Vào ngày Mười hai, ban ngày kể cũng không quá rét mướt, nhưng cái lò sưởi cổ lỗ của nhà Rhyme bị hỏng và tất cả mọi người ở phòng thí nghiệm dưới gác đều co ro trong những chiếc áo khoác dày. Mỗi lần thở ra, miệng họ lại tỏa từng đám hơi nước, và chóp mũi thì đỏ ửng lên. Amelia Sachs mặc hai áo len, còn Pulaski mặc chiếc vét tông có độn vai màu xanh lá cây lủng lẳng những tấm vé đi cáp treo tại khu trượt tuyết Killington giống như những tấm huy chương kỷ niệm chiến dịch trên ngực một cựu chiến binh vậy.
Một cảnh sát trên ván trượt tuyết, Rhyme tự nhủ thầm. Điều ấy xem chừng kỳ quặc, tuy nhiên anh không thể nói chính xác tại sao. Có thể là cái gì đó liên quan đến nguy cơ phải lao vèo xuống một sườn núi với một khẩu súng ngắn cỡ chín ly cò rất nhạy giấu dưới bộ đồ nỉ.
“Tay thợ chữa lò sưởi đâu rồi?”, Rhyme quát anh chàng phụ tá.
“Anh ta nói sẽ có mặt trong khoảng từ một giờ đến năm giờ.”
Thom đang mặc chiếc vét tông bằng vải tuýt Rhyme tặng nhân dịp Giáng sinh năm ngoái, và quấn chiếc khăn ca-sơ-mia màu hoa cà, một trong những món quà của Sachs.
“A, trong khoảng từ 1 giờ đến 5 giờ. Tôi bảo nhé. Gọi lại cho anh ta và...”
“Đấy là anh ta nói...”
“Không, nghe này. Gọi lại cho anh ta và bảo anh ta rằng chúng ta nhận được báo cáo về một kẻ cuồng sát đang đi lung tung xung quanh khu vực anh ta sống, chúng ta sẽ đến đó bắt kẻ này trong khoảng từ 1 giờ đến 5 giờ. Thử xem anh ta có còn dám nói thế.”
“Lincoln”, anh chàng phụ tá kiên nhẫn nói. “Tôi không...”
“Anh ta biết chúng ta làm gì ở đây chứ? Anh ta biết chúng ta phục vụ và bảo vệ mọi người chứ? Gọi cho anh ta, bảo anh ta thế.”
Pulaski nhận ra Thom không với lấy điện thoại. Anh hỏi: “Ừm, anh có muốn tôi không? Ý tôi là, gọi điện ấy?”.
A, sự chân thành của tuổi trẻ...
Thom trả lời Pulaski: “Đừng chú ý gì đến anh ấy. Anh ấy giống một con chó hung hăng chồm lên anh. Lờ anh ấy đi và anh ấy sẽ thôi ấy mà”.
“Một con chó?”, Rhyme hỏi. “Tôi là một con chó. Như thế thì hơi mỉa mai, phải không, Thom? Vì ở đây anh đang cắn bàn tay cho anh ăn đấy.” Hài lòng với câu trả miếng, anh thêm: “Bảo tay thợ đó là tôi nghĩ rằng tôi đang bị giảm thể nhiệt. Kể ra thì tôi cũng nghĩ như vậy thật”.
“Thế thì sếp có thể cảm thấy...”, chàng cảnh sát trẻ hỏi, nhưng câu hỏi bị chặn lại.
“Phải, dứt khoát là tôi có thể cảm thấy rất bực bội, Pulaski.”
“Xin lỗi, tôi nói mà không suy nghĩ.”
“Ê.” Thom bật cười. “Chúc mừng anh!”
“Gì thế?”, chàng cảnh sát trẻ hỏi.
“Anh đã tiến bộ đến chỗ được gọi bằng họ rồi đấy. Anh ấy bắt đầu đánh giá anh cao hơn con sên một bước rồi... Đó là cách anh ấy nói tới những người anh ấy thực sự thích. Chẳng hạn như tôi, tôi chỉ là Thom thôi. Mãi mãi là Thom.”
“Nhưng...”, Sachs bảo chàng cảnh sát trẻ, “... anh mà nói xin lỗi anh ấy lần nữa là anh sẽ bị giáng cấp”.
Lát sau, chuông cửa reo và anh chàng Thom chỉ-được-gọi- bằng-tên-riêng đi ra mở cửa.
Rhyme liếc nhìn đồng hồ. 1:02. Liệu có thể là tay thợ đó thực tế lại thuộc loại mau mắn không?
Nhưng, tất nhiên, không phải. Lon Sellitto bước vào, định cởi áo khoác, rồi lại thôi. Ông ta liếc nhìn hơi thở tỏa cuồn cuộn từ mồm mình. “Lạy Chúa, Linc, với những gì mà chính quyền thành phố nhả ra cho anh, anh đủ khả năng trả tiền chạy lò sưởi, anh biết mà. Kia là cà phê à? Có nóng không?”
Thom rót cho ông ta một tách và Sellitto cầm cái tách bằng một tay, còn một tay mở chiếc cặp đựng tài liệu. “Rốt cuộc cũng lấy được nó.” Sellitto hất đầu chỉ cái mà ông ta vừa rút ra, một bìa kẹp hồ sơ cũ kỹ nhãn hiệu Redweld nhằng nhịt những ghi chú bằng bút chì và bút mực đã phai màu, nhiều chỗ bị gạch, bằng chứng của nhiều năm không được chính quyền thành phố thường xuyên sử dụng đến nữa.
“Hồ sơ Luponte à?”, Rhyme hỏi.
“Nó đấy.”
“Tôi muốn có nó từ tuần trước”, nhà hình sự học làu bàu, bên trong mũi anh đau nhoi nhói vì lạnh. Chắc anh sẽ phải bảo tay thợ kia là anh sẽ thanh toán hóa đơn trong vòng một đến năm tháng. Anh liếc nhìn chiếc bìa kẹp hồ sơ.
“Tôi gần như chẳng chờ đợi nó nữa. Tôi biết anh rất khoái những câu cách ngôn, Lon ạ. Anh có nghĩ tới cái câu ngày đã muộn mà tiền vẫn chưa đủ không?”
“Không”, viên thám tử nói vẻ hòa nhã. “Cái câu tôi nghĩ tới là nếu anh đã làm ơn cho ai mà họ lại phàn nàn, thì mặc mẹ họ.”
“Một câu hay đấy”, Lincoln Rhyme thừa nhận.
“Dù sao, anh cũng chẳng bảo tôi nó thuộc loại hồ sơ nào. Tôi phải tự mình tìm kiếm và nhờ Ron Scott lục lọi cho.”
Rhyme nhìn chằm chằm viên thám tử trong lúc ông ta mở hồ sơ và xem lướt qua nó. Anh cảm thấy một nỗi lo lắng ghê gớm, không biết mình sẽ tìm thấy cái gì. Có thể là thông tin tốt lành, có thể là thông tin gây choáng váng. “Thể nào cũng có bản báo cáo chính thức. Tìm đi.”
Sellitto tìm trong tập hồ sơ. Ông ta giơ bản báo cáo lên. Trang trên cùng có cái nhãn đánh máy Anthony C. Luponte, Phó Thị trưởng. Chiếc bìa kẹp hồ sơ được niêm phong bằng một băng giấy màu đỏ đã bạc màu, in chữ Mật.
“Tôi có nên mở nó chăng?”, Sellitto hỏi.
Rhyme đảo mắt.
“Linc này, đến đoạn vui vẻ nhớ bảo tôi, được không?”
“Đặt nó vào cái giá giở trang. Đặt đi và xin cảm ơn.”
Sellitto xé băng giấy và đưa bản báo cáo cho Thom.
Anh chàng phụ tá đặt bản báo cáo vào một thiết bị trông giống như cái giá đặt sách dạy nấu ăn trong bếp. Thiết bị này được gắn với lõi cao su có chức năng giở trang, điều khiển bằng một cử động hết sức khẽ khàng của ngón tay Rhyme trên bàn phím. Anh bắt đầu giở lướt qua toàn bộ tài liệu, vừa đọc vừa cố gắng dẹp tâm trạng căng thẳng.
“Luponte à?” Sachs ngẩng lên khỏi những bảng chứng cứ.
Một trang nữa được giở qua. “Ừ, nó.”
Rhyme đọc hết đoạn này sang đoạn khác những phát biểu rối rắm trong chính quyền thành phố.
Ôi, nào, anh tức tối nghĩ. Đến cái chỗ chết tiệt ấy đi...
Liệu thông điệp sẽ là tốt hay xấu?
“Có gì đó dính dáng tới Thợ Đồng Hồ à?”, Sachs hỏi.
Cho tới lúc này, chưa xuất hiện manh mối nào về gã đàn ông, kể cả ở New York lẫn ở California, nơi Kathryn Dance đã bắt đầu cuộc điều tra của chính mình.
Rhyme nói: “Chẳng có gì dính dáng tới hắn”.
Sachs lắc đầu. “Nhưng đấy là lý do tại sao anh muốn tìm hồ sơ đó mà.”
“Không, chẳng qua tự em bảo rằng đấy là lý do tại sao anh muốn tìm nó.”
“Thế thì nó liên quan tới cái gì, một vụ khác?”, Sachs hỏi. Cặp mắt cô nhìn sang các bảng chứng cứ của mấy vụ không nghiêm trọng mà họ cũng đang điều tra.
“Không phải mấy vụ đó.”
“Thế thì cái gì?”
“Anh đã có thể nói với em từ lâu rồi nếu nãy giờ em đừng làm anh mất tập trung đọc.”
Sachs thở dài.
Cuối cùng, Rhyme cũng tới cái phần anh tìm kiếm. Anh dừng lại, nhìn qua cửa sổ những cành cây màu nâu tiêu điều trong Công viên Trung tâm. Trong thâm tâm, anh tin tưởng rằng bản báo cáo sẽ nói với anh những điều anh muốn nghe thấy, nhưng Lincoln Rhyme trước hết là một nhà khoa học, và anh nghi ngờ con tim.
Sự thật là cái đích duy nhất...
Liệu các từ ngữ này sẽ tiết lộ sự thật nào cho anh?
Rhyme quay lại với bản báo cáo, đọc vội vã. Và rồi đọc lại lần nữa.
Lát sau, anh nói với Sachs: “Anh muốn đọc cho em nghe cái này”.
“Vâng. Em nghe đây.”
Ngón tay của bàn tay phải Rhyme cử động trên bàn phím điều khiển và các trang được lật lại. “Đoạn này là ở trang đầu tiên. Em đang nghe chứ?”
“Em đã bảo em nghe đây mà.”
“Tốt. Phiên tòa này hiện tại đang và sẽ được giữ bí mật. Từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 6 năm 1974, mười hai sĩ quan cảnh sát thành phố New York bị truy tố bởi một đại bồi thẩm đoàn về tội tống tiền các chủ cửa hiệu và doanh nhân ở Manhattan và Brooklyn, cũng như về tội ăn hối lộ để bỏ dở những vụ án hình sự. Ngoài ra, bốn sĩ quan còn bị truy tố về tội tấn công người khác nhằm đạt được mục đích tống tiền. Mười hai sĩ quan này thuộc về cái gọi là Câu lạc bộ Đại lộ 16, cái tên đồng nghĩa với tội tham nhũng nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát.”
Rhyme nghe thấy Sachs thở gấp gáp. Anh ngẩng lên và thấy cô đang nhìn chằm chằm tập hồ sơ y như một đứa trẻ nhìn chằm chằm con rắn trên sân sau ngôi nhà.
Anh tiếp tục đọc: “Không có gì to lớn hơn niềm tin tưởng giữa những công dân của Hợp Chủng quốc này và những nhân viên thực thi pháp luật có trách nhiệm bảo vệ họ. Những sĩ quan thuộc Câu lạc bộ Đại lộ 16 đã phạm phải một tội không thể bào chữa được là phá vỡ niềm tin thiêng liêng đó và không chỉ phạm tội mà còn đem lại nỗi hổ thẹn không thể đo đếm được cho các đồng đội can đảm và sẵn sàng hy sinh thân mình.
Bởi vậy, tôi, thị trưởng thành phố New York, trao tặng Huân chương Vì lòng dũng cảm ghi nhận công lao đưa những kẻ tội phạm ra trước công lý cho các sĩ quan sau đây: Sĩ quan Tuần tra Vincent Pazzini, Sĩ quan Tuần tra Herman Sachs và Thám tử Lawrence Koepel”.
“Sao?”, Sachs thì thào.
Rhyme tiếp tục đọc: “Mỗi sĩ quan này đã nhiều lần chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng trong lúc hoạt động bí mật nhằm cung cấp thông tin làm cơ sở xác định những kẻ tội phạm và thu thập chứng cứ để sử dụng trước tòa. Do tính chất nguy hiểm của nhiệm vụ được giao phó, việc tuyên dương được tổ chức kín và biên bản sẽ được niêm phong, đảm bảo an toàn cho ba sĩ quan cũng như cho gia đình họ. Tuy nhiên, họ có thể chắc chắn rằng, mặc dù những nỗ lực của họ không được ngợi ca công khai, sự biết ơn của thành phố đối với họ hoàn toàn chẳng giảm sút”.
Amelia Sachs đăm đăm nhìn Rhyme. “Cha em...”
Rhyme gật đầu chỉ tập hồ sơ. “Cha em là một trong số những cảnh sát chân chính, Sachs ạ. Ông ấy là một trong số ba người thoát tội. Chỉ có họ mới không thuộc nhóm đối tượng, họ làm việc cho Sở Nội vụ. Ông ấy đối với Câu lạc bộ Đại lộ 16 cũng giống y như em đối với đám cảnh sát ở quán Thánh James, chỉ có điều ông ấy là một đặc tình.”
“Làm sao anh biết?”
“Anh không biết. Anh có nhớ về báo cáo Luponte và những phiên tòa xử nhóm cảnh sát tham nhũng, nhưng anh không biết cha em từng liên quan. Đấy là lý do tại sao anh muốn xem hồ sơ.”
“Thế nghĩa là thế nào?”, Sellitto hỏi, trong miệng đầy bánh ngọt vị cà phê.
“Tiếp tục tìm đi, Lon. Còn có cái gì đó khác nữa.”
Viên thám tử tìm trong tập hồ sơ, thấy một giấy chứng nhận và một Huân chương Vì lòng dũng cảm, một trong những phần thưởng cao quý nhất do Sở Cảnh sát trao tặng. Sellitto đưa nó cho Sachs. Đôi môi đầy đặn của cô hé mở, cặp mắt nheo lại, trong lúc cô đọc văn bản viết trên giấy da không đóng khung, mang tên cha cô. Tấm huân chương đung đưa dưới những ngón tay cô run rẩy.
“Này, đẹp chưa”, Pulaski nói, chỉ tờ giấy chứng nhận. “Xem tất cả những hoa văn trang trí kìa.”
Rhyme hất đầu về phía tập hồ sơ để trên cái giá giở trang. “Toàn bộ câu chuyện nằm trong đó, Sachs ạ. Người chỉ huy của cha em ở Sở Nội vụ phải đảm bảo là những cảnh sát khác không nghi ngờ cha em. Ông ta đưa cho cha em mỗi tháng mấy nghìn để rải khắp các chỗ, làm như cha em cũng ăn tiền. Ông phải được tín nhiệm, nếu có bất cứ kẻ nào nghĩ ông là một nguồn tin, ông chắc sẽ mất mạng, đặc biệt khi Tony Gallante đã tham gia. Sở Nội vụ tiến hành một cuộc điều tra giả về ông nhằm tạo sự tin tưởng. Cuộc điều tra ấy thất bại vì thiếu chứng cứ. Các thẻ quản lý vật chứng bị thất lạc là do họ đã thỏa thuận với bên Khám nghiệm hiện trường.”
Sachs cúi đầu. Rồi cô bật một tiếng cười ngắn ngủi. “Cha em luôn luôn là người khiêm nhường. Nó cũng giống y như cha em vậy, phần thưởng cao quý nhất cha em từng nhận được là phần thưởng chẳng được tiết lộ ra. Ông không bao giờ nói một lời nào về nó.”
“Em có thể đọc tất cả các chi tiết. Cha em bảo rằng ông sẽ chịu đựng sự hiểu nhầm, ông sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết về Gallante và những kẻ cầm đầu khác. Nhưng ông sẽ không bao giờ làm chứng công khai trước tòa. Ông sẽ không khiến cho mẹ con em gặp nguy hiểm.”
Sachs đăm đăm nhìn tấm huân chương đang đung đưa - giống quả lắc của một chiếc đồng hồ. Rhyme hài hước nghĩ.
Cuối cùng, Lon Sellitto xoa xoa hai bàn tay vào nhau. “Nghe này, tôi sung sướng vì tin tức tốt lành”, ông ta nói giọng làu bàu. “Nhưng các vị thấy thế nào nếu chúng ta biến quách khỏi đây và tới quán Manny. Tôi có thể ăn trưa gì đó. Và, có ngạc nhiên không? Tôi cá là họ sẽ trả tiền chạy lò sưởi.”
“Tôi cũng muốn đi”, Rhyme nói với vẻ chân thành mà anh tin tưởng rằng ngụy trang được cho cái việc anh tuyệt đối không muốn ra ngoài đường, đánh vật với những con phố đóng băng trơn trượt trên chiếc xe lăn. “Nhưng tôi đang viết một bài xã luận để gửi tờ Thời báo.” Anh hất đầu về phía máy vi tính. “Với lại, tôi phải ở đây đợi tay thợ kia.” Anh lắc đầu. “Từ 1 giờ đến 5 giờ.”
Thom đang sắp sửa nói gì đó - chắc chắn để thuyết phục Rhyme đi - nhưng người cất lời lại là Sachs.
“Xin lỗi. Tôi có kế hoạch khác mất rồi.”
Rhyme bảo: “Nếu nó có dính dáng đến băng tuyết, anh không quan tâm đâu”. Anh cược rằng Sachs và cô gái nhỏ Pammy Willoughby lại có kế hoạch đi chơi với đứa con nuôi của cô bé - chú chó giống Havanese tên là Jackson.
Nhưng Sachs rõ ràng có một chương trình khác.
“Nó có đấy”, cô nói. “Ý em là, dính dáng đến băng tuyết.” Cô bật cười, hôn lên môi anh. “Nhưng cái mà nó không dính dáng đến là anh.”
“Ơn Chúa”, Lincoln Rhyme nói, phả một làn hơi mỏng lên trần nhà và quay lại với màn hình máy vi tính.
“Cô.”
“Thám tử Snyder, bác thế nào?”, Amelia Sachs hỏi.
Art Snyder đứng trên ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ một tầng của ông, trừng trừng nhìn cô. Ông trông khá hơn lần cuối cùng cô gặp - khi ông nằm ở ghế sau chiếc xe thùng của mình. Tuy nhiên, ông không hề bớt tức giận. Cặp mắt đỏ ngầu chiếu thẳng vào mắt cô.
Nhưng khi nghề nghiệp khiến người ta đôi lúc phải nhận những phát súng thì vài cái nhìn trừng trừng chẳng ăn thua gì. Sachs mỉm cười. “Cháu chỉ đến để cảm ơn bác.”
“Vâng, vì điều gì?” Snyder cầm một chiếc cốc uống cà phê rõ ràng đang không đựng cà phê. Cô nhìn thấy nhiều cái chai lại xuất hiện trong ngăn tủ. Cô cũng nhận ra là chưa dự án cải tạo nhà cửa nào được triển khai.
“Chúng cháu đã kết thúc vụ quán Thánh James.”
“Phải, tôi có nghe nói.”
“Thám tử Snyder, ở ngoài này lạnh nhỉ”, Sachs nói.
“Ông ơi.” Một phụ nữ dáng chắc nịch với mái tóc cắt ngắn màu nâu và gương mặt vui vẻ gọi từ cửa bếp.
“Chỉ là một người ở Sở.”
“Chà, mời cô ấy vào đi. Tôi sẽ pha cà phê.”
“Cô ấy là một phụ nữ bận rộn”, Snyder nói gắt gỏng. “Chạy khắp nơi trong thành phố, làm đủ việc, hỏi đủ chuyện. Cô ấy chắc không nán lại được đâu.”
“Cháu đang chết cóng ngoài này rồi.”
“Art! Để cô ấy vào đi.”
Ông thở dài, quay bước vào bên trong, để Sachs đi theo và tự đóng cửa lại. Cô bỏ áo khoác lên một chiếc ghế dựa.
Bà vợ Snyder đi đến chỗ họ. Người phụ nữ bắt tay Sachs. “Cho cô ấy ngồi cái ghế thoải mái kia, Art”, bà nói giọng bực bội.
Sachs ngồi vào cái ghế Barcalounger đã sờn. Snyder ngồi trên đi văng, sức nặng của cơ thể ông làm nó kêu cót két. Ông không vặn nhỏ bớt tiếng ti vi, đang có một trận đấu bóng rổ sôi sục.
Bà vợ mang tới hai tách cà phê.
“Đừng pha cho tôi”, Snyder nói, nhìn cái cốc.
“Tôi vừa rót đấy. Ông muốn tôi đổ đi à? Lãng phí cà phê ngon à?” Bà để nó trên bàn, bên cạnh Snyder và trở vào bếp, nơi bà đang phi tỏi thơm lừng.
Sachs im lặng nhấm nháp tách cà phê đặc, Snyder thì đăm đăm xem chương trình của ESPN. Ánh mắt ông dõi theo quả bóng từ vị trí phát bóng ở ngoài vạch ba điểm, bàn tay nắm lại khi nó bay vèo vào.
Đến một đoạn quảng cáo. Snyder chuyển kênh xem đánh bài xì.
Sachs nhớ Kathryn Dance từng đề cập tới sức mạnh của sự im lặng trong việc khiến cho người ta mở lời. Cô ngồi đấy, nhấm nháp cà phê, nhìn ông, chẳng nói gì cả.
Cuối cùng, bực bội, Snyder hỏi: “Vụ quán Thánh James ấy à?”.
“À vâng.”
“Tôi đọc được thông tin là Dennis Baker đứng đằng sau. Và tay phó thị trưởng.”
“Đúng.”
“Tôi đã gặp Baker vài lần. Thấy cũng không có vấn đề gì. Chuyện anh ta làm tôi ngạc nhiên quá.” Vẻ băn khoăn lướt ngang qua gương mặt Snyder. “Cả giết người à? Sarkowski và người đàn ông kia sao?”
Sachs gật đầu. “Và một vụ mưu sát.” Cô không kể rằng chính cô suýt nữa trở thành nạn nhân.
Snyder lắc đầu. “Tiền bạc là một chuyện. Nhưng giết người... lại là một trận bóng hoàn toàn khác.”
Amen.
Snyder hỏi: “Có phải trong số đối tượng có cái đứa tôi bảo cô không? Có nhà hay gì đó ở Maryland ấy?”.
Sachs cho rằng Snyder xứng đáng được tin cậy.
“Đó là Wallace. Nhưng nó không phải một địa điểm. Nó là một chiếc thuyền.” Và Sachs giải thích về chiếc thuyền của Wallace.
“Thật à? Maryland Monroe ư? Cái tên hết sức đặc biệt.”
Sachs nói: “Chúng cháu sẽ không giải quyết được vụ án nếu không có sự giúp đỡ của bác”.
Gương mặt Snyder vụt hiện lên một vẻ hài lòng. Rồi ông nhớ ra là mình đang tức giận. Ông đứng dậy, thở dài, rót thêm whisky vào cốc. Xong, ông lại ngồi xuống. Tách cà phê của ông vẫn chưa được đụng đến. Ông chuyển kênh thêm vài lần.
“Cháu có thể hỏi bác một việc không?”
“Tôi chẳng cho cô hỏi mà được à?”, Snyder lẩm bẩm.
“Bác bảo là bác biết cha cháu. Chẳng còn nhiều người biết cha cháu. Cháu đã muốn hỏi bác về ông.”
“Câu lạc bộ Đại lộ 16 ư?”
“Không. Cháu không muốn biết về nó.”
Snyder nói: “Ông ấy là kẻ may mắn đã thoát”.
“Đôi khi người ta cố gắng tránh bị ăn đạn.”
“Ít nhất thì sau đó ông ấy cũng sống trong sạch. Nghe nói ông ấy không lần nào sảy chân nữa.”
“Bác bảo là bác làm việc với cha cháu. Trước đây ông chẳng hay nói về những công việc ông làm. Cháu luôn luôn tự hỏi không biết công việc hồi ấy thế nào. Tuy nhiên cháu sẽ viết lại một vài điều.”
“Cho các cháu của ông ấy?”
“Đại loại vậy.”
Snyder nói lưỡng lự: “Chúng tôi chưa bao giờ là những cộng sự”.
“Nhưng bác biết cha cháu.”
Một thoáng ngập ngừng. “Phải.”
“Bác chỉ cần kể cho cháu: Câu chuyện về cái người chỉ huy ấy thế nào... cái người chỉ huy điên rồ ấy? Trước đây, cháu luôn luôn muốn biết câu chuyện ly kỳ này.”
“Kẻ điên rồ nào?”, Snyder khinh khỉnh hỏi. “Có vô số những kẻ điên rồ.”
“Cái người đã điều nhóm chiến thuật đến nhầm một căn hộ khác ấy?”
“Ồ. Caruthers hả?”
“Cháu nghĩ là ông ta. Cha cháu là một trong những người đã chiến đấu với kẻ bắt con tin cho tới lúc Đơn vị Phản ứng nhanh tìm thấy đúng địa điểm.”
“Phải. Phải. Tôi đã có mặt tại đó. Caruthers, thằng cha đáng ghét. Cái làng nhỏ... Ơn Chúa là không ai bị làm sao. Ồ, mà cũng hôm ấy, hắn quên lắp pin cho loa pin... Một chi tiết khác nữa về hắn: Hắn không tự đánh bóng ủng đâu. Cô biết đấy, hắn để đám tân binh làm. Và hắn boa cho họ, đại khái là năm xu. Tôi muốn nói, boa cho lính đã kỳ dị rồi. Lại còn có năm xu chết tiệt?”
Âm lượng ti vi được hạ xuống mấy nấc. Snyder bật cười. “Này, cô có muốn nghe một câu chuyện không?”
“Chắc chắn là có ạ.”
“Chà, cha cô, tôi, cùng với một nhóm, được nghỉ phép, đang đi ra Công viên Quảng trường Madison, xem một trận đấu bóng hay đại loại thế. Và cái thằng nhãi ấy xuất hiện, lăm lăm một khẩu súng phốc, cô biết là cái gì chứ?”
Sachs biết. Nhưng cô trả lời là không.
“Một kiểu súng tự tạo. Nạp được duy nhất một viên đạn cỡ 22. Và cô có tin nổi không, thằng nhãi tội nghiệp này trấn lột bọn tôi đấy. Nó yêu cầu bọn tôi giơ tay lên ngay giữa phố 34. Chúng tôi đang đưa ví cho nó thì cha cô đánh rơi ví mình, bất ngờ một cách cố ý, biết tôi muốn nói gì chứ? Thằng nhãi cúi xuống nhặt. Khi nó đứng dậy nó sợ xanh mắt mèo, bốn họng súng của chúng tôi đang chĩa thẳng vào nó, bốn khẩu Smittie, giương cò và sẵn sàng nhả đạn. Gớm, vẻ mặt thằng nhãi... Nó nói: “Xui xẻo quá”. Đó là một câu kinh điển hay thế nào? “Xui xẻo quá.” Ôi chao, chúng tôi cười cả buổi tối về việc này...” Gương mặt người đàn ông bỗng nhiên nở nụ cười. “Ồ, còn một chuyện nữa...”
Trong lúc Snyder kể chuyện, Sachs gật đầu khuyến khích ông. Thực tế, cô đã biết hầu hết những câu chuyện đó. Herman Sachs hoàn toàn không phải là không thích nói với con gái về công việc của mình. Hai cha con từng dành biết bao nhiêu tiếng đồng hồ trong ga ra, nghiên cứu một bộ truyền lực hoặc một bộ phun nhiên liệu, và những câu chuyện về cuộc đời một cảnh sát cứ ào ạt tuôn - những hạt giống ươm mầm cho tương lai của chính cô sau này.
Nhưng, tất nhiên, cô không ở đây để hỏi thăm truyền thống gia đình mình. Không, nó đơn giản là một cuộc gọi cần-hỗ trợ-khẩn cấp, cuộc gọi với mã số 10-13 xuất phát từ con tim. Sachs quyết định rằng cựu thám tử Art Snyder sẽ không xuống dốc nữa. Nếu ông cho là bạn bè ngoảnh mặt với mình vì đã góp phần vào việc tóm cổ cái đám ở quán Thánh James, thì cô sẽ đem đến cho ông niềm vui khi có biết bao nhiêu người yêu quý ông: bản thân cô, Sellitto, Rhyme và Ron Pulaski, Fred Dellray, Roland Bell, Nancy Simpson, Frank Rettig, cũng như nhiều người khác.
Sachs hỏi Snyder thêm một số chuyện và ông trả lời - có lúc hăng hái, có lúc khó chịu, có lúc bối rối, nhưng chẳng hề từ chối trả lời. Mấy lần, Snyder đứng dậy, rót rượu đầy cốc, và chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ đeo tay, rồi liếc nhìn cô với hàm ý rất rõ ràng: Cô không có chỗ nào để đến nữa hả?
Nhưng cô cứ ngồi đó, thoải mái trong chiếc Barcalounger, hỏi ông chuyện này chuyện nọ và thậm chí kể ra vài chuyện chiến đấu của chính cô. Amelia Sachs chưa đi đâu cả, cô đang nắm trong tay toàn bộ thời gian trên thế giới này.