Vừa xuống xe, mẹ và tôi đã được một đám con nít lau nhau chờ sẵn. Chúng giành nhau xách giỏ, cả cái mũ tôi lấy xuống phủi bụi cũng được một cô bé đỡ lấy. "Bà bảo tụi cháu ra đón từ sớm."
Nhìn từ xa cũng biết là nhà có đám cưới, mà là đám cưới to. Mẹ cười vui. Ngày xưa nhà ngoại còn nghèo lắm, mẹ kể hồi mẹ theo ba ra phố bôn ba, ngoại khóc vì chẳng có gì cho con gái đi xa.
"Trời ơi! Sao chị về trễ vậy?". Cậu Năm mừng rỡ chạy ra cầm tay mẹ, rồi cậu quay qua tôi: "Trúc lớn ghê, sắp lấy chồng được rồi".
Tôi nhăn mặt. Cứ hễ lớn là phải sắp lấy chồng thôi sao? Mẹ thì thầm vào tai tôi: "Người ở quê là vậy. Lâu lâu về làng, đừng có chau mày chau mặt".
Tôi cố nở một nụ cười. Rồi tôi cũng nguôi nhanh cơn bực bội khi nhìn thấy nụ cười mộc mạc của cậu. Cậu đưa tôi ra vườn nhãn, từng chùm ưng ửng chín đung đưa trong bọc.
"Khoảng ba tuần cho đến một tháng nữa là tha hồ ăn."
"Sao không chín chùm nào cho cháu bây giờ hả cậu?". Tôi tinh nghịch hỏi.
Cậu vịn cành níu một chùm. Tôi xua tay:
"Cháu đùa, đừng hái làm gì cậu ơi! Còn non ma".
Cậu nhìn qua cây vú sữa. Nó xòe nhành sum sê nhưng không có trái. Tôi và cậu bật cười.
"Tiếc ghê! Cháu về mà vườn chẳng có trái chín". Cậu tặc lưỡi nói. Cậu hiền nhất trong những ông cậu, luôn sợ những đứa cháu hờn mát. Lần nào lên phố thăm gia đình tôi, chị em tôi hăm he điều gì, cậu chiều tất cả.
"Trúc này!"
"Dạ?"
"Cháu biết mặt mợ chưa?" Mặt cậu đỏ lên.
"Mợ đẹp lắm hở cậu? ”
"Cũng thường thường!" Cậu đu người lên cành cây gần đó rồi lại gọi tôi: "Trúc này!".
"Gì, cậu?"
"Cậu nói cái này nhé". Cậu áp sát tai tôi, mùi thuốc lá nồng nồng khiến tôi nhích đầu qua nơi khác. "Cậu đưa cháu cái này, cháu đưa cho mợ, nói là của cháu tặng."
Một cái nhẫn nạm đá đỏ! Tôi ngạc nhiên:
"Sao cậu không tặng mà nhờ cháu?".
"Thì cậu tặng phần cậu. Còn cái này cứ nói của cháu để cho mợ vui."
Cậu nhìn tôi mặt đỏ bừng. Mắt cậu hiện rõ vẻ chờ mong và cả náo nức. Khuôn mặt khắc khổ của cậu sáng lên. Tội nghiệp! Chắc cậu thương mợ lắm. Và chắc mợ nũng nịu lắm.
"Không phải của cháu, nói vậy thấy sao sao…". Tôi đẩy tay cậu ra.
Chẳng nói chẳng rằng, cậu nhét cái nhẫn vào tay tôi.
Đến chiều thì tôi biết không riêng gì tôi mà cả mẹ cậu cũng dúi một chỉ vàng "Chị cứ nói là của chị mừng đám cưới". Mẹ đỏ hoe mắt. Họ hàng về dự cưới chỉ có vài món quà nhỏ tặng, mà cậu thì muốn cô dâu thật vui.
Người lớn quá rắc rối. Tôi bỏ rổ hành đang lột dở trong bếp đi ra sông. Cái nhẫn nạm đá đỏ trên ngón tay khiến tôi có cảm giác là lạ. Quả là có cái nhẫn bàn tay cũng hay hay.
Tôi đi lên con đê, gió mát rượi và có mùi ngai ngái. Bọn trẻ đang đùa vui ầm ì thấy tôi vụt ngồi ngoan lại rồi từ từ tản dần. Tôi nhìn con sông loang loang những vòng sóng. Thật lạ, cũng là mây trời soi mà biển thì xanh biếc còn sông quê tôi thì xanh lờ lợ.
Tôi đi xuống, tiến dần ra sông. Nước lằng lặng gợn lên. Một con nhóc ngồi cách nơi tôi đứng không xa. Màu áo xanh lá chuối non nổi bật giữa trời chiều lảng bảng. Tôi đưa mắt mỉm cười làm quen. Con nhỏ nhìn lại tôi: "Chị ở phố về dự cưới?".
Ở quê, nhà ai có việc gì thì khắp nơi đều biết.
Tôi gật đầu: "Bạn người ở đây?".
Nó mở to mắt nhìn tôi.
Tôi thấy quầng đỏ ửng đỏ trên má nó, rồi màu đỏ loang cả vào trong mắt. Nó chống tay đứng lên. Gió sông thổi tung hai vạt áo. Mái tóc nó kẹp lại nên gió không làm gì được, vài cọng lòa xòa quanh tai. Nó có vẻ bối rối cực độ. Tôi có cảm giác nó sắp bay xuống sông.
Tôi đi đến trước mặt nó: "Bạn làm sao vậy?"
"… Không!..." Nó lùi lại một bước. Màu đỏ trên mặt chuyển qua màu tai tái. Những cọng tóc trước trán như dựng lên.
Một ý nghĩ lóe qua đầu tôi. Có lẽ nào… Tôi buột miệng: "Mợ?".
Nó mỉm một nụ cười nhợt nhạt, toàn thân cứng đờ. Nếu không có vạt áo bay bay, tôi nghĩ nó đã chết đứng.
Tôi không biết nói gì thêm nữa. Hai đứa cứ nhìn nhau. Tôi chợt xòe tay ra, bàn tay có chiếc nhẫn nạm đá đỏ, năm ngón tay in dấu giữa khoảng không.
Chiếc xe đò lắc lư, lắc lư… mẹ tựa vào thành xe ngủ gà ngủ gật. Hai ngày đêm thức trắng khiến mẹ mệt lử. Tôi không ngủ, tôi nhìn qua cửa kính, con đê nhỏ dần trong tầm mắt và ruộng lúa xa xa lùi lại, con đường lùi lại…
Sẽ không bao giờ tôi quên tiếng thét thất thanh của mợ. Tiếng thét đau đớn, oán trách, tủi nhục xuyên qua cửa phòng tân hôn và tiếng khóc nức nở ghìm lại.
Tôi ngồi bật dậy quờ quạng giữa khuya: "Mẹ!
Có chuyện gì vậy?".
Mẹ kéo tôi nằm xuống lại: "Ngủ đi con!".
"Mẹ nghe gì không?"
"Ngủ đi."
Tôi nằm xuống mở mắt thao láo nhìn đêm tối.
Sáng dậy, tôi không nhận ra mợ nữa. Một khuôn mặt không đợi, không chờ, không mong, không trông ngóng… Toàn thân co lại như một con ốc. Mợ nhìn quanh bằng đôi mắt vô hồn.
Giờ thì tôi hiểu tiếng thét đêm qua là một tiếng kêu cứu, một tiếng kêu cứu không lời vọng.
Cậu dắt mợ tiễn mẹ con tôi ra xe. Cậu bước từng bước sung sướng, nhẹ nhõm, ngời ngợi hạnh phúc. Mợ cúi mặt đi bên cạnh, khuôn mặt lằng lặng như sông chiều, đôi môi thẫn thờ màu lợt lạt lặng câm.
"Mợ!" Tôi cầm tay mợ thật lâu. Tôi nhận ra mình đang muốn khóc.
Mợ ngước nhìn tôi, trong khoảnh khắc, tôi thấy một giọt trong veo ứa ra mi mợ rồi khô đi rất nhanh, hoặc là nó đã chảy ngược lại vào trong.
Xe lừ đừ chuyển bánh. Tôi ngoái nhìn tấm thân nhỏ bé … càng lúc càng nhỏ dần… nhỏ xíu… Điều gì đó đã chết trong mợ và điều gì đó đã vỡ trong tôi.
Mẹ thường đánh trống lảng khi tôi nhắc về mợ và tiếng thét giữa khuya. "Con gái nhà quê thường lấy chồng sớm!" Mẹ chỉ trả lời gọn lỏn vậy và cau mày. "Lo học đi không thì cũng lấy chồng sớm rồi khổ thôi."
Mẹ dọa "lấy chồng sớm" như người ta dọa ma vậy.
Có khi tôi mơ thấy mợ xòe hai bàn tay che mặt, những chiếc nhẫn đủ màu lóe sáng trên mười ngón tay. Có khi tôi mơ thấy mợ xõa tóc chạy lên mặt đê và lao xuống sông. Có khi tôi mơ thấy mợ úp mặt vào một cái khăn trắng, nước mắt mợ khiến cái khăn chuyển qua màu xanh nước sông.
Tôi tìm đọc mấy quyển tạp chí nói về đời sống vợ chồng. Tự tôi hiểu ra vài điều và tôi rút ra một kết luận - Mợ đã chết ngay trong ngày cưới Cái kết luận này khiến tôi bực bội nhiều hơn là thỏa mãn óc tò mò. Tung hê mấy quyển tạp chí, tôi cắm đầu học, mùa thi đến nơi rồi còn gì.
Lúc tôi không còn nghĩ tới thì mợ xuất hiện.
Đó là một ngày mùa hè không mưa, trời nóng đến muốn gây sự với ai đó. Một người bước lên ngưỡng cửa nhà tôi và đứng sựng lại. Mấy phút sau tôi mới nhận ra mợ. Trời ơi! Chỉ trừ cái bụng quá to, còn lại tất cả đều quắt queo đến đau lòng. Đôi mắt mợ lõm xuống, hai má mợ lõm xuống, vai mợ lõm xuống, cổ tay cổ chân lô nhô xương. Mợ nhìn tôi trân trân.
Giờ đây, lúc này, tôi đã có thể hiểu mợ đôi chút.
Mợ mỉm cười, nụ cười lặng lờ sông chiều.
Ngay lập tức tôi nhớ đến cô nhỏ trong màu áo xanh đọt chuối bên bờ sông ngày nào.
"Mợ!". Tôi bật kêu và mắt cay cay. "Mợ sắp sinh phải không?"
Mợ gật đầu. Tôi kéo mợ vào nhà: "Cậu đâu mà mợ đi một mình?".
"Cậu đang trả tiền xe ngoài kia."
Tôi thò đầu ra cửa. Cậu đang đỏ mặt tía tai cãi nhau với ông tài xế …"
Đừng tưởng tôi đây dễ bị gạt… nhá."
"Trả đại đi cậu ơi!". Tôi la lên.
"Cậu đâu có tiếc tiền. Nhưng cậu tức…". Cậu giơ tay phân bua.
"Bác sĩ nói nếu không đau bụng thì phải mổ". Mợ cầm tay tôi, những ngón tay mợ gầy thấy rõ đốt xương. "Trúc biết không, tôi có lỗi với cậu nhiều lắm. Trời phạt tôi là đúng thôi."
"Mợ đừng nói vậy". Tôi nghẹn ngào.
Phòng sinh lặng ngắt. Ba mẹ tôi đứng bên ngoài. Cậu đang gật gà trên một băng ghế, thỉnh thoảng vang tiếng đập muỗi "bép bép". Mới ba giờ đồng hồ mà râu ria cậu đâm tua tủa. Bà bác sĩ choàng qua vai tôi cái áo choàng trắng rồi bước ra. Tôi nghe tiếng bà thở dài.
Mợ nằm trên bàn, cái bàn ngắn ngủn, hai chân co lên, bụng nhô quá mặt. Phía dưới máu vẫn tiếp tục loang ra. Mặt mợ trắng bệch, từng tế bào da run run.
Nước mắt mợ ứa từng giọt trong veo rơi trên tay tôi.
"… Làm vợ khó quá". Mợ thút thít khóc.
"Trời bắt chết cũng đúng thôi…"
Tôi cũng khóc. Máu… màu đỏ khủng khiếp.
Tôi kéo cái xô để sẵn dưới chân mợ và cúi người nôn thốc ra.
"Tôi muốn nói với Trúc chuyện này… khi tôi chết…"
"Mợ không chết đâu nhưng mợ cứ nói đi."
"Cái nhẫn… tôi tặng người khác mất rồi…"
Tôi rùng mình. Cái nhẫn nạm đá đỏ! Sao mợ lại nhắc đến nó vào lúc này? Những viên đá đỏ như những giọt máu tụ quanh. Tôi lại cúi người nôn thốc… tôi đã từng đeo chiếc nhẫn đó trong ngón tay của mình.
"Nhẫn mà làm gì, mợ? Mợ đừng suy nghĩ viển vông…"
Mợ nhìn lên trần, mắt mợ mở trừng trừng.
Một con thằn lằn đang cố nuốt một con gián, cái cổ của nó phình ra, những cái chân xương xẩu của con vật xấu số lỉa chỉa quanh cái miệng há rộng.
Cái gì đó như nụ cười thoáng qua đôi môi mở.
"Cái nhẫn… khi tôi chết… Trúc hãy…"
"Mợ nói bậy!". Tôi hét lên.
Bà bác sĩ đi vào vỗ vai tôi: "Thôi cô bé ra ngoài đi".
Rất nhiều ngày sau đó tôi học bài không thuộc.
Lúc nào trước mặt tôi cũng hiện lên khuôn mặt mợ với đôi mắt trống rỗng nhìn đứa bé quấn trong khăn. Nó nhắm nghiền mắt, vài cọng tóc lơ thơ phơn phớt trên trán. Nó thở đều đặn, bình yên, không hề hay biết đến nỗi tuyệt vọng của người mẹ ước ao được cùng nó bước về cõi chết.
"Con gái, mình ơi!". Cậu nói với tất cả sự hoan hỉ của một ông bố muộn. "Con gái con trai gì cũng quý cả ."
"Con gái!". Mợ lặp lại, giọng như một vết dao sắc lạnh khía vào nỗi trống không.
Tôi đi long rong tìm mua một món quà cho bé. Và một món quà cho mợ. Quà gì bây giờ?
Món quà nào cho một đứa bé sinh ra trong niềm hân hoan của cha và nỗi tuyệt vọng của mẹ? Món quà nào cho một người đàn bà mười bảy tuổi không ước, không mơ, không đợi chờ gì ở cuộc sống?
Tôi đi… đi… có gian hàng tôi quay lại hai lần. Tôi đi từ sáng đến chiều. Rồi tôi về, hai tay chẳng có gì.
Nhiều năm trôi qua. Thỉnh thoảng về quê lên mẹ kể cậu mợ đã có thêm hai đứa con nữa.
Mợ giờ là một phụ nữ mập mạp, đảm đang. Tôi không thể hình dung được mợ trong vóc dáng mập mạp như mẹ kể. Đôi lần tôi định về quê thăm mợ nhưng lại thôi.
Rồi tôi yêu. Vậy là tôi quên hẳn mợ. Chúng tôi đến tiệm nữ trang chọn nhẫn.
Những cái nhẫn nho nhỏ xinh xắn lấp lánh sau lớp kính. Tôi xòe tay đeo thử.
Bất chợt tôi nhìn thấy cái nhẫn nạm đá đỏ ngày nào.
"Sao bà có chiếc nhẫn này?". Tôi buột miệng hỏi.
"Cô thích không?"
"Sao bà có chiếc nhẫn này?" Tôi lặp lại.
Bà chủ tiệm thận trọng nhìn tôi: "Tôi là người mua bán mà. Loại nhẫn này tôi có nhiều, dù kiểu hơi xưa".
Để chứng minh, bà lấy ra vài cái nữa đặt bên nhau. Quả thật chúng giống hệt như cùng đúc một khuôn. Tôi không thể nhận ra cái nào là kỷ vật của mợ nữa.
- Nguyên Hương