Truyền thông thế giới không hiếm lần khui ra những vụ bê bối tài chính, trong đó không thiếu những vụ việc thuộc về tội lạm dụng của công, chiếm hữu trái phép.
Trên đời, có ai mà lại không muốn được giàu có, nhưng vì lòng tham của con người là không có đáy, vậy nên trong tâm họ lúc nào cũng tính kế để “chiếm hữu phi pháp”, như trộm đồ của người, tham nhũng của công, trốn tránh nợ nần, chiếm đoạt không trả, lừa lấy của chung, thừa cơ xâm chiếm, cậy thế làm càn, buôn bán hàng cấm, giở trò lợi dụng, cờ bạc mại dâm v.v. Nếu dùng bất cứ chiêu trò bất chính nào để chiếm lấy tiền tài của người khác, thì hẳn nhiên không thể nào chạy thoát nhân quả báo ứng, bạn đã từng thấy người nào sở hữu tài sản phi pháp mà có thể sống trường thọ chưa?
Các triều đại phong kiến trước đây có không ít quan lại vì ham muốn quyền lực mà lập mưu giết vua cướp nước, bày trò lừa gạt dân chúng, cưỡng đoạt của cải, gian lận tham ô. Tuy “người thắng làm vua, kẻ thua làm giặc”, nhưng đừng vội nhìn vào thắng lợi nhất thời trước mắt mà cho rằng họ có thể đổi trắng thay đen, hãy đợi xem kết cục của người đó như thế nào?
Mức độ giàu có của Thạch Sùng có thể sánh với hàng vua chúa, nhưng vì dùng nhiều mánh khóe để kiếm tiền nên rốt cuộc bị muôn đời trách mắng. Còn Hòa Thân1 chiếm của vua cướp của dân, đến cuối đời bị vua Gia Khánh vạch tội rồi bắt tự vẫn. Rốt cuộc người chiếm hữu phi pháp đã từng có ai có cuộc sống bình an không, có thật sự được lợi ích gì không?
1 Một đại tham quan dưới triều vua Càn Long, nhà Thanh.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường vô thức phạm một tật xấu đó là thói “không được cho mà cứ lấy” như là thuận tay ngắt hoa hay thuận tay lấy đồ, v.v. Những việc này nhìn thì là việc nhỏ nhặt không đáng kể, nhưng bạn phải biết rằng rất nhiều vụ trộm cắp, cướp giật đều xuất phát từ thói xấu này!
Có câu chuyện vui như thế này: Một học sinh nọ bị thầy chủ nhiệm mời phụ huynh lên gặp, thầy giáo nói: “Em ấy mới lấy trộm bút chì của bạn học”. Người cha liền mắng luôn rằng: “Sao con lại ăn trộm bút chì của bạn? Con muốn có bút chì thì bảo bố lấy trong văn phòng về cho con chứ thiếu gì!”.
Ai dám nói đây chỉ là câu chuyện vui chứ, bởi vì ngày ngày quanh ta đâu hiếm gì những chuyện kiểu như vậy. Câu chuyện cũng là lời nhắn nhủ bậc cha mẹ nên làm gương cho con trong việc không “chiếm hữu phi pháp”, bởi hậu quả của việc này như thế nào người lớn chúng ta đã sớm nhận rõ. Đồng thời mỗi người chúng ta hãy tự cảnh tỉnh bản thân, chớ vì lòng tham sai trái mà tự chuốc lấy khổ đau.
Do đó, tôi muốn khuyên mọi người, chúng ta hãy sở hữu một cách hợp lý và đừng bao giờ chiếm hữu trái phép một vật gì! Bởi vì chiếm hữu trái phép, thì cho dù may mắn chiếm được, nhưng cũng chỉ là nhất thời, đã không hợp pháp lại cũng không yên tâm, vậy thì có thể giữ được dài lâu sao?