Tài nghệ nấu bếp của cô bé Ngụy Nhất đã khiến Tô Thích phải kinh ngạc.
Lúc đó, cô chỉ bảo “nói chung là biết nấu”, quả thật đã quá khiêm tốn rồi. Từ khi có Ngụy Nhất tới, việc ăn uống của Tô Thích đã có nề nếp hơn. Chỉ cần nhận được tin nhắn “Anh, có về ăn cơm không?” là anh biết ngay sẽ có một mâm cơm thịnh soạn sẵn sàng đợi anh ở nhà.
Đồ dùng trong nhà bếp không phải chỉ để bày biện nữa, gạo, mì, mắm, muối ngày càng được bổ sung đầy đủ, lần nào vội vội vàng vàng về nhà, chưa vào tới cửa anh đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng rồi. Thông thường là ba món ăn mặn và một món canh, hai bữa mặn một bữa chay. Thịt kho tàu vàng rộm thơm lừng; đậu phụ sốt, độ cay và béo vừa đủ, mềm mại ngon ngọt, mùi vị hấp dẫn; gà hầm khoai môn, màu sắc vàng rộm, thịt thơm, xương mềm. Ngay cả món canh cá diếc - món mà từ nhỏ Tô Thích đã rất ghét - mà dưới bàn tay của cô nó lại trở nên thơm ngon, hấp dẫn, không hề tanh nồng.
Điều đáng nói nhất là món rau trộn, rất có hương vị Tứ Xuyên, chua chua ngọt ngọt, rất thích hợp làm món khai vị.
Trăng thanh gió mát, tán chuyện gia đình, cùng chúc nhau chén rượu ngọt. Bên ngoài rượu thịt đầy bàn nhưng sao có thể sánh với tình người hòa hợp cùng không khí gia đình ấm áp.
Mỗi lúc như vậy, tình cảm xúc động luôn dâng tràn trong trái tim Tô Thích. Anh sẽ ôm chầm lấy Ngụy Nhất, xúc động thì thầm: “Cô bé”. Bất cứ lời nói nào sau đó cũng đều là thừa, đều bị cuốn hết vào làn gió xuân.
Ngụy Nhất lại không hề cảm thấy điều đó có gì đáng để đắc ý khoe khoang, cô chính là một người như vậy, yêu anh chính là hết lòng đối xử với anh thật tốt.
Tô Thích nâng bàn tay nõn nà của Ngụy Nhất lên nhìn ngắm, nghĩ đôi tay của một thiên kim tiểu thư sao có thể làm những việc nội trợ như vậy, anh nghi hoặc hỏi: “Hai bác cũng để em phải nấu cơm sao?”.
Ngụy Nhất khẽ sững lại, lắc đầu, đôi mắt chầm chậm nhìn xuống.
“Cô bé”, Tô Thích khẽ nựng, “Em có tâm sự gì à?”.
Ngụy Nhất suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy Tô Thích là người có thể tin tưởng được, mới khẽ nói: “Họ đối xử với em không tốt”.
Tô Thích biết, từ “họ” trong lời nói của cô chính là ông bà Ngụy, ôn tồn xoa đầu cô:
“Cô bé ngốc nghếch, trên đời này làm gì có cha mẹ nào không yêu thương con mình cơ chứ. Huống hồ, cô bé của chúng ta đáng yêu đến thế.”
Tô Thích tự nhủ, Ngụy Nhất đang trong độ tuổi phản nghịch, bản thân anh đã trải qua cái thời mười bảy, mười tám tuổi rồi, trong giai đoạn này, con người ta thường dễ có những tâm lý đối chọi với xã hội và người nhà, luôn cảm thấy thế giới đối xử không công bằng với mình, sợ bị coi thường, dễ sinh ra ương ngạnh, đối với bất cứ việc gì cũng nhìn bằng con mắt phê phán, từ đó dùng đủ mọi cách để khẳng định sự “trưởng thành” của mình, theo đuổi cái gọi là bình đẳng.
Tô Thích cho rằng suy nghĩ chán chường của Ngụy Nhất đối với gia đình cũng thuộc loại tâm lý phản nghịch này. Anh để đầu cô nép sát vào ngực, ôn tồn kể cho cô nghe về thời tuổi trẻ của mình, về một vài ví dụ thực tế của thời kỳ phản nghịch.
Ngụy Nhất ngoan ngoãn dựa vào lòng anh, lặng yên.
Từ sau lần đi chơi ở suối nước nóng về, Trâu Tướng Quân không xuất hiện nữa, có thể một bóng hồng xinh đẹp nào đó đã đủ để anh ta thỏa thuê chơi đùa rồi, đâu còn tâm trí bỡn cợt với một tiểu quỷ non nớt như Ngụy Nhất.
Tháng Tư đến rồi.
Tháng Tư cũng chính là thời điểm mưa dông xảy ra liên tiếp. Thông thường, ban ngày nắng vàng rực rỡ muôn nơi, đêm đến, mưa dông lại xối xả trút xuống.
Ngụy Nhất từ nhỏ đã rất sợ sấm sét, cô luôn cảm thấy những tiếng động rung trời lở đất đi kèm với ánh chớp rạch ngang bầu trời kia sao mà thấp và gần đến vậy, dường như chúng có thể lập tức đánh trúng vào người cô. Hồi còn nhỏ, một người hàng xóm đã đùa cô rằng, khi có sấm chớp, thần Sấm thần Sét sẽ bò theo đường dây điện, chui vào trong nhà, chuyên ăn thịt và tim gan của trẻ con. Từ đó về sau, mỗi lần có sấm chớp, Ngụy Nhất đều khóc lóc thảm thiết, còn đòi tắt hết điện trong nhà. Mỗi lần như vậy, mẹ đều ôm lấy cô, cất tiếng hát dỗ dành, phải rất lâu sau cô mới chìm sâu vào giấc ngủ.
Cuối tuần, các bạn trong ký túc xá đều về. Nhà Ngụy Nhất cách trường không xa nhưng cô rất ít khi về đó, nhiều nhất cũng chỉ một tháng một lần. Còn chưa tới buổi chiều nhưng bầu trời đã có thay đổi lớn, mây đen kéo tới mù mịt, tiếng sấm sét rền rĩ từ nơi xa vọng tới, giống như có nghìn quân vạn mã đang chờ đợi lệnh xuất phát, vó ngựa xéo nát thiên đình.
Ngụy Nhất trong lòng lo sợ, chạy đến khu chung cư Xuân Thành. Tô Thích không có ở đó, gọi điện thoại cho anh, anh nói đang bận họp ở tỉnh ngoài, chắc sẽ về muộn. Lời lẽ trong điện thoại hết sức lịch sự, nhã nhặn, chắc đang có khách hàng ngồi bên cạnh. Ngụy Nhất cũng không nói gì nhiều, chỉ dặn dò vài câu nhớ uống ít rượu rồi cúp máy.
Tám giờ tối, Tô Thích gọi điện thoại về, nói hôm nay có mưa dông, máy bay bị hủy chuyến nên không về được rồi dặn dò Ngụy Nhất đi nghỉ sớm.
Đêm xuống, quả nhiên sấm sét đến ghé thăm thành phố B, bầu trời lằn lên hết tia chớp này tới tia chớp khác, tiếp sau đó là những tiếng sấm nổ vang trời.
Ngụy Nhất vô cùng hoảng sợ, cô tắt hết đèn, nằm co ro trên giường, vùi đầu vào chăn. Lại một tia chớp nữa khiến bầu trời sáng rực như ban ngày, sau đó là tiếng nổ ầm ĩ, bầu trời như bị vỡ ra một miếng lớn, Ngụy Nhất chỉ cảm thấy như có một quái vật to lớn chui ra từ trong lỗ hổng đó và đang ra sức kéo chăn của mình. Cảm giác bị kéo chăn ấy thật rõ rệt chứ không phải ảo giác. Ngụy Nhất sợ đến nỗi hét lên thất thanh: “Áaaaa…”.
“Cô bé, là anh mà!”, giọng nói của Tô Thích vang lên.
Đèn được bật sáng. Tô Thích toàn thân ướt sũng đang đứng trước cửa sổ, đôi mắt lá răm tuyệt đẹp đang nhìn cô đầy vẻ quan tâm, luôn miệng nói cô bé đừng sợ.
Anh biết Ngụy Nhất rất sợ sấm sét nên đã lái xe liên tục trong bốn giờ đồng hồ từ tỉnh ngoài để về nhà.
Khuôn mặt Ngụy Nhất còn vương đầy nước mắt, cô ngây người nhìn Tô Thích, giây phút ấy, trời đất tĩnh lặng, cô cảm thấy mình thật sự đã nhìn thấy vị thần vạn năng. Thần muốn cô sống, cô không thể không sống tử tế; thần muốn cô chết, cô không thể không tuân theo. Phản ứng của Ngụy Nhất lúc bấy giờ cũng khiến Tô Thích kinh ngạc, anh cứ nghĩ rằng cô sợ sấm sét thì cũng chỉ đến nỗi hét lên vài câu, không ngờ lại thành ra bộ dạng như thế này.
Rất nhiều năm sau nữa, khi anh đã không còn ở bên cô, khi anh nghĩ rằng chính mình đã bỏ rơi cô, nhưng chỉ cần một tia chớp, một tiếng sấm, anh lại bất giác nhớ tới cô, không có anh bên cạnh, cô có còn sợ hãi, có còn khóc nữa không. Có ai ở bên và hát cho cô nghe không… Cô đã quên anh chưa. Còn cả lúc đó nữa, khi cô chui từ trong chăn ra, nước mắt giàn giụa liếc nhìn về anh, trong lòng anh trào dâng cảm giác rất muốn được che chở cho cô…
Ngụy Nhất nói Tô Thích giống như mẹ của cô vậy.
Tô Thích càng ôm chặt cô vào lòng.
“Lúc còn nhỏ, mẹ em cũng ôm và ru em ngủ như thế này. Mẹ em là con nhà dòng dõi thư hương, được giáo dục rất chu đáo. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, em và mẹ đều chúc nhau ngủ ngon. Em nói chúc mẹ ngủ ngon và có giấc mơ đẹp, mẹ cũng đáp lại em như thế. Khi đó, em không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, nhưng nếu mẹ không nói thì em sẽ gây chuyện không chịu ngủ.”
Tô Thích mỉm cười.
Đêm đó, Ngụy Nhất dựa vào lòng anh, thổn thức rất lâu. Tô Thích khe khẽ vỗ về lên lưng cô, dùng chất giọng đầy mê hoặc của mình hát bài đồng dao Lỗ băng hoa.
Tết Thanh minh, trường học được nghỉ.
Ngụy Nhất về thăm nhà một chuyến, tiện thể lấy luôn quần áo xuân hè.
Ông bà Ngụy đều ở nhà. Hiếm khi có dịp thấy bố ngồi xem ti vi trong phòng khách, mẹ thì đã chuyển sở thích từ thêu kiểu chữ thập sang cắm hoa rồi, bà vừa lắng nghe giáo viên dạy cắm hoa qua vô tuyến vừa chỉnh sửa lại từng cành hoa trên bàn. Ngụy Trích Tiên được thừa hưởng nét nho nhã và xinh đẹp của mẹ, ngũ quan sắc nét. So sánh một chút, Ngụy Nhất có vẻ không đẹp bằng, chỉ có cánh mũi hơi hếch lên là giống bố, mỗi khi tức giận hay bất mãn điều gì đó, cánh mũi lại khẽ nhăn lại trông càng giống.
Ngụy Nhất cất giọng chào bố mẹ. Ông Ngụy khẽ gật đầu, bà Ngụy không đợi cô đến gần đã làm một ký hiệu yên lặng, tiếp tục chăm chú vào màn hình ti vi.
Một lát sau, Ngụy Nhất khoác ba lô quần áo đi từ trên lầu xuống, ông Ngụy hỏi: “Không ăn cơm à?”.
“Vâng, con về trường rồi ăn”, Ngụy Nhất lí nhí trả lời.
Ông Ngụy không nhìn cô nữa, cũng không có ý kiến gì. Ngụy Nhất không biết nên tiến hay lùi, đứng yên tại chỗ một lát, rồi lại rụt đầu rụt cổ nói: “Bố, con đi đây”.
Ông Ngụy đằng hắng một tiếng trong cổ họng coi như đã trả lời.
Ngụy Nhất vừa ra tới cổng thì gặp Ngụy Trích Tiên bước vào, đằng sau còn có hai thanh niên khôi ngô tuấn tú. Một người đang tươi cười rạng rỡ nói chuyện với Ngụy Trích Tiên, người kia chậm rãi bước theo sau, ánh mắt lơ đãng nhưng lại lộ rõ vẻ tự phụ.
Vĩ thấy Ngụy Nhất liền mừng rỡ bước tới: “Chào em, Nhất Nhất! Anh đến đây chơi mấy lần rồi, lần này mới được gặp em ở đây”, anh ta nháy mắt, “Trong nhà họ Ngụy, em lại còn được coi là vị khách ít ghé thăm hơn anh đấy!”.
Ngụy Nhất lịch sự nói vài câu không đầu không cuối, ngẩng đầu lên liền bắt gặp đôi mắt sáng cứ chằm chằm nhìn mình.
Trâu Tướng Quân không ngờ lại gặp Ngụy Nhất, trong lòng vui sướng nhưng ngoài mặt lại không tỏ thái độ gì, chỉ chăm chú nhìn cô.
Lần trước, từ sơn trang Cửu Hoa trở về, giải quyết một vài việc ở công ty xong, buổi chiều Tướng Quân lại vội vàng chạy xe tới trường Ngụy Nhất. Anh nhờ người hỏi thăm khắp nơi mới tìm được số phòng ký túc của cô, đứng ôm cây đợi thỏ biết bao lâu, cuối cùng nhìn thấy cô và Tô Thích chầm chậm bước đến, lại còn tay nắm tay rất tình tứ nữa chứ. Trong lúc tức giận, anh đã thề rằng sẽ không bao giờ nhớ tới cô gái vô tâm này nữa.
Một tháng không gặp, Trâu Tướng Quân chôn kín nỗi vấn vương nhung nhớ trong lòng, tự cho rằng bản thân mình có thể khống chế được tất cả. Đến khi gặp lại, mới phát hiện anh nhớ cô biết chừng nào. Thần sắc trên khuôn mặt cô đã khá hơn nhiều nhưng dáng điệu vẫn gầy gò như thế, vẫn lẩn tránh mỗi khi gặp anh, ánh mắt cũng mang theo thái độ khinh bỉ như cũ. Một cô bé đáng ghét!
Vĩ thấy cô mang ba lô, ngạc nhiên hỏi: “Nhất Nhất, lại đi à? Chẳng phải đã được nghỉ rồi sao?”.
“Vâng, ở trường còn có chút việc”, Ngụy Nhất trả lời cho xong chuyện.
“Hai đứa quả đúng là tình yêu nồng cháy, đương nhiên là phải dính như keo như sơn rồi!”, Ngụy Trích Tiên giải thích cho Vĩ hiểu, nhưng ánh mắt lại chú ý tới biểu hiện của Trâu Tướng Quân. Quả nhiên, trên đôi mắt sâu thẳm của anh, đôi lông mày rậm hơi nhướng lên, chụm vào nhau một chút.
“Vội gì chứ? Thế này nhé, dù sao thì ăn cơm xong rồi hãy đi!”, Vĩ nói. Nói ra cũng thật buồn cười, người chân thành mời cô ở lại nhất lại không phải là người có quan hệ thân thiết.
“Anh ta đang đợi cô?”, Trâu Tướng Quân cuối cùng cũng chịu mở miệng, âm thanh rệu rã khống chế sự chua xót.
“Hả? Ai cơ?”, Ngụy Nhất giả vờ ngờ nghệch.
Lúc bấy giờ, bà Ngụy bước ra, trong tay đang cầm một cành hoa khô, tay kia kéo tay cô con gái nhỏ: “Đúng đấy! Việc lớn đến mấy cũng không quan trọng bằng ăn cơm? Các cháu mau vào nhà đi, đứng ngoài cổng lời qua tiếng lại như thế còn ra thể thống gì nữa! Nhất Nhất cũng vào đi con”.
Ngụy Nhất đành đi theo sau mọi người.
Ông Ngụy mặc dù rất nghiêm khắc nhưng luôn có thái độ hiền hòa và cởi mở với đám bạn của con gái, chưa từng tỏ thái độ bề trên. Một bữa cơm vui vẻ, ấm cúng. Vĩ cảm thấy thật kỳ lạ, ở bên ngoài, mặc dù Ngụy Nhất không nói nhiều, rất hiền hòa, cũng hay mỉm cười. Không ngờ, lúc ở nhà cô luôn tỏ ra rụt rè và thận trọng như vậy. Phần lớn thời gian cô đều rụt đầu rụt cổ, thi thoảng bị bố mẹ nhắc đến tên, khuôn mặt lại càng run rẩy sợ hãi, không hề nũng nịu như những cô con gái út khác. Ngược lại, cô chị gái hơn hai tuổi - Ngụy Trích Tiên - chốc chốc lại làm nũng, pha trò, rất biết cách lấy lòng hai vị phụ huynh.
Ăn cơm xong, Ngụy Nhất nhất quyết đòi đi, Trâu Tướng Quân đứng dậy, lạnh lùng nói muốn đưa cô đi, thực sự khiến mọi người bất ngờ. Ngụy Nhất luôn miệng nói không cần, nét mặt thể hiện rõ vẻ chống đối. Người nhà họ Ngụy vốn quen với một Ngụy Nhất tính tình hiền lành, rất ít khi có những phản kháng thẳng thắn như vậy nên đều cảm thấy kỳ lạ.
Ông Ngụy đứng ra giảng hòa: “Bảo tài xế đưa nó đi là được. Tướng Quân, cháu cứ ngồi xuống, ít khi có dịp rỗi rãi, chú cháu mình làm vài ván cho vui! Nghe nói tài nghệ đánh cờ của cháu khá lắm, loại cờ nào cũng chơi được phải không?”, nói xong sai người giúp việc dọn bàn cờ.
Trâu Tướng Quân vẫn án binh bất động, cứ chằm chằm nhìn Ngụy Nhất, không hề để ý tới lời nói của ông Ngụy.
Lúc bấy giờ, Vĩ đứng lên, đi đến bên Ngụy Nhất, cười hì hì nói: “Con gái một mình ra khỏi nhà thật không an toàn, vừa hay tiện đường, để cháu đưa em Nhất Nhất về trường nhé!”.
Ngụy Nhất vội vàng nói cảm ơn rồi đi theo anh ta.
Trâu Tướng Quân nhìn theo bóng hai người dần đi xa, vô cùng bực tức, nhưng cũng chẳng thể làm gì được.
Sau nỗi bực bội, thất vọng, anh bỗng cảm thấy con gái không phải ai cũng gọi là đến, đuổi là đi ngay, lần đầu tiên, ảnh có cảm giác thất bại vô cùng.