Không có nó, cuộc trò chuyện tiếp theo sẽ mất đi ý nghĩa!
Tại sao lại tôi nghiêm ngặt đến thế? Chỉ vì thế, hay sao, mà mất ý nghĩa toàn bộ cuộc trò chuyện?
Vâng, nói sao nhỉ… Vấn đề là ở chỗ, tôi nghiên cứu triết luận tâm lý học sư phạm(1). Và tất cả những kết luận tôi đưa ra đều dựa vào đó. Có ý nghĩa gì khi đọc cuốn sách của tôi mà bạn không biết các nguyên tắc sư phạm cơ bản này? Tôi nghĩ là sẽ không có ý nghĩa. Còn bạn nghĩ thế nào, bạn sẽ tự quyết định.
(1) Tạm dịch từ thuật ngữ “Психофилософская педагогика”, trong đó “Психофилософия” là “triết luận tâm lý học”, theo tác giả, là “một hệ thống những quan điểm, nguyên tắc và thực hành nhất định nhằm giúp một người xây dựng mối quan hệ hài hòa với thế giới và với chính mình (theo http://applied.world-psychotherapy. com/article.php?post=568). Andrey Maksimov cho biết thuật ngữ “triết luận tâm lý học” được ông mượn từ quan điểm của nhà tâm lý học Xô viết Leonid Grimak, người cho rằng “để giúp một người trong lúc khó khăn, cần phải hiểu tâm lý và triết lý của anh ta” (theo //www.psychologies.ru/people/andrey-maksimov-psihofilosofiya-ne-nauka-no-ona- pomogaet-izmenit-jizn/).
Các nguyên tắc cơ bản của triết luận tâm lý học sư phạm bao gồm:
1. Nhiệm vụ chính của triết luận tâm lý học sư phạm không phải là giúp người này giáo dục người kia mà là tạo điều kiện để sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên bình đẳng như những đối tác.
2. Triết luận tâm lý học sư phạm hướng đến các bậc cha mẹ, chứ không phải những nhà giáo dục hay các thầy cô.
3. Con cái chính là niềm vui.
4. Trẻ em ở bất cứ lứa tuổi nào đều là con người, không khác người lớn là mấy.
5. Đứa trẻ không phải là sự nối tiếp của cha mẹ, không phải là tài sản của họ, mà là một cá thể độc lập.
6. Mọi đứa trẻ đều có quyền được tôn trọng, tối thiểu phải được phát biểu quan điểm của riêng mình và có quyền không đồng ý với quan điểm của người khác, kể cả khi đó là quan điểm của cha mẹ.
7. Chỉ có hai hình thức giáo dục: trò chuyện và nêu gương.
8. Đứa trẻ – đó là một con người đang bước vào thế giới. Vì thế, bé sẽ sống một cuộc sống không dễ dàng gì, trong đó bé có quyền nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ của cha mẹ.
9. Đứa trẻ không có bổn phận gì với cha mẹ của chúng. Bất cứ bổn phận nào mà trẻ nhận hay không nhận, đều là tự nguyện.
10. Đứa trẻ có quyền có cuộc sống riêng và những bí mật riêng.
Thế đấy! Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu cuộc trò chuyện của mình.
Chúng ta sẽ nói về điều gì?
Khi những đứa trẻ được sinh ra, chúng ta nghĩ rất nhiều về việc chúng sẽ như thế nào. Đó là những suy nghĩ đúng đắn và tự nhiên. Thế nhưng, sẽ không tệ nếu các bạn thử nghĩ xem chính chúng ta – bậc cha mẹ – nên thay đổi như thế nào, liên quan đến sự ra đời của đứa trẻ.
Vậy thì về việc giáo dục con như thế nào, ta sẽ không nhắc đến nữa sao?
Ta sẽ không nói về việc giáo dục như thế nào, mà sẽ nói ngay vào việc giao tiếp thế nào, bảo vệ thế nào, cố gây ảnh hưởng ra sao. Làm sao có thể thiếu những điều này được?
Nếu sau khi sinh con ra, bạn không thay đổi gì về nhận thức, có nghĩa là bạn không muốn trở thành một bậc cha mẹ thật sự
Tại sao lại nghiệt ngã đến thế?
Vâng, nhưng đúng là như vậy.
Tôi muốn nói ngay rằng những lời biện hộ kiểu như việc nuôi dạy con lấy mất nhiều thời gian, sức lực,… đều trượt mục tiêu.
Bạn muốn làm cha mẹ ư? Hãy nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc, tức là hãy dành cho nó thời gian, suy nghĩ,…
Bạn không muốn mất thời gian? Bạn không tìm ra thời gian? Có nghĩa là bạn không phải là cha mẹ thực thụ mà đây chỉ là một chức năng.
Tôi lại khắc nghiệt quá chăng?
Vâng. Chứ các bạn muốn gì?
Việc gieo trồng, chẳng hạn như trồng cà chua hay bắp cải, đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực, còn đứa trẻ thì tự nó sẽ lớn lên sao? Cà chua bạn không tưới, không chăm – sẽ chết, còn đứa bé dẫu sao cũng sẽ lớn. Kể cả khi cha mẹ tin rằng đứa bé tự mình lớn khôn, họ cũng đã lầm.
Cha mẹ luôn ảnh hưởng đến con cái, dù chỉ với sự có mặt của mình, đơn giản bởi vì các con sống cạnh chúng ta
Bạn có hiểu điều này không? Bạn luôn có ảnh hưởng đến con của mình. Bạn – thái độ của bạn đối với bản thân và người khác, với công việc của mình, với nửa kia của mình, với thời gian rỗi của mình, vâng, nói chung là với tất cả mọi thứ – luôn ảnh hưởng đến con của bạn.
Thái độ của cha mẹ đối với cuộc sống là nhân tố quyết định trong việc giáo dục con cái. Trên hết, bạn đang dạy con bằng chính bản thân mình. Trường hợp cụ thể của bạn sẽ mang tính tích cực hay tiêu cực – đó là vấn đề khác. Nhưng nó luôn có tác động mạnh. Đó chính là điều quan trọng.
Cuốn sách này, cũng như tất cả những công trình khác về giáo dục của tôi, đều nhắm đến đối tượng đầu tiên là cha mẹ, đến những ai cho rằng giao tiếp với con là việc làm chính yếu và những ai muốn mối giao tiếp này chất lượng hơn, thấu hiểu hơn.
Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta đã tạo ra một hệ thống giáo dục mà chỉ có cha mẹ chịu trách nhiệm cho việc đứa trẻ lớn lên như thế nào. Nếu trường học giúp được cho việc này, đó sẽ là một thành công lớn.
Nhưng cần phải xuất phát từ quan điểm: Không ai khác, ngoài cha mẹ, phải chịu trách nhiệm cho việc đứa trẻ lớn lên có học thức và hạnh phúc.
Trong cuốn sách này, giống như tất cả những cuốn sách mà tôi đã viết trước đây, tôi tuyệt đối không khẳng định rằng chỉ có những kết luận của tôi là duy nhất đúng. Nhiệm vụ của tôi là làm thế nào để cha mẹ suy nghĩ về quá trình giao tiếp quen thuộc giữa họ với con cái, để họ hiểu: Nếu việc sinh ra một đứa trẻ không thay đổi được họ, thì sẽ vô lý nếu đòi hỏi điều gì đó từ con người nhỏ bé kia. Trong trường hợp đó, đứa bé sẽ phát triển tùy vào hoàn cảnh.
Nhà tâm lý học nổi tiếng về giáo dục trẻ em, Shefali Tsabary, đã đưa ra thuật ngữ “tính nhận thức của cha mẹ”. Khi đứa bé được sinh ra, việc chúng ta nhận thức mình như là một con người mới, một bậc cha mẹ, là điều rất quan trọng. “Làm cha mẹ – đó là một không gian rộng lớn cho việc tự nhận thức”, Tsabary kết luận. “Không có một phạm vi nào trong cuộc sống mà con người được gặp chính mình một cách thường xuyên và hiển nhiên như vậy”(2).
(2) Shefali Tsabary, Дети – зеркало нашего тайного “Я”. Как на самом деле сделать счастливыми себя и своих детей! (tạm dịch: Trẻ em – tấm gương cái “Tôi” bí mật của chúng ta. Làm thế nào để thật sự khiến cho mình và con mình hạnh phúc?), M.: ACT, 2016, tr.183.
Con người trước và sau khi sinh con là hai người khác nhau. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp các bạn nhận thức được điều đó.