Ở Nhật, Tổ chức Gia đình Quốc tế (International Family Society - IFS), một thành viên của Hội Tình nguyện viên Quốc tế (International Voluntary Circle) thường thực hiện lập kế hoạch, thiết kế và phát triển tất cả các chương trình của họ dựa trên 7 Nguyên tắc của Phương pháp Toàn diện (Total Approach). Hoạt động đặc biệt tích cực ở miền trung Nhật Bản, IFS được thành lập vào năm 1981 để thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế bằng cách tạo ra một môi trường và không khí gia đình cho khách nước ngoài ghé thăm, cũng như các thành viên người Nhật tham dự có cơ hội chia sẻ các giá trị, kinh nghiệm với các thành viên của nền văn hóa khác.
Dưới sự lãnh đạo của bà Kazuko Toyoda, phu nhân của cựu Chủ tịch Hãng Toyota, các thành viên IFS ở Thành phố Nagoya sử dụng Phương pháp Toàn diện để phát triển khẩu hiệu "Giải pháp Tiếp theo KI SHUGI" và đề xuất ba nguyên tắc nền tảng cho các hoạt động tình nguyện dưới mọi hình thức trên khắp nước Nhật: (1) Kirakuni (hoạt động trên tinh thần tự nguyện); (2) Kinagani (hoạt động đều đặn qua một thời gian dài; và một khi đã bắt đầu thì không bỏ ngang); (3) Kimochiyoku (hành động bằng niềm say mê, yêu thích).
Ngày nay, IFS đã phát triển thành một trong những hội tình nguyện hoạt động tích cực nhất tại Nhật. Thành công của họ đã được khen ngợi nhiều lần bởi Hội Đoàn kết Quốc tế Nhật Bản và các Trung tâm Đào tạo Nagoya. Tuy là một tổ chức xã hội nhưng việc áp dụng các nguyên tắc của Tư duy Đột phá đã góp phần quan trọng vào thành công của họ.
Một học sinh lớp 5 đoạt giải nhất trong một cuộc thi ngâm thơ với phần trình bày ấn tượng bài thơ Invictus (Không gục ngã) của William Ernest Henley. "Tôi là người quyết định số phận, Tôi là thuyền trưởng trên chính con tàu tinh thần của tôi" - Cô bé ngâm bài thơ với tất cả bầu nhiệt huyết và tình yêu thơ ca ở lứa tuổi của mình.
Khán giả tán thưởng nồng nhiệt và năm sau cô bé tham gia cuộc thi với phần trình bày lời bình bài thơ thứ hai, bài "If", của Rudyard Kipling. Cô diễn tả bài thơ trong vai một phụ huynh:
Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
….
Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy
Và – quan trọng hơn – con trai, con là một Con Người!
(Trích bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hoàng Ái)
Cô bé lại giành giải thưởng một lần nữa.
Cô bé không phải là một nhà hùng biện tài ba đến mức ấy, nhưng đó là những bài thơ hay với rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi về tầm quan trọng của việc xây dựng các thế mạnh và tôn trọng các nguyên tắc của chúng ta.
Tuy nhiên, áp dụng triết lý đó vào việc giải quyết vấn đề sẽ không mang lại những giải pháp tối ưu, bởi vì sự cô lập vốn có trong cách tiếp cận vấn đề sẽ để lại một tài nguyên (resource) không thể thiếu: tính "tương tác lẫn nhau" (each other). Nước Mỹ vào đầu thế kỷ 19, những người đi khai hoang Miền Tây hoang dã hết sức tin tưởng vào nhau. Về cơ bản, nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia xuất phát từ quan niệm rằng cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nếu không có những người xung quanh. Quan điểm và ý kiến của người khác nên được xem là sợi dây cơ bản cho việc giải quyết vấn đề.
Mặc dù đôi khi chúng ta không muốn chìa tay mình ra với người khác, nhưng hãy cố làm điều khác lạ đó thay vì phê bình việc giải quyết vấn đề truyền thống. Khi tiến hành hoạch định, thiết kế và giải quyết vấn đề, hãy nhớ đến phương châm: "Hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu".
Thử nghĩ về vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, nguyên nhân do sự bất cẩn của thuyền trưởng tàu Exxon Valdez, xảy ra ở Valdez, Alaska, vào ngày 24 tháng 3 năm 1989. Tại một cuộc họp mở rộng trước công chúng được tổ chức chỉ vài tuần trước khi vụ tràn dầu xảy ra, nhiều người đã được cảnh báo rằng nạn rượu chè be bét của thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu có thể dẫn đến thảm họa. Và trong ban điều hành tàu Exxon Valdez, chính thuyền trưởng cũng nghiện rượu nặng và đã từng qua trại cai nghiện.
Nếu ban điều hành lắng nghe và áp dụng các biện pháp cần thiết, khẩn cấp đối với từng cá nhân có trách nhiệm trên con tàu, thảm họa chắc chắn đã không xảy ra.
Thực tế những người xung quanh sẵn sàng chia sẻ các thông tin thiết thực – không chỉ là người trực tiếp lao động – và điều đó chỉ ra một nguyên lý Tư duy Đột phá quan trọng khác: bất kỳ ai cũng có tiềm năng trở thành người đóng góp có giá trị. Vấn đề là phải tạo ra một bầu không khí thúc đẩy sự đóng góp cao nhất đối với mỗi cá nhân.
Andy van de Ven, giáo sư ngành quản trị học của Đại học Minnesota, tổng kết nghiên cứu khoa học xã hội có liên quan: "Người ta chống lại sự thay đổi khi sự thay đổi không được truyền thông rõ ràng, bị áp đặt, bị xem là sự đe dọa, có những nguy cơ lớn hơn lợi ích tiềm năng hoặc những điểm chung với những ưu tiên".
Nguyên tắc Lôi kéo sự Tham gia của Người khác sẽ tác động người khác thay đổi từ trong (bản thân họ) ra ngoài, thay vì từ ngoài (người khác) vào trong.
Với Tư duy Đột phá, bạn có thể học hỏi để tối thiểu hóa những thay đổi được áp đặt và chuyển nguy cơ thành cơ hội.
Bằng việc dỡ bỏ các quy định, hầu hết mọi công ty đều trở nên thịnh vượng. Bằng cách tham khảo sự tư vấn của các viên chức nhà nước, nhân viên và khách hàng, các nhà quản lý đang áp dụng theo tiềm thức nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia.
Sự tham khảo ý kiến như vậy không nhất thiết phải tiến hành chính thức. Kounosuke Matsushita là người theo phong cách quản lý có sự tham gia của người khác, nhưng ông lưu ý rằng: "Hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu không có nghĩa là chúng ta tổ chức họp hành thường xuyên. Thay vào đó, chúng ta phải cố gắng lập một môi trường tự do để nhân viên đóng góp ý kiến và cố gắng lắng nghe ý kiến của mọi người. Nếu cứ giữ tinh thần này trong công việc hàng ngày, chúng ta có thế tự quyết định mà không cần họp hành bởi vì ý kiến của mọi người đã được ngầm đưa vào".
Trường hợp khác, một tập đoàn ở Chicago với 150 công ty trên khắp nước Mỹ đã sử dụng kiến thức chuyên môn của nhân viên để gia tăng chất lượng và năng suất.
Công ty muốn phát triển các quy trình điều hành tiêu chuẩn (SOP – Standard Operating Procedures) cho tất cả những người điều hành máy móc. SOP gồm những quyển sách với đủ loại kích thước hoặc những tập sách chứa những thủ tục hoặc quy định cho việc điều hành máy móc thiết bị. Những quyển sách thường bao trùm tất cả những khả năng xảy ra sự cố, nhưng vì không có chỗ nào để bổ sung thêm thông tin, nên chúng đành nằm yên bám bụi trên các đầu tủ và ngăn kéo.
Khi một tư vấn viên Tư duy Đột phá tổ chức các nhóm đến từ nhiều nhà máy khác nhau để cùng tiến hành dự án, họ đã phát triển một giải pháp gọi là Sổ tay Hướng dẫn bỏ túi cho người vận hành (Operator Guides). Khi mở sách hướng dẫn, một trang được in và trang đối diện để trống. Người điều hành có thể viết vào đó những ghi chú của mình về hệ thống và hoạt động của thiết bị. Trong những lần cập nhật định kỳ, các nhận xét viết ra được tổng hợp lại và những trang trắng mới được cung cấp để tiếp tục quy trình.
Kết quả là, sổ tay hướng dẫn vận hành được sử dụng khắp tập đoàn và chất lượng, năng suất được cải thiện đáng kể sau đó.
Nói tóm lại, Tư duy Đột phá sẽ lôi kéo nhiều người tham gia và tạo điều kiện cho bạn xử lý những vấn đề thực tiễn hơn là phòng thủ hoặc phớt lờ thực tế – hai thái độ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Hành động "tự lừa dối" của cấp lãnh đạo và thủy thủ đoàn trên tàu Exxon Valdez là một minh chứng rõ ràng cho điều này.
Sau đây là những thực tiễn quan trọng cần biết:
1. Nhu cầu lớn về các giải pháp sáng tạo và đột phá trong mọi tổ chức được đáp ứng đúng mức hoặc vượt quá nhu cầu về việc thực hiện nhanh chóng và sử dụng các giải pháp. Vì vậy, thiết lập thay đổi đòi hỏi sự tham gia tích cực của những người sẽ thực hiện thay đổi. Cam kết của họ được xây dựng trên nền tảng sự hiểu biết về giải pháp và cách triển khai giải pháp. Việc thực hiện giải pháp phải bắt đầu ngay từ giai đoạn đầu dự án – bằng cách thu hút những người có liên quan tham gia.
2. Việc đạt chất lượng và năng suất cao trong các tổ chức đòi hỏi phải có những chương trình và quy tắc khác nhau. Sự phát triển của những chương trình xây dựng mối quan hệ con người dẫn đến những phương pháp phát huy hiệu quả cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thường thì đó là những phương pháp mang tính ban phát và đáng xấu hổ đối với trí tuệ của chúng ta.
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã chứng kiến một tình huống như vậy. Một nhà tư vấn quản trị được mời vào tổ chức để nâng cao nhiệt huyết của nhân viên trong một cơ quan hành chánh liên bang đã yêu cầu mọi người viết ra những e ngại, bực bội của họ vào một tờ giấy và sau đó xé vụn và vứt vào sọt rác. Các đồng nghiệp của chúng tôi nghe – và cũng đồng ý – với nhận xét của nhân viên rằng đáng ra nhiệt huyết nhân viên sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa nếu cơ quan nọ dùng số tiền chi hào phóng cho phí tư vấn để chia cho nhân viên!
3. Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia có thể áp dụng với bất kể dự án có kiểu cơ cấu quản lý và chế độ lương bổng - khen thưởng nào. Cả hai điều này có thể khá hạn hẹp và có thể làm phát sinh thêm nhiều vấn đề khác. Nhưng mỗi vấn đề đều có thể được xử lý bằng Tư duy Đột phá.
4. Chủ động lôi kéo mọi người vào việc thiết kế và giải quyết vấn đề là một yêu cầu chứ không chỉ là một giá trị xã hội đáng mong đợi. Các phương pháp truyền thống cho rằng khi xử lý vấn đề, bạn có thể tách bạch những khía cạnh kỹ thuật với những khía cạnh về con người, xã hội hoặc khả năng học hỏi. Nếu các chuyên gia thiết kế ra những giải pháp công nghệ thỏa đáng nhất thì khi đó công nhân sẽ dễ dàng chấp nhận giải pháp đó.
Trên thực tế, những người thiết kế giải pháp nên mở rộng sự tham gia đến các khách hàng và nhà cung cấp cũng như các cổ đông trực tiếp. Tổ chức của bạn sẽ áp dụng những thông tin cơ bản về kỹ thuật, kinh tế - xã hội vào vấn đề. Việc học hỏi lẫn nhau sẽ tạo ra những kết quả tốt hơn so với việc chỉ áp dụng những quy tắc, điều kiện và giải pháp bắt buộc mà quên đi lợi ích của các bên.
5. Các cá nhân với nền tảng văn hóa đa dạng và có kiến thức khác nhau nên được tham gia vào quá trình thiết kế và giải quyết vấn đề. Tại sao? Theo giáo sư tâm lý học Đại học Stanford, James G. Greeno, điều đó có phần do "chúng ta học trong vật lý rằng việc quy thuộc tính vận động cho sự vật mà không xét đến hệ quy chiếu là vô nghĩa. Chúng ta phạm lỗi tương tự trong việc quy tri thức và tư duy là do tinh thần của cá nhân mà không xét đến hệ quy chiếu của nó".
6. Các nhân viên không chỉ cần biết khi nào thì ấn vào nút chức năng trên thiết bị mà còn phải biết ý nghĩa của nút đó (các mục đích). Việc biết rõ hệ thống sẽ hoạt động như thế nào cho phép người điều khiển xử lý vấn đề phát sinh trong suốt quá trình vận hành máy. Điều đó đảm bảo việc ra quyết định của họ được chính xác và hiệu quả.
7. Trong kinh doanh, các hệ thống phải lấy khách hàng làm nền tảng để đảm bảo khả năng cạnh tranh của công ty. Dù bạn có trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất trên thế giới, điều đó cũng không đủ để thực hiện tốt nhất việc này. Thậm chí nếu chỉ một ít người trong tổ chức của bạn giao dịch trực tiếp với khách hàng, bạn cũng đừng quên rằng hầu hết các vấn đề công việc của bạn đều ảnh hưởng đến họ. Nhân viên phải nhận thức được nhu cầu của khách hàng, chứ không chỉ nhu cầu của cấp trên.
8. Các cá nhân luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Các lợi thế của quan điểm mở rộng của nguyên tắc Triển khai Mục đích và Giải pháp Tiếp theo được kết nối lại trong nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia để mang đến các ý nghĩa liên quan cho tất cả mọi người. Bởi vì con người cá thể là đối tượng của tâm lý học và triết học, nên sự gắn kết là rất cần thiết để hỗ trợ lẫn nhau. Điều này đem lại cho mỗi cá nhân cơ hội để cải thiện năng lực và vị trí của mình.
Khi nào cần áp dụng nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia?
Chúng tôi nhận ra rằng các nhà lãnh đạo và những người giải quyết vấn đề thành công luôn tham gia vào tất cả các giai đoạn của dự án hoặc tham gia vào nỗ lực thay đổi thái độ của các cổ đông chính về kết quả dự án. Bản thân họ có trực giác nhạy bén với nguyên tắc về Sự Khác nhau Độc đáo, Triển khai Mục đích, Giải pháp Tiếp theo, Thiết lập Hệ thống, và Thu thập Thông tin có Giới hạn. Ở khía cạnh khác, lôi kéo người khác tham gia bằng các nguyên tắc của Tư duy Đột phá không chỉ tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết vấn đề mà còn tạo điều kiện để các cá nhân khác có thể tham gia một cách hiệu quả.
Nói chung, con người thường có những phản ứng tiêu cực và phòng thủ trước các câu hỏi về bản chất của vấn đề, câu hỏi về người gây ra lỗi hoặc người chịu trách nhiệm khi vấn đề phát sinh, và hoặc phân tích, mổ xẻ vấn đề. Ngược lại, họ lại có phản ứng tích cực và hăng hái với những câu hỏi nhằm giúp họ thể hiện năng lực cá nhân khác biệt, thăm dò và mở rộng mục đích riêng của họ, tìm kiếm giải pháp tiếp theo, và câu hỏi họ sẽ thực hiện ý tưởng cụ thể ra sao nếu giả sử họ bắt đầu lại từ đầu.
Tư duy truyền thống xem con người như "những bàn tay công cụ", là đối tượng được điều khiển theo ý muốn của nhà quản lý, và sẵn sàng cho các hoạt động chân tay thay vì trí óc, và không thể nhận thức thấu đáo các tình huống. Douglas McGregor gọi nó là "Thuyết X" và định nghĩa là "sự giả định về cái tầm thường của quảng đại quần chúng".
Suy luận logic cho thấy điều này đã dẫn đến tình trạng làm việc không hiệu quả, chán nản, cũng như công việc vất vả cực nhọc của công nhân. Tất cả chúng ta ai cũng muốn tham gia vào việc ra quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Và khi đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và cảm thấy thoải mái thực hiện giải pháp mà chúng ta tham gia phát triển. Đó là cơ sở lập luận của nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia. Tư duy Đột phá cho phép bạn tối đa hóa sự tham gia của các cá nhân và đảm bảo sự cam kết của họ đối với giải pháp thậm chí trước khi chúng hình thành.
Khi áp dụng nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia, bạn cần ghi nhớ những điều sau:
1- Những người có liên quan đến các nỗ lực sáng tạo, cải tiến giải pháp và chịu ảnh hưởng bởi kết quả cuối cùng nên được tạo các cơ hội liên tiếp để tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề. Không thể dự đoán người nào có thể đóng góp được điều gì. Nhưng nếu không tạo cơ hội cho họ tham gia, họ sẽ cảm thấy bị xem thường. Tệ hơn nữa, họ sẽ tỏ thái độ tiêu cực với toàn bộ dự án. Khi mời người tham gia vào dự án, bạn không nên loại ra những cá nhân trước đó chưa từng đóng góp gì. Bởi có những người không hề phát biểu gì cho đến cuộc họp lần thứ ba hoặc thứ tư trong khi một số người khác lại phát biểu rất hăng hái ngay lần dự họp đầu tiên.
2- Con người cũng là một nguồn thông tin. Dữ liệu cần thu thập sẽ ít hơn nhiều nếu "dữ liệu ở ngay tại đây, trong chính căn phòng của chúng ta".
3- Con người có khả năng hiểu được những kỹ thuật và tình huống phức tạp nhất. Không có lý do gì để đánh giá người khác không thể hiểu hết được sự phức tạp, vẻ đẹp và sự tao nhã trong đề xuất của bạn: giải thích về các đặc tính kỹ thuật, mô hình mới hoặc ý tưởng mới cho người khác hiểu rõ là trách nhiệm của bạn.
4- Các cuộc họp có thể hiệu quả hơn. Thật vậy, nhìn chung các cuộc họp truyền thống không tạo ra được kết quả sáng tạo, đúng lúc, hiệu quả về chi phí và khả thi. Nhưng một buổi thảo luận có sự tham gia của nhiều người có tác động lớn hơn buổi trình bày thông tin một chiều bởi vì chủ thể hành động phải chủ động ghi nhận thông tin nhận được để chuyển hóa thành sự thay đổi.
5- Con người luôn thích xử lý dự án và sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm đối với các dự án. Các cuộc khảo sát cho thấy từ 75% - 85% cá nhân trong các tổ chức nhận thấy họ có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn. Ví dụ, các công nhân trong một phân xưởng quyết định tham gia vào việc thiết kế một bộ phận mới cho sản phẩm mới. Họ cảm thấy rất tự tin với giải pháp của mình trước giải pháp của các kỹ sư và đề nghị đem ra chạy thử. Cuối cùng, lựa chọn của công nhân mang lại hiệu quả tốt hơn.
6- Cá nhân cũng là một nguồn ý tưởng. Các quy tắc làm việc nhóm có thể kích thích sức sáng tạo ở người này nhưng đồng thời lại kìm hãm sức sáng tạo ở người khác. Một số người không thể hiện tốt trong môi trường tập thể nhưng thật ra họ đều có những năng lực tiềm ẩn vô hạn cần được khai mở. Sự thăm dò cá nhân có thể giúp bạn nếu sự khích lệ của nhóm không thể khơi dậy những ý tưởng từ một cá nhân cụ thể. Đồng thời, các hoạt động tập thể thích hợp có thể làm tăng hiệu năng của cá nhân qua những gì họ tạo ra. Thực tế, đôi khi chỉ có đội, nhóm mới có thể thỏa mãn nhu cầu của một cá nhân – chẳng hạn như nhu cầu được thừa nhận.
Định nghĩa nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia
Lôi kéo Người khác Tham gia là tạo cơ hội liên tục cho những người có liên quan hoặc chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi sắp diễn ra tham gia vào việc điều hành hoặc cải tiến hệ thống nhằm ngăn ngừa hoặc giải quyết vấn đề. Bằng cách liên tục xem xét các mục đích, các giải pháp tiếp theo và những thay đổi hệ thống trong tương lai như một cơ sở khuyến khích mọi người đặt câu hỏi và đề xuất cải tiến, cơ hội đó có thể được mở rộng cho đến khi một sự thay đổi hoặc một hệ thống mới được thiết lập.
Trước tiên, bạn phải xác định đặc điểm chung của các cá nhân bị ảnh hưởng. Vấn đề của bạn có thể không liên quan đến bất kỳ ai, nhưng khả năng đó là rất hiếm. Thay đổi vị trí bàn làm việc của bạn? Còn thư ký và đồng nghiệp của bạn thì sao? Viết một bài phát biểu trong hội nghị? Vậy đồng nghiệp, khán thính giả và trợ lý của bạn là những người như thế nào?
Không phải tất cả mọi người chịu ảnh hưởng sẽ quan tâm đến việc tham gia dự án của bạn, nhưng nếu bạn mong họ thay đổi hoặc áp dụng cái mới mẻ, thì bạn cần phải xét đến sự tham gia của họ vào hoạt động của dự án.
Phân loại theo vai trò cũng là một cách cân nhắc người tham gia: công nhân, nhà quản lý, nhân viên an ninh, chuyên viên bảo trì, thiết kế, khách hàng… tất cả đều có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết vấn đề. Hơn nữa, mỗi chức năng hoặc mỗi người có thể tham gia vào những giai đoạn khác nhau của quá trình Tư duy Đột phá, như được mô tả thêm ở Chương 11.
Tất nhiên, tất cả những vai trò này chỉ là những chức danh trên danh nghĩa bởi vì mỗi người hoặc nhóm còn có nhiều vai trò khác nữa. Ví dụ, công nhân trong nhà máy cũng có thể là vợ/chồng và cha mẹ, thành viên các hội tình nguyện, và người theo đạo. Thông thường, hiểu biết của mỗi cá nhân trong từng vai trò của họ có thể được sử dụng để giải quyết những vấn đề thậm chí có vẻ không liên quan gì đến họ. Vì vậy, sẽ rất thiếu sót nếu cho rằng các chuyên gia, công nhân nhà máy có thể xử lý dự án của tổ chức mà không xem xét đến các vai trò khác của họ.
Trường hợp sâu hại cũng mô tả một nguyên tắc Tư duy Đột phá quan trọng: xem kế hoạch tiếp cận vấn đề cũng chính là một vấn đề mà các nguyên tắc Tư duy Đột phá cần được áp dụng vào.
Ngày nay, người lao động thay đổi chỗ làm và công việc với tần suất khá cao. Vậy, làm thế nào bạn đạt được một sự cam kết của họ trong việc theo đuổi một giải pháp? Thực ra, nhiều đề tài nghiên cứu (Nhà lãnh đạo hiệu quả, Đi tìm sự xuất sắc, Thách thức trong Nghệ thuật Lãnh đạo) cho thấy hình thức tự quản rất cần thiết để đạt được chất lượng và năng suất mà các công ty đang nhắm đến.
Thêm vào đó, cam kết đối với khách hàng và khách hàng của khách hàng đòi hỏi một yếu tố quan trọng mà các tổ chức thường không nhận thức rõ – sự cam kết làm việc lâu dài của nhân viên. Đầu tư vào phát triển con người để sử dụng Tư duy Đột phá trong việc giải quyết vấn đề, hoạch định và thiết kế là sự đầu tư đúng đắn nhất của bạn cho tương lai. Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng sẽ được thực hiện bởi nhân viên ở tất cả mọi cấp quản lý nếu họ cảm thấy họ có sự tôn trọng, sẵn sàng và hỗ trợ thực hiện định hướng khách hàng là trên hết. Đây là cách cạnh tranh từ trong ra ngoài. Mỗi nhân viên cần hiểu rõ các yêu cầu này khi tham gia vào quá trình tư duy đột phá.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng một giải pháp nên có số lượng các chi tiết và sự kiểm soát ở mức thấp nhất. Người được giao thực hiện giải pháp cần được trao cho sự linh hoạt trong quá trình vận hành hệ thống. Mức độ linh hoạt thế nào là tùy thuộc vào từng tình huống. Rõ ràng, không phức tạp như vận hành một nhà máy hạt nhân hoặc kiểm soát một chuyến bay của tàu con thoi, nhưng tất cả các hệ thống đều cần những con người được chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với mọi vấn đề mong đợi và không mong đợi.
Mục đích và mục tiêu của việc Lôi kéo Người khác Tham gia
Nhìn chung phương pháp truyền thống gặp thất bại trong việc lôi kéo sự tham gia của người khác vì quá chú trọng vào các mặt tiêu cực. Ví dụ, cuộc họp bàn luận dự án bắt đầu với việc yêu cầu người dự họp mô tả vấn đề, khó khăn ở đâu và lỗi thuộc về ai.
Việc lôi kéo người khác tham gia được thực hiện như thế nào thì sự cộng tác trên thực tế sẽ diễn ra như thế ấy. Hành động ban đầu hoặc những phát biểu đã đưa ra thì không thể thay đổi. Các nhóm mất hy vọng thành công và thậm chí không muốn cố gắng nếu thành công không đạt được nhanh chóng.
Bằng cách nâng cao khả năng ra đời và thực hiện giải pháp đột phá, nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia sẽ:
1- Xử lý những thực tế của các cá nhân và nhóm: cách giải quyết vấn đề theo truyền thống càng củng cố thêm nhận thức đang tồn tại: thừa nhận vấn đề như đã được đề cập, sự tê liệt về mặt chức năng, bảo vệ nguyên trạng, tìm kiếm giải pháp đúng… Đó là những điểm yếu mà nguyên tắc Lôi kéo Người khác tham gia và các nguyên tắc khác có thể khắc phục. Ví dụ, tại sao phải củng cố sự tê liệt chức năng? Thậm chí tại sao để sự tê liệt đó xảy ra? Hãy đặt ra những câu hỏi không có tính chất đe dọa dựa trên các nguyên tắc của Tư duy Đột phá.
2- Chia sẻ ý nghĩa và hiểu biết về thực tiễn. Warren Bennis và Burt Nanus chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo cần có một "kiến trúc thượng tầng xã hội" nhằm truyền đạt tín ngưỡng hoặc văn hóa tập thể nếu muốn đạt được sự liên kết và hiệu quả. Nhu cầu về kiến trúc thượng tầng xã hội này xuất phát từ sự tách bạch mục đích xã hội với công việc thực tế khi cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi một cách mạnh mẽ cơ cấu nghề nghiệp. Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia cung cấp những khái niệm về các cấp độ mục đích và Giải pháp Tiếp theo như một cơ chế để chia sẻ những ý nghĩa lớn hơn và tầm nhìn của các tổ chức và khách hàng.
3- Hướng đến mục tiêu trở thành nhà vô địch và phát triển thái độ chiến thắng. Nguồn gốc của tư tưởng chủ bại là đi sâu vào phân tích chi tiết. Cần có nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của một hoặc hai người để vượt qua sự thất vọng thường phát sinh trong nhóm.
Mục đích và các giải pháp tiếp theo của Tư duy Đột phá đặt trọng tâm vào sự thay đổi tích cực. Với Tư duy Đột phá, khi nhiều cá nhân có thể trở thành người tham gia đóng góp, càng nhiều người đóng góp thì tổ chức của bạn càng có cơ hội trở thành nhà vô địch. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người "cầm bóng" trên hàng tấn công.
4- Phát triển năng lực của mỗi cá nhân. Con người nảy sinh ý tưởng sáng tạo khi bối cảnh kích thích họ. Thậm chí khi 1/3 các ý tưởng lớn được nảy sinh từ 10% số người trên toàn thế giới, thì cũng không có cách nào để biết ai là người sáng tạo trừ khi mọi người được tạo cho cơ hội đóng góp như nhau. Vì vậy, khuyến khích mọi người đề xuất ý tưởng là hết sức quan trọng. Các công ty Nhật nhận được từ 50 – 90 ý tưởng đề xuất từ một nhân viên mỗi năm, trong khi đó các công ty Mỹ có chưa đầy ¼ ý tưởng từ mỗi nhân viên hàng năm.
Sự phát triển nhận thức diễn ra suốt đời. Vì vậy, sự sáng tạo của mỗi cá nhân có thể được khơi dậy để hình thành nên một trí tuệ tổng hợp cho nhóm và tổ chức. Tương lai của tổ chức phụ thuộc vào sự phát triển của các năng lực chủ yếu của con người bên trong nó – năng lực về kỹ thuật, đội nhóm, xã hội và chiến lược.
Bạn có thể nhìn thấy nhu cầu thực tế được thể hiện rõ trong sứ mệnh, giá trị, và các nguyên tắc định hướng của công ty xe hơi Ford: "Con người là nguồn sức mạnh của chúng ta… Sự tham gia và tinh thần chung sức là những giá trị con người chính yếu của chúng ta". Tư duy Đột phá tạo sự tự do cho từng cá nhân có liên quan đến sự thay đổi đưa ra những ý kiến có thể tác động đến tình trạng của sự thay đổi đó. Đồng thời, nó cũng cho phép con người tham gia vào việc ra quyết định hiệu quả ở những cấp độ khác nhau trong tổ chức, một đặc trưng quan trọng của những năm 1990 và thế kỷ tiếp theo.
5- Xây dựng kỹ năng làm việc nhóm của từng nhóm. Các thành viên trong nhóm có thể nhanh chóng tiến hành và kích thích các giải pháp khả thi, quyết định liệu có khai thác từng giải pháp trong tương lai. Trong trường hợp những dự án phức tạp, đòi hỏi phải có các nhóm phụ, thì mỗi nhóm phụ đều có thể làm việc hiệu quả với nhóm chính nhờ vào ngôn ngữ chung của Tư duy Đột phá. Áp dụng các nguyên tắc và quá trình Tư duy Đột phá đối với vấn đề hoặc cơ hội của một nhóm cũng có nghĩa là xem việc xây dựng nhóm là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong các nỗ lực giải quyết vấn đề hoặc xử lý cơ hội, chứ không phải là một yếu tố phụ có thể thực hiện sau.
6- Đảm bảo chọn lọc đúng thông tin cần thiết từ những nguồn thông tin rộng lớn. Người tham gia vào dự án đều biết đưa ra những câu hỏi cần thiết. Nhưng tìm lời giải đáp thường có nghĩa phải bám sát các nguồn lực và tài nguyên bổ sung. Câu trả lời sẽ thỏa đáng hơn khi cả người được hỏi và người hỏi được cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến các mục đích và các giải pháp tiếp theo có thể thay thế lẫn nhau…
7- Nâng cao khả năng sáng tạo trong việc hoạch định, thiết kế, cải tiến và giải quyết vấn đề. Các nguyên tắc Tư duy Đột phá giúp khơi nguồn sáng tạo trong chính bản thân bạn, đồng thời cũng kích thích các cá nhân tham gia sử dụng sức sáng tạo của họ. Paul Hare cho rằng người sáng tạo là "người lập dị với những ý tưởng khác thường". Các nguyên tắc Tư duy Đột phá chắc chắn tạo ra cho mỗi người cơ hội trở thành người lập dị - có nghĩa là, không theo những quan niệm xã hội thông thường để nhìn nhận những thứ mà người khác đã nhìn nhận bằng một cái nhìn khác biệt (sự độc đáo).
8- Nâng cao khả năng khai thác yếu tố con người. Con người là thành tố chính trong hầu hết các hệ thống. Trong trường hợp phóng vệ tinh và tàu vũ trụ thì con người tham gia rất sâu từ việc chuẩn bị, phóng, và điều khiển chuyến bay.
Lôi kéo người khác tham gia vào dự án của bạn nâng cao cơ hội tìm được giải pháp phù hợp. Sự tham gia của con người trong một dự án là một cách để tăng cường khả năng tự chủ vốn được xem là một đặc tính của các tổ chức thành công vượt bậc.
9- Khắc phục tính kiêu ngạo của người đảm nhiệm dự án. Các nhà quản lý thường hạn chế sự phát triển nhận thức của nhân viên về công nghệ tiên tiến, và điều đó cũng gây những bất lợi cho chính họ. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của tổ chức cũng bị giảm sút.
Điều gây trở ngại đối với các nhà quản lý là do họ đặt tầm nhìn ngắn hạn – đó là một minh chứng cho tính yếu kém của cách giải quyết vấn đề truyền thống của người Mỹ. Các nhà quản lý thường nghĩ rằng để tiết kiệm thời gian, họ nên tự đi tìm giải pháp. Đó chính là lối tư duy ngắn hạn. Họ quên mất rằng thực tế có vô số giải pháp thất bại vì những người có liên quan không có cơ hội được tham gia đóng góp.
Một khó khăn khác là các giám đốc, cũng như chúng ta, chỉ nhớ những phản ứng thông thường trong cách giải quyết vấn đề truyền thống – như đỗ lỗi – và họ mong điều đó cũng xảy ra ngay cả khi họ đang áp dụng các nguyên tắc khác của Tư duy Đột phá.
10- Tránh được những sai lầm trong quá khứ.
11- Vượt qua những trở ngại về tình cảm, văn hóa và môi trường. Jim Adams đã nêu ra một số trở ngại kìm hãm sự phát triển ý tưởng. Thứ nhất là những điều kiêng kỵ. Người Nhật không thiết kế cửa chính hoặc cửa sổ ở hướng đông bắc, bởi đó là "cửa tử". Thứ hai là các tiêu chí ra quyết định, ví dụ lời răn của người da đỏ Iroquois là xem xét hậu quả của mọi hành động hôm nay đến bảy đời sau. Thứ ba là những sự thiên vị trong ngôn ngữ và biểu đạt, ví dụ như thuận theo hoặc chống lại những mô hình toán học trong dự án. Đó là những rào cản gây ra nhiều bất lợi bởi vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.
Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia đặt trọng tâm vào việc xử lý, chứ không phải gạt bỏ các niềm tin đang tồn tại. Khi kết hợp với các nguyên tắc khác của Tư duy Đột phá, Lôi kéo Người khác Tham gia cho phép các thành viên nhóm thể hiện giá trị của chính họ, cho phép họ tiến xa trong điều kiện và hoàn cảnh của chính mình. Đây là lý do quan trọng khiến Tư duy Đột phá được sử dụng thành công trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
12. Tránh xu hướng áp dụng những hệ thống kiểm tra, giám sát thái quá. Điều này liên quan đến xu hướng giải quyết vấn đề duy lý bằng cách áp đặt những cách kiểm tra, giám sát khác nhau đối với nhân viên, chỉ bởi vì các công nghệ có sẵn có thể làm điều đó tốt hơn chúng ta. Robert Howard mô tả "nỗi kinh hoàng" của việc kiểm tra, giám sát thái quá như sau:
Kiểm tra, giám sát thậm chí dẫn đến những kết quả yếu kém rõ ràng về nhiều mặt. Một nhà quản lý Ngân hàng Citibank đặt quy định "thời gian giải quyết trung bình 2 phút" cho mọi cuộc gọi của khách hàng đến trung tâm xử lý thẻ ở South Dakota. Kết quả là, khi nhân viên căng thẳng đáp ứng yêu cầu thời gian của mỗi cuộc gọi, họ sẵn sàng cắt ngang cuộc gọi của khách hàng bất kể vấn đề của họ chưa được giải quyết!
Một số mục đích và mục tiêu quan trọng khác của nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia:
• Gia tăng cam kết lâu dài của những người tham gia để đảm bảo tính khả thi và cải tiến liên tục của giải pháp.
• Đưa ra những câu trả lời thỏa đáng đối với những câu hỏi có thể gây khó chịu, ví dụ tại sao chúng ta phải thay đổi? Thay đổi có lợi gì cho tôi?
• Giúp mọi người thấu hiểu cách kiểm tra, giám sát cần thiết.
Mỗi người có thể sử dụng các nguyên tắc và quá trình kiểm tra đối với các vấn đề cá nhân, cả các vấn đề ở văn phòng hoặc ở nhà, đối với việc đặt những kỳ vọng hiệu suất đối với một giám đốc hoặc báo cáo trực tiếp, huấn luyện và đào tạo nhân viên, đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên, xem xét các yêu cầu chi tiêu vào thiết bị, và trên thực tế về tất cả các vấn đề "chuẩn mực" khác.
• Đáp ứng nhu cầu am hiểu công việc của hầu hết mọi người bằng cách hướng họ sử dụng các ý tưởng Tư duy Đột phá, qua đó nâng cao lòng tự trọng và bầu nhiệt huyết hướng đến thành công.
• Phát triển một nhóm làm việc ăn ý để giảm tình trạng thông tin không rõ ràng và bất cân xứng. Việc xây dựng nhóm bên ngoài và các mối quan hệ bên trong phải được thực hiện thường xuyên.
• Tránh quá trình giải thích duy lý của "tư duy tập thể" khi các thành viên bắt đầu nghiêng theo nhà quản lý không chấp nhận sự bất đồng chính kiến, hay từ chối phục tùng một nhà quản lý hay khuyến khích nhân viên một cách thái quá. Tư duy Đột phá nhấn mạnh việc đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau ở mỗi bước để giảm hẳn các nguy cơ dẫn đến một nhóm làm việc có khả năng mâu thuẫn nhau và làm việc kém hiệu quả.
Áp dụng nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia
Nếu bạn nghĩ và hành động như một người có năng lực thật sự, bạn sẽ không ngừng làm tốt hơn nữa những gì đã làm tốt trước đó.
Áp dụng phương pháp tư duy tích cực này đối với sự tham gia của cá nhân có thể tạo ra thêm một tài sản vô hình nhưng có giá trị cho việc giải quyết vấn đề, đặc biệt khi được áp dụng cùng với hai mức độ ý tưởng sau đây về cách sử dụng nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia.
Mức độ đầu tiên gồm những đề xuất hoàn toàn mang tính khuyến khích, và những mô hình hợp lý có thể áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Mức độ thứ hai xác định năm điều cân nhắc liên quan đến cách tiến hành nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia đối với vấn đề mà bạn đang xử lý.
CÁC GỢI Ý
a. Hãy thử áp dụng phương pháp này. Hãy đặt niềm tin vào người khác. Hãy nói chuyện với mọi người. Hướng dẫn họ các nguyên tắc Tư duy Đột phá. Vận dụng ngôn ngữ tư duy đột phá trong các cuộc thảo luận – các mục đích, thước đo đánh giá thành quả mục đích (sự hài lòng của khách hàng, chi phí, thời hạn, và năng suất), các Giải pháp Tiếp theo …
b. Đặt câu hỏi. Nội dung các câu hỏi phải liên quan đến mục đích, hệ thống lý tưởng… Đó là những câu hỏi không đe dọa đến lợi ích của người khác.
c. Tổ chức cuộc họp không chính thức trong những buổi ăn trưa hoặc một cuộc họp hàng tuần của câu lạc bộ tình nguyện cộng đồng. Đó sẽ là môi trường thích hợp cho sự trao đổi tích cực và tự do.
d. Tổ chức một cuộc họp giữa những người có thể tham gia vào một nhóm dự án lâu dài. Khi đó họ có thể thực hiện quá trình tìm kiếm giải pháp thông qua các cuộc họp nhóm nhỏ và các cuộc trao đổi cá nhân.
e. Mở một cuộc họp để vạch hệ thống giải quyết vấn đề bằng các nguyên tắc Tư duy Đột phá.
f. Hạn chế thái độ chỉ tay năm ngón, sự đánh giá nông cạn, bảo vệ quyền lợi riêng và thói quen phòng thủ mà mọi người thường thể hiện khi lần đầu tiên gặp nhau trong một dự án. Đó là một phần của sự "tan chảy"(*) trong học thuyết thay đổi của Kurt Lewin năm 1964. Đồng thời, theo sát lịch trình Tư duy Đột phá ở mức cao nhất.
g. Lôi kéo người khác tham gia theo xu hướng khách hàng và thị trường thông qua các mục đích lớn hơn trong hệ thống cấp mục đích.
h. Thu hút nhiều người khác nhau tùy vào mục đích của bạn là cải thiện một hệ thống đang có vấn đề, làm cho một hệ thống tốt trở nên tốt hơn, hoặc tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
i. Lôi kéo một hoặc hai người đã từng thành công trong "việc phá vỡ các quy luật". Các quy trình mà họ đã sử dụng – các mô hình tư duy, nguồn thông tin, những người được hỏi – có thể rất hữu ích.
(*) Tan chảy - unfreezeing - là xu hướng con người đi tìm một bối cảnh mà họ cảm thấy an toàn và có thề kiểm soát được.
j. Lôi kéo một hoặc hai người có thiên hướng khoa học nghệ thuật đối với các dự án kỹ thuật. (Ngược lại, với dự án nghệ thuật, văn hóa hoặc tôn giáo nên có sự tham gia của một hoặc hai người có đầu óc kỹ thuật.)
k. Sử dụng các nhóm hiện có. Các tổ chức cam kết nuôi dưỡng tinh thần làm việc nhóm là các tổ chức có lợi thế tốt để thay đổi theo Tư duy Đột phá. Mặc dù các nhóm mới cũng cần thiết, nhưng các thành viên của nhóm hiện tại có những nhận xét có giá trị vì họ thường cân nhắc những khác biệt họ sẽ làm nếu bắt đầu lại.
l. Duy trì nhiệt huyết cao với các nguyên tắc của Tư duy Đột phá, không chỉ ở giai đoạn đầu trong quá trình giải quyết vấn đề.
m. Tìm ra những cách thức công nhận những thành tích đột phá ngoạn mục do các cá nhân và nhóm tạo ra. Những công nhận có thể nhìn thấy không những quan trọng đối với nhiều người mà còn khích lệ người khác. Các hình thức khen ngợi thích hợp khác cũng cần được áp dụng đối với những thành tích nhỏ hơn.
n. Đặt ra quy chế làm việc nhóm để bảo đảm rằng các thành viên thực sự cởi mở với nhau, sẵn sàng tập trung thảo luận mục đích và các nguyên tắc khác nhau, vui vẻ, tin tưởng lẫn nhau, theo sát các nhiệm vụ được giao, nhiệt tình tham gia cuộc họp và gặt hái được các kết quả tốt đẹp.
CÁC PHƯƠNG PHÁP
Năm vấn đề cân nhắc liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia vào việc giải quyết vấn đề hoặc dự án được trình bày tại Bảng 9-1. Cả năm vấn đề có thể không quan trọng trong mọi tình huống.
Các giai đoạn hoặc các bước giải quyết vấn đề. Mục đích cần đạt được qua từng giai đoạn hoặc từng bước là xác định ai tham gia, khi nào, và như thế nào. Các nhóm khác nhau về kỹ năng, tầm ảnh hưởng và hiểu biết có thể cần thiết ở một số bước khác nhau.
Hãy nhớ rằng mối quan tâm và sở thích của con người luôn thay đổi. Ví dụ, một số người ban đầu có quan tâm nhưng không hẳn họ sẽ tham gia với bạn vì họ quan niệm rằng họ không bị ảnh hưởng gì bởi dự án. Ngoài ra, những người chuyển việc hoặc nghỉ việc, hoặc người mới được tuyển khi dự án tiến hành cũng không thể tham gia với bạn.
Đừng mất tinh thần nếu bạn gặp những trở ngại không có mối liên quan trực tiếp đến một hoạt động cụ thể của dự án. Có lẽ bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh sau: một số thành viên dự án có thể nói rằng toàn bộ dự án là một sự lãng phí thời gian; [những người quan trọng] rơi vào một cuộc tranh luận rối rắm giữa cuộc họp; một người không quan tâm và không cam kết tham gia trước đó bỗng bắt đầu "chiến đấu vì chính nghĩa"; cuộc họp dần dần rơi vào tình trạng mất kiểm soát; sự xuất hiện của không khí ảm đạm, nặng nề về hình thức; các ý tưởng lớn xuất hiện trong vài cuộc họp đầu tiên được đánh giá là ngây ngô, thậm chí "ấu trĩ". Khi đó, bạn nên quay lại giai đoạn trước, hoặc sử dụng các nguồn lực bổ sung (con người, tiền bạc, thời gian), hoặc sự ủng hộ của chính quyền.
Bảng 9-1: Những cách mời gọi người khác tham gia vào quy trình Tư duy Đột phá(*)
A. Giai đoạn
Nhận được tín hiệu đồng tình của nhà lãnh đạo cao nhất Huấn luyện đào tạo người khác về quy trình Tư duy Đột phá Phát triển hệ thống kế hoạch
Xác định vấn đề
Xác định tiêu chí ra quyết định
Xác định nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm
Xác định mục đích và dãy mục đích
Đề xuất ý kiến
Xem xét giải pháp tiếp theo
Chọn mục tiêu Chi tiết hóa Trình duyệt
Áp dụng
Cải tiến
B. Mức độ tham gia trong tổ chức
Không tham gia
Độc đoán
Tư vấn
Kiểm soát phản ứng
Cân nhắc
Kiểm tra phòng ngừa Quyết định chung Hợp tác hỗ trợ
Các nhóm làm việc thường xuyên
Tự quyết hoàn toàn
(*) Bạn có thể sử dụng các giai đoạn hoặc các bước (phần A) và các mức độ tham gia (phần B) để xác định những yếu tố bạn cần chọn từ ba phần còn lại (phần C, D, E).
C. Vai trò của cá nhân tham gia
Cố vấn
Người ủng hộ Người phân tích Khách hàng Người hòa giải
Chuyên viên tư vấn
Người tiêu dùng, người mua hàng hoặc người sử dụng
Khách hàng của khách hàng
Người ra quyết định, nguồn quyền lực (người kiểm soát tài nguyên, chính trị gia, thành viên ban quản lý…)
Người thiết kế/cải tiến Nhà giáo dục/chuyên gia Người đánh giá
Người vận động hành lang
Nhà quản lý Nhà tổ chức Chủ công ty
Đại diện nhóm đối tượng chịu tác động của dự án
Nhà nghiên cứu
D. Các quy trình nhóm
Động não (brainstorming)
Viết ra ý tưởng của từng người trong nhóm qua động não
Tranh luận
Bảng lựa chọn quyết định
Phương pháp Delphi (phương pháp dự đoán một cách có hệ thống và có tương quan dựa vào một nhóm chuyên gia độc lập)
Trò chơi hoặc mô phỏng
Tương tác
Phỏng vấn các cá nhân trong nhóm
Phương pháp KJ(1)
Khảo sát qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khác
Đánh giá tiện ích đa thuộc tính Phương pháp nhóm đại diện Lấy ý kiến
Trả lương theo hiệu quả công việc Nhóm chất lượng (quality circles)(2) Bảng câu hỏi và khảo sát
Phân vai
Huấn luyện sự nhạy bén trong nhận định
Chia sẻ thông tin Hệ thống đề xuất Ma trận hệ thống Xây dựng nhóm Giao tiếp từ xa
E. Các điều kiện cho cuộc họp
Phòng họp
Địa điểm (trong hoặc ngoài)
Ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ và thoáng khí
Sắp xếp bàn ghế (bàn tròn, chữ nhật, bầu dục) Số lượng người tham dự (hơn 7, dưới 3…)
Sắp xếp chỗ ngồi (ngẫu nhiên, theo thứ tự ABC…)
Nhận diện (bảng tên đeo trên ngực, bảng tên – chức vụ đặt trên bàn…) Các vật dụng hỗ trợ (giấy, viết, giá đỡ, bảng, bút lông, máy chiếu…) Không gian cho mỗi người (từ 0,6 đến 1,2 mét)
(1) là phương pháp do Jiro Kawashita (JK) đề xướng vào những năm 1960. Theo phương pháp này, mọi người trong nhóm sẽ viết ý tưởng của mình ra giấy, tìm các ý tưởng có liên quan, sắp xếp các tờ giấy ghi ý tưởng thành nhóm cho đến khi tất cả ý tưởng đều được phân loại để đánh giá và lựa chọn.
(2) Nhóm chất lượng là một nhóm tình nguyện làm cầu nối với ban giám đốc trong việc đề xuất các ý kiến, sáng kiến cải thiện chất lượng công việc, sản phẩm, điều kiện sản xuất nhằm nâng cao hiệu năng hoạt động của tổ chức.
Mức độ tham gia trong tổ chức. Mời gọi nhiều người tham gia trong một dự án có thể phản tác dụng khi tổ chức của bạn đang áp dụng các quy trình và phong cách quản lý độc đoán. Chẳng hạn, việc các công nhân và nhà quản lý cấp cao trong một tổ chức chuyên quyền cùng tham gia vào một cuộc họp để thiết kế điều kiện sản xuất mới là điều rất khó xảy ra.
Phần B, Bảng 9-1, liệt kê 10 kiểu quản lý đan xen, từ không tham gia đến tham gia hoàn toàn. Các kiểu tham gia khác nhau có thể được xác định như sau:
1. Không tham gia: Không có sự tham gia hoặc liên quan nào. Người ta biểu lộ sự ngạc nhiên nếu cấp trên hỏi họ một câu hỏi về việc giải quyết vấn đề. Họ hưởng lương để "làm việc", chứ không phải để "suy nghĩ". Các giám đốc phải "gởi đến" cho họ các quyết định.
2. Độc đoán: Thừa nhận sẽ xem xét dự án hoặc giải pháp do người khác đưa ra và sẽ áp dụng "nếu có thời gian và tiền bạc".
3. Tư vấn: Giám đốc hỏi nhân viên và tìm cách thu thập càng nhiều ý kiến càng tốt, nhưng việc lập tiêu chí và các chi tiết hoàn toàn do giám đốc thực hiện.
4. Kiểm soát phản ứng: Các tổ chức kêu gọi nhân viên tham gia trong việc đo lường, so sánh và đánh giá hiệu quả của một hệ thống thỏa đáng. Các nhóm dân cư, ban điều hành, đánh giá nhận xét của đồng nghiệp… là những mô hình có được sự tham gia của mọi người. Việc hình thành chính sách thỉnh thoảng mới phát sinh.
5. Cân nhắc: Sự tham gia đối lập hoặc ít nhất sự tham gia chính thức có cấu trúc được xây dựng thành các hoạt động bình thường.
6. Kiểm tra phòng ngừa: Tổ chức chủ động xem xét tầm nhận thức về những khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Các nhóm được phép báo cáo các hiểu biết để chỉ ra sự phát triển. Các nhóm cũng có thể phát triển những lựa chọn để phản ứng và "kiểm soát" tương lai.
7. Quyết định chung: Mặc dù các quyết định thường xuất phát từ ý kiến đóng góp của tập thể, nhưng vẫn có một sự trao đổi ý tưởng khá liên tục giữa các cá nhân có trách nhiệm điều hành hệ thống và các cá nhân làm việc trong hệ thống. Ban quản lý sử dụng cách này bởi vì họ nghĩ điều đó là thỏa đáng.
8. Hợp tác hỗ trợ: Các nỗ lực được chính thức hóa, với một số trách nhiệm quyết định được giải thích rõ ràng (ví dụ: nhóm cố vấn, các nhóm đại diện của người dân).
9. Các nhóm làm việc thường xuyên: Nhân viên và giám đốc gặp nhau thường xuyên để tìm cách giải quyết tất cả mọi loại vấn đề phát sinh trong phạm vi trách nhiệm của mình.
10. Tự quyết hoàn toàn: Một ban tư vấn gồm các nhà quản lý và đại diện nhân viên hoặc các nhóm liên kết chia sẻ trách nhiệm ra quyết định quan trọng (ngân sách, sản phẩm mới, thu mua và cắt giảm tài sản, chính sách và nội quy lao động…)
Hệ thống lương bổng và khen thưởng cũng là một yếu tố trong việc xem xét từng mức độ tham gia. Một cơ chế trả lương theo sản phẩm chặt chẽ có thể được sử dụng từ cấp độ 1 đến cấp độ 5, trong khi đó chế độ khen thưởng nhóm hoặc phân chia lợi ích theo nhóm được sử dụng từ cấp độ 7 đến 10. Các nguyên tắc và quy trình Tư duy Đột phá có thể được sử dụng để sáng tạo hoặc cải tiến những hệ thống này, vì vậy tránh việc sao chép quan niệm "trả lương thấp hơn để thuê mướn nhiều người hơn".
Vai trò của các cá nhân có liên quan. Số lượng người được mời tham gia chia theo vai trò và vị trí thường rất lớn, bất kể họ chính thức là thành viên của nhóm hay không. Có người được mời tham gia suốt dự án, nhưng có người chỉ được mời tham gia ở một giai đoạn nào đó của dự án (phần A, Bảng 9-1).
Bạn cần cân nhắc các vai trò và chức năng khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao nhất của nhóm – các vai trò thể hiện ở phần C. Không ai đóng vai trò "thuần nhất"; ranh giới của mỗi vai trò rất linh hoạt, và bạn có thể thực hiện nhiều vai trò cùng lúc hoặc yêu cầu người khác đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc. Nếu bạn đang xử lý vấn đề độc lập thì bạn phải đảm nhận một số hoặc tất cả các vai trò. Các dự án mà nhà quản trị then chốt đóng vai trò là "tác nhân thay đổi" hoặc "tác nhân xúc tác" bằng cách đảm nhận những vai trò như vậy thường có tỷ lệ thành công 100%.
Nói chung, các vai trò và kỹ năng khác nhau cần thiết cho dự án nên được xác định trước khi cân nhắc mời người tham gia. Ví dụ, một người được chọn trong vai trò công dân hoặc khách hàng trong một hội đồng kế hoạch chăm sóc y tế sẽ bị thành kiến nếu được giao công việc bán các thiết bị y tế. Một người được chọn làm tư vấn viên phải là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể để giúp nhóm hướng đến việc nắm bắt và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn người tham gia không những dựa vào kiến thức, khả năng và thương hiệu cá nhân mà còn về năng lực xã hội, sự cân bằng cảm xúc hoặc các giá trị đạo đức.
Ngược lại, một tập thể thành công lại phụ thuộc vào quy mô, đại diện và tuổi tác của từng cá nhân trong nhóm. Hãy thử với một nhóm 5 - 7 người. Với nhóm có nhiều người hơn, sự trao đổi bị giới hạn vì các thành viên không lắng nghe, hình thành liên minh, phe phái, lẩn tránh và không phát biểu. Nhóm ít hơn 5 người lại là nhóm quá nhỏ cho sự đại diện và các động lực. Những số lẻ thường thúc đẩy tăng năng suất, tránh sự chia nhóm, và mang đến những kết quả tốt. Tiếp theo, mỗi cách nhìn nhận liên quan nên được đưa vào. Những người có tư duy hội tụ và phân kỳ, viên chức và người có suy nghĩ tự do – tất cả nên có mặt. Cuối cùng, lựa chọn người vào các nhóm hành động đặc biệt, những người sẽ gắn bó lâu dài với tổ chức qua việc tiến hành sự thay đổi.
Các quy trình nhóm. Có một nhóm không đồng nghĩa với việc phải tổ chức các cuộc họp. Một vài bí quyết (bỏ phiếu lấy ý kiến và hội nghị qua điện thoại) có thể giúp cả nhóm "gặp nhau" mà không cần vào phòng họp.
Sử dụng nhóm và họp nhóm đòi hỏi sự suy xét cẩn thận. Lựa chọn người và các vai trò tham gia là thiết thực nhưng bản thân nó không đủ để áp dụng thành công nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia. Mời mọi người tham gia vào cuộc họp có thể dẫn đến thảm họa nếu không có cách điều hành hợp lý. Một số bí quyết được liệt kê trong phần D, Bảng 9-1; mỗi kỹ thuật được giải thích ở Bảng 9-2 liên quan đến các mục đích cơ bản và kết quả áp dụng. Từ đó, bạn có thể xác định bí quyết nào phù hợp cho tình huống của bạn.
Sau đây là những đặc điểm của nhóm mà bạn nên xem xét khi thiết kế hệ thống hoạch định dự án:
1- Các mục đích, trình tự mục đích và mục tiêu.
2- Trách nhiệm và mức độ tự quyết.
3- Điều kiện trở thành thành viên, quyền hạn nhóm mà mỗi thành viên mong muốn, mối quan hệ giữa các thành viên.
4- Hoạt động nhóm là chính thức hay không chính thức.
5- Sự thân thiện, thẳng thắn và tự do trong thảo luận (liệu cuộc trao đổi có phân chia vai vế giữa những người có chức vụ hoặc cuộc trao đổi chỉ diễn ra giữa họ?).
6- Sự đoàn kết của nhóm (có hiệu quả và cam kết theo nhóm hay không?) và mức độ sử dụng máy tính trong quá trình giải quyết vấn đề.
7- Mức độ kiểm soát của người điều phối và người ra quyết định.
8- Cơ sở vật chất sẵn có (thiết bị đầu cuối, các trang bị trong phòng họp…).
9- Nguồn thông tin sẵn có (thư viện và điều kiện cơ sở dữ liệu, chuyên gia…).
Có thể có một số bất lợi của nhóm như: áp lực tuân theo có thể gây ra những giải pháp chất lượng thấp, hoặc những nhóm có thể giải quyết vấn đề quá nhanh, thậm chí bỏ sót những ý tưởng hay khi giải pháp thăm dò được đưa ra.
Các điều kiện cho cuộc họp. Vì các điều kiện cho cuộc họp thường khác nhau, nên các cuộc họp được tổ chức không theo một cách cố định, sắp xếp chỗ ngồi không đối đầu để tránh trường hợp phân nhóm theo chức vị hoặc bè phái (xem phần E, Bảng 9-1). Nhiều yếu tố cần được xác định trước cuộc họp, và ánh sáng, nhiệt độ, độ thông thoáng… luôn phải được kiểm tra trước.
Dưới đây là một số hướng dẫn dành cho các nhà lãnh đạo để có một cuộc họp chất lượng cao:
• Theo sát chương trình cuộc họp đã được thông báo trước với các chủ đề đã định. Nhiều nghiên cứu cho thấy các hoạt động nhóm có tổ chức tốt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và mất ít thời gian hơn những hoạt động nhóm không có tổ chức.
• Hạn chế tối đa việc nói lan man để lấp vào khoảng trống trong cuộc họp. Thay vào đó, nội dung chính cuộc họp cần được theo sát.
• Nêu rõ thời gian dự kiến của cuộc họp.
• Với mỗi chủ đề trong chương trình, chỉ kiểm soát quá trình, không kiểm soát nội dung. Tạo cơ hội cho mỗi người đóng góp bằng một quy trình kiến nghị xoay vòng, được sắp xếp bởi người điều hành cuộc họp; sử dụng các cách thức đảm bảo sự tham gia của mọi người và xác định các quy tắc theo trật tự.
• Bắt đầu với một bản xác định kết quả dự đoán trước của cuộc họp.
• Thông báo cho nhóm về các tiến triển và kết quả từ cuộc họp trước. Sử dụng dẫn chứng. Các cá nhân có trách nhiệm với các hành động tiếp theo nên thông báo cho người khác về tiến độ công việc của mình.
• Tóm tắt nội dung cuộc họp đã đạt được, điều gì cần làm vào cuộc họp sắp tới và bởi người nào. Cuộc họp tới sẽ bàn về vấn đề gì.
• Tiến hành bỏ phiếu lấy ý kiến đa số nếu mọi người không thể đi đến thống nhất các quan điểm khác nhau rõ rệt. Có thể sử dụng điện thoại và máy tính để lấy ý kiến.
• Hăng hái với công việc của tập thể nếu bạn mong tập thể nhóm cũng quan tâm và nhiệt tình như bạn.
• Đưa các quyết định chưa đạt được sự đồng thuận của số đông vào chương trình cuộc họp tiếp theo để thu thập thông tin mới, ý tưởng từ các chuyên gia và những cá nhân có những vai trò khác nhau trong tổ chức, chú ý đến những cảnh báo về các hệ quả đạo đức và luân lý để đạt được sự nhất trí cao hơn trong nhóm.
• Khi cần thiết, lặp lại chiến lược toàn diện và cách tiếp cận toàn diện cho phù hợp với các chủ đề của chương trình cuộc họp nhằm củng cố quan điểm tổng thể làm cơ sở để ra các quyết định. "Hãy lắng nghe bằng cả trái tim". Nhấn mạnh mục đích cho tất cả các tham luận và quyết định. Tránh các nguy cơ về áp lực "suy nghĩ nhóm" về tính thống nhất và đồng nhất. Nếu có thể, hãy nhờ người khác không phải là thành viên nhóm viết biên bản và chuyển cho mọi người trước khi chương trình cuộc họp tiếp theo được đưa ra. Hãy ghi biên bản theo đúng ý kiến phát biểu nguyên thủy của từng cá nhân.
• Trong cuộc họp, tránh đưa ra các tài liệu không được nhóm kiểm tra trước. Đây có thể là một điều khó áp dụng vì bản chất của Tư duy Đột phá làm thông tin mới tự động phát sinh.
• Tuân theo quy định thời gian và lập kế hoạch các hoạt động tương lai theo trật tự thời gian.
• Duy trì sự linh hoạt để các thành viên nhóm xây dựng sự cởi mở, sáng tạo và tin cậy lẫn nhau. Hãy thảo luận nếu một chủ đề "nóng" phát sinh làm ảnh hưởng đến dự án, thậm chí nếu chủ đề nằm ngoài chương trình cuộc họp hoặc từ bên ngoài nhóm. Tránh sự khắc kỷ.
• Đảm bảo một tinh thần chung tích cực: đặt câu hỏi thay vì câu trả lời, nhắc lại các ý kiến một cách tích cực, đưa ra một hoặc nhiều lời giải thích, chấm dứt việc mạt sát lẫn nhau, xác lập tôn ti trật tự và sự tôn trọng giữa các thành viên.
• Nhận thức rằng mỗi nhóm là khác biệt. Có nhóm bắt nguồn từ một sự tập hợp các cá nhân riêng lẻ và nhóm khác là một phân nhóm trong cùng một tổ chức. Trong phạm vi những hướng dẫn này, mỗi nhóm nên phát triển cách thức hoạt động riêng.
• Nếu tình trạng (mức độ tổ chức, kinh nghiệm, quyền lực, danh tiếng) có khả năng thay đổi cao, hãy thông báo cho những người chức vị cao trước cuộc họp để họ chấp thuận sự đối xử công bằng của tất cả mọi người trong nhóm (khuyến khích gọi tên nhau; không dùng các danh từ về danh vị như chuyên gia hoặc tiến sĩ, không bình luận trong giai đoạn phát sinh ý tưởng; sắp xếp mọi người ngồi ngẫu nhiên hoặc theo thứ tự ABC, thay vì ngồi theo vị trí hoặc đại diện các bên).
• Nếu mâu thuẫn phát sinh nên giải quyết thông qua nguyên tắc các bên cùng thắng (win-win) thay vì bỏ ngang cuộc họp. Sự sáng tạo có thể bắt nguồn từ những quan điểm đối lập. Ví dụ, chuyển đến những cấp độ mục đích cao hơn trong dãy mục đích (Hình 5-4), để một cá nhân giới thiệu chức vụ của một người để người khác dễ chấp nhận, tập trung vào việc đạt được mục đích và kết quả thay vì tìm cách "hạ gục"các cá nhân khác, cho mọi người tất cả thông tin như nhau để hạn chế tình trạng liên minh, dành thêm thời gian để suy nghĩ thay vì tiến hành bỏ phiếu nhanh.
• Cảnh giác và phản ứng nhanh, tích cực với vấn đề và các khó khăn. Ví dụ, cá nhân xao lãng hoặc công kích người chủ trì cuộc họp, số người tham dự thấp, cảm thấy thiếu thời gian, nhóm thiếu các kỹ năng và sự tôn trọng lẫn nhau, điều kiện thiết bị hỗ trợ nghe nhìn không tốt…
• Sau khi hoàn thành một câu hỏi hay một ý, hãy chờ đợi ít nhất ba giây, cho dù mọi người hoàn toàn im lặng, trước khi nói sang ý khác. Nói liên tục hoặc dừng lại ít hơn ba giây sau khi đặt câu hỏi sẽ giảm thiểu khả năng nhận được phản ứng của người khác.
• Trung lập trong việc phản hồi ý kiến của thành viên.
Tránh nói "OK", "tốt", "ý kiến tuyệt vời"… Thay vào đó, hãy nói "Chúng ta hãy mở rộng ý đó một chút xem sao". Đặt câu hỏi bổ sung và khuyến khích nhiều phản hồi tích cực hơn vì họ sẽ không trở nên thiển cận hay tự mãn so với việc nhận được những từ ngữ có tính khen ngợi như trên.
Bảng 9-2: Một số kỹ thuật điều hành nhóm.
ĐỘNG NÃO VÀ TƯỞNG TƯỢNG
Các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thảo luận cởi mở và trao đổi ý kiến về một vấn đề cần cải tiến để tìm ra một giải pháp chung phù hợp nhất.
ĐỘNG NÃO VIẾT (Brain Writing)
Kỹ thuật này về cơ bản giống như động não, nhưng khác ở chỗ mỗi cá nhân viết ra ý tưởng của mình ra giấy. Các tờ giấy hoặc chuyển đến cho người kế tiếp ngồi cùng bàn hoặc dán ở giữa bảng để thành viên khác có thể đọc. Mỗi người nhận tờ giấy sẽ viết thêm ý kiến và đề xuất của mình để làm cho ý tưởng có tính khả thi hơn.
TRANH LUẬN
Hai nhóm tranh luận các đề xuất một cách chính thức. Một hội đồng ra quyết định sẽ đánh giá hiệu quả của mỗi nhóm để quyết định chọn đề xuất tốt nhất.
BẢNG LỰA CHỌN QUYẾT ĐỊNH (Decision Worksheet)
Những đặc điểm quan trọng nhất của các giải pháp có thể thay thế nhau được xếp hạng bởi các thành viên tham gia trên một bảng lựa chọn quyết định để đi đến giải pháp tốt nhất.
PHƯƠNG PHÁP DELPHI
Bảng câu hỏi khảo sát được gởi đến người đề xuất ý tưởng; và một nhóm thành viên sẽ tổng kết các câu trả lời. Sau đó, một bảng câu hỏi thứ hai gởi đến những người tham gia đã độc lập đánh giá những câu trả lời trước đó và lựa chọn ưu tiên những ý tưởng được đưa vào bảng câu hỏi thứ hai. Nhóm thành viên sẽ làm một tổng kết mới về những đánh giá và lựa chọn, và nhóm ra quyết định sẽ dựa vào đó để quyết định giải pháp phù hợp nhất.
TRÒ CHƠI HAY SỰ GIẢ LẬP (Simulation)
Các chương trình máy tính giả lập các tình huống có thể phát sinh theo sau việc thực hiện từng giải pháp. Kết quả của các giả lập sẽ quyết định kết quả cuối cùng.
VIẾT Ý TƯỞNG (Idea Writing)
Các ý tưởng được phát triển và ý nghĩa cùng các ẩn ý của chúng được khám phá thông qua bốn bước: tổ chức đầu tiên của phân nhóm giải quyết vấn đề trong một nhóm lớn, những ý tưởng hưởng ứng được viết ra ban đầu, tương tác trong ý tưởng được viết ra giữa những người tham gia, và sự phân tích và báo cáo về sự tương tác giữa các ý tưởng được viết ra.
TƯƠNG TÁC
Một nhóm gặp nhau để thảo luận vấn đề theo một cách không có sắp xếp trước. Nhà lãnh đạo giữ vai trò định hướng thấp, mặc dù nhà lãnh đạo được đào tạo có thể làm tăng mức độ tổ chức ý tưởng.
PHỎNG VẤN CÁC CÁ NHÂN TRONG NHÓM
Các ý tưởng và quyết định được khơi nguồn thông qua việc phỏng vấn riêng từng cá nhân – để họ đưa ra quan điểm của mình một cách độc lập mà không có sự tương tác với các thành viên khác của nhóm.
PHƯƠNG PHÁP KJ
Mỗi người trong nhóm viết ra ý tưởng trên mỗi tờ giấy rồi dán tất cả trên một tấm bảng hoặc đặt trên bàn. Các thành viên sẽ phân loại các tờ giấy thành từng nhóm, mỗi nhóm đại diện "cho một" người trong "gia đình". Kết quả là một biểu đồ các mối quan hệ của các "cá nhân" hoặc nhóm tờ giấy được phân loại theo bất kỳ cấu trúc hoặc trật tự nào mà nhóm quyết định (trình tự hệ thống, biểu đồ hình tròn, phác thảo…).
BỎ PHIẾU QUA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
Bỏ phiếu qua các phương tiện truyền thông (như TV hoặc điện thoại hội nghị) cho phép ra các quyết định thông qua bỏ phiếu khách quan và tránh được sự tương tác tiêu cực giữa các cá nhân với nhau.
ĐÁNH GIÁ TIỆN ÍCH ĐA THUỘC TÍNH
Tiện ích của các thuộc tính khác nhau của các phương pháp có thể thay thế lẫn nhau được đánh giá một cách chính xác để đi đến một quyết định.
KỸ THUẬT NHÓM ĐẠI DIỆN
Các cá nhân gặp nhau và tự mình viết ra các ý tưởng, mỗi người một ý tưởng và ghi lại trên bảng. Sau đó, cả nhóm thảo luận về ý tưởng của từng người, và thảo luận về các ý kiến mà từng cá nhân đặt ưu tiên hàng đầu. Giải pháp cuối cùng sẽ được chọn thông qua việc xếp hạng hay phân loại các ý tưởng.
KHẢO SÁT Ý KIẾN
Các cá nhân bày tỏ quan điểm hoặc ý thích về một vấn đề thông qua các cuộc khảo sát lấy ý kiến mà không cần phải tương tác trực tiếp.
KHEN THƯỞNG THEO HIỆU NĂNG LÀM VIỆC
Các cá nhân được khen thưởng căn cứ vào hiệu quả hoạt động chung của cả nhóm chứ không phải hiệu quả của riêng họ.
NHÓM CHẤT LƯỢNG HAY NHÓM CÔNG TÁC
Những nhóm nhân viên không chính thức tự nguyện gặp nhau để thảo luận và đề ra các giải pháp cho các vấn đề cải tiến năng suất. Nhóm chất lượng là một phần của triết lý quản trị sự tham gia của nhân viên của người Nhật.
BẢNG CÂU HỎI THĂM DÒ VÀ CÁC PHIẾU KHẢO SÁT Những người tham gia trả lởi các câu hỏi thăm dò và khảo sát để cung cấp các ý tưởng giải quyết vấn đề mà không cần có sự tương tác giữa các cá nhân.
NHẬP VAI
Các cá nhân "đóng" các vai trò khác nhau trong quá trình ra quyết định, vì thế họ sẽ hiểu được thái độ và ảnh hưởng của mình đến người khác và học hỏi cách trở thành một người giải quyết vấn đề hiệu quả.
HUẤN LUYỆN NHÂN VIÊN VỀ SỰ NHẠY BÉN
Quá trình này giúp các cá nhân phát triển sự tự nhận thức qua đó có thể nhạy bén hơn trước tác động của người khác và có thể học hỏi bằng cách tương tác với các thành viên khác của nhóm.
THAM GIA CHIA SẺ
Các thành viên nhóm được khuyến khích chia sẻ quan điểm và ý tưởng cởi mở, hay có thể nói các thành viên đều tham gia vào quá trình ra quyết định.
HỆ THỐNG ĐỀ XUẤT
Các đề xuất của cá nhân đối với việc cải tiến năng suất và chất lượng được thu thập. Các đề xuất thường được bỏ vào thùng thư góp ý và một ủy ban sẽ đánh giá liệu các đề xuất có đáng thực hiện hay không.
MA TRẬN HỆ THỐNG
Một cấu trúc giải pháp hướng dẫn nhóm giải quyết vấn đề thông qua việc phát triển giải pháp. Ma trận hệ thống cho phép các thành viên suy nghĩ một cách chính thống và vì thế xem xét các điểm chung và chiều hướng tương lai của đề xuất.
GIAO TIẾP TỪ XA
Tin nhắn bằng giọng nói, e-mail hoặc hình ảnh được trao đổi qua lại giữa những người tham gia cho phép việc trao đổi ý tưởng mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.
Lưu ý
Hãy nhớ rằng con người và tổ chức truyền đạt thông tin dựa trên cơ sở cần-phải-biết (need-to-know). Trong những trường hợp đó, bạn sẽ nghe thấy những tín hiệu cảnh báo sau:
"Chúng ta sẽ thông báo cho họ khi đến lúc."
"Họ sẽ không hiểu những điều phức tạp này đâu." "Họ không đủ trình độ để tham gia vào cấp ra quyết định này."
"Anh ta là người mơ mộng viển vông." "Cô ấy quá quan trọng hóa các chi tiết." "Họ làm tôi nổi điên với các câu hỏi." "Hãy đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề."
"Chúng ta (ban quản lý) tốn ít thời gian tìm giải pháp hơn họ."
Những nhận định trên đây chính là những dấu hiệu cho thấy nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia chưa được nhận thức rõ ràng và đầy đủ, và vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
Kết quả và tầm ảnh hưởng
Lợi ích của việc áp dụng nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia là tạo điều kiện cho người khác thực hiện tốt công việc của họ, bởi qua đó họ hiểu một cách dễ dàng hơn tại sao và như thế nào về hệ thống. Điều này lại tiếp tục nâng cao sự tự tin, góp phần mở rộng sự đóng góp và nhiệt huyết của họ đối với tất cả trong mọi công việc.
Người tham gia vào nhóm cũng có thể học cách trở thành thành viên hiệu quả trong các nhiệm vụ trong tương lai. Kỹ năng này rất cần thiết trong thế giới ngày nay. Khi các tổ chức thu hẹp và các cấp quản lý bị cắt giảm, sự thành công của cá nhân sẽ không được công nhận bằng sự thăng chức, mà thay vào đó bằng năng lực thực sự của họ trong công việc. Năng lực cá nhân được phát triển bởi Tư duy Đột phá không chỉ tạo ra khả năng lãnh đạo tốt, mà còn giúp phát triển năng lực và sự hợp tác tích cực của nhân viên cấp dưới.
Những lợi ích này không đảm bảo mãi mãi, nhưng các mô hình tư duy của nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia, được áp dụng kết hợp với những nguyên tắc Tư duy Đột phá khác, sẽ nâng cao mạnh mẽ khả năng đạt được chúng. Mọi người sẽ áp dụng các giải pháp và tiến hành các quy trình thủ tục mà họ tham gia phát triển. Thật vậy, với Tư duy Đột phá, những gì họ đề xuất cũng sẽ dự báo khả năng thực hiện của họ. Vì vậy, sự tương tác liên tục với những người bạn khuyến khích tham gia sẽ dần dần thiết lập một hành động tự nhiên chứ không phải là sự thay đổi bất ngờ cho bạn và cho họ.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích trên, bạn hãy luôn hỏi bản thân rằng:
• Tôi có hành động dựa trên cơ sở "hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu" hay không?
• Tôi có mời tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện của họ để cùng nhau xác định mục đích và tìm giải pháp không?
• Tôi có cho các thành viên nhóm đủ thời gian hiểu sự thay đổi không?
• Họ có nhận thức được lợi ích không?
• Các nhóm hoặc phân nhóm nào cần biết giải pháp của chúng ta?
• Tôi có tổng hợp trí tuệ các thành viên trong nhóm – chuyên gia, người thực hiện, người tư duy sáng tạo – hay không?
• Cách truyền đạt thông tin như thế nào là tốt nhất? Các nhóm nhỏ, bản tin, bảng ghi nhớ, họp nhân viên, các phương pháp nghe nhìn?
• Ai nên truyền đạt đề xuất của chúng ta? Các thành viên nhóm? Giám sát viên? Ban quản lý cấp cao?
Một tổ chức sẽ không có sự hiện diện nào khác ngoài sự hiện diện của các cá nhân bên trong tổ chức đó. Bạn không thể sáng tạo ra một tổ chức biết học hỏi. Nhưng bạn có thể nâng cao năng lực con người để họ học hỏi và sắp xếp các hoạt động cá nhân theo những phương pháp đầy sáng tạo.
Nhiều ý tưởng sẽ phát triển tốt hơn khi chúng được ươm trồng vào suy nghĩ của người khác.
Một người không thể khôn ngoan hơn muôn người.(*)
(*) Nguyên văn: No one is as smart as all of us.