Sachs kết thúc việc khám nghiệm hiện trường tại ngôi nhà ở Brooklyn, gửi số chứng cứ quá ít ỏi mà cô có thể tìm thấy về cho Rhyme.
Cô cởi bộ đồ Tyvek và mặc chiếc áo khoác vào, vội vã đi qua cái lạnh cắt da cắt thịt tới chỗ Sellitto đỗ xe. Ngồi ở đằng sau xe là Pam Willoughby, cô bé đang ôm chặt cuốn Harry Potter và nhấm nháp cốc sô-cô-la nóng do viên thám tử to béo xoay xở kiếm được. Ông ta vẫn còn ở bên trong ngôi nhà bí mật của đối tượng, làm nốt các thủ tục. Sachs trèo vào xe và ngồi bên cạnh cô bé. Theo gợi ý của Kathryn Dance, họ đã đưa cô gái nhỏ đến đây cùng xem xét nơi trú ngụ và tài sản của Thợ Đồng Hồ với hy vọng rằng một cái gì đó có thể hỗ trợ trí nhớ của cô. Nhưng gã đàn ông chẳng bỏ lại nhiều thứ và dù sao Pammy cũng không trông thấy gì khiến cô có thể cung cấp thêm thông tin.
Mỉm cười, Sachs quan sát cô gái nhỏ, nhớ vẻ hy vọng lạ lùng khi cô nhìn thấy cô bé trên chiếc xe đi thuê tại hiện trường đầu tiên. Nữ cảnh sát nói: “Suốt mấy năm qua, cô nghĩ tới cháu rất nhiều”.
“Cháu cũng thế”, cô gái nhỏ đáp, nhìn xuống cái cốc của mình.
“Sau khi đến New York, cháu đi đâu?”
“Mẹ con cháu trở về Missouri và lẩn trốn trong rừng. Mẹ hay để cháu ở cùng những người khác. Hầu như cháu toàn một mình, đọc sách. Cháu chẳng hòa hợp lắm với ai cả. Họ đối xử tệ với cháu. Nếu cô không nghĩ như họ nghĩ, mà những điều họ nghĩ rất kinh khủng, họ sẽ hoàn toàn bỏ rơi cô.
Nhiều người học tập tại nhà. Nhưng cháu thực sự muốn đến trường và làm ầm ĩ lên. Bud không muốn, nhưng mẹ rốt cuộc đồng ý. Tuy nhiên, bà ấy bảo nếu cháu tiết lộ cho bất cứ ai về bà ấy, về việc bà ấy làm, cháu cũng sẽ bị đi tù như một kẻ trợ thủ... không, một kẻ đồng lõa. Và ở đó đàn ông sẽ giở trò với cháu. Cô biết là cháu đang nói tới chuyện gì.”
“Ôi, cháu yêu.”
Sachs siết chặt bàn tay cô bé. Amelia Sachs muốn có con vô cùng, và biết rằng, cách này hay cách khác, trong tương lai cô sẽ có con. Cô xúc động sâu sắc khi một người mẹ lại để con mình phải trải qua những điều này.
“Và đôi lúc, khi cuộc sống thực sự tồi tệ, cháu vẫn nghĩ tới cô và tưởng tượng rằng cô là mẹ cháu. Cháu không biết tên cô. Có thể hồi đó cháu đã nghe tên cô rồi nhưng cháu chẳng thể nhớ được. Nên cháu đặt cho cô một cái tên khác: Artemis. Cháu đọc những câu chuyện thần thoại từ cuốn sách này. Đó là nữ thần săn bắn. Vì cô giết chết bọn chó dại, bọn người đang tấn công cháu.” Cô bé nhìn xuống. “Đó là một cái tên thật ngớ ngẩn.”
“Không, không, đó là một cái tên tuyệt vời. Cô rất yêu cái tên ấy... Cháu đã nhận ra cô trong con hẻm hôm thứ Ba, đúng không? Lúc cháu ngồi trên xe?”
“Vâng. Cháu nghĩ trời xui khiến cô ở đó, để lại cứu cháu. Cô có cho là có những chuyện như thế xảy ra không?”
Không, Sachs không tin. Nhưng cô nói: “Đôi lúc, cuộc sống diễn ra theo những cách rất lạ lùng”.
Một chiếc xe loại được chế tạo để chạy trong thành phố đỗ lại và một người làm công tác xã hội mà Sachs quen biết bước ra, đi đến chỗ họ.
“Ôi chao.” Người phụ nữ gốc Phi xinh đẹp xoa xoa hai bàn tay vào nhau trước cái máy sưởi. “Thậm chí chưa chính thức bắt đầu mùa đông. Lạnh như thế này thật không chịu đựng nổi.” Chị ta đã thu xếp cho cô gái nhỏ và giờ đang trình bày: “Chúng tôi tìm thấy mấy gia đình muốn nhận con nuôi thực sự tốt. Có một gia đình ở Riverdale tôi quen biết nhiều năm nay rồi. Cháu sẽ lưu lại đó vài ngày tới, trong lúc chúng tôi thử xem có thể lần ra một số bà con của cháu không”.
Pammy cau mày. “Cháu có thể mang một cái tên mới không?”
“Một cái tên mới?”
“Cháu không muốn là cháu nữa. Cháu không muốn mẹ lại nói chuyện với cháu. Và cháu không muốn bất cứ ai mà mẹ cháu có quan hệ tìm thấy cháu.”
Sachs giành quyền nói trước dù cho người phụ nữ làm công tác xã hội kia sắp sửa nói gì: “Chúng ta đảm bảo là sẽ không có gì xảy ra với cháu. Một lời hứa đấy”.
Pammy ôm lấy Sachs.
“Vậy cô có thể gặp lại cháu?”, Sachs hỏi.
Cố gắng kiềm chế nỗi phấn chấn trước việc này, cô gái nhỏ đáp: “Cháu nghĩ là có thể. Nếu cô muốn”.
“Đi mua sắm vào ngày mai, cháu thấy thế nào?”
“Được. Chắc chắn được ạ.”
“Tốt. Một cuộc hẹn đấy nhé.” Sachs chợt nảy ra một ý tưởng. “Này, cháu thích chó không?”
“Có ạ, mấy người cháu sống cùng ở Missouri nuôi một con. Cháu ưa nó hơn bọn họ.”
Sachs gọi cho Thom đang ở nhà Rhyme. “Có một câu hỏi.”
“Xin mời.”
“Đã ai nhận nuôi Jackson chưa?”
“Chưa. Nó vẫn chờ người nhận nuôi đấy.”
“Chẳng phải đăng tin tìm người nhận nuôi nó nữa”, Sachs nói. Cô ngắt máy và nhìn Pam. “Cô có một món quà Giáng sinh sớm cho cháu.”
Đôi khi, thậm chí những chiếc đồng hồ đeo tay được chế tạo tinh vi nhất cũng đơn giản là không hoạt động.
Nếu người ta suy nghĩ về chúng, người ta sẽ thấy chúng thực sự rất dễ gặp trục trặc. Năm trăm, một nghìn bộ phận chuyển động tí hon, những chiếc vít, những lò xo, chân kính nhỏ li ti, tất cả được lắp ráp một cách chính xác, hàng chục chuyển động riêng rẽ làm thành một hợp xướng... Hàng trăm thứ có thể bị nhầm lẫn. Đôi khi người thợ đồng hồ tính toán sai, đôi khi một mẩu kim loại bé xíu không hoàn hảo, đôi khi chủ sở hữu chiếc đồng hồ lên dây cót quá chặt. Đôi khi anh ta đánh rơi nó. Hay hơi ẩm luồn vào bên dưới vỏ kính.
Rồi chiếc đồng hồ lại có thể hoạt động chính xác trong môi trường này mà không hoạt động chính xác trong môi trường khác. Thậm chí chiếc đồng hồ danh tiếng Rolex Oyster Vĩnh cửu, mang tính cách mạng vì là chiếc đồng hồ đầu tiên thuộc dòng xa xỉ dành cho các thợ lặn, cũng chỉ chịu được những mức áp suất nhất định dưới nước.
Lúc bấy giờ, gần Công viên Trung tâm, Charles Vespasian Hale ngồi trong chiếc xe của chính gã, gã đã lái đến đây từ San Diego - chẳng để lại dấu vết gì, nếu mua xăng bằng tiền mặt và tránh những tuyến đường phải trả phí giao thông. Gã đang tự hỏi yếu tố nào khiến kế hoạch mà gã vạch ra không được thuận buồm xuôi gió.
Gã cá rằng câu trả lời là cảnh sát, đặc biệt là Lincoln Rhyme. Hale đã làm mọi việc gã có thể nghĩ ra để dự đoán những động thái của Rhyme. Nhưng người cựu cảnh sát rốt cuộc cứ đi trước gã một chút. Rhyme thực hiện chính xác cái điều gã lo lắng - anh quan sát vài bánh răng, vài đòn bẩy, rồi từ đó suy ra được cách lắp ráp toàn bộ chiếc đồng hồ của Hale.
Gã sẽ có vô khối thời gian xem xét lại những sai sót và tương lai cố gắng tránh để xuất hiện những sai sót này. Gã sẽ lái xe trở về California, rời khỏi đây ngay tức khắc. Gã liếc nhìn gương mặt mình trong gương chiếu hậu. Gã đã nhuộm lại màu tóc tự nhiên, đã tháo cặp kính áp tròng màu xanh lơ nhạt, nhưng chất collagen1, khiến gã có chiếc mũi dày, cặp má phị và cái cằm đôi, vẫn còn nằm dưới lớp da gã. Và sẽ mất hàng tháng trời gã mới lấy lại được gần 20 cân phải giảm đi vì phi vụ này, để trở về là chính bản thân gã. Gã cảm thấy ốm yếu, uể oải sau khoảng thời gian vừa qua ở thành phố và cần trở về với thiên nhiên hoang dã, với núi đồi.
1 Protein co giãn như cao su, đóng vai trò cấu trúc chính trong cơ thể động vật có xương sống.
Đúng, Hale đã thất bại. Nhưng, như gã nói với Vincent Reynolds, điều ấy chẳng nhằm nhò gì trong cả cái kế hoạch vĩ đại. Gã không lo lắng về việc Charlotte Allerton bị bắt. Bọn ả đâu biết danh tính thực sự của gã (suốt từ bấy tới giờ bọn ả đinh ninh rằng gã tên thật là Duncan) và những tiếp xúc ban đầu được thông qua các cá nhân cực kỳ kín đáo.
Hơn nữa, thực tế thì sự thất bại lại có mặt tích cực - Hale đã biết được một điều làm thay đổi cuộc đời gã. Gã sáng tạo ra nhân vật Thợ Đồng Hồ đơn giản vì nhân vật này có vẻ rùng rợn, sẽ khiến dân chúng và cảnh sát xuất hiện mối quan tâm vốn vẫn dành cho loại tội phạm của những chương trình tin tức giật gân ly kỳ.
Nhưng khi vào vai, Hale ngạc nhiên với phát hiện rằng nhân vật này chính là hiện thân cho cái bản ngã đích thực của gã. Việc vào vai giống như là trở về nhà vậy. Gã đâm ra mê say thời gian và các loại đồng hồ. (Gã cũng hình thành nên niềm thích thú lâu dài đối với chiếc đồng hồ Delphi, đánh cắp nó vào lúc nào đó sau này là khả năng quá ư rõ ràng.)
Thợ Đồng Hồ...
Bản thân Charles Hale đơn giản là một chiếc đồng hồ. Người ta có thể sử dụng một chiếc đồng hồ cho những việc vui vẻ như kiểm tra những cơn co bóp dạ con chờ đợi sự ra đời của một đứa bé. Hay những việc dã man như phối hợp thời gian để thực hiện một vụ cướp bóc, tàn sát phụ nữ và trẻ em.
Thời gian vượt qua giới hạn đạo đức.
Hale lúc này nhìn xuống cái vật nằm trên ghế bên cạnh mình, chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng Breguet. Với đôi bàn tay đeo găng, gã cầm nó lên, chậm rãi vặn dây cót - vặn dây cót không hết cỡ bao giờ cũng tốt hơn - rồi cẩn thận đút nó vào giữa hai lớp nilon xốp trong cái phong bì lớn màu trắng.
Hale đậy nắp phong bì có dính sẵn và nổ máy.
Chẳng manh mối rõ rệt nào cả.
Rhyme, Sellitto, Cooper và Pulaski đang ngồi trong phòng thí nghiệm trên đường Tây Công viên Trung tâm, xem xét những thứ quá ít ỏi được tìm thấy tại ngôi nhà bí mật của đối tượng bên Brooklyn.
Amelia Sachs lúc này không có mặt. Cô chẳng thông báo mình đi đâu. Nhưng cô cũng chẳng cần phải thông báo. Cô đã bảo Thom rằng cô ở gần đấy, nếu mọi người muốn gọi cô - tham gia một cuộc họp chỗ góc phố 6 và 57. Rhyme đã kiểm tra danh bạ điện thoại. Đó là trụ sở công ty Argyle.
Rhyme đơn giản không thể suy nghĩ tới việc ấy, và anh đang tập trung vào vấn đề làm thế nào tiếp tục tìm kiếm Thợ Đồng Hồ, dù gã có là ai chăng nữa.
Xem xét ngược trở lại, Rhyme dựng lên sơ bộ bối cảnh các sự kiện. Buổi lễ được thông báo ngày 15 tháng 10, vậy Carol và Bud đã liên lạc với Thợ Đồng Hồ vào khoảng thời gian này. Gã đến New York chừng mùng 1 tháng 11, ngày ngôi nhà bí mật ở Brooklyn bắt đầu được thuê. Mấy tuần sau đó, Amelia Sachs nhận vụ Creeley, rồi tiếp theo không bao lâu, Baker và Wallace quyết định cho thủ tiêu cô.
“Lúc này bọn chúng móc nối với Thợ Đồng Hồ. Khi chúng ta tưởng hắn là Duncan, hắn nói với chúng ta thế nào nhỉ? Về việc bọn chúng gặp gỡ ấy?”
Sellitto trả lời: “Chỉ là ai đó ở câu lạc bộ đã giới thiệu bọn chúng với nhau, cái câu lạc bộ nơi Baker động đến bạn hắn”.
“Nhưng hắn nói dối. Không có câu lạc bộ nào...” Rhyme lắc đầu. “Kẻ nào đó đã giới thiệu bọn chúng với nhau, kẻ nào đó biết Thợ Đồng Hồ... có thể là kẻ nào đó ở thành phố này. Nếu chúng ta phát hiện ra được kẻ ấy, có thể sẽ có những manh mối chắc chắn. Baker có khai gì không?”
“Không, không một lời. Không đứa nào mở miệng.”
Chàng cảnh sát trẻ lắc đầu. “Đó sẽ là một việc khó khăn. Tôi muốn nói, có bao nhiêu băng nhóm tội phạm có tổ chức trong thành phố này? Biết đến lúc nào mới lần ra được đúng kẻ ấy. Xem chừng chẳng ai định tình nguyện giúp đỡ chúng ta đâu.”
Nhà hình sự học cau mày. “Cậu đang nói tới cái gì? Một băng nhóm tội phạm có tổ chức thì đóng vai trò gì?”
“Chà, tôi chỉ nghĩ kẻ nào đó có liên quan tới giới tội phạm có tổ chức chính là kẻ đã giới thiệu bọn chúng với nhau.”
“Tại sao?”
“Baker muốn thủ tiêu một cảnh sát, đúng không ạ? Tuy nhiên hắn chẳng thể thực hiện theo cái cách khiến hắn bị nghi ngờ, bởi vậy hắn phải thuê kẻ nào đó. Hắn đến chỗ quen biết thuộc giới tội phạm có tổ chức. Nhưng chỗ quen biết ấy không làm việc giết cảnh sát, nên giới thiệu Baker với một tên có thể làm việc này: Thợ Đồng Hồ.”
Chẳng ai nói gì, Pulaski đỏ bừng mặt và nhìn xuống. “Tôi không biết. Chỉ là một ý nghĩ thế thôi.”
“Và là một ý nghĩ quá hay, cậu chàng ạ”, Sellitto nói.
“Thật à?”
Rhyme gật đầu. “Không tồi... Hãy gọi cho lực lượng đặc nhiệm về tội phạm có tổ chức và thử xem đám đưa tin của họ có thể cung cấp tin tức gì. Gọi cho Dellray nữa... Bây giờ, chúng ta sẽ quay lại với các chứng cứ.”
Họ xác định được một số dấu vân tay tại ngôi nhà bí mật ở Brooklyn, nhưng chẳng dấu vân tay nào cho kết quả theo Hệ thống nhận dạng vân tay tự động và chẳng dấu vân tay nào phù hợp với dấu vân tay trên những hiện trường trước. Ngôi nhà được thuê dưới một cái tên giả khác và một địa chỉ giả. Đây là hợp đồng giao dịch sử dụng tiền mặt. Kiểm tra kỹ lưỡng việc truy cập Internet trong khu vực thì thấy gã đàn ông xem chừng thi thoảng truy cập qua vài mạng không dây xung quanh đấy. Không phát hiện được các hộp thư điện tử, chỉ có các website đã truy cập. Trang Web mà Thợ Đồng Hồ vào thường xuyên nhất là của một cửa hiệu sách bán các giáo trình cho một số chuyên ngành Y khoa bậc đại học.
Sellitto nói: “Bậy thật, lại một kẻ nào nữa đã thuê hắn”.
Chắc chắn, Rhyme tự nhủ thầm, gật đầu. “Hắn sẽ nhằm vào một, hoặc một số, nạn nhân khác. Biết đâu ngay bây giờ hắn đang xây dựng kế hoạch. Nghĩ xem hắn có thể gây ra tai họa như thế nào khi đóng giả một bác sĩ.”
Và ta đã để hắn trốn thoát.
Xem xét chỗ chứng cứ Sachs thu thập được, thấy hầu như không có gì hơn ngoài những cái sợi tuột từ cổ len của áo khoác và vài mẩu thực vật màu xanh đọng dấu vết nước biển - tuy nhiên hóa ra chẳng phù hợp với rong và nước biển phát hiện xung quanh chiếc thuyền của Robert Wallace ở Long Island.
Viên phó thanh tra phụ trách đồn cảnh sát khu vực bên Brooklyn gọi điện thông báo rằng việc tìm hiểu thêm trong khu vực là vô ích. Năm, sáu người nhớ đã gặp Thợ Đồng Hồ, nhưng không ai biết gì về gã.
Đối với Charlotte và gã chồng mới chết của ả, Bud Allerton, quá trình điều tra đạt kết quả mỹ mãn hơn nhiều. Đôi vợ chồng còn lâu mới thận trọng bằng Thợ Đồng Hồ. Sachs tìm thấy số lượng lớn chứng cứ về các nhóm vũ trang bí mật đã chứa chấp bọn chúng cũng như về cái Hội đồng Ái quốc khét tiếng trên mạn phía bắc thành phố New York, mà Rhyme và Sachs từng đụng độ. Những cuộc điện thoại, dấu vân tay, email... cung cấp cho FBI và cảnh sát bang vô số manh mối truy lùng.
Chuông cửa reo và Thom rời khỏi căn phòng đi ra mở cửa. Lát sau, anh ta quay vào với một người phụ nữ mặc quân phục. Đây là Lucy Richter, “nạn nhân” thứ tư của Thợ Đồng Hồ. Rhyme để ý thấy cô ngạc nhiên vì phòng thí nghiệm giám định vật chứng trong ngôi nhà của anh hơn việc anh bị tàn tật. Rồi anh ý thức được rằng người phụ nữ này đã tham gia vào một thể loại chiến tranh nơi những quả bom là thứ vũ khí mà người ta lựa chọn, hiển nhiên là cô đã chứng kiến đủ kiểu mất tay chân, liệt bán thân hay toàn thân. Tình trạng của Rhyme không khiến cô bối rối.
Lucy giải thích là cô mới gọi điện cho Kathryn Dance, nói muốn trao đổi với các nhân viên điều tra. Nữ thám tử của California đề nghị cô gọi điện hoặc ghé nhà Rhyme.
Thom ngó vào hỏi cô uống chè hay cà phê. Thường ghét khách khứa và không thích khuyến khích bất cứ ai nấn ná chưa ra về, Rhyme lúc này, trái lại, trừng mắt với anh chàng phụ tá.
“Chị ấy có lẽ đang đói đấy, Thom. Hoặc có lẽ muốn uống gì đó chất hơn. Rượu Scotch chẳng hạn.”
“Chỉ là không hiểu nổi anh thôi”, Thom nói. “Không biết rằng lại có một quy tắc hiếu khách dành cho các quân nhân trong ấn bản Lincoln Rhyme của Emily Post2.”
2 Emily Post (1873 - 1960): tác giả người Mỹ, viết sách xoay quanh chủ đề phép xã giao.
“Cảm ơn, nhưng tôi không dùng gì”, Lucy nói. “Tôi không ở đây lâu được. Đầu tiên, tôi muốn cảm ơn các vị. Vì đã cứu tính mạng tôi, hai lần.”
“Thực ra...”, Sellitto bình luận, “... lần thứ nhất chị không gặp nguy hiểm. Hắn không hề định làm hại chị, hay bất cứ nạn nhân nào. Lần thứ hai ấy à? Chà, được, xin nhận, vì hắn muốn cho nổ tan tành phòng hội nghị”.
“Gia đình tôi cũng ở đó”, Lucy nói. “Tôi không thể nào cảm ơn cho đủ.”
Rhyme, vẫn luôn luôn như vậy, cảm thấy bực bội với chuyện cảm ơn, tuy nhiên anh cũng gật đầu trước cái mà anh cho là một lời cảm ơn đúng đắn.
“Lý do tiếp theo là tôi phát hiện ra một chi tiết có thể hữu ích. Tôi đã nói chuyện với những người hàng xóm về thời điểm hắn đột nhập. Một người đàn ông, anh ta sống cách đó ba tòa nhà, kể cho tôi một chi tiết. Anh ta bảo rằng hôm qua, trong lúc nhận một món hàng đằng sau tòa nhà, anh ta phát hiện ra một sợi dây từ mái nhà buông xuống con hẻm. Anh có thể đi từ mái tòa nhà tôi ở sang đó khá dễ dàng. Tôi nghĩ đấy có thể là cách hắn tẩu thoát.”
“Thật thú vị”, Rhyme nhận xét.
“Nhưng còn một việc nữa. Chồng tôi đã xem sợi dây. Bob từng hai năm là lính đặc nhiệm hải quân Mỹ...”
“Hải quân? Còn chị thuộc lục quân?”, Pulaski vừa hỏi vừa cười thành tiếng.
Lucy mỉm cười. “Thi thoảng chúng tôi lại có những cuộc thảo luận... thú vị. Đặc biệt vào mùa bóng bầu dục. Dù sao, anh ấy cũng đã xem sợi dây và nói bất cứ ai buộc sợi dây này đều biết mình đang làm gì. Nó là một nút buộc hiếm gặp, sử dụng trong môn leo núi bằng dây thừng. Nó được gọi là nút buộc của người chết. Anh không hay gặp nó ở Mỹ, mà chủ yếu ở châu Âu. Hắn chắc chắn từng leo vách đá hoặc leo núi ở nước ngoài.”
“A, một thông tin chẳng dễ dàng gì có được.” Rhyme vẻ phiền muộn liếc nhìn Pulaski. “Thật xấu hổ khi nạn nhân phải tự phát hiện chứng cứ, cậu nghĩ thế chứ? Điều này thực sự nằm trong bản mô tả công việc của chúng ta đấy.” Anh quay sang Lucy. “Sợi dây vẫn còn ở đó à?”
“Vâng.”
“Tốt... Chị sẽ ở thành phố một thời gian?”, Rhyme hỏi. “Nếu chúng tôi bắt được hắn, chúng tôi có thể cần chị làm chứng tại tòa.”
“Tôi sắp sửa trở ra nước ngoài rồi. Nhưng tôi chắc chắn có thể quay về dự xét xử. Tôi có thể xin nghỉ phép đặc biệt.”
“Chị sẽ sang đấy bao lâu?”
“Tôi đăng ký hai năm.”
“Chị đăng ký rồi?”, Sellitto hỏi.
“Đầu tiên tôi chẳng nghĩ sẽ quay lại. Ở đấy rất khắc nghiệt. Nhưng rồi tôi đã quyết định quay lại.”
“Vì vụ đánh bom tại buổi lễ?”
“Không, ngay trước đấy. Tôi nhìn các gia đình và những quân nhân khác, nghĩ cũng kỳ lạ khi cuộc đời đặt người ta vào những chốn người ta chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ ở đó. Nhưng người ta ở đó, làm những việc tốt đẹp, quan trọng và căn bản là cảm thấy đúng đắn. Vậy đấy.” Lucy mặc áo khoác. “Nếu các vị cần tôi, tôi sẽ xin nghỉ phép để về nhà.”
Họ chào nhau và Thom tiễn Lucy ra cửa.
Khi anh chàng phụ tá quay vào, Rhyme bảo anh ta: “Bổ sung cho mô tả sơ lược đối tượng. Một tay leo vách đá hoặc leo núi, có khả năng được đào tạo bên châu Âu”. Quay sang Pulaski, Rhyme nói: “Và cử ai đó thuộc đơn vị Khám nghiệm hiện trường đi lấy sợi dây mà cậu đã bỏ qua lúc trước...”.
“Thực tế, tôi không hẳn là người xem xét...”
“... rồi tìm một chuyên gia về leo trèo. Tôi muốn biết hắn có thể đã được đào tạo tại đâu. Và kiểm tra sợi dây nữa. Hắn mua nó ở chỗ nào, bao giờ?”
“Vâng, thưa sếp.”
Mười lăm phút sau, chuông cửa lại reo và Thom quay vào với Kathryn Dance. Đôi tai nghe máy iPod màu trắng lủng lẳng qua vai, cô chào tất cả mọi người. Cô cầm một chiếc phong bì cỡ A4 màu trắng.
“Chào chị”, Pulaski nói
Rhyme nhướn một bên mày.
“Tôi đang trên đường ra sân bay”, Dance giải thích. “Chỉ muốn tạm biệt mọi người. Ồ, cái này nằm trên bậc cửa.”
Dance đưa chiếc phong bì cho Thom.
Anh chàng phụ tá liếc nhìn nó. “Không địa chỉ người gửi.” Anh ta cau mày.
“Hãy đảm bảo an toàn”, Rhyme nói. “Cái giỏ.”
Sellitto cầm chiếc phong bì và bước tới chỗ một cái thùng lớn đan bằng các thanh thép - giống như một cái giỏ mây đựng đồ đem đi giặt. Ông ta đặt chiếc phong bì vào bên trong, kẹp chặt nắp thùng lại. Lẽ dĩ nhiên, bất cứ cái gói chưa được xác định nào cũng đều phải vào giỏ xử lý bom, thiết bị có tác dụng vô hiệu hóa những quả bom tự chế cỡ từ nhỏ đến vừa. Nó bao gồm các bộ phận cảm biến nhận ra được dấu hiệu của các muối nitrate và các loại thuốc nổ thông thường khác.
Máy vi tính đánh hơi chiếc phong bì, thông báo rằng không phải bom.
Đeo găng tay cao su, Cooper lấy chiếc phong bì ra xem xét. Nó mang một cái nhãn in trên máy vi tính, chẳng có gì ngoài hai từ Lincoln Rhyme.
“Dính sẵn”, người kỹ thuật viên bổ sung, nhăn mặt vẻ chấp nhận. Các nhà hình sự học ưa kiểu phong bì cũ hơn, kiểu phong bì mà các đối tượng phải liếm, nước bọt là một nguồn đầy ADN. Cooper nói thêm rằng loại phong bì này rất quen thuộc, nó được bán tại tất cả các cửa hiệu trên toàn quốc, hầu như không thể truy nguyên.
Rhyme lăn xe lại gần và, với Dance bên cạnh, quan sát người kỹ thuật viên rút ra một chiếc đồng hồ bỏ túi và một bức thư, cũng in trên máy vi tính.
“Hắn gửi”, Cooper thông báo.
Chiếc phong bì nằm đó chưa đầy mười lăm phút - khoảng thời gian từ lúc Lucy Richter ra về tới lúc Dance đến. Sellitto gọi vào Trung tâm yêu cầu một số xe của đồn cảnh sát khu vực 20 rà soát khắp khu vực này. Cooper gửi qua email cho đồn Hai mươi bức ảnh chắp ghép thể hiện khuôn mặt Thợ Đồng Hồ.
Chiếc đồng hồ đang chạy tích tắc và chỉ giờ chính xác. Nó làm bằng vàng và trên mặt nó có vài cái mặt nhỏ.
“Nặng”, Cooper nói. Anh ta đeo kính lúp lên và xem xét nó tỉ mỉ hơn. “Trông cũ kỹ, có dấu hiệu hao mòn... không khắc đánh dấu tên họ.” Anh ta lấy cái chổi lông lạc đà và quét chiếc đồng hồ bên trên một tờ giấy loại dùng để in báo. Cả chiếc phong bì. Không thấy dấu vết nào rơi ra.
“Đây là bức thư, Lincoln.” Cooper đặt nó vào máy chiếu.
Ngài Rhyme kính mến,
Tôi sẽ chẳng còn ở đây lúc ngài nhận được bức thư này. Tất nhiên, bây giờ thì tôi đã biết rằng không ai tới dự buổi lễ bị thương vong gì. Tôi đi đến kết luận ngài đã dự đoán trước được kế hoạch của tôi. Rồi tôi cũng lại dự đoán trước được kế hoạch của ngài và hoãn chuyến viếng thăm Charlotte tại khách sạn, việc ấy cho tôi cơ hội nhận ra những cảnh sát của ngài. Tôi đồ rằng ngài đã cứu được con gái ả. Tôi hài lòng vì điều đó. Nó xứng đáng hưởng những cái tốt đẹp hơn là cặp vợ chồng kia.
Vậy xin chúc mừng. Tôi cứ nghĩ kế hoạch ấy hoàn hảo. Nhưng rõ ràng tôi đã nhầm.
Chiếc đồng hồ bỏ túi là một chiếc hiệu Breguet. Nó là chiếc đồng hồ tôi yêu thích trong số rất nhiều đồng hồ tôi từng gặp. Nó được sản xuất từ đầu thế kỷ XIX, có một cái hồi hình trụ bằng hồng ngọc, một lịch vạn niên và một dù chống sốc. Tôi hy vọng ngài hiểu được cửa sổ thể hiện các kỳ trăng, khi xem xét lại những cuộc phiêu lưu vừa qua của chúng ta. Trên thế giới hiếm có hiện vật nào như chiếc đồng hồ này. Tôi xin tặng nó cho ngài, vì lòng kính trọng. Chưa ai từng khiến tôi không hoàn thành một công việc, ngài giỏi như vậy đấy. (Tôi cũng định nói ngài giỏi như tôi, tuy nhiên điều ấy không hoàn toàn đúng. Suy cho cùng thì ngài không bắt được tôi.) Nhớ lên dây cót chiếc Breguet (nhưng nhẹ nhàng thôi); nó sẽ đếm thời gian từ nay tới lúc chúng ta gặp lại.
Lời khuyên: Nếu tôi là ngài, tôi sẽ chẳng để nó bỏ lỡ một giây nào cả.
Thợ Đồng Hồ
Sellitto nhăn mặt.
“Gì thế?”, Rhyme hỏi.
“Anh nhận được những lời đe dọa sang trọng hơn tôi đấy, Linc ạ. Thông thường thì các đối tượng của tôi chỉ nói: “Tao sẽ giết mày”. Và thế là cái quái quỷ gì?” Sellitto chỉ bức thư. “Một dấu chấm phẩy? Hắn đe dọa anh và hắn sử dụng dấu chấm phẩy. Thật chả ra sao.”
Rhyme không cười. Anh vẫn điên tiết vì gã đàn ông trốn thoát mất - và cũng điên tiết vì hắn rõ ràng chẳng có nguyện vọng về hưu.
“Lon, khi anh chán nói những câu bông lớn vớ vẩn, anh có thể sẽ muốn để ý thấy rằng kiến thức ngữ pháp của hắn hoàn hảo. Điều ấy cho chúng ta biết thêm về hắn. Được học hành hẳn hoi. Trường tư? Có học bổng? Tốt nghiệp xuất sắc? Ghi lên bảng, Thom.”
Sellitto nói bình thản: “Những dấu chấm phẩy chết tiệt”.
“Có cái gì đây này”, Cooper nói, ngẩng lên khỏi màn hình máy vi tính. “Mẫu vật màu xanh lá cây tìm thấy tại ngôi nhà ở Brooklyn à? Tôi khá chắc chắn đó là Caulerpa taxifolia. Một loài rong độc.”
“Một loài gì?”
“Nó là một loài rong biển sinh sôi nảy nở không kiểm soát được. Gây ra đủ thứ vấn đề. Đã bị cấm ở Mỹ.”
“Và có lẽ, nếu nó sinh sôi nảy nở tràn lan, người ta tìm thấy nó ở mọi nơi”, Rhyme nói cáu kỉnh. “Một bằng chứng vô ích.”
“Thực tế, không phải vậy”, Cooper giải thích. “Cho tới nay, nó chỉ được tìm thấy trên bờ biển Thái Bình Dương của Bắc Mỹ.”
“Từ Mexico đến Canada?”
“Khá nhiều.”
Rhyme nói thêm giọng châm biếm: “Đó gần như là một địa chỉ ấy nhỉ. Gọi đơn vị Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt đi”.
Lúc này, Kathryn Dance cau mày. “Vùng West Side à?” Cô cân nhắc gì đó một lát. Rồi cô hỏi: “Băng phỏng vấn hắn đâu?”.
Mel Cooper tìm thấy cái file đó. Anh ta ấn nút PLAY và lần thứ mấy chục họ quan sát kẻ giết người nhìn vào máy camera, nói dối tất cả bọn họ. Dance vươn về phía trước vẻ chăm chú. Cô khiến Rhyme nhớ tới những lúc bản thân mình nhìn chằm chằm các vật chứng.
Anh đã xem phần phỏng vấn này nhiều tới nỗi trở nên vô cảm trước những lời lẽ, bây giờ anh chẳng còn thấy nó cung cấp thông tin gì hữu ích nữa. Nhưng Dance bỗng nhiên bật cười. “Tôi có một ý nghĩ.”
“Ý nghĩ gì?”
“Chà, tôi không thể nói với anh một địa chỉ, tuy nhiên tôi có thể nói với anh một bang. Tôi phỏng đoán rằng hắn đến từ California. Hoặc đã sống ở đó một thời gian.”
“Tại sao chị nghĩ vậy?”
Dance cho tua ngược lại. Rồi cho chạy đoạn Thợ Đồng Hồ nói tới việc lái xe đi Long Island nhận chiếc SUV bị tịch thu.
Dance dừng băng và nói: “Tôi đã nghiên cứu cách diễn đạt ở các vùng khác nhau. Thông thường người California sử dụng từ “cái” khi nhắc tới các tuyến quốc lộ. Ví dụ như cái tuyến 405 ở Los Angeles. Trong khi bị phỏng vấn, hắn nhắc tới “cái tuyến 495” ở New York này. Và anh có nghe thấy hắn sử dụng từ xa lộ không? Từ đó cũng được sử dụng phổ biến ở California, phổ biến hơn so với từ đường cao tốc hay quốc lộ. Là những từ anh nghe thấy ở vùng East Side.”
Có thể hữu ích, Rhyme tự nhủ thầm. Một viên gạch nữa trên bức tường chứng cứ. “Ghi lên bảng”, anh yêu cầu.
“Khi tôi trở về, văn phòng tôi sẽ mở một cuộc điều tra chính thức”, Dance nói. “Tôi sẽ công bố tất cả những thông tin chúng ta đã có trên phạm vi toàn bang. Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Được rồi, tôi phải đi đây... Ồ, tôi sẽ chờ đợi cả hai người sớm đến California đấy.”
Anh chàng phụ tá liếc nhìn Rhyme. “Anh ấy cần đi du lịch nhiều hơn. Anh ấy cứ giả vờ không thích thú nhưng sự thực là anh ấy bao giờ cũng cảm thấy thích thú, một khi đã đến nơi nào đó rồi. Miễn là có rượu Scotch và những vụ trọng án để anh ấy khỏi buồn chán thôi.”
“Đấy là Bắc California”, Dance nói. “Vùng đồng quê của rượu vang, phần lớn là rượu vang, nhưng yên tâm, chúng tôi có vô khối các vụ án.”
“Chúng tôi sẽ xem thế nào”, Rhyme nói với vẻ chẳng hứa hẹn. Rồi anh thêm: “Nhưng một việc, chị làm ơn được không?”.
“Chắc chắn rồi.”
“Tắt điện thoại di động của chị đi. Biết đâu tôi sẽ lại muốn gọi cho chị trên đường chị ra sân bay, trong trường hợp có tình tiết gì mới.”
“Nếu không phải quay về với lũ trẻ, tôi sẽ mở máy nghe ngay.”
Sellitto cảm ơn Dance lần nữa và Thom tiễn cô ra cửa.
Chàng cảnh sát trẻ nhìn các bảng chứng cứ. “Tôi đã gọi điện về chuyện sợi dây rồi, nếu sếp ý muốn nói thế.”
“Không, không phải tôi ý muốn nói thế”, Rhyme lẩm bẩm. “Tôi đã nói hẳn ra là nó hữu ích.” Anh hất đầu chỉ chai rượu Scotch trên chiếc giá kê phía bên kia căn phòng.
“Ồ, vâng.”
“Hai suất nhé”, Sellitto làu bàu. “Và đừng bủn xỉn đấy.”
Pulaski rót rượu, đưa ly cho hai người - Cooper từ chối. Rhyme nói với chàng cảnh sát trẻ.
“Đừng quên bản thân cậu.”
“Ồ, tôi đang mặc quân phục mà.”
Sellitto nén tiếng cười.
“Được rồi. Có lẽ chỉ một chút thôi.” Pulaski rót cho mình, rồi nhấp lấy thứ rượu mạnh - và cực kỳ đắt - ấy. “Tôi thích loại này”, anh nói, tuy nhiên ánh mắt nói lên điều ngược lại. “Sếp có bao giờ pha không, với bia gừng hay Sprite chẳng hạn?”