Mường tượng sáng tạo là gì?
Mường tượng sáng tạo là kỹ thuật vận dụng trí tưởng tượng để tạo ra những điều bạn mong muốn trong cuộc đời mình. Thật ra, cũng không có gì là mới mẻ, lạ lẫm hay khác thường về kỹ thuật này. Bởi vì bạn đã và vẫn đang sử dụng nó hàng ngày, trong từng phút giây. Đó chính là sức mạnh tưởng tượng tự nhiên, vốn có của bạn, là năng lượng sáng tạo cơ bản của vũ trụ. Bạn liên tục sử dụng nó cho dù bạn có nhận thức được về nó hay không.
Trong quá khứ, nhiều người trong chúng ta đã sử dụng sức mạnh của mường tượng sáng tạo một cách vô thức. Do những quan niệm tiêu cực cố hữu về cuộc đời đã bám rễ quá sâu, chúng ta vô tình đóng khung suy nghĩ rằng sự thiếu sót, những giới hạn, khó khăn và vấn đề rắc rối xảy đến là “số mệnh” ta phải gánh chịu trong đời. Dù ít hay nhiều thì đó cũng là “sản phẩm” ta đã tự tạo ra cho mình.
Quyển sách này mong muốn chia sẻ phương cách vận dụng khả năng mường tượng sáng tạo một cách có ý thức, tự chủ hơn, như một kỹ thuật để tạo dựng những điều ta thật sự mong muốn – như tình yêu thương, sự đủ đầy, trọn vẹn, niềm vui được thụ hưởng, những mối quan hệ tốt đẹp như mong muốn, công việc được tưởng thưởng xứng đáng, thể hiện bản thân, sức khỏe, sắc đẹp, sự thịnh vượng, bình an nội tâm, sự hòa hợp hay bất cứ điều gì trái tim bạn ước muốn. Mường tượng sáng tạo trao cho chúng ta chìa khóa để mở cánh cửa dẫn đến những điều tốt đẹp, đón nhận sự hào phóng tự nhiên của cuộc sống.
Mường tượng là khả năng đưa ra ý tưởng, vẽ nên một bức tranh trong tâm trí hay gợi dậy cảm nhận về một điều gì đó. Theo phương pháp này, bạn vận dụng trí tưởng tượng để đưa ra hình ảnh, ý tưởng hoặc cảm nhận rõ ràng cho điều bạn muốn thể hiện. Sau đó, hãy liên tục tập trung vào chúng, đồng thời gửi trao đến chúng dòng năng lượng tích cực cho đến khi chúng trở thành hiện thực... ; nói cách khác là cho đến khi bạn thật sự đạt được những gì bạn đã hình dung.
Mục tiêu bạn muốn đạt được có thể ở nhiều cấp độ – vật chất/thể chất, tình cảm, tinh thần hoặc tâm linh. Bạn có thể hình dung mình đang ở trong một ngôi nhà mới, với một công việc mới, có một mối quan hệ như mơ, hoặc cảm giác yên tĩnh và thanh bình, hay là trí nhớ được cải thiện, khả năng tiếp thu, học hỏi tốt. Hoặc bạn có thể hình dung ra mình giải quyết rốt ráo một tình huống khó khăn nào đó mà chẳng hề tốn chút công sức nào, hay chỉ đơn giản là bạn muốn thấy mình tỏa sáng, tràn trề năng lượng sống. Bạn có thể vận dụng khả năng mường tượng cho bất cứ cấp độ nào, và tất cả sẽ đều mang lại kết quả... Từ những kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hành, bạn sẽ tìm ra những hình ảnh và kỹ thuật hiệu quả nhất cho mình.
Hãy lấy một ví dụ cụ thể, chẳng hạn như bạn cảm thấy công việc hiện tại về cơ bản vẫn ổn thỏa, nhưng có những yếu tố cần được cải thiện, bạn có thể bắt đầu bằng cách hình dung ra những điểm cần cải thiện theo ý muốn. Nếu cách này không có tác dụng, hoặc giả như bạn cảm thấy thích công việc mới hơn, hãy tập trung mường tượng bản thân mình trong vị trí công việc mới như mong muốn.
Dù theo cách nào, về cơ bản, kỹ thuật là như nhau. Sau khi bước vào trạng thái thư giãn, tâm trí tĩnh tại, hãy hình dung bạn đang làm việc trong một môi trường lý tưởng, làm công việc yêu thích và cảm thấy thỏa nguyện, hài hòa trong quan hệ với mọi người, đón nhận sự trân trọng và sự bù đắp tài chính xứng đáng. Hãy thêm vào những chi tiết bạn cho là quan trọng đối với mình, như số giờ làm việc, quyền hạn hoặc trách nhiệm, v.v. Cố gắng cảm nhận rằng những hình dung này của bạn hoàn toàn có thể đạt được trong thực tế; hãy trải nghiệm về nó như thể nó đã diễn ra rồi. Tóm lại, hình dung chính xác cách bạn muốn mọi việc trở nên như thế nào, như thể nó vốn là như vậy!
Lặp lại bài tập ngắn, đơn giản này thường xuyên, ít nhất hai lần mỗi ngày, hoặc bất cứ lúc nào bạn nghĩ về nó. Nếu bạn có ý định tạo nên sự đổi thay rõ ràng thì sớm muộn gì bạn cũng tìm thấy cơ hội tốt cho sự chuyển đổi trong công việc.
Ở đây, nên lưu ý rằng kỹ thuật này không được sử dụng với mục đích “kiểm soát” hành vi của người khác hoặc khiến họ làm điều ngược lại với ý nguyện. Tính hiệu quả của kỹ thuật mường tượng sáng tạo là nó giúp ta phá bỏ những rào cản từ bên trong bản thân, chuyển sang trạng thái hài hòa tự nhiên và tự nhận thức rõ bản thân, nó cho phép ta thể hiện mặt tích cực nhất của mình.
Để sử dụng phương pháp mường tượng sáng tạo, không nhất thiết ta phải tin vào bất kỳ ý tưởng siêu hình hay tâm linh nào, tuy vậy chúng ta phải cảm thấy vui thích với những quan niệm, nhận thức nào đó, xem đó là chuyện khả thi. Ta cũng không nhất thiết phải “gửi trọn niềm tin” vào bất kỳ sức mạnh nào tồn tại bên ngoài bản thân.
Điều cần thiết duy nhất là bạn có mong muốn làm giàu vốn kiến thức và trải nghiệm, kinh nghiệm sống, cùng một tâm trí cởi mở để nếm trải điều mới mẻ với thái độ tích cực.
Hãy học hỏi, tìm hiểu các nguyên tắc, thử qua phương pháp mường tượng sáng tạo với một cái đầu và trái tim rộng mở, rồi sau đó tự suy xét xem chúng có hữu ích cho bạn hay không.
Nếu quả đúng như vậy, hãy tiếp tục sử dụng và phát triển chúng, sớm muộn gì những thay đổi ở bản thân và trong cuộc đời bạn sẽ vượt xa sức tưởng tượng của bạn...
Mường tượng sáng tạo quả thật màu nhiệm. Nó hàm chứa sự thông tuệ và giúp bạn song hành cùng những nguyên tắc tự nhiên vốn chi phối sự vận động của vũ trụ; bạn cũng sẽ học được cách sử dụng những nguyên tắc này một cách có ý thức và sáng tạo nhất.
Nếu trước kia bạn chưa từng tận mắt nhìn thấy một đóa hoa rực rỡ hay cảnh hoàng hôn đẹp lạ kỳ, và khi ai đó mô tả lại với bạn, bạn có thể xem đó là điều lạ thường (mà nó vốn thật như vậy!). Một khi tự thân bạn mở rộng tầm nhận thức của mình hơn, và bắt đầu tìm hiểu những quy luật tự nhiên xoay quanh vấn đề này, bạn sẽ biết được cách những hình ảnh ấy được hình thành trong tâm trí bạn ra sao, và chuyện về đóa hoa rực rỡ hay hoàng hôn tuyệt đẹp sẽ không còn huyền hoặc, bí ẩn nữa, mà bạn sẽ cảm thấy đó là lẽ tự nhiên.
Tiến trình mường tượng sáng tạo cũng tương tự như vậy. Những gì có vẻ đáng kinh ngạc hoặc bất khả thi trước đây – do những cái đầu đầy lý lẽ đúng sai của chúng ta là sản phẩm của kiểu giáo dục gò bó, hạn chế – nay hoàn toàn được hiểu rõ một khi chúng ta học hỏi và thực hành theo quan niệm, tinh thần của mường tượng sáng tạo.
Làm được như vậy, bạn đang tạo nên điều kỳ diệu trong cuộc đời mình. Và bạn thật sự sẽ đạt được!
Phương pháp mường tượng sáng tạo hoạt động như thế nào?
Để hiểu phương pháp mường tượng sáng tạo phát huy hiệu quả như thế nào, chúng ta cần tìm hiểu một số nguyên tắc có liên quan sau đây:
Vũ trụ vật chất này được cấu thành từ năng lượng
Giới khoa học hiện nay đang bắt đầu khám phá về những gì mà các bậc thầy tâm linh và siêu hình học đã biết từ hàng thế kỷ nay. Vũ trụ vật chất của chúng ta thật sự không được cấu thành từ bất kỳ yếu tố “vật chất” nào; thành tố cơ bản của nó là một loại lực mà chúng ta gọi là năng lượng.
Khi xem xét dựa trên cấp độ cảm nhận của các giác quan, vật chất tồn tại ở thể rắn và rời rạc nhau. Tuy nhiên, ở cấp độ tinh vi hơn, bản chất hơn - cấp độ nguyên tử và hạ nguyên tử*, theo quan sát, những vật chất có vẻ ở thể rắn kia là những phần tử vô cùng nhỏ gắn kết với nhau bằng một dạng năng lượng thuần khiết.
* Hạt hạ nguyên tử là một khái niệm để chỉ các hạt cấu thành nên nguyên tử, cùng các hạt được giải phóng trong các phản ứng hạt nhân hay phản ứng phân rã. Ví dụ: điện tử, proton, neutron là những hạt hạ nguyên tử thường được nhắc đến. Ngoài ra còn rất nhiều các hạt hạ nguyên tử khác trong vật lý hạt.
Về mặt vật chất, tất cả chúng ta đều tồn tại ở dạng năng lượng, vạn vật xung quanh ta và bên trong ta cũng được cấu thành từ năng lượng. Chúng ta là một phần của trường năng lượng vĩ đại. Những vật chúng ta nhận thấy là ở thể rắn và tách biệt nhau thật sự chỉ là những hình thức biểu hiện khác của nguồn năng lượng bản chất này. Hay nói cách khác, con người và vật chất đều được cấu thành từ nguồn năng lượng cốt lõi chung, nếu hiểu theo nghĩa đen, tất cả đều là một.
Năng lượng này đang tỏa lan với nhiều tốc độ khác nhau và chất lượng cũng khác, từ dạng tinh tế đến thô đặc. Xét một cách tương đối, suy nghĩ là dạng năng lượng tinh tế, nhẹ nên nó có thể thay đổi rất nhanh chóng, dễ dàng. Còn vật chất (cũng chỉ mang tính tương đối) là dạng năng lượng thô đặc, kết chặt thành khối nên tính năng vận động và biến đổi của chúng chậm hơn. Nhưng ngay trong vật chất cũng có sự khác biệt lớn giữa các loại khác nhau, chẳng hạn như cơ thịt sống là năng lượng ở dạng tinh tế, nhanh chóng thay đổi và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố; trong khi đó tảng á kia là dạng năng lượng thô nên chậm biến đổi hơn và khó bị tác động. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, ngay cả đến tảng á vững chắc kia cũng bị năng lượng nhẹ, tinh tế của nước chinh phục. Mọi hình thái năng lượng đều có quan hệ tương hỗ lẫn nhau và có thể tác động lên nhau theo quy luật tương sinh - tương khắc.
Năng lượng có sức hút
Đây là một trong những quy luật về năng lượng: Năng lượng phát tỏa từ một phẩm chất nào đó hoặc loại năng lượng tạo ra các luồng xung động sẽ có xu hướng thu hút năng lượng có cùng phẩm chất và có làn sóng rung động tương tự.
Suy nghĩ và cảm xúc có lực hút của riêng nó, chúng thu hút những năng lượng có bản chất tương tự. Chúng ta có thể nhận thấy nguyên tắc này cũng vận hành trong công việc, chẳng hạn như khi chúng ta “vô tình” gặp người mà ta vừa suy nghĩ về họ, hoặc “bất chợt” bốc ngay quyển sách chứa đựng chính xác thông tin ta cần lúc đó.
Từ ý tưởng định hình nên vật chất
Suy nghĩ là dạng năng lượng cơ động, nhẹ và di chuyển nhanh. Nó bộc lộ ngay tức thời, không giống với những thể rắn như vật chất.
Khi chúng ta sáng tạo ra cái gì đó, chúng ta bao giờ cũng tạo ra nó dưới dạng suy nghĩ trước tiên. Suy nghĩ hay ý tưởng luôn là xuất phát điểm đầu tiên cho mọi sự biểu lộ sẽ được cảm nhận qua các giác quan. Ví dụ như: ý nghĩ “Tôi nghĩ tôi sẽ chuẩn bị bữa tối” dẫn dắt cho hành động nấu ăn; “Tôi muốn có một chiếc váy mới” dẫn dắt cho hành động đi mua một chiếc váy; “Tôi cần một công việc” sẽ dẫn dắt hành động tìm việc làm, v.v.
Người họa sĩ nào cũng cần phải có một ý tưởng “phôi thai” hoặc nguồn cảm hứng ban đầu để sau đó họa nên một bức tranh. Người thợ xây trước hết cần có bản thiết kế rồi từ đó xây nên cả tòa nhà.
Ý tưởng giống như bản phác thảo; nó tạo ra trong tâm trí một hình ảnh nào đó, sau đó nó thu hút và hướng dẫn nguồn năng lượng vật chất để kiến tạo sự vật theo ý tưởng ấy, và cuối cùng từ ý tưởng vô hình đã biến thành một dạng vật chất hữu hình.
Nguyên tắc này vẫn đúng ngay cả khi chúng ta không hành động trực tiếp, cụ thể để tạo ra những ý tưởng của mình. Việc có một ý tưởng hay suy nghĩ ban đầu và giữ nó trong tâm trí chính là nguồn năng lượng sẽ có xu hướng thu hút các điều kiện cần thiết để tạo ra điều mà bạn vẫn nghĩ đến. Nếu bạn liên tục suy nghĩ về bệnh tật, đến lúc nào đó có thể bạn sẽ mắc bệnh thật; còn nếu bạn tin mình xinh đẹp, bạn sẽ trở nên như thế. Những ý tưởng vô thức, ngẫu nhiên hay những cảm xúc thoáng qua trong ta cũng phát huy tác dụng tương tự.
Quy luật lan tỏa và hấp dẫn
Quy luật này phát biểu rằng bất cứ thứ gì bạn đưa ra vũ trụ hay thế giới, chúng sẽ được phản hồi trở lại với chúng ta theo quy tắc “Gieo gì, gặt nấy”.
Quy luật này cho rằng chúng ta luôn thu hút vào cuộc đời mình những điều chúng ta nghĩ đến nhiều nhất, có niềm tin mạnh mẽ vào nó nhất, nuôi sâu kỳ vọng về nó, hoặc hình dung ra nó một cách sống động nhất.
Khi chúng ta sống trong tâm trạng tiêu cực và sợ hãi, cảm thấy bất an hay đâu lo, chúng ta thường thu hút lại gần mình những trải nghiệm, tình huống hay những con người mà chúng ta đang tìm cách tránh né. Nếu cơ bản chúng ta mang thái độ vui thích, thỏa mãn và hạnh phúc, chúng ta có xu hướng thu hút và tạo ra những tình huống, sự kiện và con người tương thích với những mong muốn tích cực của ta. Do vậy, việc chủ động hình dung ra những điều ta mong muốn sẽ giúp cho tiến trình hiện thực hóa ước mong dễ dàng hơn trong thực tế cuộc sống.
Sử dụng phương pháp mường tượng sáng tạo
Khi thực hành phương pháp mường tượng sáng tạo, tiến trình chuyển đổi không diễn ra một cách hời hợt, bề ngoài theo kiểu “chỉ suy nghĩ tích cực là đủ”. Ở đây, sự chuyển biến bao gồm cả việc tìm tòi, khám phá và đổi mới từ trong bản chất thái độ của chúng ta về cuộc đời. Đó là lý do tại sao việc học cách sử dụng phương pháp mường tượng sáng tạo có thể trở thành một trải nghiệm về sự trưởng thành sâu sắc và đầy ý nghĩa. Trong tiến trình này, chúng ta thường xuyên khám phá những nỗi sợ hãi hoặc niềm tin vô thức ta vẫn thường tự tạo ra để kìm hãm bản thân, tự cản trở mình đạt đến sự đủ đầy và trọn vẹn trong cuộc đời. Một khi đã nhìn nhận rõ ràng, thấu đáo, những thái độ làm giới hạn bản thân, tiến trình mường tượng sáng tạo sẽ giúp xóa nhòa những rào cản này. Chúng ta dành ra cho mình khoảng không gian để tìm kiếm và làm sống lại trạng thái hạnh phúc, đủ đầy, yêu thương... tự nhiên vốn có.
Trước tiên, bạn có thể thực hành phương pháp mường tượng sáng tạo vào những thời điểm đặc biệt và vì những mục đích cụ thể. Khi càng trở nên quen thuộc với phương pháp này và bắt đầu tin cậy vào những kết quả nó có thể mang đến cho bản thân, bạn sẽ thấy rằng mường tượng sáng tạo là một phần không thể thiếu trong quá trình suy nghĩ. Nó trở thành một nhận thức mang tính liên tục, một trạng thái có ý thức, qua đó bạn biết mình là người sáng tạo không ngừng cho cuộc đời mình.
Đó là hiệu quả cao nhất của mường tượng sáng tạo – mỗi khoảnh khắc cuộc đời bạn trở thành khoảnh khắc sáng tạo tuyệt vời, trong đó chúng ta được tự nhiên chọn lựa điều tốt nhất, đẹp nhất, cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn nhất mà ta có thể hình dung...
Một bài tập đơn giản về phương pháp mường tượng sáng tạo
Sau đây là bài tập giới thiệu kỹ thuật cơ bản của phương pháp mường tượng sáng tạo:
Trước tiên, hãy nghĩ về điều bạn yêu thích. Đối với bài tập này, hãy lựa chọn điều đơn giản bạn có thể dễ dàng hình dung mình đạt được. Có thể đó là một đồ vật bạn muốn có, một sự kiện bạn mong muốn diễn ra, một tình huống bạn thích được tham gia vào đó, hay bất kỳ tình huống nào trong đời mà bạn muốn cải thiện.
Tìm đến một vị trí thoải mái, ngồi xuống hoặc nằm xuống, hãy tìm cho mình một nơi yên tĩnh để bạn không bị quấy rầy. Thả lỏng toàn thân, bắt đầu từ ngón chân và dần dần đến đỉnh đầu. Hãy nghĩ đến việc thả lỏng tuần tự từng cơ bắp, để mọi căng thẳng được loại ra khỏi cơ thể. Hít thở sâu và chậm bằng bụng. Đếm chậm từ mười trở về một, cảm nhận bản thân mỗi lúc một đi vào trạng thái thư giãn sâu hơn theo từng nhịp đếm.
Khi đã cảm thấy thư giãn thật sâu, hãy bắt đầu hình dung chính xác điều bạn muốn đạt được theo ý thích của mình. Nếu đó là một vật thể, hãy tưởng tượng bạn đang sống với vật thể ấy, sử dụng nó, chiêm ngắm nó, vui vẻ tận hưởng nó và giới thiệu cho bạn bè cùng xem. Nếu đó là một tình huống hoặc sự kiện, tưởng tượng mình đang ở đó và mọi thứ diễn ra theo ý muốn của bạn. Bạn có thể hình dung ra những gì người khác đang nói, hoặc bất kỳ tình tiết nào làm cho sự kiện/tình huống trở nên sống động hơn, thật hơn với bạn.
Bạn có thể mất chút thời gian hoặc vài phút để hình dung. Hãy vui vẻ tận hưởng nó. Đó là một trải nghiệm thú vị, như đứa trẻ thường mơ về điều nó muốn cho ngày sinh nhật của mình.
Bây giờ, giữ yên ý tưởng hay hình ảnh ấy trong tâm trí bạn; bằng tâm trí, hãy đưa ra những lời khẳng định thật tích cực cho bản thân (nói to hoặc đọc thầm, tùy ý bạn), như:
- Tôi đang ở đây để tận hưởng một ngày cuối tuần tuyệt vời ở trên núi.
- Thật là một kỳ nghỉ tuyệt vời.
hoặc
- Tôi thích quang cảnh nhìn từ căn hộ mới và rộng rãi của tôi.
hoặc
- Tôi đang học cách yêu thương và chấp nhận chính mình.
Đây là những lời khẳng định tích cực, một phần rất quan trọng trong mường tượng sáng tạo mà chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn ở phần sau.
Nếu muốn, bạn có thể kết thúc tiến trình mường tượng sáng tạo với lời khẳng định cho bản thân như sau:
Giờ đây, mọi việc đang diễn ra đúng như những gì tôi mong ước. Tất cả đều hài hòa với dòng chảy của Vũ trụ và với nhịp điệu bên trong chính tôi, và cùng hướng về điều tốt đẹp nhất.
Với câu nói khẳng định này, bạn đã tạo tiền đề cho điều gì đó khác biệt sắp sửa diễn ra, thậm chí việc sắp xảy đến còn tuyệt vời hơn những gì bạn đã từng hình dung. Một lời khẳng định với bản thân có tác dụng như một công cụ nhắc nhở bạn rằng tiến trình mường tượng chỉ vận hành vì lợi ích của đôi bên.
Nếu có mối nghi ngờ nào hoặc những ý nghĩ mâu thuẫn, trái ngược nhau xuất hiện, hãy đừng tỏ thái độ chối bỏ hay cố ngăn chặn nó. Làm vậy, bạn vô tình tiếp thêm sức mạnh cho những điều không mong muốn ấy. Chỉ đơn giản để chúng trôi qua ý thức của bạn, nhận biết chúng và quay lại với những lời nói, hình ảnh tích cực về bạn.
Hãy thực hiện bài tập này bao lâu chừng nào bạn còn cảm thấy thích thú, có thể trong vòng 5 phút hoặc nửa tiếng. Lặp lại mỗi ngày, hoặc thường xuyên đến mức có thể.
Như bạn thấy, bước cơ bản này tương đối đơn giản. Tuy nhiên, để sử dụng nó một cách hiệu quả cần phải có sự am hiểu, gạn lọc sao cho từng viễn cảnh trong hình dung thật phù hợp với nguyện ước chân thành từ đáy lòng sâu thẳm của bạn.
Tầm quan trọng của việc thư giãn
Việc thư giãn sâu có vai trò quan trọng trong lần đầu học cách sử dụng phương pháp mường tượng sáng tạo. Khi cơ thể và tâm trí bạn được thư giãn sâu, sóng não thật sự thay đổi và trở nên chậm hơn. Sóng não ở cấp độ sâu hơn và chậm hơn được gọi là sóng cấp alpha (còn khi ý thức con người trong trạng thái tỉnh táo, bận rộn, sóng não đo được sẽ dừng ở cấp beta), và nhiều nghiên cứu vẫn đang được thực hiện về tác động của việc thư giãn.
Theo nghiên cứu, sóng não ở cấp alpha là một trạng thái ý thức rất lành mạnh, do tác động thư giãn của nó đối với tâm trí và cơ thể. Và thật thú vị, người ta nhận thấy rằng nó có hiệu quả vượt xa so với cấp sóng beta, tuy cấp sóng beta có phần năng động hơn trong việc tạo ra những thay đổi thật sự trong thế giới khách quan bằng phương pháp mường tượng. Với ý nghĩa thực tiễn đó, nếu bạn học cách thư giãn sâu và thực hành mường tượng sáng tạo, bạn có thể tạo nên những thay đổi hiệu quả hơn cho cuộc đời mình, thay vì cứ mãi lo lắng, trù tính kế hoạch, và cố gắng điều khiển sự việc, vận động mọi người giúp cho điều bạn mong muốn thành hiện thực.
Nếu bạn đã biết cách thư giãn sâu hoặc đang thực hành thiền, dù theo cách thức nào, hãy sử dụng cách thức đó. Nếu không, bạn có thể tiếp tục sử dụng phương pháp được mô tả ở chương trước – hít thở chậm và sâu, lần lượt thả lỏng từng bắp cơ trong thân thể, và chậm rãi đếm từ mười trở về một. Nếu bạn gặp phải rắc rối nào trong việc thư giãn, bạn có thể tìm kiếm sự chỉ dẫn ở phương pháp yoga, thiền định, hoặc liệu pháp giảm stress. Mặt lợi ích của tất cả những phương pháp này là bạn sẽ nhận thấy thư giãn sâu mang lại tác dụng lành mạnh cho tinh thần, cảm xúc và thể chất.
Tốt nhất là nên thực hành mường tượng sáng tạo vào ban đêm trước lúc đi ngủ hoặc vào buổi sáng sau khi thức dậy, vì vào những thời điểm đó, tâm trí và cơ thể vừa trải qua trạng thái thư giãn sâu và dễ dàng tiếp thu. Có thể bạn thích thực hành phương pháp này trong khi nằm trên giường, nhưng nếu bạn có khuynh hướng dễ buồn ngủ, tốt nhất là ngồi thẳng lưng trên mép giường hoặc trên ghế trong tư thế thoải mái, giữ cột sống thẳng và cân đối. Cột sống thẳng sẽ giúp cho năng lượng luân chuyển tự do và dễ dàng đạt được cấp sóng alpha.
Nếu có thể, hãy thực hiện bài thiền ngắn và thực hành mường tượng sáng tạo vào giữa ngày. Nó có tác dụng giúp bạn thả lỏng, thư giãn và phục hồi năng lượng tinh thần, thể chất, làm bạn tràn trề sức sống trở lại, và một ngày của bạn trôi qua thật suôn sẻ.
Chúng ta thực hành mường tượng như thế nào?
Nhiều người cũng thường tự hỏi ý nghĩa chính xác của từ “mường tượng” là gì. Một số người đâm ra lo lắng vì họ thật sự không “thấy” bức tranh hoặc hình ảnh nào trong tâm trí khi nhắm mắt lại và cố hình dung ra. Ban đầu, trong khi một số người cố hình dung, nhưng họ cảm thấy “chẳng có chuyện gì xảy ra”. Thông thường, họ chỉ đang cản trở bản thân bằng cách cố gắng đến vất vả. Có thể họ đang cảm thấy muốn thực hiện theo hướng khác, và cho rằng trải nghiệm của họ là không đúng hoặc không hợp lý. Nếu bạn cũng có cảm nhận tương tự, hãy thôi lo lắng, thư giãn và chấp nhận những gì xảy ra tự nhiên với bạn.
Đừng bị mắc kẹt trong thuật ngữ “mường tượng”. Việc nhìn thấy hình ảnh trong tâm trí là hoàn toàn không cần thiết. Một số người chia sẻ rằng họ nhìn thấy những hình ảnh rất rõ nét khi nhắm mắt lại và hình dung ra điều gì đó. Trong khi những người khác thật sự không “thấy” gì; họ chỉ có thể cảm nhận về nó hoặc “suy nghĩ” về nó. Điều đó hoàn toàn tốt. Bởi vì một số người có khả năng mường tượng tốt hơn, những người khác có năng lực về thính giác, số người khác lại có thiên hướng về vận động. Tất cả chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình liên tục – vì vậy, dù bạn nhận thấy mình thực hiện phương thức nào (bằng hình ảnh, âm thanh hay vận động...) trong tiến trình mường tượng thì đều tốt cả.
Nếu bạn vẫn không cảm thấy chắc chắn về ý nghĩa của việc mường tượng, hãy đọc lướt qua những bài tập dưới đây, sau đó nhắm mắt lại và nhìn ra điều gì tự nhiên đến với bạn:
Hãy nhắm mắt lại và thư giãn sâu. Nghĩ về một căn phòng quen thuộc, chẳng hạn như phòng ngủ hay phòng khách của bạn. Nhớ lại một vài chi tiết quen thuộc trong căn phòng, như màu sắc tấm thảm, cách bài trí, xếp đặt đồ nội thất, căn phòng trông sáng sủa hay mờ tối. Tưởng tượng bạn đang bước vào căn phòng và ngồi xuống hoặc ngả lưng trên chiếc ghế tựa, chiếc đi-văng, hay chiếc giường êm ái.
Bây giờ, hãy hồi tưởng lại một vài trải nghiệm thú vị bạn đã có trong mấy ngày qua, nhất là trải nghiệm có liên quan đến cảm giác tuyệt vời, như: thưởng thức một bữa ăn ngon lành, nhận được mẩu tin nhắn, bơi trong làn nước mát, hoặc khoảnh khắc tình yêu thăng hoa. Hãy nhớ lại trải nghiệm ấy càng sống động càng tốt, và tận hưởng cảm giác thú vị này một lần nữa.
Giờ, hãy hình dung bạn đang ở miền thôn quê, trải mình trên cánh đồng cỏ xanh mướt, êm mượt như nhung bên cạnh dòng sông mát trong, hoặc bạn đang thả bộ qua một khu rừng xinh đẹp, cây cối um tùm. Đây có thể là nơi bạn từng đặt chân đến, hoặc là một chốn lý tưởng bạn muốn ghé thăm. Hãy suy nghĩ thật chi tiết, và “vẽ” ra chốn ấy trong hình dung theo ý muốn của bạn.
Bất kỳ quy trình nào được sử dụng để chuyển những cảnh tượng này vào tâm trí đều là sự “mường tượng”.
Có hai cách thức trong mường tượng sáng tạo. Một là đón nhận, hai là chủ động. Theo cách đón nhận, chúng ta chỉ thư giãn và để cho những hình ảnh hay ấn tượng đến với mình mà không lựa chọn những chi tiết về chúng; chúng ta chỉ đón lấy những gì đến với mình. Còn theo cách chủ động, chúng ta chủ động lựa chọn và tạo ra những điều mình muốn thấy hay muốn tưởng tượng. Cả hai tiến trình đều quan trọng trong mường tượng sáng tạo, khả năng đón nhận và chủ độngcủa bạn sẽ được củng cố mạnh mẽ qua thực hành.
Những vấn đề rắc rối gặp phải với mường tượng sáng tạo
Đôi khi, con người tự hạn chế khả năng mường tượng hay hình dung của mình, rồi cảm thấy bản thân “không thể làm” điều đó. Hình thức hạn chế này thường nảy sinh từ nỗi sợ, vấn đề này sẽ được giải quyết nếu người trải nghiệm có khát khao giải tỏa mọi vướng mắc.
Thường thì người ta tự cản trở khả năng sử dụng mường tượng sáng tạo của mình chỉ vì họ sợ điều mình có thể đối mặt khi nhìn sâu vào bên trong bản thân – sợ những cảm xúc và cảm giác chưa được hiểu rõ. Chẳng hạn như, một người đàn ông tham gia một lớp học của tôi cứ khăng khăng cho là mình không có khả năng mường tượng, và cứ ngủ thiếp đi trong lúc thiền. Hóa ra là một lần nọ, anh ta đã có một trải nghiệm cảm xúc sâu lắng khi mường tượng, và anh sợ sẽ bị bẽ mặt nếu bộc lộ cảm nhận của mình trước người khác.
Một nữ khách hàng của tôi gặp khó khăn trong việc mường tượng cho đến khi cô ấy trải qua quá trình trị liệu và sau đó có thể giải tỏa những cảm xúc đau đớn cô đã chôn giữ trong lòng mình từ thời thơ ấu.
Sự thật là chẳng có gì bên trong ta có thể làm tổn thương ta; chỉ là nỗi sợ của ta trước việc trải nghiệm những cảm xúc riêng tư có thể trở thành chiếc bẫy nhốt ta vào đó.
Nếu có gì bất thường hay sự việc ngoài mong đợi xuất hiện trong lúc thiền, tốt nhất là chỉ nhìn vào nó, ở bên nó và trải nghiệm nó càng nhiều càng có thể, và bạn nhận thấy cuối cùng nó sẽ mất đi sức mạnh tiêu cực đối với bạn. Nỗi sợ của chúng ta tăng lên từ những điều chúng ta không dám đối mặt. Một khi ta sẵn sàng nhìn trọn vẹn và sâu vào nguồn gốc gây ra nỗi sợ, sức mạnh của nó tự động bị triệt tiêu. Nếu bạn cảm thấy quá sức, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà tham vấn hoặc chuyên gia trị liệu giỏi, họ có thể giúp ta chấp nhận và bộc lộ cảm xúc chất chứa của mình. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ta từng trải qua nỗi đau hoặc tổn thương lớn trong đời.
May thay, chúng ta hiếm khi gặp phải vấn đề rắc rối khi mường tượng. Cũng như những quy luật phổ biến khác, mường tượng sáng tạo đến một cách tự nhiên và càng được thực hành thường xuyên thì càng trở nên dễ dàng. Nếu mường tượng quá khó khăn đối với bạn, có thể việc nói lời khẳng định tích cực sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn (mời xem những chương sau).
Bốn bước cơ bản cho mường tượng sáng tạo hiệu quả
1. Thiết lập mục tiêu
Quyết định xem điều gì bạn muốn nhận thức, thực hiện, hoặc tạo dựng. Điều bạn mong muốn có thể ở bất kỳ lĩnh vực nào – công việc, nhà cửa, mối quan hệ, sự chuyển hóa bản thân, sự thịnh vượng, trạng thái tinh thần hạnh phúc hơn, sức khỏe được cải thiện, nhan sắc, điều kiện vật chất tốt hơn, giải quyết vấn đề trong gia đình hoặc trong cộng đồng v.v.
Trước tiên, hãy lựa chọn những mục tiêu tương đối dễ dàng với bạn, có thể đạt được trong tương lai gần, đặt trọn niềm tin vào đó. Với cách này, bạn sẽ không phải đối mặt với sự kháng cự tiêu cực từ chính bản thân, và bạn có thể gia tăng tối đa cảm giác thành công khi học cách mường tượng sáng tạo. Sau khi thực hành nhiều hơn, bạn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn hơn.
2. Tạo ra ý tưởng hoặc hình ảnh rõ ràng
Hãy tạo ra một ý tưởng, hình ảnh trong tâm trí, hoặc cảm giác về vật thể hay tình huống chính xác theo ý muốn của bạn. Bạn nên nghĩ về nó ở thì hiện tại như thể nó đang tồn tại theo cách bạn muốn. Hình dung bạn ở trong tình huống như mong muốn, vào ngay lúc này, càng nhiều chi tiết càng tốt.
Bạn có thể “vẽ” ra một bức tranh thật sự sống động về một thế giới riêng như bạn hằng ao ước, hoặc bằng cách tạo một tấm bản đồ kho báu (sẽ được mô tả chi tiết sau). Đây là bước mang tính lựa chọn, không hẳn là cần thiết, nhưng thường thì hữu ích (và vui nữa!).
3. Thường xuyên tập trung vào hình ảnh đã tạo ra
Hãy thường xuyên đưa ý tưởng hoặc bức tranh đã hình dung lên “màn hình” tâm trí, trong những khoảnh khắc thiền tĩnh lặng, hoặc đôi lần trong ngày - khi bạn bất chợt suy nghĩ về nó. Theo cách này, hình ảnh hoặc ý tưởng ấy trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, và nó trở nên thật hơn với bạn.
Tập trung nhìn rõ vào hình ảnh, ý tưởng ấy, nhưng theo cách thư giãn, nhẹ nhàng. Quan trọng nhất là bạn không cảm thấy mình nỗ lực quá vất vả vì nó hoặc dồn quá nhiều năng lượng cho nó – làm vậy có xu hướng gây cản trở hơn là trợ giúp.
4. Gửi cho ý tưởng, hình ảnh ấy dòng năng lượng tích cực
Khi bạn tập trung vào mục tiêu, hãy nghĩ về nó theo cách động viên, khích lệ. Tự gửi đến mình những câu nói tích cực, mạnh mẽ: nó tồn tại, nó đã xảy ra hay hiện giờ nó đang đến với bạn, hình dung rằng bạn đang nhận hoặc đạt được nó. Những câu nói tích cực này được gọi là lời khẳng định tích cực. Trong khi sử dụng những lời khẳng định tích cực, hãy cố gắng trì hoãn bất kỳ mối nghi ngờ nào mà bạn có, ít nhất trong một lúc, và thực hành cảm nhận những gì bạn mong ước là rất thật và hoàn toàn có thể đạt được.
Hãy tiếp tục tiến trình này cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình, hoặc không còn mong muốn thực hiện nữa. Nhớ rằng mục tiêu thường thay đổi trước khi chúng được nhận ra, điều này là tự nhiên trong quá trình thay đổi và trưởng thành của con người. Vì thế đừng cố kéo dài nó lâu hơn mức năng lượng bạn dành cho nó – nếu bạn cạn đi niềm đam mê, nghĩa là đã đến lúc cần có cái nhìn mới mẻ về điều bạn muốn.
Nếu bạn nhận thấy mục tiêu đã thay đổi, hãy đảm bảo chắc chắn là bạn chấp nhận việc đó. Giúp tâm trí thấy rõ bạn không còn tập trung vào mục tiêu trước kia nữa. Hãy kết thúc chu kỳ (bốn bước thực hiện) cũ và bắt đầu một chu kỳ mới. Điều này giúp bạn tránh bị hoang mang, hoặc cảm thấy mình đã “thất bại” khi chấp nhận thay đổi.
Sau khi đã đạt được mục tiêu, từ trong ý thức, hãy xác nhận với bản thân rằng mục tiêu đã được hoàn thành. Vì thông thường, khi chúng ta có được những điều như mong muốn và hình dung, chúng ta quên mình đã thành công! Vậy, hãy đánh giá cao bản thân và tự khen ngợi bản thân, cũng không quên gửi lời cảm ơn Vũ trụ đã đáp ứng lời thỉnh cầu của bạn.
Mường tượng sáng tạo chỉ hiệu quả cho những việc tốt đẹp
Đừng e sợ rằng sức mạnh của mường tượng sáng tạo có thể được vận dụng cho những mục đích gây hại. Mường tượng sáng tạo là công cụ để tháo gỡ những rào cản chúng ta đã dựng lên để ngăn cản dòng chảy hài hòa, dồi dào, và tràn đầy yêu thương tự nhiên của Vũ trụ. Nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi được vận dụng song song cùng những mục tiêu, mục đích cao cả nhất của chúng ta, vì điều cao đẹp, thiện lành nhất.
Nếu người nào đó cố tình sử dụng kỹ thuật mạnh mẽ này vì mục tiêu vị kỷ cá nhân gây tổn hại hay tàn phá, người ấy đang thể hiện ra sự u mê của mình trước quy luật Nhân quả. Đây là nguyên tắc cơ bản giống như quy luật Lan tỏa và Hấp dẫn, “Gieo gì, gặt nấy”. Bất cứ điều gì bạn cố tạo ra cho người khác, nó sẽ luôn quay ngược trở lại về phía bạn. Quy luật này phát huy tác dụng cho mục đích yêu thương hoặc chữa lành, và cả những hành động tiêu cực, phá hoại. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là bạn càng vận dụng sức mạnh của mường tượng sáng tạo vì tình yêu thương và vì lợi ích của người khác, cũng như mục tiêu cao đẹp của riêng bạn, có như vậy tình thương, hạnh phúc và thành công sẽ càng tự tìm đường đến với bạn.
Chỉ cần bạn nhận ra được điều này. Và, quả là ý tưởng hay khi kết hợp thêm cụm từ sau vào bất kỳ tiến trình mường tượng sáng tạo nào bạn thực hiện:
Giờ đây, mọi việc đang diễn ra đúng như những gì tôi mong ước. Tất cả đều hài hòa với dòng chảy của Vũ trụ và với nhịp điệu bên trong chính tôi, và cùng hướng về điều tốt đẹp nhất.
Giả định rằng bạn hình dung mình được thăng tiến trong công việc, đừng giữ hình ảnh ảo tưởng người cấp trên bị sa thải, mà hãy hình dung người kia được chuyển sang vị trí khác, giữ cương vị tốt hơn hoặc có một công việc tốt hơn, sao cho đôi bên đều có lợi. Bạn không cần hiểu hoặc tìm hiểu điều đó sẽ diễn ra như thế nào, hoặc cố quyết định cách nào tốt nhất để nó có thể phát huy hiệu quả; chỉ đơn giản giả định rằng điều bạn mường tượng đang phát huy tác dụng tốt nhất, và để sự thông thái của Vũ trụ chăm sóc cho những chi tiết còn lại.
Những lời khẳng định
Lời khẳng định là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong mường tượng sáng tạo. Khẳng định có nghĩa là kiên quyết giữ vững mục tiêu. Lời khẳng định là câu nói tích cực, mạnh mẽ - nó ấn định rằng điều gì đó đã là như vậy rồi. Đây chính là cách bảo vệ thế giới bạn đang xây dựng trong hình dung của mình.
Hầu hết chúng ta đều nhận ra sự thật đó là mỗi chúng ta có “cuộc đối thoại” nội tâm diễn ra gần như liên tục trong tâm trí. Tâm trí không ngừng đưa ra lời nhận xét về cuộc sống, thế giới, cảm giác của bản thân, những vấn đề bản thân gặp phải, và về người khác.
Lời lẽ và ý tưởng chạy lướt qua tâm trí có tầm ảnh hưởng rất quan trọng. Phần lớn thời gian chúng ta không nhận ra là dòng suy nghĩ này, và những gì chúng ta “tự nói với bản thân” trong tâm trí là cơ sở hình thành trải nghiệm thực tế. Lời nhận định trong tâm trí gây ảnh hưởng đến cảm giác và nhận thức của ta về những gì đang diễn ra, rồi sau cùng, chính những mẫu hình suy nghĩ này thu hút các sự kiện, biến cố và những mối quan hệ - tất cả liên kết với nhau theo một cách nào đó và rồi mọi điều xảy đến với ta đúng như những gì ta đã hình dung.
Những ai thực hành thiền định đều biết rằng thật khó để giữ tĩnh lặng, làm lắng dịu cái tâm trí ưa huyên náo này, để nối kết với phần trực giác thông thái hơn, sâu hơn trong ta. Phương pháp thiền truyền thống chỉ đơn giản là học cách quan sát cuộc đối thoại nội tâm này theo hướng khách quan hơn. Đây là trải nghiệm rất quý giá, vì nó cho phép bạn chủ động suy nghiệm lại những suy nghĩ của mình. Quá trình này giống như bạn đang xem lại đoạn băng ghi lại những mẫu hình suy nghĩ cũ bằng trí nhớ. Chúng là những “chương trình” cũ được góp nhặt, học hỏi cách nay đã lâu, nay vẫn còn ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra cho ta hôm nay. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nhận thấy bản thân quen đưa ra những ý nghĩ tự giam hãm khả năng của mình, như “Tôi sẽ không thể làm được việc này đâu” hay “Chuyện này sẽ chẳng đi tới đâu”.
Việc thực hành nói những lời khẳng định cho phép chúng ta bắt đầu thay thế một số tiếng nói cũ, tiêu cực từ tâm trí bằng những ý tưởng và quan niệm tích cực hơn. Đây là kỹ thuật có sức mạnh chuyển hóa, trong một thời gian ngắn nó có thể chuyển hóa nhiều kiểu thái độ và kỳ vọng của chúng ta về cuộc đời, và theo đó giúp thay đổi những gì ta tự tạo ra cho mình.
Lời khẳng định có thể được nói thầm, nói to, viết xuống, hoặc thậm chí ngân nga thành câu hát hay bài nhẩm niệm. Dành ra 10 phút mỗi ngày lặp lại những lời khẳng định tích cực cũng có sức ảnh hưởng tương đương với hàng năm trời tồn tại những nếp nghĩ cũ. Nếu bạn nhận thấy mình đang lặp lại kiểu suy nghĩ hoặc thái độ tiêu cực quen thuộc, ngay sau đó hãy thử nói lời khẳng định tích cực với chính mình một vài lần.
Chẳng hạn như, nếu bạn đang nghĩ “Ôi, có ích gì đâu, tôi sẽ không bao giờ đạt được điều mình muốn”, bạn sẽ chuyển sang tự nhủ với mình “Tôi có khả năng tạo ra điều tôi mong muốn trong đời” hoặc “Tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc và sự đủ đầy, trọn vẹn”.
Lời khẳng định có thể là câu nói tích cực có nội dung chung chung hoặc cụ thể. Có vô số những lời khẳng định; sau đây là một số gợi ý nhằm cung cấp cho bạn một vài ý tưởng:
- Từng ngày trôi qua, tôi dần trở nên tốt hơn, giỏi giang hơn.
- Mọi điều tôi cần đang đến với tôi thật dễ dàng.
- Cuộc sống của tôi đang tiến triển hết sức tốt đẹp.
- Tôi có mọi điều tôi cần để thụ hưởng khoảnh khắc hiện tại, ngay nơi đây.
- Tôi làm chủ cuộc đời mình.
- Sự khôn ngoan hoàn hảo nằm trong trái tim nội tâm của tôi.
- Tôi yêu thương và trân trọng chính mình.
- Tôi chấp nhận mọi cảm giác của mình như thể chúng là một phần trong tôi.
- Càng yêu thương bản thân, tôi càng phải trao cho người khác nhiều yêu thương hơn.
- Giờ đây, tôi tự do trao và nhận yêu thương.
- Tôi đang thu hút những mối quan hệ yêu thương như ý muốn vào cuộc đời tôi.
- Mối quan hệ giữa tôi với (kể tên những người bạn yêu mến) dần trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn và trọn vẹn hơn mỗi ngày.
- Bây giờ, tôi có một công việc như ý muốn và tiền lương cũng thật hậu hĩnh.
- Tôi yêu thích công việc của mình, và tôi hoàn toàn xứng đáng được tưởng thưởng cả về sức sáng tạo và tài chính.
- Tôi là kênh dẫn nguồn cho năng lượng sáng tạo.
- Tôi luôn hiện diện đúng nơi, đúng lúc, tôi góp sức tạo nên thành công.
- Với tôi, có được mọi điều mình mong muốn chẳng mấy khó khăn!
- Đây là một Vũ trụ dồi dào, phong phú và dư dả cho tất cả chúng ta.
- Sự phong phú là bản chất con người tôi.
- Mỗi ngày qua đi, tôi thịnh vượng hơn.
- Càng có nhiều, tôi càng cho đi nhiều.
- Càng cho đi nhiều, tôi càng nhận được nhiều, và tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nữa.
- Sống vui vẻ và tận hưởng, tôi có thể làm được và tôi đang sống như vậy!
- Hiện giờ tôi yêu thích mọi việc tôi làm.
- Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống.
- Tôi sẵn sàng đón nhận mọi lời chúc phúc từ Vũ trụ giàu có, phong phú này!
- Ánh sáng trong tôi đang tạo nên điều diệu kỳ trong cuộc đời tôi ở đây và ngay lúc này.
- Mọi điều đang phối hợp cùng nhau vì sự tốt đẹp trong đời tôi.
- Tôi nhận ra, chấp nhận, và đi theo kế hoạch cuộc đời thiêng liêng vì nó từng bước, từng bước được hé lộ ra cho tôi.
- Tôi cảm ơn vì đời ban cho tôi sức khỏe, hạnh phúc và khả năng tự thể hiện mình.
Sau đây là một số điều quan trọng cần ghi nhớ khi nói lời khẳng định:
1. Luôn luôn nói lời khẳng định ở thì hiện tại, không phải ở thì tương lai. Thật quan trọng khi đưa ra mong muốn của bạn ở thì hiện tại, như thể nó đã tồn tại sẵn rồi. Đừng nói “Tôi sẽ có một công việc mới tuyệt vời”, mà là “Tôi hiện có một công việc mới thật tuyệt vời”. Nói vậy không phải là tự dối mình; ta phải hiểu rằng mọi điều trước tiên được tạo ra ở bên trong, trước khi nó có thể biến thành sự thật bên ngoài.
2. Luôn luôn nói lời khẳng định theo cách tích cực nhất. Khẳng định những điều bạn muốn, không phải là điều bạn không mong muốn. Đừng nói “Tôi không còn ngủ nướng vào buổi sáng nữa” mà là “Giờ tôi thức dậy đúng giờ và tràn trề năng lượng vào sáng sớm”. Hãy đảm bảo bạn đang tạo ra hình ảnh tích cực nhất có thể có trong tâm trí.
Vào lúc nào đó, có lẽ bạn sẽ thấy cần phải nói lời phủ định, nhất là khi bạn đang làm công việc dọn sạch những “chướng ngại vật” là cảm xúc hay những thói quen xấu, như “Tôi không cần căng thẳng, cuống cuồng cả lên để mọi chuyện được hoàn thành”. Nếu vậy, bạn nên tuân theo nguyên tắc nói lời khẳng định bằng câu tích cực, mô tả điều bạn muốn tạo ra, chẳng hạn “Giờ tôi chìm sâu vào trạng thái thư giãn và tập trung, mọi điều được hoàn thành một cách dễ dàng và không mất sức”.
3. Nhìn chung, câu nói khẳng định càng ngắn và càng đơn giản thì càng hiệu quả. Câu nói khẳng định nên rõ ràng, chuyển tải cảm xúc mạnh mẽ. Cảm xúc càng mạnh mẽ, lời khẳng định càng có sức mạnh chuyển hóa thành hiện thực. Những câu khẳng định dài, nhiều từ ngữ, và nặng tính thuyết giáo sẽ làm mất tác dụng biểu cảm và trở nên quá duy lý.
4. Luôn chọn lời khẳng định nào cảm thấy hoàn toàn đúng với bạn. Có những lời khẳng định hiệu quả cho người này chưa chắc đã hiệu quả với người khác. Câu khẳng định nên tạo cảm giác tích cực, cởi mở, tự do, và mang tính hỗ trợ. Nếu không được như vậy, hãy tìm câu nói khác, hoặc thử thay đổi câu từ cho đến khi bạn cảm thấy ổn.
Dĩ nhiên, bạn có thể có cảm giác chối bỏ đối với bất kỳ lời khẳng định nào khi lần đầu sử dụng nó, đặc biệt là câu nói thật sự mạnh mẽ với bạn và sẽ tạo ra sự thay đổi thật sự trong ý thức của bạn. Đó chỉ đơn giản là nỗi lo sợ tự nhiên của chúng ta trước việc thay đổi và trưởng thành.
5. Luôn nhớ rằng bạn đang sáng tạo ra điều mới mẻ. Bạn không cố làm lại hay thay đổi những gì đã xảy ra. Vì nếu làm vậy sẽ dẫn đến sự kháng cự, vốn chỉ sinh ra mâu thuẫn và xung đột. Hãy có thái độ chấp nhận và đối đãi tốt với những gì đã tồn tại trong đời bạn, đồng thời tận dụng mỗi khoảnh khắc như là một cơ hội mới để bắt đầu sáng tạo chính xác những điều bạn mong muốn và sẽ làm cho bạn hạnh phúc nhất.
6. Lời khẳng định không có nghĩa là phủ nhận hay thay đổi cảm giác, cảm xúc của bạn. Chấp nhận và trải nghiệm tất cả những cảm giác của bạn, không cố thay đổi chúng là điều rất quan trọng, bao gồm cả cảm giác “tiêu cực”. Đồng thời, lời khẳng định có thể giúp bạn đưa ra quan điểm mới trong cách nhìn nhận cuộc sống, qua đó sẽ giúp bạn càng có thêm nhiều trải nghiệm như mong muốn ngay từ bây giờ.
7. Hãy cố gắng hết sức tạo ra cảm giác tin tưởng, trải nghiệm rằng lời khẳng định của bạn là thật. Tạm thời (ít nhất trong vài phút) dừng lại những mối nghi ngờ và sự lưỡng lự của bạn, và dồn toàn bộ năng lượng tinh thần và cảm xúc của bạn vào lời khẳng định.
Nếu mối nghi ngờ, sự kháng cự, hoặc những suy nghĩ tiêu cực đang ảnh hưởng đến việc đưa ra những lời khẳng định, hãy thực hành một trong những tiến trình xóa bỏ những niềm tin tiêu cực, cản trở sự tiến bộ của bản thân hoặc viết ra lời khẳng định được giới thiệu ở phần 4 quyển sách này.
Thay vì nói ra lời khẳng định một cách sáo rỗng, hãy cố bắt lấy cảm nhận rằng bạn thật sự có sức mạnh để biến lời nói khẳng định thành sự thật (thật sự bạn có làm!). Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, đảm bảo lời khẳng định phát huy hiệu quả.
Chúng ta có thể chỉ sử dụng lời khẳng định thôi, hoặc kết hợp thêm với cách mường tượng, hình dung nếu muốn. Đưa vào tâm trí những lời khẳng định trong lúc thiền định, mường tượng sáng tạo sẽ mang lại hiệu quả tối ưu. Trong những phần sau, tôi sẽ giới thiệu cho bạn những cách khác nhau để sử dụng lời khẳng định.
Đối với nhiều người, lời khẳng định tạo cảm hứng mạnh mẽ nhất khi chúng nhắc đến những Cội nguồn tâm linh. Hãy đề cập đến Thượng đế, Thánh thần, Vũ trụ, Nguồn Sức mạnh Cao cả, linh hồn, Mẹ Trái đất, tình yêu thiêng liêng, hoặc bất kỳ cụm từ nào bạn thích để bổ sung thêm năng lượng tâm linh cho câu nói khẳng định của bạn và chấp nhận mọi điều đều xuất phát từ Cội nguồn Vũ trụ.
Sau đây là một số ví dụ minh họa:
- Tôi có sức mạnh sáng tạo bất tận của vị Nữ thần trong tôi.
- Tình yêu thiêng liêng hiện đang vận hành qua tôi ở ngay đây để sáng tạo ra điều này.
- Đức Chúa trong tôi đang tạo ra điều huyền diệu cho cuộc đời tôi ở đây và bây giờ.
- Tôi đồng hành cùng Đấng chí tôn tối cao.
- Bản thể cao cả của tôi đang dẫn dắt tôi trong mọi điều tôi làm.
- Thượng đế sống trong tôi và hiển lộ ra thế giới thông qua tôi.
- Tôi dành lời cảm ơn đến Mẹ Trái đất vì Người dưỡng nuôi tôi mỗi ngày.
- Ánh sáng từ Thượng đế bao quanh tôi, tình yêu thương của Người ôm ấp tôi, sức mạnh của Người tuôn chảy thông qua tôi. Tôi ở đâu, Người luôn hiện diện ở đó, và mọi sự đều ổn thỏa!
Một “nghịch lý” tâm linh
Đôi khi những người nghiên cứu triết học phương Tây hoặc đang thực hành tâm linh sẽ cảm thấy lưỡng lự với việc ứng dụng phương pháp mường tượng sáng tạo khi mới nghe qua về nó. Sự mâu thuẫn này xuất phát từ một nghịch lý bề nổi giữa ý tưởng “sống trong hiện tại” - nghĩa là cho qua đi mọi gắn kết và ham muốn, với ý tưởng thiết lập mục tiêu và tạo dựng điều mình mong muốn trong cuộc đời. Tôi nói rằng nghịch lý này là bề nổi vì thực ra, không có sự đối lập nào giữa hai cách thực hành một khi chúng ta có được độ am hiểu sâu sắc về chúng. Để giải thích con đường hòa hợp cả hai trường phái này, tôi sẽ chia sẻ cùng bạn quan điểm của tôi về tiến trình trưởng thành nội tâm.
Hầu hết mọi người trong nền văn hóa của chúng ta đã xa rời nhận thức về bản chất tâm linh. Chúng ta tạm thời ánh mất sự nối kết có ý thức của chúng ta với tâm hồn mình và theo đó đánh mất luôn cả sức mạnh và trách nhiệm cho cuộc sống chúng ta. Và trong thâm tâm, chúng ta cảm thấy mình vô tích sự, bất lực trong việc tạo nên những đổi thay thật sự trong đời mình hay trong thế giới. Cảm giác bất lực từ nội tâm khiến ta gắng sức đến mức phản tác dụng trong việc tìm mọi cách để củng cố sức mạnh hoặc kiểm soát thế giới xung quanh.
Theo đó, hầu hết chúng ta trở nên quá chú tâm vào mục tiêu; chúng ta gắn kết với nhiều sự vật, sự việc và với con người, chúng ta cảm thấy mình cần có “họ” để được hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy “thiếu vắng” điều gì đó trong lòng nên đâm ra căng thẳng, lo âu, stress, từ đó ta chủ động ra sức bù lấp khoảng trống, cố thao túng thế giới bên ngoài để đạt được điều mình mong muốn.
Hầu hết chúng ta đang thiết lập mục tiêu và cố gắng tạo ra điều mình muốn trong đời dựa theo hướng này, nhưng tiếc thay từ cấp độ ý thức, nó không hiệu quả. Hoặc chúng ta dựng lên quá nhiều trở ngại cho bản thân đến nỗi không thể thành công, hoặc chúng ta có thể thành công trong việc vươn đến mục tiêu đã đề ra chỉ để nhận thấy rằng chúng không mang đến cho ta niềm hạnh phúc nội tâm.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan này, chúng ta bắt đầu mở toang cánh cửa để bước đi trên con đường tâm linh. Ta nhận ra rằng cần phải có điều gì đó tốt hơn cho cuộc sống, và ta bắt đầu tìm kiếm nó.
Có thể chúng ta sẽ trải qua nhiều kinh nghiệm và tiến trình khác nhau trong quá trình tìm kiếm, nhưng cuối cùng cũng lại quay về với chính mình, nghĩa là ta lại trải nghiệm bản chất tâm linh của mình, trải nghiệm nguồn năng lượng Vũ trụ trong ta. Qua trải nghiệm nội tâm này, chúng ta có thể phục hồi sức mạnh tâm linh và sự trống rỗng bên trong ta được lấp đầy từ bên trong.
Bây giờ, hãy trở lại với nghịch lý giả định của chúng ta.
Khi vừa bước ra khỏi tình trạng trống vắng, lệ thuộc, níu kéo, thao túng, bài học đầu tiên là cho qua đi. Chúng ta phải thư giãn, cảm thấy nhẹ nhàng, ngừng đấu tranh, ngừng cố gắng quá sức, ngừng thao túng sự vật và con người để cố đạt được điều mình muốn, thật ra là ngưng hành động (doing), hãy dành ra thời gian cho trải nghiệm về sự tồn tại (being).
Làm được như vậy, chúng ta sẽ bất ngờ khám phá ra rằng ta hoàn toàn ổn, thật tình chúng ta cảm thấy khá tuyệt vời, chỉ cần sống với chính con người mình, và để thế giới là chính nó, không cố gắng thay đổi nhiều điều. Đây là trải nghiệm cơ bản về sự tồn tại ở đây, bây giờ và đó là những gì mà triết lý Phật giáo đề cập đến “buông bỏ mọi gắn kết”. Tương tự như quan điểm của đạo Thiên Chúa “Chuyện gì của Thượng đế ắt sẽ được thực hiện”. Đây là một trải nghiệm sống hướng con người đến sự tự do, giải thoát, và là điều cơ bản nhất trên bước đường nhận thức bản thân.
Một khi bạn bắt đầu có trải nghiệm này thường xuyên hơn, bạn đang mở toang kênh năng lượng dẫn đến tâm hồn mình, và sớm muộn gì rất nhiều năng lượng sáng tạo tự nhiên sẽ bắt đầu tuôn chảy qua bạn. Bạn bắt đầu nhận thấy chính bạn đang tạo nên cuộc đời cho mình và mỗi trải nghiệm xảy ra với bạn; bạn thích thú tạo ra những trải nghiệm thú vị cho bản thân và cho người khác. Bạn bắt đầu muốn tập trung năng lượng của mình cho những mục tiêu cao nhất và thỏa đáng nhất, những mục tiêu thực tế cho bạn trong mọi khoảnh khắc. Bạn nhận ra về cơ bản, cuộc đời là tốt đẹp, phong phú, dồi dào và thường vui nhộn; việc có được những điều bạn thật sự mong muốn, mà không cần phải trăn trở và căng thẳng là quyền mà khi sinh ra bạn đã có sẵn – đây là bản chất thuần túy vốn có của sự sống. Đây là lúc mường tượng sáng tạo có thể trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng nhất.
Hình ảnh ẩn dụ sau sẽ giúp ta hiểu rõ hơn: Hãy hình dung cuộc đời này như là một dòng sông. Hầu hết mọi người đang cố bám lấy bờ, sợ phải buông bỏ và sợ cả những rủi ro xuất hiện trên dòng chảy. Đến lúc nào đó, mỗi chúng ta phải sẵn sàng cho qua đi, tin tưởng vào dòng sông cuộc đời để “sông” đưa ta đi một cách an toàn. Học được cách “nương theo dòng chảy” sẽ cho ta cảm giác thật tuyệt vời.
Khi đã quen thuộc với việc đứng giữa dòng chảy con sông, chúng ta có thể bắt đầu nhìn về phía trước và định hướng đi trước mặt cho mình, quyết định con đường tốt nhất ở đâu, lèo lái đưa mình lượn vòng qua mấy tảng đá lâu ngày bị dòng chảy bào mòn và những thân cây đổ chắn ngang dòng; ta có thể chọn lựa lối đi men theo những kênh nhỏ và nhánh sông chúng ta thích, trong khi vẫn “nương theo dòng chảy”.
Hình ảnh ẩn dụ này mở ra cho ta cách chấp nhận cuộc đời mình ở đây và bây giờ, tuôn chảy theo và chủ động dẫn dắt bản thân hướng về mục đích bằng cách chịu trách nhiệm tạo ra cuộc đời cho riêng mình.
Cũng hãy nhớ rằng mường tượng sáng tạo là công cụ có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, gồm cả mục đích trưởng thành về tâm linh. Mường tượng sáng tạo rất hữu ích trong việc vẽ ra hình ảnh bản thân là một con người thư thái, cởi mở, biết “nương theo dòng chảy”, sống trong hiện tại, và luôn nối kết với nội tâm của mình.
Mong bạn được ban cho mọi điều mà trái tim bạn mong muốn.