Có bao giờ bạn tự hỏi, chúng ta là ai không?
Chúng ta có phải là cơ thể, tâm trí, trí tuệ này không?
Ai trong chúng ta nghĩ mình là cơ thể này, là tâm trí này, là trí tuệ này?
Chúng ta có cơ thể này, có tâm trí này, có trí tuệ này nhưng chúng ta không phải là cơ thể này, tâm trí này, trí tuệ này.
Cơ thể
Khi bạn sinh ra, cơ thể của bạn có 3 kg, lớn lên, bạn 50 kg, cơ thể liên tục thay đổi, sự thay đổi đó không phải là bạn.
Bạn nhìn thấy cơ thể trong gương, sớm muộn gì thì cơ thể đó cũng sẽ đi xuống đất.
Sự thật là khi chúng ta chết đi, chúng ta rời bỏ cơ thể vật lý này và tái sinh vào một cơ thể vật lý mới.
Tâm trí
Tâm trí của bạn đến từ đâu?
Tâm trí đến từ những trải nghiệm mà chúng ta có trong cuộc sống và chúng thay đổi phụ thuộc vào môi trường sống xung quanh.
Ví dụ:
• Bạn sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật, bạn có lối suy nghĩ của đạo Phật.
• Bạn sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa, bạn có lối suy nghĩ của đạo Thiên Chúa.
• Một cậu bé sinh ra ở Trung Quốc, cậu bé có suy nghĩ của người Trung Quốc, đến năm 8 tuổi, cậu bé di cư sang Mỹ sống trong 15 năm tiếp theo, vậy lối suy nghĩ của cậu bé có thay đổi không?
Khi chúng ta thay đổi môi trường sống, thay đổi trải nghiệm sống, tâm trí cũng thay đổi.
Vậy chúng ta có phải là tâm trí này không? Không! Sự thay đổi đó không phải là bạn.
Trí tuệ
Là tinh túy, cốt lõi rút ra từ những trải nghiệm mà chúng ta có trong cuộc sống. Càng nhiều trải nghiệm, càng nhiều trí tuệ.
Ví dụ:
• Chúng ta có 50 kiếp sống chúng ta có trí tuệ của 50 kiếp sống đó gộp lại.
• Chúng ta có 400 kiếp sống thì đó là trí tuệ của 400 kiếp sống đó gộp lại.
Trí tuệ ngày càng tăng trưởng qua từng kiếp sống. 50% sự tăng trưởng đó là rất nguy hiểm.
Ví dụ: Bạn có bốn kiếp sống là phụ nữ bị đàn ông lừa dối, trí tuệ của bạn cho rằng tất cả đàn ông đều khốn nạn. Đó chỉ là trải nghiệm của riêng bạn. Tất cả trải nghiệm của bạn tạo nên trí tuệ của bạn, thì nó chưa chắc là sự thật.
Bây giờ thì bạn đã hiểu, chúng ta có phải là cơ thể, tâm trí, trí tuệ này không?
Không! Vậy chúng ta là ai? Chúng ta là linh hồn.
Khi bạn là một linh hồn, bạn sẽ phải tuân theo các quy luật của linh hồn.
Bạn càng hiểu rõ các quy luật tâm linh bao nhiêu, bạn sẽ càng hiểu sâu sắc các trải nghiệm mà bạn có trong cuộc sống bấy nhiêu.
Có sáu quy luật tâm linh cơ bản:
1. Luật tâm thức/The Law of Consciousness
Hồi nhỏ đi học, trong trường thầy cô dạy rằng:
• Sinh vật sống là: cây cối, thực vật, động vật, con người.
• Sinh vật không sống là: cái bàn, cái ghế, đồ vật.
Điều đó không chính xác.
Tất cả mọi thứ đều có sự sống, có tâm thức riêng của nó.
Suy nghĩ của bạn cũng có tâm thức, vật chất cũng vậy, đều có tâm thức.
Nếu như tất cả đều có tâm thức, vậy tại sao cái này tồn tại dưới dạng cái bàn, cái kia tồn tại dưới dạng cây cối, động vật.
Vậy sự khác nhau của các dạng sống đó là điều gì?
Chính là tần số rung động của tâm thức.
Các nhà khoa học có thể đo được tần số rung động của một hòn đá.
Khi tần số rung động thay đổi, thực thể sống sẽ thay đổi trạng thái, từ:
Khoáng sản → Thực vật → Động vật → Con người → Con người Thánh linh.
Khi linh hồn trải qua nhiều kiếp sống, rung động của linh hồn cũng tăng lên.
2. Luật nhân quả/The Law of Karma
Trong tiếng phạn từ Karma có nghĩa là hành động.
Hành động ở đây bao gồm tất cả những gì bạn cảm nhận, suy nghĩ, lời nói, việc làm của bạn.
Tất cả hành động của bạn đều sẽ dẫn đến một kết quả nào đó. Luật nhân quả nói rằng tất cả những gì bạn làm đều sẽ quay trở lại với bạn.
Luật có nghĩa là bạn có hiểu nó hay không, bạn có chấp nhận nó hay không, bạn có tin nó hay không, thì nó cũng sẽ được vận hành như vậy.
Từ bao đời nay, Luật nhân quả vẫn luôn như vậy, không có gì thay đổi cả.
Bất luận bạn là ai, bạn hành động tích cực nhưng suy nghĩ bạn tiêu cực, thì nghiệp đó cũng sẽ quay trở lại với bạn.
Ví dụ: Cô gái không có tiền, đến hỏi mượn tiền của anh sếp, anh chàng cho cô gái mượn tiền, nhưng yêu cầu cô ấy lên giường với anh ta. Ý định đó là xấu thì kết quả là xấu.
Động cơ của bạn mới là quan trọng.
Bạn làm điều gì đó tốt, điều đó sẽ quay trở lại với bạn.
Bạn tràn đầy tình yêu thương, cả thế giới sẽ yêu thương bạn.
Bạn muốn bình an, thì bạn phải cho đi bình an trước.
Bạn muốn có tình bạn tốt, thì bạn phải là một người bạn tốt.
Luật nhân quả nó giống như một đồng xu, chúng có hai mặt.
Bạn không muốn điều gì thì đừng làm điều đó cho người khác.
Nếu bạn bạo lực với người khác, bạo lực sẽ quay trở lại với bạn.
Nếu bạn làm tổn thương người khác, bạn sẽ nhận lại sự tổn thương.
Khi bạn nói ra những lời mỉa mai, cay nghiệt, thì năng lượng đó cũng sẽ quay trở lại với bạn.
Khi bạn làm tổn thương ai đó, vậy làm cách nào cho bạn hiểu được là bạn không nên làm tổn thương người khác? Chỉ khi bạn trải nghiệm điều đó.
Vậy luật nhân quả có phải là sự trừng phạt để chúng ta đau khổ không? → Không
Tất cả những gì chúng ta đang chịu đựng, đó là những gì bạn đã làm trong quá khứ, trong các kiếp sống trước, nó quay lại để bạn nhận ra bài học của mình, để linh hồn của bạn được tiến hóa.
3. Luật tái sinh/The Law of Reincarnation
Khi linh hồn chọn xuống Trái đất để sống, thì được gọi là tái sinh ở Trái đất.
Bạn có tái sinh một lần duy nhất trên Trái đất không? Bạn có thể học tất cả mọi thứ trong một kiếp sống không?
Bạn học bác sĩ trong bao nhiêu lâu nhỉ? Bạn có thể học đàn, học vẽ, học nấu ăn trong một ngày không?
Có rất nhiều bài học cần phải học! Do vậy, linh hồn cần rất nhiều kiếp sống để học tất cả các bài học đó. Vì vậy, mà linh hồn tái sinh nhiều lần xuống Trái đất.
Việc chúng ta có bao nhiêu kiếp sống, đó là sự lựa chọn cá nhân của mỗi người, nó tùy thuộc vào tự do ý chí.
Bạn sẽ không hiểu được luật nhân quả, nếu như không có luật tái sinh.
Tôi cho bạn 1 ví dụ thế này: bạn mặc cái áo đầm màu trắng đến mượn tiền của tôi. Tôi cho bạn mượn.
Hôm sau, bạn mặc cái áo đầm màu đỏ, tôi đến đòi tiền của bạn “tiền của tôi đâu, trả lại đây cho tôi” thì bạn nói: “Bạn đòi cái người mặc áo đầm màu trắng ngày hôm qua đấy, hôm nay tôi mặc áo đầm màu đỏ mà”.
Bạn có thể trả lời như vậy được không nhỉ?
Luật tái sinh và luật nhân quả luôn đi song hành với nhau. Khi linh hồn chọn tái sinh ở Trái đất một lần nữa thì kế hoạch của lần sống tới như thế nào, nó phụ thuộc vào nghiệp quả của người đó từ các lần sống trước. Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều người: người sinh ra trong giàu có, người sinh ra trong nghèo khó, tất cả nó phụ thuộc vào nghiệp quả của họ.
4. Luật tiến hóa không ngừng/Law of Constant progression
Trong quá trình tiến hóa, linh hồn luôn luôn đi lên, mà không bao giờ đi lùi cả. Linh hồn luôn tiến hóa đi lên từ:
Khoáng sản → Thực vật → Động vật → Con người → Con người Thánh linh
Nếu đã tái sinh là con người, không bao giờ bạn quay trở lại làm động vật. Chỉ trừ trường hợp rất đặc biệt, bạn quay trở lại đầu thai làm động vật, khi bài học quá lớn, giết hại động vật hàng loạt, nghiệp diệt chủng chẳng hạn.
Trong kiếp sống này, bạn có làm điều gì đó tồi tệ đến như thế nào, cho dù bạn thấy kiếp sống này là thảm họa thì đó cũng chỉ là một trải nghiệm của bạn mà thôi.
Kiếp sống này, dù bạn vinh quang hay tủi nhục, thành công hay thất bại, thì linh hồn của bạn vẫn luôn tiến hóa đi lên.
Chỉ có một thất bại duy nhất của linh hồn, đó là bạn tự tử. Không bao giờ nên làm như vậy cả.
Bạn tự tử là bạn đã sỉ nhục lại sự sáng tạo của Thượng đế, Đấng Sáng Tạo của chính linh hồn bạn.
Linh hồn của bạn đã chọn thử thách đó trước khi bạn xuống Trái đất và giờ đây bạn thấy bài học đó khó quá, bạn tự tử.
Nó giống như việc bạn tự đập cái ly thủy tinh vỡ thành trăm mảnh.
Linh hồn của bạn bị phân tán thành trăm mảnh. Thì sau đó, bạn phải mất rất nhiều kiếp sống để thu hồi lại các phân mảnh linh hồn đã bị mất.
Bạn phải mất rất nhiều kiếp sống với rất nhiều trải nghiệm khó khăn hơn rất nhiều so với thử thách làm cho bạn muốn tự tử, bạn mới quay trở lại giai đoạn lúc bạn hành động tự tử.
Chúng ta không nên tỏ ra thương xót khi nhìn thấy ai đó tự tử.
Nó sẽ cổ vũ cho những người khác cũng làm như vậy. Khoảnh khắc lúc bạn tự tử, 99% là bạn đều cảm thấy hối hận về điều đó.
Đừng tin rằng cái chết sẽ giải phóng bạn khỏi những điều không hoàn hảo.
Bạn vẫn chính là mình sau khi bạn chết đi. Không có cái gì thay đổi cả, bạn chỉ từ bỏ lớp cơ thể vật lý/vỏ bọc bên ngoài này thôi. Nếu bạn nghĩ bạn sẽ trở thành thiên thần sau khi chết đi, thì tất cả mọi người đã nhảy xuống biển để trở thành thiên thần hết rồi.
Tất cả những gì xảy đến với bạn trong cuộc đời này, đều vì một mục đích tốt đẹp đằng sau đó, là để linh hồn của bạn học được bài học, để tiến hóa, phát triển.
~ Trích dẫn câu nói của Paramahansa Yogananda
5. Luật tăng tốc phát triển/The Law of Hastening Progression
Bạn có thể chọn 20 kiếp sống chỉ để học một bài học đó, hay bạn chọn một kiếp sống là có thể hoàn tất bài học đó thì đó là lựa chọn của bạn.
Đây là chỗ cho Thiền định xuất hiện.
Nếu chúng ta không thiền, một bài học, chúng ta sống nhiều kiếp, vẫn không nhận ra được bài học là gì?
Khi bạn thiền, bạn kết nối với linh hồn, bạn biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm, bạn tỉnh thức, bạn nhận ra bài học đó nhanh hơn, chúng ta tăng tốc trong quá trình phát triển.
Có nhiều người sau khi thiền, họ bảo họ đau chỗ này, nhức chỗ kia, họ gặp nhiều thử thách trong cuộc sống như mất việc làm, mối quan hệ đổ vỡ, gia đình ly dị. Việc đó rất bình thường.
Bạn có biết là khi bạn bị sốt, thì đó chính là lúc quá trình thải độc của cơ thể xảy ra đúng không? Khi sốt, nhiệt độ trong cơ thể tăng lên, độc tố, vi khuẩn sẽ được đẩy ra ngoài.
Khi bạn càng thiền nhiều, bạn sẽ càng gặp nhiều biến cố trong cuộc sống.
Đó chính là luật tăng tốc phát triển.
Bạn càng có nhiều thử thách, bạn càng học được nhiều bài học, linh hồn của bạn sẽ càng tiến hóa. Chắc chắn, bạn sẽ có khả năng để đối diện với các vấn đề đó. Nên nhớ, tất cả chúng ta rồi cuối cùng đều sẽ được khai sáng.
Linh hồn xuống Trái đất này là vì mục đích đó. Do vậy, bạn không cần quan tâm đích đến, bạn chỉ tập trung vào việc Thiền định, bạn càng có nhiều thử thách, bạn càng mở rộng trải nghiệm.
Nếu bạn muốn có những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bạn hãy làm nhiều điều tốt đẹp.
Phụng sự vô ngã là quá trình tăng tốc phát triển.
6. Luật bất định (vô thường)/The Law of Uncertainty
Bạn có biết điều gì xảy ra trong một giây nữa không?
Bạn có đảm bảo là mình còn thở trong một phút nữa không? Mọi thứ đều là bất định. Đó là luật vô thường, vì vậy mà cuộc sống của bạn luôn sống động. Đó chính là vẻ đẹp của quy luật này.
Có hàng ngàn yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Một kết quả do hàng ngàn yếu tố cấu tạo thành, chỉ một yếu tố thay đổi, kết quả sẽ thay đổi.
Bạn không thể biết kết quả như thế nào, bạn chỉ có thể dự đoán chúng.
Bạn thử hình dung thế này:
• Bạn đến Trái đất, bạn biết trước bạn có bao nhiêu kiếp sống, kiếp nào bạn được khai sáng?
• Bạn sinh ra trong một gia đình như thế nào, bạn học cái gì, làm công việc nào, cưới vợ ra sao, linh hồn nào sẽ đầu thai làm con của bạn, giờ nào thì bạn chết.
Tất tần tật mọi thứ, bạn đều biết trước cả, còn gì vui nữa không?
Bạn biết trước kết quả rồi, bạn có muốn xuống Trái đất để học các bài học đó nữa không?
Những gì xảy ra ngày mai, phụ thuộc vào hàng ngàn yếu tố. Cái duy nhất không thay đổi, chính là sự thay đổi.
Bạn có thể mong cầu vào một ngày mai tươi sáng, nhưng bạn sẽ không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.
Do đó, bạn hãy sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và chỉ có khoảnh khắc hiện tại này là sự sống.