T
huở nhỏ, thi thoảng tôi lại nói với cha mẹ rằng tôi phát hiện ra một đứa bạn cùng trường hay một người hàng xóm nào đấy rất đáng khó chịu. Tôi liệt kê những tính cách cực kỳ xấu xa của đứa bạn hay người hàng xóm kia và chờ đợi tới lúc cha mẹ phải làu bàu đồng tình. Nhưng ông bà chưa bao giờ hành động theo ý tôi. Thay vào đó, ông bà luôn luôn nêu các giả thuyết về lý do tại sao cái đứa bé đáng ghét lại có những tính cách như vậy (không phải tôi, mà là thằng nhãi cùng trường). Cha mẹ nó đã ly hôn và nó cảm thấy bất ổn, cha nó đánh đập nó tàn nhẫn, hay đại loại thế.
“Có thể”, tôi phản kháng. “Nhưng nêu lên lý do tại sao nó đáng ghét chẳng chứng tỏ được rằng nó không đáng ghét. Ngược lại, việc ấy thừa nhận rằng nó đáng ghét. Vậy tại sao cha mẹ cứ đưa ra những nhận xét này y như thể chúng bắt bẻ được ý kiến của con - mà ý kiến của con chỉ là, thực tế, nó đáng ghét?” Hoặc tôi vặc lại bằng những câu có tác dụng tương tự.
Thật kỳ quặc khi nghĩ rằng bạn đã phản bác thành công một lời khẳng định với việc giải thích tại sao nó đúng. Người ta có thể lẫn lộn tới mức nào mới đi nghĩ như vậy?
Cơn sốt đạo đức gây ra chuyện này. Cha mẹ tôi cho rằng tôi đang lên án đứa bạn về mặt đạo đức. Điều cha mẹ tôi muốn nói là: “Nó không có lỗi”. Nhưng về mặt đạo đức, tôi chẳng lên án đứa bạn gì hơn là lên án một món tráng miệng khi bảo rằng tôi thấy nó khô không khốc. Tự món tráng miệng đâu có thể làm được gì. Tuy nhiên, nó khô, và tôi không thích.
Nếu tôi nói với cha mẹ rằng ở Thụy Sĩ có một rặng núi, cha mẹ sẽ chẳng sửa lại ý kiến của tôi bằng cách giải thích xem rặng núi ấy đã hình thành như thế nào. Chỉ khi đầu óc rối rắm vì những suy nghĩ mang tính đạo đức, người ta mới có khả năng nhầm lẫn một lời giải thích thành một phản luận.
Không riêng cha mẹ tôi chịu đựng cơn sốt đạo đức. Nó là một chứng bệnh đầu óc rất phổ biến, và tôi ngờ rằng nó vẫn tiếp tục lây lan. Số lượng các quan điểm và các chủ đề đang càng ngày càng gia tăng dường như khiến nhiệt độ đạo đức lên đến điểm mà trí não bốc hỏa.
Chương cuối cùng này tập trung vào ba sự trục trặc nữa về tinh thần thông thường xuất hiện khi cơn sốt đạo đức bắt đầu giày vò người ta. Cần cảnh giác với chúng, vì trước những vấn đề bị đặt nặng tính đạo đức, hơn bao giờ hết càng đòi hỏi việc lập luận thật xác đáng. Hoặc tôi sẽ trình bày điều ấy ở phân đoạn cuối cùng. Bởi nếu tất cả các cuốn sách dạy cách rèn luyện bản thân đều bắt đầu bằng một lời thú nhận, cũng nên lấy đôi ba câu thuyết giáo để kết thúc chúng.
CÁI XẤU XA LÀ CÁI SAI LẦM
Trong cuộc tranh luận công khai ở New Zealand năm 1985 về việc hợp pháp hóa quan hệ đồng tính luyến ái, một lý lẽ lạ lùng tuy nhiên được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ là lý lẽ cho rằng phải nghiêm cấm hiện tượng này bởi nó phi tự nhiên. Lý lẽ ấy thật lạ lùng bởi, dù các chữ “phi tự nhiên” có ý nghĩa như thế nào, việc cho rằng phải nghiêm cấm những thứ phi tự nhiên cũng là ngu ngốc. Ví dụ môn bóng gỗ trên cỏ chính là loại hoạt động phi tự nhiên, nhưng sẽ kỳ quặc nếu chỉ vì thế mà đặt nó ra ngoài vòng pháp luật. Tương tự, là việc những đứa bé trai hôn những người bà đã thọ bát tuần, việc bận bít tất ngắn khi đi xăng đan và việc mổ tim… chẳng hạn.
Tuy nhiên, hầu như không ai thuộc phe ủng hộ hợp pháp hóa nêu ý kiến này. Thực tế thì, thay vào đó, họ đáp trả rằng hiện tượng đồng tính luyến ái là tự nhiên. Theo tôi, nói như vậy thật tai hại về chiến thuật, vì nó ngầm thừa nhận rằng những gì phi tự nhiên phải bị nghiêm cấm. Đây là ví dụ minh họa cho cái điều tôi hay để ý thấy: sự thiên kiến nặng nề biện luận cho các thực tế chứ không biện luận cho hệ quả của các thực tế đó. Sự thiên kiến ấy rất ngớ ngẩn, vì nó đem đến lợi thế to lớn cho phe phi lý trong cuộc tranh luận. Bọn họ chỉ việc rút ra thứ kết luận vô căn cứ từ một tiền đề có thật và trước thiên kiến này đối phương sẽ chẳng còn hy vọng gì nữa.
Dù sao, chuyện cũng đã diễn biến như sau. Hầu hết những người thuộc phe ủng hộ hợp pháp hóa khẳng định đồng tính luyến ái là hiện tượng tự nhiên, vì nó có cơ sở di truyền. Vào thời điểm năm 1985, đây là lời khẳng định gây tranh cãi và tất nhiên hầu hết những người tham gia tranh luận đều không hiểu biết mấy về ngành khoa học này. Bởi vậy, có lẽ đã may mắn khi một số người tìm được một phương pháp đơn giản để chứng minh hiện tượng đồng tính luyến ái là tự nhiên. Nó phải là tự nhiên - họ khẳng định vậy, bởi những người muốn nghiêm cấm chuyện ấy khẳng định nó phi tự nhiên - và việc nghiêm cấm chuyện ấy là sai lầm rành rành.
Những nhà tư tưởng này thừa nhận cấu trúc biện luận mà phe phản đối hợp pháp hóa nêu lên, nhưng đảo ngược hướng của nó. Họ thừa nhận rằng hiện tượng đồng tính luyến ái phải bị nghiêm cấm nếu nó phi tự nhiên. Vấn đề là nó không thể bị nghiêm cấm. Cho nên nó ắt là tự nhiên.
Phương pháp tiếp cận kiểu ấy cho phép những người mang trong lòng niềm tin vững chắc phát hiện được đủ thứ thực tế thú vị về thế giới xung quanh mình mà chẳng cần đi qua các cái nghiêm ngặt thông thường của quá trình nghiên cứu khoa học. Bằng việc chấp nhận một mối liên hệ giữa các thực tế về thế giới như nó vốn vẫn vậy (ví dụ, hiện tượng đồng tính luyến ái là tự nhiên) và các thực tế về thế giới như nó phải vậy (ví dụ, pháp luật phải thừa nhận hiện tượng đồng tính luyến ái), những người mang trong lòng niềm tin vững chắc về điều thứ hai sẽ vui vẻ tiếp thu ngay điều thứ nhất. Những kẻ ngốc nghếch tội nghiệp vật lộn trong phòng thí nghiệm để khám phá ra cơ sở di truyền cho hiện tượng đồng tính luyến ái: nếu họ sở hữu niềm tin mạnh mẽ, họ sẽ có thể yên tâm nghỉ ngơi.
Mặc dù vô lý, khi đứng trước những vấn đề tế nhị, “phương pháp niềm tin” này được áp dụng phổ biến. Cuộc tranh luận về sự khác biệt mang tính hệ thống đối với chỉ số thông minh của các chủng tộc người khác nhau là ví dụ điển hình. Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số thông minh trung bình ở người châu Á cao hơn ở người da trắng và ở người da trắng lại cao hơn ở người da đen.43 Hầu hết các nhà phê bình đều phản bác kết quả này mà không bàn gì tới phương pháp nghiên cứu hay số liệu được sử dụng. Cái thực tế là kết quả này đồng tình với những kẻ theo Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc được coi như một cơ sở thỏa đáng.
43 Cuộc tranh cãi gần đây nhất được R. J. Hernstein và C. Murray khơi lên bằng cuốn “Đồ thị hình chuông: Trí thông minh và cấu trúc giai tầng trong đời sống Mỹ” (Nhà xuất bản Free, New York, 1994). Stephen Jay Gould với cuốn Thước đo sai lầm cho con người (Nhà xuất bản Penguin, London, 1981) đã đưa ra những lý lẽ đi ngược lại “sự quyết định mang tính di truyền” mà cuốn “Đồ thị hình chuông” đưa ra. (TG)
Lập luận đó rõ ràng có sai sót. Làm sao mà cái thực tế là những kẻ theo Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc thích thú với bất cứ thông tin nào đấy lại chứng tỏ được rằng thông tin ấy thiếu tính đúng đắn? Phần lớn tài liệu liên quan đến vấn đề này đều đã cố gắng chứng minh rằng lời khẳng định kia thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc hoặc người ta đưa ra lời khẳng định kia vì động cơ phân biệt chủng tộc. Nhưng, tương tự như trên, làm sao mà riêng điều này lại chứng tỏ được rằng chỉ số thông minh trung bình ở người da trắng không thực sự thấp hơn ở người châu Á?
Bên cạnh sai sót về logic, lý lẽ phản bác ý kiến về chỉ số thông minh kia còn xuất phát từ động cơ thiếu lành mạnh. Ý kiến đó thực tế có thể sai lầm, tuy nhiên tại sao nó khiến một đối thủ của Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc đặc biệt băn khoăn? Anh ta phải chấp nhận lập luận của những kẻ theo Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc, rằng các khác biệt như thế sẽ biện hộ cho mọi thói coi thường những chủng tộc có chỉ số thông minh trung bình thấp hơn. Đấy là một điều nguy hiểm nếu phải chấp nhận, vì các khác biệt này biết đâu lại hóa ra đúng.
Những người thậm chí không dám lắng nghe một quan điểm mà từ quan điểm đó những người khác rút ra các kết luận đáng khó chịu chính là ngầm đồng ý nó hàm chứa các kết luận này. Nếu quan điểm đó hóa ra chính xác, những con đà điểu khôn ngoan ấy liệu còn có cách nào bảo vệ mình đây?
CÁI CÓ LỢI LÀ CÁI ĐUNG ĐẮN
Trong các cuộc tranh luận về sự tồn tại của Chúa Trời, những người sùng đạo hay nói với bạn rằng đức tin mà họ ôm ấp là nguồn động viên an ủi họ ở những thời khắc khó khăn. Điều này chẳng liên quan gì cả. Đức tin vào Chúa Trời sẽ đưa đến sự động viên an ủi ấy thậm chí nếu Chúa có không tồn tại thực.
Lợi ích mà một niềm tin mang lại ngay cả khi niềm tin ấy sai lầm đâu phải là bằng chứng cho thấy rằng niềm tin đó đúng đắn. Có lẽ tất cả những ai tin tưởng mình sở hữu một hình thức trên mức trung bình đều đạt được sự tự tin. Lợi ích này không thể biến niềm tin ấy thành hiện thực đối với tất cả, vì 90% nhân loại vốn vẫn có niềm tin như thế. Tin tưởng mình được một vị thần hộ mệnh che chở, một anh lính có thể trở nên gan dạ hơn trên sa trường. Nhưng, cũng giống như vậy, đấy đâu phải là bằng chứng cho thấy rằng những vị thần hộ mệnh quả có tồn tại.
Lỗi này rất rõ ràng và, ngoài lĩnh vực tôn giáo ra, bạn nghĩ nó cực kỳ hiếm gặp. Tuy nhiên, nó chẳng hề hiếm gặp. Sau đây là cách mà Tiến sĩ Peter Kenway biện hộ cho phương pháp đánh giá mức độ nghèo khổ thiếu tính tin cậy do chính phủ tiến hành, căn cứ vào thu nhập khả dụng (xem phần “Tình trạng nghèo khổ Anh”):
Đó là một con số thống kê đơn giản và đáng tin cậy, đóng vai trò to lớn trong việc đẩy vấn đề người nghèo lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ.44
44 Tờ Người bảo vệ, 19/4/2002. (TG)
Tại sao Tiến sĩ Kenway lại đề cập tới chuyện con số thống kê này đẩy vấn đề người nghèo lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ? Chuyện ấy thì có liên quan thế nào ở cuộc tranh luận về tính chính xác của phương pháp đánh giá? Con số thống kê đã đẩy vấn đề người nghèo lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ chẳng phải vì nó chính xác, mà vì nó cao. Một phương pháp đánh giá chính xác hơn đem đến những kết quả thấp hơn hẳn sẽ gây tác động kém mạnh mẽ hơn đối với chương trình nghị sự của chính phủ. Tiến sĩ Kenway có thể đang mắc phải cùng một lỗi lập luận như tín đồ Cơ Đốc giáo được hưởng sự bằng an kia chăng?
Nếu ông tiến sĩ thừa nhận rằng tác động đến chương trình nghị sự của chính phủ không thể hiện tính chính xác của con số thống kê, thì ông ấy ắt đã nghĩ việc đẩy vấn đề người nghèo lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự khiến chúng ta phải ủng hộ con số này thậm chí nếu nó thiếu chính xác. Đấy là một ý tưởng lạ lùng. Nếu tình trạng nghèo khổ chẳng thực sự nghiêm trọng như con số thống kê chỉ ra, lúc đó, chắc chắn, nó chẳng cần được ưu tiên tới mức ấy trong chương trình nghị sự. Những ưu tiên thích đáng về chính sách phụ thuộc vào các thực tế. Cái ý tưởng là hãy bắt đầu bằng những ưu tiên và rồi điều chỉnh cách suy nghĩ về các thực tế cho phù hợp với những ưu tiên đó thật ngớ ngẩn.
Tất thảy chúng ta đều thi thoảng tự buông mình vào những sự lừa gạt như thế khi muốn bảo vệ một quan điểm mà chúng ta ưa. Nhưng chúng ta biết rằng chẳng nên vậy, thậm chí nếu chúng ta cho là quan điểm ấy rất đạo đức. Nếu để bảo vệ nó, chúng ta phải bóp méo các thực tế, thì suy cho cùng nó không thể đúng đắn được. Cái đạo đức xếp hàng đằng sau sự thật.
NHỮNG GÌ HÈN MỌN SẼ NẮM GIỮ SỰ THẬT
Năm 1985, Liên đoàn bóng bầu dục New Zealand có kế hoạch tiến hành một chuyến thi đấu vòng quanh Nam Phi cho đội tuyển bóng bầu dục All Blacks45 của mình. Các tổ chức chống Chủ nghĩa Apartheid ở New Zealand kịch liệt phản đối kế hoạch này. Nằm trong chiến dịch tập hợp những hoạt động phản đối chuyến thi đấu, John Minto, người đứng đầu nhóm HART46, đã nói chuyện tại Đại học Tổng hợp Auckland.
45 All Blacks: tên đội tuyển bóng bầu dục New Zealand. (ND)
46 HART (các chữ viết tắt của cụm từ Halt All Racist Tours): tên một nhóm được thành lập ở New Zealand năm 1969 phản đối những chuyến thi đấu bóng bầu dục giữa New Zealand và Nam Phi Apartheid. (ND)
Sau bài nói chuyện của ông, một sinh viên không đồng ý với một số biện pháp mạnh mẽ hơn được đưa ra cho việc thuyết phục Liên đoàn bóng bầu dục ngừng xúc tiến chuyến thi đấu. Quyền tự do công dân của các cầu thủ là chủ đề của cuộc trao đổi, nhưng chúng ta chẳng cần quan tâm tới chi tiết. Đáng quan tâm là ông Minto, lúc bấy giờ đã trở nên nôn nóng, nêu lên vấn đề mà ông coi như cốt tử. Những người da đen ở Nam Phi đang chết đói và không muốn chuyến thi đấu này diễn ra. Ông lắng nghe họ và không lắng nghe những người dân ngoại ô da trắng trung lưu.
Anh sinh viên đáp lại rằng cảnh nghèo khổ của những người dân Nam Phi da đen chẳng khiến họ có nhiều khả năng đúng hơn đối với các điểm triết lý chính trị đang thảo luận. Tiếng la ó, tiếng giễu cợt ầm ĩ trước nhận xét này chấm dứt cuộc tranh cãi với sự ủng hộ nghiêng về phía ông Minto.
Nhưng anh sinh viên đã có lý lẽ xác đáng. Dù Chủ nghĩa Apartheid bất công đến thế nào, nó cũng không ban cho các nạn nhân của nó khả năng tuyệt đối đúng đắn. Nỗi căm giận trước sự ngược đãi ai đó không bắt buộc bạn phải đồng ý với mọi điều anh ta bày tỏ ra. Ông Minto đã mang cơn sốt đạo đức.
Ông Minto không phải là trường hợp cá biệt có biểu hiện triệu chứng này. Trong các ngành khoa học nhân văn - nhân chủng học, xã hội học, phê bình văn học, và đại loại vậy - gần như có quy định chính thống là quan điểm của những người bị Chủ nghĩa Đế quốc phương Tây cai trị thì miễn nhiễm trước sự chỉ trích. Cứ đi mà nói rằng niềm tin truyền thống của những dân tộc như thế là sai lầm, chẳng mấy chốc bạn sẽ bị buộc tội ủng hộ chủ nghĩa đế quốc về tri thức hoặc văn hóa.
Liệu việc chỉ trích quan điểm của những nền văn hóa khác có phải một loại Chủ nghĩa Đế quốc không, vấn đề này nằm ngoài phạm vi cuốn sách quý vị đang đọc. Điểm quan trọng ở đây chỉ là tính miễn nhiễm trước sự chỉ trích không thể xuất phát từ chỗ như nhiều người cổ súy cho nó vốn vẫn tuyên bố: cụ thể là sự thật thì tương đối về khía cạnh văn hóa.
Học thuyết tương đối về văn hóa, được ưa chuộng trong các ngành khoa học nhân văn, là học thuyết cho rằng bất kỳ niềm tin nào tồn tại phổ biến trong một nền văn hóa sẽ tất yếu đúng trong nền văn hóa đó. Ở Iran, nhìn chung người ta tin tưởng chỉ có một Chúa Trời. Vậy, ở Iran, việc chỉ có một Chúa Trời là sự thật. Ở Papua New Guinea, dân bản xứ có xu hướng tin tưởng vào nhiều Chúa Trời. Vậy, ở Papua New Guinea, việc có nhiều Chúa Trời là sự thật. Mỗi nền văn hóa có khả năng sáng tạo ra những sự thật cho riêng mình. Bất đồng với quan điểm của số đông, bạn chắc chắn đã sai lầm - theo định nghĩa về sự thật.
Học thuyết tương đối về văn hóa quá ngớ ngẩn, khó có thể nghĩ kẻ nào đầu óc lại phát cuồng tới nỗi nêu nó ra. Nếu nó đúng đắn, các vị thánh thần, các hành tinh, các loài vi khuẩn và mọi thứ khác sẽ tồn tại và không tồn tại phụ thuộc vào việc số đông người ta cho là chúng tồn tại hay không. Mà hiển nhiên là không phải vậy. Và những câu tuyên bố mâu thuẫn nhau, ví dụ cả hai câu “Chỉ có một Chúa Trời” và “Có nhiều hơn một Chúa Trời” sẽ đều đúng, vì những đức tin phổ biến trong những nền văn hóa khác nhau thông thường mâu thuẫn nhau. Mà thực tế thì hai câu tuyên bố mâu thuẫn nhau không thể nào đều đúng được. Đừng bị đánh lừa bởi những cụm từ đại loại như “ở Iran”, “ở Papua New Guinea”, “ở nước Pháp thế kỷ XIX”… mà những người theo học thuyết tương đối hay đem đặt vào cuối những lời khẳng định về các sự thật. Dân Iran tin tưởng rằng chỉ có một Chúa Trời, không riêng ở Iran, mà ở đâu cũng vậy. Niềm tin này chẳng thể đúng ở Iran nhưng không đúng ở Papua New Guinea. Nếu ở đâu đó nó không đúng, nó sẽ không đúng ở đâu cả.
Nhiều người thích thú cái cảm giác tội lỗi về hành động sai trái họ không làm, tỷ dụ như việc xâm chiếm châu Phi làm thuộc địa, hay phủ nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Tôi từng chứng kiến những sinh viên, mà tôi khá chắc chắn rằng vẫn còn là trai tân, tham gia tuần hành với biểu ngữ tuyên bố “Tôi là kẻ cưỡng dâm”. Ai từ chối nổi người ta những niềm vui vô tội như thế? Nhưng, giống như đối với mọi loại niềm vui khác, tội lỗi dỏm cũng cần được thưởng thức một cách có trách nhiệm. Bạn không được cho phép bản thân bị kích động đến mức phải cơn sốt đạo đức và đâm tin tưởng rằng các nạn nhân của mình luôn luôn đúng.
HÃY NGHIÊM TÚC NÀO
Có thể tìm thấy các lỗi lập luận được đề cập tới trong cuốn sách này ở một vài nguồn đáng tin cậy: quốc hội, những chương trình tranh luận trên sóng phát thanh, những bài xã luận của báo chí, tất cả đều cung cấp chất liệu để bạn rèn giũa kỹ năng nhận diện chúng. Nhưng, nếu bạn ít thời gian và muốn tìm kiếm một liều cô đặc thực sự những thứ ngớ ngẩn lộn xộn, theo tôi thì bạn nên viết thư cho đài BBC và xin họ băng ghi âm các chương trình của diễn dàn Mê cung Đạo đức phát trên kênh Radio 4.
Khách mời tham gia diễn đàn này là những trí thức trình độ cao - chủ yếu là các học giả, các nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, các chính trị gia. Họ hoàn toàn có khả năng suy nghĩ một cách logic. Tuy nhiên, đem đặt một số chủ đề đạo đức nặng ký trước họ, họ sẽ nhanh chóng biểu hiện mọi dấu hiệu của cơn sốt. Nếu bạn lắng nghe họ được lâu, bạn ắt thấy rất rõ ràng nhiều người quan tâm đến việc bộc lộ sự lo lắng và tính chân thành hơn là đưa ra các lập luận có sức thuyết phục. Thực tế, họ dường như tin tưởng rằng sự lo lắng thật tâm cấp giấy phép cho sự phi lý. “Anh không cãi lại anh ta được đâu” là phản ứng mà họ tìm kiếm. Và trong lúc cố gắng tìm kiếm điều này, họ giống hệt nhiều người lắng nghe họ.
Rằng bạn không cãi lại được sự chân thành, rằng sự quan tâm cấp giấy phép cho sự phi lý, cái ý tưởng đó càng phổ biến chừng nào thì càng tai hại chừng ấy. Nó để lộ ra sự thiếu hụt khả năng nghiêm túc phân biệt phải trái. Nếu bạn thực lòng quan tâm đến vấn đề đang xem xét, bạn hẳn sẽ muốn tin tưởng vào sự thật về vấn đề này hơn bao giờ hết. Và sự có lý chỉ là cách suy nghĩ nào mang lại cho những niềm tin của bạn cơ hội đúng lớn nhất.
Cái ý tưởng rằng sự chân thành có thể thay thế lẽ phải xuất phát từ một thái độ mang tính tự kỷ trung tâm đối với niềm tin: tất cả những gì tôi tin tưởng là về tôi, chứ không phải về thực tế. Cái quan trọng không phải là quan điểm tôi ủng hộ sẽ có ảnh hưởng như đã định hay sẽ có ảnh hưởng tốt nhất, cũng không phải là những vấn đề khiến tôi băn khoăn thực sự tồn tại hoặc nghiêm trọng, mà đơn giản là tôi giữ quan điểm của tôi vì các tình cảm đúng đắn, rằng tôi tốt đẹp.
Một thái độ khinh thường sự thật mang tính tự kỷ trung tâm tương tự như vậy cũng nằm đằng sau nhiều lỗi lập luận được đề cập ở những chương trước. Người ta sẽ giữ một quan điểm bởi người ta muốn liên kết với những người cùng giữ quan điểm này, hoặc bởi người ta nghĩ là nó đáng trọng, hoặc bởi người ta đã từng công khai phát biểu nó và sẽ cảm thấy xấu hổ nếu bây giờ đi phát biểu ngược lại, hoặc bởi thế giới sẽ thuận tiện cho họ hơn trong trường hợp quan điểm này đúng, hoặc bởi một lý do nào đó khác.
Có lẽ sẽ dễ dàng hòa thuận với gia đình và bè bạn hơn, sẽ không phải ngượng ngùng lúng túng hoặc sẽ tự khoan khoái trong lòng nếu ôm ấp các ảo tưởng, nhắm mắt phớt lờ sự thật. Nhưng những ai có lối tiếp cận vấn đề kiểu này nên từ bỏ mọi kỳ vọng về tính nghiêm túc đối với tri thức. Họ đâu quan tâm tới thực tế một cách chân thành.
Họ cũng đâu chân thành quan tâm tới lợi ích của người khác. Bởi chúng ta tất thảy đều sống với thực tế, ngay cả khi chúng ta ước nó thay đổi. Để biết điều gì là lợi ích lớn nhất đối với những người mình quan tâm, bạn cần phải hiểu thế giới họ đang sống. Ví dụ, nếu Thiên đường không thực sự tồn tại, thì các đau khổ mất mát mà những người sùng đạo cho là con đường dẫn lên đấy không thực sự là lợi ích lớn nhất đối với con cái họ. Nếu họ nghiêm túc quan tâm đến con cái, họ hãy nghiêm túc suy nghĩ về sự tồn tại của Thiên đường. Và nếu việc này đã đúng với tôn giáo, nó càng hiển nhiên đúng với các lĩnh vực vật lý, sinh học, kinh tế học, tâm lý, y khoa, và mọi lĩnh vực khác mà con người hình thành nên các quan điểm.
Việc tách bạch tính nghiêm túc về tri thức và tính nghiêm túc về đạo đức khó khăn hơn những kẻ phù phiếm về tri thức có thể tưởng.
The End!