Năm 1944, đồng chí Lê Quang Đạo (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Chủ tịch Quốc hội) là Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, được bố trí sống trong căn nhà ở phố Phó Đức Chính, phía đường Trúc Bạch.
Một chiều mùa hè, ông về Trung Mầu (Gia Lâm) họp với đồng chí Hoàng Quốc Việt và Minh Châu, sau này là Cục trưởng Cục Xuất bản, rồi trở về ngay hôm sau. Lần đó, ông may mắn thoát khỏi âm mưu vây bắt của bọn mật thám Pháp. Năm ấy ông 23 tuổi. Trung tướng Lê Quang Đạo kể trong hồi ký:
Trời hôm đó mùa hè, nóng. Tôi đội mũ cát, đi dép xăng đan, mặc áo the, quần trắng theo kiểu học sinh lúc đó đi thẳng vào nhà. Thấy có hai người mặc pijama ngồi ở một giường, còn giường kia bỏ trống. Nghĩ đấy là anh ruột của cô Phương Thảo (chủ nhà) đến chơi, tôi chào hỏi xã giao rồi cởi mũ, áo dài treo lên, bỏ dép định ngồi xuống chiếc giường. Nhưng thấy không khí trong nhà vắng vẻ quá, tôi hơi chờn chợn. Linh tính mách bảo có điều không bình thường, ngó sang cô Phương Thảo đang làm bếp, mặt xanh mét, tôi hỏi nhỏ: “Ai thế chị?”. Chị run run: “Mật thám đấy”. Trên nóc có bậc thang lên phơi quần áo, tôi chạy ba bước rất nhanh lên cái sân trời, thấy cửa nhà xe đang khóa. May sao trên sân trời lại có cái chiếu đang phơi. Tôi trông thấy thằng mật thám ra khóa cửa, nhưng nó không trông thấy tôi, nếu trông thấy có thể nó bắn. Cạnh cái sân trời là nóc bếp. Tôi trèo lên nóc bếp, tụt xuống, ra phố khác. Tôi chạy chân đất...
Đến phố Hàng Đậu, tôi vào nhà một người quen, cũng trong tổ chức Thanh niên nhưng anh ấy không có nhà, chỉ có vợ và mẹ vợ. Ngày xưa ra đường ăn mặc phải tươm tất một chút, có giày dép, áo dài, đằng này tôi lại đi chân đất, họ sợ không cho vào. Tôi bèn nói dối là đi tàu điện bị mất cắp nhưng bố tôi không tin, lại đang say rượu nên vác dao đuổi. Tôi không kịp mặc quần áo, xin cho vào chờ anh chồng về cho mượn bộ quần áo. Thế là tôi ở nhà ấy đến tối. Anh chồng về, nhìn nét mặt tôi, hỏi: “Anh bị bắt hụt à?”. Để đề phòng, tôi nói: “Không”. May sao tối hôm ấy gặp cậu Vũ Quý, bí danh là Kiến An, cùng trong Ban Cán sự thành phố Hà Nội đến làm việc với anh chủ nhà. Tôi nói nhỏ với cậu ấy: “Tôi bị bắt hụt. Anh thử để ý các phố xem nó có khám xét gì không. Nếu không thì kiếm cho tôi một chỗ ở ngoại ô để ở tạm”. Anh Quý kiếm cho tôi cái xe đạp, bộ quần áo hướng đạo sinh, cái gậy, đưa tôi đi đến tá túc ở nhà của một người công nhân. Nhà người công nhân chỉ có hai anh em với bà cụ. Tôi bị viễn thị, nhưng lúc chạy trốn làm rơi mắt kính. Nhìn lên ban thờ đơn sơ nhà người công nhân thấy có cái kính, đeo thử, thấy được, thế là tôi đeo luôn. Tôi hỏi, anh công nhân bảo: “Đấy là cái kính thằng em tôi nhặt được ở bờ đê”...
Có một điều thú vị là, năm 1972, ở chiến trường Khe Sanh, đồng chí Lê Quang Đạo tình cờ gặp em trai người chủ nhà năm ấy. Trong một lần đi thực địa, đồng chí kể lại chuyện ngày xưa cho bộ đội nghe. Dứt câu chuyện, bất ngờ một anh lính thốt lên: “Đó là nhà tôi”. Anh lính ấy tên là Khánh. Anh kể rằng khi đi làm về, nghe anh trai kể về vị khách lạ và cả chuyện cặp kính nữa. Không ngờ người khách năm xưa nay là vị tướng chỉ huy của mình!
NGÔ TIẾN ĐẠT
(Sự kiện và nhân chứng, mục Chuyện tướng lĩnh, số ra ngày 16/3/2018)