Đã gần 80 tuổi nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chỉ huy đồng đội bắn rơi 4 máy bay B-52, vẫn còn mẫn tiệp với nụ cười hào sảng và phong thái đĩnh đạc, dễ gần...
BỘ KHÍ TÀI ĐẶC BIỆT
Nhớ về những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, năm 1965, sau chiến công đầu của bộ đội tên lửa, ta xác định cần phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tên lửa phòng không có trình độ. Đảng, Bác Hồ đã quyết định đưa một số cán bộ, chiến sĩ sang Liên Xô học chuyển loại khí tài, trong đó có Nguyễn Văn Phiệt. Quá trình học tập ở nước bạn, có một kỷ niệm mà cho đến giờ Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt vẫn không quên. Ông kể rằng, khi mình và đồng đội học tập, thực hành trên bộ khí tài điều khiển tên lửa, một vị tướng của bạn đã nói: “Nếu các bạn sử dụng tốt bộ khí tài này thì sau này chúng tôi sẽ chuyển nó về cho các bạn”. Người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Phiệt cứ nghĩ đó là câu nói đùa nhưng vẫn lấy bút viết tên mình lên bóng đèn báo sóng để đánh dấu.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt. Ảnh: DUY ĐỨC
Kết thúc khóa học, về nước đầu tháng 10-1966, Nguyễn Văn Phiệt được điều động về làm sĩ quan điều khiển tại Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 278, Sư đoàn 365. Khi tiến hành các thủ tục nhận khí tài, Nguyễn Văn Phiệt rất đỗi mừng vui khi nhận ra bộ khí tài mà ông và đồng đội đã được học tập, huấn luyện và bắn thử tại Capakum (thuộc Liên Xô). Sau khi nhận khí tài, đơn vị được lệnh cơ động lên Cao Phong, Hòa Bình chiến đấu. Ngày 22-10-1966, trong một trận đánh, Tiểu đoàn 93 đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F105 của địch. Cũng từ đây, bộ khí tài này đã theo tiểu đoàn chiến đấu liên tục suốt 1.300 giờ trên khắp các chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình...
“Tháng 5-1968, tại trận địa thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bộ khí tài này bị hư hỏng, được sửa chữa và đưa vào kho làm khí tài dự trữ. Thời điểm này, hai trung đoàn 278 và 275 được điều vào miền Nam tham gia chiến đấu. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, tôi được điều động về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Thêm một sự may mắn và ngẫu nhiên nữa, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng, trong khi nhận khí tài bổ sung, tôi gặp lại bộ khí tài này và nó đã tham gia chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội”-Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại.
“PHÁO ĐÀI BAY” ĐỀN TỘI
Kể lại những năm tháng hào hùng 45 năm trước, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho rằng, căn cứ tình hình thực tế lúc bấy giờ, ta xác định ưu tiên đạn tên lửa để đánh B-52. Có ý kiến cho rằng chúng ta thiếu đạn, điều đó không hoàn toàn đúng. Thế nhưng có những lúc cả trung đoàn tên lửa với 4 tiểu đoàn thì 2 tiểu đoàn không có đạn trên bệ, bởi lý do bộ phận kỹ thuật lắp ráp đạn không kịp... Khó khăn là vậy nhưng giữa các tiểu đoàn không thể bổ sung đạn cho nhau vì mỗi tiểu đoàn tên lửa có một “phách” riêng, đó là tần số sóng của từng đơn vị. Ông cũng cho rằng, trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta có một số cải tiến trên SAM-2 nhưng việc “nối tầng” tên lửa là thông tin không đúng. Những chi tiết ta cải tiến trên tên lửa SAM-2 là cải tiến phần đầu nổ để các mảnh nổ nhiều hơn, dẫn đến xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn; ta thay đổi về công suất điện áp của cánh sóng để chế áp điện tử gây nhiễu của máy bay địch gây ra cho các đài điều khiển tên lửa của ta.
Rút kinh nghiệm chiến đấu cùng kíp trắc thủ trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đồng chí Nguyễn Văn Phiệt ngồi bên phải. Ảnh tư liệu
Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, Phòng không Việt Nam đã kết hợp yếu tố về chiến thuật để tiêu diệt B-52. Để thả bom chính xác, B-52 phải căn cứ vào các địa tiêu cố định trên thực địa, do vậy bắt buộc phải bay theo những đường bay cố định. Lợi dụng điểm yếu này, ta đã bố trí các trận địa tên lửa tập trung đánh vào những đường bay cố định của B-52...
Kể về 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết: 15 giờ ngày 18-12-1972, toàn đơn vị nhận được lệnh ăn cơm sớm để chuẩn bị chiến đấu. 19 giờ, một tốp F111 bỏ bom vào trận địa. Một lúc sau, màn hình ra-đa trắng xóa do bị ảnh hưởng nhiễu tích cực từ các tốp máy bay địch phát ra. Đêm đó, Tiểu đoàn 57 phóng 11 quả đạn nhưng không hạ được chiếc máy bay nào. Toàn đơn vị củng cố quyết tâm phải bắn rơi B-52 tại chỗ. 4 giờ 30 phút ngày 22-12, đơn vị báo động vào cấp 1, cấp trên giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn phải tiêu diệt tốp B-52 đánh vào khu vực Yên Viên. Lúc này, Tiểu đoàn 57 chỉ còn 3 quả đạn trên bệ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt trực tiếp chỉ huy kíp chiến đấu. Theo lý thuyết thì phải dùng 2, 3 quả tên lửa đánh một tốp B-52 nhưng lúc này để tiết kiệm đạn, tiểu đoàn trưởng đề nghị đánh “mổ cò”, dùng quả một. 5 giờ 9 phút, máy bay vào cự ly phóng 35km. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt ra lệnh phóng quả thứ nhất, quả đạn không rời bệ; phóng tiếp quả thứ hai, đạn đi điều khiển tốt. Khi quả đạn đi được 15km thì nhìn thấy tín hiệu B-52 trùm trên dải nhiễu. Bộ phận trắc thủ sau nhiều ngày chiến đấu đã có những kinh nghiệm điều khiển sao cho mỗi đường đi của B-52 nằm gọn trên một dải nhiễu và lúc này trên màn hình xuất hiện 3 dải nhiễu riêng biệt, tượng trưng cho đường đi của 3 chiếc B-52. Trên mỗi dải nhiễu là một tín hiệu của chiếc B-52 dù rất mờ nhưng kíp trắc thủ đã nhanh chóng bám chặt tín hiệu B-52, đạn được điều khiển đúng và B-52 bị tiêu diệt. Sau đó 10 phút, kíp chiến đấu lại bắt được mục tiêu B-52 vẫn đi theo đường bay cũ. Trên bệ phóng chỉ còn duy nhất một quả đạn, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 quyết tâm tiêu diệt máy bay địch. Khi máy bay địch vào cự ly sát thương hiệu quả, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt lệnh phóng đạn. Đạn nổ ở cự ly 24km, bắn rơi thêm một máy bay B-52 tại địa phận núi Đôi. “Có thể nói đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, Tiểu đoàn 57 là đơn vị duy nhất của bộ đội tên lửa trong một đêm bắn rơi 2 chiếc B-52. Đến đêm 22-12, đơn vị chúng tôi lại tiếp tục bắn rơi thêm một B-52 và trở thành một trong hai tiểu đoàn bắn rơi nhiều máy bay nhất trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể lại đầy tự hào.
NGÔ DUY ĐÔNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ niệm sâu sắc, số ra ngày 12/12/2017)