Luân xa hai liên quan đến yếu tố nước.
Luân xa hai phát triển từ sáu tháng đến lúc hai tuổi. Đó là lúc, trẻ học cách cảm nhận những gì đang xảy ra xung quanh, trẻ nhìn xung quanh, bỏ đồ vật vào miệng để nếm.
YẾU TỐ LÀM MẤT CÂN BẰNG LUÂN XA HAI: CẢM GIÁC TỘI LỖI
YẾU TỐ CÂN BẰNG LUÂN XA HAI: SỰ TRONG SÁNG
Cảm giác tội lỗi xuất hiện khi bạn cảm thấy hành vi của mình sai trái hoặc phạm tội. Khi cảm giác tội lỗi bị nội tâm hóa, nó hình thành thói quen dẫn đến:
• Bạn không thể biểu đạt cảm xúc và khao khát thật của mình.
• Bạn không thể cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn. Trái ngược với mặc cảm tội lỗi là sự vô tội, ngây thơ, trong sáng, thuần khiết, tự do là chính mình.
1. Những trải nghiệm nào trong cuộc sống làm cho bạn cảm thấy tội lỗi, dẫn tới luân xa hai bị tổn thương?
Môi trường, không khí nuôi dưỡng trong gia đình khi còn là trẻ nhỏ như: lạnh nhạt, thiếu sự quan tâm, hay yêu thương, ân cần, chăm sóc.
• Trẻ bị đóng băng, tê liệt cảm xúc
Người lớn nói với trẻ: “Con không được khóc. Mất có một miếng sticker thôi mà cũng khóc, nín ngay!!!”
Trẻ không được cảm nhận vui buồn theo cách của trẻ, mà phải cảm nhận theo cách của người lớn, cái mà ba mẹ muốn, dẫn đến rối loạn biểu hiện cảm xúc.
• Cảm xúc là gì? Đó là năng lượng tạo ra hành động. Cảm xúc giống như nước, nó phải được tuôn chảy.
Hãy quan sát một đứa trẻ: nó khóc xong rồi nó cười, xong sau đó nó chơi tiếp.
Còn người lớn chúng ta: sáng đi làm giận vợ không ủi cho bộ quần áo, chiều về vẫn giận tiếp.
Cảm xúc không được tuôn chảy, không được buông bỏ, dẫn tới đóng băng, tắc nghẽn cảm xúc, luân xa hai mất cân bằng.
• Chúng ta luôn mang theo một “cái bóng”, đó là những cảm xúc đè nén, mà không thể hiện được ra ngoài, rồi chúng ta bị chính cái bóng ảnh hưởng.
Ví dụ
Lúc nhỏ, đứa trẻ tức giận, mẹ bảo con phải cười, không được nóng nảy, tức giận là không ngoan, đứa trẻ đè nén cảm xúc của mình. Lớn lên thấy ai đó tức giận, thì đứa trẻ chỉ trích người đó, tại sao lại tỏ ra tức giận như vậy, điều đó là không tốt.
Họ đang né tránh cái bóng giận dữ ở bên trong chính họ.
Thực tế 99% sự phán xét về một ai đó là chúng ta đang phán xét cái bóng của mình, bởi vì chúng ta đã bị đè nén cảm xúc đó quá lâu từ lúc nhỏ, nó trở thành cái bóng đi theo ta, và khi lớn lên, thấy điều tương tự xảy ra ở người khác, chúng ta quay ra chỉ trích người đó.
Ai cũng có cái bóng của mình, vì vậy, trước khi phán xét người khác, hãy quay ngược ngón tay, chỉ vào chính mình, xem xét cái bóng ở bên trong chính mình trước đã.
Khi phải làm theo mong muốn của cha mẹ, trẻ không muốn làm, chúng sẽ cảm thấy tội lỗi
Đứa trẻ bắt đầu lớn, chúng sẽ muốn độc lập, nhưng ba mẹ vẫn muốn trẻ phải vâng lời.
Đứa trẻ: Khi con 15 tuổi, con nói con muốn làm họa sĩ. Người mẹ: Mẹ biết điều gì là tốt cho con, con phải trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư.
Đứa trẻ: Khi con 25 tuổi, con nói con muốn lấy cô gái này.
Người cha: Ba là ba của con, ba biết điều gì là tốt cho con, ba sẽ chọn vợ cho con, nếu con không nghe, ba sẽ không chia thừa kế, tài sản cho con.
Đứa trẻ dù lớn nhưng vẫn phụ thuộc vào ba mẹ và không thể độc lập được. Trong mối quan hệ bó buộc như vậy, một kẻ thì trở nên vô dụng, phụ thuộc vào người khác, một người thì trở nên thao túng, kiểm soát.
Có người mẹ than rằng: Con trai tôi không biết làm cái gì cả, tôi nấu cơm cho nó ăn, tìm việc làm cho nó, chọn vợ cho nó, tôi chăm lo cho nó từ nhỏ đến lớn. Còn “đứa trẻ” thì bị tổn thương luân xa hai. Những đứa trẻ được chăm sóc như gà công nghiệp, ngoan ngoãn một cách mê muội, thường có xu hướng không thể hiện được bản thân.
Liên quan đến sự thỏa mãn
Trẻ nhỏ thích được thỏa mãn: bánh, kẹo, đồ chơi, nhưng người lớn ngắt sự thỏa mãn của con, ngăn cản trẻ không được chơi nữa.
Khi tất cả những nhu cầu, ham muốn của trẻ không được đáp ứng, trẻ sẽ đói, lớn lên sẽ thèm khát và đòi hỏi.
Ví dụ: Có cô gái đã có 30 cái túi xách hàng hiệu ở nhà, nhưng khi đi ra đường thấy cái túi xách Gucci giảm giá, vẫn lao vào mua, bởi vì sự thèm khát bên trong, mua để thỏa mãn. Tương tự như vậy, với các cơn thèm khát: điện thoại, quần áo, giầy dép...
Đó là vì khi còn nhỏ bị bố mẹ chặn các ham muốn, không được thỏa mãn, nên lớn lên có xu hướng muốn bù đắp. Nếu không được thỏa mãn ham muốn bên trong, trẻ có thể dẫn đến nghiện: nghiện rượu, nghiện game, nghiện ma túy, nghiện sex… Mô thức không được thỏa mãn ngấm vào bên trong, nên khi chúng ta tìm cách thỏa mãn sẽ mang cảm giác tội lỗi là làm sai.
Lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp: người có những trải nghiệm tiêu cực này, sẽ cảm thấy rất tội lỗi, xấu hổ, nhục nhã, và đây là một tổn thương nghiêm trọng đối với tất cả các luân xa.
2. Khi luân xa hai bị tổn thương, thì chúng ta sẽ có những biểu hiện như thế nào?
Thiếu hụt năng lượng ở luân xa hai
• Thiếu hụt cảm xúc, không có ham muốn, không đam mê, không khao khát.
• EQ thấp: họ không biết người đối diện đang cảm thấy như thế nào cả?
Chúng ta mất kết nối với cảm xúc của chính mình, chúng ta cũng kết nối kém với cảm xúc của người khác và tự tạo cho mình một rào chắn quá mức.
Ví dụ có cô gái nói, tôi muốn sống độc thân, tôi không thích giao tiếp với ai cả, nhưng bên trong là do cô ấy sợ quan hệ tình dục.
• Từ chối sự thỏa mãn, khao khát bên trong họ.
Các kỳ nghỉ lễ: Có một số người, họ bảo là tôi không cần đi chơi, họ không cần nghỉ lễ, họ ở nhà làm việc tiếp, họ không biết tận hưởng cuộc sống.
• Các kỹ năng xã hội kém.
Thái quá năng lượng ở luân xa hai
• Bị điều khiển bởi cảm xúc của họ, quá nhạy cảm.
Chồng đi làm, gặp chuyện bực mình ở công ty, rất tức giận, tối về nhà có một bữa tiệc của gia đình đã lên kế hoạch trước, nhưng hôm nay vì khó chịu chuyện công ty, nên hủy luôn tiệc gia đình.
Họ đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc của họ ở thời điểm hiện tại, mà cảm xúc là dòng chảy, lúc này chúng ta có thể giận, nhưng sau đó chúng ta hết giận.
• Lệ thuộc cảm xúc, không có khả năng tạo ranh giới, phụ thuộc tình cảm và dựa dẫm
Chồng tôi hạnh phúc thì tôi mới hạnh phúc, mẹ tôi vui thì tôi mới vui. Chồng đi làm mang nỗi buồn bã về nhà, thì vợ cũng buồn theo, rồi nỗi buồn đó lây sang cho các con. Cả nhà đều buồn. Họ không nhận dạng được cảm xúc của mình, mà phải thông qua cảm xúc của người khác.
• Thao túng người khác dựa trên sự “quyến rũ” về cơ thể của mình (do luân xa hai liên quan đến tính dục).
Có những người, ai đó nói chuyện với họ, xin số điện thoại của họ, họ lại nghĩ: À, chắc người đó thích mình.
Họ thay đổi người yêu liên tục và khi có người yêu mới, họ mới cảm thấy có sức mạnh, quyền lực, năng lượng lên cao.
• Nghiện sự thỏa mãn, thèm muốn và nghiện ngập.
3. Luân xa hai cân bằng thì sẽ như thế nào?
Nhận biết và hiểu được các cảm xúc của mình, tin vào cảm xúc của chính mình
Tự họ biết họ nên cảm thấy như thế nào, không cần ai phải nói cho họ biết là họ phải cảm thấy ra sao. Chỉ số EQ cao và cân bằng.
Ví dụ
Ai đó có người thân qua đời, họ vẫn có thể ngồi bên cạnh an ủi, nhưng không dính mắc vào cảm xúc của người đó.
Họ cảm thấy vui thì vui, buồn thì buồn, họ không cần phải hòa nhập vào cảm xúc của môi trường xung quanh.
Tạo cho mình một ranh giới cảm xúc lành mạnh
Người khác có cảm thấy như thế nào thì điều đó vẫn sẽ không ảnh hưởng đến cảm xúc của họ.
Hoạt động tình dục lành mạnh và hài hòa.
Cân bằng trong việc tiếp cận với các niềm vui, thú vui chơi, giải trí, thỏa mãn cuộc sống một cách hài hòa nhưng không tiêu xài hoang phí vào những việc shopping, du lịch…
4. Vậy làm cách nào chúng ta có thể cân bằng luân xa hai?
Nâng cao sự nhận biết: thiền sâu
Khi có ai đó hỏi bạn, bạn đang cảm thấy như thế nào? Bạn trả lời: Tôi ổn.
Hỏi lại thêm một lần nữa, bạn thật sự đang cảm thấy như thế nào? Bạn trả lời: Tôi ổn.
Trong từ điển của bạn chỉ có hai từ vựng để trả lời: ổn hoặc không ổn.
Nhưng bạn có biết, giữa hai trạng thái đó, còn biết bao những cung bậc cảm xúc khác: giận dữ, tức giận, bực mình, khó chịu, không thoải mái, bình an, nhẹ nhàng, thanh thản, vui vẻ, hân hoan, sung sướng, hạnh phúc, phúc lạc...
Khi bạn định danh chính xác cảm xúc của mình là gì, bạn sẽ dễ dàng cân bằng cảm xúc hơn.
Bạn có thể đến một buổi hội thảo dạy về kỹ năng sống để người ta giúp bạn quản lý cảm xúc được không?
Để quản trị cảm xúc, bạn chỉ việc quan sát, chứng kiến cảm xúc xảy ra.
Vậy chứng kiến có nghĩa là sao?
Ai đã từng đi biển, chứng kiến cảnh bình minh mặt trời từ từ nhô lên rồi hoàng hôn từ từ hạ xuống chưa?
Chúng ta chỉ quan sát cảnh mặt trời mọc và lặn. Chúng ta có làm gì, tác động như thế nào để mặt trời dừng lại, đừng nhô lên – hạ xuống nữa được hay không?
Đó gọi là chứng kiến.
Cảm xúc cũng như thế, bạn chỉ có thể chứng kiến cảm xúc trồi lên và lắng xuống.
Khi bạn quan sát cảm xúc của mình, nhận biết được chúng, thì bạn sẽ có cơ hội chuyển hóa nó đi.
Vậy làm sao bạn có thể tăng khả năng quan sát cảm xúc của mình.
Chỉ khi bạn thực hành Thiền định chân thành và nghiêm túc, tâm trí trở nên trống rỗng, bạn mới có khả năng quan sát, chứng kiến mọi việc diễn ra như nó đang là.
Chúng ta thử phân tích, tại sao bạn lại tức giận?
Khi bạn quá giận dữ, bạn sẽ trở thành nô lệ của cảm xúc, bị cảm xúc thao túng.
Ví dụ: Một người mẹ nói với con: “Con không được làm việc này”. Đứa trẻ vẫn làm.
Nói lần thứ hai: “Con không được làm việc này nữa”. Đứa trẻ vẫn làm.
Nói đến lần thứ ba thì người mẹ quát lên: “Mẹ đã nói với con là con không được làm việc này nữa rồi cơ mà”.
Người mẹ trở nên tức giận. Vậy tại sao người mẹ tức giận? Người mẹ cảm thấy bất lực trước tình huống đó.
Khi chúng ta chuẩn bị giận, chúng ta hãy quan sát cơn giận. Khi bạn thiền, bạn quan sát hơi thở, đồng nghĩa là bạn cũng tăng khả năng quan sát cảm xúc của mình, bạn không phản ứng lại với cảm xúc đó thì bạn mới quản trị được cảm xúc, không bị cảm xúc thao túng.
Quay trở lại ví dụ khi người mẹ nói đứa con không nghe, người mẹ chứng kiến cảm xúc của mình, người mẹ nhận ra là mình cảm thấy bất lực trước sự bướng bỉnh của đứa con, người mẹ sẽ tìm cách sáng tạo hơn để xử lý tình huống đó một cách nhẹ nhàng đi.
Người mẹ trở nên sáng tạo.
Tiếng Anh có từ Reactive (phản ứng), điều đó có nghĩa là gì?
Khi bạn định phản ứng lại, bạn chỉ việc chậm lại một chút, quan sát, nhận định cảm xúc của mình là gì, lấy chữ “c” ở giữa chữ Reactive đem ra đằng trước để, bạn sẽ có chữ: Creative (sự sáng tạo).
Ngừng tạo ra vấn đề
• Ngừng phán xét chính mình và phán xét người khác
Mặc cảm tội lỗi nó đến từ đâu? Tại sao chúng ta cảm thấy tội lỗi? Khi chúng ta làm điều gì đó sai.
Ai là người quyết định điều đó là sai?
Bạn! Chính bạn phán xét điều đó là: sai.
Vậy bạn biết gì về mình?
Bạn là ai?
Bạn từ đâu tới?
Mục đích sống của bạn là gì?
Kế hoạch cuộc đời của bạn như thế nào?
Lý do vì sao bạn có mặt ở đây?
Bạn không biết gì về chính mình cả. Vậy mà bạn vẫn cứ phán xét chính mình rằng điều đó tôi làm sai.
Bạn đừng phán xét gì cả, đừng phán xét chính mình và cũng đừng phán xét người khác.
Bạn không biết chính mình như thế nào, thì làm sao bạn biết người khác ra sao, hoàn cảnh sinh trưởng của người ta như thế nào, họ đã trải qua những việc gì?
Khi bạn phán xét người khác, bạn chỉ đang phán xét cái bóng ở bên trong chính bạn mà thôi.
Mặc cảm tội lỗi là liều thuốc độc, đầu độc linh hồn bạn. Linh hồn sẽ co rúm lại và không phát triển được nữa.
Bản chất tự nhiên của cuộc sống là chúng ta được quyền thử và sai, thông qua cái sai chúng ta mới có trải nghiệm, học được bài học, để linh hồn có sự tiến hóa, tiến bộ.
Mỗi khi bạn làm sai, bạn không cần phán xét chính mình, vì điều đó có thể dạy cho bạn được nhiều bài học cần thiết trong cuộc sống. Bạn phải tỏ lòng biết ơn cái sai đó, nhờ lỗi lầm đó mà linh hồn bạn mới được tiến hóa.
Bạn chỉ chứng kiến và học từ sai lầm mà không nên cảm thấy tội lỗi.
Tất cả chúng ta đều đã từng là một đứa trẻ. Và tất cả chúng ta đều đã từng làm sai.
Bạn quan sát một đứa trẻ, bạn sẽ thấy: chúng học hỏi, khám phá mọi thứ với sự ngây thơ, trong sáng của mình.
Và khi chúng ta lớn lên, bạn đánh mất sự trong sáng, thuần khiết đó. Tại sao thế?
Chỉ khi nào bạn lấy lại được sự ngây thơ, trong sáng như một đứa trẻ, thì linh hồn của bạn mới phát triển được.
• Tha thứ cho chính mình và tha thứ cho người khác
Năm năm trước, bạn đã làm một điều gì đó tồi tệ, bạn nên hiểu là, tại thời điểm đó, bạn đã làm tốt nhất với sự hiểu biết và nhận thức của bạn, bạn chỉ làm được như vậy thôi. Vì vậy hãy tha thứ cho chính mình.
Nhưng ai đó làm điều tồi tệ với tôi, làm sao tôi có thể tha thứ cho họ được?
Bạn phải có lòng trắc ẩn. Họ đã làm hết sức có thể với khả năng và nhận thức của họ tại thời điểm đó rồi.
Mỗi linh hồn đều đang đi trên hành trình tiến hóa của riêng mình.
Bạn nên tôn trọng hành trình phát triển của mỗi người. Bạn càng quan sát, bạn sẽ có sự nhận thức tốt hơn, nó giúp bạn giải phóng khỏi các dính mắc cảm xúc tội lỗi, bạn mới có thể trở nên trong sáng, thuần khiết như một đứa trẻ.
• Mỗi khi bạn có cảm xúc tiêu cực trồi lên, hãy dành thời gian tắm nhiều hơn và ở gần nước. Nước giúp bạn tách mình ra khỏi cảm xúc tiêu cực, từ đó chúng ta mới dễ dàng chứng kiến và chuyển hóa các cảm xúc đó được.