I. NHỮNG THUẬT NGỮ VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ TRUYỀN THÔNG MÔI TRƯỜNG
1. Môi trường và bảo vệ môi trường(1)
1.1. Về môi trường
(1) Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.
Như vậy, yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm: đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác; yếu tố nhân tạo gồm những vật chất dùng để nuôi sống con người và sinh vật, vật dụng và trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và đời sống của con người. Môi trường là tất cả những gì ở xung quanh chúng ta, bao gồm các yếu tố sống (động thực vật và con người) và các yếu tố không sống (đất, nước, không khí…).
1.2. Về hoạt động bảo vệ môi trường
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành. Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã chỉ ra: “Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
1.3. Thành phần môi trường
Thành phần môi trường là các yếu tố vật chất tạo thành môi trường như: đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.
Như vậy, môi trường tự nhiên của con người theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội,... Với nghĩa hẹp, môi trường của con người chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và nhân tố xã hội, trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống của con người như: diện tích nhà ở, chất lượng bữa ăn hàng ngày, nước sạch, điều kiện vui chơi giải trí...
Thành phần môi trường sống của con người thường được phân chia thành:
- Môi trường tự nhiên: Bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động và thực vật, đất và nước,... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
- Môi trường xã hội: Là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là luật lệ, thể chế, cam kết, quy định ở các cấp khác nhau. Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.
- Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên hoặc biến đổi theo, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống như: ô tô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu đô thị, công viên,...
1.4. Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thiết yếu
1.4.1. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người đã và đang sử dụng để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống. Mỗi loại tài nguyên có một đặc điểm riêng, nhưng có hai đặc điểm chung là: (i) Tài nguyên thiên nhiên phân bố không đồng đều giữa các vùng trên Trái đất và trên một vùng lãnh thổ có thể tồn tại nhiều loại tài nguyên, tạo ra sự ưu đãi của tự nhiên với từng vùng lãnh thổ, từng quốc gia; (ii) Đại bộ phận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế cao được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
Trên quan điểm sinh thái - môi trường thì tài nguyên thiên nhiên được chia làm hai loại: (i) Tài nguyên không tái tạo là nguồn tài nguyên sau khi khai thác và sử dụng bị cạn kiệt dần như tài nguyên khoáng sản; (ii) Tài nguyên tái tạo là nguồn tài nguyên sau khi sử dụng có thể tái sinh và ngày càng phong phú hơn nếu được sử dụng hợp lý, quản lý tốt như tài nguyên đất, rừng, biển và tài nguyên nông nghiệp.
Con người là nguồn lao động, trí tuệ, gắn liền với các nhân tố kinh tế và xã hội, là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của sự phát triển của mỗi quốc gia. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
1.4.2. Tài nguyên thiên nhiên thiết yếu
Trong các luật hiện hành có liên quan đến bảo vệ môi trường và các từ điển Bách khoa, tiếng Việt, chuyên ngành đều không có nêu khái niệm về tài nguyên thiên nhiên thiết yếu.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tài nguyên thiên nhiên thiết yếu là những tài nguyên thiên nhiên rất cần thiết, không thể thiếu được trong đời sống của con người, nó bao gồm: Đất, nước, không khí, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và tài nguyên biển...
Trong thời gian xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, các cộng đồng dân cư phải khai thác tài nguyên thiên nhiên để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có những khai thác hợp lý làm cho môi trường không bị suy thoái và không bị ô nhiễm. Ngược lại, có những hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên không hợp lý dẫn đến tài nguyên bị suy thoái và môi trường bị ô nhiễm.
2. Một số thuật ngữ có liên quan đến truyền thông môi trường
2.1. Truyền thông
2.1.1. Khái niệm chung về truyền thông
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tùy theo phương pháp tiếp cận mà người ta đưa ra khái niệm khác nhau về truyền thông. Trong đó, có hai khái niệm tương đối thông dụng là: (i) Truyền thông (communication) là quá trình chia sẻ thông tin, một kiểu tương tác xã hội, trong đó có ít nhất hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung; (ii) Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm… chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ và tiến tới điều chỉnh hành vi phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và xã hội.
2.1.2. Khái niệm về truyền thông môi trường
Từ hai khái niệm nêu trên, chúng tôi cho rằng, truyền thông môi trường là quá trình trao đổi thông tin về môi trường và bảo vệ môi trường; là quá trình tương tác xã hội hai chiều giữa người làm truyền thông và người nhận truyền thông, giúp cho những người nhận truyền thông hiểu được những yếu tố của môi trường thiên nhiên, những vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết và hành động của con người nhằm phòng, chống ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Như vậy, truyền thông nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường là quá trình trao đổi thông tin và tương tác xã hội hai chiều giữa người làm truyền thông và người nhận truyền thông, làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có hiểu biết về những yếu tố của môi trường thiên nhiên, những vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết và hành động của con người nhằm phòng, chống ô nhiễm và suy thoái môi trường.
2.1.3. Về giáo dục
Giáo dục môi trường là quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp người dân, nhất là học sinh và sinh viên có được sự hiểu biết, kỹ năng và tự tạo điều kiện cho họ tham gia vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giáo dục môi trường hướng đến hai mục tiêu sau: (i) Giúp người dân, nhất là học sinh và sinh viên vận dụng kiến thức và kỹ năng vào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Giúp người dân, nhất là học sinh và sinh viên học cách sử dụng những công nghệ mới, biết vận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2.1.4. So sánh giữa truyền thông và giáo dục
Bảng 1.1: So sánh giữa truyền thông và giáo dục
2.1.5. Phân loại truyền thông
Trong thực tế có 3 loại truyền thông sau: (i) Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi cho cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường, không có những việc làm làm ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, gây ra những tác nhân làm biến đổi khí hậu; (ii) Truyền thông phổ biến làm cho cộng đồng dân cư có hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chương trình và kế hoạch hoạt động của các đoàn thể nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Truyền thông vận động là truyền thông làm cho cộng đồng dân cư hiểu biết và huy động họ tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong thực tế, ba loại truyền thông này có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Tuy phân thành ba loại, nhưng trong hoạt động thực tế ba loại truyền thông này lại là một tức là các chủ thể làm truyền thông có thể cùng một lúc làm truyền thông nâng cao nhận thức, truyền thông phổ biến và truyền thông vận động. Vì ba loại truyền thông này có mục đích, đối tượng tác động, nội dung, hình thức, thời gian, địa điểm hoạt động giống nhau.
2.1.6. So sánh giữa truyền thông với truyền thông thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường
Bảng 1.2: So sánh hai hình thức truyền thông
Như vậy, truyền thông là mức độ thấp của truyền thông thay đổi hành vi. Có thể tiến hành truyền thông mà không có truyền thông thay đổi hành vi. Nhưng truyền thông thay đổi hành vi nhất thiết phải có truyền thông, truyền thông là bước khởi đầu cần thiết của truyền thông thay đổi hành vi cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư về môi trường và bảo vệ môi trường. Mặt khác, truyền thông và truyền thông thay đổi hành vi giống nhau về đối tượng và phương thức tác động; khác nhau về mục đích và kết quả (đầu ra) cuối cùng.
2.2. Sứ mệnh của truyền thông
2.2.1. Vai trò truyền thông
Như trên đã phân tích làm rõ, mục tiêu của truyền thông là nâng cao nhận thức, làm thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, có thể nói, sứ mệnh của truyền thông là:
(i) Nâng cao nhận thức là quá trình làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư nhận biết, hiểu về môi trường thiên nhiên và những yếu tố của môi trường; về hiện tượng biến đổi khí hậu, những yếu tố gây ra biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu lên đời sống của con người;
(ii) Thay đổi thái độ là quá trình làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động có lợi cho môi trường thiên nhiên, không tạo ra những yếu tố gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu;
(iii) Xây dựng hành vi là khâu cuối cùng của hoạt động truyền thông, được hình thành bởi quá trình cung cấp thông tin và tương tác xã hội hai chiều liên tục, làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có được nhận thức tốt, thái độ đúng, tự nguyện, tự giác tham gia và vận động những người xung quanh cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Như vậy, sứ mệnh của công tác truyền thông nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường là quá trình hoạt động liên tục do những người làm truyền thông thực hiện có mục đích, tác động vào người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư nhằm làm cho họ có được nhận thức tốt, thái độ đúng, tự nguyện tham gia và vận động những người xung quanh cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là công tác quan trọng hàng đầu trong quá trình tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các chủ thể xã hội, trong đó có các đoàn thể nhân dân.
2.2.2. Mục tiêu của truyền thông
Truyền thông nâng cao năng lực cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường cần đạt được 5 mục tiêu sau:
(i) Thông tin cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư biết hiện trạng môi trường, từ đó họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc ở địa phương;
(ii) Làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư biết phát huy kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thống và tập quán tốt của mình; biết dùng tri thức bản địa tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
(iii) Truyền thông làm cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư biết cách thương lượng, hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa tập thể và cá nhân;
(iv) Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường;
(v) Xây dựng thái độ, hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư sống có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên.
2.2.3. Trụ cột hoặc triết lý của truyền thông
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các chủ thể làm truyền thông cần vận dụng “Bốn trụ cột của giáo dục”, được xem là “Triết lý giáo dục” của UNESCO vào công tác truyền thông nâng cao năng lực cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bốn trụ cột là:
(i) Học để chung sống - Tức là người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư không ngừng học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời; mọi người ở đâu, làm gì cũng phải học để có nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chung sống với môi trường thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu;
(ii) Học để biết - Tức là người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư học để biết những yếu tố của môi trường, những tác nhân gây ra và nguyên nhân của biến đổi khí hậu; học để hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vai trò của quần chúng và chủ trương của các đoàn thể nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
(iii) Học để làm - tức là người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư học để có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; biết cách vận dụng những nội dung học được vào thực hành bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
(iv) Học để tồn tại - Tức là người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư học để có hiểu biết rằng, con người sống không thể tách rời môi trường thiên nhiên. Con người chỉ có thể chung sống với môi trường. Đây là cách lựa chọn thông minh của loài người, tìm cách chung sống thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường bền vững.
Truyền thông nâng cao năng lực cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là quá trình liên tục, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Bởi vì:
- Công tác truyền thông và giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của người dân sống thân thiện với môi trường;
- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; nhiệm vụ đó không chỉ làm trong một sớm một chiều, mà phải làm lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2.3. Chủ thể và khách thể tham gia truyền thông môi trường ở cộng đồng dân cư
2.3.1. Chủ thể
Chủ thể công tác truyền thông môi trường ở cộng đồng dân cư được hiểu là những tổ chức và đơn vị được pháp luật thừa nhận, có tư cách, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư.
Quan niệm của chúng tôi đã làm rõ chủ thể trong công tác truyền thông môi trường ở cộng đồng dân cư bao gồm: (i) Các đoàn thể nhân dân có ở cộng đồng dân cư (Ban Mặt trận Tổ quốc, Chi hội Nông dân Việt Nam, Chi hội Đoàn thanh niên, Chi hội liên hiệp Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Chữ thập đỏ…); (ii) Các trường học; (iii) Các đơn vị kinh tế (các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị dịch vụ); (iv) Các đơn vị trong lực lượng vũ trang; (v) Các tôn giáo.
2.3.2. Khách thể
Khách thể được hiểu là người hoặc nhóm người nhận truyền thông nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ở cộng đồng dân cư, khách thể của công tác truyền thông là người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư, bao gồm:
- Phân theo giai cấp và tầng lớp xã hội có: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang;
- Phân theo giới tính có nam và nữ;
- Phân theo dân tộc có người đa số (người Kinh) và người thiểu số (53 dân tộc còn lại);
- Phân theo lứa tuổi có trẻ em (từ 0-dưới 16 tuổi), thanh niên (từ 16-30 tuổi), người trung niên (từ 31-dưới 60 tuổi) và người cao tuổi (trên 60 tuổi);
- Phân theo tôn giáo có người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên chúa, người theo đạo Cao đài, người theo đạo Hòa hảo…;
- Phân theo nhóm người yếu thế có người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện và sau cải tạo…
Nghiên cứu thực tiễn của chúng tôi cho thấy, các chủ thể làm truyền thông môi trường cần quan tâm nâng cao năng lực cho tất cả các đối tượng nhận truyền thông môi trường. Song, trong từng hoạt động, các chủ thể làm truyền thông môi trường cần quan tâm đến những đối tượng ưu tiên (đối tượng đích).
2.3.3. Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể
Về lý luận, chúng ta có thể phân rõ chủ thể và khách thể của truyền thông môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Song, trong thực tế hiện nay, các đối tượng nhận truyền thông môi trường (khách thể) đã tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Về chính trị, người dân sinh sống trong cộng đồng có thể tham gia vào các hoạt động dân chủ ở cơ sở, có thể nói lên tiếng nói của mình, đủ điều kiện có thể tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, có thể tham gia hoặc không tham gia vào một tôn giáo nào đó. Về pháp lý, người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có thể tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội, tham gia các đợt bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia góp ý xây dựng và thực hiện luật pháp. Về kinh tế, người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có đủ điều kiện được thành lập các đơn vị kinh tế theo luật hiện hành. Về bảo vệ môi trường, người dân trong cộng đồng dân cư có thể tham gia vào tất cả các hoạt động truyền thông, giáo dục, phong trào và xây dựng mô hình; có thể thông qua người đại diện để phản biện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các tập thể và cá nhân. Mặt khác, hiện nay trình độ dân trí ở cộng đồng dân cư được nâng lên đáng kể, phần lớn người dân từ lứa tuổi thanh niên trở lên có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông, có nhiều người có trình độ cao đẳng và đại học.
Phân tích trên của chúng tôi minh chứng rằng, người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư không chỉ là khách thể, mà còn là chủ thể trong công tác truyền thông nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi làm công tác truyền thông môi trường, các chủ thể làm truyền thông cần huy động sự tham gia của các đối tượng người dân. Chỉ khi nào huy động được mọi người dân tham gia vào hoạt động thì công tác truyền thông nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới mới thành công.
Như vậy, đứng về vị trí bị tác động thì người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư là khách thể trong công tác truyền thông nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Còn trong thực tế thì mọi người dân có thể trở thành chủ thể trong công tác đó. Người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư là khách thể hoặc chủ thể trong công tác truyền thông nâng cao năng lực có mối quan hệ hữu cơ với nhau, có ranh giới không rõ ràng, trong cùng một hoàn cảnh một người dân nào đó có thể vừa là khách thể, vừa là chủ thể trong công tác truyền thông nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
II. KHÁI NIỆM VỀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
1. Cộng đồng dân cư ở nông thôn
Hiện nay, ở nước ta sử dụng nhiều khái niệm về cộng đồng: Cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng trường học, cộng đồng người dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế, cộng đồng châu Âu, cộng đồng ASEAN...
Cộng đồng dân cư là một quần thể dân cư cùng chung sống ở một địa bàn nhất định, như làng, thôn, xóm, phường, cụm dân cư,… có cùng truyền thống, tiếng nói, nếp sống, tập quán, tín ngưỡng tương đối thống nhất và có mối quan hệ gắn bó với nhau.
Khoản 13, Điều 3, Luật Bảo vệ rừng năm 2016 quy định: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự, có cùng phong tục, tập quán; có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật”.
Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã xác định: “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư”.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khái niệm cộng đồng dân cư được nhắc đến trong Điều 146, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là những người dân cùng sinh sống ở cấp thôn và tổ dân phố. Cộng đồng dân cư ở nông thôn và đô thị không phải là đơn vị hành chính nhà nước, mà chỉ là đơn vị trực thuộc đơn vị hành chính cơ sở là xã/phường.
2. Những đặc trưng của cộng đồng dân cư
Tuy không phải là đơn vị hành chính cấp cơ sở, nhưng cộng đồng dân cư ở nông thôn và đô thị của nước ta giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vì:
(i) Trong cộng đồng bao gồm thành phần dân cư đa dạng, phong phú về giai cấp: nông dân, công nhân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân, giới nam và nữ, các lứa tuổi từ trẻ thơ đến người cao tuổi, dân tộc đa số và thiểu số, các tôn giáo, các ngành nghề: nông nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và người lao động tự do;
(ii) Tuy là đơn cấp dưới của đơn vị hành chính cấp cơ sở, nhưng cộng đồng dân cư là nơi trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, pháp luật; có mối quan hệ chặt chẽ và ràng buộc với các bộ phận hành chính cấp trên; đây là cấp gần dân, sát dân nhất và là cấp thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp và đoàn kết nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan và môi trường trong xây dựng nông thôn mới;
(iii) Cộng đồng dân cư của Việt Nam gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ huyết thống (gia tộc, dòng họ, gia đình); các mối quan hệ giai cấp và tầng lớp xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, xã viên); các mối quan hệ cùng dân tộc; các mối quan hệ cùng tôn giáo; các mối quan hệ kinh tế (doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã); các mối quan hệ xã hội (đồng tuế, đồng môn - cùng học, đồng ngũ, đồng nghiệp, đồng hương);
(iv) Người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư được quyền tự nguyện tham gia vào một tổ chức quần chúng nhân dân nhất định. Hiện nay, người dân nước ta có thể tham gia vào nhiều tổ chức như: Nhi đồng (từ 6 đến 9 tuổi) tham gia vào Sao Nhi đồng; Thiếu niên (từ 10 đến 15 tuổi) tham gia vào Đội TNTP Hồ Chí Minh; Thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) tham gia vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Trí thức và công nghệ trẻ; Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên đối với nam và 55 tuổi trở lên đối với nữ) tham gia vào Hội Người cao tuổi; Công nhân, công chức và viên chức tham gia vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phụ nữ tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nông dân tham gia vào Hội Nông dân Việt Nam; Bộ đội xuất ngũ tham gia vào Hội Cựu Chiến binh Việt Nam hoặc Hội Quân nhân; Những người có nghề nghiệp và việc làm nhất định có thể tham gia vào các hội xã hội - nghề nghiệp (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Giáo chức Việt Nam, Hội Thầy thuốc Việt Nam, Hội Làng nghề Việt Nam, Hội Thủy lợi…); Những người có tấm lòng nhân ái, từ thiện có thể tham gia vào các hội từ thiện - nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin, Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam, Hội Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam…);
(v) Cộng đồng dân cư Việt Nam có chung truyền thống lịch sử. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các cộng đồng người Việt Nam đoàn kết một lòng để chống lại giặc ngoại xâm; trong hoạn nạn, cộng đồng dân cư của nước ta với truyền thống: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Thương người như thể thương thân” đã giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai, địch họa;
(vi) Các cộng đồng dân cư Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với môi trường tự nhiên. Bất kể cộng đồng nào cũng sống và lao động trong một môi trường nhất định. Cộng đồng nào cũng có những tác động lên môi trường tự nhiên. Và ngược lại, môi trường tự nhiên tác động nhiều chiều, toàn diện lên cuộc sống, lao động, học tập của từng người dân trong cộng đồng. Từng người dân có tác động hai chiều lên môi trường tự nhiên. Đó là tác động tích cực sống thân thiện với môi trường, không làm suy thoái và ô nhiễm môi trường. Chiều ngược lại là tác động tiêu cực lên môi trường, có những hành vi làm suy thoái và ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, hai chiều tác động của người dân lên môi trường đan xen nhau. Có lúc, có nơi, có người, có cộng đồng tác động tích cực và ngược lại là tác động tiêu cực.
III. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội Khóa XIII về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu sau:
1.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%); Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;
- Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; Đồng bằng sông Hồng: 18,0; Bắc Trung Bộ: 16,5; Duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; Đồng bằng sông Cửu Long: 16,6); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí;
- Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã;
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
2. Xây dựng nông thôn mới không tách rời bảo vệ những chức năng cơ bản của môi trường thiên nhiên
2.1. Con người sinh sống trong cộng đồng dân cư có mối quan hệ hữu cơ với những chức năng cơ bản của môi trường tự nhiên
Đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng thì môi trường sống có các chức năng chủ yếu sau:
2.1.1. Môi trường là không gian sinh sống cho con người và thế giới sinh vật (Habitat)
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi một người đều cần một không gian nhất định để phục vụ cho các hoạt động sống như: Nhà ở, nơi nghỉ, đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, kho tàng, bến cảng,... Trung bình mỗi ngày mỗi người đều cần khoảng 4m3 không khí sạch để hít thở; 2,5 lít nước để uống, một lượng lương thực, thực phẩm tương ứng với 2000 - 2400 Calo. Chức năng này đòi hỏi môi trường phải có một phạm vi không gian thích hợp cho mỗi con người. Không gian sống của xã hội loài người là Trái đất. Còn không gian sống của cộng đồng dân cư nông thôn là đất, nước, không khí, rừng cây… thuộc làng, thôn, xóm, bản, buôn, bon, sóc.
2.1.2. Môi trường là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên thiết yếu cho đời sống và sản xuất của con người
Chức năng này của môi trường còn gọi là nhóm chức năng sản xuất tự nhiên gồm có: (i) Rừng tự nhiên: Có chức năng cung cấp nước, bảo tồn tính đa dạng sinh học và độ phì nhiêu của đất, nguồn gỗ củi, dược liệu và cải thiện điều kiện sinh thái; (ii) Các thủy vực: Có chức năng cung cấp nước, dinh dưỡng, nơi vui chơi giải trí và các nguồn hải sản; (iii) Động và thực vật: Cung cấp lương thực và thực phẩm và các nguồn gen quý hiếm; (iv) Không khí, nhiệt độ, ánh sáng mặt trời: Để giúp con người hít thở, cây cối ra hoa và kết trái; (v) Các loại quặng, dầu mỏ: Cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp…
2.1.3. Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất
Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, con người luôn đào thải ra các chất thải vào tự nhiên và quay trở lại môi trường. Trong môi trường, các chất thải dưới tác động của các vi sinh vật và các yếu tố môi trường khác sẽ bị phân huỷ, biến đổi từ phức tạp thành đơn giản và tham gia vào hàng loạt các quá trình lý - hóa - sinh phức tạp. Có thể phân loại chi tiết chức năng này thành các loại sau: (i) Chức năng biến đổi lý - hoá học: Pha loãng, phân huỷ hoá học nhờ ánh sáng; hấp thụ; sự tách chiết các vật thải và độc tố; (ii) Chức năng biến đổi sinh hoá: Sự hấp thụ các chất dư thừa; chu trình nitơ và các bon; khử các chất độc bằng con đường sinh hoá; (iii) Chức năng biến đổi sinh học: Khoáng hoá các chất thải hữu cơ, mùn hoá, amôn hoá, nitrat hoá và phản nitrat hoá,...
2.1.4. Chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người
Môi trường Trái đất được coi là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người. Bởi vì, chính môi trường Trái đất là nơi: (i) Cung cấp nguồn cho việc ghi chép và lưu trữ lịch sử địa chất, lịch sử tiến hoá của vật chất và sinh vật, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hoá của loài người; (ii) Cung cấp các chỉ thị không gian và tạm thời mang tính chất tín hiệu và báo động sớm các hiểm hoạ đối với con người và sinh vật sống trên Trái đất như phản ứng sinh lý của cơ thể sống trước khi xảy ra các tai biến tự nhiên và các hiện tượng tai biến tự nhiên, đặc biệt như bão, động đất, núi lửa…; (iii) Lưu trữ và cung cấp cho con người sự đa dạng các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ để thưởng ngoạn, tôn giáo và văn hoá khác.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, có nhiều cộng đồng dân cư hiểu rõ trách nhiệm của mình nên đã có những hoạt động bảo vệ những chức năng sinh tồn của mình: quản lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng phát triển bền vững, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; không làm suy thoái và ô nhiễm môi trường. Song, trong thực tế còn không ít cộng đồng dân cư đã buông lỏng quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và gây suy thoái, ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn.
3. Mối quan hệ giữa xây dựng nông thôn mới với khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiết yếu
Để được công nhận là xã nông thôn mới, các xã cần thực hiện 19 tiêu chí, trong đó, tiêu chí thứ 17 là môi trường, gồm 3 chỉ tiêu cụ thể: Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Ba chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với 18 tiêu chí khác, nhất là tiêu chí về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh.
Việc tổ chức thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều có tác động đến quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Thực hiện 19 Tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là làm cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên, theo hướng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội và môi trường bền vững.
Phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn được hiểu là sự tăng về số lượng và chất lượng của những giá trị kinh tế và xã hội. Phát triển kinh tế, xã hội là quá trình liên tục tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư sinh sống ở nông thôn. Nguyên lý mang tính quy luật khách quan là muốn tạo ra sự phát triển nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần liên tục tăng lên của cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư nào cũng phải tác động vào môi trường tự nhiên để tạo ra số lượng và giá trị vật chất mới. Quá trình tác động này sẽ làm thay đổi trạng thái tự nhiên của môi trường và sự thay đổi đó sẽ tác động ngược trở lại vào quá trình phát triển, làm cho xây dựng nông thôn mới không đạt được những tiêu chí đặt ra và các nhu cầu mới của cộng đồng dân cư sẽ không được thỏa mãn. Đó chính là mặt trái của quá trình xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, đó là khó khăn, thách thức, rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta đều biết, xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển liên tục, có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Quá trình đó, bao gồm nhiều thành tố khác nhau: Kinh tế, kỹ thuật, xã hội, chính trị, văn hóa và cảnh quan, môi trường.
Các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tạo nên thể thống nhất giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
4. Bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
4.1. Bảo vệ tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp
4.1.1. Hiện trạng tài nguyên đất
a) Tài nguyên đất
Đất và môi trường - cơ sở bền vững để phát triển nông thôn. Đối với nông nghiệp và nông thôn, đất là tài sản vô giá, là nguồn tài nguyên tái tạo được, đất vừa là tư liệu sản xuất vừa là đối tượng lao động. Phần lớn những sản phẩm nông lâm nghiệp nuôi sống con người đều được lấy từ đất.
Do vị trí và địa hình của nước ta phức tạp làm cho tài nguyên đất rất đa dạng và phân hóa rõ từ đồng bằng lên núi cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây, có thể phân thành 13 nhóm đất chính và 31 loại. Ba phần tư diện tích đó thuộc về miền núi và trung du, chiếm khoảng 25 triệu ha. Diện tích đất phù sa không nhiều, chỉ có khoảng 3,4 triệu ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên cả nước. Các loại đất sử dụng trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu là đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất cát biển, đất mặn và đất phèn.
Ngày 13/11/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2018 như sau: Tổng diện tích đất tự nhiên là 33.123.597 ha, bao gồm: diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.289.454 ha (chiếm 82,3% tổng diện tích đất tự nhiên); diện tích đất phi nông nghiệp là 3.773.750 ha (chiếm 1,1%); diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 2.060.393 ha (chiếm 0,6%). Xu hướng đất nông nghiệp giảm, đất phi nông nghiệp tăng, do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa (Đất nông nghiệp chuyển đổi sang làm các khu công nghiệp và khu đô thị mới). Việt Nam là một trong những nước có diện tích đất tự nhiên nhỏ, vào loại đất chật người đông, xếp vào nhóm thứ năm trong nhóm nước có diện tích bình quân từ 0,3 - 0,5 ha/người, đứng thứ 203 trong số 218 nước trên thế giới. Bình quân đất nông nghiệp 0,11 ha/người, thuộc nhóm 7 nước có mức bình quân diện tích đất từ 0,1 - 0,2 ha/người.
Một thực tế là hiện nay tài nguyên đất đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Một mặt, hoạt động sản xuất nông nghiệp tác động mạnh đến môi trường đất như việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều trong môi trường đất, nước; nhiều vùng chăn nuôi tập trung thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải; nhiều vùng làng nghề sản xuất thủ công chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải mà thải thẳng ra đất. Mặt khác, thời tiết diễn biến phức tạp, vụ đông xuân ở miền Bắc ấm, lạnh bất thường, hạn hán, bão, lũ lụt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sâu bệnh cây trồng phát sinh trên diện rộng; nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số quá trình thoái hóa đất chính vẫn đang diễn ra phức tạp. Ở khu vực miền núi do địa hình cao, dốc nên các quá trình gây thoái hóa đất như: xói mòn, rửa trôi, đất có độ phì nhiêu thấp, mất cân bằng dinh dưỡng, đất chua dần, thoái hóa hữu cơ, ô nhiễm, khô hạn, hoang mạc hóa, trượt đất, nứt đất. Ở các vùng đồng bằng ven biển, quá trình mặn hóa, phèn hoá và cát bay, cát chảy đang diễn ra phổ biến. Những quá trình thoái hoá đất dẫn tới suy giảm khả năng sản xuất của đất.
Để đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cần tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của đất và trách nhiệm bảo vệ đất: (i) Sử dụng tiết kiệm quỹ đất, với phương châm “tấc đất tấc vàng”, đặc biệt là những loại đất màu mỡ, đất lúa 2-3 vụ/ năm; (ii) Sử dụng đất luôn đi liền với bồi bổ độ phì nhiêu đất, tiến hành thâm canh tăng vụ, chú ý bón nhiều các loại phân bón hữu cơ, phân xanh, phân rác làm tơi xốp đất và tạo điều kiện để nhiều sinh vật khác trong đất phát triển; (iii) Có các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu ô nhiễm đất bởi các chất thải, các chất độc hại xung quanh các khu công nghiệp, các làng nghề...
b) Ô nhiễm đất do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
Tính từ năm 1985 đến nay, lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 517%. Phân bón khi sử dụng sẽ để lại một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thụ, sẽ tác động tiêu cực đến chính hệ sinh thái nông nghiệp cũng như làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Theo các số liệu về hiện trạng sử dụng phân bón hoá học thì việc sử dụng phân bón hoá học không cân đối giữa NPK, không đúng lúc cây cần đang diễn ra phổ biến dẫn đến hàng năm một lượng lớn phân bón bị rửa trôi hoặc bay hơi đã làm xấu đi môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống, đó cũng là những tác nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí.
Để hạn chế ô nhiễm đất, nước, không khí, khi sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp sau: (i) Nếu sử dụng phân khoáng liên tục mà không chú trọng bón phân hữu cơ thì làm cho đất chua dần, đất chai cứng, giảm năng suất cây trồng. Do đó, tốt nhất phân khoáng nên trộn với phân chuồng đã hoai. Phân chuồng và các phân hữu cơ khác cần phải ủ trước. Vì sau khi ủ, nhất là ủ xốp để đưa nhiệt độ trong đống phân lên cao (> 50oC) thì các mầm bệnh do ký sinh trùng gây ra trong phân đã bị tiêu diệt, hạt cỏ dại đã mất sức nảy mầm, trứng ruồi muỗi cũng ung chết. Phân bón cho cây trồng được an toàn hơn; (ii) Nếu bón phân đạm không đúng kỹ thuật, bón nhiều, bón lúc cây không cần vừa lãng phí phân bón vừa làm xuất hiện nhiều NO3- ở trong đất, trong nước và trong sản phẩm, NO3- rất nguy hiểm, nó sẽ gây ra các bệnh như: (Bệnh trẻ xanh - Trẻ con ăn thức ăn có chứa nhiều NO3- sẽ bị thiếu máu, da xanh, còi cọc và không lớn được; Bệnh ung thư ở người lớn - Người lớn nếu ăn thức ăn có chứa nhiều nitrat sẽ bị bệnh ung thư dạ dày); (iii) Nếu bón dư thừa phân lân thì lân sẽ xâm nhập vào các nguồn nước của hồ, ao, sông suối, biển và cùng với dư thừa đạm sẽ làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển và phân huỷ của rong tảo dẫn đến hiện tượng phú dưỡng. Rong tảo phát triển mạnh che lấp mặt nước, gây thiếu dưỡng khí. Đặc biệt khi rong tảo phân huỷ nước có mùi thối, màu đen, rất độc làm cá chết hàng loạt.
- Cách sử dụng hợp lý phân bón hóa học
Giải pháp tốt nhất là phải sử dụng một cách hợp lý phân bón hóa học: (i) Bón đúng tỷ lệ giữa 3 loại phân khoáng là Nitơ; Phốt pho và Kali. Tốt nhất theo tỷ lệ sau cho các loại cây: N:P:K = 1: 0,6: 0,5; (ii) Bón đúng lúc cây cần; (iii) Cần bổ sung phân hữu cơ; tốt nhất nên ủ phân khoáng với phân chuồng, phân rác, phân xanh trước lúc bón khoảng 10 ngày trở lên; (iv) Không được sử dụng phân đạm nhiều và liên tục mà không bón cùng với các loại phân khoáng khác.
c) Ô nhiễm do sử dụng không hợp lý hóa chất bảo vệ thực vật
Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng cả về số lượng và liều lượng hoạt chất (kg /ha). Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc đã dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cho đất, nước, không khí trên đồng ruộng bị ô nhiễm. Một số nơi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong đất đã xấp xỉ bằng hoặc vượt ngưỡng giá trị cho phép theo QCVN 15: 2008/BTNMT.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đặc trưng các tác động của hoá chất bảo vệ thực vật như sau: (i) Rất độc đối các cơ thể sinh vật: Chúng thường tác động đến hệ thần kinh làm cho sinh vật uể oải, tê liệt và chết. Nếu dùng nhiều lần một loại thuốc thì côn trùng và sâu hại sẽ tạo ra sức đề kháng, trơ dần với thuốc, làm xuất hiện những loài ký sinh trùng mới, buộc chúng ta phải dùng những loại thuốc đặc hiệu hơn, nồng độ cao hơn, số lần phun nhiều hơn và môi trường càng trở nên ô nhiễm; (ii) Tồn dư lâu dài trong đất, trong nước. Sau khi phun thuốc, chúng không phân giải hết và tồn tại lâu dài trong môi trường đất và nước, sau đó qua chuỗi thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây nhiều tai biến. Như vậy, tác động của hóa chất bảo vệ thực vật rất âm thầm, lặng lẽ, có tính ăn sâu, bào mòn và khi phát bệnh ở người rất khó cứu chữa; (iii) Tác động đến sinh vật một cách không phân biệt (Hóa chất bảo vệ thực vật không chỉ tiêu diệt những sâu bọ, côn trùng có hại, mà đồng thời cũng tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích (thiên địch) như ếch, nhái, rắn, vi sinh vật, tôm, cua, cá...Theo Pamelet (1971), để chống lại 1.000 loài sâu hại, thì hóa chất bảo vệ thực vật lại tác động đến 100.000 loài động thực vật khác nhau không thuộc đối tượng phòng trừ nhưng rất cần thiết cho đời sống con người. Những sinh vật có ích này thường khống chế và ăn các sâu hại giữ cho hệ sinh thái (HST) đồng ruộng luôn được cân bằng; Đặc biệt, khối lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trung bình là 19.637 tấn/năm, chủ yếu là các vỏ bao giấy tráng kẽm, túi nilon, các loại chai nhựa và thuỷ tinh. Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hiện nay chưa được thu gom triệt để, còn để nhiều vương vãi trên đồng ruộng, kênh, mương là nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng cho môi trường đất, nước).
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý thuốc bảo vệ thực vật
Có một số nguyên nhân chính sau:
(i) Sử dụng phân bón hóa học không cân đối, không đúng lúc cây cần và bón ít phân hữu cơ;
(ii) Chưa triển khai triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM);
(iii) Các tiêu chuẩn an toàn lao động không đủ nghiêm ngặt theo phương châm 4 đúng: “Đúng thuốc; đúng liều lượng; đúng lúc và đúng cách”;
(iv) Người dân thiếu kiến thức khoa học, thiếu thông tin tư vấn về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, người nông dân xem hóa chất bảo vệ thực vật “thần dược” nên có thói quen thường xuyên sử dụng như một cứu cánh cho năng suất, sản lượng; một số khác thì vì ham lợi nhuận, mà bất chấp sự đe dọa của hóa chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe của người khác, thậm chí ngay cả bản thân mình.
Giải pháp phòng, chống ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý thuốc bảo vệ thực vật
Để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:
(i) Tuyên truyền, giáo dục để người dân thực hiện nghiêm ngặt việc lưu giữ và sử dụng theo phương châm 4 đúng “Đúng thuốc; đúng liều lượng; đúng lúc và đúng cách”;
(ii) Quản lý sâu hại tổng hợp - IPM. Để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường đất, nước trong nông nghiệp cần áp dụng biện pháp “quản lý sâu hại tổng hợp - IPM” để kìm giữ sâu hại và bệnh ở mức chấp nhận được. IPM bao gồm việc sử dụng đồng thời thuốc trừ sâu một cách có chọn lọc và dựa trên việc sử dụng những phương pháp sinh học, tính đề kháng di truyền và những thực tiễn quản lý thích hợp. Cụ thể: Biện pháp sinh học - Sử dụng thiên địch; dùng công nghệ gen để lai tạo các giống cây kháng sâu hại...; Biện pháp canh tác - Bố trí cơ cấu cây trồng như xen canh; luân canh; nông lâm nghiệp kết hợp hoặc gieo trồng, bón phân, tưới cây hợp lí, đúng qui cách giúp cây trồng khoẻ mạnh có sức đề kháng cao với sâu hại; Biện pháp hoá học - Sử dụng có giới hạn và hợp lí hóa chất bảo vệ thực vật và chỉ dùng khi các giải pháp khác không có kết quả; (iii) Áp dụng biện pháp nông lâm nghiệp kết hợp: Trồng nhiều loài cây trên cùng mảnh đất trong những trường hợp có thể theo phương thức xen canh, luân canh và nông lâm kết hợp. Bao gồm: Xen canh hay nông lâm kết hợp nhằm đa dạng hoá cây trồng, vận dụng quy luật tự nhiên là sâu hại loài cây này sẽ khống chế sâu hại loài cây khác; Luân canh: nhằm cắt thói quen ăn uống của sâu hại, cắt đứt các chuỗi thức ăn để tiêu diệt sâu hại; (iv) Đào tạo và giáo dục là rất cần thiết đối với những người trực tiếp sử dụng và những người gián tiếp tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật, để mọi người có nhận thức và kiến thức sau: Hiểu luật pháp và những quy định luật pháp về việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; Hiểu đúng các thủ tục về lưu giữ thuốc cũng như về biện pháp bảo vệ cơ bản cần áp dụng, về triệu chứng bị nhiễm độc, cách chữa trị thích hợp và chất giải độc; Hiểu đúng các thủ tục để lưu giữ thuốc và thủ tục loại bỏ thuốc một cách an toàn; Thực hiện tốt các tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân, nhận biết được các triệu chứng nhiễm độc và cấp cứu ban đầu; Về mối nguy hiểm khi dùng những vật liệu chứa hóa chất bảo vệ thực vật để giữ thức ăn, trữ nước hoặc may quần áo trong trường hợp bao bì bằng sợi nilon; hoặc vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng thuốc ra đồng ruộng; Về các biện pháp bảo vệ người sử dụng như: quần áo bảo vệ, nón mũ, bao găng tay, khẩu trang và kính bảo vệ phù hợp với nhu cầu và thích nghi với khí hậu; Về vòng đời của sâu hại, chỉ sử dụng thuốc khi số lượng sâu hại đạt đến mức gây hại và vào thời điểm thích hợp trong chu kỳ sống của chúng.
4.1.2. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Việt Nam có hơn ba nghìn sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông, suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất.
Về lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1940-1960mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3/năm), thuộc số quốc gia có lượng nước mưa vào loại lớn trên thế giới. Tuy nhiên, lượng mưa của Việt Nam phân bố rất không đều theo không gian và thời gian. Lượng mưa tập trung chủ yếu trong 4-5 tháng mùa mưa (chiếm 75-85% tổng lượng mưa năm), lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15-25%. Khu vực có lượng mưa lớn là các khu vực phía đông Trường Sơn thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ.
Về nước mặt: Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 830- 840 tỷ m3, trong đó tập trung chủ yếu (khoảng 57%) ở lưu vực sông Cửu Long, hơn 16% ở lưu vực sông Hồng, hơn 4% ở lưu vực sông Đồng Nai, còn lại ở các lưu vực sông khác. Tuy nhiên, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 310-315 tỷ m3/năm (khoảng 37%), chủ yếu thuộc các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Đồng Nai, Cả, Ba, Vu Gia-Thu Bồn.
Về nước dưới đất: Tiềm năng nguồn nước dưới đất của Việt Nam là tương đối lớn, ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng cho phát triển bền vững của ngành nông nghiệp:
(i) Nước cho nông nghiệp: nước có vai trò chủ đạo trong những thành tựu đạt được về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su...;
ii) Nước cho năng lượng: Nước góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng. Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây nguyên. Năm 2010, thuỷ điện đã đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn quốc. Dự báo tổng công suất thuỷ điện đến năm 2025 là 33.310MW, trong đó trên 80% trong số này là từ các nhà máy thuỷ điện xây dựng trên các sông của Việt Nam;
(iii) Nước cho sinh hoạt và vệ sinh: đến nay hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung và khoảng 300/635 thị trấn, thị tứ có dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt khoảng 5,4 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước của các đô thị. Hiện nay, với yêu cầu cấp nước cho khoảng 30 triệu người dân cùng với nhu cầu nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các đô thị thì cần khoảng từ 8 đến 10 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, đến nay có khoảng 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%. Nguồn cấp nước cho sinh hoạt, vệ sinh của người dân ở nhiều đô thị và phần lớn khu vực nông thôn là từ nguồn nước dưới đất.
4.1.3. Tài nguyên đa dạng sinh học nông nghiệp
Nước ta với khí hậu nhiệt đới, đã tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái rừng với trên 12.000 loài thực vật (có những loài quý như đinh, lim, sến, cẩm lai, giáng hương, lát hoa…). Khoảng 2.300 loài thực vật đang được khai thác nhằm những mục đích khác nhau.
Về động vật sống trong rừng, có khoảng 1.000 loài chim, 300 loài thú, hơn 300 loài bò sát, ếch nhái… phân bố rộng rãi; 28 loài động vật quý mang tính đặc biệt của vùng nhiệt đới như: voi, tê giác, bò rừng, bò tót, bò xám, hổ, báo, hươu sao, hươu xạ, nai cà tông, vược, vộc cá đầu xám, vộc mũi hếch, sếu trụi cổ, cò quắm cánh xanh, rắn, trăn, rùa biển…
Số loài được biết ở Việt Nam khá phong phú đa dạng, nhiều nhất là cá, kế là chim và động vật có vú.
Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang có nguy cơ bị suy giảm. Hiện có 500 loài thực vật đang trong tình trạng có khả năng hiếm và 366 các loài động vật khác nhau có nguy cơ bị tuyệt chủng.
4.1.4. Tài nguyên khí hậu nông nghiệp
Những điều kiện khí hậu của một vùng được xác định bằng giá trị của các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm không khí, mây, mưa, gió...) từ những nhân tố đó, tìm những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến đời sống cây trồng như nhiệt độ, độ ẩm đất, mưa, ánh sáng. Tổng hợp các nhân tố đó được gọi là điều kiện khí hậu nông nghiệp. Các nhân tố khác (áp suất, các hiện tượng quang học...) hầu như không có ảnh hưởng đến cây trồng, nên không gọi là điều kiện khí hậu nông nghiệp, bởi vậy giữa điều kiện khí hậu và điều kiện khí hậu nông nghiệp có một ranh giới rõ rệt.
Như vậy, tổng hợp của các yếu tố khí hậu tạo nên những điều kiện để nhận được một đại lượng năng suất nhất định gọi là tài nguyên khí hậu nông nghiệp.
Tài nguyên khí hậu nông nghiệp cho cây trồng ở một lãnh thổ cần được kiểm kê đánh giá với các yếu tố sau: (i) Tài nguyên ánh sáng và bức xạ quang hợp; (ii) Tài nguyên nhiệt (Tích nhiệt, nhiệt độ giới hạn các cấp,..); (iii) Tài nguyên ẩm và nguồn nước của đất, lượng mưa; (iv) Đánh giá điều kiện sống qua đông và các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, gió khô nóng, sương giá...
4.1.5. Lâm nghiệp với phát triển nông thôn bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường
a) Vai trò của lâm nghiệp
Nhìn chung, rừng có những vai trò và chức năng sau: (i) Rừng phòng hộ đầu nguồn trên cạn, có tác dụng: Điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu; Hạn chế xói mòn, bồi lấp lòng hồ, sông suối; Duy trì nguồn nước, chất lượng nước; Chống sạt lở đất; (ii) Rừng phòng hộ ven biển, có tác dụng: Rừng ngập mặn có thể giảm tới 80% năng lượng sóng; Giảm xói lở, bảo vệ đê biển; Giảm các thiệt hại do tác động của sóng thần; Chắn gió, hạn chế cát bay; (iii) Hấp thụ khí CO2 chống lại biến đổi khí hậu, có những tác dụng sau: Rừng hấp thụ CO2 làm giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu; Trên phạm vi toàn cầu, rừng lưu giữ khoảng 800 - 1.000 tỷ tấn các bon;
Hàng năm hấp thụ khoảng 100 tỷ tấn CO2 và thải vào khí quyển khoảng 80 tỷ tấn O2; Phá rừng gây phát thải khoảng 20% tổng khí nhà kính; (iv) Bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan tươi đẹp, với những tác dụng sau: Rừng đặc biệt là rừng nhiệt đới là nơi có tính đa dạng sinh học rất cao, nơi sinh sống của nhiều động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm; Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Mất rừng đa dạng sinh học giảm nhanh chóng; Tạo vẻ đẹp cảnh quan cho du lịch, nghỉ dưỡng; (v) Đối với sản xuất nông nghiệp, với những tác dụng sau: Rừng cung cấp nguồn nước tưới ruộng; Rừng cung cấp nguồn gen để tạo các giống cây mới; Rừng làm giảm sâu hại phá hoại mùa màng; Rừng bảo vệ đất, bảo vệ đồng ruộng cây trồng khỏi bão gió, khỏi lũ lụt và lũ quét, lũ ống.
b) Bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố sống còn cho nông nghiệp và nông thôn bền vững
Như trên đã phân tích, rừng với sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân gắn bó chặt chẽ như “môi với răng”. Có thể nói: mất rừng là mất nước, mất đất sản xuất nông nghiệp, mất các nguồn gen để tạo giống mới và làm gia tăng sự thất bát mùa vụ. Do đó, người nông dân cần phải được tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng mới, để tạo môi trường trong lành và phát triển nông nghiệp bền vững.
Để phát triển rừng bền vững trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau: (i) Tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư có hiểu biết về vai trò và chức năng của rừng, hiện trạng rừng ở địa phương; (ii) Tổ chức các phong trào trồng rừng và bảo vệ rừng, trồng cây phân tán; nhận đất trống, đồi núi trọc để phủ xanh; (iii) Xây dựng các mô hình: Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng, Vườn - Ao - Chuồng - Rừng, Cộng đồng tự quản bảo vệ rừng…; (iv) Xây dựng các đội xung kích nhằm phòng, chống cháy rừng; (v) Đấu tranh ngăn chặn những hành vi khai thác rừng trái phép.