Tháng 6 năm 2018, tôi có cơ hội tham gia chuyến retreat nghỉ dưỡng tại Resort Thôn Kinh Đông ở Củ Chi, cùng với vợ chồng thầy cô Pradeep Vijay và Navneet Kaur.
Chuyến đi đó giúp tôi giải đáp được rất nhiều những thắc mắc trên con đường thực hành tâm linh của mình, thông qua các bài học về luân xa do cô Navneet Kaur chia sẻ và thực hành Thiền định với Tinh thể Thánh linh do thầy Pradeep Vijay hướng dẫn.
Trước đây, tôi đã được học rất nhiều về luân xa, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy luân xa được giảng dạy một cách dễ hiểu và đơn giản như thế này.
Sau đó, với chủ đề về luân xa này, tôi được nghe thầy Pradeep Vijay giảng ba lần:
Lần 1: Retreat ở Củ Chi – Tháng 6.2018.
Lần 2: Retreat ở Ấn Độ – Tháng 12.2018.
Lần 3: Hội thảo về luân xa ở Sài Gòn – Tháng 5.2019.
Nhưng mỗi khi nghe lại bài thầy cô giảng, tôi đều có cảm giác mới lạ, phong phú, sinh động.
Thầy Pradeep Vijay được biết đến như là một người thông thái và uyên bác, với phong cách trò chuyện hết sức hài hước và dí dỏm, luôn mang đến những tiếng cười rôm rả cho người tham gia, nhưng vẫn không kém phần sâu sắc của một vị thầy, một người Bạn lớn, lúc nào cũng mạnh mẽ nhưng dễ gần, nghiêm khắc nhưng ấm áp, lập luận thì quyết liệt, sắc bén giúp học viên có cái nhìn logic, minh triết về khoa học Thiền định và nhận biết bản thân, dẫn đến chuyển hóa và thay đổi hành vi.
Và đây là một số kiến thức mà tôi ghi chép, đúc kết lại được.
Hiểu về hệ thống luân xa là cách giúp chúng ta tự chữa lành.
Vậy luân xa là gì?
Luân xa là các trung tâm năng lượng, là một cấu trúc cho sự tiếp nhận, tích trữ, xử lý và chuyển giao năng lượng.
Làm thế nào để hiểu về hệ thống luân xa?
Luân xa nằm trong lớp cơ thể năng lượng.
Vậy làm sao chúng ta biết được luân xa của mình đang hoạt động như thế nào?
Ví dụ khi chúng ta đang ngồi trong phòng, làm sao chúng ta biết bên ngoài sân đang có gió, có phải chúng ta nhìn thấy lá cây rung rinh, lay động, thì chúng ta biết là đang có gió thổi đúng không ạ?
Và luân xa cũng như vậy! Nhìn vào các đặc điểm biểu hiện bên ngoài của một người, chúng ta cũng có thể đánh giá tình trạng luân xa bên trong của họ như thế nào, thông qua:
1. Hình dạng cơ thể: mập, béo, ốm, gầy, tròn trịa, hay mảnh khảnh...
2. Hành vi
• Cách chúng ta suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta như thế nào?
• Cách chúng ta đối diện với các thử thách trong cuộc sống ra sao?
3. Môi trường sống: Chúng ta chỉ thu hút về mình những người có cùng tần số rung động để giúp mình thấy được bên trong, hiểu được mô thức hoạt động của chính mình.
Làm thế nào mà luân xa lại bị tắc nghẽn?
Học viên trả lời: do nghiệp quả ạ Thầy Pradeep đáp: Không. Chính những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống sẽ làm tắc nghẽn các luân xa.
Chẳng hạn như: Tổn thương thời thơ ấu, hệ thống niềm tin giới hạn, chấn thương của cơ thể vật lý (phẫu thuật, tai nạn), môi trường sống áp bức, hà khắc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người xung quanh.
• Nỗi sợ hãi sẽ làm tổn thương luân xa một, liên quan đến sự sống còn.
• Mặc cảm tội lỗi sẽ làm tổn thương luân xa hai, liên quan đến cảm xúc và tính dục.
• Sự xấu hổ sẽ làm tổn thương luân xa thứ ba, liên quan đến sức mạnh ý chí, hành động, quyền lực.
• Đau khổ, buồn bã sẽ làm tắc nghẽn luân xa bốn (luân xa tim), liên quan đến thể hiện tình yêu, mối quan hệ.
• Những lời nói dối mà bạn nói với chính mình sẽ làm tổn thương luân xa năm (luân xa cổ họng), liên quan đến nói và được nghe.
• Những ảo tưởng sẽ không kích hoạt được luân xa sáu (con mắt thứ ba), liên quan đến tầm nhìn, trực giác.
• Dính mắc vào bản ngã sẽ không mở rộng được luân xa bảy (luân xa vương miện), liên quan đến khả năng kết nối với cái tôi cao hơn (Higher Self), đón nhận năng lượng vũ trụ.
Tất cả các luân xa của con người phải được cân bằng. Từ đó, nguồn năng lượng vũ trụ mới có thể chảy tràn vào trong cơ thể, và đây là những kênh dẫn để năng lượng từ vũ trụ đi vào cơ thể, cái chúng ta cần để trải nghiệm cuộc sống mà không gặp bất cứ vấn đề nào về sức khỏe trên cơ thể vật lý.
Và khi luân xa bị tắc nghẽn, chúng sẽ biểu hiện ra bên ngoài như thế nào?
Chúng sẽ biểu hiện ra một số mô thức hành động của bạn, cách bạn đối diện với các thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
Có ba mô thức phản ứng lại với các tình huống xảy ra trong cuộc sống:
1. Khuôn mẫu luân xa thừa năng lượng
Biểu hiện là chiến lược đối phó quá mức (chiến đấu tới cùng): bạn quá chú tâm vào các tình huống xảy ra trong cuộc sống, dồn năng lượng và sự chú ý để chống lại sự căng thẳng hoặc vấn đề tiêu cực. Năng lượng của luân xa trở nên dày đặc và trì trệ, năng lượng không thể luân chuyển.
Ví dụ: Những người muốn thống trị người khác, thường bên trong có sự bất an, nên để có cảm giác an toàn, họ có xu hướng thống trị người khác, điều này biểu hiện sự dư thừa năng lượng của luân xa ba.
Và người quá thừa cân, thường dùng sức mạnh của cơ thể để tự vệ, và cảm giác gắn chặt với đất, dư thừa năng lượng của luân xa một.
2. Khuôn mẫu luân xa thiếu năng lượng
Biểu hiện là chiến lược bỏ chạy: Bạn thiếu năng lượng để đối diện với các vấn đề trong cuộc sống. Năng lượng của luân xa trở nên trống rỗng, năng lượng không đủ để luân chuyển.
Ví dụ: Một người cảm thấy yếu thế, sẽ nỗ lực trốn tránh những thử thách đến với họ. Người này không bao giờ học được cách nói sự thật trong họ một cách mạnh mẽ, dẫn đến luân xa năm cũng yếu.
Một người sống trong sự cô đơn, sẽ không biết cách tạo ra mối quan hệ, họ có xu hướng rút lui, biểu hiện của yếu luân xa tim.
Nếu luân xa hai dư năng lượng, trong hôn nhân sẽ thấy có những phụ nữ dành rất nhiều thời gian để chăm sóc, chiều chuộng người chồng, nhưng mối quan hệ đó vẫn không suôn sẻ, hôn nhân vẫn bế tắc. Ngược lại, có nhiều phụ nữ, họ không muốn đàn ông, cưới làm gì cho khổ, họ bị thiếu hụt năng lượng ở luân xa hai.
3. Khuôn mẫu luân xa vừa thừa vừa thiếu năng lượng
Ví dụ: Luân xa một liên quan đến sự sinh tồn, có rất nhiều người, họ dành rất nhiều thời gian để lập một bản kế hoạch chi tiêu rất tỉ mỉ, liệt kê từng khoản tiền nhỏ nhặt bỏ ra hằng ngày một cách chi li, tập trung kiếm tiền, có nhiều tiền nhưng vẫn sợ thiếu.
Một luân xa trữ quá nhiều năng lượng hay có quá ít năng lượng, cũng sẽ dẫn tới tắc nghẽn.
Mục tiêu của một người thực hành tâm linh, đó là cân bằng hệ thống luân xa.
Chỉ cần một luân xa nào đó bị tắc nghẽn, thì năng lượng không thể di chuyển đi lên, cũng không thể đi xuống được, dẫn tới tình trạng mất cân bằng toàn bộ hệ thống luân xa.
0 – 6 tuổi: Là giai đoạn vàng để phát triển, nhưng đây cũng là giai đoạn dễ tổn thương nhất, nếu người lớn có những hành vi tiêu cực, sẽ làm tổn thương trực tiếp vào lớp cơ thể năng lượng của đứa trẻ, chỉ cần đứa trẻ có một trải nghiệm tiêu cực, cũng sẽ làm tổn thương hệ thống luân xa và tổn thương đó sẽ đi theo đứa trẻ đến khi lớn.