Một khi ta có thể chánh niệm. Một khi ta có thể trọn vẹn được với pháp đang là, ta sẽ nhận ra được dòng sinh diệt, biến chuyển của thân, của các cảm thọ, của những tâm hành đang đến, đi trong tâm thức. Và sự thay đổi, có mặt liên tục của thức khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sáu đối tượng bên ngoài là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và xúc chạm.
Trong cái luôn thay đổi biến chuyển sanh, diệt từng sát na, ta lại nhận ra có một cái không sanh, diệt làm nền tảng cho sự sanh diệt, đến đi của các uẩn.
Chính cái không sinh diệt mà hằng rõ biết này đang có sẵn trong mỗi chúng ta mới thật sự là con người “thật” của mình. Vì sao có tử, bởi vì có sanh. Con người chân thật của mỗi chúng ta là con người của vô sanh, nên mỗi chúng ta chính là bậc bất tử.
Nhận ra con người bất tử nơi chính mình rồi thì sự sinh diệt của đời sống, của các uẩn chỉ là đối tượng mà ở đó ta thấy ra pháp đang là. Ta thấy ra được suối nguồn của hoan hỷ và bình an bên trong chính mình.
Ta lặng yên, tịch tĩnh mà luôn chiếu sáng. Ta tịch tĩnh mà luôn rõ biết. Ta luôn thấy, biết, và buông. Ta buông nhưng thật sự không cần phải buông vì vạn pháp xưa nay chưa hề dính mắc, chưa hề trụ bất cứ ở đâu. Tuy vậy mỗi pháp lại an trú ngay nơi chính tự thân các pháp một cách trọn vẹn, tròn đầy, và trong sáng.
Chỉ cần nhận ra con người bất tử nơi chính mình, ta sẽ luôn hoan hỷ và bình an trước sự đến đi, sinh diệt của các uẩn.
“Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Được hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết.”
(Kinh Pháp Cú - Câu 374 )