trực tiếp đánh B52 của ta đã tìm ra phương pháp tối ưu.
Khác với quy luật hoạt động thông thường trước đây, mỗi lần xuất kích ta chỉ sử dụng một MiG-21. Trận đánh đêm 20-11-1971 là thứ Bảy, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ theo phương án chiến đấu “đặc biệt”, sử dụng hai máy bay MiG-21 sẵn sàng làm nhiệm vụ. Từ 17 giờ, phi công Hoàng Biểu cất cánh từ sân bay Nội Bài, bay ở độ cao cực thấp vào trực chiến ở sân bay V, còn tôi được lệnh của sở chỉ huy, bí mật bay vào trực chiến ở sân bay A. Đợt đầu tiên ra-đa C41 phát hiện có B52 hoạt động, Sở chỉ huy tiền phương ra lệnh cho đồng chí Hoàng Biểu xuất kích. Máy bay cất cánh, được sự dẫn dắt, cảnh giới phát hiện, bám sát của các trạm ra-đa dẫn đường và các sĩ quan chỉ huy dẫn dắt đưa phi công bay vào tiếp cận mục tiêu, song do địch “ngửi hơi” thấy MiG của ta nên đã chuồn ngay, vì vậy không quân ta buộc phải quay về. Trận đánh không thành. Sở chỉ huy cho phi công Hoàng Biểu bay về sân bay Sao Vàng hạ cánh an toàn.
Đến 20 giờ 10 phút, các đài ra-đa và trạm quan sát của các đơn vị ra-đa H90, H91, H93 phát hiện có máy bay B52 bay từ hướng tây sang. Theo nhận định của chỉ huy có thể tốp máy bay B52 này vào đánh mục tiêu trên tuyến quốc lộ 20. Sở chỉ huy ra lệnh cho tôi vào cấp 1 và xuất kích. Tôi bay theo phương án, được các trạm ra-đa dẫn đường của các đơn vị H90, H91, H93 liên tục theo dõi, bám sát và dẫn dắt, các sĩ quan dẫn đường liên tục thông báo cho tôi các tin tức, tình huống mục tiêu địch từ sở chỉ huy: Tốp máy bay B52 bay thẳng đến mục tiêu trên tuyến quốc lộ 20. Lúc này địch chủ quan cho là không còn máy bay MiG hoạt động nữa, vì những năm trước, ta chỉ hoạt động một đợt, nếu không tiếp cận được địch thì không thể tổ chức hoạt động tiếp theo.
Theo phương án đã hiệp đồng, tôi bí mật bay ở độ cao 1.000m trên địa hình núi non hiểm trở để tránh sự phát hiện của ra-đa địch. Sở chỉ huy tiền phương và các trạm quan sát theo dõi, bám sát và thông báo liên tục tốp máy bay B52. Mục tiêu vào gần, khi còn cách 70km, rồi 60km, Sở chỉ huy lệnh cho tôi bỏ thùng dầu phụ và tăng tốc độ 950km/h.
Vào lúc 20 giờ 54 phút, Sở chỉ huy lệnh cho tôi bật tăng lực kéo lên độ cao 10.000 mét. Cự ly rút ngắn dần, sĩ quan dẫn đường Lê Thiết Hùng liên tục thông báo cho tôi, địch cách 50km, 30km rồi 15km. Tôi báo cáo đã sẵn sàng, lập tức mở ra-đa và phát hiện ngay một tốp 3 chiếc B52 bay đội hình bậc thang, chiếc gần nhất đã ở cách tôi 5km, chiếc xa nhất 11km. Trên màn hình ra-đa không có nhiễu và mục tiêu rất to, rõ. Tôi báo cáo ngay về sở chỉ huy và quyết định bám sát, vào công kích chiếc B52 số 1. Lúc đó máy bay của tôi đang ở độ cao thấp hơn mục tiêu 500m. Để có thêm thời gian tôi vừa bám sát, vừa chỉnh điểm ngắm, vừa chỉnh độ cao và tăng tốc độ lên 1.400km/h, lấy đường ngắm chiếc máy bay B52 bay đầu. Cự ly còn 5km, các điều kiện xạ kích cho phép phóng tên lửa, tôi báo cáo sở chỉ huy cho tiêu diệt, rồi nhanh chóng ấn nút bám sát “3AXBAT”. Cự ly 3km, rồi 2,5km… và dưới 2km, tôi lập tức ấn nút phóng, quả tên lửa rời khỏi bệ, lao vút vào “siêu pháo đài bay”. Chiếc máy bay chiến lược B52 như bị điên dại, chệnh choạng rồi mất hút. Theo lệnh của sở chỉ huy, tôi thoát ly tăng cao để quan sát và cơ động, sau đó bay về căn cứ hạ cánh an toàn.
Địch bị MiG 21 của ta bất ngờ xuất hiện tấn công ngay trên lưng B52 trong khi chúng được bảo vệ chặt chẽ bởi những hàng rào máy bay tiêm kích dày đặc. Sau trận đánh đêm 20-11-1971, cả mặt trận 559 và trên tuyến đường Trường Sơn truyền đi tin vui “MiG của ta đã cưỡi trên lưng máy bay chiến lược B52 nhả đạn”. Địch bị thất bại, cay cú không dám hoạt động, một tuần liền không hề thấy bóng dáng tốp “B” nào bén mảng tới đây. Lực lượng không quân Mỹ lập tức phải dừng hoạt động trong một thời gian dài để lấy lại tinh thần, rút kinh nghiệm và tìm cách đối phó mới với không quân của ta.
Trận đánh đêm 20-11-1971 là trận đánh đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam dùng máy bay MiG-21 đánh máy bay chiến lược B52 mà các nhà quân sự không lực Hoa Kỳ cho là bất khả xâm phạm. Chiến công trong trận đánh B52 đầu tiên đã làm không lực Hoa Kỳ phải hoảng sợ trước đòn đánh của không quân Việt Nam. Trận đánh đã tạo điều kiện để hàng nghìn ô tô của ta từ các binh trạm ung dung lăn bánh chở hàng và vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và lực lượng vào chi viện cho mặt trận miền Nam, mở các chiến dịch giành thắng lợi to lớn. Trận đánh này góp nhiều kinh nghiệm rất quan trọng cho không quân ta đánh B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng cuối năm 1972.
Thượng tá VŨ ĐÌNH RẠNG kể- Đại tá, TS TRẦN NAM CHUÂN (ghi)
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ niệm sâu sắc, số ra ngày 16/12/2008)