Cuối năm 1972, Mỹ đã thực hiện kế hoạch Linebacker II nhằm tìm lợi thế về mặt quân sự và ngoại giao trên bàn đàm bàn phán Paris ép ta phải nhân nhượng theo điều kiện cho chúng. Kế hoạch của Mỹ sẽ tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 thay vì các máy bay ném bom chiến thuật như trước. Mục đích là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của nước ta. Quân đội Mỹ ngạo mạn và tự tin vào máy bay chiến lược B-52 được xem là “pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Thậm chí khi được giao nhiệm vụ, các phi công Mỹ vẫn được nói rằng, nhiệm vụ của họ rất đơn giản, chỉ cần cắt bom và trở về mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng nào của Quân đội Việt Nam. Nhưng kết quả trái ngược hoàn toàn với dự tính, trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972), đã có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Mỹ đã thất bại nặng nề khi thực hiện kế hoạch Linebacker II, chịu khuất phục trên bầu trời Hà Nội và miền Bắc.
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Việc sử dụng hiệu quả và cải tiến các loại vũ khí, khí tài trong chiến dịch cuối năm 1972 đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của bộ đội phòng không không quân. Với việc sử dụng nhuần nhuyễn các loại vũ khí, các đơn vị pháo cao xạ, radar, tên lửa, tiêm kích... đã phối hợp tạo nên “lưới lửa” phòng không tầng tầng, lớp lớp quyết bắt trọn những tốp máy bay địch. Sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại vũ khí, khí tài tiến bộ cùng với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của quân dân Việt Nam đã đưa chiến dịch phòng không ngay trong lòng thành phố lên một tầm cao mới. Chiến thắng này đã khiến Mỹ gặp “giấc mơ kinh hoàng” trong chuyến phiêu lưu quân sự cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Ấn phẩm kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không với tựa đề: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong cải tiến vũ khí, khí tài. Đó là những câu chuyện thú vị xung quanh các loại vũ khí, khí tài đã được cải tiến cho phù hợp với cách đánh và thực tiễn chiến trường Việt Nam. Đây được xem là những “bảo vật quốc gia” sử dụng trong chiến đấu chống lại không quân Mỹ, đặc biệt là tìm diệt máy bay B52 trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972.
Sau năm 1968, để củng cố và giúp cho ngụy quân, ngụy quyền đứng vững ở miền Nam, Mỹ ra sức viện trợ giúp Chính quyền Sài Gòn xây dựng quân đội theo hình mẫu lý tưởng mà chúng yêu cầu, với các loại vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất và sự yểm trợ tối đa của không quân Mỹ trong các cuộc giao tranh với quân giải phóng miền Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, trên cả chiến trường miền Nam và miền Bắc, đặc biệt phát huy sức mạnh tiến công của bộ đội chủ lực làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon. Ở miền Bắc, quân và dân ta tổ chức bố trí trận địa phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng (từ 18 đến 30-12-1972). Thành công về nghệ thuật tổ chức phát hiện ý đồ, dự đoán đúng âm mưu đánh phá của chiến lược không quân Mĩ, tổ chức và áp dụng hợp lí lực lượng phòng không 3 thứ quân, đánh các loại máy bay chiến lược, chiến thuật của địch cả ban đêm và ban ngày.
Ở thời điểm đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn, về khoa học quân sự, quân và dân miền Bắc xác định trọng trách của mình. Trong tình thế ngặt nghèo nhất với những kíp trực chiến “vạch nhiễu tìm thù”, dẫn đường cho MiG-21 “chọc thủng” hàng rào F4 dày đặc. Những anh hùng thầm lặng sẵn sàng dùng những cái thô sơ nhất, đơn giản nhất để đối phó với những vũ khí tối tân và có sức hủy diệt kinh khủng nhất lúc bấy giờ (bài Tín hiệu pup…pụp…pụp…).
Nói về Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, phần lớn của chiến thắng vang dội là lòng quyết tâm của quân dân Thủ đô, cùng với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương. Tuy vậy vẫn không thể không nhắc đến việc quan tâm và chi viện vũ khí, khí tài cho quân đội Việt Nam của chính phủ Liên Xô (bài Bộ khí tài đặc biệt, Trong chớp lửa SAM-2…). Việc Liên Xô viện trợ cho quân đội Việt Nam đã phát huy tích cực trên mọi chiến trường ở Việt Nam, tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam được tăng cường nhanh chóng
Càng tự hào hơn khi nhiều loại vũ khí, khí tài bắn gục “pháo đài bay” do chính các kỹ sư khoa học kỹ thuật quân sự chế tạo như súng máy phòng không, kính ngắm quang học hay cuốn “Cẩm nang đánh máy bay B52” cũng được coi là một loại vũ khí mềm, có tính chất quyết định cách tác chiến đầy sáng tạo nhưng vô cùng đanh thép và quyết liệt trong những tháng ngày Thủ đô đỏ lửa.
Do vậy, sau Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, ta không những bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực mục tiêu trọng điểm, mà còn bắn rơi tại chỗ rất nhiều máy bay, trong đó không thể không nhắc đến “pháo đài bay” B52 và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. B52 bị bắn hạ ở Việt Nam là một tổn thất cực lớn, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Mỹ, làm rúng động Lầu Năm Góc. Chiến dịch Linebcker II của Nixon hoàn toàn phá sản, Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris đầu năm 1973.
Tuy rằng vũ khí không tân tiến, hiện đại bằng cường quốc lúc bấy giờ, nhưng bằng ý chí và sức mạnh đại đoàn kết, quân và dân ta đã làm phá sản chuyến phiêu lưu quân sự 12 ngày của không quân Mỹ tại miền Bắc. Đồng thời cũng chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng dù công nghệ hiện đại, tối tân thế nào nhưng sử dụng vào chiến tranh xâm lược, phi nghĩa thì vẫn có thể thất bại đau đớn trước lòng quyết tâm và thế trận phòng không, nghệ thuật chiến tranh nhân dân đầy sáng tạo.
Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã để lại nhiều bài học quý giá về chiến tranh nhân dân Việt Nam trước các loại vũ khí hùng hậu, tối tân của đế quốc Mỹ. 50 năm đã trôi qua, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam trước quân xâm lược bạo tàn.