1. Chuẩn bị trước khi Thiền định
• Nên uống nước trước và sau khi thiền.
Uống nước trước khi thiền để không bị nóng trong cơ thể. Sau khi thiền, uống nước để quay về trạng thái cân bằng.
• Càng giữ im lặng, càng đi sâu vào Thiền định
• Nếu thiền trong nhà, nên để phòng tối nhất có thể.
• Có thể sử dụng mùi hương, xông tinh dầu để thư giãn đầu óc.
• Đội nón kim tự tháp hoặc ngồi dưới kim tự tháp để nhận năng lượng gấp ba lần nếu có, không bắt buộc.
2. Thiền định có ba bước đơn giản như sau
Bước thứ nhất: Làm cho cơ thể yên lặng
Bạn ngồi xuống, đan tay, đan chân, khóa cơ thể của mình lại, chúng ta neo năng lượng nhận được trong lúc thiền, điều này đã được khoa học nghiên cứu.
Giang tay, thủ ấn, chúng ta sẽ để năng lượng thoát ra ngoài. Nếu bạn không biết cái nào là đúng, bạn có thể thử nghiệm và tự đánh giá, cách nào bạn nhận được năng lượng nhiều hơn, rồi tự đưa ra quyết định của mình.
Bạn không cần phải giữ lưng thẳng cứng, không gây khó chịu cho cơ thể, bạn có thể ngồi trên ghế dựa, salon, ngồi ở đâu cũng được.
Bạn ngồi hoàn toàn thoải mái, đó chính là tư thế thiền.
Bạn ngồi thoải mái, bạn sẽ ngồi được lâu và thiền sâu.
Bước thứ hai: Làm cho tâm trí trống rỗng bằng cách quan sát hơi thở
Khi bạn không làm gì cả, bạn ngồi nhắm mắt lại, bạn sẽ nhận thấy mình thở.
Khi chúng ta chào đời, chúng ta bắt đầu sự sống bằng hơi thở đầu tiên.
Khi chúng ta chết đi, chúng ta trút hơi thở cuối cùng.
Hơi thở đầu tiên, cũng như hơi thở cuối cùng, tất cả đều xảy ra tự động.
Khi tôi nói, tôi đang thở, khi bạn nghe, bạn cũng đang thở. Hơi thở diễn ra một cách tự nhiên, thì nó sẽ vượt ra khỏi tâm trí.
Chúng ta cần phải hiểu cơ chế vận hành của tâm trí. Tâm trí là tất cả những suy nghĩ xung quanh bạn.
Tâm trí chỉ nghĩ những gì nó thích. Đó là bản chất tự nhiên của tâm trí.
Tâm trí không đứng yên ở hiện tại. Nếu tâm trí dừng lại, có nghĩa là tâm trí chết, nên nó sẽ tìm mọi cách để suy nghĩ.
Nếu tâm trí đầy những suy nghĩ, làm sao bạn có thể chạm đến kế hoạch của linh hồn, sự sáng tạo của vũ trụ, sự yêu thương của Thượng đế.
Điều gì là thú vị, điều gì là ngạc nhiên? Điều gì là khó khăn, điều gì thử thách?
Tâm trí là tất cả những gì bạn nghĩ về mình. Bạn nghĩ bạn là người đặc biệt. Tâm trí luôn thích sự chia rẽ.
Bạn không phải là cơ thể, tâm trí, trí tuệ này, bạn còn vượt lên trên những điều đó.
Bạn phải vượt ra khỏi tâm trí của mình.
Bạn là linh hồn. Một khi bạn chưa kết nối được với linh hồn, thì làm thế nào bạn có thể đánh giá chính mình.
Tất cả mọi thứ xảy ra trong cuộc đời của bạn đều có lý do. Linh hồn có rung động cao. Tâm trí có rung động thấp.
Vậy làm thế nào mà chúng ta có thể hiểu được những gì đang xảy ra? Mọi trải nghiệm mà bạn có trong cuộc sống? Kế hoạch linh hồn của bạn là gì?
Chỉ khi tắt hẳn tâm trí đi, bạn mới kết nối được với thông điệp vũ trụ, kết nối với dữ liệu nguồn, đổ thông tin về.
Vì vậy, mục tiêu của Thiền định là làm cho tâm trí trống rỗng. Thiền rất đơn giản là quan sát hơi thở. Khi bạn quan sát hơi thở, tâm trí sẽ trống rỗng.
Bước thứ ba: Bất cứ khi nào có suy nghĩ đến, hãy cắt ngay và quay về quan sát hơi thở
Khi bạn nhắm mắt lại, bạn nhận thấy có rất nhiều tạp niệm, không phân tích, không đánh giá, không đi theo, không đấu tranh.
Cắt, quay về quan sát hơi thở.
Có những người trong lúc thiền, họ nói là họ nhìn thấy hình ảnh của thần thánh, chư tiên, Phật, Chúa... Điều đó rất dễ đi vào ảo tưởng.
Tất cả chỉ là trải nghiệm trong Thiền định, đừng cố phân tích các trải nghiệm đó, khoảnh khắc khi bạn phân tích một cái gì đó thấy trong thiền, chúng ta đã sử dụng tâm trí, thì bạn cũng hết thiền rồi. Chúng ta chỉ quan sát các trải nghiệm đó mà thôi.
Khi bạn đi xem phim, bạn coi tới cảnh lãng mạn, bạn thấy hai người đang hôn nhau, tới cảnh đánh nhau, thì bạn thấy hai nhân vật đang đánh lộn. Bạn chỉ xem bộ phim đó thôi, bạn có phân tích bộ phim đó không?
Trong lúc thiền, bạn thấy có một người đàn ông râu tóc bạc phơ, ông ấy đến nói cho bạn biết một điều gì đó, rồi ông ấy đi, bạn chỉ quan sát điều đó, mà bạn không cần phải phân tích.
Ở thời kỳ đầu, ai cũng thích có trải nghiệm.
Thiền lâu rồi, bạn sẽ thấy không có trải nghiệm gì cả.
Càng đi lên cao, chúng ta càng kết nối với linh hồn, bước ra khỏi các ảo tưởng của chính mình.
Thiền định: chỉ là quan sát hơi thở
Không cố tìm các trải nghiệm trong Thiền định
Thành công trong Thiền định là:
• Không mở mắt.
• Không rời tay khỏi tư thế khóa.
Mỗi ngày, bạn cứ thiền đều đặn, mới đầu, bạn chỉ có một phút, hai phút, rồi ba phút tĩnh lặng hoàn toàn, dần dần bạn sẽ đạt được sự trống rỗng tâm trí.
Thời gian bao lâu không quan trọng. Bạn chỉ tập trung vào sự chuyển hóa của chính mình. Có người đạt được sự trống rỗng tâm trí trong một tháng hoặc có khi một năm. Bạn không cần bận tâm. Bạn chỉ tập trung vào ngày hôm nay, ngày mai sẽ tươi sáng.
Thiền tốt hay không, nó còn phụ thuộc vào nghiệp quả của bạn, có nhiều cảm xúc tiêu cực, sẽ khó thiền sâu.
Vì vậy, nếu bạn muốn đạt được nhiều lợi ích trong Thiền định, bạn cần phải thanh lọc cơ thể – cảm xúc – tâm trí.
3. Những giai đoạn trong Thiền định
• Ngồi cho việc thiền (Sitting For): ngồi nhắm mắt, ngồi để thiền, ngồi để quan sát. Đây có thể là giai đoạn bạn cảm thấy khó khăn, đau đủ thứ, suy nghĩ lung tung.
Khi bạn vẫn còn cảm thấy những điều này, bạn đang ở giai đoạn một – khó chịu khi ngồi thiền.
• Ngồi trong thiền (Sitting In): vài phút trải nghiệm sự tĩnh lặng của tâm trí.
Giai đoạn này bạn sẽ thấy, thoải mái, ngồi cũng được, nên bạn cứ ngồi.
• Trải nghiệm trong thiền (Experience): lúc này, tâm trí hoàn toàn trống rỗng, lúc nào bạn cũng muốn ngồi thiền, nhu cầu thiền của bạn là rất lớn.
• Chứng kiến sự chuyển hóa (Witness transformation).
4. Các trạng thái trong Thiền định
• Ngồi và quan sát hơi thở: khi suy nghĩ đến hãy cắt quay về quan sát hơi thở.
• Tâm trí hoàn toàn trống rỗng: quá trình tự chữa lành sẽ xảy ra.
• Hơi thở trở nên ngắn, không còn suy nghĩ, không còn hơi thở: đây là trạng thái Thiền định sâu.
Lúc này, cảm xúc có thể trồi lên, chỉ quan sát cảm xúc.
Không sợ hãi, hãy tin tưởng vào tiến trình và Thiền định một cách chân thành.
Đạt trạng thái đại định (Samadhi) của một yogi.
• Kích hoạt con mắt thứ ba: ngứa ngứa, nặng, kích thích vùng giữa hai chân mày.
• Con mắt thứ ba mở hoàn toàn:
Tầm nhìn trở nên rộng hơn, thấy tiền kiếp, hiểu được mọi thứ đằng sau những gì đã xảy ra, nhận biết về mục tiêu cuộc đời mình, nhìn vượt ra khỏi những gì mà tâm trí suy nghĩ, thấy được toàn cảnh, bức tranh rộng lớn hơn, những thử thách trong cuộc sống.
• Con mắt thứ ba đóng lại, con mắt thứ tư mở ra: con mắt của trí huệ.
Bạn sẽ hiểu bất cứ điều gì đã diễn ra đều vì một mục đích tốt đẹp ở đằng sau đó.
Hiểu được minh triết Thiền định, đâu là sự thật, đâu là chân lý. Trực giác trở nên rất mạnh mẽ, tất cả những gì bạn làm, nó đều đến từ sự dẫn dắt ở bên trong.
• Khai sáng: trạng thái lễ hội, vượt qua mọi đau khổ, buông bỏ mọi cảm xúc, dính mắc.
5. Thế nào là thiền đúng?
Thiền đúng là làm cho tâm trí trống rỗng.
Thiền sai là chúng ta dùng tâm trí để làm trống rỗng tâm trí.
Tất cả những thứ bạn làm bằng cơ thể vật lý, sử dụng năm giác quan: nói, nghe, nhìn, hình dung, tưởng tượng, chuyển động cơ thể… thì đều là có sử dụng tâm trí.
Chỉ có một thứ duy nhất, không sử dụng tâm trí, đó là quan sát hơi thở.
Khi bạn đọc kinh, tụng chú, hình dung, tưởng tượng, thủ ấn, nhảy – múa – hát các kiểu... bạn đang sử dụng tâm trí.
Vậy làm thế nào bạn có thể làm cho trống rỗng tâm trí được? Khi bạn sử dụng tâm trí, đó không phải là thiền.
• Niệm chú: là một hình thức thư giãn tâm trí, bạn cảm thấy đầu óc thư giãn nhưng tâm trí thì không đi về con số không.
• Hình dung, tưởng tượng: là dùng tâm trí hướng sự tập trung vào một chủ đề nào đó.
• Thủ ấn: có vai trò riêng của nó. Khi bạn bắt một cái ấn nào đấy, đó là một hình thức giao tiếp tâm linh, những ấn khác nhau, cho những mục đích giao tiếp tâm linh khác nhau.
Thiền đúng:
+ Cơ thể vật lý được chữa lành.
+ Tâm trí được trống rỗng: không còn suy nghĩ gì cả.
+ Trí tuệ được mở ra: hiểu sự thật và chân lý.
+ Kết nối với Higher Self, linh hồn.
Và đây là trải nghiệm của thầy Pradeep Vijay:
Gia đình tôi theo đạo Hindu, ngay từ nhỏ, tôi và gia đình đã thực hiện rất nhiều nghi lễ, gia đình tôi thờ rất nhiều vị thần: hết nam thần này tới nữ thần kia, cúng kiến, thờ phụng, đọc kinh, tụng chú, có đủ cả.
Trong ba năm đầu tiên, khi tôi bắt đầu thực hành thiền, tôi cũng niệm chú, tôi cảm nhận năng lượng đi vào rất nhiều, tôi cảm thấy rất thư giãn, thoải mái, nhưng cuộc sống của tôi, không có gì chuyển hóa cả, tôi vẫn không thỏa mãn, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm sự thật và chân lý.
Sau đó, tôi có cơ hội tiếp cận phương pháp thiền có tên tiếng Bali cổ là Anapanasati, là phương pháp thiền quan sát hơi thở. Đây là phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để đạt được sự giác ngộ, khai sáng.
• Ana: hơi thở vào.
• Pana: hơi thở ra.
• Sati: ở lại với hơi thở.
Trong một tuần, tôi chỉ có thực hành thiền Anapanasati thôi, tôi thiền 8 – 10 tiếng/ngày.
Cuộc sống tôi thay đổi hoàn toàn, tôi thoát ra khỏi các ảo tưởng của chính mình, cũng bởi vì trong các kiếp sống trước, tôi cũng đã học nhiều bài học về sự ảo tưởng, nên kiếp sống này, khi tôi thực hành thiền, tôi dễ dàng nhớ lại và thoát ra khỏi các ảo tưởng đó.
Tôi có thực hành phương pháp Anapanasati ngay từ nhỏ chưa?
Chưa, nên khi tôi tiếp cận phương pháp này, tôi đã rất trân trọng.
Tôi cũng đã trải nghiệm qua rất nhiều phương pháp tu tập, và bây giờ, tôi chỉ tập trung vào quan sát hơi thở theo phương pháp Anapanasati.
Rất nhiều người muốn thiền, họ bắt đầu bằng phương pháp Anapanasati, rồi họ bảo:
Sao cái này nó đơn giản quá vậy, chỉ có ngồi xuống nhắm mắt lại quan sát hơi thở thôi à?
Không tụng thần chú sao? Không có khai mở luân xa sao? Không có kích hoạt Kundalini à? Không điểm đạo thăng lên sao?
Bởi vì, nó quá đơn giản, ai cũng có thể thực hành được, mà không cần vị thầy vật lý ở bên cạnh theo sát, nên họ đã không trân trọng nó, rồi họ lướt hết từ phương pháp này sang phương pháp nọ.
Bạn có thể trải nghiệm tất cả các phương pháp, nhưng bạn không cần phải theo nó. Không ai ngăn cấm bạn làm bất cứ điều gì, bạn thấy cái nào tốt cho bạn, thì bạn cứ theo.
Khi bạn định mua một cái tivi, ông ngoại của bạn bảo mua cái tivi trắng đen sài bền lắm, còn chồng bạn thì nói mua tivi LCD đời F1 sài tốt lắm.
Còn bạn thì sao?
Bạn đi thẳng ra siêu thị, hỏi cái tivi nào sài tốt nhất, đời mới nhất thì mua, đúng không?
Có rất nhiều người nói với tôi: để chuẩn bị thiền, tôi phải niệm OM, đọc chú để tĩnh tâm trước rồi thì tôi mới thiền được.
Sự thật là bạn phải tĩnh tâm trước, bạn mới thiền được. Sự lựa chọn luôn thuộc về bạn.
Thiền đúng có nghĩa là quan sát hơi thở làm cho tâm trí trống rỗng.
Tâm trí càng trống rỗng, chúng ta sẽ càng có được sự chuyển hóa trong cuộc sống.
6. Lợi ích của thiền là gì?
Khi bạn thiền:
1. Bạn nhận được năng lượng (Energy): giúp nâng cao sự nhận biết.
2. Cho bạn sự tỉnh thức (Awareness)
Tất cả chúng ta đều có rất nhiều thách thức trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không nhận biết được vấn đề nằm ở đâu, làm sao chúng ta giải quyết được chúng?
Khoảnh khắc khi bạn nhận định vấn đề đó là gì, thì 50% là bạn đã có thể giải quyết được chúng rồi.
Thiền là quan sát hơi thở, bạn ở lại với hơi thở, thì có phải ý thức của bạn vào hơi thở tăng lên, sự tỉnh thức của bạn cũng tăng lên. Lúc đó, bạn mới nhận biết vấn đề của mình là gì.
Chúng ta cùng xem các ví dụ nhé!
Làm thế nào mà việc này lại xảy ra với tôi?
• Nếu bạn cảm thấy khó chịu về một việc gì đó, điều gì đã làm cho bạn cảm thấy khó chịu như thế nhỉ?
Nếu sự khó chịu đó, không có sẵn ở trong bạn, thì làm sao nó có thể biểu hiện ra bên ngoài được?
Cảm xúc đó phải có sẵn ở trong bạn rồi thì nó mới có cơ hội trồi lên được.
Nếu bạn bình an, thì ai có thể lấy đi sự tĩnh tại của bạn được?
• Nếu bạn cảm thấy tức giận. Năng lượng của sự tức giận đó đến từ đâu? Nó đến từ việc bạn đang cảm thấy bất lực với chính mình ấy.
• Khi bạn cảm thấy ganh tị với người khác, bạn tỉnh thức, bạn sẽ nhận ra, đó là do mình cũng có cái năng lực giống như người ta nhưng họ thì có khả năng phát triển cái năng lực ấy lên để thành công, còn bạn thì không.
Bạn nên cảm thấy đây là cơ hội để bạn nhận biết chính mình, là mình cũng có khả năng giống như người khác và đó là nguồn cảm hứng cho bạn thấy là bạn cũng có thể làm được như họ.
• Nếu bạn cảm thấy không ưa thích chính mình. Tại sao lại như thế? Đó là do tâm trí đã làm cho bạn không chấp nhận chính mình đấy. Trí nó muốn cái này, nhưng thực tế thì không phải vậy, trí không chấp nhận được. Chúng ta là sự sáng tạo của Thượng đế. Bất cứ cái gì Thượng đế tạo ra đều đẹp cả, có cái gì Thượng đế tạo ra mà xấu không?
Vậy tại sao chúng ta lại không chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác?
• Một ví dụ khác, khi bạn đi làm, bạn có một người sếp đối xử tệ với bạn.
Vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở chỗ người sếp à?
Suy xét một chút, bạn sẽ thấy nguồn gốc vấn đề nằm ở chỗ bạn đó chứ.
Bạn là nguyên nhân của mọi vấn đề xảy ra cho bạn.
Chỉ khi bạn tỉnh thức, bạn hiểu sâu sắc mọi trải nghiệm mà bạn có trong cuộc sống, thì bạn mới có thể giải quyết được chúng.
Bạn cảm thấy người sếp cư xử với bạn: la mắng, kiểm soát, thao túng, hách dịch, bạo chúa, đủ các kiểu v.v. Đó là do bạn đang thu hút người này đến với bạn đó chứ. Theo quy luật cộng hưởng: bạn chỉ thu hút về mình những ai, những việc có cùng tần số rung động với bạn mà thôi.
Nếu người sếp có 95% năng lượng kiểm soát, thì bạn cũng có 10% tính chất đó ở bên trong.
Thiền giúp cho bạn thấy được 10% năng lượng thao túng đó ở trong bạn, và thiền giúp Nâng cao sự nhận biết của bạn lên, bạn quyết định là không kiểm soát nữa, thì bên ngoài sẽ không có sự áp đặt đó nữa, khi và chỉ khi bạn chuyển hóa được sự thao túng của chính mình.
Bất cứ một khối năng lượng ách tắc nào bên trong bạn đều có thể được chuyển hóa, khi bạn có sự tỉnh thức.
Để có được sự tỉnh thức thì chúng ta phải làm sao?
Thiền đúng.
Muốn đi sâu được vào bên trong thì tâm trí phải trống rỗng. Càng thiền nhiều, chúng ta sẽ càng có được sự chuyển hóa trong cuộc sống.
Bạn có thể chuyển hóa cuộc sống của mình bằng cách sử dụng tâm trí không?
Không bao giờ thực hiện được trừ khi là trống rỗng tâm trí. Bạn thiền mà bạn thấy bạn nhận được rất nhiều năng lượng, rất sảng khoái, thư giãn, vui vẻ, nhưng cuộc sống không có gì thay đổi, thì đó là thiền sai cách rồi. Cảm giác thoải mái, phấn khích chỉ làm bạn dễ rơi vào ảo tưởng.
Bạn nhận nhiều năng lượng trong lúc thiền, thì năng lượng đó phải giúp bạn trở nên kiên nhẫn, từ bi, yêu thương, hài hòa, hợp nhất, có nhiều bạn bè, cuộc sống trở nên tốt đẹp, thì đó mới là thiền đúng.
Ví dụ: Tôi chưa có bạn gái, tôi đọc vài câu thần chú, thì tôi sẽ có được bạn gái sao?
Tôi không có người yêu bởi vì tôi chưa yêu chính mình.
Niệm chú không giúp chúng ta chuyển hóa cuộc sống.
Chúng ta có một căn phòng tối, chúng ta có thể xua tan bóng tối bằng cách đánh nhau với chúng được không?
Bóng tối hãy đi đi, bóng tối hãy đi đi… Bạn có thể làm như thế được không?
Chỉ khi bạn thắp một ngọn nến, đem ánh sáng vào, thì bóng tối sẽ tan biến.
Càng thiền nhiều, ánh sáng sẽ tự đến.
Thiền đúng sẽ cho một tình bạn đúng, một hướng đi đúng.
7. Hỏi đáp cùng thầy Pradeep Vijay
Đây là các câu hỏi mà học viên thắc mắc, thầy Pradeep Vijay trả lời:
Khi thiền, nếu như nước bọt chảy ra thì phải làm sao ạ?
Trong giai đoạn thiền sâu, nếu có xuất hiện nước bọt, thì chúng ta phải nuốt, bởi vì năng lượng nhiều sẽ hóa lỏng.
Tôi theo đạo Thiên Chúa, vậy tôi có học thiền được không?
Thầy Pradeep trả lời: Tôi sinh ra trong một gia đình theo đạo Hindu. Sau khi thực hành Thiền định nghiêm túc, tôi thật sự hiểu triết lý của đạo Hindu.
Bạn càng thiền, bạn càng hiểu về tôn giáo của mình: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi…
Thiền định giúp bạn thông hiểu triết lý của các bậc thầy giác ngộ.
Niềm tin mù quáng sẽ biến mất, sự thật sẽ được hiển lộ. Đôi khi có những niềm tin làm con người trở nên rất bạo lực, nhưng nếu như cứ tiếp tục thiền, sẽ dẫn đến sự hòa hợp, bình yên.
Thiền định giúp bạn kết nối với tinh thần của Đức Phật, Chúa Giesu, Thánh Muhammad... Sự thật qua lời giảng của các bậc giác ngộ là như nhau.
Sự thật chỉ có một.
Khi thiền, cơ thể tôi chuyển động, rung lắc dữ dội, như vậy có làm sao không ạ?
Cho phép cơ thể chuyển động, trong giai đoạn đầu, khi bạn mới thiền, bạn chưa quen với việc tiếp nhận năng lượng, cơ thể sẽ rung lắc, bởi vì năng lượng vũ trụ sẽ đi vào thông qua các kinh lạc và mạch lạc, là các ống dẫn năng lượng trong cơ thể năng lượng của bạn.
Thời kỳ đầu khi thực hành Thiền định, các ống dẫn năng lượng này rất nhỏ, bạn có thể hình dung thế này, năng lượng vũ trụ như thác nước đổ xuống, chảy qua các ống dẫn nhỏ, sẽ chảy rất xiết, làm cho cơ thể của bạn rung lắc dữ dội. Đôi khi, còn gọi là bạn bị “sốc năng lượng” khi tiếp xúc với nguồn năng lượng quá cao, trong những ngày trăng tròn, thiền trong kim tự tháp, cùng Tinh thể Thánh linh chẳng hạn.
Tiếp tục, kiên trì thiền đều đặn mỗi ngày, một thời gian, các ống dẫn năng lượng này sẽ được mở rộng ra, bạn có thể đón nhận năng lượng dễ dàng hơn, lúc đó cơ thể của bạn sẽ không còn rung lắc nữa.
Làm sao biết trong lúc thiền, mình nhận được năng lượng tốt hay năng lượng xấu ạ?
Nếu bạn là một người có nhận thức tốt, bạn sẽ đón nhận năng lượng tốt, tương ứng với tần số rung động của bạn.
Nếu bạn là người có ý định xấu, bạn sẽ đón nhận năng lượng xấu.
Cơ thể vật lý giống như một bình chứa năng lượng, nhận thức của bạn càng được nâng cao, bạn càng dễ có thể nhận được nhiều năng lượng tốt hơn.
Tôi ngủ trong lúc thiền, thì có làm sao không ạ?
Bạn ngủ trong thiền, bởi vì bạn có rất ít năng lượng, cơ thể mệt mỏi nên bạn cứ ngủ, tiếp tục thiền thường xuyên hơn, khi bạn có nhiều năng lượng hơn, thì bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo trong thiền mà không buồn ngủ nữa.
Nằm thiền được không?
Nằm thì chúng ta ngủ luôn, bởi vì, chúng ta đã ngủ rất nhiều, các tế bào của chúng ta được lập trình, ghi nhớ là nằm để ngủ.
Tôi chỉ cần thiền mà không cần ngủ nữa được không, vì như thầy đã từng nói, một giờ thiền nhận năng lượng bằng sáu giờ ngủ?
Khi chúng ta thiền nhiều, chúng ta sẽ ngủ ít lại, việc đó xảy ra tự nhiên, không cần dùng ý chí để cố gắng điều đó.
Linh hồn không cần ngủ, nhưng cơ thể vật lý thì cần ngủ. Ngủ là để cho cơ thể được nghỉ ngơi.
Trong những ngày trăng tròn, năng lượng rất mạnh mẽ, nếu bạn muốn thiền nguyên đêm để đón nhận năng lượng thuần khiết đó, thì bạn cứ thiền. Nhưng nếu cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thì bạn nên đi ngủ.
Chúng ta càng tiến hóa, càng khai sáng, chúng ta sẽ càng nhạy cảm với cơ thể vật lý. Nếu cơ thể muốn ngủ thì chúng ta phải để cho cơ thể vật lý ngủ, không dùng tâm trí quấy rối cơ thể vật lý.
Khi bạn đi vào kim tự tháp, cơ thể ít năng lượng hơn trong kim tự tháp, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ, tê râm ran khắp người. Khi bạn thiền thường xuyên hơn, làm nhiều việc thiện, phụng sự nhiều hơn, có nhiều năng lượng hơn, bạn sẽ không cảm thấy như thế nữa. Bạn chỉ cảm nhận năng lượng khi bạn có ít năng lượng hơn môi trường xung quanh, bởi vì bạn không có năng lượng.
Tôi có thể nghe nhạc trong lúc thiền được không?
Âm nhạc có mang lại lợi ích trong Thiền định, giúp mình định tâm, quay về quan sát hơi thở.
Khi bạn đến các nhóm thiền, bạn được nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, êm dịu, mà bạn vẫn cảm thấy khó chịu không thể thiền được. Đó là bên trong của bạn rất động, không phải do âm nhạc quấy rối bạn, mà là bên trong quấy rối bạn.
Âm nhạc luôn giúp ích cho việc thiền, nhưng nó không bắt buộc, chỉ nên nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, không lời, tần số rung động cao.
Khi tôi ngồi thiền, tôi thấy có một thực thể lạ đến làm phiền tôi, làm sao biết đó là thực thể có rung động cao, hay thực thể đó có rung động thấp?
Nếu bạn cảm thấy vui vẻ tích cực: thì đó là thực thể rung động cao.
Nếu bạn cảm thấy tiêu cực: đó là vong linh, hồn ma.
Xung quanh ta có rất nhiều vong linh, nhưng đôi khi vong linh muốn đến nói với chúng ta một điều gì đó, rồi họ đi.
Nếu bạn có rung động thấp, bạn sẽ thu hút các vong linh đó bám vào.
Vậy liệu tôi có bị chiếm xác, tẩu hỏa nhập ma không?
Nếu bạn thiền đúng cách, quan sát hơi thở, làm tâm trí trống rỗng, luôn luôn có hai vị thầy vô hình, người hướng dẫn tâm linh của bạn đến để bảo vệ cho bạn.
Cơ thể của bạn thuộc quyền sở hữu của bạn, không ai có thể đi vào, nếu không có sự cho phép của bạn.
Khi bạn thiền, đôi khi sẽ có một vài thực thể đến trao đổi với bạn, nói là sẽ trao cho bạn một món quà, chỉ cho bạn phương pháp này, kỹ thuật kia.
Khi bạn còn sử dụng tâm trí, tụng chú, hình dung, tưởng tượng, bạn có khả năng đối diện với một thực thể ma quái, rung động thấp đến để chọc ghẹo bạn, muốn chơi khăm bạn. Bạn dễ rơi vào ảo tưởng.
Chỉ khi bạn làm trống rỗng tâm trí, hoàn toàn quy phục hơi thở, hai vị thầy vô hình của bạn sẽ luôn bảo vệ cho bạn.
Chúng ta không có gì phải sợ trong Thiền định, hãy tin tưởng tiến trình Thiền định của bạn.
Nếu bạn thiền, mà bạn vẫn còn sợ hãi rằng sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, hay bị khùng gì đó, thì năng lượng đó không tốt. Khi bạn còn sợ, thì bạn có thể đến thiền chung trong một nhóm Cộng đồng, năng lượng tập thể sẽ hỗ trợ cho bạn. Sau đó, quen rồi, bạn có thể thiền một mình và dành thời gian một tuần thiền một lần với nhóm.
Khi tôi ngồi thiền, tôi nhìn thấy hình ảnh Đức Phật, chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria hiện lên, điều đó có ý nghĩa gì không ạ?
Khi bạn thiền, bạn quan sát hơi thở, có bất cứ hình ảnh nào xuất hiện, bạn quay về quan sát hơi thở.
Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện xảy ra thời Đức Phật, lúc đó Đức Phật đang giảng bài cho rất nhiều người, thì có một học viên mới, người này đã theo Đức Phật sáu tháng để học thiền, đến nói với Đức Phật “tôi thấy Thượng đế trong lúc tôi ngồi thiền, tôi thật sự rất là vui và hạnh phúc”.
Đức Phật không giải thích gì, chỉ đơn giản cười với người đàn ông này và nói “hãy quay trở lại, tiếp tục thiền đi”.
Trong lúc thiền, chúng ta phải đi qua ba chặng: cơ thể, tâm trí, trí tuệ. Đôi khi, tâm trí tạo ra những hình ảnh ảo tưởng, lừa dối chúng ta. Nếu chúng ta thấy hình ảnh trong lúc thiền, hay thậm chí là thật sự là có Đức Phật xuất hiện trong lúc bạn thiền, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải thiền nhiều hơn.
Như thầy đã giảng, khi mình thiền, mình sẽ có câu trả lời cho mọi câu hỏi mà mình thắc mắc, vậy trong lúc thiền, làm sao biết được đó là tiếng nói của linh hồn, hay là ảo tưởng do tâm trí tạo ra ạ?
Sẽ không có tiếng nói gì xuất hiện trong đầu để cho bạn câu trả lời đâu.
Ví dụ, khi bạn yêu một ai đó, làm sao bạn biết là bạn yêu cô đó, nó không có thước đo gì bên trong, à đến mức độ đó là yêu. Khi tình yêu diễn ra, mình có cảm xúc với người đó. Vậy là yêu.
Tương tự, khi bạn có một câu hỏi và bạn muốn biết câu trả lời trong lúc thiền, bạn sẽ không nghe bất kỳ một giọng nói nào đến nói với bạn, câu trả lời là như thế này nè.
Từ bên trong, câu trả lời sẽ xuất hiện.
Làm sao bạn biết bạn đang đói bụng? Bạn tự biết đúng không ạ!
Tương tự cũng như vậy, bạn sẽ nhận biết được bài học mà mình cần học, khi mà tâm trí tĩnh lặng, thì linh hồn sẽ giao tiếp với bạn dưới dạng là một sự nhận thức, một sự thức tỉnh.
Một cách khác, linh hồn sẽ giao tiếp với chúng ta bằng cách chúng ta nhớ lại những gì mà bạn đã được học, mình đã từng trải nghiệm qua rồi.
Tất cả mọi thứ đều là mình nhớ lại và mình biết nó là như vậy.
Thế nào là thiền nhất thể?
Nếu bạn thiền một mình ở nhà, bạn đang thực hiện hành trình quay vào bên trong chính mình, kết nối với Thượng đế.
Nếu bạn ngồi thiền với 100 người, 1.000 người, những người đó cũng đang thực hiện hành trình quay về bên trong của họ, bạn sẽ kết nối với những người đó, kết nối với tâm thức cao hơn, kết nối với nguồn cội.
Khi tôi kết nối với Thượng đế, bạn cũng kết nối với Thượng đế. Đó là nhất thể.
Hãy hình dung như thế này, trên năm ngón tay của bạn:
• Ngón út: tượng trưng cho cơ thể vật lý.
Mỗi cơ thể là riêng biệt, khác nhau, không ai giống ai cả.
• Ngón đeo nhẫn: tượng trưng cho tâm trí.
Chúng ta có rất nhiều suy nghĩ và những suy nghĩ đó rất khác biệt
• Ngón giữa: tượng trưng cho trí tuệ.
Chúng ta tích lũy trí tuệ, kinh nghiệm sống từ những trải nghiệm có được trong tất cả các kiếp sống. Vậy trí tuệ của mỗi người là khác nhau.
• Ngón trỏ: tượng trưng cho linh hồn.
Có những linh hồn đến từ hành tinh rất khác nhau, có người đến từ các vì sao xa xôi, thiên hà khác, do đó, mang những dấu ấn linh hồn khác nhau.
• Ngón cái: tượng trưng cho Thượng đế.
Khi ta bắt ấn: ngón trỏ chạm vào ngón cái, tạo thành một vòng tròn, điều đó có nghĩa là linh hồn hợp nhất với Thượng đế.
Chúng ta đến từ một nguồn cội, một Thượng đế chung.
Chúng ta kết nối với nguồn chung. Đó là nhất thể.