Chiếc ô tô đưa tôi từ Hải Hậu về thành phố. Lắc lư. Nắng chao đảo xuyên vào ô cửa kính. Tay nó ẵm một đứa bé chừng chưa đầy năm đang ngủ sâu trong một cái chăn chiên nhàu nát và bẩn.
Tôi nao nao buồn. Lời hát cứ xoáy vào tai tôi, nhức và buốt... “Thân nghèo đói, đi hát rong kiếm tiền nuôi em...”. Cuộc sống dù văn minh đến đâu cũng còn những cảnh đáng thương đến thế. Hành khách bắt đầu xì xào bàn luận. Rốt cuộc thì họ cũng đều sờ vào túi mình rồi lặng lẽ bỏ vào cái nón rách của thằng hát rong một vài trăm. Tôi không còn tiền lẻ và tôi muốn cho nó hẳn vài ngàn kia. Sợ mọi người nghĩ rằng mình muốn “chơi trội” nên tôi đành ngồi im. Nó vẫn hát, bài nhạc vàng buồn đến nẫu ruột. Tôi khóc. Một vài hành khách nhìn tôi, tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên. Vâng, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta biết rơi nước mắt thương cho sự đói khổ của đồng loại.
Xe vào bến. Mọi người tíu tít xuống xe.
Thằng hát rong cũng xuống. Nó bảo rằng “nhà” của nó là góc của cái nhà thờ to đùng đằng ở phía kia.
Tôi ngồi chờ người nhà đến đón. Tôi nhìn quanh để tìm thằng bé hát rong nhưng nó đã lặn đâu mất tăm. Nhanh như có phép vậy.
Buồn. Tôi ngồi phịch xuống đất. Chờ đợi. Tôi hối hận vì đã không cho nó một xu trong khi sẵn sàng đổ nước mắt cho sự thống khổ của nó.
Tôi giận mình rằng có những ý nghĩ buồn cười đến rồ dại.
Thì bỗng dưng tôi lại nhìn thấy nó. Tay nó không ẵm đứa nhỏ, không có cái bị cói trên tay và áo quần thì nguyên như cũ. Chắc nó đã đặt em ngủ ở đâu đó và đi hát. Tội nghiệp.
Tôi vội vàng tới chỗ nó đứng. Tôi sẽ rút hết những đồng cuối cùng của mình cho nó. Những kẻ như thế không đáng thương sao được? Tôi chưa kịp tới nơi thì có một thằng bé khác vẻ mặt nghịch ngợm lao đến chỗ nó và hỏi dồn dập:
“Thế nào, hôm nay đủ ăn không?”
Chắc là đứa bạn “đồng nghiệp” của thằng hát rong. Tôi cụt hứng, bèn ngồi lại trên bậc tam cấp sau cái cột xi măng mà hai đứa đang nói chuyện. Tôi sẽ nói với thằng hát rong về sự cảm thông của mình sau khi đứa bạn nó đi khỏi. Và câu chuyện giữa hai kẻ ăn mày lọt vào tai tôi.
“Chẳng đáng bao mày ạ”. - Thằng hát rong trả lời bạn. - ”Hôm nay mụ ấy đòi tao nhiều quá.
Mụ kêu hôm nay trời lạnh, con bé rét cóng và hình như tao đang để nó khóc nhiều nên nó mệt.”
“Thế mấy?”
“Mười lăm. Mọi khi thì chỉ mười thôi, cay quá. Từ nay tao cóc thuê mụ ấy nữa. Tao đi hát một mình, bao nhiêu ăn cả, khỏi lo nghĩ. Bế đứa bé trên tay tao thấy thế nào ấy. Nó mà khóc thì tao chịu, không làm sao cho nín được.”
“Nhưng có nó thì người ta dễ móc tiền trong túi cho mày hơn. Mày tưởng chỉ có tiếng hát mà moi tiền thiên hạ hử? Chưa có thèm khóc vì vài câu vọng cổ rè rè của mày đâu.”
“Khinh nhau thế. Hôm nay trên chuyến Hải Hậu tao hát, có một con nhỏ học trò tầm tuổi bọn mình khóc sụt sùi đấy. Nhưng nó lại chẳng bỏ vào nón tao một xu nào cả. Thế mới điên người chứ!”
“Ôi dào! Chắc nó đã khóc vì xúc động (!) cái bộ con gái làm bộ làm tịch tí lại bủn xỉn nhất đời.”
“Còn mày?”
“Không có gì. Hôm nay là ngày chó chết!
Mà thôi, kiếm cái gì ăn thôi. Đói quá rồi.”
Thằng “ăn mày” có vẻ mặt nghịch ngợm chạy mất. Thằng hát rong mà tôi vừa khóc cho sự đói khổ của nó thì vừa đi vừa huýt sáo.
- Quỳnh Trang