Lời người dịch
Sau cuốn “Trở Về Từ Cõi Sáng” dẫn đầu về số bán, lại có các cuốn Saved By The Light (Ánh Sáng Cứu Chuộc), Closer To The Light (Đến Gần Cõi Sáng), Into The Light (Vào Trong Cõi Sáng), Life After Life (Kiếp Sau), Reflection On The After Life (Nghĩ Về kiếp sau), Life At Death (Cuộc Sống Sau Khi Chết), Return From Death (Trở Về Từ Cõi Chết), v.v... Cuốn nào cũng bán rất chạy, phá kỷ lục trong các loại sách tâm linh và lôi kéo theo nhiều cuộc tranh luận hết sức sôi nổi. Chi tiết các cuốn sách trên không khác nhau bao nhiêu, ai cũng kể rằng sau khi chết họ thấy mình được bao trùm trong một luồng ánh sáng êm dịu, tinh khiết và được hướng dẫn về tinh thần. Tất cả đều kết luận rằng chết không phải là điều ghê gớm, đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ mà chỉ là một sự “chuyển tiếp” giữa các kiếp sống, một kinh nghiệm tâm linh mà những ai trải qua sẽ không thể quên được. Mặc dù những cuốn sách trên ghi nhận hàng trăm những trường hợp người chết sống lại, chúng tôi chỉ lựa chọn một vài trường hợp đặc biệt để cống hiến cho quý độc giả.
Cuối tháng 4 năm 1987, người ta chở bà Hary Houghton, 68 tuổi, vào bệnh viện Boston vì chứng đau tim. Bệnh nhân ngưng thở lúc 6 giờ tối, mọi sự cứu chữa đều vô hiệu và bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết. Xác bà được tạm đặt trong một căn phòng riêng chờ thân nhân đến làm giấy tờ tẩm liệm. Khoảng 11 giờ đêm, bà Houghton tỉnh lại, bấm chuông gọi y tá. Bác sĩ trực đến khám và xác nhận bà lão đã hồi sinh. Trường hợp bệnh nhân đã tắt thở vài giờ, sau lại sống dậy không có gì lạ lùng với y giới, nhưng bà Houghton đã nhớ lại những diễn tiến sau khi chết và kể lại như sau:
Tôi đang ngồi nhà đọc báo thì thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày và tự nhiên hôn mê. Khi tôi tỉnh dậy tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, chung quanh tôi là một lớp sương khói dày đặc khiến tôi bỡ ngỡ không biết mình đang ở đâu. Tôi lên tiếng kêu gọi nhưng vô hiệu. Tôi mò mẫm đi trong lớp sương mù đó được một lúc thì nhận thức rằng có lẽ mình đã chết. Tôi biết mình mắc chứng đau tim đã lâu, bác sĩ nói rằng tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa nên tôi không lấy thế làm buồn. Điều bất ngờ là khi vừa chấp nhận điều này thì tôi thấy mình đang đứng ngay bên cạnh giường, quan sát thân thể của tôi nằm bất động trên đó. Sau một lúc xúc động, tôi cố gắng tự trấn tĩnh và tự nhủ rằng mình sống như thế cũng là đủ rồi. Trong khi xúc động thì luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên đen tối, khó chịu, tôi có cảm giác như bị lôi kéo vào một vũng bùn nhầy nhụa, hôi hám. Tôi bèn lên tiếng cầu nguyện thì thấy mình dễ chịu lạ thường, lớp ánh sáng bao quanh dần dần trở nên quang đãng hơn.
Một lúc sau tôi thấy thân thể nhẹ hẫng như có thể bay bổng lên được. Tôi bèn để cho nó tự nhiên và thấy mình lơ lửng trên không nhìn xuống phía dưới. Lúc đó, ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy một chùm chìa khóa màu đỏ của ai để trên nóc tủ thuốc. Tôi thầm nghĩ ai lại để chìa khóa trên đó làm chi? Đang suy nghĩ vẩn vơ thì tôi thấy mình đã đi xuyên qua trần nhà để lên lầu trên và thấy hai người y tá đang xem một trận bóng rổ trên tivi, trận đấu vừa kết thúc khi đội Los Angeles Lakers thắng Boston Celtics và một người y tá đánh cuộc thua phải trả cho bạn đồng nghiệp 20 đô la. Tôi thong thả đi dọc theo hành lang bệnh viện và gặp rất nhiều người như tôi cũng đang lướt đi, không ai nói với ai lời nào. Đa số có vẻ vội vã, có người hoảng hốt là đằng khác. Tôi thấy một thanh niên đang đứng cạnh xác mình một cách đau khổ, tôi lên tiếng an ủi nhưng có lẽ anh không nghe được lời khuyên bảo của tôi. Vì một lý do gì không rõ, tôi hiểu ngay sự bận tâm của anh ta là vì chưa hoàn tất được một số việc. Anh ta cố sức chui lại vào cái xác đã lạnh cứng nhưng vô hiệu. Anh ta đâm ra hoảng hốt khiến tôi cũng mất bình tĩnh theo, nên tôi đành bỏ anh ta ở đó mà đi ra chỗ khác. Tôi nghĩ đến các con của tôi và lập tức thấy mình đang đứng trước mặt đứa con gái lớn. Con gái tôi đang khóc. Tôi muốn ôm lấy nó nhưng tiếng khóc của nó làm tôi thấy khó chịu. Mỗi khi trong người khó chịu thì lớp ánh sáng bao quanh tôi lại chuyển sang một màu đen tối, nhầy nhụa khiến tôi sợ hãi. Tôi cố gắng trấn tĩnh tâm hồn và nghĩ đến hai đứa con trai thì thấy mình đang đứng cạnh chúng. Hai đứa con đang bàn việc tôi đã không chịu mua bảo hiểm nhân thọ. Cả hai chỉ nghĩ đến số tiền mà chúng sẽ phải chi ra hơn là nhớ thương đến mẹ của chúng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại đọc rõ tư tưởng của các con tôi như vậy. Càng đứng đó lâu tôi càng bực bội và hai đứa cứ cãi nhau mãi về việc chôn cất và việc phân chia gia tài nên tôi lại bỏ đi. Tôi không biết sẽ đi đâu. Tôi chẳng có thân nhân hay bạn bè nào cả. Đến lúc đó tôi lại nghĩ đến cuộc đời mình. Hình như tôi đã sống một cách ích kỷ, không giao thiệp với ai và cũng không có ai là bạn thân thiết. Cả một quá khứ bỗng hiện ra trước mắt tôi như người ta đang xem một cuốn phim. Tôi thấy rõ những quyết định của mình, những lỗi lầm mà tôi đã tạo. Những việc mà tôi nghĩ là tầm thường, không đáng kể đều hiện ra rõ rệt và phản ánh tâm trạng của tôi khi đó, vì sao tôi đã hành động như vậy, tại sao tôi lại làm việc đó. Hơn bao giờ hết tôi thấy mọi sự việc một cách khách quan vô tư chứ không chủ quan như trước. Tôi không hiểu tại sao mình lại có thể bình tĩnh nhận xét như thế được. Tôi bắt đầu cầu nguyện và tự nhiên thấy lớp ánh sáng bao quanh bỗng sáng chói một cách lạ lùng. Tôi thầm nghĩ phải chăng tôi có thể hành động khác xưa khi biết rõ những nguyên nhân, hậu quả việc làm của mình. Tất cả có thể quy về một điều duy nhất. Tôi là một người quá tự hào về mình, quá hãnh diện về những giá trị viển vông, tạm bợ, mà không hề biết rằng nhiều điều trong số đó hoàn toàn vô giá trị khi người ta từ bỏ cõi sống này. Chính vì tự hào này mà tôi đã khoác lên mình những mặc cảm tự tôn, coi thường người khác, bất chấp dư luận và nghĩ rằng tôi luôn luôn có lý trong mọi việc. Hậu quả là tôi có một đời sống khô khan, không bạn bè thân thiết, ai ai cũng muốn xa lánh tôi, ngay cả những đứa con của tôi nữa. Làm sao tôi có thể chuộc lại những điều đã làm? Chưa bao giờ tôi lại có ý nghĩ lạ lùng như vậy và tự nhiên tôi lên tiếng cầu nguyện. Tai tôi bỗng ù đi, luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên sáng chói một cách lạ lùng, tôi thấy bình tĩnh như có một sự an ủi lớn lao nào đó vừa đến với tôi và tôi cương quyết rằng tôi sẽ chuộc lại lỗi lầm khi xưa. Tôi chắp tay cầu nguyện Thượng Đế hãy cho tôi một cơ hội nữa và luồng ánh sáng chung quanh tôi tự nhiên sáng chói một cách mãnh liệt khiến tôi phải nhắm mắt lại và bất chợt tôi nghe được các âm thanh quen thuộc. Tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Tôi đã tỉnh lại.
Lời kể của bà Houghton đã được bác sĩ Elizabeth Kubler Ros kiểm chứng rất kỹ. Hai nhân viên trực trong bệnh viện xác nhận họ có đánh cuộc với nhau về trận bóng rổ, kết quả trận banh xảy ra đúng như lời bà Houghton đã thuật lại. Hai đứa con của bà Houghton cũng xác nhận họ đã cãi nhau về việc mua bảo hiểm và tiền bồi thường chôn cất. Điều bất ngờ nhất là một bác sĩ đánh mất chùm chìa khóa xe hơi màu đỏ từ mấy tuần trước, nhờ lời khai của bà Houghton mà ông nhớ rằng trong lúc vội vã, ông đã ném đại nó lên nóc tủ thuốc. Chiếc tủ này rất cao, gần chạm đến trần nhà, một người đứng dưới đất không thể nhìn thấy nó được nên mặc dù tìm kiếm mãi mà vẫn không ai thấy trừ khi họ đứng trên trần nhà nhìn xuống.
Điều bà Houghton kể lại cũng trùng với rất nhiều bệnh nhân đã chết rồi lại hồi sinh như vậy. Đa số đều xác nhận một trạng thái nhẹ nhàng, thanh thản trong một bầu ánh sáng trong suốt như pha lê. Tuy nhiên, thế giới bên kia không phải chỉ là những bầu ánh sáng rực rỡ mà còn có sự tiếp xúc với những vong linh khác như trường hợp của Steve Buckley sau đây mà chúng tôi trích từ “Comment la vie continue après la mort” của Prentiss Tucker.
Steve Buckley là một tân binh vừa nhập ngũ. Anh được huấn luyện tại một căn cứ quân sự tại tiểu bang Carolina. Trong buổi thực tập cách gài mìn, gỡ mìn thì một quả mìn đã nổ ngay gần chỗ anh đứng. Tuy thân thể không bị thương nhưng anh bị sức chấn động làm ngất đi và trút hơi thở cuối cùng trên đường đến bệnh viện. Mọi phương pháp hồi sinh đều vô hiệu. Khi đến bệnh viện, một y sĩ khám xác nhận là anh đã chết. Xác anh được quàn tạm trong nhà xác chờ thông báo cho thân nhân. Khoảng vài giờ sau đó, anh tỉnh dậy trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau đó anh đã thuật lại câu chuyện như sau:
TÔI CÒN SỐNG?
Tôi không hề ý thức gì về quả mìn nổ, tôi chỉ biết rằng bỗng dưng tất cả đều im lặng, một thứ im lặng, một thứ im lặng tuyệt đối. Tôi lên tiếng gọi lớn nhưng không nghe ai đáp lại, cả sân tập bỗng trở nên vắng hoe, bao nhiêu bạn đồng quân ngũ bỗng dưng biến đâu hết. Tôi đang phân vân chưa biết phải làm gì thì thấy có một người mặc thường phục, tay cầm một cây dù đang đứng giữa bãi mìn. Tôi tự hỏi tại sao giữa quân trường lại có một thường dân đứng khơi khơi như vậy? Lúc đó trời rất quang đãng mà tại sao người này cầm dù? Người lạ nhìn tôi mỉm cười và rảo bước đến bên tôi. Tôi bèn la lớn để cảnh báo ông rằng ông ta đang đi trên một bãi mìn nhưng chưa kịp nói gì thì ông ta đã đến sát cạnh. Ông lên tiếng bằng một giọng thân mật:
- Có phải cháu Steve đó không? Ta là cậu Jules đây.
Rồi ông ta thân mật hỏi thăm về mọi người trong gia đình tôi như một người thân thuộc. Không những ông ta biết rõ gia đình tôi mà còn biết đến cả con chó Basette mà mẹ tôi rất cưng nữa. Linh tính báo cho tôi biết một sự chẳng lành. Tôi nhớ mang máng rằng mẹ tôi có một người em ruột tên là Jules nhưng ông ta đã chết từ lâu rồi kia mà.
Ông Jules thong thả nói:
- Này cháu Steve, mẹ cháu nhớ cháu lắm đó. Hôm nay bà làm món lasagna, một món mà cháu rất thích ăn.
Tôi đâm ra bối rối:
- Làm sao cậu biết được?
Ông Jules mỉm cười một cách bí mật:
- Thế cháu có muốn về thăm nhà không?
Tôi ấp úng đáp:
- Làm sao có thể về được? Nhà cháu ở tận New York kia mà. Hơn nữa, cháu đang thực tập quân sự, phải sáu tháng nữa mới được về phép.
Ông Jules mỉm cười nắm lấy tay tôi siết chặt:
- Không sao đâu, cháu chỉ cần nghĩ đến mẹ cháu là được.
Tôi luống cuống không biết phải làm gì thì vừa vặn thấy thượng sĩ York đang đi gần đó, tôi bèn lên tiếng gọi nhưng ông này không nghe, cứ cắm cúi đi thẳng. Tôi vội chạy đến chặn đầu ông thượng sĩ York nhưng dường như ông ta không trông thấy tôi mà cứ tiếp tục đi. Đến lúc đó ông Jules bước lại ôn tồn khuyên:
- Ông ta không nhìn thấy cháu đâu. Cháu có muốn về thăm nhà không?
Sau một hồi thuyết phục, tôi bằng lòng và nghĩ đến mẹ tôi. Tự nhiên cảnh vật chung quanh đều thay đổi, tai tôi vẫn nghe giọng ông Jules ôn tồn:
- Cháu cứ bình tĩnh và tập trung tư tưởng để nghĩ đến mẹ cháu là được rồi.
Tôi thấy mình đang đứng trong nhà trước mặt mẹ tôi. Bà đang làm món lasagna thơm phức. Các em tôi đang ngồi xem tivi, chúng nói chuyện ồn ào và không chú ý đến sự hiện diện của tôi. Trong lúc xúc động tôi chạy đến ôm chầm lấy mẹ tôi nhưng bà vẫn thản nhiên nấu nướng, không hề biết đến sự hiện diện của tôi. Đến lúc đó tự nhiên tôi thấy lạnh người. Lúc nãy thượng sĩ York cũng không hề thấy tôi. Phải chăng tôi đã chết? Tôi vừa hoảng hốt thì chung quanh bỗng như tối sầm lại, dường như có một sức mạnh nào đó kéo tôi vào một lớp sương khói màu xám đục. Tôi chưa biết phải phản ứng như thế nào thì ông Jules đã đến bên cạnh. Khi đó tôi thấy mình như đang đứng cạnh ông, tôi thấy mình bình tĩnh hơn.
- Chuyện gì đã xảy ra cho cháu vậy? Cháu đã bị sao?
Ông Jules nắm lấy tay tôi trấn an và ôn tồn:
- Cháu đã về nhà rồi, có đúng không? Phải chăng đó là điều mà cháu ao ước trong suốt thời gian học tập quân sự?
Tôi thắc mắc:
- Nhưng tại sao mọi người không ai nhìn thấy cháu hết? Tại sao cháu không thể nói chuyện với ai được?
Ông Jules thong thả giải thích:
- Cháu phải hiểu rằng cháu đã về nhà nhưng không bằng thể xác mà bằng một thể xác khác. Chính cái tư tưởng mong muốn trở về nhà trong suốt thời gian cháu học tập quân sự đã khiến cậu tìm đến gặp cháu để giúp cháu hoàn tất tâm nguyện trên.
Tôi thút thít khóc:
- Như vậy là cháu đã chết rồi phải không?
Ông Jules thong thả:
- Rồi cháu sẽ hiểu. Hiện nay cậu chỉ có thể cho cháu biết rằng cháu không còn ở cái thế giới quen thuộc của cháu nữa. Nhưng cháu không nên phí thời giờ vô ích, cháu chẳng mong trở về thăm nhà hay sao?
Tôi định thần nhìn quanh, cả nhà đã bắt đầu ngồi vào bàn ăn. Cha tôi vừa rót một ly rượu chát lớn, thong thả thưởng thức mùi vị trước khi ăn. Các em tôi đang cười đùa bàn tán về chương trình tivi mà chúng vừa xem. Mẹ tôi vừa cắt đĩa lasagna vừa lẩm bẩm: “Phải chi có thằng Steve ở đây, nó vẫn thích món này lắm!”. Vì một lý do thầm kín nào đó, tôi đọc rõ tư tưởng của mẹ tôi và xúc động mạnh. Ông Jules giải thích:
- Ở cõi trần, người ta có thể nhận thức được mọi vật bằng năm giác quan thông thường như nghe, nhìn, ngửi, nếm và sờ mó, nhưng ở cõi này, các giác quan trên không còn sử dụng được nữa mà chỉ có tư tưởng mà thôi. Nếu cháu muốn tiếp xúc với mẹ cháu, cháu hãy tập trung tư tưởng gửi đến mẹ cháu những niềm yêu thương tốt đẹp nhất thì mẹ cháu sẽ nhận được.
Tôi cố gắng dồn tất cả lòng yêu thương đến cho mẹ tôi, tự nhiên tôi thấy bầu ánh sáng chung quanh tôi bỗng trở nên sáng chói, một cảm giác lạ lùng, thanh thản như thấm khắp người tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái, sung sướng dễ chịu như lúc đó. Tự nhiên mẹ tôi bỗng dừng tay lại, hình như bà cảm thấy điều gì, mắt bà rơm rớm nước mắt và bà thốt lên một câu rất khẽ, tôi biết mẹ tôi thầm gọi tên tôi. Ngay lúc đó tôi thấy rõ tình yêu thương của mẹ tôi dành cho tôi, một cảm giác ấm áp, hạnh phúc tràn đầy khiến tôi như được tăng thêm sức mạnh.
Ông Jules mỉm cười nói:
- Cháu thấy không, những người quá cố đâu có đi xa, họ vẫn hiện diện chung quanh những người thân đấy chứ. Họ hiểu biết mọi sự việc xảy ra trong gia đình và có thể giúp đỡ người nhà một cách gián tiếp mặc dù không thể liên lạc, nói chuyện hay báo tin cho người nhà biết sự hiện diện của họ được.
Tôi thân mật hỏi cậu Jules:
- Phải chăng cậu vẫn đến thăm gia đình cháu luôn?
Ông Jules khẽ lắc đầu cười:
- Đối với cậu thì tất cả mọi người đều là gia đình cả, một thời gian nữa cháu sẽ hiểu rõ hơn. Có những liên hệ cá nhân mà qua luật thiên nhiên, họ trở nên thân thiết như cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, nhưng còn biết bao liên hệ trước đó nữa, kiếp sống này chỉ là một giai đoạn ngắn trong một đời sống kéo dài bao la vô tận.
Tôi thắc mắc ngắt lời:
- Như vậy cậu tìm đến cháu làm gì?
Ông Jules thân mật:
- Cháu đã có nhiều liên hệ với cậu từ lâu, hiện nay cháu chưa nhớ đâu nhưng một thời gian sau cháu sẽ hiểu. Chúng ta đã từng là bạn bè, đã làm việc chung với nhau trong nhiều kiếp sống.
Tôi ngạc nhiên:
- Như vậy cháu đã làm gì?
Ông Jules mỉm cười:
- Rồi cháu sẽ biết nhưng hiện nay có một người nữa mà cháu muốn gặp.
Ông giơ tay chỉ phía sau và tôi thấy một bầu ánh sáng chói lọi trong không trung khiến tôi phải nhắm mắt lại cho khỏi lóa. Tôi nghe một giọng nói êm dịu:
- Anh Steve, anh còn nhớ em không?
Tự nhiên tôi nhận ra ngay giọng nói của Marjorie, một người bạn gái ngày trước, nhưng cô đã chết vì một tai nạn khi còn ở trung học kia mà. Tôi mở mắt ra và thấy Marjorie đang đứng trước mặt tôi, toàn thân bao phủ trong một lớp ánh sáng chói lọi. Cô bật cười:
- Anh đừng ngạc nhiên, em vẫn như xưa chứ đâu có khác gì... Ơ kìa! Tại sao anh lại nghĩ rằng em là một thiên thần?
Tôi bối rối:
- Nhưng... nhưng tại sao em lại biết?
Marjorie bật cười liến thoắng:
- Em biết chứ! Em đọc được tư tưởng của anh... anh ngạc nhiên vì màu sắc hào quang ư? Anh cũng có hào quang đấy chứ, anh không thấy sao?
Chưa lúc nào tôi lại bối rối như lúc này. Sự có mặt của ông Jules và bây giờ là Marjorie, một người bạn gái đã qua đời từ nhiều năm trước, khiến tôi mệt mỏi muốn ngồi xuống đất. Tuy nhiên, Marjorie không để tôi yên, cô vẫn liến thoắng như hồi nào:
- Này anh Steve, anh không hề mệt đâu, anh chỉ mệt vì anh tưởng anh mệt đó thôi. Lúc nãy anh đâu có mệt, anh đang vui vẻ, khỏe khoắn kia mà. Anh nghĩ nhiều quá... Chuyện đã qua rồi, anh nghĩ làm chi!
Quả thật tôi đã nghĩ đến cái chết của Marjorie năm xưa, chính tôi đã đi đưa đám tang nàng và ngồi bên cạnh mộ nàng rất lâu. Marjorie dường như cảm động, mắt cô chớp chớp một lúc rồi vui vẻ, hồn nhiên trở lại:
- Anh Steve thân yêu, em biết điều đó. Hồi đó em biết hết, thấy hết và nghe hết những điều anh nói bên mộ em. Sau đám tang, em thấy anh đi thơ thẩn ngoài nghĩa địa một mình, em thấy anh khóc nhiều. Anh còn đi theo con đường dẫn đến trường mà trước kia chúng ta thường dạo mát. Lúc đó em vẫn đi cạnh anh mà anh đâu có biết.
Tôi kêu lên thất thanh:
- Thật sao, em vẫn ở bên anh sao?
Marjorie thản nhiên gật đầu:
- Đúng thế. Em thấy anh buồn quá nên quàng lấy vai anh để an ủi nhưng anh nào có hay. Em biết mình đã chết nên không thể nào tiếp xúc với anh được nữa, nhưng thật ra danh từ “chết” không đúng đâu. Sự thật thì chúng ta không bao giờ chết cả. Đúng vậy, em và anh cũng như mọi người khác chẳng bao giờ chết. Anh thấy không, hiện nay chúng ta vẫn linh động, thoải mái, sống mạnh mẽ hơn khi nào hết kia mà! Chúng ta đang tiến về nguồn, nguồn sống yêu thương tràn đầy ân phước của Đấng Tối Cao. Dĩ nhiên, lúc này anh còn đang bán tín bán nghi, nhưng em mong anh tin em. Nhiều người không tin em mặc dù em cố gắng thuyết phục họ, nhưng anh thì phải khác chứ. Anh biết không, em đã gặp rất nhiều người bị tai nạn xe cộ như em vậy. Họ than khóc quá nhiều, kẻ thì oán hận người đã gây ra tai nạn, người thì tiếc đã không làm được những việc khi còn sống. Em đã đến bên họ, khuyên can họ rằng cuộc sống không hề chấm dứt như họ nghĩ mà là một sự chuyển tiếp. Trong giai đoạn này họ được sống trong tình yêu thương tuyệt vời, nhưng chẳng mấy người chịu nghe.
Càng nói bầu ánh sáng bao quanh Marjorie càng sáng chói, bao phủ quanh thân nàng khiến nàng trông càng đẹp, một vẻ đẹp thanh cao, đáng kính khiến tôi phải lùi lại. Marjorie nheo mắt nhìn tôi và thong thả:
- Đó là công việc mới của em, một công việc quan trọng. Trước khi giao việc này cho em, Ngài đã căn dặn em phải suy nghĩ kỹ. Em đã đắn đo rất cẩn thận trước khi nhận lời. Công việc thật nặng nhọc nhưng em rất sung sướng là đã an ủi, giúp đỡ cho những người vừa từ trần. Em ở kề cận bên họ, nhắc nhở cho họ rằng đời sống thật sự chỉ có sự yêu thương chứ không có sự hối tiếc, giận hờn.
Tôi ngạc nhiên:
- Em nói Ngài đã giao việc cho em, vậy Ngài là ai?
Marjorie chỉ về phía sau tôi:
- Chính cậu Jules đã đưa em đến gặp Ngài. Ngài là Thượng Đế chứ còn ai nữa!
Quả thật tôi bối rối. Tôi đưa mắt nhìn ông Jules và Marjorie không biết phải nói như thế nào nữa. Phải chăng tôi đang mê ngủ? Phải chăng đây chỉ là một giấc chiêm bao? Ông Jules âu yếm:
- Cháu không chiêm bao đâu. Hiện nay cháu đang ở một cõi giới khác với cõi trần. Ở đây thời gian và không gian không còn chi phối nữa, cũng không có các ràng buộc vật chất. Khi muốn đến đâu người ta có thể đến đó ngay, lúc này cháu đã chẳng trở về nhà đó sao? Bây giờ cháu hãy đi theo cậu, chúng ta có việc phải làm, sau này cháu sẽ có dịp gặp Marjorie sau.
Tôi ngạc nhiên:
- Nhưng cậu muốn đưa cháu đi đâu?
Ông Jules từ tốn trả lời:
- Có lẽ cháu đã quen ít nhiều với đời sống bên này rồi nên cậu sẽ giải thích cho cháu về những việc đã và sẽ xảy ra. Trước hết nhân loại đang trải qua một cuộc chiến tranh lớn. Tại sao lại có cuộc chiến tranh này và trong cuộc chiến cháu sẽ được giao phó nhiệm vụ gì. Cuộc chiến hiện tại là một điều không thể tránh được, mặc dù nó có vẻ phi lý và dã man. Con người không thể tránh được hiểm họa chiến tranh vì đã có nguyên nhân thì phải có hậu quả. Mặc dù những người gây chiến tranh phải chịu trách nhiệm về việc họ đã làm nhưng mọi người, vì những nguyên nhân sâu xa trong quá khứ, cũng đều chia phần trách nhiệm và phải học lại bài học mà họ cần phải học. Đời sống là một trường học mà trong đó chiến tranh là một bài học quan trọng. Trong hoàn cảnh đau khổ, tang tóc, nhiều người nghĩ rằng thế giới đã đến lúc suy tàn, sức mạnh của bạo lực sẽ đàn áp tất cả, điều ác sẽ thắng điều thiện, kẻ áp chế sẽ đạt được điều họ muốn. Điều này hoàn toàn không đúng. Một khi Thượng Đế đã điều khiển thì trước sau mọi sự sẽ đều tiến đến chỗ tốt đẹp, toàn thiện. Một con côn trùng nhỏ bé chết Ngài cũng biết và cuộc chiến dù tàn khốc đến đâu thì cũng không xảy ra ngoài ý muốn của Ngài được. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, những kẻ góp phần gây ra cuộc chiến vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.
Vẻ mặt của ông Jules bỗng trở nên dịu dàng, đôi mắt ông như đắm chìm trong một cõi giới nào đó, hình như ông đang ôn lại những kinh nghiệm tranh đấu, đau khổ mà rồi nhân loại sẽ phải trải qua, trước khi ý thức về hành động của họ và thay đổi để trở nên thánh thiện, hiền lành. Ông mỉm cười bảo tôi:
- Bây giờ chúng ta sẽ ra mặt trận vì một người bạn cũ của cháu sắp từ giã cõi trần, cháu hãy tìm cách an ủi và giải thích cho anh ta hiểu các sự kiện diễn ra ở cõi giới bên này, như vậy cháu sẽ quen với công việc mà từ nay cháu sẽ đảm nhiệm.
Tôi theo ông Jules đến một khu rừng rậm, có tiếng súng nổ khắp nơi, tôi biết mình đã ra đến mặt trận. Tôi nhìn thấy các chiến sĩ ẩn núp dưới giao thông hào, có một số đang chuẩn bị cho một cuộc xung phong. Có tiếng đạn rít bên tai khiến tôi hoảng sợ, bảo ông Jules nên tìm chỗ ẩn tránh đạn thì ông mỉm cười lắc đầu:
- Cháu không phải lo, bom đạn không làm gì được cháu đâu. Hiện nay cháu đâu còn thể xác nữa mà sợ!
Ông Jules chỉ cho tôi thấy một binh sĩ đang bò dưới đất. Anh này định vòng ra phía sau một mô đất lớn để đánh tập hậu nhóm lính Đức đang trấn giữ ổ súng liên thanh gần đó. Điều anh không ngờ là vị trí của anh đã bị phát giác, một người lính Đức giơ súng lên nhắm vào anh bóp cò. Tôi chưa kịp la lên thì anh đã bật ngửa ra sau, đầu bị một viên đạn bắn trúng. Ngay lúc đó tôi nhận ra anh là Andrew, một người bạn láng giềng đã nhập ngũ trước tôi ít lâu. Tôi thấy Andrew từ từ thoát ra khỏi thể xác và vẫn tiếp tục bò mà không hề biết rằng anh ta đã trúng đạn, bỏ lại cái xác nằm sóng sượt phía sau. Ông Jules thúc nhẹ vào hông tôi như ra hiệu, tôi vội bước về phía Andrew. Anh này ngạc nhiên la lớn:
- Ủa Steve đấy ư? Anh làm gì ở đây vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì Andrew đã kéo tôi nằm sát xuống đất:
- Cẩn thận kẻo bọn lính Đức nhìn thấy!
Nhưng không kịp nữa, ba người lính Đức đã ở sau gò đất xông ra. Andrew hoảng hốt giơ súng lên nhưng lúc đó anh mới nhận ra anh không hề cầm súng. Trông điệu bộ luống cuống của anh tôi bật cười:
- Này Andrew, anh đã chết rồi còn đâu!
Nhưng Andrew không nghe câu tôi vừa nói, anh bận nhìn sững ba tên lính Đức đang khám xét cái xác của anh. Một người lục túi áo của anh lấy ra bao thuốc lá trong khi hai người kia tháo súng và bao đạn trên vai anh. Andrew nổi giận xông đến đấm đá túi bụi nhưng ba người lính kia vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Andrew giận dữ kêu la om sòm cho đến lúc ba người lính thu thập xong chiến lợi phẩm, rút vào sau gò đất thì anh mới xúc động ôm lấy xác của mình khóc òa. Tôi lúng túng nhìn anh không biết phải an ủi thế nào cho đến khi anh ngẩng lên nhìn tôi:
- Này bạn Steve, anh cũng chết rồi sao?
Tôi gật đầu. Andrew im lặng như suy nghĩ, bất chợt anh thốt lên:
- Thôi thế là hết. Bạn chết trước tôi, vậy bạn có thấy thiên đàng ở đâu không?
Từ trước đến nay tôi chưa hề suy nghĩ về điều này nên thoạt nghe cũng hoảng hốt, tôi nhìn quanh nhưng không thấy cảnh vật có gì khác lạ. Andrew cũng lên tiếng.
- Tôi chẳng thấy có gì khác lạ hết, ở đây giống hệt như cõi trần, chỉ khác ở chỗ tôi nói mấy tên lính kia cũng không nghe, tôi đánh chúng cũng không được. Bây giờ chúng ta phải làm sao đây? Nếu lính Đức đến, mình có đánh nữa không?
Tôi lắc đầu:
- Anh quên rằng chúng ta đã chết rồi sao?
Andrew gật đầu đồng ý, rồi theo thói quen anh móc túi lấy thuốc lá ra hút nhưng dĩ nhiên không thể hút được. Anh lẩm bẩm chửi một hồi rồi than:
- Trời ơi, tôi không hút thuốc được nữa, có gì khổ bằng không hút thuốc được nữa, như vậy là chết tôi rồi.
Tôi đập nhẹ lên vai anh nhắc nhở:
- Nhưng chúng ta đều đã chết rồi kia mà.
Andrew giật mình sờ tay lên trán và la lớn:
- Trời ơi, làm sao đầu tôi lại lủng một lỗ lớn như thế này! Có ai băng bó giùm cho tôi, làm ơn gọi y tá cho tôi. Thôi chết rồi, lủng lỗ to như thế này thì mất hết máu rồi còn gì.
Ngay lúc đó ông Jules bước đến bên Andrew. Ông vừa băng bó vừa thoa thuốc:
- Thuốc này thần diệu lắm, chỉ thoa vào là khỏi ngay, bảo đảm không có thẹo. Anh nhìn xem, vết thương lành rồi đó.
Andrew sờ tay lên trán. Vết thương đã hoàn toàn biến mất. Anh bật cười sung sướng:
- Hay thật! Hay thật! Làm sao lại có thứ thuốc kỳ diệu như vậy. Bác sĩ ơi, thuốc này chế tạo ở đâu vậy ạ?
Ông Jules mỉm cười từ tốn:
- Anh bạn, không phải thuốc này công hiệu đâu, tôi chỉ bày trò ra vậy thôi. Chính anh đã chữa lành cho anh đó. Bên này cõi của tư tưởng và do sức mạnh của tư tưởng mà anh thấy mình bình phục. Dù có mất cả tay chân nhưng khi nghĩ rằng mình lành lặn thì tự khắc sẽ lành lặn ngay. Điều đáng tiếc là nhiều người không biết vậy. Họ cứ nghĩ mình đang đau đớn, khổ sở vì cụt tay, cụt chân, cụt đầu và sống mãi trong tình trạng khủng hoảng như vậy rất lâu. Chính cái tâm trạng đau khổ kéo dài đó sẽ tạo ra những nỗi ám ảnh trong tiềm thức, ảnh hưởng vào những kiếp sống mai sau. Cũng như thế, một người chết vì nước, vì lửa thường bị ám ảnh bởi những yếu tố này và sau đó thường sợ lửa hay nước. Điều anh cần biết là chính cái tâm trạng khi chết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ở kiếp sau, làm sao có thể chết một cách thoải mái, an lành, chấp nhận sự chết mà không chống lại nó. Nghệ thuật chết là làm sao không mong cầu kéo dài thêm đời sống, không hối tiếc về những điều có thể làm nhưng đã không làm, không giận hờn, oán ghét bất cứ ai mà thanh thản bước qua cõi tư tưởng này một cách ung dung, tự tại. Bây giờ anh đã biết cách chữa lành bệnh rồi, tôi nghĩ anh có thể giúp đỡ cho các bạn bè anh cũng vừa từ trần, họ rất đông và đang đau đớn, khổ sở cần được giúp đỡ. Các anh cần biết rằng, ở cõi này không có chiến tranh nữa, chúng ta có thể giúp đỡ nhau, dìu dắt nhau mà không sợ bị ngộ nhận hay hiểu lầm vì các giá trị ở cõi trần qua đến bên này không còn nghĩa lý gì nữa. Tất cả mọi thứ như tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực đều có thể trở nên vô giá trị.
Andrew rụt rè đặt câu hỏi:
- Thưa ông, vậy gặp lính Đức thì tôi phải làm sao?
Ông Jules mỉm cười:
- Quân Đức cũng là bạn của anh và anh nên giúp đỡ họ.
Andrew nhăn mặt tỏ vẻ không đồng ý, nhưng anh cũng cố gắng:
- Nhưng họ đâu biết tôi là bạn, nếu tôi gặp họ xông lại đánh thì sao? Tôi cũng cần phải tự vệ chứ.
Ông Jules lắc đầu:
- Anh nên tránh đi. Ở cõi trần anh phải tự vệ chứ ở bên này thì họ không thể làm gì được anh đâu. Dù họ có bao vây hay bắn anh cũng vô ích thôi. Anh vừa qua đây chưa hiểu hết mọi việc, anh nên nghe theo lời khuyên của tôi. Hiện nay chúng ta đang ở cõi tư tưởng, tất cả mọi hiện tượng vật chất đều không thể làm hại chúng ta được, vì chúng ta đâu còn thân xác nữa. Này các bạn, những người vừa từ trần chưa biết điều đó. Họ đang đau khổ, cần được an ủi, anh hãy coi họ như một con người đang cần được giúp đỡ. Đừng nghĩ rằng họ là người Đức, người Mỹ hay người Pháp, sự phân biệt đó không có ý nghĩa gì ở cõi bên này cả. Cũng đừng nghĩ rằng họ là thù hay là bạn, vì các danh từ đó hoàn toàn vô giá trị, mà chỉ nên nghĩ rằng có những người đang đau khổ cần được cứu giúp. Khi anh hành động với cái tâm trong sạch, đầy bác ái, thương yêu thì không một mãnh lực gì có thể hại anh được. Nếu anh không oán ghét, giận hờn mà chỉ một lòng thương xót, giúp đỡ người khác thì luồng hào quang bao quanh anh sẽ trở nên sáng chói, kẻ hung ác sẽ không dám nhìn anh, đừng nói đến ám hại anh. Dù anh ở bất cứ nơi đâu, anh cũng sẽ được Thượng Đế che chở vì anh đang làm việc đúng với thiên ý.
Andrew vội vã đứng thẳng người lên theo thói quen của một quân nhân và nghiêm giọng:
- Xin tuân lệnh Ngài.
Ông Jules mỉm cười quay về phía tôi:
- Còn cháu Steve, công việc của cháu khác với Andrew. Thời gian cháu ở bên cõi này không còn lâu nữa, vậy cháu hãy cố gắng quan sát, học hỏi những gì cháu có thể học được. Cháu sẽ trở lại cõi trần.
Tôi ngạc nhiên kêu lớn:
- Cậu nói sao? Cháu sẽ trở lại cõi trần?
Ông Jules gật đầu:
- Đúng thế. Cháu chưa chết. Lúc trái mìn nổ, cháu bị sức ép dồn ngay ngực nên tắt thở, cháu đã hôn mê mấy giờ liền nhưng tình trạng này sắp chấm dứt. Nhiệm vụ của cháu quan trọng hơn của Andrew, cháu sẽ tiết lộ cho nhân loại biết về những điều cháu đã học hỏi được ở cõi này.
Tôi bối rối một lúc rồi rụt rè:
- Thưa cậu Jules, nếu cháu không chết, phải chăng đây chỉ là một giấc mộng? Làm sao cháu có thể giải thích cho mọi người biết rằng cháu không chiêm bao? Làm sao cháu không bị mọi người lên án là bịp bợm hay điên loạn?
Ông Jules mỉm cười gật đầu:
- Không đâu! Đây không phải là một giấc mộng. Sự trở về của cháu rất quan trọng và hữu ích cho nhân loại, nhất là trong giai đoạn này. Cháu cứ làm hết sức mình và nên nhớ còn có ơn trên phù hộ cho cháu nữa. Không bao lâu nữa cháu sẽ tỉnh lại và cậu sẽ giúp cháu nhớ lại những điều ở cõi này.
Tôi ngạc nhiên:
- Nếu cậu không giúp thì khi tỉnh lại cháu sẽ quên hết sao?
Ông Jules gật đầu:
- Thông thường, người ta không nhớ được nhiều những chuyện xảy ra trong giấc ngủ. Trí óc con người sẽ thu xếp những dữ kiện này một cách lộn xộn, vô trật tự và đầu óc phán đoán của con người sẽ không chấp nhận nó, nên đa số đều loại bỏ những ký ức này. Cháu nên biết ngoài thể xác, còn có những thể khác nữa, mỗi thể đều có những giác quan riêng của chúng. Nếu không biết kiểm soát các thể này, các dữ kiện ở cõi tư tưởng sẽ bị ghi nhận một cách sai lạc, méo mó và trở nên mơ hồ lộn xộn, vô lý. Do đó, con người ta sẽ không thể nào suy luận nó một cách hữu hiệu. Một lúc khác cậu sẽ giảng cho cháu nghe sau, bây giờ chúng ta hãy lên đường vì thời gian không còn nhiều lắm đâu.
Tôi đi theo ông Jules đến một căn nhà nhỏ, trong nhà có một người đàn bà và hai đứa con nhỏ. Hai đứa bé đang đùa nghịch một cách vô tư, nhưng người đàn bà thì đang đau khổ. Bà vừa khóc hết nước mắt vì nhận được giấy báo chồng bà vừa tử trận. Ngay lúc đó một quân nhân quần áo dính đầy máu bước vào. Ông nói với vợ:
- Emma, anh đã về đây.
Dĩ nhiên, người đàn bà không nghe thấy gì và vẫn ngồi khóc, nhưng hai đứa bé ngừng chơi kêu lên:
- Cha! Cha đã về!
Người đàn bà đưa tay bồng hai đứa bé và khóc lớn:
- Cha các con chưa về đâu.
Ông Jules nói với tôi:
- Cháu thấy không, hai đứa bé còn nhỏ, đầu óc vô tư và nhạy cảm nên chúng nhận ra ngay được sự hiện diện của cha chúng, mặc dù mắt không nhìn thấy.
Ông quay ra nói với người quân nhân:
- Này anh bạn, chị nhà không thấy anh đâu nhưng anh hãy đợi một lúc nữa khi chị ngủ, khi tâm hồn của chị thoải mái, không bận bịu hay bị chi phối bởi các tư tưởng tiêu cực thì chị có thể tiếp xúc được với anh. Dĩ nhiên, khi thức dậy chị sẽ không nhớ gì hết nhưng nếu anh khéo léo khuyên bảo thì chị sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều. Anh đã hiểu và chấp nhận số phận nên anh không còn đau khổ bao nhiêu, nhưng anh có thể giúp cho chị bớt đau khổ.
Người quân nhân cung kính nghiêng mình trước ông Jules.
- Xin cám ơn Ngài. Ngài đã giúp đỡ tôi và các anh em trong binh chủng của chúng tôi rất nhiều. Thay mặt các anh em, tôi xin cảm tạ Ngài.
Ông Jules chỉ tay về phía tôi:
- Đây là thanh niên mà tôi đã nói với anh trước đây.
Người quân nhân bắt tay tôi một cách nồng nàn:
- Nhờ anh nói giùm với nhà tôi rằng: “Bông hồng dù ở đâu cũng là bông hồng và lúc nào cũng đẹp hết”. Anh cứ nói như vậy là nhà tôi hiểu. Đây là địa chỉ của nhà tôi...
Cậu Jules chờ tôi nói chuyện với người quân nhân kia xong rồi mới ra hiệu cho tôi đi theo. Lần này đã quen nên tôi lướt đi một cách nhẹ nhàng, hai chân tôi không hề đụng đất và chỉ một thoáng sau chúng tôi đã đến căn nhà khác. Trong nhà có hai người già đang ngồi than khóc dưới ngọn đèn leo lét. Họ vừa nhận được điện tín báo tin người con trai của họ đã tử trận. Tuy nhiên, họ không biết rằng anh này cũng đang có mặt trong nhà, dĩ nhiên dưới một dạng thể khác. Anh mặc bộ quân phục dính đầy máu, cố gắng tiếp xúc với cha mẹ nhưng không được nên rất đau khổ. Anh kêu lên:
- Trời ơi, mẹ tôi không nghe thấy tôi. Mẹ tôi tưởng tôi đã chết nhưng tôi vẫn còn sống kia mà. Làm sao tôi có thể nói cho mẹ tôi hiểu được đây!
Cậu Jules vỗ vai người quân nhân, an ủi:
- Anh hãy bình tĩnh. Tôi sẽ giúp anh nhưng trước hết anh hãy nghe tôi nói đã. Anh hãy nhìn bức hình chụp khi anh vừa tốt nghiệp trường võ treo trên tường kia, khi đó anh mặc bộ quân phục mới và sạch sẽ, người không bị một vết thương nào, anh hoàn toàn khỏe mạnh, vui vẻ. Bây giờ anh hãy tưởng tượng rằng hiện nay anh cũng y hệt như thế.
Người quân nhân làm theo lời ông Jules. Lạ thay chỉ trong một thoáng giây sau anh đã mặc một bộ quân phục mới tinh. Gương mặt anh hết đau khổ, nhăn nhó mà trở nên sáng sủa, tươi tắn. Các vết thương trên thân thể anh hoàn toàn biến mất. Chính người quân nhân cũng ngạc nhiên về sự kiện này nên anh sững người một lúc rất lâu trước khi quay nhìn về phía cha mẹ. Cậu Jules nói tiếp:
- Anh hãy nghĩ đến tâm trạng của anh trong ngày tốt nghiệp đó. Anh đã hãnh diện và sung sướng biết bao, phải không? Bây giờ anh hãy hồi tưởng hoàn cảnh tốt đẹp lúc đó rồi đến bên cạnh cha mẹ anh, chia sẻ sự sung sướng đó với họ. Tình yêu thương có một sức mạnh an ủi phi thường, anh hãy làm như tôi nói.
Người quân nhân làm y hệt như lời khuyên và tôi thấy rõ một luồng hào quang từ thân thể anh lan tỏa ra, lan rộng khắp phòng, bao bọc cả hai người già đang ngồi đó. Tự nhiên bà mẹ bớt khóc và trở nên bình tĩnh hơn. Bà nói với chồng:
- Henri, tôi có cảm giác rằng con mình không đến nỗi nào, chắc nó được ơn trên phù hộ. Tôi chắc nó thế nào cũng được ơn trên phù hộ.
Ông già cũng ngưng khóc. Ông nhìn vợ một lúc rồi nhẹ nhàng:
- Có lẽ bà nói đúng. Chúng ta hãy cầu nguyện Thượng Đế.
Cả hai bước đến bên thánh giá treo trên tường và quỳ xuống cầu nguyện. Người quân nhân cũng bước đến quỳ bên cha mẹ. Tự nhiên căn phòng bỗng bừng sáng lên một thứ ánh sáng chói lọi, tinh khiết khiến tôi cũng cảm thấy sung sướng, thoải mái lây. Cậu Jules nói với tôi:
- Cháu thấy không, sự đau khổ của người chết có thể ảnh hưởng đến người sống và ngược lại, nếu người sống đau khổ, than khóc thì họ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến người chết. Điều quan trọng lúc này là phải làm sao để giúp cho họ bình tĩnh trở lại, sáng suốt, ý thức về sự việc đang diễn ra. Một phương pháp rất hữu hiệu là gợi lại cho họ những kỷ niệm đẹp nhất, những cảm giác sung sướng nhất, để giúp họ thoát khỏi tình trạng hoảng hốt kia. Chỉ khi nào họ thoải mái, an lạc và sáng suốt thì cháu mới có thể giúp đỡ họ được. Người quân nhân này là sĩ quan trường võ bị, từ nhỏ đã say mê binh nghiệp, ngày tốt nghiệp là ngày anh sung sướng nhất vì thỏa mãn được niềm mong ước. Biết cách nhắc nhở anh ta hồi tưởng lại kỷ niệm đó để anh bình tĩnh trở lại, thoát khỏi ảnh hưởng đau khổ của cái chết, giảm bớt sự giằng co, quyến luyến với gia đình thì anh mới có thể siêu thoát được.
- Nhưng siêu thoát là thế nào?
Ông Jules mỉm cười:
- Con người là một thực thể phức tạp gồm có nhiều thể khác nhau chứ không phải chỉ có thể xác mà thôi. Điều này khoa học không thể giải thích rõ rệt vì đối tượng của khoa học chỉ xây dựng trên căn bản của các giác quan thuộc về thể xác, vốn hết sức giới hạn. Khi xác thân không còn sử dụng được nữa, các thể khác cần được giải phóng ra khỏi xác thân càng sớm càng tốt, đó là sự siêu thoát. Cháu nên biết rằng tâm trạng con người khi từ trần hết sức quan trọng vì nếu có sự quyến luyến thì sự giải phóng này sẽ bị trì hoãn lại rất lâu, gieo các ấn tượng đau khổ lên các thể kia và ảnh hưởng đến các kiếp sống mai sau. Đó cũng là lý do người ta cần tránh than khóc, kêu gào, kể lể trong các đám tang mà phải bình tĩnh đặt hết tâm hồn vào sự cầu nguyện cho người quá cố được siêu thoát. Cháu nên biết rằng tâm trạng con người khi từ trần hết sức kinh khủng đối với những ai tin rằng chết là mất hết tất cả. Đa số đều bám vào sự sống một cách tuyệt vọng. Có người cho rằng có một thế giới khác, một cảnh âm ty địa ngục ghê sợ đang chờ đón họ nên họ nhất định không chịu từ bỏ cõi trần. Do đó, có một sự phấn đấu mạnh mẽ giữa phần thân xác sắp tan rã và phần tâm linh cố gắng giữ nó lại. Đó cũng là lý do nhiều người cứ hấp hối mãi mà không chết được, họ ở tình trạng không sống mà cũng không chết (comatose). Sau khi chết, nhiều người cứ quanh quẩn bên cái xác thân của mình, dù thấy xác thân đó đã rữa ra, bị dòi bọ đục khoét cho đến khi xác thân hoàn toàn tan rã thì mới siêu thoát được. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm, gieo vào tâm thức người đó những ấn tượng hết sức ghê gớm, đau khổ và sự ám ảnh này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cá tính của người đó trong kiếp sau.
Sau khi cầu nguyện xong, người quân nhân bước đến cạnh cậu Jules:
- Cám ơn Ngài đã giúp cho tôi và cha mẹ tôi. Bây giờ tôi phải làm gì?
- Anh hãy đợi khi cha mẹ anh ngủ say, khi các giác quan thể xác của cha mẹ anh tạm thời yên nghỉ thì anh có thể tiếp xúc được với hai ông bà ở một bình diện khác. Điều cần nhất là chính anh phải có sự thoải mái, bình an đã rồi anh mới có thể an ủi được cha mẹ anh, giúp họ bớt đau khổ.
Người quân nhân gật đầu như hiểu lời khuyên bảo:
- Xin cám ơn Ngài. Nếu cha mẹ tôi bớt đau khổ thì tôi có thể yên tâm được rồi.
- Anh cứ yên tâm. Tôi biết cha mẹ anh sẽ được thoải mái. Ông bà đã biết chấp nhận và đặt tất cả vào bàn tay Thượng Đế. Một khi đã để cho Thượng Đế hành động thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Còn về phần anh, chút nữa có một thiếu nữ tên là Marjorie sẽ đến gặp anh. Cô ta sẽ giúp đỡ và hướng dẫn anh. Anh nên nghe theo lời khuyên của cô ấy.
Cậu Jules giới thiệu tôi với quân nhân kia và nói rõ về trường hợp đặc biệt của tôi. Người quân nhân mừng rỡ siết chặt tay tôi:
- Nếu anh có thể ghé thăm cha mẹ tôi và nói với ông bà rằng: “Robbie vẫn khỏe mạnh như thường”. Tên tôi là Robert, bạn bè thường gọi là Rob nhưng cha mẹ tôi lại thích gọi tôi là Robbie, đây là một tên riêng chỉ cha mẹ tôi biết mà thôi. Đây là địa chỉ của cha mẹ tôi...
Sau khi giã từ người quân nhân đó, ông Jules và tôi tiếp tục đi nữa. Vừa ra đến đường chính, tôi nhìn thấy một xe chở lính Đức đi ngang. Tôi giật mình kêu lớn:
- Cậu ơi! Lính Đức kìa!
Cậu Jules mỉm cười:
- Phải rồi chúng ta đang ở tại nước Đức, nhưng cháu đừng lo, họ không trông thấy chúng ta đâu. Cháu quên rằng chúng ta đâu còn thể xác nữa.
Chúng tôi thấy một ông già gầy gò, quần áo nhàu nát, đầu đội nón nỉ, vẻ mặt đau khổ đang đứng trước một căn nhà. Cậu Jules nói:
- Đó là Lebowitz, một thương gia giàu có đã qua đời từ mấy năm nay nhưng không siêu thoát vì còn quyến luyến tài sản, sự nghiệp.
Ông già ngước cặp mắt lờ đờ nhìn cậu Jules rồi nói một cách buồn bã:
- Thưa ông, căn nhà này do chính tôi xây cất, chính tôi đã lựa chọn từng hòn gạch, từng khúc gỗ. Hãy nhìn cái cửa bằng gỗ sồi kia, chính tay tôi đã chọn từ bên Đan Mạch, còn chiếc cửa sổ bằng kính màu nữa, nó đã được thực hiện bởi những thợ giỏi nhất miền Florence. Căn nhà này của tôi và tôi không thể bỏ nó được.
Cậu Jules nhìn ông già bằng cặp mắt thương hại rồi nói với tôi:
- Năm trước, chính quyền Đức ra lệnh cho người Do Thái phải rời bỏ khu này để tập trung vào một khu biệt lập. Ông Lebowitz không chịu nên bị họ đánh trọng thương. Tuy mang thương tích trầm trọng nhưng ông nhất định không vào bệnh viện điều trị mà cứ bám riết căn nhà nên vài hôm sau ông bị nhóm SS giết chết. Từ đó ông cứ quanh quẩn bên căn nhà này. Tôi bèn hỏi:
- Như vậy ông ấy sẽ ở đây đến bao giờ?
- Ông ta sẽ tiếp tục ở tình trạng này cho đến khi nào lòng quyến luyến kia tiêu tan hết. Có thể là một vài năm, chục năm hay có khi lâu hơn thế nữa.
Cậu Jules nói với ông già:
- Này ông bạn, ông bạn đã chết rồi, đã rời bỏ thế giới này rồi thì còn quyến luyến căn nhà đó làm chi nữa! Hiện nay căn nhà đó đã thuộc về người khác rồi.
Ông lão khăng khăng lắc đầu:
- Không... Không... đây là nhà của tôi, sống tôi ở với nó, chết tôi cũng ở với nó. Không ai có thể buộc tôi rời bỏ nó được.
Ngay lúc đó có một nhóm người từ đâu bước tới mở cửa bước vào nhà. Ông Lebowitz xông ra cản lại nhưng không được. Ông vừa xô đẩy họ vừa quát lớn:
- Quân ăn cướp! Đồ sát nhân! Bọn ngươi hãy cút khỏi nhà của ta!
Dĩ nhiên là những người đó đâu hay biết, họ vẫn thản nhiên bước vào mặc cho ông già la hét om sòm. Cậu Jules thở dài:
- Một ngày nào đó ông ta sẽ hiểu và sẽ hối tiếc cho sự điên rồ này.
- Phải chăng người chết nào cũng thế?
Cậu Jules lắc đầu:
- Không hẳn như thế. Sau khi chết, người ta bước vào một giai đoạn chuyển tiếp, khi các điều kiện vật chất mà họ thường bám víu vào đang từ từ tan rã và một thế giới mới lạ bắt đầu hiện rõ dần. Thế giới đó là của ánh sáng, nhiều người gọi là “cõi sáng” cũng không sai. Đây không phải là thứ ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mà là một thứ ánh sáng rọi khắp mọi nơi, không một cái gì có thể che khuất được nó. Một người có tâm trạng xấu xa, hèn kém sẽ không dám nhìn thứ ánh sáng này và thường tránh né nó, nhưng một người hiền lành, thánh thiện thì thoải mái hơn vì họ biết chấp nhận sự thật. Dù sao chăng nữa, khi từ giã xác thân, ai cũng thấy bầu ánh sáng này và nó soi rõ tâm thức họ, cho họ thấy rõ các diễn tiến vừa xảy ra trong cuộc đời vừa qua. Họ sẽ thấy mình thành công chỗ nào, đã học hỏi được những gì. Họ sẽ thấy lại những cảnh đổ máu do chính họ gây nên hay những đau khổ mà họ đã gây cho người khác. Họ cũng ý thức được các hành vi nhân đức, hy sinh, quả cảm của mình và rút tỉa kinh nghiệm cần học hỏi. Dần dần họ ý thức rằng các hành động trong quá khứ đã đưa đẩy họ đến hoàn cảnh trong kiếp này và hành động của họ trong kiếp này sẽ quyết định số kiếp tương lai của họ. Sau khi đã duyệt xét lại tất cả mọi hành động của mình, họ sẽ có những quyết định riêng, dù đó là quyết định gì chăng nữa, thì cũng là bước đầu quan trọng của sự tự biết mình. Chính sự tự biết mình này là khởi điểm cần thiết cho sự tiến hóa của con người.
Một người hiền lành, nhân ái, biết sống thuận theo thiên ý, khi qua đời sẽ thấy một biển ánh sáng bao bọc quanh họ. Lớp ánh sáng này thâm nhập vào người họ khiến họ cảm thấy lâng lâng sung sướng dường như được gia tăng thêm sức mạnh. Thật ra, khi đó các nguyên tử nặng trược trong thể vía của họ đang tan rã nên họ thấy trẻ trung hơn, thoải mái hơn, bình an hơn và không còn sợ sệt, lo lắng nữa. Chính sự không sợ hãi lo lắng này giúp họ tiến dần vào nguồn ánh sáng, hòa hợp được với các tư tưởng thanh cao, tốt lành và đem nguồn tư tưởng an lành đó gieo rắc cho những người thân đang than khóc, đau buồn để an ủi họ. Tuy nhiên, người chết như vậy ít khi nào lưu lại cõi trần lâu, vì một khi nhãn quan của họ đã mở rộng, đã thấy một thế giới khác tốt đẹp hơn, huy hoàng hơn, an lành thoải mái hơn thì đâu còn ai muốn trở về cái thế giới đầy phiền muộn, lo lắng ngày trước làm gì. Tùy theo sự tiến hóa và khả năng phát triển mà họ được dẫn dắt, học hỏi chân lý một cách rõ ràng. Họ sẽ không còn ngờ vực điều gì nữa, những giác quan mới của họ được thức động và một giai đoạn sống mới sẽ bắt đầu.
Một người bình thường, đời sống không có gì đặc biệt, không làm điều gì quá xấu hay điều thiện đáng kể thì khi từ trần sẽ không được như thế. Mặc dù cũng nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thượng Đế, nhưng đa số lại do dự, rụt rè, không ý thức rằng họ có thể hòa nhập vào đó để tiến lên cõi trên mà cứ quanh quẩn ở trong các cảnh giới quen thuộc với họ. Một người khi còn sống không biết chăm lo phát triển về tinh thần mà chỉ lo những chuyện vẩn vơ, tầm thường, sống không có mục đích rõ rệt, thì sẽ thấy thời gian bên này trôi qua rất chậm, ngày giờ dài đăng đẳng, bởi vì những chuyện giải trí bằng vật chất xa hoa kia không thể thực hiện được nữa. Họ sẽ tìm cách quanh quẩn bên những môi trường quen thuộc nhưng rất đau khổ, vì không thể tiếp xúc với người thân hay thỏa mãn các dục vọng được nữa. Họ sống vất vưởng trong một bầu không khí ảm đạm, buồn chán, không thể siêu thoát được và luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết hay tâm trạng lúc chết. Nếu được một người nào đó giúp đỡ, hướng dẫn, họ mới có thể từ bỏ sự lưu luyến này để tiến lên cõi trên, còn không họ sẽ sống một cách bất động trong hoàn cảnh này rất lâu.
- Như vậy người ta sống tại đây lâu mau như thế nào?
- Thời gian lưu tại đây tùy theo các nguyên tử vật chất tích tụ trong thể vía của họ. Nếu các nguyên tử vật chất tiêu biểu bằng sự ham muốn, đam mê, cảm xúc và tập quán của xác thân thu hút những nguyên tử của vật chất tương ứng. Tâm thức của con người chẳng qua chỉ là những rung động của những nguyên tử và sự rung động này tương ứng với những cảnh giới khác nhau. Một người hoàn toàn sống buông thả, mặc cho dục tính lôi cuốn, không phát triển chút nào về tri thức hay tinh thần thì sẽ thu hút các nguyên tử ô trược, có sức rung động khít khao, rất khó tan rã, do đó họ sẽ phải trải qua thời gian rất lâu tại những cảnh giới ô trược, xấu xa. Trái lại, một người đã chủ trị được dục vọng, ít ham muốn thì thể vía trong sạch, thanh nhẹ, không cần phải tinh luyện gì nữa, phần ô trược sẽ mau tan rã và họ có thể tiến bước lên những cõi giới cao hơn.
Cậu Jules đặt tay lên vai tôi một cách thân ái.
- Cháu Steve, cậu đã chỉ cho cháu thấy một vài khía cạnh của đời sống bên kia cửa tử. Một số người tưởng rằng chết là hết, là sự vĩnh viễn chia lìa và bây giờ cháu thấy rõ đó là một sự sai lầm rất lớn. Chúng ta là con của Thượng Đế, được tạo ra từ Ngài nên dĩ nhiên là không bao giờ chúng ta có thể chết được. Kiếp sống của chúng ta trên thế gian này thật ra chỉ là một phần nhỏ của một đời sống lớn lao, cao cả hơn. Xuyên qua những kiếp sống, chúng ta học hỏi và tiến hóa để trở về với nguồn gốc, với Thượng Đế. Mục đích của đời người là hướng thượng và mỗi kiếp sống phải là một bước tiến trở về nguồn. Nếu con người có thể hiểu được các định luật bất biến của vũ trụ hay luật trời thì họ sẽ biết rằng chẳng có một hung thần hay ác quỷ nào tạo ra các nỗi khổ đau, mà chính là con người thiếu hiểu biết đã vi phạm các định luật này. Hiểu được luật trời, biết tuân theo luật trời, biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì con người có thể tránh được bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu phiền não.
Trong lúc ông nói, vầng hào quang bao phủ quanh ông phát ra những tia sáng chói lọi, lấp lóe như kim cương. Cậu Jules mỉm cười:
- Sắp đến lúc cháu trở lại cõi trần và Marjorie cũng muốn nói với cháu vài lời từ biệt nên cậu chỉ vắn tắt thôi. Cháu nên nhớ những điều cháu được chứng kiến và học hỏi nơi đây không phải là một giấc mộng hão huyền mà là sự thật. Điều cháu học hỏi không phải là một đặc ân nào đâu mà chính nhờ đức hạnh của cháu. Cháu và cậu đã làm việc với nhau từ lâu, từ nhiều kiếp sống trong quá khứ, hiện nay cháu không nhớ được bao nhiêu nhưng sẽ có lúc cháu biết được những điều cháu đã làm cũng như những hạnh nguyện của cháu. Ý thức được điều này, nhiệm vụ của cháu sẽ còn quan trọng hơn trước rất nhiều. Chúng ta tạm thời chia tay ở đây, trong một thời gian không lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ làm việc chung với nhau.
Cậu Jules vừa dứt lời thì tôi đã thấy Marjorie từ xa đi đến. Cô lướt đi nhẹ nhàng như một người khiêu vũ. Quanh cô có một bầu ánh sáng chói lọi khiến tôi không khỏi ngây ngất. Marjorie liến thoắng:
- Anh Steve, anh hiểu điều cậu Jules nói rồi chứ?
- Đại khái anh cũng hiểu được đôi ba điều nhưng cậu Jules nói là anh sắp phải trở về. Như vậy, làm sao anh có thể gặp lại cậu Jules hay em đây?
- Anh đừng lo. Em sẽ đến gặp anh mỗi khi anh ngủ. Nếu cần anh cứ tập trung tư tưởng trước khi anh ngủ để nghĩ đến em thì em sẽ đến gặp anh ngay. Thôi, đã đến lúc anh phải trở về rồi.
Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi một cách lạ lùng, ngực tôi đau nhói và hơi thở trở nên khó khăn khiến tôi đưa tay ôm lấy ngực. Tai tôi còn nghe văng vẳng tiếng Marjorie:
- Tạm biệt anh Steve, chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Khi tỉnh dậy, tôi biết mình đã hôn mê gần một ngày. Cô y tá trực kể rằng tưởng tôi đã chết, người ta đã đem tôi xuống nhà xác để tẩm liệm nhưng may thay tôi tỉnh dậy kêu la om sòm. Bác sĩ khám nghiệm, xác nhận tôi còn sống và cho chuyển lên phòng hồi sức. Tôi hỏi cô y tá rằng tại sao cô không có hào quang. Tưởng tôi còn mê sảng nên cô nhẹ nhàng hỏi tôi muốn nói hào quang nào. Tôi trả lời rằng tại sao cô ta không toát ra hào quang giống như Marjorie. Nghi rằng tôi muốn tìm một người tên Marjorie nên cô trả lời rằng cô là Louise Clayton và ở đây không có ai tên là Marjorie hết, phải chăng tôi muốn tìm một người tên là Marjorie. Tuy nhiên, tôi lại nói rằng Marjorie đã chết từ lâu rồi nhưng tôi đã gặp lại cô ta, quanh người cô toát ra hào quang và lúc nào cũng lướt đi như khiêu vũ vậy. Cô y tá cho rằng tôi đã nói mê nhưng tôi nhấn mạnh tôi không mê sảng chút nào cả. Tôi gặp cậu Jules và Marjorie, mặc dù cả hai đã chết từ lâu. Tôi còn thấy hạ sĩ Andrew Shaw bị trúng đạn ở trán trên chiến trường châu Âu, gặp thượng sĩ Lawrence Sorgen và trung úy Robert Stevenson, cả hai đều tử trận hôm đó. Thấy vậy người y sĩ trực ra lệnh cho cô y tá chích cho tôi một liều thuốc ngủ.
Hai hôm sau, khi tôi hoàn toàn tỉnh táo thì Louise Clayton bước vào:
- Hôm trước trong lúc mê sảng anh nói rằng anh thấy Andrew Shaw, Lawrence Sorgen và Robert Stevenson bị trúng đạn và tử trận ở châu Âu.
- Đúng thế.
Louise Clayton im lặng nhìn tôi và đưa ra một bản báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng thông báo tên những quân nhân tử trận và dĩ nhiên có cả ba người này. Việc một người bị hôn mê bất tỉnh tại North Carolina biết được những sự kiện xảy ra trên chiến trường châu Âu quả là một việc kỳ lạ. Tôi bèn kể lại những diễn tiến một cách chi tiết từ khi tôi bị ngất đi cho Louise nghe. Mặc dù cô y tá này không lấy gì làm tin tưởng cho lắm nhưng cô cũng không thể giải thích vì sao tôi lại biết tên ba người quân nhân đã từ trần kia. Thật ra lúc đó trong thâm tâm tôi cũng không lấy gì làm chắc chắn, phải chăng tôi đã tưởng tượng hay mê ngủ? Không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại nảy ra một ý nghĩ lạ lùng:
- Này cô Clayton, xin cô hãy đợi đến sáng ngày mai rồi tôi sẽ nói chuyện với cô rõ hơn về việc này. Tôi biết cô không tin và tôi cũng không chắc là tôi đã nói đúng nhưng tôi nghĩ nếu tôi không tưởng tượng ra việc này thì ngày mai chúng ta có thể nhìn nó dưới một khía cạnh khác.
Ngày hôm sau tôi rủ Louise ra ngồi ở chiếc ghế bên ngoài sân bệnh viện. Tôi nói:
- Cô Louise, hôm đó khi vừa tỉnh dậy tôi có nói với cô về hào quang chi đó. Dĩ nhiên cô nghĩ rằng tôi đã nói mê sảng nhưng khi lên phòng bà y tá trưởng để phúc trình về bệnh tình của tôi, cô kể lại chuyện này cho bà đó nghe. Lúc đó vì đang xem một hồ sơ bệnh lý nên bà y tá trưởng không hề ngước mắt lên nhìn cô mà chỉ nói: “Chắc anh đó còn mê sảng chứ làm gì có ai có hào quang”. Sau đó cô rời phòng trở về, trên hành lang cô gặp một quân nhân ngã trẹo chân ở sân tập nên cô bước đến phụ giúp việc băng bó cho anh ta. Liệu tôi nói có đúng không?
Louise Clayton hoảng hốt không sao trả lời được:
- Anh Buckley, tại sao anh biết được chuyện đó? Khi ấy tôi đã chích cho anh một liều thuốc ngủ và anh đã ngủ li bì kia mà!
- Đúng thế, tôi không biết gì về chuyện đó cả, nhưng hôm qua khi chúng ta đang nói chuyện với nhau thì cô tỏ ra không tin. Phần tôi cũng thế, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này và không biết rằng tôi đã mê hay tỉnh đây. Tôi nhớ lại lời dặn của Marjorie nên đêm qua trước khi đi ngủ tôi đã tập trung khi nghĩ đến cô ấy. Tôi nghĩ rằng điều tôi đã trải nghiệm thật mơ hồ, không có bằng chứng và chắc nói ra cũng không có ai tin, không chừng người ta còn cho tôi là loạn trí. Tuy nhiên, sáng nay thì tôi chắc rằng tôi không mê nữa, tôi đã gặp lại Marjorie trong giấc ngủ và cô ấy đã dặn tôi kể lại điều này cho cô nghe.
Louise Clayton im lặng một lúc rồi nói:
- Marjorie còn nói gì nữa?
- Marjorie nói rằng được cô chăm nom săn sóc là một việc rất quý. Đây không phải là một việc ngẫu nhiên đâu mà có sự thu xếp để cô săn sóc tôi. Cô là một người có lòng từ ái, làm việc thoải mái, chân thành và có những rung động thanh cao, rất tốt cho việc phục hồi sức khỏe của các bệnh nhân. Từ nhỏ cô thích âm nhạc và muốn trở thành một nhạc sĩ dương cầm, nhưng lúc chiến tranh xảy ra, cô tình nguyện trở nên một y tá để góp phần vào việc chăm sóc, an ủi các thương bệnh binh. Marjorie nói rằng cô sẽ giúp tôi rất nhiều nếu cô tin rằng điều tôi kể không phải là do tưởng tượng.
Louise Clayton giật mình. Cô suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Theo như anh nói thì Marjorie có một nhiệm vụ ở cõi bên kia?
- Đúng thế. Marjorie được giao phó nhiệm vụ giúp đỡ những người vừa từ trần còn đang hoang mang, hốt hoảng. Cô ấy giúp họ bình tĩnh, thoải mái để chấp nhận sự thật là họ đã bước qua thế giới khác, rồi khuyên họ hãy xả bỏ những ràng buộc với cõi này để siêu thoát.
- Thế còn nhiệm vụ của anh?
- Cậu Jules nói rằng nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ những người sống, vì những người đã chết không giúp được người sống, chỉ những người còn sống mới có thể khuyên bảo được người sống mà thôi.
- Như vậy anh sẽ làm gì?
- Tôi sẽ giúp những người sống hiểu biết về thế giới bên kia, biết rằng chết không phải là hết như mọi người thường nghĩ. Kiếp sống của chúng ta thật ra chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi của một tiến trình rất dài. Mục đích của cuộc đời không phải là tranh giành, chém giết để đoạt lấy một địa vị, tài sản mà để học hỏi về thương yêu. Chúng ta được tạo ra trong tình yêu thương của Đấng Sáng Tạo và bản chất thật sự của chúng ta là thương yêu, nhưng vì không ý thức được điều này nên càng ngày chúng ta càng hành động trái với mục đích được tạo ra từ đầu. Cũng vì thế, cuộc đời thường có những biến động để nhắc nhở chúng ta rằng cái mà chúng ta tưởng là những giá trị lớn lao thật ra chỉ là những bọt nước hời hợt, chóng thành chóng hoại. Sự chết là một giai đoạn cần thiết trong tiến trình của sự sống để con người duyệt xét lại những việc làm của mình, rút kinh nghiệm để học hỏi, rồi chuẩn bị cho sự tái sinh. Sở dĩ chúng ta không thấy được cõi chết vì giác quan thể xác của chúng ta rất giới hạn, nếu biết nâng cao tâm thức, khai mở được những giác quan của thể vía, vì chúng ta có thể tiếp xúc được với cái thế giới bên kia cửa tử này. Thật ra, các giác quan thể vía vẫn hoạt động âm thầm, nhưng vì chúng ta đã quen sử dụng các giác quan của thể xác nên chúng ta ít chú ý đến các giác quan kia. Tuy nhiên, khi giác quan của thể xác tạm thời yên nghỉ, như lúc chúng ta ngủ chẳng hạn, thì các giác quan của thể vía sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn. Nó có thể đi khắp đó đây, giao thiệp, tiếp xúc và học hỏi trong thế giới riêng của nó. Dĩ nhiên, khi thức dậy người ta không nhớ gì hết và cây cầu tâm thức nối giữa thể vía và thể xác chưa được khai mở nên ta chỉ có các ấn tượng mơ hồ, không rõ rệt. Nhờ cậu Jules nhắc nhở, tôi được biết trong tiền kiếp tôi đã từng tập luyện và khai mở được cây cầu tâm thức này, nhưng tôi đã không ý thức gì đến nó cho đến khi quả mìn nổ, gây chấn động đến những trung tâm huyền bí trong cơ thể tôi và thức động khả năng này. Qua sự chỉ bảo và hướng dẫn của cậu Jules, tôi có thể tiếp xúc với cõi giới vô hình trong giấc ngủ và khi tỉnh dậy vẫn nhớ được mọi sự một cách rõ rệt vì cây cầu tâm thức đã được khai mở.
- Nhưng làm sao người ta có thể tin được điều này khi họ không thể nhìn thấy hay tiếp xúc được với cõi giới bên kia.
- Sở dĩ mọi người không thấy được cõi giới này là vì họ chỉ quen sử dụng các giác quan thông thường của thể xác, vốn cấu tạo bằng nguyên tử của cõi vật chất, không đồng chất với cõi giới bên kia. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn được, sờ được, nghe được, ngửi được, hay nếm được thì không có nghĩa là một thứ gì đó không hiện hữu. Biết bao nhiêu thứ vẫn hiện hữu mà các giác quan đâu cảm nhận được. Chúng ta đâu nhìn thấy không khí mà không khí vẫn hiện hữu. Khoa học đã chứng minh có những sinh vật rất nhỏ bé như vi trùng, nếu không có kính hiển vi thì đâu ai nhìn thấy chúng. Tóm lại, nếu chấp nhận rằng sự hiểu biết dựa trên ngũ quan của chúng ta còn thiếu sót thì con người sẽ khiêm tốn hơn và có thể học hỏi được nhiều điều mới lạ.
- Anh đã học hỏi được những gì?
- Sự học hỏi của tôi còn nhiều thiếu sót nhưng đại khái thoạt đầu tôi thấy cõi giới bên kia không có gì khác biệt so với cõi mà chúng ta đang sống. Theo lời Jules thì đây cũng là cảnh giới phản chiếu của cõi trần, do đó người chết vẫn có thể thấy rõ mọi sự xảy ra chung quanh họ như nhà cửa, đường sá, bạn bè, thân quyến. Tuy nhiên, tất cả những thứ này đều là ảo ảnh vì cái mà họ thấy chỉ là hình ảnh chứ không phải là thực, do đó, tuy có thể cảm thấy mọi sự vật nhưng người ta không thể liên lạc hay tiếp xúc được với những người thân. Dĩ nhiên, họ vô cùng khổ sở hay đau đớn trong một thời gian, tùy theo tình cảm nhiều hay ít, nhưng dần dần họ sẽ dứt bỏ được các ràng buộc này để biết rõ hơn về sự liên hệ giữa họ và những người thân đó. Một khi đã hiểu được nguyên nhân sâu xa của những liên hệ này thì họ sẽ ý thức rõ rệt hơn các định luật bất biến của vũ trụ, từ đó, sự học hỏi thực sự bắt đầu.
- Nhưng... nhưng còn địa ngục?
- Đó là một tin tưởng sai lầm đã tạo ra nhiều nỗi lo sự một cách vô ích, nếu một kẻ ác xuống địa ngục bị quỷ sứ hành hạ, thiêu đốt thân thể, đánh đập tan xương, nát thịt, thì xin hỏi: Khi chết thịt xương đã thối nát rồi, còn đâu mà hành hạ?
- Như vậy, những kẻ hung ác không phải xuống địa ngục sao?
- Các thuyết về sự hiện hữu của một nơi gọi là địa ngục đã gây nhiều tai hại vì khi nói đến địa ngục, người ta thường nghĩ rằng đó là một thế giới ở giữa lòng trái đất với một nhóm các quỷ sứ hết sức dữ dằn, chuyên trừng trị những kẻ phạm tội. Thật ra chẳng có ai trừng phạt ai hết vì địa ngục hay thiên đàng chỉ là một trạng thái của tâm thức. Nếu biết sống một cách thoải mái, yêu thương thì thế giới này vốn là thiên đàng rồi, còn ngược lại nếu cứ sống với những khổ đau oán hận thì nơi đây có khác chi địa ngục!
Từ đó Louise Clayton thường hay đến gặp tôi để nghe về những kinh nghiệm học hỏi của tôi ở cõi bên kia. Tình thân ái giữa chúng tôi bắt đầu nảy nở. Tuy không nói ra nhưng chúng tôi đều hiểu được tình cảm của nhau cho đến khi thời gian điều trị chấm dứt, tôi trở lại quân trường và được đưa ra mặt trận châu Âu. Vào lúc đó, trận chiến đã tàn, quân đội Đồng Minh đã giải phóng được nhiều nước châu Âu và đang trên đường tiến về Berlin. Đơn vị của tôi trú đóng tại nước Pháp, giữ nhiệm vụ tiếp tế cho đơn vị khác. Tuy công việc hàng ngày rất bận rộn, nhưng tôi vẫn áp dụng phương pháp của cậu Jules đi an ủi những người vừa từ trần. Hôm đó, chúng tôi đi ngang qua một quán rượu, cậu Jules chỉ một đám người đang chen chúc quanh đó.
- Cháu thấy không, đó là vong linh những kẻ nghiện rượu. Khi còn sống họ nghiện rượu nên khi chết dục vọng đó vẫn tiếp tục chi phối khiến họ vô cùng đau khổ. Khi còn thể xác, uống rượu nhiều quá cơ thể không chịu nổi sẽ lăn ra ngủ, dục vọng tạm thời ngưng hoạt động. Khi chết, dục vọng được tự do biểu lộ, không còn thể xác kiềm chế nữa, nó nung nấu tâm can kẻ nghiện, khiến lúc nào y cũng thèm khát đến phát điên, phát cuồng. Do đó, những vong linh này thường lân la quanh các trà đình, tửu quán để thưởng thức mùi rượu, nhưng vì không còn thể xác để thỏa mãn sự ham muốn đó nên dục vọng càng ngày càng gia tăng dữ dội khiến vong linh hết sức khổ sở.
Tôi thấy một số binh sĩ đang uống rượu trong quán, có người uống nhiều quá, nôn mửa đầy xuống đất. Các vong linh nghiện rượu xô đẩy nhau chạy đến cúi sát xuống mặt đất để được hít những chất rượu thối tha này. Họ say mê hít hơi rượu một cách đắm đuối, trên thế gian chưa thấy ai thưởng thức mùi vị rượu như thế. Thực ra, họ không thể ngửi thấy mùi vị gì, vì đâu còn các giác quan thể xác nữa, nhưng cái ý nghĩ được thưởng thức rượu quá mạnh, đã xui khiến họ hành động như thế. Chỉ nhìn hành động điên cuồng đó mà tôi đã thấy rợn cả người. Cậu Jules chỉ cho tôi thấy một số vong linh khác đang cố gắng nhập vào xác những người say rượu để thưởng thức một vài dư vị của khoái cảm xác thân. Những người say rượu hay sử dụng ma túy thường dễ bị các vong linh nhập vào. Sự nhập xác này tuy chỉ có tính cách tạm thời nhưng nó cũng gây nhiều hậu quả tai hại cho người bị nhập. Càng bị nhập xác, những người này càng dễ bị mất tự chủ, và càng mất tự chủ họ càng dễ bị xui khiến làm điều xằng bậy. Theo sự hiểu biết của tôi, khi sự sống thình lình chấm dứt như trường hợp chết bất đắc kỳ tử thì người chết khó có thể siêu thoát được, vì dục vọng và sinh lực còn quá mạnh mẽ. Một cái chết bất ngờ luôn luôn tạo ra những chấn động, tán loạn tâm thần khiến cho người chết hết sức hoang mang và đau khổ. Đôi khi họ trở nên thù hằn, oán hận và chính tâm trạng lúc chết này sẽ khiến họ trở nên một động lực hết sức nguy hiểm, có thể xúi giục người sống làm những việc hết sức ghê gớm như giết người, hành hạ, hiếp đáp người khác, v.v... Đa số những vụ sát nhân thường xảy ra khi hung thủ mất tự chủ vì rượu, ma túy hoặc quá giận dữ. Những kẻ nghiện rượu, ma túy, tính khí nóng giận bất thường dễ trở thành nạn nhân của những động lực bất hảo này.
Đôi khi các vong linh cũng tìm cách xâm chiếm thể xác của những kẻ yếu bóng vía, những người nhạy cảm, hay những trẻ em yếu ớt, nhưng trường hợp này chỉ có tính cách nhất thời vì bản ngã con người thường rất mạnh, không dễ gì có thể đuổi nó đi để cướp lấy thể xác được. Thường thì các vong linh lúc quá thèm muốn, bị dục vọng nung nấu, tìm cách chiếm cứ xác thân của một con thú nào đó vì bản năng con thú thường yếu hơn sự đòi hỏi điên cuồng của một vong linh. Các loài thú kém tiến hóa như heo, cừu, dê, trâu, bò dễ trở thành nạn nhân hơn là các loài thú khôn ngoan hơn như chó, mèo, khỉ, ngựa, vốn có ý chí kháng cự mạnh mẽ. Sự xâm nhập xác thú này có thể trọn vẹn hoặc có khi chỉ trong giây lát nhưng nhờ cơ thể con thú làm trung gian mà vong linh gần gũi được với cõi trần, cảm nhận được mọi sự qua giác quan của con thú và thỏa mãn được một ít dục vọng như ăn uống, đòi hỏi xác thịt, nhưng vì thế vong linh cũng cảm thấy đau đớn, khổ sở và khi con thú bị mổ thịt thì vong linh sẽ hoảng hốt, đau đớn, tuyệt vọng và trạng thái này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống sau này của vong linh. Ngoài ra, việc nhập xác thú sẽ tiêm nhiễm vào thể vía của vong linh, nên sau này dù có đầu thai lại thành người, nó cũng có khuôn mặt, hình dáng của con thú đó, hoặc tính tình hung bạo, tàn ác, hay ngu si, đần độn như con thú kia. Trong trường hợp tuyệt đối hơn, vong linh liên kết chặt chẽ với cái vía của con thú đã nhập, hễ con thú đi đâu thì vong linh đi theo đó, giống như một tù nhân của xác thú. Điều này có thể giải thích được trường hợp của những kẻ hung dữ, nhiều dục vọng sẽ đầu thai trở lại thành con vật.
Vì tâm trạng khi chết có thể ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống về sau nên cậu Jules và Marjorie phải làm việc rất nhiều để giúp đỡ, cảnh tỉnh và an ủi các vong linh. Phần tôi được giao trọng trách giúp đỡ thân nhân của người chết hoàn tất một tâm nguyện nào đó mà họ chưa làm xong, nhờ thế họ có thể cởi bỏ các ràng buộc với cõi trần để siêu thoát. Dĩ nhiên, sự hoạt động của tôi chỉ giới hạn trong lúc ngủ nên việc làm này không hiệu quả nhiều so với công việc của cậu Jules hay Marjorie, nhưng tôi rất thích công việc này. Khi muốn đi đâu hay gặp ai, tôi chỉ cần tập trung tư tưởng trước khi ngủ thì sẽ đến gặp người đó ngay, nhưng tôi không dám sử dụng năng khiếu này để gặp Louise Clayton, vì như thế là lạm dụng quyền năng tâm linh. Cậu Jules đã dặn tôi rất kỹ rằng một người hiểu biết các định luật thiên nhiên không bao giờ làm một việc gì đó có tính cách ích kỷ hay riêng tư cho cá nhân mình. Vì biết thế, chúng tôi chỉ tiếp xúc với nhau qua thư từ hoặc thỉnh thoảng bằng điện thoại. Sau mấy tháng liên lạc, cảm tình của tôi dành cho Louise ngày càng sâu đậm hơn, nên một hôm tôi đã ngỏ lời cầu hôn và cô nhận lời. Chúng tôi dự định sau khi giải ngũ sẽ làm đám cưới.
Thời gian tuần tự trôi, cuộc chiến chấm dứt, quân đội Đồng Minh giải phóng được toàn cõi châu Âu nhưng chúng tôi vẫn chưa được giải ngũ vì còn những khó khăn, rất cần sự hiện diện của một lực lượng quân đội tại đây. Tuy công việc bận rộn nhưng tôi vẫn liên lạc với cậu Jules để học hỏi thêm. Tôi thấy mình thật may mắn vì đã được giao phó một nhiệm vụ cao đẹp và được dìu dắt để học hỏi thêm những kiến thức mới mẻ. Chính nhờ những kiến thức mới mẻ này mà đời sống của tôi được nâng lên một bình diện rộng lớn hơn, cao cả, tốt đẹp hơn, từ đó tôi thấy rõ sự tiến hóa trong chương trình vĩ đại mà Thượng Đế đã sắp đặt.
Nếu quan sát một cách kỹ lưỡng và có ý thức người ta sẽ thấy tất cả mọi sinh vật đều có một mối tương quan đặc biệt, điều này có thể coi như một thứ tình huynh đệ đại đồng, vì vạn vật đều có cùng một nguồn gốc mà ra. Đây không phải là một thứ lý thuyết suông mà là một nguyên lý hiện diện khắp nơi trong vũ trụ. Nên hiểu rằng vũ trụ là một toàn thể, mà trong đó tất cả mọi thành phần đều liên quan mật thiết đến nỗi khi một phần tử trong đó biến đổi thì toàn thể vũ trụ cũng biến đổi theo. Giống như một cái kính vạn hoa thay đổi khi một phần tử trong đó thay đổi, vũ trụ cũng thế, nó luôn luôn thay đổi để giữ một trạng thái quân bình tuyệt đối. Dĩ nhiên, trong một thế giới như thế, sự cô lập hay chia rẽ không thể hiện hữu vì không một cá nhân nào hay một thực thể nào có thể tránh thoát được sự hợp nhất của toàn thể. Sự hợp nhất này vượt lên mọi sự khác biệt, vì nó được xây dựng trên cơ sở hòa hợp để giữ sự quân bình mà trong đó mọi loài đều tiến hóa dựa theo các định luật bất biến. Trong vạn vật, có một thực tại duy nhất chuyển sinh lực giúp tất cả mọi loài tăng trưởng, nảy nở, phát triển và sinh sản, đó là sự sống duy nhất sinh hóa muôn loài. Xuyên qua tiến trình sống này, cái duy nhất đó phân tán thành vô số tinh chất và hình thể khác nhau, và do sự liên quan đến vô số này, các phần tử kết hợp lại với nhau để tạo thành vô số các đơn vị điều hòa và quân bình. Các nguyên tử (vật chất căn bản) được cấu tạo theo nguyên lý đó và rồi phân tử, các tế bào, các cơ quan và các cơ thể cũng được tổ chức tương tự. Khắp vũ trụ, mọi thành phần đều có khuynh hướng kết hợp để tạo thành các phần tử tốt đẹp quân bình và yếu tố chính để bảo tồn sự quân bình này là tình yêu thương. Luật vũ trụ không chấp nhận sự chống đối hay đi ngược lại các mãnh lực kết hợp đó, vì nó làm mất đi sự quân bình, gây ra các xáo trộn. Để tạo lập lại sự quân bình, một phản lực phải được tạo ra để tái lập, đó là điều căn bản của luật nhân quả. Sự chống đối giữa người và người hay giữa người và các sinh vật khác đều là đi ngược luật vũ trụ và dĩ nhiên phải chịu hậu quả tùy theo nguyên nhân đã gây ra nó.
Tại sao con người chống đối, thù hằn nhau? Phải chăng vì có sự khác biệt giữa màu da, chính kiến, tư tưởng hay tín ngưỡng? Nhưng nếu sự sống là duy nhất thì tại sao con người lại khác nhau, kẻ thông minh - người ngu dại, người hiền lành - kẻ hung dữ, hay có những người sinh ra mang màu da khác nhau? Nếu ta có thể hiểu rằng bản chất thực sự của con người vốn không khác nhau, nhưng vì khoác lấy một cái vỏ vật chất để trải nghiệm thế giới hiện tượng, nên mới có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này tạo ra môi trường để sự học hỏi có thể xảy ra, thúc đẩy sự tiến hóa và nhờ thế vũ trụ mới mang sắc thái “động” thay vì “tĩnh”. Vì tất cả đều phát xuất từ một nguồn sống duy nhất và cái nguồn sống này luôn luôn hiện diện khắp nơi, khắp các cõi giới, dù hình thể đời sống mỗi loài có khác nhau, tất cả vẫn đều liên quan chặt chẽ với nhau trong một tiến trình đời sống. Trong tiến trình đời sống này, các sinh vật phải luân hồi trong nhiều kiếp, khi ở nơi này, lúc ở nơi khác, có khi mang thể xác phái nam, khi lại mang thân phái nữ, lúc có màu da này, khi mang màu da khác, nhưng tất cả sự khác biệt đó đều là những môi trường để học hỏi và trải nghiệm sự yêu thương. Nói cách khác, toàn thể nhân loại, kẻ trước người sau, đang dấn bước trong một cuộc hành trình rất dài. Vì sự hiểu biết và học hỏi khác nhau nên họ có những sự tin tưởng, thành kiến và suy luận khác nhau, nhưng đây chỉ là yếu tố phụ, còn bên trong họ đều là một: Đó là sự sống duy nhất đang tiến dần đến trạng thái toàn diện, một trạng thái yêu thương bao la, vô bờ bến. Cho đến khi đạt đến trạng thái này, cuộc hành trình của thực thể cá nhân sẽ chấm dứt, vì khi đó họ đã hòa hợp vào cái nguồn sáng bao la, thiêng liêng, bất tận. Đó chính là sự trở về nhà mà các kinh sách tôn giáo thường diễn tả.
Một hôm, tôi có việc phải đi công tác xa hơn một tuần lễ, khi trở về căn cứ, tôi nhận được một bức thư ngắn của Louise Clayton có nội dung như sau: “Anh Steve, em đã tìm được việc làm ở một nơi xa, xin anh đừng gửi thư cho em về North Carolina nữa. Em đã suy nghĩ nhiều về cuộc hôn nhân của chúng ta và thấy rằng chúng ta quyết định một cách hấp tấp. Chúng ta chưa có thì giờ tìm hiểu nhau nhiều, vậy em nghĩ chúng ta nên dừng lại tại đây thì hơn. Kính chúc anh mọi sự may mắn”.
Đọc xong bức thư ngắn này, tôi thấy thế giới dường như sụp đổ, mộng đẹp đang xây dựng bấy lâu bỗng chốc tiêu tan. Tại sao Louise lại thay đổi ý kiến đột ngột như vậy? Phải chăng cô đã gặp một người nào học thức hơn hay có tương lai hơn? Louise không thể như thế được, cô là người mẫu mực, dịu dàng và có lý tưởng nên không thể quên lời hứa một cách dễ dàng như vậy được. Phải chăng có chuyện gì bất thường xảy ra? Phong thư không đề địa chỉ hồi âm nên tôi không thể nào liên lạc với Louise. Suốt ngày hôm đó, tôi như người mất trí. Tôi đã điện thoại về North Carolina nhưng người ta cho biết Louise Clayton đã dọn đi và không để lại địa chỉ. Đêm hôm đó tôi cố gắng lắm mới không nghĩ đến Louise. Tôi biết mình có thể tiếp xúc với Louise nhưng tôi cũng biết làm như thế là lạm dụng quyền năng tâm linh. Một người phụng sự không được phép dùng quyền năng của mình vào những công việc riêng và vào những mục đích ích kỷ. Sau cùng tôi nghĩ đến Marjorie và quyết định tìm gặp cô. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau nên chỉ cần tập trung tư tưởng một lúc là tôi thấy Marjorie xuất hiện trong một vùng ánh sáng chói lọi. Cô vui vẻ nói:
- Anh Steve, thật là sung sướng biết bao vì em có nhiều chuyện kể cho anh nghe. Anh phải mừng cho em vì em vừa được giao phó nhiệm vụ mới, việc này khó khăn hơn. Từ nay em nhận lãnh trách nhiệm an ủi những trẻ em vừa từ trần. Ôi, chúng dễ thương làm sao! Lúc đầu chúng bơ vơ lạc lõng và rất sợ hãi, nhưng được em hết sức dỗ dành, chúng hết sợ và còn gọi em bằng mẹ nữa.
Marjorie liến thoắng nói như không thèm chú ý đến tâm trạng ngổn ngang lo âu, thất vọng của tôi. Cô tiếp tục:
- Anh phải đến gặp mấy đứa bé này, chúng dễ thương lắm. Giống như nhìn thấy bông hoa hé nở dưới nắng mai vậy... Ô hay! Anh lo lắng gì mà có vẻ khó chịu vậy?
Tôi đau khổ hỏi:
- Dạo này em có gặp Louise Clayton không?
- Không. Em chỉ gặp cô ấy khi săn sóc anh ở bệnh viện thôi. Công việc của em ở bên này rất bận rộn nên em không trở lại cõi trần làm gì. Anh và Louise cùng ở cõi trần, gặp nhau dễ dàng, sao anh không đến thăm cô ấy?
Marjorie lặng nhìn tôi một lúc và chợt hiểu. Cô quàng tay vào tay tôi:
- Anh Steve, em hiểu sự đau khổ của anh nhưng đáng lẽ ra anh không nên hỏi em như vậy. Chúng ta gặp nhau để làm việc chung chứ không phải để nói chuyện có tính cách cá nhân. Nếu anh hỏi cậu Jules như vậy thì cậu sẽ nghĩ sao về anh?
Marjorie nói bằng một giọng nghiêm trang khiến tôi giật mình như tỉnh mộng. Phải, tôi đã nghĩ về mình nhiều quá. Các nỗi lo lắng nhỏ nhặt, ích kỷ đã làm tôi suýt quên đi trách nhiệm được giao phó. Thật là xấu hổ khi Marjorie hoàn toàn quên mình để giúp đỡ những đứa bé vừa từ trần, trong khi tôi chỉ bận tâm đến việc mất người yêu. Tôi tập trung tư tưởng để tự trấn tĩnh rồi nói:
- Marjorie, anh sẽ đến thăm mấy đứa bé mà em săn sóc. Anh cũng thích chơi với trẻ con và nếu em cho phép, anh cũng sẽ hướng dẫn cho chúng.
Khi tỉnh dậy, tôi ý thức rõ khả năng tự chủ của tôi chưa được vững cho lắm. Một việc bất ngờ đã làm cho tôi bối rối như vậy thì làm sao tôi có thể kham được những việc lớn lao hơn. May thay, Marjorie đã nhắc nhở cho tôi biết, từ đó tôi chuyên tâm vào việc phụng sự những người vừa từ trần, giúp họ hoàn tất các việc chưa xong, hoặc an ủi thân nhân họ.
Ba tháng sau tôi được giải ngũ, trở về Hoa Kỳ. Tôi có đến North Carolina tìm Louise nhưng không gặp, những người trong bệnh viện cũng không biết cô dọn đi đâu. Vào lúc chiến tranh vừa chấm dứt, số người giải ngũ di chuyển khắp nơi rất nhiều, việc tìm kiếm một người như Louise rất khó nếu không nói là gần như không có hy vọng. Tôi trở về New York sống với gia đình và tìm được việc làm trong một hãng buôn. Ngoài công việc sinh kế hằng ngày, tôi để hết tâm trí vào việc phụng sự những người vừa từ trần trong lúc ngủ. Hôm đó tôi gặp một vong linh tên là Buster, ông này nói:
- Nhờ ông giúp cho tôi. Cách đây mấy năm tôi có ngoại tình và có một đứa con rơi. Chúng tôi quyết định giấu nhẹm chuyện này nên đã gửi nó vào một viện mồ côi ở Montana. Đó là viện mồ côi dành cho trẻ em khiếm thị, vì đứa bé bị mù bẩm sinh. Mẹ đứa bé đã dọn đi xa và lập gia đình nên cũng không muốn nhìn nhận nó nữa. Phần tôi sống trong ăn năn, hối hận mãi cho đến lúc chết. Trước khi từ trần, tôi có viết một bức thư và kể lại chuyện này để xin lỗi nhà tôi vì khi còn sống tôi không có can đảm thú nhận. Điều bất ngờ là không những nhà tôi đã tha thứ cho tôi mà còn muốn mang đứa bé về nuôi nữa. Tiếc thay, vì tôi không để lại chi tiết nên nhà tôi không biết đâu mà tìm. Phiền ông liên lạc với nhà tôi để mang cháu về giùm, hồ sơ tại cô nhi viện có ghi rõ chi tiết và có lưu lại một bức thư riêng của tôi tại đó.
Bà Buster quả là một phụ nữ không những giàu sang mà còn giàu lòng trắc ẩn. Sau khi nghe tôi trình bày, bà yêu cầu tôi cùng đi với bà và vị luật sư riêng đến Montana tìm đứa nhỏ. Tất cả mọi chi tiết đều xảy ra đúng như lời ông Buster kể. Chúng tôi tìm được cháu Cheryl dễ dàng. Vị luật sư xem xét giấy tờ và xác nhận Cheryl chính là con ông Buster. Thật ra điều này cũng bằng thừa, vì cháu trông giống ông Buster như đúc. Vừa nhìn thấy Cheryl, bà Buster đã cảm động ôm chầm lấy nó và có lẽ vì linh tính sao đó, nó cũng quyến luyến bà Buster không rời. Thủ tục nhận lãnh đứa nhỏ tại cô nhi viện diễn ra một cách tốt đẹp và nhanh chóng. Trong khi chờ đợi tòa án tiểu bang chấp thuận, đứa nhỏ được phép về sống với bà Buster. Cô bé Cheryl thu tập quần áo theo mẹ nuôi nhưng cô chợt kêu lên:
- Trước khi đi con phải vào từ giã cô giáo dạy nhạc của con đã.
Chúng tôi theo cô bé bước vào lớp học. Một nhóm trẻ đang quây quần chung quanh cây dương cầm để tập hát. Tự nhiên mắt tôi hoa lên. Cô giáo dạy âm nhạc kia đâu ai xa lạ mà chính là Louise Clayton, người mà tôi vẫn có ý định tìm kiếm bấy lâu nay.
Tại sao Louise Clayton lại làm việc tại đây? Thì ra trong thời gian phục vụ tại bệnh viện, cô mắc bệnh ở mắt, thị giác dần dần suy kém và theo thời gian sẽ bị mù. Biết thế và không muốn cho tôi có một gánh nặng là cưới một cô gái mù, Louise viết thư từ hôn rồi dọn đến tận tiểu bang Montana, nơi mà Louise tin rằng không bao giờ tôi có thể tìm thấy được. Cô xin được việc làm tại viện mồ côi dành cho các trẻ em khiếm thị. Biết được lý do này, tôi càng thấy yêu Louise hơn, mọi sự phiền muộn tan theo mây khói. Tôi lặp lại lời cầu hôn một lần nữa và lần này Louise chấp nhận một cách hoan hỉ.
Câu chuyện chấm dứt khi Steve và Louise kết hôn. Tác giả, ông Tucker đã kết luận: “Câu chuyện của Steve là một câu chuyện tình hay là một câu chuyện về thế giới bên kia cửa tử? Có lẽ cả hai vì người ta không thể phân chia nó được bởi tình yêu thương bắt nguồn từ Thượng Đế và Thượng Đế chính là tình yêu thương. Đối với những ai biết sống thuận theo thiên ý thì vũ trụ này chỉ có một điều quan trọng mà thôi: Đó là tình yêu thương. Phụng sự người khác là gì nếu không phải là lòng thương yêu, một thứ tình cảm êm dịu, vị tha, cao cả và mầu nhiệm. Tất cả những ai đã bước qua cõi sáng ắt phải nhận biết đó là một cõi của tình yêu thương rực rỡ, huy hoàng. Điều đáng tiếc là tâm trạng con người khi chết thường quá sợ hãi, đầy quyến luyến và chỉ muốn bám víu vào các quan niệm sai lầm chứ không biết xả đi mọi ham muốn, dục lạc để thực sự trải nghiệm những ân phước tràn đầy nơi cõi đó. Chính cõi trần đầy xáo trộn, bất an của chúng ta hiện nay cũng tràn đầy những tia sáng của tình yêu thương, nhưng tiếc thay, chúng ta quá bận rộn với những ích kỷ nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày mà quên đi sự mầu nhiệm tuyệt vời của cuộc sống. Phải chăng những đau khổ của chúng ta chẳng qua là do nhớ nhung tình yêu thương đó và có lẽ chính vì đau khổ mà người ta mới phát triển tình yêu thương hay học yêu thương?”.
Trong trang cuối, tác giả đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa ông và vợ chồng Steve Buckley, vì lý do gì mà ông xin phép được kể lại những điều ông nghe kể. Ông kết luận: “Rồi một ngày kia, tình yêu thương sẽ tràn ngập vũ trụ khi nhân loại ý thức được tình yêu thương của Đấng Sáng Tạo và biết rằng tình yêu thương đó không phải là một điều xa xôi diệu vợi, phải nhọc công tốn sức mới có. Thật ra, nó vẫn sẵn có trong mọi chúng ta, vì chúng ta được tạo ra trong tình yêu thương và bản chất của chúng ta chính là tình yêu thương”.
SAU CÙNG, ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TÂM LINH SÂU SẮC, CÁI CHẾT CHỈ LÀ MỘT CUỘC PHIÊU LƯU VĨ ĐẠI KHÁC MÀ THÔI.