Không quân Liên Xô từng có những trận đối đầu khốc liệt với phe phát xít trên mặt trận phía đông để bảo vệ vùng trời và đẩy lùi kẻ thù.
Giữa tháng 12-1942, Hồng quân Liên Xô mở đầu Chiến dịch Tiểu Thổ Tinh nhằm đẩy lùi lực lượng Đức và đồng minh ở Mặt trận phía Đông, chặn đứng âm mưu tiếp viện cho quân Đức bị bao vây ở Stalingrad. Chiến dịch mở đầu cho những trận quyết chiến trên không lớn nhất ở Mặt trận Xô - Đức.
Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô huy động 36 sư đoàn với 425.000 binh sĩ, hơn 5.000 khẩu pháo và cối, 1.400 xe tăng và khoảng 415 máy bay. Đối đầu với họ là Tập đoàn quân số 8 Italia và Tập đoàn quân số 3 Romania, cùng các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Thống chế Erich von Manstein, tổng cộng gồm 459.000 lính, hơn 6.000 pháo và cối, 600 xe tăng và 500 phi cơ.
Ở giai đoạn đầu chiến tranh, với ưu thế về con người và kỹ thuật, Không quân Đức hoàn toàn giành ưu thế trên không trước Hồng quân. Ảnh:Wikipedia.
Phe phát xít có ưu thế về số lượng, cùng tuyến phòng thủ có chiều sâu 25km với hai phòng tuyến độc lập. Tuy nhiên, Hồng quân Liên Xô tiến hành tấn công theo thế gọng kìm dưới sự yểm trợ của không quân, nhằm cắt đứt hướng tiếp viện của quân Đức. Trong đó, tập đoàn quân Cận vệ số 1 và số 3 của Liên Xô bao vây 130.000 lính thuộc Tập đoàn quân số 8 Italia. Lực lượng này cầm cự được hai tuần và chịu thương vong nghiêm trọng. Thống chế Manstein phải điều Sư đoàn tăng số 6 tới cứu viện, nhưng chỉ có 45.000 lính Italy thoát khỏi vòng vây Liên Xô.
Trong khi đó, Tập đoàn quân số 28 của Liên Xô có khả năng bao vây Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 1 của Đức, khi đoàn tiếp viện của Manstein cũng bị tấn công. Vào ngày 24-12, Quân đoàn tăng số 24 của Liên Xô tấn công sân bay Tatskinskaya, nơi vận tải cơ Đức xuất phát để tiếp viện cho lực lượng bị bao vây ở Stalingrad. Các xe tăng Liên Xô hủy diệt hàng loạt máy bay vận tải Đức mà không gặp sự kháng cự nào.
Trong vòng hai tuần, Hồng quân Liên Xô đột phá qua mặt trận có chiều rộng tới 340km, tiêu diệt 120.000 lính phe phát xít, bắt 60.000 tù binh, gần 2.000 pháo các loại, 176 xe tăng và 370 máy bay. Đức buộc phải rút quân và từ bỏ tham vọng giải cứu lực lượng bị bao vây tại Stalingrad.
Giới sử gia nhận định, không quân Liên Xô đã góp phần không nhỏ vào thành công của Chiến dịch Tiểu Thổ Tinh, khi chiếm ưu thế trên không, ngăn chặn không quân Đức tấn công lực lượng bộ binh, đồng thời yểm trợ các đơn vị Hồng quân dưới mặt đất.
Trận chiến giành giật Kuban
Tới mùa xuân 1943, không quân Liên Xô bắt đầu thách thức quyền thống trị trên không của phe phát xít tại Mặt trận phía Đông. Hai bên tiến hành những trận không chiến dữ dội ở phía nam sông Kuban, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6-1943. Không quân Đức muốn lợi dụng ưu thế số lượng và chiến thuật nhằm hủy diệt các đơn vị không quân Liên Xô, trước khi dành sự chú ý cho nhiệm vụ yểm trợ mặt đất.
Lực lượng phe Trục (Đức, Ý, Nhật) gồm 1.200 máy bay, chủ yếu là tiêm kích BF-109 và FW-190, oanh tạc cơ He-111 và Ju-87 cùng phi cơ đa năng Ju-88. Phía Liên Xô triển khai các tiêm kích LaGG-3, La-5, Yak-1B, Yak-7, P-39 Airacobra, P-40E Kittyhawk và British Spitfire MK.V, cũng như oanh tạc cơ Pe-2, cường kích Il-2 và Il-4.
Trong chiến dịch không chiến tại bán đảo Kuban, Không quân Liên Xô đã áp dụng chiến thuật "tầng mây giông" khiến Không quân Đức chịu thiệt hại nặng. Ảnh:Wikipedia.
Chiến dịch tại Kuban được chia làm ba giai đoạn, mở đầu là những trận đánh từ ngày 17 đến ngày 24-4-1943 trên khu vực Myskhako, vùng Krasnodar. Quân đội Đức với sự yểm trợ của không quân tìm cách chặn đứng, tiêu diệt Tập đoàn quân số 18 của Liên Xô.
Đức triển khai 450 oanh tạc cơ và 200 tiêm kích, Liên Xô có 500 phi cơ, trong đó gồm 100 máy bay ném bom. Không quân Đức chiếm ưu thế trên không, nhưng máy bay Liên Xô ngăn cản họ đạt được mục tiêu chiến dịch là ngăn chặn đà tiến công của Tập đoàn quân số 18.
Giai đoạn hai khởi đầu vào ngày 28-4 trên ngôi làng Krymskaya. Chỉ trong vòng ba giờ đầu tiên, không quân Đức thực hiện 1.500 chuyến xuất kích để chặn đối phương. Không quân Liên Xô đáp trả vào ngày hôm sau với 379 lần xuất kích nhằm vào bộ binh Đức.
Những trận không chiến ác liệt kéo dài tới tháng 5, khiến mỗi bên mất hàng chục máy bay. Tiêm kích Liên Xô hoạt động với hiệu suất chiến đấu cao, buộc oanh tạc cơ Đức phải nâng trần bay ở độ cao 3.000-5.000m, hạn chế độ chính xác của các đợt ném bom.
Giai đoạn cuối kéo dài từ ngày 26-5 đến 7-6, với hàng loạt trận đánh trên bầu trời làng Kievskaya và Moldavskaya, nơi Đức vẫn duy trì ưu thế trên không. Tuy nhiên, các đơn vị tiêm kích Liên Xô tấn công dữ dội, dần làm suy giảm sức mạnh của không quân Đức và chấm dứt sự thống trị của họ trên mặt trận Xô - Đức vào giữa năm 1943.
Trong vòng ba tháng diễn ra chiến dịch Kuban, Liên Xô mất khoảng 750 máy bay, nhưng đã hủy diệt 1.100 máy bay của đối phương.
Hủy diệt không quân tiền phương của phát xít Đức
Liên Xô từng mất hàng nghìn máy bay dưới mặt đất trong chiến dịch tấn công bất ngờ của Đức vào tháng 6-1941. Món nợ này được trả trong giai đoạn từ ngày 6 đến 8-5-1943, khi không quân Liên Xô mở cuộc tập kích quy mô lớn nhằm vào sân bay quân sự của Đức, giành lại quyền kiểm soát bầu trời ở khu vực trung và nam Mặt trận phía Đông.
Tình báo Liên Xô trước đó đã nắm được kế hoạch tiến công của Đức tại vành đai Kursk, thúc đẩy các chỉ huy nước này mở chiến dịch làm suy yếu không quân Đức, hạn chế hiệu quả tác chiến trong tương lai.
Sáng ngày 6-5-1943, 434 máy bay Liên Xô đồng loạt tấn công 17 sân bay Đức, tiêu diệt 200 phi cơ đậu trên mặt đất và bắn rơi 21 chiếc khác. Các phi đội Liên Xô quay lại vào lúc 3 giờ chiều, sử dụng 372 máy bay để phá hủy 20 sân bay khác. Đợt tấn công thứ ba diễn ra vào sáng 7-5-1943 nhằm vào 22 căn cứ. Đòn tập kích quy mô lớn này buộc không quân Đức rút các phi đội chiến đấu về hậu phương, đồng thời ngụy trang kỹ càng để tránh bị tiêu diệt.
Sau cuộc chiến ở Kuban, không quân phát xít Đức đã mất hoàn toàn ưu thế trên không trước Hồng quân. Ảnh:Wikipedia.
Đức mất tổng cộng 500 máy bay chỉ trong vòng hai ngày, trong khi Liên Xô chỉ bị thiệt hại 122 chiếc. Sức mạnh không quân Đức cũng bị suy giảm mạnh trước trận đánh vòng cung Kursk, nơi 2.150 máy bay Liên Xô đối đầu với 2.050 phi cơ Đức. Chiến dịch được coi là thành công cho Moscow, trở thành bài học quý và nền tảng cho các kế hoạch tác chiến đường không sau đó.
Tình báo Anh đánh giá, áp lực từ không quân Liên Xô trong năm 1943 dẫn tới sự kiệt quệ của không quân Đức, khiến lực lượng này mất hoàn toàn khả năng thực hiện các chiến dịch quy mô lớn.
TUẤN SƠN (tổng hợp)